Ngày mậu thân tháng Tám năm Gia Hựu thứ hai (*), Duyện quốc công chúa xuất giáng. Rạng sáng hôm ấy, Thu Hòa tự mình trang điểm cho nàng, dùng than vỏ ốc họa dáng mày vầng ngược (**), dán bông bích sợi vàng lên hai bên lúm đồng tiền nàng, thái dương gắn hoa cài ngọc trai kiểu trăng non, má phớt ráng hồng, trán vẽ vàng tơ, tỉ mỉ họa xong từng nét, lại điểm thêm giữa hai chân mày một đóa hoa được tạo hình tinh vi từ đá vân mẫu và châu vàng. Cộng thêm thời gian đội miện cửu huy tứ phượng và đính giấy thếp vàng lên hai bên tóc mai, chỉ riêng trang điểm đầu mặt thôi đã tốn hai canh giờ, trong đó có không ít thì giờ là để che đi dấu vết quầng thâm dưới mắt công chúa.

(*) Tính theo can chi, đây là ngày 4 tháng 8 âm lịch năm 1057.

Công chúa rất phối hợp, ngồi yên không nhúc nhích, mãi đến khi trang điểm xong mặc du địch lên người, thắt đai da vàng và khuyên lụa ngọc, ánh mắt mới lướt qua cung nhân thị nữ, tìm đến ta, hỏi: “Có đẹp không?”

(**) Vầng ngược là kiểu kẻ mày thịnh hành thời Bắc Tống, đặc điểm là rê màu nhòa lên trên tạo thành quầng.

Gương mặt được trang điểm rực rỡ mười phân vẹn mười, chẳng qua, mũ miện hoa cài nặng nề và tầng tầng lớp lớp lễ phục làm nàng cất bước khó khăn, tư thế cứng ngắc, biến nàng trở thành Ma Hát Lạc hoa lệ nhất ta từng thấy trong đời.

Có đẹp không ư? Ta cười với nàng, đáp: “Đương nhiên.”

Âu Dương Tu và chư bác sĩ Lễ viện thiết kế nghi thức thành hôn của công chúa theo cổ chế, sắp xếp cho nhà phò mã bày những món nhạn, tiền, ngọc, ngựa bên ngoài Nội Đông Môn, để nhập nội nội thị mang vào trong cung. Phò mã Lý Vĩ cưỡi ngựa đến từ sáng sớm, vào trong Đông Hoa Môn thì xuống ngựa, lễ trực quan dẫn hắn vào, đứng ngoài Nội Đông Môn, khom người về hướng tây, đợi công chúa.

Công chúa đi Phúc Ninh Điện bái biệt phụ thân trước. Bản thân kim thượng còn đang lặng lẽ lau lệ nhưng vẫn mỉm cười không ngớt khuyên công chúa: “Đừng khóc, đừng khóc, hôm nay Thu Hòa trang điểm cho con đẹp lắm, đừng khóc mà hỏng mất.”

Lúc này, lỗ bộ (*), nghi trượng công chúa đã sắp đặt xong xuôi ngoài Nội Đông Môn. Sau khi ra ngoài từ Phúc Ninh Điện, công chúa chậm rãi đi tới Nội Đông Môn, lên xe yếm địch (**) trong vòng vây của mấy trăm cung nhân.

(*) Đội danh dự hộ tống xa giá của đế vương hoặc hậu phi, hoàng tử công chúa.

(**) Tên gọi xe liễn của hoàng hậu, phi tần và công chúa.

Xa giá yếm địch dùng sáu thớt ngựa xích thố kéo, buồng xe màu đỏ thẫm, trang trí bằng lông trĩ, màn che bụi đất màu tím, lưới rủ tơ hồng, đai đính la màu, trướng gấm mành kép. Trong ngoài buồng xe gắn trang sức vàng, giữa điểm ngũ sắc, hai bên vách có cửa sổ che màn bằng lụa mỏng, xung quanh khắc vân phượng, khổng tước, chạm hoa văn rùa thần, trên nóc xe dựng tượng một con phượng vàng, trên càng xe thì dựng tám con. Trong xe đặt đệm ngồi vải đào, có hòm hương đầu li, bày lư hương, nhang thơm. Toàn bộ thân xe nguy nga lộng lẫy, tinh xảo hệt hộp trang sức đẹp đẽ chói lòa.

Ma Hát Lạc xinh đẹp được thị nữ trái phải đỡ vào hộp trang sức ấy, rèm cửa buông xuống, hoàn thành bước đóng gói cuối cùng của món lễ vật.

Đợi công chúa lên xe rồi, Lý Vĩ bái lạy một lần nữa, dẫn ngựa về dinh trước. Chờ đến giờ lành, xa giá công chúa khởi hành. Nghi trượng đi trước nhất, có mấy mươi binh lính Nhai đạo ty, ai nấy cầm dụng cụ quét dọn và thùng nước mạ bạc vàng, dẫn đường vẩy rót, gọi là “thủy lộ”. Kế đến là hai nhóm người hầu thân bận áo tím, đội khăn chít đầu cánh cuộn, gánh mấy trăm rương đồ cưới của công chúa. Theo sau là mười mấy cung tần cưỡi ngựa, đều khoác khăn choàng la đỏ đính vàng, cài thoa trân châu, đội miện vải la, dàn hàng đi song song hai bên đường dẫn kiệu, hàng ngũ ấy gọi là “đoản đăng”. Lui ra sau nữa là vài chục cung nhân nội thị hồi môn theo hầu cùng xe ngựa của công chúa và hậu phi.

Trước sau xe yếm địch của công chúa dùng quạt tấm la hồng đính vàng che chắn, quạt vuông bốn cây, quạt tròn bốn cây, hoa dấu mười cành, đèn lồng hai mươi ngọn, hành chướng, tọa chướng (*) mỗi loại một chiếc. Hoàng hậu ngồi kiệu cửu long đích thân đưa công chúa đi, Miêu hiền phi và nội mệnh phụ có phẩm cấp trong cung cũng ngồi xe liễn theo sát phía sau. Đội xe ngựa dàn hàng trùng trùng, kéo dài mấy dặm, một đường tuần hành, người trong kinh đổ xô ra đường, vây xem dày đặc.

(*) Đây là hai loại bình phong di động có thể mang theo lúc xuất hành.

Trước đó, ta cũng được ban ân tiến cấp, bậc quan thăng lên nội thị điện đầu, đế hậu sau khi thương nghị đã quyết định cho ta một chức vụ mới – chủ quản phủ công chúa, thống lĩnh cung nhân nội thần hồi môn của công chúa, kiêm quản lý sự vụ cụ thể trong phủ công chúa. Giờ đây, ta đang mặc công phục sắc xanh, cưỡi ngựa đi bên xa giá của nàng, có lẽ do phục sức khác với màu áo nâu của nội thị phía trước nên người xem chung quanh đặc biệt để ý tới ta.

“Vị lang quân này mặc áo bào xanh lục, không phải là phò mã đấy chứ?” Có người chỉ vào ta hỏi vậy.

Lễ phục thành hôn của đàn ông quốc triều dùng công phục tương ứng với phẩm cấp của mình, không phải quan viên thì mặc áo bào xanh, bởi vậy nên người nọ mới có suy đoán này.

Lập tức có người bác bỏ y: “Không có kiến thức! Phò mã đô úy là tòng ngũ phẩm, mặc áo bào đỏ mới đúng. Tiểu lang quân này da dẻ trắng mịn, mặt không có râu, quá nửa là quan viên hoàng môn hầu hạ công chúa.”

Người hỏi nổi cơn tò mò nhìn ta chăm chú, cười nói: “Hóa ra là một hoạn quan! Trông cậu ta mắt mày thanh tú thế kia, đáng tiếc…”

Ta ngoảnh mặt làm ngơ, hơi dựng thẳng lưng, dõi mắt nhìn thẳng, mặt không đổi sắc, tiếp tục giục ngựa đi về phía trước.

Đội nghi trượng đi đầu bước chân chậm rãi, dây dưa hơn một canh giờ mới đến được phủ đệ mới của công chúa và phò mã. Lý Vĩ đã sớm chờ trước cổng, chờ công chúa xuống xe, có người giúp đỡ tiến lên dẫn phò mã hạ bái làm lễ với công chúa, đón công chúa vào trong, công chúa đến trước cửa phòng ngủ, Lý Vĩ lại vái lạy, đồng thời dìu đỡ lên thềm, mời nàng vào phòng rửa mặt.

Công chúa chỉnh lý lại trang dung xong, người chủ trì hôn lễ mời công chúa và phò mã ngồi xuống đối diện nhau, Lý Vĩ một lần nữa vái lạy công chúa rồi mới ngồi xuống cùng nàng, đối ẩm ba lần, lại bái, sau đó nhận tiệc ngự hoàng hậu ban tặng.

Tiệc ngự tổng cộng chín tuần, từng tuần nhất nhất hành xong, hoàng hậu và chư nội mệnh phụ bịn rịn chia tay công chúa, khởi giá hồi cung. Công chúa lưu luyến Miêu hiền phi nhất, đuổi theo ra tận sân ngoài, kéo tay áo mẫu thân rơi lệ ròng ròng. Miêu hiền phi cũng rất đau lòng, song cũng chỉ có thể rưng rưng ngậm cười an ủi nàng, nói ngày sau có thể thường xuyên vào cung, mẹ con gặp mặt cũng chẳng khó. Dưới sự thúc giục của nội thần, hiền phi cắn răng đẩy công chúa ra, rảo bước ra cửa, vội vã lên xe rời đi, không ngoái lại nhìn con gái nữa.

Công chúa khóc lóc thảm thiết, cơ hồ ngã khuỵu xuống đất. Nhũ mẫu Hàn thị vội gắng sức đỡ nàng, ta cũng định bước lên nâng, chẳng ngờ một vị phu nhân đột ngột xuất hiện, giành trước ta kẹp lấy bên kia công chúa.

Đó là mẹ chồng công chúa, quốc cữu phu nhân Dương thị.

“Công chúa đừng khóc nữa. Hiện giờ tuy con và Miêu nương tử phải xa nhau, nhưng đã vào cửa nhà mẹ thì cũng giống như con gái mẹ, mẹ sẽ thương yêu con như mẹ ruột con vậy.” Dương phu nhân cười nói với công chúa.

Công chúa nghẹn ngào, cau mày nhìn bà. Dương phu nhân dán mắt vào mặt nàng, lắc đầu: “Chậc chậc, khóc thảm quá kìa, son cũng nhòe hết cả rồi…”

Vừa nói vừa kéo tay áo, muốn lau lệ cho công chúa, công chúa chán ghét kiên quyết nghiêng đầu né tránh, bà ta vẫn chưa chịu thôi, tiếp tục cười bảo: “Mặt toàn nước mắt thôi, để mẹ lau cho con…”

Công chúa né trái tránh phải, có phần giận dữ. Ta lập tức gọi vài thị nữ qua, sai họ đỡ công chúa vào phòng chỉnh trang. Lúc này, một người sải bước đi tới, xá Dương phu nhân, nói: “Theo nghi chế quốc triều, sau ngày lại mặt, công chúa mới gặp mặt cha mẹ chồng, phu nhân nói chuyện với công chúa bây giờ là không hợp lẽ.”

Người nói là đô giám phủ công chúa Lương Toàn Nhất, thầy giáo dạy ta thuở thiếu thời. Mấy năm nay thầy làm việc ở Tiền tỉnh, đã thăng đến cung phụng quan. Công chúa xuất giáng, theo thông lệ cần chọn một nội thần dày dặn kinh nghiệm cấp bậc cung phụng quan đi theo làm đô giám phủ công chúa, chức trách là hướng dẫn ngôn hành cử chỉ cho công chúa và phò mã, quan sát trạng thái sinh hoạt của họ, định kỳ thông báo cho hoàng đế. Lương Toàn Nhất phẩm hạnh xuất chúng, thanh danh tốt đẹp, lúc kim thượng tuyển chọn đô giám phủ công chúa, cảm thấy cung phụng quan Hậu tỉnh không tìm được ai thích hợp, ta bèn tiến cử Lương tiên sinh với ngài, kim thượng cũng vui vẻ bằng lòng, nhanh chóng hạ lệnh, bổ Lương Toàn Nhất làm đô giám phủ công chúa.

Hiện giờ, Dương phu nhân nghe Lương đô giám nói vậy, đành phải thôi, hậm hực lui về hậu viện. Trong lòng đại khái rất không thoải mái, vừa đi bà vừa càu nhàu: “Hoàng gia thật lắm quy củ, cưới con dâu về, mẹ chồng chủ nhà muốn gặp mặt sớm cũng không được…”

So với Dương phu nhân niềm nở thái quá, biểu hiện của phò mã Lý Vĩ thận trọng hơn nhiều, có phần hơi câu nệ, mọi cử chỉ động tác đều nghe đúng theo lời Lương đô giám và người phụ giúp phân phó. Sau đó, lúc làm lễ đồng lao (*) với công chúa, đến cắn một miếng thịt dê thôi hắn cũng hết sức dè dặt, thỉnh thoảng lại nhìn người phụ giúp, như sợ góc độ miếng cắn của mình không hợp nghi chế.

(*) Một nghi thức trong hôn lễ thời cổ đại Trung Quốc, tân lang tân nương cùng ăn một phần thịt, rất có thể là trong cùng một bát, tỏ ý bắt đầu ăn ở cùng nhau.

Trong quá trình ấy, công chúa một mực mặt không biểu cảm, cũng không một lần đưa mắt nhìn phu quân đối diện mình.

Ta trước sau vẫn hầu hạ bên công chúa cùng nội thần cung nhân tùy tùng, thẳng đến đêm, khi tân lang tân nương về gác ngủ, mới ngồi vào bàn đón nhận tiệc mừng công chúa.

Đám cung nhân bận rộn cả một ngày bấy giờ rốt cuộc cũng được thả lỏng, ai nấy mặt mày hớn hở, hết chơi đoán số lại uống rượu mừng, tận sức hưởng lạc, linh đình cỗ yến, duy độc mình ta hồn chẳng tại đây.

Ta trân trân nhìn hướng tân phòng công chúa, nhưng lại không dám nghĩ sâu. Để che giấu bản thân mất hồn mất vía, ta kéo một cốc rượu lớn Gia Khánh Tử vừa rót đầy, ngửa đầu nốc cạn.

Động tác uống rượu dứt khoát ấy được mọi người hoan hô nhiệt liệt, Trương Thừa Chiếu lại tiến lên mời ta một ly, ta cũng không chối từ, mỉm cười một hơi cạn sạch. Điều này càng thêm khơi dậy ở họ hứng thú thăm dò tửu lượng của ta, hầu như mỗi người đều châm rượu mời ta, mà ta ai đến cũng không cự tuyệt, uống xong mỗi một ly trước mặt, trong lúc đổi hướng thấy Lương Toàn Nhất đang khó xử đối mặt với chén rượu người ngoài tới kính, bèn đi tới, nhận lấy ly rượu kia, cười nói với người mời: “Lương đô giám không uống được nhiều, rượu này để tôi uống thay thầy đi.”

Thế là, ta lại có thêm lý do tiếp tục nốc. Nhưng kỳ thực, ta cũng chẳng phải người giỏi uống rượu. Mấy mươi ly rượu mạnh trút xuống một bụng sầu, cuối cùng đổi lấy cơn say mèm trong dự liệu của ta.

Công chúa bây giờ…thế nào rồi? Ta mơ hồ nghĩ vậy, trước khi hơi rượu hừng hực tràn vào não, xóa đi ý thức ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện