Vào đến trong xe người phụ xe cũng đóng chặt cửa, đây là xe giường nằm nhưng tôi không dám nằm chỉ run rẩy ngồi lên. Mười đầu ngón tay bám vào chiếc áo chống nắng cái Hiền đưa cho không dám nhúc nhích. Nếu như bị bắt lại đừng nói là cái thai mà đến ngay cả bản thân tôi cũng không sống nổi. Chiếc xe vẫn đang lăn bánh di chuyển, đi qua những dòng người, đi qua mấy đoạn đường rồi từ từ ra khỏi bến xe. Tôi vẫn giữ nguyên tư thế ngồi như vậy thậm chí còn không biết sau lớp cửa kính kia có những gì. Những đoạn đường dài dằng dặc tôi cảm thấy thời gian như đang nhích chậm chạp đến mức phát điên. Con xe này vẫn đón khách dọc đường, mỗi lần có khách tôi đều cảm thấy mình thở cũng không dám thở.

Khi xe ra khỏi đất Hải Hà tôi mới dám thở mạnh một hơi rồi nhìn ra những hàng cây bên đường. Chiếc xe đã đầy khách, không còn đón thêm, bánh xe cũng đã lăn nhanh hơn. Đây là xe giường nằm nhưng vì quá sợ hãi nên từ ban nãy tôi vẫn ngồi, người phụ xe thấy vậy liền nói:

– Sao cô không nằm xuống đi, từ đây lên Hà Nội còn rất xa, tôi thấy cô ngồi mãi như vậy từ lúc lên xe rồi?

Tôi nhìn anh ta, gật gật đầu. Khách trên xe hành lý đầy đủ, ai ai cũng mang cả valy to đùng chỉ có tôi ngoài cái áo chống nắng của cái Hiền thì chẳng có gì. Tôi kéo rèm ra nhìn ra bên đường, núi trùng trùng điệp điệp bỗng thấy sống mũi mình cay xè. Đã bao lâu rồi tôi chưa được ra ngoài? Đã bao lâu rồi tôi chưa được cảm nhận sự tự do? Tôi cầm chiếc áo chống nắng lên, mùi nước hoa dìu dìu của cái Hiền thoang thoảng khiến tim tôi nhói lên, nước mắt chợt chảy dọc xuống mang tai. Không biết cái Hiền đã trốn được chưa, không biết giờ nó như thế nào, tôi thật sự rất sợ, sợ nếu như nó bị bắt lại thì có lẽ sẽ bị tra tấn kinh khủng hơn cả trước kia. Mới nghĩ đến đây tôi không kìm được nữa thương xót đau đớn, lồng ngực cũng căng ra như muốn vỡ thành trăm mảnh. Thế nhưng tôi cũng chẳng biết phải làm gì, chỉ cầu nguyện cho nó thoát khỏi lũ người tàn ác kia. Hiền, nhất định mày sẽ trốn được đúng không?

Số tiền cái Hiền cho tôi vừa tròn bốn triệu. Tôi biết đó là cả tài sản lớn của tôi bây giờ. Không quần áo, không bằng cấp, giấy tờ tuỳ thân của tôi giờ chỉ có chứng minh thư ban nãy tôi vơ vội được. Tôi biết cuộc sống phía trước của mình khó khăn vô vàn. Thế nhưng khó khăn cỡ nào cũng được, thoát khỏi địa ngục thì bất cứ khó khăn gì tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua.

Xe đi qua hết đoạn đường miền Đông cuối cùng cũng đi từ Cẩm Phả lên đến thành phố Hạ Long. Tôi nằm suốt mấy tiếng nhưng chẳng ngủ, nhìn ra hai bên đường quen thuộc với mình vừa nhớ nhung, vừa tủi thân lại có nỗi căm hận phẫn uất trào lên. Xe đi vào trung tâm thành phố, nhà con Ngọc nằm ngay phía cùng đường xe chạy. Khi đi đến căn nhà trắng to lộng lẫy ấy tôi nhìn vào trong. Căn nhà đóng cửa im lìm, có lẽ giờ này nó đã đi làm, con xe Camry đời mới cũng không có ở sân. Xe đi qua nhưng tôi vẫn nhìn lại. Căn nhà ấy đáng lẽ là của tôi, chiếc xe của nó cũng là của tôi. Thế nhưng tất cả đều thuộc về nó dưới sự sắp xếp của bà Hằng, chẳng những vậy còn đẩy tôi vào bước đường này. Tôi muốn lao xuống đây, muốn tìm mẹ tôi, muốn lôi tất cả sự thật ra ánh sáng, thế nhưng lúc này đây tôi biết bản thân mình chẳng thể làm gì cả. Tôi còn đang mang trong mình một sinh linh nhỏ bé, nếu giờ tôi xuống đừng nói là gặp mẹ tôi, đến ngay cả giữ mạng còn không chắc. Bà Hằng kiểu gì chẳng được thông báo tôi đã bỏ trốn, mình tôi giờ thân cô thế cô manh động chỉ thiệt cho mình. Huống hồ có nhỡ gặp được mẹ tôi chắc gì mẹ tôi đã tin những gì tôi nói? Trong tay tôi đang chưa có một điều gì để chứng minh cả, mẹ lại cho rằng tôi nói nhăng nói cuội, thậm chí còn có thể xua đuổi tôi cũng nên. Tôi chỉ có thể luyến tiếc nhìn những góc phố, con đường quen thuộc. Phải, tôi không thể ở đây được nữa, vì con tôi, vì tôi và vì tất cả. Tạm biệt Hạ Long, tạm biệt Quảng Ninh, tạm biệt những kí ức đau thương nơi này, nhất định tôi sẽ trở về, nhất định tôi sẽ quay lại, nhất định tôi sẽ gặp lại mẹ, nhất định sẽ lấy lại những thứ thuộc về mình.

Xe lên đến Hà Nội là mười một giờ đêm. Vì gặp trục trặc giữa đường nên muộn hơn mất ba bốn tiếng so với dự kiến. Khi dừng ở bến xe Mỹ Đình tôi cũng xuống xe. Trời về đêm, giờ đã là tháng mười một tôi lại chỉ mặc chiếc áo mỏng manh nên bỗng cảm thấy run rẩy. Tôi mặc chiếc áo chống nắng của cái Hiền lại nhưng gió vẫn thốc vào người. Đứng giữa bến xe tôi bỗng không biết mình phải đi đâu, mười một giờ đêm rồi, bến xe cũng vắng tanh. Tôi run rẩy đi ra khỏi bến xe, hai ba người xe ôm nhìn tôi, có lẽ thấy tôi rách rưới cũng chẳng thèm bắt, có người còn buông lời khiếm nhã trêu:

– Đêm rồi cô em còn đi đâu? Có đi với anh không?

Tôi nghe mấy lời này lại nhớ đến đám khách của mụ Hoa rùng mình sợ hãi. Đêm rồi, ở nơi đất khách quê người, ở nơi xa lạ tôi thật sự cảm thấy cô độc. Trước kia bốn năm đại học tôi cũng chỉ học trong tỉnh, có chăng lên Hà Nội cũng chỉ là những chuyến từ thiện hoặc giao lưu của trường thế nên nơi này với tôi thực sự xa lạ. Tôi hơi lùi lại rồi nhanh chân đi ra bên ngoài, hỏi chị bán bánh mì thì biết xung quanh đây chẳng có nhà trọ nào, tôi mua tạm ổ bánh mì rồi đi xuống hầm đi bộ ngồi thu lu lại một góc để ăn. Không có điện thoại trong tay, chẳng có một ai thân thích, tôi không dám đi đâu lúc này. Có lẽ một lần bị bán vào đường dây buôn người đã đủ để tôi cảnh giác, giờ lại đêm khua khoắt tôi chỉ có thể ngồi bó gối ở đây. Trong hầm đi bộ chẳng ấm hơn bên ngoài là bao. Ăn hết ổ bánh mì tôi cũng run lên cầm cập, hơi lạnh rít qua từng thớ da thịt. Tôi khẽ đưa tay xuống dưới bụng mình xót xa, tôi khổ đã đành, giờ còn làm khổ cả con mình. Gió vẫn từng cơn thốc vào, tôi tìm chỗ kín gió nhất nhưng vẫn run lên vì lạnh. Bỗng dưng tôi bật khóc tu tu, khóc vì thương con, khóc vì thương chính bản thân mình. Hai bàn chân tôi toàn bùn đất, có chỗ còn rách toạc cả ra. Tôi vừa khóc vừa ôm vai mình, cố gắng sưởi cho mình chút hơi ấm. Thế nhưng bàn tay nhỏ ôm mãi cũng chẳng thể ấm lên bao nhiêu. Đứa bé này đến bên tôi lúc tôi khốn đốn nhất, phải cùng tôi chịu đựng sự khó khăn, khổ sở thiếu thốn. Xin lỗi con, xin lỗi con rất nhiều. Bên ngoài vẫn còn những dòng xe đi trong đêm, lúc này đây tôi chỉ ao ước có một cái chăn thôi. Thế nhưng rồi chẳng ai cho tôi, hầm đi bộ vẫn vắng tanh lạnh ngắt. Ở thế giới bộn bề này làm gì có phép màu, tôi lại càng không phải công chúa mà nhận được ân huệ từ người khác. Gió vẫn rin rít, tôi cảm thấy mình sắp không chịu được cái lạnh lúc này. Cứ thế này tôi sẽ chết vì lạnh mất, cuối cùng tôi cũng đã không còn quan tâm đến liêm sỉ là gì chạy lên phía chị bánh mì run rẩy nói:

– Chị ơi… cho em… cho em mượn cái chăn được không?

Chị bán bánh mì chỉ vào cái chăn dùng để bọc nồi xôi hỏi lại:

– Cái này á? – Vâng, chị cho em mượn được không? Em lạnh quá, sáng mai em sẽ trả cho chị.

– Không được, cái này chị để bọc nồi xôi…

Tôi nhìn chị, hai hàng nước mắt ướt đẫm sự tự trọng cuối cùng cũng bị vứt bỏ van xin:

– Chị ơi, em xin chị, em thật sự lạnh lắm, chị cho em mượn được không? Sáng mai em nhất định trả cho chị. Em đang mang thai, em thật sự rất lạnh, xin chị cho em mượn… một lúc thôi, sáng mai em sẽ dậy sớm trả cho chị.

Chị bán bánh mì nhìn tôi, cùng là phụ nữ có lẽ chị thương cảm tôi, xôi chị cũng bán hết rồi cuối cùng cũng đưa cho tôi cái chăn mỏng manh. Tôi nhận lấy cảm ơn rối rít rồi mang xuống hầm đi bộ chọn góc kín gió nhất đắp chiếc chăn còn mùi xôi lên người. Tự trọng là gì? Liêm sỉ là gì tôi đã không còn quan tâm nữa. Vì con, vì bản thân mình tôi không màng đến sĩ diện nữa rồi. Chiếc chăn này có đôi chỗ rách, lại có cả nhọ nồi bám lên ố đen, thế nhưng với tôi đây là chiếc chăn đẹp nhất trên đời, nó mang hơi ấm của tình người trong đó. Tôi nằm co quắp ở đó, chiếc chăn mỏng manh sưởi cho mình chút hơi ấm, mệt quá cuối cùng cũng thiếp đi một giấc rất dài. Đến sáng hôm sau khi mặt trời lên, những tia nắng chiếu vào ô cửa kính, những bước chân người vội vàng gấp gáp, lúc này tôi cũng bật dậy mang chăn lên trả cho chị bán bánh mì. Thế nhưng lên chị đã không còn ở đó nữa mà đã về nhà. Tôi gấp gọn chăn lại, đi về phía bác bảo vệ rồi nói:

– Bác ơi, cháu gửi chăn cho chị bán bánh mì, nếu gặp chị ấy bác đưa giúp cháu.

Bác bảo vệ nhìn tôi, nhìn chiếc chăn rách rưới đáp lại:

– Thôi, cháu cầm lấy đi, chắc nó cũng vứt đi ấy mà.

Tôi nhìn bác bảo vệ hỏi tiếp:

– Bác ơi, bác biết gần đây có nhà trọ nào giá rẻ rẻ không ạ?

– Nhà trọ á? Rẻ là bao nhiêu? Ở khu này nhà trọ cho sinh viên cũng phải hai ba triệu một tháng đấy.

– Không… không có chỗ nào rẻ hơn nữa à bác? Khoảng mấy trăm vậy…

– Cháu ở dưới quê lên à? Ở đây làm gì có nhà trọ mấy trăm hả cháu? Tồi tàn nhất cũng một triệu rưỡi đổ lên cháu ạ.

Tôi đưa tay vào túi, số tiền cái Hiền cho trả tiền xe ôm, tiền đi xe với tiền ăn bánh mì giò chỉ còn ba triệu rưỡi. Đây không phải tiền để tôi ăn vài ngày mà là số tiền để tôi bắt đầu lại từ đầu. Thế nhưng đất thủ đô đắt đỏ này dù muốn hay không tôi cũng phải chấp nhận. Bây giờ tôi không thể cứ lang thang mãi ngoài đường, ăn ổ bánh mì và ngủ dưới hầm đi bộ. Tôi nhìn bác bảo vệ rồi nói:

– Nhà trọ rẻ nhất chỗ nào bác biết không ạ?

– Ngay chỗ quận Thanh Xuân ấy.

– Bác… quen ai làm xe ôm gọi giúp cháu một cái đến đấy được không bác? Cháu không biết đường.

Bác bảo vệ nghe tôi nói thì đáp lại:

– Thôi được rồi, chờ bác lấy xe rồi chở đi.

Bác bảo vệ nhờ người thay ca rồi lấy con xe Dream chở tôi đi. Đoạn đường từ Mỹ Đình sang Thanh Xuân khá dài. Bác bảo vệ tốt bụng chở đến một nhà trọ hơi cũ rồi dẫn tôi vào thuê phòng. Bác còn xin chủ nhà trọ giảm giá cho tôi xuống chỉ còn một triệu hai một tháng. Khi bác bảo vệ về, tôi trả tiền xe cho bác bác nhất định không lấy còn dặn dò tôi cố gắng sống cho thật tốt. Tôi cảm ơn bác rối rít, vẫn cầm chiếc chăn đợi bác đi khuất mới lên phòng. Một mình chẳng có đồ gì ngoài cái chăn chị bán bánh mì cho. Cũng may phòng trọ đã có sẵn đệm và gối của người ở trọ trước để lại. Tôi lấy số tiền ít ỏi ra đếm lại, vừa phải đặt cọc năm trăm nghìn tiền thuê nhà nên giờ còn vỏn vẹn đúng ba triệu. Thế nhưng số tiền ấy cũng chẳng giữ trọn vẹn thêm được, giờ tôi không có quần áo, không có đồ dùng cá nhân, dù muốn hay không tôi cũng phải đi mua. Ra ngoài chợ ngay gần phòng trọ tôi mua ba bộ quần áo, cộng bàn chải, khăn mặt, đồ lót dù là loại rẻ tiền nhất cũng mất đến hơn ba trăm nghìn. Nhìn số tiền mỗi lúc một vơi trong lòng xót xa vô cùng. Trải qua bao nhiêu chuyện tôi mới thấy đồng tiền quý giá thế nào. Mua đồ xong tôi vào ăn một bát bún rồi mới đi bộ về. Dù sao cũng phải ăn, tôi không thể để cái bụng trống rỗng sống qua ngày được. Về đến nhà trọ tôi tắm rửa qua thay bộ quần áo mới mua rồi đội chiếc mũ đi tìm việc. Đất Hà Nội đông đúc thế này tôi không tin không tìm được. Trời mùa này tối se lạnh nhưng sáng lại nắng hanh khô. Tôi đi bộ qua mấy con đường, đi qua cả những con ngõ, cuối cùng khi đi đến một nhà hàng lớn, ông trời thương cũng cho tôi tìm được việc làm. Ở đây người ta đang tuyển nhân viên rửa bát, tôi nhìn tấm biển vội vàng đi vào. Bà chủ nhà hàng cùng con gái trạc tuổi tôi nhìn tôi một lượt rồi hỏi:

– Cô có làm được thật không? Nhìn cô… không giống người biết lao động chân tay.

Mấy tháng ở Hải Hà suốt ngày chỉ ở trong nhà nên tôi trắng xanh cả đi. Nhìn tôi gầy gầy nên chắc bà chủ nghĩ tôi không được việc. Thế nhưng tôi nhìn bà chủ đáp lại:

– Nhìn cháu thế này thôi nhưng thực sự rất khoẻ, cô nhận cháu đi, cháu sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ.

– Ở đây lương tháng sáu triệu, bao ăn, nhưng tôi cũng nói trước, khách khứa ở đây rất đông, lượng bát đũa rất nhiều, phải làm đến mười giờ đêm mới được về, chấp nhận thì làm không thì thôi.

Tôi đã trải qua những thăng trầm, biến cố kinh hoàng, độc ác, những cơn ác mộng ám ảnh. Giờ đây với tôi được tự do, có việc làm để nuôi thân và nuôi con đã là hạnh phúc rồi. Tôi nhìn bà chủ nhà hàng đáp lại:

– Cháu đồng ý làm cô ạ.

– Ừ, mà cô ở chỗ nào?

– Cháu… cháu ở Vũ Hữu ạ.

– Thế đi bằng cái gì đi làm?

– Cháu đi bộ.

Con gái bà chủ nhà trọ thấy vậy thì há hốc mồm nói:

– Bên Vũ Hữu sang đây cũng gần hai cây, sao chị không đi xe bus ấy? Có xe thẳng sang đây luôn này, mười giờ có chuyến cuối cùng, mẹ, cho chị ấy làm đến trước mười giờ đi để chị ấy kịp chuyến xe cuối cùng về đi.

Bà chủ nhà hàng thấy vậy gật đầu rồi nói:

– Thế cũng được, sáng đến sớm tí vì sợ đêm có khách, bát vứt ra đấy. Tôi tên là Hoàn, cứ gọi là cô Hoàn, còn con này tên Hải.

Tôi nghe xong gật đầu cảm ơn. Buổi trưa hôm ấy tôi nhận việc luôn. Nhà hàng này là một nhà hàng lớn và rất sang trọng, tôi ngồi ở phía sau nhà để rửa bát. Ở đây tuyển cả nhân viên chạy bàn và nhân viên rửa bát, lương của nhân viên chạy bàn hơn mười triệu còn nhân viên rửa bát chỉ có sáu triệu. Thế nhưng tôi đang mang bầu, tự biết sức khoẻ của mình chỉ nên ngồi đây thôi nên không dám ham hố số tiền kia. Mới buổi trưa thôi nhà hàng cũng rất đông, tôi vừa ngồi xuống nhân viên chạy bàn đã bưng bê mấy chồng bát ra dặn tôi rửa cho sạch. Nhân viên chạy bàn sáu bảy người còn nhân viên rửa bát chỉ có hai người là tôi và cái Hải. Cái Hải tuy là con gái của bà chủ nhưng vừa học xong cao đẳng Sư Phạm, ra vẫn đang thất nghiệp nên làm thuê cho bà Hoàn luôn. Đấy là theo lời nó kể như vậy, có điều lương nó thấp hơn tôi, được có hơn bốn triệu vì trừ tiền ăn ở của nó. Tôi nghe cái Hải nói vừa rửa bát vừa bật cười. Mấy chồng bát vừa rửa sạch xong đặt lên rổ to cho ráo nước mấy chồng khác lại đến rửa gần như không kịp. Tôi không biết mình ngồi rửa bát bao nhiêu lâu, đến khi cảm thấy lưng như muốn gãy ra đành đứng dậy thay đổi tư thế ngồi. Suốt đến tận tối đêm tôi phải thay đổi tư thế bốn năm lần. Tôi cứ ngồi như vậy, chỉ có hai lần ăn cơm trưa và tối tôi được nghỉ một chút. Nghỉ xong tôi và cái Hải lại cùng nhau ra rửa bát. Đến khi chồng bát cuối cùng xong ngẩng đầu lên đã thấy trời khuya lắm rồi. Cái Hải vừa xem đồng hồ vừa nói:

– Gần mười giờ đêm rồi, chị đi ra ngoài bắt xe bus đi không là không kịp, chỗ này để em dọn cho.

Tôi nghe cái Hải nói vậy vội vàng lau tay vào vạt quần rồi đi ra ngoài. Cũng may vừa ra đến nơi xe bus cũng đến. Tôi ngồi trên xe bus tựa lưng vào ghế cảm thấy mệt mỏi muốn ngủ một giấc. Có điều đoạn đường đi khá ngắn nên tôi không dám ngủ. Bên ngoài đường mấy cây hoa sữa cuối mùa đã rụng tả tơi. Xe dừng ở chặng, tôi xuống xe đi bộ về nhà trọ. Đèn đường vàng le lói chiếu xuống đường, bóng tôi đổ dài dưới đất. Tôi nhìn đường phố Hà Nội tấp nập nhưng lại thấy cô đơn trong lòng.

Về đến nhà trọ tắm rửa xong cũng gần mười một giờ. Mệt mỏi, kiệt sức tôi nằm xuống ngủ một giấc ngon lành.

Những ngày tiếp theo tôi bắt đầu quen dần với cuộc sống ở Thủ Đô. Hằng ngày sáng bắt xe đi đến nhà hàng, ăn sáng ở đó rồi lại rửa bát, những ngày thường ở đây đã đông khách, đến thứ bảy chủ nhật càng đông. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy không mệt mỏi, mà dù có mệt đến đâu cũng bản thân cũng phải thật cố gắng. So với tháng năm sống cùng bà Hằng, so với những ngày ở chỗ mụ Hoa đã là gì?

Tôi làm được một tháng thì nhận lương, cô Hoàn đưa cho tôi sáu triệu còn cho tôi thêm năm trăm nghìn tiền thưởng. Nhận được tiền tôi vui sướng liền trích tám trăm mua một con điện thoại cũ của người ta bán lại. Dù là điện thoại cũ nhưng vẫn dùng tốt, vẫn nghe tốt và còn vào được mạng. Dù sao đi làm thế này cũng cần điện thoại, nhỡ có việc gì còn có thể gọi cho người nọ người kia, tôi lại đang mang bầu nữa cũng muốn biết mang bầu cần những mốc khám thai thế nào, có con điện thoại cũng tiện bao nhiêu. Tôi còn mua một ít thuốc bổ để uống, còn lại thì cất đi để tiết kiệm. Lúc ấy thai của tôi cũng được hơn mười tuần rồi, đi khám thì trộm vía con phát triển tốt, bác sĩ hẹn mười hai tuần khám lại và làm sàng lọc dị tật. Nghe bác sĩ nói như vậy tôi như có thêm động lực, chỉ cần con khoẻ thì phải vất vả thế nào tôi cũng đều cố gắng được.

Khám thai xong tôi định về nhà trọ, hôm nay tôi xin cô Hoàn cho nghỉ một hôm nhưng cuối cùng nghĩ thế nào tôi vẫn quay lại nhà hàng. Nghỉ một ngày thì trừ một ngày lương, tôi hơi tiếc tiền nên vẫn quay lại. Ở đây toàn là khách Vip, ô tô đỗ đầy đường. Bình thường tôi chỉ ngồi phía sau rửa bát nên không để ý lắm, hôm nay đi làm giờ này không để ý cũng không được. Đột nhiên tôi bỗng thấy một bóng lưng rất quen thuộc đang ngồi uống rượu, đối diện anh ta một người đàn ông cũng còn khá trẻ cất tiếng:

– Anh Thịnh, rốt cuộc vì sao anh lại phải tìm cô ta chứ? Hơn một tháng nay tìm anh vẫn định không từ bỏ à? Huống hồ cô ta có khi là cùng một giuộc với bọn anh Hưng. Đoạn clip ấy không tự dưng mà đến tay mẹ anh được… loại đàn bà như vậy….

Còn chưa nói dứt lời bóng lưng quen thuộc kia đã đưa tay bóp mồm người đàn ông trẻ rít lên:

– Ngậm mồm lại cho tôi. Cậu…

Đang định nói gì tiếp chợt tôi thấy anh ta dừng lại. Từ phía tấm kính đối diện gương mặt anh ta từ từ ngẩng lên. Trong một giây lát tôi kịp nhìn rõ gương mặt đẹp trai, sạch sẽ phản chiếu qua kính, bất giác tôi khẽ lùi lại rồi chạy một mạch ra ngoài. Chiếc xe bus cũng vừa hay đến, tôi leo lên xe bus thấy tim mình như không thở nổi. Vũ Nhật Thịnh… cái tên tôi tự khắc vào lòng, không ngờ cuối cùng lại gặp anh ở đây. Việt Nam rộng lớn như vậy sao anh lại ở Hà Nội? Hà Nội rộng lớn như vậy sao tôi lại gặp anh ở đây?

Tôi ngồi trên xe bus, thở rất mạnh. Người đàn ông ấy, tôi không thể gặp lại. Dù cho đứa bé trong bụng là con anh nhưng tôi vẫn không mong gặp lại anh như thế này. Chúng tôi chỉ là quan hệ xác thịt, dù tôi vẫn hằng đêm nhìn tấm danh thiếp ấy để có động lực sống nhưng việc gặp lại tôi lại không hề mong. Mà không phải, là tôi không đủ can đảm để gặp anh. Tôi chỉ là một đứa con gái nhơ nhớp bán trinh cho anh, nếu anh biết tôi mang thai con của anh liệu rằng anh có bắt tôi bỏ nó hay không? Giờ đây tôi chẳng mong gì cả, chỉ mong mình bình bình, yên yên sinh ra đứa bé. Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, đến sau này có thể trở về đòi lại những gì của mình, vậy thôi.

Trở về phòng trọ tôi mới dám thở phào một hơi. Tôi nằm trên chiếc đệm cũ kĩ lấy tấm danh thiếp ra xem lại rồi nằm co quắp lại. Cơm áo, gạo tiền, những gánh nặng cuộc sống khiến tôi đã không còn tin vào bất cứ thứ gì nữa cả. Tôi và anh tốt nhất chỉ là những người xa lạ, chỉ là những hạt bụi trên sa mạc, vĩnh viễn đừng liên quan gì đến nhau. Nằm mãi, cuối cùng tôi ôm lấy danh thiếp mà ngủ lúc nào chẳng hay, khi tỉnh lại đã thấy gối ướt đẫm. Chẳng biết tôi đã mơ thấy gì mà trong mơ khóc đến mức này.

Những ngày tiếp theo tôi đi làm đều mặc áo chống nắng kín mít từ đầu đến chân. Không phải vì trời nắng mà vì tôi sợ gặp lại anh. Dù tôi biết đó toàn là do tôi tưởng tượng ra, chắc gì anh đã còn nhớ tôi là ai? Cũng may tôi và anh thực sự đã không gặp nhau thêm lần nữa. Lắm lúc tôi còn nghĩ có khi nào hôm ấy tôi nhìn nhầm không? Trên đời này thiếu gì người trông nhang nhác giống nhau, huống hồ lúc ấy tôi chỉ nhìn anh qua tấm kính phản lại.

Tôi đi làm đến tuần thứ mười hai lại xin cô Hoàn cho tôi nghỉ nửa buổi sáng. Chuyện tôi mang bầu không ai ở đây biết. Tôi sợ nói ra thì người ta không nhận nữa nên không dám nói. Nhưng tôi biết cái bụng to dần mãi chẳng giấu được nên định bụng đợi đi khám thai về sẽ nói với cô Hoàn sau. Vào đến bệnh viện, bác sĩ cho tôi làm xét nghiệm máu rồi siêu âm cho tôi. Hôm nay là mốc quan trọng, làm Double test và siêu âm đo độ mờ da gáy để xác định thai nhi có nguy cơ dị tật không. Bác sĩ di đầu dò trên bụng tôi khá lâu rồi nói:

– Độ mờ da gáy 2,5mm, chạm ngưỡng… để chờ kết quả xét nghiệm Double test xem thế nào.

Tôi nghe bác sĩ nói thì thấy trong lòng hơi bất an. Độ mờ da gáy 2,5 không phải là một con số thật sự an toàn. Tự dưng tôi thấy run run, đến khi có kết quả Double test bác sĩ nhìn tôi rồi nói:

– Kết quả Double test thai có nguy cơ cao với hội chứng Down…

Tôi nghe xong toàn thân bỗng bủn rủn, bấu hai tay lên cánh tay bác sĩ giọng lạc đi:

– Bác sĩ ơi, có nhầm không ạ?

– Nào, cô bình tĩnh đã, đây chỉ là kết quả mang tính chất chẩn đoán chứ không phải kết luận. Thai nhi có nguy cơ cao cũng không có nghĩa là sẽ mắc hội chứng Down.

– Bây giờ… bây giờ phải làm ạ?

– Bây giờ tôi khuyên cô làm thêm một xét nghiệm Nipt không xâm lấn, kết quả xét nghiệm Nipt thường đúng đến 99%, độ chính xác cao hơn Double test, cô có muốn làm không hay chờ đến tuần mười sáu thì chọc ối?

Tuần mười sáu là bốn tuần nữa, dài đằng đẵng như vậy sao tôi có thể chờ được. Tôi nhìn bác sĩ đáp lại:

– Vậy… vậy cho tôi làm Nipt đi được không?

Bác sĩ nhìn tôi, ngập ngừng nói:

– Làm Nipt giá thành khá cao, bảy triệu…

Nghe đến đây tôi bỗng buông tay xuống. Bảy triệu với người ta không nhiều nhưng với tôi là toàn bộ gia tài. Hôm nay đi đến đây, làm những xét nghiệm này đã hết hơn một triệu, trong túi tôi chỉ còn hai triệu bạc. Thế nhưng giờ tôi cũng không thể chờ đến tuần mười sáu được liền nói với bác sĩ:

– Bác sĩ, tôi… tôi muốn về chuẩn bị tiền một chút đã.

– Được, cô cứ về bàn với người nhà xem có làm hay không

Tôi không biết mình ra khỏi bệnh viện thế nào, nghe đến việc đứa bé trong bụng có nguy cơ bị dị tật như sét đánh ngang tai. Tôi cầm số tiền ít ỏi trong túi suy nghĩ một hồi rồi gọi điện cho cô Hoàn để ứng lương. Thế nhưng cô Hoàn nói chỉ cho tôi ứng hai triệu thôi, đợt này sửa sang lại nhà hàng nên cô Hoàn không thể cho ứng nhiều hơn. Thực ra tôi biết cô Hoàn là người làm ăn, làm ở nhà hàng cả tháng tôi cũng biết cô khá chặt chẽ trong chuyện tiền nong. Dù tôi nói khó cỡ nào cô cũng chỉ cho tôi ứng như vậy. Tiền trọ vừa đóng, tiền xe bus cũng vừa đóng, hai triệu này cộng với tiền ứng lương mới chỉ được bốn triệu.

Tôi ra ngoài ngồi xuống vệ đường. Mấy tháng nay, không một giây phút nào tôi không ở trong trạng thái mệt mỏi rã rời. Đến giờ đây có bầu, tôi luôn tự nhủ vì con mà cố gắng gánh vác. Thế nhưng giây phút này đây khi nghe tin con có khả năng dị tật, tôi cảm thấy mình không sao chống đỡ được nổi. Tiền không có, tôi không biết mình phải làm thế nào. Mệt mỏi, kiệt quệ tôi thấy mình như muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi nghĩ đến đứa bé trong bụng tôi lại không cam tâm. Vì con tôi dù mệt mỏi thế nào tôi cũng phải gồng gánh. Tôi lấy điện thoại ra, bỗng dưng không kìm được mà gọi cho mẹ. Những tiếng chờ đợi phát ra trong điện thoại, đầu dây bên kia giọng nói nhẹ nhàng cất lên:

– Alo, Hà Liên xin nghe ạ.

Tôi nghe đến đây tự dưng không kìm được nữa suýt bật ra chữ mẹ. Thế nhưng rồi tôi vẫn kìm được lại. Đầu dây bên kia có tiếng cái Ngọc cất lên:

– Ai gọi mẹ thế?

– Mẹ cũng không rõ, hình như nhầm máy rồi. Cô là ai thế? Sao không nói gì vậy? Alo, alo

Tiếng cái Ngọc lại cất lên:

– Mẹ đưa máy con nghe xem nào.

– Ừ đây con xem đi, số lạ…

– Alo, alo ai đấy ạ? Ai gọi cho mẹ Hà Liên của cháu thế ạ? Alo, alo. Không thấy ai nói gì mẹ ạ, chắc người ta gọi nhầm, con tắt nhé. Nhiều người giờ vớ vẩn lắm, có khi lại là bọn lừa đảo ý mẹ, tốt nhất số lạ mẹ đừng có nghe cứ chặn đi.

– Ừ mẹ biết rồi, con chặn luôn giúp mẹ nhé.

Những tiếng tút tút vô tình truyền đến. Tự dưng tôi thấy đau lòng, lẽ ra sự chiều chuộng kia tôi phải được nhận, nếu không vì bà Hằng, không vì con Ngọc tôi đã không thê thảm thế này. Giờ đây đến ngay cả tiền đi làm xét nghiệm cho con tôi cũng không có. Tôi có thể gọi cho mẹ tôi sao? Tôi có thể nói tôi mới là con ruột mẹ sao? Tôi có thể bỏ đi lòng tự trọng mà xin tiền mẹ sao? Tự dưng tôi không kìm được nữa mà bật khóc. Trên đời vốn không có truyện cổ tích, càng không có chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng nào đến cứu tôi, trên thế giới này chẳng có gì cả, chỉ có mình tôi, đến mẹ ruột mình tôi còn chẳng thể gọi. Tôi cũng chỉ cho phép mình thương xót bản thân một lúc, chỉ một lúc này thôi. Ngày mai tôi phải đi tìm tiền, ngày mai tôi còn phải làm xét nghiệm máu cho con tôi. Số mệnh chẳng bao giờ biết thương xót ai, tôi không có cách nào né tránh, cũng không có cách nào chạy trốn chỉ có cách chấp nhận.

Khóc chán chê tôi đứng dậy cũng cảm mắt tối sầm lại, hai chân như nhũn ra, bóng tôi như thuỷ triều ập khiến tôi ngã quỵ xuống. Dòng người vẫn tấp nập đi, tiếng còi xe vẫn inh ỏi, tôi nằm co quắp trên vệ đường mơ hồ nghe tiếng còi mỗi lúc một nhỏ dần nhưng lại chẳng thể mở mắt nổi. Trong một giây phút không biết mơ hay thật tôi bỗng thấy mùi bạc hà xen lẫn mùi thuốc sát trùng thoang thoảng rồi cuối cùng chìm hẳn vào bóng đen vô hình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện