Người của phòng xã núi Phật Thủy, xã Thanh Phổ nghe chàng thanh niên nói thế đều cảm thấy giải thích như vậy là quá hợp tình hợp lý, đồng thời càng kinh ngạc với tài năng của Trương Nguyên. Chỉ trong thời gian ngắn phải ghi nhớ cả chương sách, lại còn sửa chữa lại nữa, rõ ràng là tài nghệ cao hơn một bậc, thực sự khiến người khác khó mà tin.

Phạm Văn Nhược đương nhiên cũng không thể nào tin là Trương Nguyên lại tài hoa như vậy. Nhớ thì không khó nhưng đã nhớ mà còn sửa lại thì rất khó, bèn hỏi Trương Nguyên:

-“Tám trăm đề văn mẫu”, thật sự có cuốn sách này sao? Trương Nguyên đáp:

-Bộ sách “Tám trăm đề văn mẫu” này có hay không Phạm cử nhân nên biết rõ hơn ta chứ.

Hắn đương nhiên sẽ không thừa nhận là không có cuốn sách đó, trả lời nước đôi mới là thượng sách.

Phạm Văn Nhược sớm đã không dám hung hăng quát nạt Trương Nguyên như trước, bèn cười gượng hai tiếng, chắp tay nói:

-Trương công tử tài hoa như thế thật hiếm có, Phạm mỗ hôm nay đã bị Trương công tử trêu chọc rồi.

Ai lại muốn mình mang tiếng đạo văn chứ, Phạm Văn Nhược đương nhiên phải thừa nhận Trương Nguyên tài cao, tuy bị Trương Nguyên trêu chọc nhưng cũng chỉ biết cười trừ chứ không thể bắt Trương Nguyên đến gặp quan phủ được. Chuyện này mà làm lớn lên đối với hắn mà nói thì tuyệt đối sẽ “tin xấu đồn xa” rồi, lúc này Phạm Văn Nhược mới ý thức được trước đây bản thân mình quá kiêu ngạo ngông cuồng, là cử nhân cũng không nên ỷ lại, kì tài dị sĩ trên thế gian còn rất nhiều, “kiêu binh tất bại”.

Trương Nguyên đánh giá chàng thanh niên bằng hai cái chớp mắt rồi chắp tay nói:

-Trương Nguyên ở Sơn Âm vẫn chưa thỉnh giáo tôn tính đại danh của huynh đài, quê quán ở đâu?

Chàng thanh niên lễ phép đáp:

-Dực Thiện ở Hoa Đình xin chào Trương công tử.

Trương Nguyên hỏi:

-Dực huynh làm thế nào mà quen biết tại hạ?

Dực Thiện trả lời:

-Trương công tử tài năng xuất chúng sớm đã lan truyền gần xa, tại hạ ngụ tại ven biển cũng đã từng nghe đến.

Trương Nguyên nghĩ thầm:

-Mình nổi tiếng đến thế sao, ngay cả người trên biển cũng biết đến, cái tên Dực Thiện này có chút cổ quái.

Rồi hỏi:

-Dực huynh từ Hoa Đình đến có việc gì thế?

Dực Thiện đáp:

-Đi ngang qua nơi đây nghe nói miếu Thủy Tiên có hội văn, tại hạ rất thích học đòi văn vẻ nên mạo muội đến dự thính chư vị cao luận, mong chư vị lượng thứ cho.

Dù sao cũng đã đến đây cũng không nên đuổi tên Dực Thiện này đi. Cái tên Dực Thiện này kỳ thực đã giải vây giúp Phạm Văn Nhược, giúp gã đỡ bớt xấu hổ nhưng gã kì thật lại không quen biết Dực Thiện, bèn thấp giọng hỏi Kim Lang Chi:

-Kim hiền đệ ở Hoa Đình có gặp qua người này chưa?

Kim Lang Chi đáp:

-Chưa từng gặp qua. Chư sinh ở Hoa Đình không người nào mà đệ không biết, hễ là đồng sinh hơi nổi tiếng là đệ cũng quen mặt, nhưng người này thì trông rất lạ, hơn nữa ở Hoa Đình hình như không nghe thấy người nào mang họ Dực cả.

Người hầu của Dương Thạch Hương mang trà đến, chư sinh trên đình vừa uống trà vừa nghiên cứu thảo luận văn bát cổ, không khí cũng vui vẻ hơn lúc ban đầu mới gặp mặt. Đó là bởi vì Trương Nguyên đã đánh bại được tính kiêu ngạo tự mãn của Phạm Văn Nhược và tiến hành buổi hội văn giao lưu tài năng một cách bình đẳng, bằng không chỉ có Phạm Văn Nhược và phòng xã núi Phật Thủy tự biên tự diễn.

Trương Nguyên lúc này đã thay đổi phong thái sắc sảo tinh ranh lúc nãy đối với Phạm Văn Nhược, hắn trở nên tao nhã hẳn lên, giọng điệu lúc đàm nghệ luận văn cùng mọi người cũng khiêm tốn uyển chuyển hơn, vừa khen ngợi tác phẩm của người khác vừa uyển chuyển chỉ ra những chỗ sai sót với những dẫn chứng rất phong phú và hợp lý, khiến người khác vô tình phải thán phục, quên hẳn Trương Nguyên chỉ mới là một nho đồng mười sáu tuổi.

Trương Nguyên trong lúc bàn luận văn nghệ với mọi người cũng thu hoạch được khá nhiều, đó đều là những Lẫm sinh, không có gì ngoài học vấn, nghiên cứu bát cổ rất nhuần nhuyễn, hơn nữa kinh nghiệm ứng thí rất phong phú, Trương Nguyên cũng mong muốn được giao lưu văn hội như thế này.

Mọi người trò chuyện rất vui vẻ, chỉ có mỗi vị khách không mời tên gọi Dực Thiện kia là nói rất ít, chỉ ngồi một bên mỉm cười lắng nghe, thỉnh thoảng lại chen vào một câu nhưng cũng rất kiến giải. Trương Nguyên cố tình bắt chuyện với Dực Thiện và phát hiện ra người này cũng rất chịu nói, hơn nữa kiến thức rất quảng bác, phàm là kinh, sử, tử, tập, cầm kỳ thư họa dường như y đều rất tinh thông, bàn đến bát cổ văn y càng tỏ ra hiểu biết sâu rộng.

Dực Thiện nói:

-Bát cổ có phương pháp hành văn của nó, cũng có phương pháp thẩm đề. Phương pháp thẩm đề chính là kết cấu mạch lạc trong việc tìm hiểu tính nặng nhẹ hoãn gấp của đề văn được đưa ra. Dựa vào điều này để viết văn thì trước sau phải có hô ứng, tính chất du dương trầm bổng lúc lên lúc xuống chính là một cách viết văn. Chỉ là đa số học trò bây giờ chỉ biết mô phỏng đưa ra ví dụ, cũng chỉ để phụ họa chứ trước giờ chưa có nghiên cứu những thứ này.

Trương Nguyên vô cùng khen ngợi Dực Thiện, cùng hắn nói chuyện thơ văn rất lâu, cả hai đều là những người tài năng cùng giúp đỡ lẫn nhau.

Trương Nguyên hỏi

-Dực huynh đa tài, có thể đã từng tham gia khoa cử?

Trong lòng nghĩ với tài năng của Dực Thiện thì chức bổ sinh đồ cũng không cần phải nói đến, không lẽ người này vận khí quá kém, tài cao mệnh bạc. Nhưng Dực Thiện lắc đầu nói:

-Tại hạ chưa từng tham gia khoa cử.

Trương Nguyên cảm thấy thật kỳ lạ, một người đọc sách biết chữ lại biết rành bát cổ mà không tham gia khoa cử, ngươi tưởng ngươi là Vương Anh Tư ư?

Nhưng Dực Thiện rõ ràng là một nam tử, Trương Nguyên tuy nhãn lực không được tốt nhưng vẫn có thể phân biệt được nam hay nữ.

Một nam tử tài hoa như thế cho dù xem nhẹ công danh đến thế nào, cho dù là muốn làm cao nhân thế ngoại hay ẩn sĩ hồng trần, nhưng công danh tú tài vẫn phải có một cái, bởi vì việc này rất tiện lợi, nếu không ra khỏi cửa đi xa chút cũng phải có “giấy dẫn đường” (do quan phủ cấp), , đang ngắm hoa trong nhà cũng bị quan lại gõ cửa quát tháo đòi tiền thuế đất, sống như vậy thì thật mất hứng.

Vì thế đại danh sĩ Trần Kế Nho sau khi đỗ bổ sinh đồ rồi mới từ bỏ khoa cử.

Dực Thiện bỗng chuyển đề tài quay sang hỏi Trương Nguyên tại sao lại đến Thanh Phổ. Trương Nguyên nói là đến để chúc thọ tỷ phu Lục Thao. Dực Thiện ngạc nhiên hỏi:

-Tỷ phu của Trương huynh có phải là con trai của Lục Hiếu Liêm?

Trương Nguyên thấy Dực Thiện có vẻ khác thường liền hỏi:

-Sao Dực huynh lại biết Lục Hiếu Liêm?

Dực Thiện đứng dậy nói:

-Mời Trương công tử vừa đi vừa nói chuyện.

Trương Nguyên bèn đi theo hắn ra khỏi đình Thương Lãng, đến dưới một gốc cây cổ thụ, Dực Thiện dừng bước chắp tay nói:

-Tại hạ ở Hoa Đình có nghe đồn Lục Hiếu Liêm có một gia nô phản bội và trốn chạy đến nhà của Đổng Hàn Lâm, không biết chuyện này có thật hay không?

Trương Nguyên đáp:

-Vâng.

Dực Thiện nhìn Trương Nguyên nói:

-Trương công tử có đối sách gì hay không?

Trương Nguyên không biết Dực Thiện nói như vậy là có ý gì bèn nói:

-Dực huynh, ta và huynh mới gặp mà như đã quen từ lâu, Dực huynh có chuyện gì xin cứ nói thẳng.

Dực Thiện đáp:

-Tôi biết Trương công tử cùng với con thứ của Đổng Hàn Lâm từng có hiểu lầm nhưng con trai Lục Hiếu Liêm lại là tỷ phu của Trương công tử lúc này mới biết được. Nếu Trương công tử muốn giúp lệnh tỷ phu báo thù Đổng Hàn Lâm thì tại hạ cho rằng không khôn ngoan chút nào. Trương công tử tiền đồ rộng lớn, tốt hơn hết đừng nên xem ông ta như kẻ thù.

Mặc dù Dực Thiện nói có hơi mập mờ nhưng Trương Nguyên có thể cảm nhận được sự thành khẩn và thiện ý của y, bèn gật đầu:

-Đa tạ Dực huynh đã có lời nhắc nhở, tại hạ là một nho đồng không quyền không thế nào dám gây thù chuốc oán với Đổng Hàn Lâm.

Dực Thiện nghĩ thầm:

-Sao ngươi lại không dám chứ. Đổng tổ Thường tự khai báo gia phả bảo “Gia phụ Đổng Huyền Tể” rồi, thế mà ngươi vẫn một cước đá xuống, đương nhiên là đá rất hay, ta cũng muốn đá.”

Miệng thì nói:

-Vậy thì tốt, xin Trương công tử hãy khuyên Lục Hiếu Liêm một câu rằng vụ án gia nô bỏ trốn Lục gia không thể thắng kiện đâu, khế ước gia nô cũng đã bị lấy mất, khoảng cách về thế lực lại khác xa nhau sao có thể thắng được quan tòa, hơn nữa bây giờ tên Trần Minh đó rất được Đổng Hàn Lâm coi trọng, nhờ người biện hộ cũng vô ích thôi, hắn sẽ không quay trở về đâu.

Dứt lời liền chắp tay cung kính nói:

-Tại hạ còn có việc xin cáo từ.

Trương Nguyên không thể nào đoán được tên Dực Thiện này rốt cuộc là người như thế nào, tại sao lại biết rõ chuyện nhà của Đổng Hàn Lâm đến thế nhưng Dực Thiện không nói cho rõ ràng nên hắn cũng không tiện hỏi thêm, bèn nói:

-Hôm nay có nhã ý tụ tập lại vô tình gặp được Dực huynh, thật sự là một niềm vui bất ngờ, sau này nếu Dực huynh có đến Sơn Âm nhất định phải đến hàn xá thăm hỏi, hàn xá nằm ngay phía sau phủ học quan, hỏi thăm sẽ biết ngay.

Dực Thiện cảm nhận được thành ý của Trương Nguyên liền gật đầu nói:

-Tại hại và Trương công tử thật có duyên, cũng rất ngưỡng mộ tài năng của Trương công tử, sau này nhất định sẽ đến Sơn Âm thăm Trương công tử.

Nói xong liền chắp tay thi lễ rồi bỏ đi, cũng không hề khách sáo mời Trương Nguyên đến Hoa Đình thăm hắn.

Trương Nguyên một mình đứng dưới gốc cây, ánh nắng ngày xuân chiếu xuyên qua tán cây rồi trải dài xuống mặt đất, loang lổ, không ngừng chuyển động.

Trương Nguyên thầm nghĩ:

“Thân phận của tên Dực Thiện này vô cùng cổ quái, xét về học vấn, phong thái thì tuyệt đối không phải con nhà nô bộc bình thường, cũng không giống con nhà danh thế, viễn du xuất trần, rốt cuộc hắn là người thế nào, tại sao lại không tham gia khoa cử?”

Đúng lúc này Mục Chân Chân chạy đến kêu to:

-Thiếu gia!

Trương Nguyên hỏi:

-Tỷ tỷ của ta đâu?

Mục Chân Chân đáp:

-Đại tiểu thư vừa mới ở trên đình nghe mọi người luận văn, đứng hoài mệt nên đã vào trong thần từ nghỉ ngơi rồi ạ, nữ quyến của Dương tú tài cũng ở đó.

Trương Nguyên nhìn về phía đình Thương Lãng, chư sinh vẫn đang bàn chuyện văn chương, liền nói:

-Chân Chân ngươi hãy đưa tỷ tỷ ta về trước đi. Mấy vị tú tài này nói không chừng còn đàm luận đến chiều, ta thấy Dương tú tài còn sai người đi chuẩn bị tiệc rượu nữa.

Mục Chân Chân đáp:

-Vậy cũng được, nô tỳ sẽ đi nói với đại tiểu thư.

Trương Nhược Hi cũng không dám đợi lâu ở bên ngoài, bèn cáo biệt nương tử Dương gia rồi cùng Mục Chân Chân lên thuyền ở sau miếu quay trở về nhà.

Trương Nguyên tiễn tỷ tỷ lên thuyền xong thì quay trở lại hoa viên nhưng lại nhìn thấy Dương Thạch Hương và Lục Thao đang tìm mình nên bèn đi vào trong đình.

Lục Thao biết thê tử Nhược Hi đã về nhà nên cũng yên tâm ở lại đình bàn chuyện thơ văn.

Lúc này xã Thanh Phổ cùng với phòng xã núi Phật Thủy đã nghĩ ra đề bát cổ để cho mười người hai bên cùng sáng tác một bài bát cổ nhưng không kí tên trước, năm bài của xã Thanh Phổ sẽ do phòng xã núi Phật Thủy phẩm bình, đưa ra thứ bậc, ngược lại cũng như vậy, vị trí thứ nhất sẽ được thưởng năm lượng bạc ròng.

Bài bát cổ này tên là “Tín nhi hậu gián” được lấy từ “Luận ngữ tử chương”. (“Tín nhi hậu gián”: trước khi được người khác tín nhiệm tin tưởng, thì lời nói không được nói quá nhiều quá sâu, càng không nên đưa ra đề nghị hoặc cảnh báo trước, nếu không người khác sẽ nghĩ bạn đang tìm cách hại mình.)

Lúc này chính là thời điểm để trổ tài thơ văn, trong lúc những người khác vẫn còn đang vất vả suy nghĩ thì chưa đến nửa canh giờ Trương Nguyên đã viết xong bài bát cổ văn và ra ngoài đình đi dạo, nhưng lại nhìn thấy Mục Chân Chân đang đứng dưới gốc cây cổ thụ đó liền hỏi:

-Có chuyện gì vậy? Không phải ngươi đã lên thuyền rồi sao?

Mục Chân Chân cúi chào nói:

-Nô tỳ đưa đại tiểu thư về nhà xong rồi quay lại đây.

Trương Nguyên cười cười nhìn Mục Chân Chân cho đến khi nàng đỏ mặt cúi đầu.

Trước trưa, những người khác lần lượt nộp bài. Năm người gồm Dương Thạch Hương, Lục Thao, Trương Nguyên, Kim bá Tông, Viên Xương Cơ bình phẩm năm bài của phòng xã núi Phật Thủy phẩm. Dương Thạch Hương có ý kiểm tra Trương Nguyên nên mời cậu bình phẩm năm bài làm này để thử xem tầm mắt Trương Nguyên như thế nào.

Trương Nguyên cũng không chối từ. Sau khi xem qua năm bài làm liền cẩn thận nói ra ưu điểm khuyết điểm của mỗi bài, ánh mắt sắc bén, lời bình tỉ mỉ. Dương Thạch Hương khen:

-Ánh mắt Trương công tử lúc bình phẩm không hề thua kém Trần Tế Thái của Lâm Xuyên. Nếu Trương công tử có thể đến văn xã của ta để bình phẩm chọn lựa tác phẩm văn thơ thì hay quá, không biết công tử có thể đến giúp ta biên bình tuyển tập hay không, ta nguyện bỏ ngân lượng để được Trương Nguyên công tử bình phẩm cho một bài thời văn.

Trương Nguyên cười nói:

-Tại hạ chỉ là một nho đồng lại dám làm công tác biên chọn văn chương, e sẽ làm trò cười cho người trong giới.

Dương Thạch Hương nói:

-Đợi khi tuyển tập xuất bản, Trương công tử chắc hẳn cũng đã đỗ bổ sinh đồ rồi, đó cũng chính là lúc phát triển không ngừng, tuyển tập nhất định sẽ bán rất chạy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện