Phổ Thông càng vùng vẫy mạnh bao nhiêu, Phổ Xuất Phát càng bấu chặt tay y bấy nhiêu. Khó khăn lắm lão mới tìm được thằng con trai, ngu gì để nó chạy thoát lần nữa. Tuy không có tiền, nhưng cách ăn mặc và tinh thần sáng láng đã chứng minh nó đang sống rất tốt, nuôi thêm một ông cha già có lẽ vẫn được. Phụng dưỡng cha mẹ là nghĩa vụ của con cái mà.

Phổ Thông liếc mắt là hiểu ngay lão già này đang toan tính điều gì. Cơn giận đã lên đến đỉnh điểm, y dùng hết sức bình sinh hung dữ hất tay Phổ Xuất Phát ra. Phổ Xuất Phát không kiềm được y, bị y hất ngã sóng soài.

Phổ Xuất Phát sững sờ trong giây lát rồi kêu gào như lợn bị chọc tiết, "Ối giời ơi, bà con ra đây mà xem thằng con trai tôi muốn giết tôi này! Khổ cực mấy chục năm nuôi nó từ lúc bé tí đến lớn tồng ngồng thế kia, giờ tôi già cả không kiếm nổi tiền, bất đắc dĩ phải xin nó mấy đồng lẻ mua gạo mua rau sống qua ngày, thế mà nó chê tôi phiền, đánh tôi mắng tôi như một con chó ghẻ!"

Giọng của lão già vừa to vừa vang, hơn nữa chỗ này cũng đông người qua lại, lúc lão ngoặc mồm định ăn vạ thì Phổ Thông đã chuẩn bị co giò chạy trốn rồi, nhưng lão đã nhanh tay ôm lấy đùi y, sống chết không buông.

Phổ Thông rất muốn đạp lão một cái, ngặt nỗi đám người bâu xung quanh ngày càng nhiều, nhìn ánh mắt của họ là biết ngay họ tin vào những lời nói hươu nói vượn của Phổ Xuất Phát.

Nhắc đến Phổ Xuất Phát, ngọn lửa hận thù trong lòng Phổ Thông lại bốc lên rừng rực. Con người thối nát như vậy tại sao không chết đi, sống chi cho chật đất?! Không bàn đến việc lão ăn chơi đàng điếm, chỉ riêng chuyện lão hại chết mẹ Phổ Thông cũng đủ để y hận lão suốt đời.

Phổ Thông tám tuổi mồ côi mẹ, cha thì suốt ngày uống rượu, uống xong lại say, say rồi sẽ lấy con mình ra làm bao cát, cú nào cú nấy đều nện thằng bé đến mức mắt tóe đom đóm. Nếu không nhờ vài họ hàng thương tình thỉnh thoảng cho chút đồ ăn, có lẽ Phổ Thông đã không sống nổi đến ngày hôm nay rồi.

Năm lên lớp sáu, Phổ Thông phải nghỉ học để đi làm. Phổ Xuất Phát sợ y trốn, không ai nuôi mình nên lão chỉ cho phép y tìm việc trong thôn, mỗi lần Phổ Thông kiếm được chút tiền là lão đều lấy đi mua rượu hết, một cắc cũng không để lại cho y.

Vì phải lao động vất vả nhưng lại ăn không đủ no, dù đã sắp mười lăm tuổi, Phổ Thông vẫn gầy nhom như con khỉ đói, mắc cả chứng suy dinh dưỡng trầm trọng.

Năm Phổ Thông mười lăm tuổi, Phổ Xuất Phát đi đánh nhau, lỡ tay đánh trọng thương một người nên bị bắt giam. Khi nghe được tin đó, Phổ Thông vui muốn chết, ngày nào y cũng bị lão già y gọi là cha hành hạ, hết đánh đập lại bỏ đói, còn cướp hết tiền y kiếm được nữa. Y nhịn đủ lắm rồi, nếu Phổ Xuất Phát không bị bắt, y nghĩ mình sẽ đâm chết lão già kia, sau đó tự sát theo.

Ý nghĩ điên rồ đó bị dập tắt bởi lời khuyên bảo của những thôn dân. Họ nói chết là hết, mạng đổi mạng với Phổ Xuất Phát là không đáng. Cách trả thù tốt nhất là hãy cố gắng sống tốt, như vậy mới có thể chứng kiến Phổ Xuất Phát bị báo ứng như thế nào, với tội lỗi của lão, chắc chắn lão sẽ chết trước Phổ Thông.

Vốn tưởng từ nay về sau sẽ không phải gặp lại lão cha mà mình hận đến tận xương tủy nữa, thì hai tháng sau, Phổ Xuất Phát được thả. Lão đã nhờ người uy hiếp gia đình người bị hại, nếu dám kiện lão, lão sẽ khiến gia đình đó sống không được mà chết cũng không xong!

Bởi thương thế không gây nguy hiểm đến tính mạng nên Phổ Xuất Phát không bị giam lâu, hơn nữa lão là loại dám nói dám làm. Có câu thế này, "Vua cũng thua thằng liều". Người trong thôn đã quá rành với sự liều mạng của Phổ Xuất Phát, thành ra có hơi ngại, thế là bên bị hại quyết định không đâm đơn kiện nữa.

Sự việc thành ra thế này, chỉ có Phổ Thông là khổ nhất. Sẵn một bụng tức, lại thấy Phổ Thông ăn sung mặc sướng, Phổ Xuất Phát đâm ra giận chó đánh mèo.

Cúi gằm mặt nghe Phổ Xuất Phát chửi rủa, cuối cùng Phổ Thông cũng nhận ra, ngày nào còn sống ở cái nhà này, ngày đó y còn khổ! Cơm không đủ no, áo không đủ ấm, lại còn phải vắt óc nghĩ cách giấu số tiền chính mình làm ra.

Phổ Xuất Phát là tên lưu manh tiếng xấu đồn xa, người trong thôn không ai dám chọc vào lão cả, nhưng may là không vì thế mà họ tẩy chay Phổ Thông, ngược lại đôi khi còn lén lút dúi cho đứa trẻ đáng thương kia vài cái bánh mì hoặc manh áo cũ.

Năm Phổ Thông mười chín tuổi, Phổ Xuất Phát lại đánh nhau, lần này còn nghiêm trọng hơn, đánh người ta nằm viện luôn. Người nhà bị hại lập tức thưa lão ra tòa, cuối cùng Phổ Xuất Phát bị phán tám năm tù giam.

Khi nghe tòa tuyên án, Phổ Thông đã ác ý nghĩ rằng, sao người bị hại kia không chết luôn đi, như vậy Phổ Xuất Phát chắc chắn sẽ bị phán tử hình! Lúc Phổ Xuất Phát bị đẩy vào xe cảnh sát, lão vẫn hung hăng văng tục, lôi cả họ hàng hang hốc nhà bị hại ra chửi, chửi sướng mồm thì quay sang hằm hè cảnh cáo Phổ Thông, nếu y dám bỏ trốn, sau khi ra tù lão chắc chắn sẽ giết y!

Sau một đêm đối mặt với bức tường xám ngoét trong căn nhà cũ kĩ, Phổ Thông quyết định bỏ xứ mà đi.

Tuy lúc trước y đã từng chạy trốn nhiều lần, lần nào cũng bị Phổ Xuất Phát tóm được, nhưng bây giờ lão cha quý hóa của y lại đang bị giam sau song sắt, đây là cơ hội ngàn năm có một.

Mang theo niềm tin về một tương lai tự do và tươi sáng, với vỏn vẹn một trăm đồng (~330 000 VND), Phổ Thông khăn gói đến thành phố G.

Đến thành phố G chưa được bao lâu, Phổ Thông đã bị người ta lừa sạch tiền. Tuy y đã 19 tuổi, nhưng chục năm nay y chỉ quanh quẩn trong cái thôn bé tẹo, tất nhiên kinh nghiệm sống sẽ chẳng mấy phong phú. Hơn nữa y còn chưa tốt nghiệp cấp hai, xin việc chỗ nào cũng bị từ chối.

Hết khó khăn này lại đến khó khăn khác, Phổ Thông bắt đầu nản lòng. Tiền không có, việc làm cũng không, Phổ Thông đành đi nhặt phế liệu sống qua ngày. Y tự an ủi mình rằng, như vậy cũng tốt, lỡ sau này Phổ Xuất Phát có tìm đến thì lão cũng sẽ không kiếm chác được gì.

Có người cha như vậy, âu cũng là ý trời. Chắc kiếp trước y ở ác quá nên kiếp này mới khổ thế này đây.

Phổ Thông đã lên kế hoạch cho cái tương lai mờ mịt của mình, nhưng y không đoán trước được nhân tố bất ngờ là Hồng Kỳ. Chính Hồng Kỳ đã thắp lên khát vọng của Phổ Thông, biến y từ một kẻ đầu đường xó chợ sống như một cái xác không hồn thành một người biết phấn đấu vì lý tưởng, mà lý tưởng của y chính là làm Hồng Kỳ trở thành người hạnh phúc nhất trên thế gian.

Đôi khi Phổ Thông sẽ nhớ đến cha mình, nhưng y không nhắc đến lão với Hồng Kỳ, bởi y vẫn còn ôm chút hi vọng, rằng cả đời này y sẽ không phải gặp lại Phổ Xuất Phát nữa. Ai ngờ mới có bảy năm mà lão đã tìm tới rồi.

Phổ Thông hờ hững cúi đầu nhìn lão già đang giữ rịt lấy chân mình, gần chục năm mà lão vẫn chẳng khá hơn được chút nào, đối với kẻ yếu thì diễu võ giương oai, đứng trước kẻ mạnh thì khúm na khúm núm, lúc cần thì giở chiêu nước mắt cá sấu ra. Cũng bởi gì lão cũng dám làm, lại thêm tuyệt kỹ mượn gió bẻ măng, lão mới có thể nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật như thế. Bao năm rồi mà lão vẫn chưa lục nghề, trình độ bịa chuyện phải gọi là thượng thừa, nhìn bộ dạng khóc như sắp tắt thở tới nơi của lão, ai không biết chuyện còn tưởng Phổ Thông ăn hiếp lão thật.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện