Bọn trẻ đã lên giường, nghe lời gọi, các cô bé mò mẫm trong bóng tối mặc quần áo rất nhanh đi xuống thang gác. Vào đến sảnh lớn, các cô trông thấy Fabbi ngồi trước đàn phong cầm(9), Engman mặc chiếc áo choàng chủ trì lễ tang. Thấy rõ có chuyện lớn chẳng lành, bất giác các cô bé nắm lấy tay nhau, thời khắc này mọi sự xích mích yêu ghét vặt vãnh hàng ngày không còn nữa, tất cả là một tập thể, một gia đình.

Vì không có người đàn phong cầm – người này đã theo các thầy trò của trường lần lượt rời Nam Kinh, Fabbi phải làm thay hết. Phong cầm loại dựng đứng, thường ngày dùng để cho nữ sinh tập hát, bây giờ phủ một lớp thảm cũ, âm thanh phát ra như người cảm cúm.

Thư Quyên hiểu rằng ai đó đã chết, chiếc đàn được bọc thảm là để âm thanh tang tóc của nó chỉ vang lên trong một không gian rất nhỏ.

Cả gian sảnh lớn chỉ có ba cây nến, mọi cửa sổ đều buông rèm đen. Để phòng không, tất cả các tòa nhà của Nam kinh đều dùng rèm này.

Tiếng đàn của Fabbi khàn khàn, các nữ sinh thì thầm hát hết bài Khúc cầu siêu. Họ còn chưa biết cầu siêu cho ai, chưa biết mình đã mất ai cho nên sự hoang mang của họ về sự mất mát càng sâu càng rộng.

Nam Kinh và Giang Nam mất, quyền làm người dân tự do mất, nhưng hình như mất mát không chỉ Nam Kinh và Giang Nam, không chỉ quyền làm người dân tự do. Sự mất mát không rõ hình hài khiến các cô đứng đó như bầy thỏ non run rẩy bơ vơ trước sự nguy hiểm tột đỉnh.

Engman dẫn đầu các cô bé đọc lời cầu nguyện. Thư Quyên nhìn thấy linh mục Engman và chúa Giêsu đứng đó, người trước người sau. Bóng của Engman đổ lên bức tượng màu của Giêsu và khí chất thánh thần của Giêsu sống động trên nét mặt vị Linh mục.

“Các em, lẽ ra tôi không muốn quấy rầy các em. Nhưng tôi muốn các em có sự chuẩn bị, tình hình không phát triển theo hướng tốt đẹp.” Bằng một giọng nặng nề, ông thuật lại ngắn gọn những điều đã nghe trên radio. “Nếu tin tức đó là sự thật – hàng ngàn hàng vạn tù binh đã đồng loạt bị bắn chết, vậy thì hãy tin tôi, chúng ta đã quay lại thời trung cổ. Đối với người Trung Quốc, sự kiện bốn mươi vạn tù binh quân Triệu bị chôn sống có lẽ không còn lạ với các em. Đừng hiểu lầm rằng lịch sử đã tiến lên được nhiều lắm.” Linh mục dừng lại ở đó. Giọng ông mỗi lúc một cay đắng, lưỡi như cứng lại.

Đêm, Thư Quyên nằm cạnh Tiểu Ngu. Cô bé này sụt sịt mãi, Tiểu Ngu hỏi tại sao, Thư Quyên bảo bố cô tài giỏi tháo vát, chẳng có con đường nào ông không đi qua được thế mà lại ném cô vào cái nhà thờ chết tiệt này, đói khát, không có cả chậu than để sưởi.

Thư Quyên nói thầm: “Bố mình bây giờ đang ở Mỹ uống cà phê, ăn trứng ốp-lết đó!”

Mấy tháng sau, cô biết rằng, suốt ngày mẹ cô sống trong các bản tin vô tuyến điện, cha cô ở trường về đến nhà là nằm phủ phục bên chiếc radio, nếu hai người nhìn vào mắt nhau, họ hiểu rằng trong đầu họ chỉ có một câu: “Không biết Thư Quyên giờ này ra sao?”

Điện thoại điện báo ở Nam Kinh bị cắt đứt, bố của Thư Quyên gặp một nhân viên của lãnh sự quán Trung Quốc, câu trả lời nhận được vô cùng mơ hồ, tình hình Nam Kinh vô cùng tồi tệ, nhưng không có một tin nào được chứng thực. Bố cô tìm cách gọi điện thoại cho người bạn ở Thượng Hải, người bạn nói ở tô giới(10), đã lan truyền tin quân Nhật thực hiện cuộc tàn sát lớn ở Nam Kinh, những tấm ảnh người dân bị bắn chết được phóng viên đem về Thượng Hải. Đúng lúc các cô đang oán trách gia đình thì bố mẹ họ đang tìm cách mua vé tàu thủy về Trung Quốc, họ bị sự hối hận và day dứt hành hạ đến rã rời, tâm lý chung của người Trung Quốc là “chết thì cả nhà cùng chết.”

“Nếu bố tớ về đón thì tớ kéo cậu đi luôn.” Tiểu Ngu bỗng nói và giật mạnh tay Thư Quyên.

“Liệu bố cậu có về đón cậu không?”

“Nhất định đón!” Tiểu Ngu có vẻ không vui vì cô bạn coi thường bố cô, một con người có tiền, có thế lực lại giỏi giang tháo vát.

“Mai đến thì tốt.” Thư Quyên mong bố Tiểu Ngu đến đón không kém gì cô bạn. Thân với Tiểu Ngu thật đúng lúc, có thể ăn theo được để thoát ra khỏi Nam Kinh trong trùng vây của quân Nhật

“Thế cậu định đi đâu?” Tiểu Ngu hỏi.

“Cậu đi đâu tớ đi đó.”

“Nhà tớ đi Thượng Hải. Tô giới Anh, Pháp, cả tô giới Mỹ nữa sẽ không có đánh nhau. Thượng Hải hay hơn Hán Khẩu. Hán Khẩu quê chết đi được, toàn người nội địa.”

“Được, chúng mình đi Thượng Hải.” Lúc này Thư Quyên không dám phản đối Tiểu Ngu, chẳng may cặp mắt xanh của nó chiếu sang người khác thì mất ăn, phải ở lại cái thành phố đầy người chết này. Tuy cô thấy dựa dẫm vào Thư Quyên có hơi mất thể diện nhưng đời còn dài, sẽ có lúc lấy lại thể diện, lấy lại gấp nhiều lần.

Loáng thoáng nghe tiếng chuông cửa. Trong ba giây đồng hồ, các cô bé đồng loạt nhỏm dậy rồi chen chúc bên cửa sổ. Họ nhìn thấy A Cố và Fabbi chạy qua bên dưới cửa sổ. A Cố cầm đèn lồng chạy trước, Fabbi đuổi theo vẫy mạnh tay ra hiệu tắt đèn nhưng đã muộn, ánh đèn đến trước người và lọt qua khe cửa ra ngoài.

“Cầu xin đại nhân, mở cửa cho, đây là đội chôn xác người… người lính này còn sống, đại nhân không cứu thì anh ta lại bị bọn giặc bắn chết lần nữa!…”

Fabbi cố tình nói bằng giọng Tây: “Xin đi chỗ khác cho, đây là nhà thờ Mỹ, không can dự vào chiến tranh Trung - Nhật.”

“Ông lớn…” Lần này là giọng nói đẫm nước mắt của người chảy máu quá nhiều: “Xin ông lớn cứu mạng…”

“Đi chỗ khác đi. Thành thật xin lỗi.”

Người đội viên chôn xác nói to hơn: “Bọn giặc đến bất kỳ lúc nào! Đến thì anh ta chết, tôi cũng chết! Xin làm ơn làm phúc! Hãy nhìn vào mặt thượng đế, tôi cũng là giáo dân!”

“Xin đưa anh ta đến khu an toàn!”

“Bọn giặc đến khu an toàn hàng chục lần để tìm lính Trung Quốc và người bị thương! Xin ông!”

“Rất xin lỗi, tôi không có cách nào cả. Xin đừng ép chúng tôi vi phạm lập trường trung lập của nhà thờ.

Mấy tiếng súng nổ không xa.

“Nhà từ thiện, xin trông cậy ông!…” Tiếng bước chân men chân tường xa dần.

Fabbi không biết làm sao, anh không thể để người lính Trung Quốc chảy máu đến chết hoặc bị hành hình lần nữa, cũng không thể không lo đến sự an toàn của mấy chục mạng người trong nhà thờ.

Linh mục Engman xuất hiện trong bóng đêm, ông vẫn mặc áo tang lễ.

“Có chuyện gì?”

“Thưa, bên ngoài có một thương binh Trung Quốc, trốn khỏi nơi tàn sát của người Nhật.”

Linh mục Engman thở dài, nhìn biết ngay trong đầu ông cũng chẳng có cách gì.

“Xin các ông!” Người thương binh nói giọng vùng ngoại tỉnh, từng chữ nói ra trong cơn đau đớn tột cùng.

“Để anh ta nằm ngoài cổng cũng không được, như vậy càng lôi chúng ta vào cuộc,” Fabbi nói bằng tiếng Anh.

Engman nhìn Fabbi, anh ta nói không phải không có lý. Nhưng nhà thờ sẽ mất đi tính trung lập, mất đi ưu thế bảo vệ nữ sinh, ông không thể mạo hiểm được. Ông nói: “Không được. Có thể bảo A Cố đưa anh ta đi, đưa đi đâu thì đưa.”

A Cố nói: “Thế thì coi như đưa anh ta đến chỗ chết!”

Người thương binh bên ngoài cổng rên rỉ tiếng rên không phải của con người nữa, nghe cũng biết máu sắp cạn rồi.

Từ cửa sổ của Thư Quyên nhìn ra, hai vị linh mục áo đen và A Cố như ba quân cờ trên bàn cờ đang ở thế giằng co. Điều thôi thúc linh mục Engman có thể là câu nói “máu sắp chảy cạn kiệt”. Quả nhiên ông cầm lấy chìa khóa từ tay A Cố, “xoạch” một cái ông mở ổ khóa Đức, rút chốt, tháo xích. Thế là cánh cửa nặng nề mở ra, các nữ sinh thở phào.

Nhưng linh mục Engman với động tác nhanh hơn quyết đoán hơn đóng sập cánh cửa lại, để người lính nằm bên ngoài. Ông định khóa cổng lại, nhưng tay ông lẩy bẩy không làm được chính xác, Fabbi hỏi mấy lần ông không trả lời, cuối cùng cũng khóa xong.

“Bên ngoài không phải một mà là hai người! Hai thương binh Trung Quốc.” Rõ ràng ông cảm thấy lòng tốt của ông đã bị người ta giễu cợt.

Tiếng người chôn xác lại léo nhéo: “Bọn Nhật đến rồi kìa, chúng cưỡi ngựa!…”

Xem vừa rồi hắn ta giả vờ bỏ đi, làm như vứt thương binh lại, để mặc đó. Ông “hòa thương Tây” sẽ không nỡ bỏ đó, hơn nữa nếu nói có hai thương binh thì ông càng không muốn tiếp nhận. Cái trò đó quả nhiên linh nghiệm, vị linh mục đã mắc lừa, mở cửa ra.

“Đúng có tiếng vó ngựa!” A Cố nói.

Ngay cả Thư Quyên cũng biết rằng nếu lính Nhật rẽ vào cái phố nhỏ này thì tất cả mọi người bên trong hay ngoài cổng đều bị giết sạch.

“Tại sao ông dám lừa tôi? Rõ ràng không chỉ một thương binh!”, linh mục Engman nói: “Người Trung Quốc các anh đến lúc này vẫn còn dối trá?!”

“Linh mục, đã cứu người thì một người với trăm người có gì khác nhau đâu?!” Fabbi nói. Lần đầu tiên anh xung khắc trực diện với ân sư của mình.

“Anh im mồm đi.” Ân sư nói.

Tuy không hiểu điều hai ông Tây nói với nhau nhưng mấy người bên ngoài đoán là có liên quan đến sự sống chết của họ. Người chôn xác cuống lên thật sự: “Tiếng vó ngựa chạy về phía này rồi!”

Linh mục Engman cầm chìa khóa theo đường cũ quay về. Vừa đi được năm sáu bước, một bóng đen chặn lại, bóng đen nhanh nhẹn dứt khoát, có thể thấy đây là một người lính dày dạn.

Sô-phi bên cạnh Thư Quyên phát ra tiếng chó con ăng ẳng. Mặt trận lan đến đây rồi, cái sân này sắp thành sa trường rồi.

“Mở cửa ngay lập tức!” Kẻ đột nhập tiến sát linh mục Engman, tòa nhà cháy xa xa hắt ánh lửa loang loáng xuống sân nhà thờ. Trong ánh sáng các cô gái trông thấy một quân nhân cầm súng lục chĩa vào ngực linh mục Engman, sau lớp áo choàng đen và lồng ngực khô khốc là trái tim ông đang đập trước mũi súng. Thư Quyên nghĩ nếu nhạy cảm một chút, anh ta sẽ cảm nhận được trái tim ông đang đập điên loạn, nhịp đập rối loạn sẽ từ nòng súng truyền đến tay anh ta.

Fabbi giật chìa khóa từ tay linh mục Engman, mở cổng ra, đưa vào một nhóm người đen sì, một cái xác vớt từ máu ra nằm trên xe cút kít, người thương binh còn nói được tay chống một cành cây to, người đẩy xe chừng năm mươi tuổi mặc gi-lê đen.

Cổng đóng được một lát thì mấy kỵ binh Nhật phi đến, chúng hát ê a cười nói bi bô có vẻ khoái chí lắm.

Những người bên trong cổng đứng ngây như tượng gỗ theo mọi tư thế chờ cho lính Nhật đi xa. Người sĩ quan trang bị đầy mình hai tay nâng súng, sẵn sàng cửa mở ra là bắn.

Khi tiếng vó ngựa xa hẳn mọi người mới trở lại bình thường.

Thư Quyên nói nhỏ với Tiểu Ngu: “Ta xuống xem đi.”

“Không được!” Tiểu Ngu kéo lại.

Thư Quyên mở cửa cầu thang đi xuống. Cô nghe tiếng Tiểu Ngu nói với các bạn: “Xem Mạnh Thư Quyên kìa! Rỗi hơi đi kiếm chuyện!”

Thư Quyên không thích Tiểu Ngu làm vậy. Cô chỉ muốn rủ Tiểu Ngu làm chuyện bí mật vậy mà Tiểu Ngu tố giác cô. Cô xuống đến xưởng rút nhẹ chốt, hé cửa ra chỉ đủ để nhìn toàn cảnh. Bất kể trong hoàn cảnh nào cô cũng không muốn người ta giấu cô điều gì. Cô biết người ta giấu cô là muốn tốt cho cô nhưng cô không chịu, kể cả chuyện cha mẹ giấu không cho cô biết ban đêm họ cãi nhau và cãi nhau về chuyện gì. Có lúc cô thấy mắt mẹ đỏ như trái đào, cô hỏi có phải mẹ khóc suốt đêm không, mẹ còn cười bảo không phải, tựa hồ không giấu cô là vô trách nhiệm với cô.

Lúc này cô đứng trước khung cửa hé mở, thấy cuộc chiến ở sân vẫn chưa phân thắng bại. Cái xe cút kít biến thành xe tăng xung trận đi vào trong sân, người lính cầm súng là đội quân mũi nhọn. Thư Quyên nhìn thấy trước ngực sau lưng người mặc gi-lê đen có dán những miếng vải trắng tròn, cô đoán là dạng trang phục thống nhất của người chôn xác.

“A Cố, đi lấy thuốc cấp cứu ngay, lấy nhiều bông băng vào cho họ cầm đi.” Ý định của linh mục Engman là rõ ràng, nơi đây không tiếp những người khách như thế này.

Người cầm súng vẫn không thay đổi tư thế tấn công, súng vẫn chĩa vào linh mục Engman: “Ông định để cho họ đi đâu?”

“Xin ông bỏ súng xuống nói chuyện với tôi, ông thiếu tá.” Vị linh mục nói nghiêm nghị.

Ông đã nhận ra cấp bậc của người lính, một bên vạt quân phục bị sẫm màu, đó là máu đông.

“Vì cầm súng nói chuyện mới có người nghe.”

Linh mục Engman nói: “Tại sao không cầm súng để người Nhật nghe các anh nói?”

Người lính cứng họng.

Linh mục lại nói: “Thưa ông sĩ quan, người cầm súng không nói chuyện được với tôi. Xin ông hạ súng của ông xuống.”

Viên sĩ quan chúc mũi súng xuống.

“Xin hỏi ông là ai, vào đây bằng cách nào?” Fabbi hỏi.

“Nơi đây đâu có khó vào? Tôi vào đây hai ngày rồi. Tôi là Đới Đào, thiếu tá trung đoàn phó trung đoàn 2, sư đoàn 73.”

Bỗng có tiếng léo nhéo điếc tai, những người đang đối chọi nhau bị phân tâm. Thư Quyên ngó ra thấy năm sáu ả điếm, dẫn đầu là Hồng Lăng từ phía nhà bếp đi ra. Mấy ả không kêu “buồn chán quá!” nữa. Nhìn thấy đống máu thịt lù lù trên xe cút kít, họ dừng lại thì thầm. Đám đàn bà này lần đầu tiên hiểu rằng, cảnh thanh bình trên mảnh sân này là giả tạo, cảnh họ cười nói vui vẻ là giả tạo, bên ngoài máu chảy thành sông giờ đây đã chảy vào phía trong bức tường này rồi.

“Người Nhật hành hình lúc nào?” Linh mục nhìn người trên xe cút kít và hỏi.

“Sáng sớm hôm nay.” Đội viên đội chôn xác trả lời.

“Người Nhật bắn các anh bao nhiêu người?”

“Có đến năm, sáu ngàn.” Người lính chống gậy nói với giọng bi phẫn và xấu hổ: “Chúng tôi bị lừa! Bọn giặc bảo đưa chúng tôi đến đảo sông để khai hoang trồng trọt, đến bờ sông chẳng thấy có chiếc thuyền nào…”

“Các anh ở sư 154 phải không?” Viên thiếu tá đoán.

“Vâng, ông biết ạ?”

Viên sĩ quan không trả lời. Giọng địa phương của người lính đã cho anh ta biết. “Mau chóng tìm chỗ ấm áp băng vết thương cho anh ta.” Viên thiếu tá nói, cứ như anh ta đã chiếm lĩnh nhà thờ và trở thành chủ nhân rồi.

Mấy người đang chuẩn bị đi thì linh mục Engman nói: “Khoan đã. Ông thiếu tá, lúc nãy tôi đã cứu các ông một lần,” ông chỉ tay ra cổng, “tôi không có cách gì cứu các ông lần nữa. Có mười mấy nữ sinh trên mười tuổi đang tị nạn trong nhà thờ, để các ông ở lại, người Nhật sẽ có cớ vào đây.” Ông nói tiếng Trung Quốc nghe rất khó khăn.

“Nếu họ đi sẽ bị bắn lần nữa.” Viên thiếu tá nói.

Hồng Lăng nói chõ vào: “Giết hết bọn người Nhật đi!… ông sĩ quan, cho họ vào hầm với chúng tôi!”

“Không được,” linh mục Engman quát to.

“Thưa Cha, hãy để chọ họ băng vết thương đã rồi tính sau, được không?” Fabbi nói.

Linh mục nói: “Không được. Tình hình bây giờ đã không còn kiểm soát được. Không nước uống, không lương thực. lại thêm ba người nữa… Xin các vị nghĩ xem, tôi có mười sáu nữ sinh, lớn nhất mười bốn tuổi, ở cương vị tôi, các vị làm thế nào? Các vị sẽ làm như tôi, đó là cự tuyệt để binh sĩ vào đây. Binh sĩ sẽ kéo lính Nhật vào, như vậy có công bằng với các em nữ sinh không?” Tiếng Trung Quốc của ông chính xác đến mức đau khổ.

Viên thượng sĩ nói: “Không có chúng tôi thì người Nhật không vào hay sao? Chẳng có nơi nào họ không dám vào!…”

Linh mục im lặng một lát. Sự phản bác có lý. Dưới con mắt điên cuồng của quân chiếm đóng, không hề có vùng cấm, không có thần thánh. Ông quay sang viên thiếu tá: “Xin thiếu tá hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Đưa họ ra đi. Thượng đế phù hộ cho các vị đến được khu an toàn. Thượng đế chúc các vị may mắn.”

“Đẩy xe vào trong kia.” Viên thiếu tá nói với đội viên đội chôn xác, tay chỉ về phía bếp. “Cho họ uống nước rồi xem xét vết thương cho họ.” Viên thiếu tá như không hiểu tiếng Trung Quốc của linh mục.

“Đứng im!” Engman đứng chặn trước chiếc xe, dang tay áo ra như đôi cánh đen.

Nòng súng của viên thiếu tá giơ lên.

“Ông định bắn ư? Bắn thì nhà thờ sẽ là của ông, khi đó ông muốn để họ ở đâu thì để. Bắn đi.” Engman quá nửa đời người ở Trung Quốc, sáu mươi là cái tuổi có chết cũng không phải tiếc nuối.

Viên thiếu tá gạt chốt an toàn.

Fabbi há hốc mồm, nhưng đứng yên, anh ta sợ một cử chỉ bất kỳ sẽ làm viên đạn trong nòng súng hoảng sợ bay đi.

Người lính trên xe rên lên một tiếng. Ai cũng nghe thấy con người đau khổ sắp chết phát ra tiếng kêu. Tiếng kêu rên nghe nũng nịu, như tiếng của đứa trẻ mười bốn mười lăm vừa vỡ giọng. Người lính trẻ con đau đớn đến thế mà mọi người vẫn cãi nhau bất tận, trước sự đau đớn như thế, còn gì quá quan trọng không? Cả sự sống chết cũng không còn quan trọng nữa.

“Nước đã đun nóng rồi!” George Trần từ đâu lặng lẽ đứng bên không can dự vào chuyện đôi co nhưng anh ta đã có ý chuẩn bị đón tiếp người bị thương, bây giờ chỗ nước cuối cùng trong bồn rửa tội đã đun nóng rồi.

George Trần vội dẫn đường cho chiếc xe, người lính chống gậy đi theo. Lúc này đám gái điếm dưới hầm cũng kéo nhau lên nhìn người lính thiếu niên sắp chết và viên thượng sĩ què chân, không biết đang ghen ghét hay sợ hãi, họ đứng hai bên vừa như đón chào lại vừa như đưa đám.

Viên thiếu tá vừa định đi theo thì linh mục gọi lại.

“Ông thiếu tá, đưa súng cho tôi.”

Viên sĩ quan cau mày: Lão Tây già này muốn gì đây? Bọn Nhật còn không thể bắt anh ta nộp súng được! “Nếu ông muốn được nhà thờ che chở thì phải bỏ súng xuống. Ưu thế của nhà thờ chính là tính trung lập của nó, một khi người có vũ khí bước vào, tính ưu việt đó không còn nữa. Vậy cho nên, ông đưa vũ khí cho tôi.”

Viên thiếu tá nhìn đôi mắt màu nhạt của người khác sắc tộc và nói: “Không được.”

“Vậy tôi không thể để ông ở đây được.”

“Tôi không ở hẳn đây, có thể chỉ nán lại một hai ngày.”

“Ở đây một phút cũng phải làm một công dân bình thường. Nếu người Nhật phát hiện ông mang súng ở đây thì tôi không thể nào biện hộ cho ông, cũng không thể chứng minh địa vị trung lập của nhà thờ.”

“Nếu người Nhật vào đây mà tôi không có súng thì có nghĩa là để mặc cho họ giết chết.”

“Bỏ súng xuống ông mới có thể tị nạn ở đây như một công dân bình thường. Nếu không, ông phải lập tức rời khỏi đây.”

Viên thiếu tá do dự rồi nói: “Tôi chỉ ở một đêm, hỏi được mấy người lính về tình hình người Nhật tàn sát tù binh rồi tôi sẽ đi.”

“Tôi nói rồi, một phút cũng không được.”

“Ông thiếu tá nghe lời linh mục đi.” Fabbi đứng bên nói. “Vết thương của ông cũng không nhẹ, đi khỏi đây, không ăn, không uống, đâu cũng nhan nhản lính Nhật, ông đi được bao xa? Ít nhất phải dưỡng thương, nghỉ ngơi chút ít mới đi được.” Giọng Giang Bắc của anh ta dùng để giảng giải có vẻ rất lọt tai, nghe như khuyên can hai anh em đánh nhau trong làng.

Viên thiếu tá chầm chậm khóa khẩu súng, tách một tiếng, sau đó quay mũi súng về phía mình, báng súng về phía linh mục.

Thư Quyên nhận ra sự miễn cưỡng của anh ta giống như sự miễn cưỡng nhượng bộ trước đó của vị linh mục.

(9) Một loại đàn hơi dùng nhà thờ, tư thế ngồi đàn tựa như đàn piano – ND.

(10) Những vùng đất trong thành phố, nhiều nhất là ở Thượng Hải, Quảng Châu cắt ra cho người nước ngoài thuê – ND.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện