Lý Huyền Thiên thấy việc đã giải quyết xong thì cũng chắp tay bái biệt Bích Mặc tiên sinh, rồi rời đi.

Nguyễn Đông Thanh thấy vậy thì thầm nhủ, tính cách có chút thiếu nhạy bén trong ứng xử của vị Võ Hoàng điện hạ này cũng có cái hay. Nếu là người khác, có khi đã tinh ý nhận ra mấy người gã chưa có chỗ trọ, lại mời về làm khách cũng nên. Mà như vậy thì hoặc gã phải mất một phen từ chối, hoặc kế hoạch tự đi tìm hiểu dân tình liền đi toi. Bích Mặc tiên sinh của chúng ta ít khi có dịp được đi xa, lại cũng không có nhu cầu quá cao. Thành thử, hắn vẫn thích tự túc hơn.

“Thằng nhóc Thanh Vân có lẽ thừa hưởng cái ngố từ ông già nó. Còn trưởng tử của Võ Hoàng xem chừng là giống mẹ rồi.”

Nguyễn Đông Thanh bụng bảo dạ, rồi lắc đầu cười nhạt, đoạn ra hiệu cho Hồng Đô và Trương Mặc Sênh chuẩn bị rời đi.

Lúc này, trong toán lính, có một cậu lính trẻ chạy lên trước mặt gã, chắp tay:

“Tiên sinh, đa tạ ơn tha mạng của ngài! Nếu tiên sinh cần người hướng dẫn, lại không chê, thì để tiểu tử giúp ngài!”

Nguyễn Đông Thanh đúng đang thiếu thổ địa dẫn đường, lại nghĩ nếu có lính thủ thành đi cùng, liền sẽ bớt được những rắc rối không cần thiết, bèn nói:

“Vậy phiền cậu!”

“Không phiền! Không phiền!”

oOo

Trong khi Nguyễn Đông Thanh còn đương đi tìm chỗ trọ, thì tin tức về việc Võ Hoàng ra mặt cứu một phàm nhân đã lan khắp kinh đô của Đại Việt. Tất thảy những ai tinh ý đều đoán được “phàm nhân” này là ai! Thành thử, cũng không ít người đoán già đoán non về ý định của Võ Hoàng.

Tất nhiên, chẳng một ai nghĩ Lý Huyền Thiên vì coi trọng Lý Thanh Vân mà làm thân với sư phụ của y. Dù gì, tại Huyền Hoàng giới, thực lực vì tôn. Tuy chuyện Lý Thanh Minh bội ước trong trận tỷ đấu tại Võ Bảng hội là hành động mất mặt, nhưng việc y mạnh hơn Lý Thanh Vân cũng rất rõ ràng. Đa số đoán chừng, động thái của Lý Huyền Thiên chả qua là nhằm vào mấy bộ võ công trong tay Bích Mặc tiên sinh thôi. Còn phe cánh của Lý Thanh Minh thì lại nghĩ Võ Hoàng cố tình làm vậy để khích Linh Vương điện hạ cố gắng hơn. Mà việc Võ Hoàng không mời Bích Mặc tiên sinh về làm khách lại càng khẳng định suy đoán của mọi người về việc quan hệ giữa hai người họ không thân thiết như vẻ bề ngoài.

Thế nhưng, động thái của Võ Hoàng cũng khiến không ít phe thế lực tại Cổ Long thành lúc này nhớ tới một tình báo khác trong thời gian gần đây mà họ đã phải bỏ ra không ít tài vật để mua từ Thiên Cơ các:

Thánh nữ của Kiếm Trì được Bích Mặc tiên sinh mời về cổ viện một buổi, đến lúc rời khỏi đó không lâu lại cấp tốc về Kiếm Trì. Sau khi nàng ta trở về tông môn một thời gian, ba Kiếm tổ liền tuyên bố bế quan, không gặp người ngoài.

Việc Phùng thánh nữ được Bích Mặc tiên sinh mời có thái tử Đại Việt cùng thiên kiêu nhiều thế lực chứng kiến. Mà thông tin Kiếm Trì Tam Tổ bế quan, không tiếp người ngoài, lại đến từ hai Thiên Sư họ Tiết của núi Long Hổ, trước giờ có quan hệ không tệ với Vân Hà Kiếm tổ. Thành thử, rất ít người nghi ngờ tính chính xác của hai tin này.

Việc Kiếm Trì Tam Tổ đồng thời bế quan như một làn sóng quét qua Huyền Hoàng giới. Phải biết, từ khi Kiếm Trì khai tông lập phái đến nay, có một quy luật bất thành văn là ba Kiếm tổ các đời không bao giờ đồng thời bế quan. Thường thì luôn có ít nhất một vị Kiếm tổ ở ngoài giải quyết các sự vụ.

Dư luận bàn tán, chín người thì mười ý. Nhưng nhiều người cho rằng, nếu không phải Kiếm Trì Tam Tổ nói dối, thì thời điểm bế quan này thực rất khả nghi. Nhớ lại việc Lôi Đình Kiếm tổ không lâu trước đây dường như đi cùng nhóm với Vương Tiểu Thạch và ba đệ tử của Bích Mặc tiên sinh đến Võ Bảng hội, nhiều nhà liền dự đoán, Kiếm Trì lần này nhận được chỗ tốt không nhỏ từ tiên sinh, nên ba vị Kiếm tổ mới cần đóng cửa cùng nghiên cứu.



Thế là, từ thái độ của Võ Hoàng trên phố hôm nay, các thế gia trong Đế Đô cũng lục tục chuẩn bị, lên kế hoạch bái phỏng, làm thân với vị đại năng ở cổ viện kia, mong kiếm chỗ tốt.

oOo

Nguyễn Đông Thanh đương nhiên không biết mình đã biến thành miếng bánh cho thiên hạ tranh giành. Lúc này, gã cuối cùng cũng chọn được nhà trọ.

Một đường từ quận Tam ra tận quận Cửu, tiền mang theo người của hắn cũng đã bị bòn rút đi một lượng không nhỏ. Số là, tại kinh thành, cứ từ quận này qua quận kia đều phải đóng phí qua cổng. Theo như cậu lính dẫn đường giải thích, đây là để phòng chống việc lén mang hàng hóa từ quận trong ra quận ngoài để buôn lậu. Nguyễn Đông Thanh không cho là phải, song đây là luật Hoàng Đế ban hành, hắn cũng chả làm khác được, đành phải bỏ tiền ra. Cũng may, lúc đi qua quận Tứ, chả biết là nhà nào có hỷ sự, cho gia nhân đi phát tiền mừng cho dân trong thành, Nguyễn Đông Thanh may mắn cũng được nhận, thành ra cũng bớt được một ít chi phí đi lại.

Nhà trọ ở quận Cửu cũng có nhiều loại. Nơi Bích Mặc tiên sinh của chúng ta chọn không phải là rẻ nhất. Ban đầu, Nguyễn Đông Thanh cũng tính chọn chỗ giá thấp còn tiết kiệm tiền, nhưng sau khi nhìn thấy độ mất vệ sinh của các quán trọ giá rẻ, thì gã nhất quyết thà mất tiền trọ chứ không mất gấp mấy lần tiền thuốc men chữa bệnh. Cuối cùng, hắn chọn một nhà trọ điều kiện vệ sinh không đến nỗi, mà giá cả thì ở mức chấp nhận được.

Ở đó trọ được mấy hôm, thì có sự xảy ra. Số là hôm ấy, Nguyễn Đông Thanh mới mở mắt dậy, còn đang mặc quần áo thì bên ngoài có tiếng khóc truyền vào. Đoạn, cửa phòng hắn cũng bị người gõ.

Nguyễn Đông Thanh ra mở cửa thì thấy Tiểu Thực Thần đứng gãi đầu gãi tai:

“Tiên sinh, dưới nhà có một cô bé đến tìm ngài...”

Theo bước Trương Mặc Sênh xuống dưới, gã cũng liền nhìn thấy bên cạnh Hồng Đô lúc này, có một cô bé chừng chín, mười tuổi đang nước mắt ngắn nước mắt dài. Nhìn thấy Nguyễn Đông Thanh đi tới, cô bé này liền chạy về phía hắn, quỳ xuống khóc lóc van xin:

“Tiên sinh, xin tiên sinh làm ơn làm phước cứu cha tiểu nữ với!”

Nguyễn Đông Thanh cùng Trương Mặc Sênh dỗ mãi cô bé mới ngưng khóc.

Hỏi chuyện ra thì cô bé nọ kể rằng cha con họ từ phương xa tới đây, gia cảnh vốn cũng không đến nỗi. Nhưng mới chân ướt chân ráo đến nơi, đã bị mụ hàng nước lừa mất một đống tiền, cha cô bé còn suýt bị tống vào đại lao. Đến khi ra được đến quận Cửu, số tiền họ còn lại cũng chỉ đủ để trọ nhà trọ rẻ nhất ở đây vài hôm. Túng quẫn quá, cha con họ đành ra ngoài sống qua ngày bằng cách cha đánh đàn, con múa hát, thế nhưng được một thời gian thì cha cô bé ngã bệnh.

Nghe đến đây, Nguyễn Đông Thanh chặc lưỡi. Ở chỗ mất vệ sinh như vậy, không bệnh mới là lạ! Nhưng hai cha con này cũng là người số khổ, lại cùng gặp phải mụ hàng nước kia. Hắn may mắn có chỗ dựa, nhưng người ta nào có được như vậy? Thành thử, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng có chút đồng bệnh tương liên.

Lại nghe cô bé nói:

“Tiên sinh, ban nãy tiểu nữ nghe người ta đồn rằng tiên sinh là bậc cao nhân, đã trừng trị mụ hàng nước ấy... nên tiểu nữ mới mạo muội đến đây. Tiên sinh, nếu tiên sinh không giúp cha con tiểu nữ, thì người ở đây cũng chả ai chịu giúp, sợ rằng... sợ rằng cha tiểu nữ sẽ... sẽ...”

Nói đến đây thì lại khóc rống lên.

Nguyễn Đông Thanh nghe người ta tâng bốc mình thành “cao nhân” thì cùng liền đỏ mặt. Kể từ ngày bước chân đến Huyền Hoàng giới này, hắn luôn có cảm giác mình là “lưu manh giả danh tri thức”. Người khác thì cứ một câu “tiên sinh” hai câu “tiên sinh”, trong khi hắn đến chữ viết của thế giới này đến nay còn mù dở. Lúc đi dạy ở Quan Lâm, cứ ngày chẵn là Bích Mặc tiên sinh của chúng ta lại tự học ở nhà, đến ngày lẻ mới vào thành gõ đầu trẻ. Cũng may, lớp của Nguyễn Đông Thanh cũng toàn là mấy đứa mới bập bõm tập đọc tập viết, mà ải Quan Lâm xưa nay cũng là nơi trọng võ khinh văn, nhu cầu của dân tình đối với trình độ văn hóa của con cháu nhìn chung không cao lắm. Bằng không, có lẽ Bích Mặc tiên sinh của chúng ta đã sớm bỏ của chạy lấy người rồi.



Nguyễn Đông Thanh bèn nói:

“Cô nương đừng tin mấy lời đồn thổi đó. Tại hạ nào có tài đức gì mà dám ngộ nhận là cao nhân? Cô nương xem, nếu tại hạ thực có tài năng như vậy, thì sao còn phải ra tận ngoài đây ở trọ?”

Cô bé xem chừng không tin, nghĩ gã lấy cớ từ chối khéo nên khóc còn to hơn. Nguyễn Đông Thanh tá hỏa, vội nói:

“Cô nương, nếu tại hạ giúp được thì nhất định sẽ giúp. Có điều, chỉ sợ sẽ làm cô thất vọng thôi!”

Cô bé nghe vậy mới chịu ngừng khóc, lại nói:

“Tiên sinh, tiểu nữ mạo muội cầu ngài một bức tranh chữ, bán lấy tiền chi trả thuốc thang cho gia phụ!”

Nguyễn Đông Thanh tự biết mình không có nổi đến một cái hoa tay, nhưng nói mãi người ra không chịu tin. Hết cách, hắn đành nhờ người lấy giấy bút ra để tự mình bêu xấu.

Đã được nghe bao nhiêu thơ hay từ miệng Bích Mặc tiên sinh, thế nên hai người Hồng Đô và Trương Mặc Sênh còn hớn hở hồi hộp hơn cả cô bé kia khi tiên sinh hỏi lấy văn phòng tứ bảo.

Giấy được trải ra rất trang trọng trên bàn, Trương thiếu trang chủ của Mỹ Vị sơn trang đứng một bên đích thân mài mực. Bích Mặc tiên sinh cầm bút lên, hít sâu một hơi, rồi nhắm mắt đưa tay, do... có mở mắt hay không thì cũng chả khá hơn gì! Tranh vẽ xong, hắn lại cũng muối mặt viết thêm một đôi câu đối vào một góc. Xong xuôi, bèn đứng ra một bên, cúi gằm mặt xuống.

Sau đó, cả cô bé nọ lẫn hai tùy tòng của tiên sinh đều chết lặng. Ngẫm một hồi lâu mà vẫn không hiểu Bích Mặc tiên sinh vẽ gì, ba người đành nhìn qua hai câu thư pháp.

Bút pháp của tiên sinh nói một cách lịch sự thì không khác gì mèo cào, gà bới. Ba người cố gắng lắm mới đọc được hai câu đối:

“Oanh đề phượng ngữ nghinh xuân trướng

Nhạn vũ loan phi phất cẩm bình”

Phía dưới lại còn đề hai chữ “Nguyễn Khuyến”. Đã quen tác phong làm việc của Nguyễn Đông Thanh, hai người Hồng Đô và Trương Mặc Sênh liền hiểu đây là “tác giả thật” của đôi câu đối chúc cưới này.

Ý cảnh trong hai câu đối thì quả nhiên không hổ là Bích Mặc tiên sinh! Thế nhưng, nhìn đống chữ như mèo cào cùng bốn con... “gà biến dị” và mấy khối hình méo mó xung quanh. Cả ba người đều mắt tròn mắt dẹt, chưng ra một vẻ mặt “không đỡ nổi”.

Nguyễn Đông Thanh nhìn phản ứng của mấy người, mặt mo đỏ lên như quả gấc, chỉ mong có cái lỗ cho mình chui xuống.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện