Sáng hôm sau, tuy Bích Mặc tiên sinh của chúng ta không dậy từ tinh mơ như mấy hôm vào thành dạy trẻ, nhưng vì có khách nên cũng trườn xuống khỏi giường sớm hơn ngày nghỉ khác một quãng đáng kể.

Nguyễn Đông Thanh vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong xuôi, thì Trương Mặc Sênh cũng chạy lên báo Cố Văn đã đến, đang chờ ở đình tiếp khách dưới chân núi. Hắn liền mang theo vài quyển sách, mấy tờ giấy, cùng bút, mực đi xuống gặp.

Hai người bàn bạc nguyên một ngày, ngoại trừ lúc dừng lại để vươn vai rồi ra ăn bữa trưa do Tiểu Thực Thần nấu ra thì cơ hồ không hề dời khỏi đình tiếp khách. Cố Văn chữ đẹp lại viết nhanh, nên Nguyễn Đông Thanh bèn quẳng việc ghi chép, soạn thảo lại cho lão, còn bản thân chỉ nêu ý kiến thôi. Đến tận chiều, mới xong xuôi mọi việc.

Do tăng thêm dạy cả hai buổi chẵn lẻ, nên Cố Văn đề xuất bắt đầu giới thiệu, dạy thêm cả điển tích điển cố cho đám trẻ đã bắt đầu sõi mặt chữ. Bích Mặc tiên sinh không hề phản đối ý kiến này. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Nguyễn Đông Thanh quyết định đẩy việc dạy chữ, dạy thơ cho Cố Văn, còn bản thân thì nhận nhiệm vụ giới thiệu, phân tích điển tích điển cố. Theo như hắn tính toán, đây vừa là “tránh sở đoản, dựa vào sở trường”, lại vừa là “tất cả cùng thắng lợi”. Bích Mặc tiên sinh của chúng ta vừa đỡ nơm nớp lo sợ bị người ta phát hiện mình còn mù dở chữ viết của thế giới này, mà chính đám trẻ cũng được học chữ từ một ông đồ hàng thật giá thật, thay vì loại “lưu manh giả danh tri thức” như hắn. Lại nói, chém gió về điển tích điển cố, hắn cũng có chút tự tin. Cùng lắm là hắn tham khảo thêm “Truyền kỳ mạn lục” của cụ Nguyễn Dữ hay “Thánh tông di thảo” là đầy cái để nói.

Kỳ thực, công việc dạy “điển tích điển cố” không dễ dàng như Nguyễn Đông Thanh nghĩ. Phải biết, tại Huyền Hoàng giới, nơi Nho Giáo là một trong Ngũ Lộ Triều Thiên, thì điển tích điển cố đâu chỉ đơn giản là mấy câu chuyện cũ? Tu luyện giả của Nho đạo khi đánh nhau, biện pháp trực tiếp nhất chính là đọc chiến thi, hiển hóa thành công kích. Nếu chiến thi có sử dụng điển tích điển cố, thì lực công kích, phòng ngự đều tăng gấp bội. Muốn sử dụng được điển tích điển cố tăng phúc cho thi từ, điều kiện tiên quyết chính là phải hiểu được điển tích điển cố của tiền nhân sử dụng. Từ đó mà suy ra, hiểu càng sâu điển tích điển cố, thì chiến lực sẽ càng mạnh. Thành thử, phu tử trong Nho giáo, uy vọng cao thấp, môn sinh nhiều ít lắm khi phụ thuộc vào độ hiểu và khả năng truyền dạy lại cái hiểu của mình về điển tích điển cố. Ngược lại, nếu hiểu sai, dùng sai, giải thích sai, để người khác học theo đó, nhẹ thì công kích mất hiệu quả, còn nặng có thể dẫn đến tẩu hỏa nhập ma.

Thế nên, bình thường nếu không nắm chắc, không tự tin, phu tử Nho giáo nào ai dám dạy bừa? Cố Văn, hay nói đúng hơn là Cố Thi Âm, cũng nào có phải ngoại lệ? Nếu là cô nàng, thì cũng sẽ chỉ dám dạy những điển tích điển cố mình nắm chắc hoặc được sư phụ chân truyền. Thế nhưng, qua quá trình tự điều tra, cũng như theo đúng như Vũ Tùng Lâm đã dặn dò, Cố Thi Âm hiểu nếu tiên sinh đã quyết thì hẳn là đã có tính toán riêng, không cần nhiều lời. Cô nàng hẳn nhiên cũng không nghĩ một “cường giả tuyệt thế” như Bích Mặc tiên sinh lại có thể không biết một thường thức về đấu kỹ của Nho môn. Dù gì chính y vừa đánh sập một mảng lớn trên Nho đạo không bao lâu trước đây!

Chỉ khổ cho Bích Mặc tiên sinh của chúng ta vẫn đang nghĩ việc hắn nhận vào không hề có rủi ro nguy hiểm gì, chỉ là một chuyện “việc nhẹ lương cao”. Chứ nếu Nguyễn Đông Thanh hiểu được tầm quan trọng của điển tích điển cố đối với tu hành của Nho đạo, có đánh chết hắn cũng sẽ không tranh dạy môn này.

Việc thứ hai mà hai người quyết định trong buổi họp là trong thời gian trước mắt, họ sẽ ngồi dự giờ trong tiết của nhau. Nguyễn Đông Thanh là người nghĩ ra ý tưởng này. Gã thấy nên làm như vậy thời gian đầu, vừa để làm quen với cách dạy của người còn lại, vừa giúp dễ dàng phát hiện các vấn đề nảy sinh cần giải quyết sớm, lại cũng thuận tiện học hỏi lẫn nhau luôn. Cố Thi Âm nghe hắn giải thích vậy thì cũng hoàn toàn đồng ý. Dù gì cô nàng cũng đang cần kiếm cớ để quan sát Bích Mặc tiên sinh thêm, không ngờ y lại chủ động cho mình lý do có thể đường hoàng làm như vậy.

Họp bàn xong xuôi các sự vụ quan trọng, giáo án cho sáu ngày tiếp theo cũng đã cơ bản hoàn thành. “Cố Văn” chép thêm một bản giáo án cho Nguyễn Đông Thanh cho sạch sẽ, còn bản viết ra trong lúc bàn bạc thì tự mình giữ. Ngẩng đầu nhìn ra ngoài thì mặt trời đã xế bóng. Hai người bèn chia tay, ai về nhà nấy, hẹn sáng sớm hôm sau gặp lại ở cửa nhà học.



oOo

Sáng sớm hôm sau, Nguyễn Đông Thanh đánh xe bò tới lớp thì đã thấy Cố Văn đứng chờ sẵn không biết từ bao giờ.

Đợi học sinh đến đầy đủ, Nguyễn Đông Thanh bèn giới thiệu Cố Văn và phổ cập việc từ giờ sẽ tăng cường dạy sáu buổi mới nghỉ một ngày. Đám trẻ lớn lớn một chút, ý thức được Nho đạo có chiến lực không tệ nếu tu luyện tử tế còn đỡ, chứ đám trẻ nhỏ hơn nghe tin này thì đều ngao ngán ra mặt.

Nguyễn Đông Thanh lắc đầu cười khổ, hắng giọng một cái, đoạn bảo Cố Văn bắt đầu dạy thử, còn hắn thì lui xuống ngồi ở cuối lớp.

Theo đúng lịch thì buổi hôm nay là ngày dạy của Nguyễn Đông Thanh. Thế nhưng, do thời gian trước mắt đằng nào hai người họ cũng dự giờ của nhau, nên đổi qua đổi lại một chút cũng không quá ảnh hưởng. Theo bàn bạc từ trước, tiết này sẽ do Cố Văn giảng dạy, ngoại trừ ôn lại chữ viết một chút thì trọng điểm sẽ là thi từ ca phú, và giới thiệu bước đầu về điển tích điển cố. Tuy Nguyễn Đông Thanh đã tranh dạy nội dung này, nhưng hắn cũng tò mò về phương pháp dạy của Cố Văn, đề phòng những lúc hắn bận việc đột xuất hay phải đi xa làm công vụ cho Vũ Tùng Lâm – như lần tới Mỹ Vị sơn trang cầu trù khi trước – thì còn có người thay thế.

Cố Văn y theo kế hoạch mà làm. Sau khi ôn lại một chút về chữ, lão dõng dạc giới thiệu môn học mới là điển tích điển cố. Hôm nay mở hàng với: kiếm Thất Tinh Long Uyên.

Điển tích này không dài, nội dung khá ngắn gọn xúc tích. Chuyện kể về một thanh thần khí tên Thất Tinh Long Uyên, tương truyền do hai luyện kiếm sư Âu Dã Tử và Can Tương bỏ ra kỳ công đúc thành. Về sau kiếm này về tay Ngũ Tử Tư. Khi ông ta bị gian thần hãm hại, chạy trốn khỏi nước Sở, may mắn được một ngư ông cứu giúp. Ngũ Tử Tư lúc rời đi, không an lòng nên đem kiếm báu tặng cho ngư ông, dặn lão giữ kín tung tích của mình. Ngư ông nói lão cứu người vì Ngũ Tử Tư là bậc trung thần, không mong báo đáp, rồi để chứng minh bản thân thanh bạch mà đã dùng kiếm ấy tự vẫn. Từ đó, “kiếm Thất Tinh Long Uyên” được hiểu là biểu tượng cho sự thành tín cao khiết, và tấm lòng thanh bạch của người quân tử.

Đám học trò trong lớp nghe xong, đứa thì không mấy quan tâm, đứa thì một mặt mơ màng. Có đứa gãi đầu gãi tai, có đứa chăm chú làm việc riêng. Lúc này, lại nghe Cố Văn hỏi:

“Các trò đã hiểu điển tích này hay chưa?”

Vài đứa trẻ vâng dạ, cuối cùng, có một đứa hỏi:



“Thưa thầy, tại sao Ngư trượng nhân lại phải tự vẫn để chứng minh trong sạch ạ?”

“Sĩ khả sát bất khả nhục. Đối với người quân tử, thà chết chứ không thể chịu nhục nhã.”

Cố Thi Âm đáp, nhưng trong lòng lại có chút không yên. Nói thì nói vậy, nhưng chẳng phải nàng ta và sư phụ cũng đang phải kéo dài hơi tàn, trốn chui trốn lủi trong nhục nhã đó sao? Cô nàng còn đang nghĩ thì học sinh ban nãy, dường như vẫn chưa hài lòng, lại hỏi tiếp:

“Thế nhưng... Ngũ Tử Tư cũng đâu có quen biết gì với Ngư trượng nhân? Chả lẽ chỉ vì một kẻ không quên không biết nghi ngờ nhân phẩm mình mà cũng phải tự vẫn để chứng minh thanh bạch sao ạ?”

Một học trò khác cũng lên tiếng:

“Thầy ơi, ngư ông cứu người, không được tin là vì lòng tốt nên phải tự sát, vậy phu tử cứu người liệu có bị nghi ngờ như vậy không ạ?”

“Phải đó, thưa thầy! Nếu bị nghi ngờ, liệu có phải cũng phải tự sát để chứng minh thanh bạch không ạ?”

Cố Thi Âm bị hỏi liên tục mấy câu này thì liền lúng túng. Nho môn trước nay truyền đạo thường chính là thầy dạy sao thì trò biết vậy, sau lại truyền tiếp xuống. Thành thử, nàng ta cũng chỉ có thể nói lại những gì Mạc Ngạn Bác dạy khi xưa. Thành thử lúc này không biết đáp sao cho phải.

Đúng lúc ấy thì nghe thấy tiếng nói vang lên từ cuối lớp:

“Thầy Cố, không biết tại hạ có thể chen vào trả lời thay mấy câu hỏi này được hay chăng?”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện