Từ sau lần trước xem thiếp Đoan Ngọ của chư thần, ta vẫn thường suy nghĩ muốn đi đọc một lượt, chọn ra những câu thơ hay trong đó, sao lại học thuộc lòng, nhưng sự vụ sau lễ tết rất phức tạp, mãi đến cuối tháng Sáu mới dành được thời gian quay lại Thư nghệ cục tìm Trương Thừa Chiếu, nhờ hắn lấy cho thiếp Đoan Ngọ lưu trữ ở thư viện.

Hắn nhanh chóng tìm cho ta, còn cùng ta sao chép. Lúc chép, ta thuận miệng hỏi hắn: “Dạo này Âu Dương học sĩ có tác phẩm nào mới không?”

“Âu Dương Tu?” Trương Thừa Chiếu nói, “Bài văn mới nhất của y không phải là bản tấu chương lên tiếng cho Đỗ Diễn, Hàn Kỳ, Phạm Trọng Yêm à? Viết ra có khác nào chọc tổ ong vò vẽ không cơ chứ, rước lấy một đống phiền toái, chẳng những mũ ô sa khó bảo toàn mà có giữ được cái đầu trên cổ hay không cũng khó nói, phỏng chừng gần đây chẳng còn tâm tư gì mà ngâm thơ viết từ nữa rồi.”

Ta giật mình: “Đoan Ngọ không phải hãy còn yên ổn à? Sao lại nói vậy?”

“Sao á? Kể ra, chuyện này có đến mấy mối duyên cớ kia, để tôi nói từng cái cho cậu nghe.” Trương Thừa Chiếu bắt đầu thuật lại tường tận chuyện của Âu Dương Tu với ta.

Thì ra hồi tháng Năm, Âu Dương Tu từng dâng sớ luận về việc không nên bãi chức mấy người Đỗ Diễn, Hàn Kỳ, Phạm Trọng Yêm, Phú Bật, tâu “Bốn vị này có thể nói là hiền tài chí công, thường ngày nhàn rỗi khen nhau không ngớt, nghị sự vì nước tranh luận không ngơi, mà chẳng vì vụ lợi. Xét theo đó, thần thấy bốn vị Đỗ Diễn quả thật là ‘trung thần có chỗ bất hòa’ mà sử Hán nhắc đến, bọn tiểu nhân gièm pha đó là kết đảng, có thể nói rặt lời vu vạ… Một khi bãi chức, là cho bầy tà bên trong được dịp ăn mừng, cho di rợ bên ngoài có cớ mở tiệc, bởi vậy thần lấy làm tiếc thay cho bệ hạ.”

Công nhiên gọi phe phái đại thần phản đối Khánh Lịch tân chính là “tiểu nhân”, “bầy tà”, vừa hay hiện nay những người này lại là chính giả, bởi vậy đã gieo mầm tai họa đầu tiên cho những chuyện ngày sau.

Em rể Âu Dương Tu tên Trương Quy Chính mất sớm, không có con trai, chỉ có con gái do vợ trước sinh hạ. Em gái Âu Dương Tu dắt cô gái này về nhà mẹ đẻ, nuôi nấng nhờ vào sự hỗ trợ của Âu Dương Tu. Khi ấy, cô gái này lên bảy, đến tuổi cập kê, Âu Dương Tu gả cháu gái cho con trai một người anh trong họ, tên Âu Dương Thịnh. Nhưng năm, sáu năm sau khi xuất giá, Trương thị lại tư thông với nô bộc Trần Gián trong nhà, không bao lâu sau khi chuyện xảy ra thì bị Tả Quân tuần viện (*) phủ Khai Phong thẩm vấn.

(*) Quân tuần viện là cơ quan phụ trách các sự tình liên quan đến bạo động, tranh đấu, cướp bóc và thẩm vấn án kiện hình sự, chia ra làm hai phân viện tả hữu.

Quyền tri phủ sự (*) Dương Nhật Nghiêm khi xưa coi giữ Ích Châu từng bị Âu Dương Tu dâng sớ tố tham ô phóng túng, Dương đã sẵn ghi hận trong lòng, chỉ chực tìm thời cơ trả thù, sai quan coi ngục mạnh tay khảo vấn Trương thị, dụ ả nhắc đến Âu Dương Tu. Dương thị sợ tội, vì muốn bảo vệ mình mà khai ra rất nhiều chuyện với Âu Dương Tu lúc còn chưa lấy chồng, trong đó có không ít chi tiết không đứng đắn.

(*) Chức quan xử lý việc xử án, bắt trộm và quản lý thuế má lao dịch ở phủ Khai Phong.

Dương Nhật Nghiêm dựa theo đó báo cáo lên trên, gián quan Tiền Minh Dật ngay sau đấy đã dâng sớ vạch tội Âu Dương Tu, nói y tư thông với cháu gái ngoại, lại lừa gạt chiếm đoạt gia tài của cô gái mồ côi này. Quân tuần phán quan Tô Quý phụng mệnh tái thẩm, cảm thấy lời Trương thị nói chưa chắc đã là thật, đại khái cũng bởi có lòng tôn kính Âu Dương Tu, bèn không tra lại chi tiết, chỉ truy xét vụ án Trương thị tư thông với Trần Gián. Cách thức xử lý ấy đã khiến đại thần tể chấp nổi giận, lệnh Thái thường bác sĩ (*) Tô An Thế phúc thẩm vụ án, muốn nhân đây diệt trừ Âu Dương Tu.

(*) Chức quan quản lý việc lễ nghi tông miếu.

“Âu Dương Tu có vụng trộm với cháu gái ngoại thật không?” Ta hỏi Trương Thừa Chiếu, cảm thấy việc này quá mức khó tin, “Lời khai của Trương thị thật kỳ quặc. Nói là vì muốn tự bảo vệ, nhưng tội thông dâm với cậu to hơn tư thông với nô bộc trong nhà nhiều, nói ra chẳng những không thể gỡ tội cho mình mà ngược lại tội còn nặng hơn. Không phải là bị bức cung ép nhận đấy chứ?”

“Những người bảo vệ Âu Dương Tu cũng nói như vậy, nhưng mà…” Trương Thừa Chiếu đứng vụt dậy, nói, “Cậu chờ chút, tôi lấy bài từ này cho cậu xem.”

Hắn lục một chồng sách vở, cuối cùng rút ra một tờ giấy đầu đề ghi “Vọng Giang Nam”, đưa tới trước mặt ta.

Ta giở ra xem, thấy từ viết: “Liễu Giang Nam, lá nhỏ bóng chưa râm, mảnh mai sợi tơ ai nỡ bẻ, oanh xót cành non tránh không ngâm, đợi đến ngày xuân thâm. Tuổi mười bốn, nhàn ôm tỳ bà gảy, trên sảnh xóc tiền dưới sảnh trốn, ngày ấy gặp mặt đã để tâm, huống gì đến hôm nay.”

Trương Thừa Chiếu giải thích cho ta: “Đây là sáng tác cũ của Âu Dương Tu. Sau khi chuyện cháu gái ngoại truyền ra, lại bị Tiền Hiệp, người trong họ của Tiền Minh Dật, lật ra chỉ vào bài từ này, cười: ‘Trương thị đến nhà họ Âu Dương năm bảy tuổi, chính là lúc con gái học chơi xóc tiền.’”

“Tiền Minh Dật, Tiền Hiệp…” Ta lại thấy có điểm khác thường, “Hai người họ họ Tiền, có phải là hậu duệ của Ngô Việt Vương Tiền Thục không?”

Trương Thừa Chiếu gật đầu: “Phải. Lúc Âu Dương Tu biên sửa “Sử Ngũ Đại”, nghe nói đã phê rất nhiều lời chê bai Ngô Việt Vương, hậu duệ nhà họ Tiền sớm đã bất mãn vì chuyện này rồi.”

Ta nghĩ ngợi, lại hỏi: “‘Vọng Giang Nam’ thực sự do y viết? Y thừa nhận là sáng tác cũ của y?”

Trương Thừa Chiếu đáp: “Không thừa nhận, nhưng cũng không phủ nhận, nên tính là ngầm thừa nhận thôi.”

Ta không tiếp lời, xem đi xem lại bài từ trong tay, ánh mắt quanh quẩn mãi trên mấy câu: Trên sảnh xóc tiền dưới sảnh trốn, ngày ấy gặp mặt đã để tâm, huống gì đến hôm nay…

Trong lòng ta rung lên, nhớ khi mới vào gác công chúa, nàng cũng đang xóc tiền. Vốn tưởng rằng chỉ là một cái liếc thoáng lơ đãng, nhưng dung mạo cử chỉ hồn nhiên xinh xắn của nàng như đã tạc vào lòng ta, đến nỗi bây giờ cứ mỗi lần nhìn thấy hai chữ “xóc tiền”, cái đầu tiên xuất hiện trong đầu chính là dáng vẻ nàng nói cười êm ả.

“Có lẽ giữa Âu Dương học sĩ và Trương thị chỉ là có tình không có gian mà thôi.” Ta thở dài.

“Có tình không có gian?” Trương Thừa Chiếu cao giọng lặp lại, ngữ điệu mang một cảm giác hưng phấn khó có thể gọi tên, cười nhạo ta: “Nói cho cùng, chúng ta chỉ là loại tiểu hoàng môn không biết mùi nữ nhân, cậu biết được thế nào là tình, thế nào là gian cơ à?”

Ta nhất thời như bị vả cho hai cái thẳng mặt, nóng rát, cụp mắt xuống, không đáp trả câu nào.

Thấy thế, Trương Thừa Chiếu vỗ tay phá ra cười: “Cứ tưởng cậu vào Nội tỉnh trải đời rồi, được các nương tử dạy dỗ, đáng ra phải tiến bộ lên không ít mới phải, không ngờ da mặt bây giờ vẫn mỏng y như xưa.”

Ta gượng cười, chỉ mong dẫn dắt chủ đề rời khỏi mình: “Vậy quan gia thì sao? Ngài có cái nhìn thế nào về chuyện Âu Dương Tu?”

“Nghe các học sĩ nói, quan gia cũng rất tức giận. Vốn ngài rất thưởng thức tài hoa của Âu Dương Tu, trọng dụng y làm gián quan đã đành, còn đặc biệt dặn bọn tôi Âu Dương học sĩ có tác phẩm nào mới, bất kể có thuộc nội chế hay không, đều phải tìm ra trình lên cho ngài. Giờ xảy ra việc này, quan gia đương nhiên không tránh được phẫn nộ. Nghe nói lúc trên triều vừa nghe tới, sắc mặt quan gia lập tức sầm xuống, hồi lâu không nói tiếng nào.” Nói đến đây, Trương Thừa Chiếu hỏi ngược lại ta: “Cậu có không ít cơ hội gặp quan gia mà lại không thấy ngài nhắc tới à?”

Ta xòe tay: “Tôi là người phục dịch công chúa, chuyện như thế sao quan gia đề cập với công chúa được.”

“Vậy cũng không nói với các nương tử?” Trương Thừa Chiếu lại chợt nổi hứng, “Cậu có nghe nói Trương nương tử có khả năng cũng bỏ đá xuống giếng vụ Âu Dương Tu này không?”

“Trương nương tử?” Ta ngạc nhiên, “Chắc là không đâu. Sau chuyện Sơ đầu phu nhân, hoàng hậu còn đặc biệt nhắc nhở chúng phu nhân chớ dính đến chính sự, vả lại Trương nương tử và Âu Dương Tư hình như cũng đâu có hiềm khích gì?”

Trương Thừa Chiếu cười khà khà, hỏi ta: “Cậu còn nhớ năm đó lúc Trương nương tử sinh bát công chúa, Âu Dương Tu từng dâng sớ, đề là ‘Luận việc cần tiến hành cắt giảm ân sủng dành cho mỹ nhân Trương thị’ không?”

Được hắn nhắc nhở, ta mới nhớ ra quả thật có chuyện này. Năm đó bát công chúa Ấu Ngộ ra đời, quan gia lệnh Tả tàng khố lấy tám ngàn xếp lăng la. Gặp trúng đợt giá rét, thợ nhuộm Nhiễm viện vì hoàn thành hoàng mệnh, không thể không đập băng lấy nước giữa cái lạnh buốt xương ngày tuyết lớn, nhuộm lụa cung ứng. Âu Dương Tu biết rồi lập tức dâng sớ, chẳng những lên án việc này mà còn đề cập tới chuyện thân thích nhà Trương mỹ nhân được hưởng quá nhiều ơn trạch, cho rằng đây là “việc làm nhơ Thánh đức”, “khó tránh bị trời phạt”, hi vọng quan gia ngăn chặn sai lầm, sớm ngày cắt giảm.

Với bản tính của Trương mỹ nhân, canh cánh chuyện này cũng không phải không có khả năng. Ta hỏi Trương Thừa Chiếu: “Tuy đúng là vậy, nhưng Trương nương tử thân tại hậu cung, muốn nhúng tay vào việc này tất sẽ làm quan gia nghi kị, ả còn cách nào can thiệp nữa chứ?”

“Cậu không biết à,” Trương thừa chiếu ra hiệu về phía Trung thư môn hạ, “Giả tướng công nhận mẹ nuôi của Trương nương tử làm cô cô.”

Mẹ nuôi của Trương mỹ nhân tên là Giả Thành, cũng ở trong cung, ỷ mỹ nhân đắc sủng lên ngôi cao mà cáo mượn oai hùm, ngôn hành vô cùng phách lối, người trong cung gọi là “Giả bà bà”. Tể tướng Giả Xương Triều cùng họ với mụ, bèn nhận mụ làm cô cô, thường xuyên qua lại. Ta có biết việc này, chỉ là không liên hệ với chuyện của Âu Dương Tu.

“Trương nương tử muốn làm chút chuyện bé tí teo thế cần gì phải tự mình ra tay, báo với Giả tướng công một tiếng thông qua Giả bà bà là được.” Trương Thừa Chiếu nói, “Lần này Giả tướng công ra tay với Âu Dương Tu tàn nhẫn như vậy, chắc gì đã không có bàn tay Trương nương tử nhúng vào? Nghe nói hiện giờ Giả tướng công đang thỉnh cầu quan gia phái Vương Chiêu Minh và Tô An Thế cùng thẩm tra vụ án của Âu Dương Tu, cái này chỉ sợ cũng là Trương nương tử nghĩ ra.”

Vương Chiêu Minh? Ta thầm lấy làm cảm thán, Âu Dương học sĩ đúng là họa vô đơn chí, trước kia làm người chính trực, đắc tội với không ít người, giờ đây rơi vào khốn cảnh, những kẻ tẩm ngẩm tầm ngầm bỏ đá xuống giếng lập tức từng người trồi lên mặt nước.

Trước đây, Âu Dương Tu nhậm chức Hà Bắc đô chuyển vận án sát sứ, kim thượng có ý định sai Vương Chiêu Minh đi cùng, đồng giám sát việc vận chuyển đường thủy ở Hà Bắc, Âu Dương Tu lại kiên quyết cự tuyệt, nói quan thần phục mệnh đi sứ xưa nay không có lệ nội thị đồng hành, “Thần cảm thấy vô cùng sỉ nhục”. Kim thượng chấp thuận lời thỉnh cầu của y, không để Vương Chiêu Minh đi cùng nữa. Đối với Vương Chiêu Minh mà nói, đây hiển nhiên là chuyện rất lúng túng, hiện giờ Giả Xương Triều yêu cầu phái y đi thẩm án, rõ ràng là muốn cho y cơ hội lấy việc công trả thù việc tư, khiến Âu Dương Tu vạn kiếp bất phục.

Ta hỏi Trương Thừa Chiếu: “Liệu quan gia có để Vương tiên sinh đi không nhỉ?”

Trương Thừa Chiếu cười: “Cậu hỏi tôi? Tôi còn đang muốn hỏi cậu đây này! Nhìn xem, cậu làm nhập nội cao ban kiểu gì thế? Chuyện Hậu tỉnh của mình cũng chẳng biết, còn chạy ra Tiền tỉnh hỏi tôi!”

Ta cười xấu hổ, phát hiện ra mình quả thật biết những chuyện này rất muộn màng. Trong cung biến động bất ngờ, ta lại phản ứng chậm chạp, thế mà mơ mơ hồ hồ lại làm được đến nhập nội cao ban, cũng coi như số mệnh kỳ lạ.

Chép xong thiếp Đoan Ngọ, ta chào tạm biệt Trương Thừa Chiếu, chuẩn bị về Nghi Phượng Các, hắn khăng khăng đòi tiễn ta, đưa ta tới tận Nội Đông Môn. Từ sau khi ta được điều sang Hậu tỉnh, mỗi lần tới gặp hắn đều cảm thấy thái độ hắn với mình còn thân thiết hơn cả trong quá khứ, mang một cảm giác ân cần tế nhị. Ta không khỏi nghĩ, hắn đích thực là một người rất thích hợp sinh tồn trong cung.

Bọn ta vô tình gặp được Giả bà bà vừa mới nhắc tới ở gần Nội Đông Môn ty. Khi đó, mụ vừa từ bên ngoài trở về, xuống kiệu trước Nội Đông Môn, tiểu hoàng môn theo đuôi mụ đi qua dìu đỡ, lúc vén rèm có hơi lỗ mãng, tay vô ý đụng tới cái miện nặng trịch trên đầu Giả bà bà, ngay lập tức bị mụ giáng cho một cái tát tai dữ dội: “Thằng vô lại chết giẫm này! Té ra mẹ bay lúc sinh bay không gói kỹ tay nên mới đẻ ra cái móng lợn ti tiện động kinh này đây đúng không!”

Tiểu hoàng môn không dám cãi lại, lập tức quỳ xuống tạ tội. Giả bà bà hãy còn chưa nguôi giận, vừa sa sả chửi mắng, vừa thò bàn tay nuôi móng dài hai tấc đi nhéo tai tiểu hoàng môn. Tiểu hoàng môn đau đến duỗi cổ nhíu mày, nhe răng trợn mắt, nhưng vẫn gắng hết sức cười, nói: “Là tiểu nhân không đúng, bà bà cho phép tiểu nhân vả miệng thôi, chớ nên để làm gãy móng tay bà bà.”

Hắn vừa ngẩng đầu lên, ta đã ngẩn người, nhận ra hắn chính là tên tiểu hoàng môn khi trước đã nhờ ta đưa giúp đèn lưu ly.

Rốt cuộc Giả bà bà cũng buông tay, tiểu hoàng môn tiếp tục quỳ tại chỗ, bắt đầu tát từng cái từng cái lên mặt mình. Giả bà bà chẳng buồn đếm xỉa đến hắn, tự mình đi vào nội cung, giữa đường đi ngang qua ta, liếc ta một cái. Ta hơi khom người với mụ, mụ điềm nhiên cười cười, cất tiếng chào: “Ô, Lương cao ban đó à… Thay mặt lão thân thỉnh an Phúc Khang công chúa với nhé.”

Mụ uốn éo thân mình cồng kềnh, nghênh ngang bước đi. Đợi mụ đi xa rồi, ta tới cạnh tiểu hoàng môn vẫn đang quỳ dưới đất vả miệng, nói: “Bà ấy đi rồi, cậu trở về đi.”

Hắn ngẩng đầu xem ta, tức thì kinh hãi thất sắc, đứng dậy chạy biến như một làn khói.

Trương Thừa Chiếu thấy thế bèn hỏi ta nguyên nhân, ta nói cho hắn biết người này chính là tên đưa đèn lưu ly cho ta, Trương Thừa Chiếu than: “May mà bây giờ cậu theo được chủ tử tốt. Cậu có công chúa che chở, công chúa có quan gia che chở, chúng mới chịu bỏ qua cho cậu… Nể tình huynh đệ hai ta, sau này trong gác công chúa mà có việc mọn gì, cậu tiến cử cho tôi vào với. Ở Tiền tỉnh lâu quá thật sự là đến phát chán rồi.”


Mị nói với các diu chứ, dịch xong chương này muốn khóc mn bằng tiếng Mán luôn á
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện