(*) Một câu trong bài “Tự ân bình hoàn đề tung thai tống long quán nhị tuyệt” của Hoàng Công Độ đời Tống.
1. Miện hoa
Sự kiện được gọi là Âu Dương Tu “trộm cháu” bị coi thành một vụ diễm tình bê bối, dần dần truyền vào trong cung, trở thành đề tài trà dư tửu hậu giết thời gian của trăm ngàn cung quyến. Có lần, Miêu chiêu dung nổi hứng nhắc đến với kim thượng, hỏi ngài có định cho Vương Chiêu Minh đi thẩm án không, chẳng ngờ sắc mặt kim thượng tức khắc đổi ngoặt, thu lại nụ cười, ngó lơ không đáp, sau đó Miêu chiêu dung không dám hỏi lại nữa. Ta lưu ý theo dõi, song không nghe ngóng thêm được sự tình có tiến triển gì tiếp sau, nghĩ hẳn là kim thượng hãy còn đang do dự.
Thất tịch đã cận kề, chư nương tử đề cử ty sức với kim thượng càng thêm chú tâm vào tóc tai mũ miện. Nữ tử quốc triều đều chuộng đội miện hoa, búi tóc ngày thường khá đơn giản nhưng mũ miện tô điểm thì nhất định phải thật lộng lẫy bắt mắt, nhất là vào các dịp lễ tết, hoa cài bao giờ cũng thêm thắt tơ vàng tuyết liễu, châu ngọc đầy đầu đọ sắc khoe hương.
Có một hôm, Du tiệp dư đến đúng lúc Thu Hòa vừa trang điểm xong cho Miêu chiêu dung. Tiệp dư quan sát chiêu dung một lượt rồi cười nói: “Tỷ tỷ thứ cho em nói thẳng, Thu Hòa chải tóc thì đẹp thật đấy, nhưng mà mũ miện phối cùng đơn giản quá, trang điểm chẳng khiến người ta thấy lóa mắt gì cả.”
Miêu chiêu dung cũng nhìn mũ miện trên đầu Du tiệp dư, than: “Ta đang phát rầu ra đây, chẳng biết nên lấy châu báu gì làm miện nữa. Ta thấy châu trên miện hoa của em tuy không tệ, nhưng nếu ai kia bên Tường Loan Các mà dùng châu quan gia ban cho thì chỉ sợ bao nhiêu nổi trội cũng bị cô ả cướp sạch mất thôi.”
Du tiệp dư nói: “Ôi đừng nói nữa. Bữa trước sau khi quan gia ban châu cho ả, tần ngự trong cung đều nhờ người bên Nội ty (*) ra ngoài mua cả, hoàng thân hào phú trong kinh trông thấy cũng tranh nhau đi mua, kết quả chỉ trong một tháng giá châu ngọc đã tăng lên gấp mười. Mấy viên vớ vẩn trên đầu em đây mua cũng mất đứt tám trăm xâu tiền rồi.”
(*) Tên gọi chung của các cơ quan Đông môn ty, Hợp đồng bằng do ty, Quân đầu dẫn kiến ty thuộc Nội thị tỉnh thời Tống.
Miêu chiêu dung lấy quạt lụa che miệng, kinh ngạc: “Tám trăm xâu? Điên hết rồi đấy à!”
“Giá cả bây giờ nó thế đấy.” Du tiệp dư bĩu môi, lại nói: “Nếu tám trăm xâu mà mua được hàng tốt thì cũng thôi, đáng tiếc là dẫu có trả giá cao, chất lượng hạt châu mua về thế nào cũng vẫn không bằng được ai kia, đến hôm thất tịch biết lấy gì mà so với ả?”
Miêu chiêu dung cúi đầu trầm ngâm, lát sau nói với tiệp dư: “So châu so ngọc chỉ sợ không ăn thua được với đằng ấy, chẳng bằng chúng ta tìm sang cái khác có khi lại hay hơn, phỉ thúy, đồi mồi, ngà voi gì đó, nhờ riêng bên Nội ty tìm loại thượng hạng mà mua, đến lúc đó làm thành miện đội ra ngoài, chưa chắc đã thua miện châu của ả.”
Du tiệp dư gật đầu: “Tỷ tỷ nói có lý. Lần này tốn thêm chút tiền cũng chẳng sao, đã mua thì phải lựa cái tốt nhất, nhất định không thể để thua ai kia được, bằng không chúng ta chỉ còn nước trơ mắt nhìn ả xếp một con hồ ly tinh vào bên quan gia thôi.”
Miêu chiêu dung cũng cho là như thế, mỉm cười quay sang hỏi Thu Hòa: “Thu Hòa, theo ý ngươi, lấy châu báu gì làm miện thì tôn sắc được cho ta? Phỉ thúy có ổn không?”
Thu Hòa không đáp, chau mày cúi đầu, quỳ sụp xuống trước mặt chiêu dung, nói: “Mong nương tử nghĩ lại, chớ tìm mua châu báu đắt đỏ làm đồ trang sức.”
Miêu chiêu dung kinh ngạc: “Tại sao? Ngươi đứng lên đi đã, từ từ nói.”
Thu Hòa vẫn quỳ đó, thưa: “Người trong kinh từ nhà giàu phú hào đến bình dân trên phố ai ai cũng coi cái trong cung truy tầm là trào lưu nhất thời. Hễ nghe cung quyến muốn tìm mua cái gì là tranh nhau hùa theo, làm vật giá tăng vọt. Trương nương tử thích ăn quất Giang Tây, dân gian nghe thấy, quất tức thì tăng giá, nghe nói hiện giờ giá một cân món ấy đã bằng tiền mua tám cân thịt dê rồi (*). Nếu Miêu nương tử lại ra giá cao tìm mua châu báu thì bất kể là phỉ thúy, đồi mồi hay ngà voi cũng sẽ đều giá cả tăng vọt, trên trái ý vua, dưới hại dân sinh, tuyệt đối không thể được, mong nương tử thu hồi mệnh lệnh đã ban.”
(*) Một cân tàu bằng nửa cân ta.
Miêu chiêu dung ngẫm nghĩ đôi chốc rồi cười nói với Du tiệp dư: “Lời con bé này cũng có chỗ có lý. Quan gia luôn muốn chúng ta tiết kiệm, nếu biết chúng ta vung tiền trả giá cao chỉ để mua trang sức chỉ e sẽ không vui.”
Du tiệp dư không có dị nghị gì, song lại nhíu mày: “Nhưng hôm thất tịch, Trương nương tử ắt sẽ dùng trân châu phiên thương làm trang sức, chúng ta dẫu có tìm được món nào giá cả phải chăng nhất thì so với ả thế nào cũng khó tránh khỏi có chỗ thua kém.”
Thu Hòa đáp: “Trận so tài hôm thất tịch là để chọn người khéo tài chải đầu, chư vị nương tử vị tất phải dùng trang sức đắt giá. Kiểu tóc của quan gia khác với các nương tử, không cần cài hoa thêm miện. Thu Hòa cho rằng đến khi đó chải đầu thật kỹ lưỡng cho nương tử là được, còn mũ miện xét đến cùng cũng chỉ là vật trang sức, chọn ít hoa lụa, thậm chí là hoa tươi đương thời là đã được rồi, quý báu lắm chi cho thành giọng khách át giọng chủ.”
Hai vị nương tử nghe mà gật gù liên tục. Du tiệp dư tự mình đưa tay đỡ Thu Hòa dậy, lại cười: “Cô bé ngoan, may mà có ngươi nhắc nhở. Ngươi nói những lời này cũng chẳng đề phòng ta, có thể thấy trong lòng rất thẳng thắn vô tư.”
Thu Hòa bái tạ rồi lại lúng túng không biết phải ứng đối ra sao. Miêu chiêu dung bên cạnh thì cười nói: “Chúng ta đều là người một nhà, người ai tiến cử làm Sơ đầu phu nhân cũng đều như nhau cả, phòng em làm gì chứ?”
Ngày kế, Miêu chiêu dung bảo Thu Hòa vấn cho một kiểu tóc không thêm mũ miện không độn tóc giả, Thu Hòa cầm gương lăng hoa (*) đứng sau lưng bà để bà có thể nhìn được cả đằng trước đằng sau. Chiêu dung vẫn chưa yên tâm, gọi ta lại, bảo: “Ngươi là bé trai, qua xem giúp ta xem kiểu tóc này có ổn không?”
(*) Loại gương đồng nhỏ cầm tay thời xưa, thường có hình lục giác, mặt sau khắc hình hoa củ ấu (lăng hoa).
Tiếng “bé trai” bà lơ đãng gọi khiến lòng ta như được sưởi ấm, mũi lại hơi cay cay.
Ta dụng tâm tỉ mỉ xem xét búi tóc của bà, cúi người nói: “Kiểu tóc này khá sáng tạo, chưa từng thấy trong cung có ai chải giống vậy, quan gia trông thấy ắt sẽ khen đẹp ạ.”
Chiêu dung thoáng do dự, hỏi lại: “Không đội miện liệu quan gia có vừa mắt chăng?”
Ta đáp: “Thần cho rằng Đổng nội nhân nói có lý, quan gia muốn chọn người khéo tài chải đầu, không phải người khéo tài làm miện hoa, bởi vậy nên không cần phải tốn quá nhiều công sức vào mũ miện, để Đổng nội nhân chải một kiểu tóc thỏa đáng là được.”
Miêu chiêu soi gương thêm lượt nữa, chợt cười: “Vậy được, ta nghe các ngươi lần này. Cơ mà không thêm miện thì trang điểm mặt nhất định phải thật tinh xảo mới được.”
Ta không đệm lời, chỉ nói: “Quan gia ưa chải đầu bằng thuật đạo dẫn là bởi thủ pháp này có thể xoa bóp da đầu, đả thông kinh lạc, cường thân kiện thể. Trận so tài đêm thất tịch mà chỉ xem tóc miện ra sao thôi thì không thể nhìn ra thuật đạo dẫn của các nội nhân ai cao tay hơn ai, thế nên mấy ngày nay phiền nương tử khi chải đầu đừng ngại đả thông kinh lạc thường xuyên hơn, nghỉ ngơi điều dưỡng cẩn thận hơn, hôm thất tịch chỉ trang điểm nhã nhặn thôi, quan gia thấy nương tử khí sắc tốt tự nhiên sẽ biết là nhờ công hiệu thuật đạo dẫn của Đổng nội nhân.”
Đến ngày thất tịch, kim thượng dẫn cung quyến ngự giá Quỳnh Lâm Uyển bên Kim Minh Trì.
Quỳnh Lâm Uyển nằm trên con đường cái thông tới Thuận Thiên Môn, mặt bắc đối diện với Kim Minh Trì. Hai bên con đường dẫn từ cổng lớn vào trồng toàn những loài tùng bách hiếm lạ, bên trong ẩn chứa vườn cây đủ loại như vườn lựu, vườn anh đào, mỗi vườn một tòa đình tạ. Thái Bình Hưng Quốc năm thứ nhất, hoàng đế sai ba vạn năm ngàn binh sĩ đào Kim Minh Trì, dẫn nước từ sông Kim Thủy đổ vào. Trong hồ có ba cây cầu, lan can sơn đỏ, trụ cầu khắc hình nhạn xếp hàng đỡ bên dưới, ở giữa gồ lên, dáng tựa cầu vồng, một đầu cầu nối với khối kiến trúc năm tòa điện tương liên nằm giữa hồ. Vào mùa hoa hằng năm, nơi đây liễu rủ cầu hồng, hoa vây thuyền phượng, ngát hương êm dịu, hoa thơm phương nam đất Mân, Quảng và Lưỡng Chiết như tố hinh, nhài, loa kèn, thụy hương, hàm tiếu, xạ hương đua nở, lại thêm cả mẫu đơn Mai Đình, cảnh đẹp thật khó lòng đếm xuể.
Tiết hoa triêu (*) năm nay, quan gia sầu lo chuyện triều chính, bát công chúa lại đổ bệnh đau ốm, nên chẳng có tâm tư đâu mà ngự giá vườn hồ. Mãi đến thất tịch, nghe nói mẫu đơn thu tiết mang từ chùa Thái Bình Hưng Quốc về Quỳnh Lâm Uyển trồng đã nở hoa, mới lâm thời quyết định di giá tới dạo chơi thưởng ngắm, đồng thời lựa chọn ty sức mới tại đây.
(*) Tiết hoa triêu trong âm lịch là ngày trăm hoa đua nở, vào khoảng 12-15 tháng 2 âm lịch.
Kim thượng dắt hoàng hậu và công chúa vào chính điện giữa Kim Minh Trì trước. Trong điện đặt long sàng sơn son thếp vàng, bình phong rồng vờn mây nước giữa sông xanh, hai mé mỗi bên bày hơn mười chậu mẫu đơn các loại dời từ Quỳnh Lâm Uyển vào, muôn hồng nghìn tía, phồn hoa tựa gấm, đua nhau khoe sắc.
Lát sau, xe liễn của chư tần ngự đến nơi, chúng nương tử ai nấy trang phục lộng lẫy, lần lượt vào trong. Trong số những nương tử tham gia so kiểu tóc, Du tiệp dư là người tiến vào đầu tiên, chỉ thấy bà vấn tóc kiểu triều thiên (*), hai búi tóc song song với trán, hơi ngả ra sau, bên trên điểm thêm chiếc miện tròn bằng la lụa, la lụa quấn lấy nhau hợp thành hình cánh hoa, chia làm bốn, năm đóa, viền cánh hoa đỏ thẫm, màu sắc nhạt dần vào tâm, ở giữa gần như là trắng nhạt. Miện rộng chừng nửa thước, cao tầm năm, sáu tấc, không dùng đến bất kỳ món châu ngọc nào song vẫn mang cảm giác diễm lệ long trọng.
Kim thượng trông thấy gật đầu, mỉm cười: “Cái miện này của nương tử được đấy.”
(*) Kiểu tóc búi triều thiên.
Du tiệp dư ngoảnh lại nhìn nội nhân phía sau, vui vẻ nói: “Đây là do Thải Nhi làm cho thần thiếp đấy ạ.”
Nội nhân Cố Thải Nhi bước lên bái kiến quan gia. Nhan sắc thị tầm tầm, không có điểm nào đặc biệt tươi đẹp, nhưng đối đáp trầm tĩnh, ngôn hành tương đối quy củ.
Kim thượng khen thị thêm hai câu rồi ban tọa cho Du tiệp dư, lặng lẽ đợi hai vị nương tử còn lại tới.
Ngay sau đó là Miêu chiêu dung vào điện. Bà tiếp thu kiến nghị của Thu Hòa và ta, chải một búi tóc nom như nụ hoa ngọc lan, tóc xanh xoay tròn, sáng sủa bóng loáng, không đội miện, gần như chỉ điểm tô bằng một quả cầu hoa nho nhỏ làm từ hoa lá cây hòe bên sườn mái đầu, trang điểm mặt cũng mộc mạc, gương mặt trắng trẻo láng mịn, không thêm hoa điền, đôi gò má chỉ thoa chút phấn hồng, phơn phớt ửng đỏ như có như không, nhìn rất tao nhã thanh thoát.
Chúng tần ngự thấy bà không đội miện đều rất đỗi kinh ngạc, cùng quay sang nhìn quan gia, chờ ngài bày tỏ thái độ.
Kim thượng ngắm nghía hồi lâu, cuối cùng cười mỉm khen: “Kiểu tóc này chải đẹp lắm, khí sắc chiêu dung hôm nay cũng tươi tắn, nhìn như quay về thời con gái mười lăm, mười sáu vậy.”
Miêu chiêu dung mừng rỡ bội phần, vội gọi Thu Hòa qua, song song bái tạ.
Bởi thế mà mọi người càng thêm hiếu kỳ về lối trang điểm của Trương mỹ nhân, đều cùng nghển cổ phóng mắt ra ngoài điện, đợi ả tiến đến.
Trương mỹ nhân rề rà hồi lâu mới chịu đi vào. Đợi đến khi bóng dáng xuất hiện trong điện rồi, tất cả mọi người đều lấy làm kinh hãi.
Miện châu ả đội trên đầu rộng tới năm tấc, cao hơn một thước, lấy sa màu làm đế, la dệt từ tơ sống làm lá, trong phiến lá lớn gấp hai, ba mươi lớp lá nhỏ, bên trên lại dựng thêm phiến nữa như lầu gác, mỗi phiến lá đều dùng chỉ vàng đính trân châu phiên thương trắng như tuyết lên, số lượng tăng dần theo độ lớn của phiến lá, trên đỉnh miện là một viên to như mắt rồng.
Nhưng điều làm mọi người kinh ngạc nhất lại không phải là chiếc miện xa xỉ này mà là tấm áo gấm khoác ngoài màu son thêu hoa thêu phượng.
Trong khi trung cung hôm nay thì đội miện trăng mây sợi vàng, trước sau thêm trâm rồng bạch ngọc cùng áo ngoài sắc đào.
Cứ mỗi dịp lễ lạt cỗ tiệc, trước khi ra cửa, tần ngự đều sẽ cử người đi trước hỏi thăm xem hôm đó hoàng hậu dùng phục sức màu gì để tránh cùng màu. Mà nay Trương mỹ nhân lại công nhiên chọn mặc áo ngoài son thắm, thật là hành vi vô lễ vượt quyền.
Dưới cái nhìn chăm chú của mọi người, Trương mỹ nhân ung dung thản nhiên đi vào điện, lạnh nhạt liếc hoàng hậu rồi uyển chuyển hạ bái, không chút nào cảm thấy hổ thẹn.
Hoàng hậu cũng chẳng tức giận, ngồi ngay ngắn nhận một xá của ả rồi khẽ cười: “Cái miện của Trương nương tử tinh xảo thật đấy, tên là gì vậy?”
Trương mỹ nhân kiêu ngạo đáp: “Tên là miện Quần Phương.” Dứt lời, làn thu thủy lúng liếng đánh sóng sang kim thượng như lẳng lặng đợi ngài khen.
Kim thượng chăm chú nhìn ả, thần sắc tỉnh bơ. Lát sau từ từ giơ tay lên, lấy tay áo che mặt, nói: “Khắp đầu lia chia những trắng là trắng, chẳng biết kiêng kị gì cả.”
Hiển nhiên tất cả mọi người đều không ngờ đến kết quả này, Trương mỹ nhân nhất thời ngây phỗng. Muôn vàn cặp mắt trừng trừng đổ về phía ả mà kim thượng thì lại chẳng liếc lấy một cái, ả không khỏi cúi đầu, hai má đỏ phừng như thể màu áo trên thân nhuốm lên tận mặt.
“Quan gia thứ tội…” Ả khẽ giọng, “Cho phép thần thiếp cáo lui sang thiên điện đổi miện.”
“Đi đi.” Kim thượng gật đầu, bổ sung một câu, “Nhân tiên thay cả xiêm y đi… Màu này hôm nay không hợp với nàng.”
Trương mỹ nhân ưng thuận, lùi ra sau mấy bước rồi xoay người rảo chân rời khỏi đại điện. Nội nhân Hứa Tĩnh Nô chải đầu cho ả đứng sau lưng theo ả hạ bái, vẻ mặt vốn rất tự tin, hẳn định đợi mỹ nhân giới thiệu là đi ra tạ thiên ân, vậy mà lại xảy ra biến cố thế này. Dung nhan Tĩnh Nô đẹp đẽ, kim thượng lại chỉ liếc ả một cái, không hề có ý đối thoại với ả, làm ả luống cuống khôn kể, không biết nên lui đi hay ở lại. Lúng túng quỳ đó một lúc, cuối cùng không nhịn được đứng lên, ngay ngáy chạy ra ngoài đuổi theo Trương mỹ nhân.
Miêu chiêu dung và Du tiệp dư đưa mắt nhìn nhau từ xa, khóe mắt đuôi mày đều hớn hở vui mừng. Trong tần ngự có người lấy quạt che mặt, có người khẽ nghiêng mặt hướng ra ngoài điện, có người hạ giọng ho khan, những động tác mờ ám này đều là để che giấu ý cười đè nén không đặng.
Sau đó, kim thượng tán gẫu cùng hoàng hậu và chúng phu nhân, trò chuyện đôi câu tản mạn về mẫu đơn. Đợi trong chốc lát, rốt cuộc cũng thấy Trương mỹ nhân một lần nữa trở vào, lần này đã đổi áo ngoài, miện châu cũng gỡ bỏ, chỉ vấn một búi tóc bàn phúc (*) đơn giản. Có lẽ là hàm đôi phần giận dỗi nên trên tóc không thêm bất kỳ phụ kiện gì, mặt mày bí xị, hạ bái xong không nói một câu nào.
(*) Không tìm được tư liệu ảnh nào minh họa cho kiểu búi tóc này, hiểu nôm na là búi tóc tròn.
Kim thượng cười: “Trương nương tử vấn tóc thế này đẹp đấy, cài thêm đóa hoa lại càng hay.” Nói đoạn đi tới một cây mẫu đơn tím ngàn cánh “diệp đế tử”, tự tay hái một đóa xuống, cài lên tóc Trương nương tử.
Chư nương tử cùng khen đẹp, bấy giờ sắc mặt Trương nương tử mới nguôi ngoai phần nào. Du tiệp dư thấy bầu không khí chuyển biến tốt đẹp, cũng có can đảm mở miệng bông đùa: “Ai cũng bảo quan gia bất công, quả nhiên, có đóa hoa đẹp là cho Trương nương tử hết cả!”
Kim thượng cười nói: “Nàng đội miện hoa to như vậy rồi, cho nàng hoa biết cài đi đâu?”
Du tiệp dư nghe thế, ngay trước mặt mọi người gỡ miện khỏi tóc ném cho Cố Thải Nhi rồi xòe tay: “Thiếp cũng không có miện rồi này.”
Kim thượng lắc đầu cười, đi hái một đóa “đảo vựng đàn tâm” cài lên đầu cho bà: “Hoa này viền rìa đậm màu, vào gần đài hoa lại nhạt trắng, đàn hương thấm tận tâm, có phải rất giống miện của nàng không?”
Tiếp đó lại chọn một đóa “tiềm khê phi” thay cho quả cầu hoa hòe trên đầu Miêu chiêu dung, nói: “Hoa này ánh lên mặt tôn sắc hơn.”
Chúng tần ngự còn lại thấy thế đều tụ qua xin quan gia thưởng hoa, quan gia nhận lời từng người, cài cho mỗi người một đóa hoa. Cuối cùng, đi tới bên cây mẫu đơn ngụy tử ngàn cánh nở rộ nhất, tỉ mỉ chọn một đóa thật đẹp rồi quay trở lại ngự tọa, cài lên miện hoàng hậu đó giờ vẫn mỉm cười ngồi tại chỗ.
Công chúa thấy thích, cũng kéo tay áo phụ thân đòi cài hoa, kim thượng bèn nắm tay nàng dắt xuống, hái một đóa “diêu hoàng”. Công chúa hãy còn là bé gái búi tóc quả đào, mái đầu không cài được đóa hoa to như thế, bèn cầm trong tay thưởng thức.
Cảnh tượng trong điện vui vẻ hòa thuận, hoàng hậu lựa đúng thời khắc này hỏi quan gia chuyện ty sức: “Quan gia đã chọn được ty sức mới chưa ạ?”
Lời vừa ra khỏi miệng, tiếng cười nói mới rồi tức khắc tiêu tan, mọi người đều nín thở lẳng lặng đợi đáp án của kim thượng.
“Chọn được rồi.” Kim thượng nói, tầm nhìn đảo quanh ba khuôn mặt của Đổng Thu Hòa, Cố Thải Nhi và Hứa Tĩnh Nô khiếp nhược trốn sau lưng Trương mỹ nhân.
“Kể từ ngày hôm nay, phong nội nhân…” Ánh mắt kim thượng thoáng dừng lại trên mặt Thu Hòa song cuối cùng vẫn lướt qua, chuyển sang một người khác, “Cố thị của Thượng phục cục làm ty sức, quản lý việc khăn lược cho trẫm.”
Đáp án được công bố không chỉ khiến quá nửa số người trong điện kinh ngạc mà đến Cố Thải Nhi cũng ngây người không phản ứng lại được.
Nghe lời kim thượng bình về tóc miện của các vị nương tử, hẳn nên là Thu Hòa trúng tuyển mới phải, huống hồ dung mạo Thu Hòa còn vượt xa Thải Nhi.
Tuy nhiên, vẻ mặt Thu Hòa nãy giờ vẫn luôn có vẻ căng thẳng lúc này lại từ từ dịu xuống, thở phào một hơi như trút được gánh nặng.
Lác đác dần dần có người khen hay khen phải, chúc mừng Cố Thải Nhi, bấy giờ Thải Nhi mới tạ ơn đáp lễ. Hoàng hậu hỏi vì sao kim thượng quyết định Cố thị là người chiến thắng, ngài chỉ đáp đơn giản rằng: “Thải Nhi làm miện dùng nguyên liệu giản dị song không mất quý khí thiên gia, kiểu tóc cũng chải rất tốt.”
Danh sách chương