Tôi không biết mình có nhìn nhầm hay không, cũng không biết có phải Thịnh đang khóc. Thế nhưng tâm trí tôi lúc này đã không thể nào nghĩ ngợi được nhiều nữa. Một con thú bị thương đầy mình, bị dồn đến đường cùng làm sao có thể nghĩ đến cảm xúc của người khác nữa. Thịnh vẫn ngồi dưới đất tỉ mỉ gắp từng mẩu thuỷ tinh vụn, từng hạt cát ra khỏi chân tôi. Đến khi xong anh cẩn thận sát trùng rồi mới băng bó lại. Cuối cùng anh lấy đôi dép lê dưới chân bàn của mình đưa cho tôi rồi nói:
– Đeo vào đi. Đừng để vết thương bị nhiễm trùng.
Tôi không nhìn anh, hai chân xỏ vào đôi dép to rộng đáp lại:
– Cảm ơn.
– Bây giờ tâm trạng cô không tốt, vậy cô cứ ra ngoài một lúc, đợi sau khi có kết quả xét nghiệm tuỷ lúc ấy tôi sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Bệnh nhân chắc cũng sắp được về phòng rồi đấy.
Tôi biết nếu giờ nghe cũng sẽ không lọt tai chữ nào cuối cùng cũng đứng dậy đi ra ngoài. Gió ngoài trời thốc vào từng cơn, cả cơ thể mỏng manh của tôi khẽ run lên. Tôi lê từng bước chân dọc hành lang bệnh viện, đến khi sang khu cấp cứu mới biết Bình đã được đưa về phòng chăm sóc đặc biệt. Cô y tá dẫn tôi đi sang, vừa thấy con tôi đã không kìm được lao vào ôm lấy. Bình mới tỉnh, con còn mệt nhưng thấy mẹ vẫn cười để lộ mấy cái răng sữa trắng tinh, miệng bi bô:
– Mẹ.
Nghe con gọi mẹ, trái tim tôi như có ai bóp nghẹn. Thế nhưng trước mặt con tôi phải mạnh mẽ cười gượng gạo. Bình ăn chút cháo rồi lại ngủ, dưới ánh đèn gương mặt con càng tái nhợt. Lúc này nhìn đồng hồ tôi mới biết hoá ra giờ đã là chiều. Hôm qua tôi chỉ xin giám đốc cho nghỉ sáng đưa Bình đi khám, không ngờ lại xảy ra chuyện thế này. Cuối cùng tôi phải gọi điện lại, trình bày lý do rồi xin giám đốc cho tôi nghỉ phép vài ngày. Chuyện con cái ốm đau là chuyện không ai mong muốn. Trong lúc chờ quyết định đề bạt lên làm phó phòng tôi lại nghỉ dài ngày cũng không phải việc tốt. Thế nhưng tình thế này tôi không có cách gì khác, lựa chọn giữa sụ nghiệp và con cái ắt hẳn người mẹ nào cũng không do dự mà chọn con.
Khi đang ngồi với Bình bên ngoài có tiếng cạch cửa. Vừa mở cửa ra tôi thoáng ngây người khi nhìn thấy mẹ tôi đang bước vào. Hình như mẹ vừa đi một đoạn đường rất dài, tóc mẹ còn có chỗ rối bù. Tôi chưa từng nhìn thấy một mẹ Hà Liên như thế. Từ trước tới nay, kể cả hôm mang bản xét nghiệm ADN đến mẹ cũng rất chỉn chu gọn gàng. Mẹ thấy tôi, lại thấy Bình nằm trên giường, mặt mẹ hơi biến sắc hỏi:
– Rốt cuộc có chuyện gì vậy? Thằng bé bị làm sao?
Tôi nghe mẹ hỏi, hai mắt bỗng ầng ậc nước. Tôi không dám nhìn Bình, sợ rằng chỉ cần nhìn con tôi lại không kìm nổi nữa mà oà lên khóc. Đứng trước người sinh ra tôi và người tôi sinh ra, tôi muốn gồng lên để tỏ ra mạnh mẽ nhưng lại cảm thấy mình sắp không chịu nổi. Hai tay tôi đan vào nhau, bấu chặt, cúi đầu thấp nhất có thể mới thốt ra được vài từ:
– Bác sĩ nói thằng bé bị bạch cầu cấp tính… là một dạng của ung thư máu.
Tôi cũng không biết vì sao mình có thể nói ra mấy chữ này một cách rõ ràng mạch lạc như vậy. Qua lớp kính phản chiếu tôi thấy mẹ loạng choạng như sắp đổ. Hai tay mẹ bấu xuống ghế, cả gương mặt biến sắc thành màu tái nhợt. Dường như mẹ không tin nổi, thân hình bất động mất một lúc rất lâu. Cuối cùng mẹ mới có thể cất lên thứ giọng khàn đục:
– Ung thư máu? – Vâng ạ.
Mẹ tôi đột nhiên đứng phắt dậy lắc đầu nói:
– Không thể nào, làm sao có thể ung thư máu được. Thằng bé mới gần ba tuổi ung thư máu cái gì, bác sĩ nào nói thế, vớ vẩn, đi gặp bác sĩ hỏi lại cho rõ.
Tôi nhìn mẹ lao ra cửa, lòng như có ai xát muối lao vào ôm mẹ. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ mất bình tĩnh như vậy. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ điên cuồng như vậy. Mẹ đẩy tôi ra gào lên:
– Buông ra, làm sao có thể ung thư máu được chứ, bác sĩ nào dám kết luận như vậy? Làm sao dám kết luận thằng bé ung thư máu hả?
Tôi giữ chặt lấy mẹ, mẹ càng vùng vẫy, hai tay tôi ôm mẹ giọng nghẹn đi:
– Mẹ, mẹ đừng như vậy. Bác sĩ đã xét nghiệm rất kĩ, trong máu của Bình có tế bào ung thư…
Câu nói của tôi như một đòn chí mạng đập vào mẹ. Mẹ đột nhiên buông thõng tay, cả thân hình mẹ đổ sụp xuống nền đất, mấy móng tay cào lên nền gạch lạnh lẽo. Mẹ không hề khóc, đôi mắt ráo hoảnh nhìn Bình đang nằm trên giường qua lớp kính mỏng manh. Đúng lúc này y tá đến gọi tôi, nói với tôi đã có kết quả xét nghiệm tuỷ của Bình, bác sĩ cần gặp tôi để trao đổi thêm. Y tá còn nói đến giờ thăm khám cho Bình, vì giờ Bình mới tỉnh nên y tá sẽ chăm sóc cho con, người nhà đi ra ngoài hạn chế ở trong quá lâu tránh tình trạng nhiễm khuẩn. Mẹ tôi thấy vậy gật gật đầu cầm túi rồi bước đi trước. Rõ ràng mẹ không hề rơi một giọt lệ nào, thế nhưng nhìn từ phía sau tôi lại cảm giác như mẹ sắp ngã quỵ. Thà rằng mẹ khóc thật to, cảm giác mẹ cố nín nhịn khiến tôi cảm thấy mình không thở nổi. Tôi không biết mẹ đi đâu, bởi lúc vào phòng của Thịnh mẹ vẫn đang đi dọc hành lang. Y tá kéo ghế cho tôi ngồi. Thịnh nhìn tôi khẽ nói:
– Kết quả xét nghiệm tuỷ, chẩn đoán bạch cầu cấp dòng lympho
Tôi nghe Thịnh nói, đã chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn thấy có chút suy sụp. Anh nhìn vào mấy tờ xét nghiệm nói tiếp:
– Bạch cầu cấp dòng Lympho khá phổ biến ở trẻ nhỏ, thế nhưng khoảng 80% trẻ em bị bạch cầu cấp lympho có thể khỏi hoàn toàn. Bình gần ba tuổi, nằm trong nhóm tuổi có khả năng phục hồi hoàn toàn cao nhất. Tôi nói qua về phác đồ điều trị một chút…
Thịnh là bác sĩ, anh nói với tôi hoàn toàn bằng những từ ngữ chuyên môn. Thấy tôi không hiểu anh đều cặn kẽ giải thích rất kĩ. Đại loại anh nói đầu tiên sẽ điều trị tấn công lui bệnh, điều trị sau lui bệnh và phương pháp cấy ghép tế bào gốc tạo máu. Tôi nghe xong, cũng cố giữ chút tinh thần lạc quan. Chẳng lẽ đời lại cứ khổ mãi như vậy? Chẳng lẽ ông trời lại thật sự triệt đường sống của tôi. Sau khi nghe Thịnh nói về phác đồ điều trị tôi liền ra nhà vệ sinh định rửa mặt một chút. Dù sao cũng phải đối mặt, tôi muốn ít ra mình cũng phải mạnh mẽ mà đối mặt. Nếu giờ tôi cứ mãi suy sụp thì ai sẽ lo cho Bình? Nghĩ vậy tôi sốc lại tinh thần, cố trấn an rằng dựa vào phác đồ của Thịnh chắc chắn Bình sẽ không sao đâu. Thịnh giỏi như vậy mà, ít ra tôi cũng phải có niềm tin ở anh, có niềm tin ở con. Ngày mai còn rất nhiều việc phải làm, tôi không thể cứ ở đây suy sụp mãi được.
Khi ra đến nhà vệ sinh đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng khóc quen thuộc. Tiếng khóc của mẹ tôi. Rõ ràng ban nãy mẹ không hề khóc, rõ ràng ban nãy mẹ ráo hoảnh bước đi, vậy mà vừa vào đây tôi đã nghe tiếng mẹ khóc nấc lên, giống như mẹ đã hoàn toàn sụp đổ. Tiếng khóc của mẹ giống như một mũi dao nhọn hoắt trực tiếp xiên thẳng vào tim tôi. Mẹ đã không còn cố tỏ ra mạnh mẽ nổi, tiếng khóc vừa bi ai vừa tuyệt vọng. Trước mặt tôi mẹ luôn vờ như mình ổn, vậy mà giờ đây mẹ đã không khống chế nổi cảm xúc. Tôi bỗng thấy nước mắt mình cũng rơi lã chã, trước mặt Bình tôi cũng không khóc, luôn cố gắng gượng cười nhưng rồi sau lưng lại hoàn toàn thành con người yếu đuối. Hoá ra mẹ cũng như tôi, hoá ra trước mặt con mẹ mẹ cũng phải gắng gượng mà mạnh mẽ.
Bên trong khóc một lúc rồi im bặt. Có tiếng cạch cửa mở ra. Vừa bước ra ngoài mẹ đã nhìn thấy tôi, mắt mẹ sưng húp, vừa nhìn thấy tôi thì sững người lại. Tôi nhìn mẹ, mẹ nhìn tôi, khoảng cách chỉ là mấy bước chân nhưng cả hai lại chẳng tiến thêm bước nào. Mẹ vội vã cúi xuống quệt mấy giọt nước vương trên mặt, giống như vừa làm một chuyện gì đáng xấu hổ lắm. Tôi thấy mình thật sự rất khó thở hai tay cứ nắm chặt lại. Hai mẹ con không ai nói với ai câu gì, nỗi đau này ai cũng đều thấm thía, con tim bị nỗi đau ấy gặm nhấm từng chút, từng chút một. Đột nhiên mẹ ngước đôi mắt đẫm nước lên nhìn tôi, khó nhọc cất lời:
– Con gái!
Hai chữ “Con gái” mẹ vừa phát ra cũng khiến tôi cũng khựng lại. Mẹ nói đến đây, mắt lại ầng ậc nước, rồi từng giọt từng giọt thi nhau rơi xuống. Không còn là vẻ lạnh lùng xa cách, không còn là vẻ cao cao tại thượng, mẹ nhìn tôi, đôi mắt đầy ngập nước, lại đầy những tia đau thương tột cùng. Hình như mẹ rất đau, trong vẻ mỏng manh kia không phải là phảng phất mà là nỗi đau đã hiện rõ trên đôi mắt mẹ. Mấy ngày gặp lại, tôi bỗng thấy mẹ già hơn rồi, trên đầu còn có cả mấy sợi tóc bạc. Mấy ngày trước tôi mẹ còn mang vẻ sang trọng, trẻ trung quý phái, vậy mà chỉ vài ngày mẹ đã hoàn toàn khác. Những cảm xúc từ ban nãy tôi kìm nén cũng chợt vỡ ra. Tôi bật khóc tức tưởi, những uất hận tủi hờn suốt hai mươi mấy năm nay ùa về. Đã bao lần tôi tưởng tượng ra khi mẹ chấp nhận tôi sẽ thế nào. Thế nhưng lại không dám tưởng tượng nổi trong một ngày cùng cực, khổ hạnh thế này mẹ lại gọi tôi như vậy. Mẹ thấy tôi khóc, cũng khóc nấc lên. Hai tay mẹ nắm chặt, gân xanh nổi đầy lên, giọng mẹ nghẹn như sắp không cất nổi lời:
– Xin lỗi con.
Nói đến đây mẹ lại khóc tu tu, hai tay mẹ giữ chặt ngực, tiếng nói rời rạc đứt quãng:
– Con gái chịu bao khổ cực mẹ… mẹ không thể làm gì, đến giờ… đến giờ lại là cháu ngoại nằm kia, mẹ thật sự bất lực, thật sự thấy mình vô dụng không thể bảo vệ nổi con cháu mình. Mẹ… mẹ thật đáng chết đi rồi.
Tiếng mẹ lạc đi, nghẹn ngào. Hai tay mẹ vẫn giữ chặt ngực, như thể nếu không giữ chặt mẹ sẽ ngã quỵ xuống mất. Trên gò má mẹ, những giọt nước long lanh chảy xuống cả miệng, mẹ mặc kệ, cắn chặt môi rồi nấc lên đau đớn. Tôi nhìn mẹ, gần như không đứng vững nổi nặng nề nhấc đôi chân về phía mẹ. Rồi đột nhiên sà vào lòng mẹ, tựa hồ như chú chim nhỏ nép vào đôi cánh to lớn nhưng cũng đầy những vết thương. Cả hai mẹ con đều khóc, trong nhà vệ sinh không có ai, tiếng khóc vang lên, vọng lại như muốn xé nát cõi lòng của cả tôi và mẹ. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được hơi ấm của mẹ, lần đầu tiên cảm nhận được tình mẫu tử gần đến vậy. Chỉ đáng tiếc lại là vào một ngày đau thương đến thế. Mẹ ôm tôi rất chặt, nước mắt chảy xuống cả má tôi, trượt dài trên cả bờ vai. Mấy ngày trước thôi, tôi còn thấy khoảng cách giữa tôi và mẹ xa xôi vạn dặm. Thế nhưng lúc này đây khoảng cách đã như sợi dây mỏng manh bị cắt đứt. Quá nhiều nỗi đau thương chồng chất khiến tôi và mẹ đều chẳng thể cố gắng hơn được nữa. Trên đời này tôi chẳng còn ai để dựa vào nữa rồi, chỉ còn mẹ thôi. Giống như Bình, con cũng chỉ có thể dựa vào tôi mà thôi, hoá ra mẹ cũng luôn dang đôi cánh bảo vệ tôi như tôi bảo vệ con trai mình. Tôi cứ ôm chặt mẹ mà khóc, khóc vì thương mẹ, thương Bình, thương chính bản thân tôi và khóc vì cả số mệnh bạc bẽo của mình. Tôi nào ngờ cuộc đời mình cứ nối tiếp nhau là những đau thương như vậy. Cứ tưởng gặp mẹ rồi, chờ mẹ chấp nhận mình sẽ có hi vọng mới. Không ngờ tia sét giữa trời giông tôi lại ảo tưởng rằng đó là tia nắng. Thế nhưng có lẽ đây là ông trời còn an ủi tôi một chút, còn cho tôi dựa vào mẹ một chút. Khóc một lúc rất lâu tôi với mẹ mới có thể ngừng lại. Mẹ ngửa cổ lên trời khẽ nói:
– Khóc rồi cũng phải mạnh mẽ lên. Vào thôi, chắc Bình cũng dậy rồi đấy… phải mạnh mẽ cho Bình còn dựa vào.
Tôi nghe mẹ nói cũng gật đầu xối nước rửa mặt. Khi tôi và mẹ trở về phòng bệnh Bình cũng đã dậy. Thế nhưng bác sĩ nói chỉ một người vào thăm, và phải thực hiện đầy đủ các quy trình sát khuẩn sạch sẽ mới được vào. Mẹ tôi thấy vậy thì giục tôi vào còn mẹ đi mua chút đồ. Tôi tắm rửa sạch sẽ, sát khuẩn tay chân rồi mới vào. Bình đã tỉnh, lúc vào tôi thấy con đang ngồi chơi đồ chơi. Đồ chơi rất mới, còn được sát khuẩn sạch sẽ, mùi thuốc sát khuẩn vương vấn đâu đây. Nhìn đồ chơi của con tôi liền hỏi:
– Ai cho Bình đồ chơi thế?
Thằng bé ngước lên nhìn tôi vui vẻ đáp:
– Bác sĩ cho Bình.
Trước kia tôi không có tiền, đồ chơi của Bình toàn là đồ tôi xin lại của mấy anh chị lớn trong khu nhà trọ. Chỉ có hai dịp sinh nhật mới có thể mua cho con vài món đồ chơi rẻ rẻ. Đây là lần đầu tiên Bình có được đồ chơi siêu nhân đắt tiền nên con có vẻ vui lắm. Tôi cũng không biết bác sĩ nào cho con, nghĩ đến Thịnh thì gạt vội đi. Anh rất bận, thậm chí còn chưa thấy anh sang đây, lấy thời gian đâu để mua đồ chơi cho bệnh nhân. Có lẽ là một bác sĩ nào đó ban nãy thăm khám cho Bình đã mang cho con. Bệnh viện này cũng thật sự chu đáo quá rồi.
Ngồi chơi với Bình một lúc thì con cũng ngủ. Vì có y tá ở đây nên tôi tranh thủ đi giặt quần áo. Lúc đi qua phòng của Thịnh tôi vô thức đưa mắt nhìn vào. Bỗng dưng tôi nghe tiếng Thịnh cất lên:
– Mẫu máu của bệnh nhân Trần An Bình còn chứ?
– Vâng, còn ạ.
– Ở đâu?
– Dưới phòng xét nghiệm, anh cần làm thêm xét nghiệm gì sao?
Tôi không nghe rõ tiếng Thịnh đáp bởi cánh cửa đã mở ra. Không phải tôi cố ý nghe trộm nhưng lúc này đây mặt lại đỏ lên vì xấu hổ. Thịnh thấy tôi thì hơi ngây người nhưng rồi anh chỉ cúi đầu đi thẳng xuống dưới. Tôi cũng vội đi về phía nhà vệ sinh giặt quần áo. Vừa giặt tôi vừa nghĩ rốt cuộc vì sao anh lại cần mẫu máu của Bình? Chẳng lẽ con lại có vấn đề gì sao? Trong lòng tôi thấy có chút bất an, đến khi giặt xong quay lại định hỏi xem có chuyện gì thì thấy cửa phòng của Thịnh đang đóng chặt cuối cùng lại về phòng.
Bình vẫn đang ngủ say, mẹ tôi cũng đã lên. Lúc này còn có cả trưởng khoa đang ở phòng. Tiếng trưởng khoa cất lên:
– Đây là bệnh nhân của bác sĩ Thịnh, bà cứ yên tâm, ở khoa tôi bác sĩ Thịnh là người giỏi nhất rồi. Đợi sáng mai bệnh nhân dậy tôi sẽ chuyển phòng theo yêu cầu nhé.
Mẹ tôi gật đầu cảm ơn, trưởng khoa cũng xoay người đi ra ngoài. Lúc đi qua tôi, ông đưa mắt khẽ liếc tôi một lượt. Không hiểu sao tôi cảm thấy cái liếc mắt ấy lại đầy lạnh lùng, giống như không có chút thiện cảm nào. Tôi thấy vậy hơi rụt người lại, đợi trưởng khoa đi liền hỏi:
– Mẹ, có chuyện gì vậy ạ?
– À, mẹ muốn đổi cho Bình sang phòng Vip, con cũng tiện chăm sóc cho nó hơn.
Tôi nghe mẹ nói định từ chối. Thế nhưng rồi cuối cùng lại không từ chối nữa. Tôi luôn cố gắng dành những điều tốt nhất cho con tôi, mẹ tôi cũng vậy, đó là điều dễ hiểu. Mẹ tôi nhìn tôi rồi nói tiếp:
– An, mẹ muốn hỏi con một chuyện.
– Chuyện gì vậy mẹ?
– Con thật sự không biết bố của Bình là ai sao?
Câu hỏi của mẹ khiến tôi chột dạ, tự dưng mẹ hỏi như vậy làm tôi không biết trả lời thế nào chỉ lúng túng đáp:
– Vâng… vâng ạ.
– Mẹ hỏi trưởng khoa rồi, bệnh của Bình ngoài điều trị thì cần làm thêm phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Mà cấy ghép tế bào gốc tốt nhất là của người có cùng huyết thống. Con đã nghĩ đến việc cả mẹ và con đều không có tế bào gốc phù hợp với Bình chưa?
Mẹ hỏi đến đây nhìn tôi, tôi bất giác lùi lại. Hai tay bấu vào quần giống như mình vừa làm gì sai. Mẹ thấy tôi không đáp, có lẽ nghĩ tôi bị ám ảnh lại khoảng thời gian ở chỗ mụ Hoa liền vội nói:
– Mẹ không có ý nhắc lại những chuyện này… con đừng hiểu nhầm. Chỉ là mẹ sợ cả hai mẹ con mình không có mẫu tế bào gốc phù hợp…
Tôi nhìn mẹ cố trấn an mẹ cũng như tự trấn an mình đáp:
– Chắc con sẽ hợp thôi mẹ ạ, con là mẹ Bình mà, kiểu gì cũng hợp mẹ ạ.
Thế nhưng dù cố dối lòng đến đâu tôi cũng tự biết mình không hề chắc chắn trước việc này. Tôi không thể dám chắc tôi sẽ có tế bào gốc hợp với Bình nhưng lại không biết phải làm thế nào lúc này. Thấy mẹ không nói gì nữa tôi cũng nói:
– Mẹ ở đây với cháu, con đi mua cơm ạ.
Mẹ tôi gật đầu ngồi xuống cạnh Bình. Tôi đi ngoài, chợt thấy mẹ nắm tay Bình áp lên má, gương mặt lại ngân ngấn nước. Tôi không đủ can đảm để nhìn xoay người đi xuống dưới tầng. Khi đang đi về hướng căng tin đột nhiên một tiếng quát lớn trong phòng phát ra khiến tôi giật mình:
– Tôi nói cho cậu biết tôi không thể dung túng cậu mãi như thế này đâu. Đang ca trực mà cậu bỏ đi, rốt cuộc đầu óc cậu bị làm sao thế?
– Cháu xin lỗi.
Lúc này nhìn lên tôi mới biết đây là phòng trưởng khoa. Tiếng xin lỗi là tiếng của Thịnh. Tiếng trưởng khoa lại quát lớn:
– Xin lỗi? Xin lỗi cái đầu cậu. Gần ba năm trước vì cô ta cậu suýt huỷ hoại sự nghiệp, giờ lại vì cô ta nên mới bỏ trực đi đúng không? Tôi thật không hiểu con đàn bà đó cho cậu ăn bùa mê thuốc lú cái gì mà cậu cứ đờ đờ đẫn đẫn như vậy. Mỗi lần gặp cô ta cậu có khác gì thằng điên không? Đừng tưởng tôi không biết cậu vừa đi đâu, xét nghiệm đối chiếu bốn tiếng, mười sáu Locus, rốt cuộc là vì sao cậu để thành ra thế này? *Locus: vị trí gen trong nhiễm sắc thể.*
Tiếng mấy người y tá xôn xao:
– Bác sĩ Thịnh bị trưởng khoa chửi rồi. Sao trưởng khoa lại chửi bác sĩ Thịnh nhỉ? Chẳng phải bình thường bác sĩ Thịnh được trưởng khoa thiên vị nhất hay sao? Mà bác sĩ Thịnh giỏi như vậy có làm sao gì thì cũng bỏ qua đi chứ
– Cô mới về cô biết gì? Trưởng khoa chửi bác sĩ Thịnh cũng là muốn tốt cho bác sĩ Thịnh mà thôi. Ba năm trước bác sĩ Thịnh vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nếu không nhờ trưởng khoa có khi cái nghề bác sĩ còn không giữ nổi ấy chứ. Bác sĩ Thịnh rất giỏi, nhưng không có nghĩa là cái gì cũng tốt, mình biết vậy thôi. Thôi đi đi, ở đây bàn tán không hay đâu. Đi chỗ khác không lại bị chửi lây bây giờ.
Mấy người y tá đi ra, tôi cũng không dám ở lại thêm một giây phút nào nữa. Xuống mua cơm xong quay lại cũng vừa hay thấy Thịnh từ trong phòng trưởng khoa đi ra. Gương mặt anh đỏ au, anh nhìn thấy tôi, liếc xuống hai hộp cơm của tôi nhưng rồi cũng mau chóng đi lên tầng. Không hiểu sao nhìn anh tôi lại cảm thấy đau lòng, lại áy náy và day dứt. Khi mang cơm lên tôi bỏ ra để tôi và mẹ cùng ăn. Có điều tôi không thể nào nuốt nổi. Cảm giác như cơm khô khốc, đến cổ lại nghẹn lại.
Ăn cơm xong mẹ tôi về khách sạn. Vốn dĩ mẹ định ở đây, nhưng y tá nói phòng này không thể cả hai người cùng ở lại nên mẹ về khách sạn. Sáng mai mẹ còn phải về Quảng Ninh có việc gấp nên cuối cùng dưới sự khuyên bảo của tôi mẹ cũng phải trở về khách sạn để ngủ.
Bình lúc này đã ngủ say, tôi đưa tay vuốt tóc con trong lòng rất nặng nề. Con không hề quấy khóc, còn rất ngoan ngoãn ngủ yên, thế nhưng càng như vậy tôi càng thấy thương vô hạn. Tôi thật sự rất suy sụp. Tôi cứ ngồi cầm tay con như vậy đến khi bên ngoài có tiếng cạch cửa mới ngước lên nhìn. Là Thịnh, anh vẫn mặc áo Blouse, đi một mình. Thấy anh tôi lúng túng không biết nói gì liền hỏi:
– Đêm rồi vẫn khám sao bác sĩ?
Thịnh không trả lời câu hỏi của tôi mà đi về phía Bình. Anh đứng nhìn Bình rất lâu, không hề thăm khám mà chỉ lặng lẽ nhìn bờ môi tái nhợt của con. Tôi tự dưng cảm thấy hơi sờ sợ liền hỏi lại:
– Bác sĩ Thịnh, có chuyện gì vậy?
Đột nhiên tôi thấy trên má Bình có những giọt nước đang đọng lại, ngước mắt lên nhìn cũng thấy từ khoé mắt Thịnh từng giọt, từng giọt đang rơi xuống đầy thương tâm. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một người đàn ông khóc, sáng nay khi anh lau vết thương cho tôi tôi cũng ngỡ anh khóc, thế nhưng lại không hề nhìn thấy. Có điều ngay giây phút này đây tôi nhìn thấy thực sự anh đang khóc. Anh không nhìn tôi, nước mắt rơi xuống cả miệng rồi trượt xuống cả cổ, cả áo Bình.
Người anh bỗng run lên bần bật, giống như đang cố gắng khống chế cảm xúc. Bỗng dưng anh ngước lên nhìn tôi, khoé miệng mấp máy khó nhọc hỏi:
– Vì sao?
Tôi không hiểu anh hỏi vì sao cái gì chỉ có thể hỏi lại:
– Vì sao cái gì?
– Vì sao lại nói dối anh?
– Nói… nói dối gì cơ?
– Vì sao lại nói dối Bình không phải con anh?
Tôi nghe đến đây sắc mặt bỗng trắng bệch, toàn thân như bị ai đánh. Nhưng rồi tôi vẫn cố lấy bình tĩnh đáp lại:
– Anh nói gì tôi không hiểu?
Thịnh rút trong túi ra một bản giấy, bản xét nghiệm ADN, gương mặt anh thương tâm đến tuyệt vọng. Giống như toàn bộ cảm xúc đau khổ này anh đã phải kìm nén đến độ không thể nào kìm nổi nữa gào lên:
– Vì sao lại nói dối anh? Vì sao lại không cho anh biết? Vì sao lại luôn giấu anh?
***
Lời tác giả: trong nhóm đã đến chương cuối rồi các chị em ơi. Ph í vào nhóm 50 ng àn ai vào inbox tớ nha.
Hôm nay thứ sáu, lẽ ra mai và kia tớ nghỉ, nhưng hôm nay tớ chơi lớn, chương này trên 8.k like, 1.k share tớ sẽ đăng luôn cả thứ bảy lẫn chủ nhật. Lần này gần đủ 8.k tớ cũng đăng nhé, còn không thì hẹn mọi người thứ hai ạ.