Trong màn đêm vô hình tôi thấy mình như đã cận kề cái chết. Không nghe thấy gì, không cảm nhận được gì chỉ thấy bóng đen bao phủ lấy mình.
Tôi biết mình sắp chết, nhưng trong tiềm thức lại biết mình không thể chết. Nếu như tôi chết đứa bé phải làm sao? Nó sẽ không còn mẹ, sẽ thành đứa trẻ mồ côi. Nếu tôi chết mẹ tôi phải làm sao? Mẹ vĩnh viễn không hề biết đứa con ruột của mẹ là tôi mới đúng. Vì vậy nhất định tôi phải sống, vì con, vì mẹ tôi nhất định phải sống. Thế nhưng tôi lại chẳng mở mắt nổi, ý thức hoàn toàn không thể làm chủ được thân xác. Tôi bỗng mơ thấy những cơn ác mộng, những trận đòn roi bà Hằng đánh tôi, những ngày mưa gió bà ta dìm tôi xuống bể nước, tôi bỗng mơ thấy mình chạy trốn, dùi cui điện dí thẳng vào người tê liệt, tôi bỗng mơ thấy cái Hiền nằm giữa trời mưa lạnh giá, mười mấy thằng đàn ông hãm hiếp nó, tôi bỗng mơ thấy có tiếng trẻ con khóc, tiếng những người bác sĩ cất lên:
– Mau, mau đi lấy máu.
Thế nhưng rồi tôi vẫn chẳng thể mở mắt ra nổi, những cơn ác mộng lặp đi lặp lại. Giữa lúc sống chết cách nhau gang tấc, trong khoảnh khắc đối mặt với tử thần, dường như tôi đã nhìn thấy Thịnh. Trong vầng sáng mờ mờ tôi thấy gương mặt anh không rõ nét, chỉ cảm nhận được đôi mắt đỏ ngầu. Tôi không biết đó là mơ hay thật, hay bởi khoảnh khắc không biết mình sống hay chết tôi vẫn mong nhìn thấy anh nên đã sinh ra ảo mộng.
Màn đêm bỗng biến mất thay bằng lớp sương mù đặc rồi dần dần mờ đi. Có tiếng người cất lên:
– Tỉnh rồi, cô ấy tỉnh lại rồi.
Ý thức của tôi dần dần khôi phục, mọi thứ xung quanh rõ nét hơn. Tôi thấy mình nằm trong căn phòng trắng toát vây xung quanh mình rất nhiều y tá, bác sĩ. Thế nhưng tôi lại không nghe thấy tiếng trẻ con khóc bèn thều thào nói:
– Con tôi đâu? Con tôi đâu rồi?
Bác sĩ Thuận nhìn tôi đáp lại:
– Cô vừa mới tỉnh lại, đừng nói gì nghỉ ngơi đi đã.
Tôi nghe vậy trong lòng bỗng cảm thấy bất an, dù mệt mỏi, dù sức cùng lực kiệt vẫn bấu tay lên bác sĩ hỏi lại lần nữa:
– Con tôi đâu? Nói cho tôi biết con tôi đâu?
– Đứa bé tuy không phải sinh quá non, nhưng trong quá trình chuyển dạ cô bị băng huyết, đứa bé hơi yếu nên đã được chuyển vào lồng ấp vừa ấp kết hợp chiếu đèn vàng da.
Dù trải qua một trận sinh tử, cơ thể như không gượng dậy nổi nhưng nghe bác sĩ nói vậy tôi vẫn không kìm được giọng nghẹn đi:
– Bác sĩ, cho tôi gặp đứa bé một lúc được không?
– Đứa bé giờ đang ở trong lồng kính, dù cho cô có vào cũng không gặp được.
– Tôi… cho tôi nhìn nó một lúc thôi.
Thấy tôi như vậy bác sĩ Thuận có lẽ cũng không từ chối được đồng ý đẩy cho tôi ngồi xe lăn rồi đẩy vào khoa sơ sinh. Chiếc xe lăn lạch cạch di chuyển trên nền đất. Tôi đã dặn mình con mình không sao, mình cũng đã sống đó là điều hạnh phúc nhất rồi. Thế nhưng ngay khoảnh khắc nhìn thấy con nằm trong lồng ấp, cả người không mặc gì chỉ mặc chiếc bỉm, bên trên là chiếc đèn chiếu vàng da, đôi mắt bị bịt lại bởi một miếng băng màu trắng tôi không kiềm chế nổi nước mắt rơi lã chã. Con còn đỏ hỏn, bé tí tẹo, chân tay nhỏ xíu ngoe nguẩy qua lớp kính. Dường như con khó chịu lắm, tay chân không yên, liên tục chạm lên miếng băng màu trắng như muốn gỡ nó đi. Tim tôi như có ai cắt ra thành từng mảnh, thương con đến tan nát cõi lòng. Nhìn thấy cảnh này người làm mẹ nào không thương xót? Bác sĩ Thuận đứng bên cạnh an ủi:
– Bé trai, 2,5kg, cân nặng ở tuần ba mươi sáu thế này là ổn cũng không phải quá bé, chỉ là vì lúc sinh vì băng huyết khó sinh nên bé hơi yếu lại vàng da nữa nên nằm ấp lồng kết hợp chiếu đèn luôn. Khoảng hai ba ngày bé sẽ được ra với mẹ, cô cố gắng giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ để có sữa về cho con nhé. Sữa mẹ nhiều đề kháng cho em bé, nhất là em bé sinh non đấy.
Tôi nghe xong gật gật đầu, phải rồi, lúc này tôi phải cố gắng lạc quan lên. Bác sĩ nói tôi bị băng huyết, lúc ấy rất nguy hiểm còn không biết có thể cứu được cả hai mẹ con không. Thế nhưng cuối cùng kì tích vẫn xảy ra, tôi và con cũng đã an bình rồi. Tôi nhìn con thêm một lần nữa rồi quay về. Ở đây đã có các cô y tá chăm sóc con, trong này ngoài con tôi còn có rất nhiều đứa trẻ sinh non khác, có những em bé mới chỉ được hai mươi năm, hai mươi sáu tuần đã chào đời cũng đang được các cô dốc lòng chăm sóc. Những đôi bàn tay nhỏ xíu đỏ hỏn qua lớp kính nhìn cũng thấy lòng quặn lại. Tôi nhìn các con, chỉ cầu mong tất cả đều mạnh mẽ, khoẻ mạnh, bình an để có thể về với bố mẹ.
Bác sĩ Thuận đưa tôi về lại căn phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi nằm xuống, cứ nghĩ đến con lại động viên mình cố gắng, mấy ngày nữa thôi tôi sẽ được ôm con, cái miệng nhỏ xinh ấy sẽ uống những dòng sữa đầu tiên. Thế nên tôi dặn mình nghỉ ngơi lấy sức đã, phải lạc quan vui vẻ lên để cho con có thể được bú sữa mẹ nhiều nhất, có lẽ cũng vì mệt mỏi quá mà tôi nằm xuống đã ngủ một giấc rất dài. Đến khi tỉnh dậy cũng được y tá mang cháo vào cho. Biết tôi không có người nhà, lại vừa suýt chết nên y tá ở đây chăm sóc tôi rất tận tình. Điều đó khiến tôi cảm kích vô cùng. Tôi nhớ lại vị bác sĩ ở huyện Hải Hà lại càng cảm thấy những định kiến về ngành y trong tôi bị dẹp bỏ hết thay vào đó là sự ngưỡng mộ và biết ơn. Tôi lại nhớ đến cả Thịnh, ngày hôm tôi sinh, tôi đã nghe thấy giọng anh, đã lờ mờ nhìn thấy gương mặt anh. Thế nhưng mấy ngày hôm nay trong viện tôi không hề thấy Thịnh đâu. Thế nên tôi cứ mơ hồ không rõ hôm ấy thấy Thịnh là mơ hay thật? Hay bởi trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc người tôi nhớ là anh nên đã bị ảo giác. Tôi không dám hão huyền mong ngóng anh, cũng rất sợ anh biết đứa con tôi sinh ra là của anh nên khẽ gạt đi. Có lẽ đó chỉ là mơ thôi. Nghĩ đến Thịnh tôi lại nhớ đến một bài báo, trong bài báo có nói gia đình Thịnh là một gia đình rất giàu có và có thế lực, có điều giàu có thế nào, thế lực thế nào vẫn còn là một điều bí ẩn. Chỉ cần nghĩ như vậy thôi tôi cũng càng không dám có mong muốn viển vông gì.
Mấy ngày ở viện tôi rất nhớ con, hằng ngày chỉ có một buổi tối tôi được vào thăm con qua lớp kính tưởng như mỏng manh nhưng lại thấy xa như vạn dặm. Tôi tranh thủ từng phút từng giây để được nhìn con, được ngắm những ngón tay ngón chân nhỏ xinh xinh của con cũng khiến tôi ngập tràn niềm tin và hi vọng. Trải qua bao khổ đau, trải qua hàng ngàn vạn lần những thăng trầm giờ tôi mới thấy có chút nắng trong lòng. Dù biết phía trước con đường còn rất dài, khó khăn còn chồng chất nhưng chỉ cần có con cùng tôi đi, chắc chắn giông bão gì tôi cũng không sợ.
Nằm viện đến ngày thứ tư bác sĩ thông báo con tôi đã ổn định, chỉ số vàng da Bilirubin đã xuống thấp nên con được ra với mẹ. Tôi đang nằm trên giường nghe thông báo như vậy không khỏi mừng rỡ đi theo người y tá xuống khoa sơ sinh. Mấy ngày hôm nay tôi đều đặn hút sữa, sữa cũng đã về chỉ chờ đến giây phút này. Khi vừa xuống đến nơi tôi cũng thấy xe giường của con được đẩy ra ngoài. Thế nhưng tôi chợt sững người lại khi thấy Thịnh đang đứng ở ngay chiếc xe giường ấy. Anh ta nhìn cầm chiếc điện thoại lên chụp ảnh đứa bé. Trong một giây lát bản năng người mẹ như trỗi dậy, tôi lao vào đẩy Thịnh ra rồi tức giận nói:
– Anh đang làm gì thế? Sao anh chụp ảnh con tôi hả?
Thịnh bị đẩy ra nên hơi bất ngờ. Mấy ngày trước khi tôi tỉnh dậy đến giờ chưa hề gặp anh. Vốn dĩ tôi luôn nghĩ ngày hôm đó, cái ngày tôi sinh con và bị băng huyết việc tôi nghe thấy giọng Thịnh chỉ là mơ, thế nên nhìn anh ở đây tôi vừa bất ngờ vừa sợ hãi. Thịnh đứng sang một bên, cất điện thoại vào túi, động tác vẫn bình tĩnh điềm đạm rồi cất lời hỏi:
– An. Đứa bé này có phải con tôi không?
Câu hỏi rất rõ ràng, dứt khoát, thẳng thắn không hề vòng vo. Nhưng câu nói ấy lại như một xô nước đá dội vào người tôi lạnh buốt. Nếu anh biết đó là con anh thì sao? Anh sẽ mang nó đi hay sẽ làm thế nào? Sao anh lại nhớ đến đêm đó? Sao anh lại nhớ tường tận như vậy? Đêm hôm ấy người ta bỏ mười mấy ngàn đô ra mua thân xác tôi lấy đoạn clip của tôi và Thịnh, lại thêm bài báo tôi từng đọc được cũng đoán gia thế anh chắc chắn không tầm thường, nếu như vậy… anh sẽ làm gì với đứa bé này đây? Chắc chắn người giàu có sẽ không để con cháu họ lưu lạc bên ngoài, và cũng chắc chắn chẳng ai chấp nhận Thịnh lấy tôi về làm vợ chỉ vì đứa con. Thế nên tôi càng sợ hãi, sợ rằng giống như những câu chuyện tôi được nghe, người ta sẽ mang con tôi sống một cuộc sống giàu có, còn tôi sẽ được ném cho chút tiền rồi vĩnh viễn chẳng bao giờ được gặp con. Nghĩ như vậy tôi đã thấy mình không còn sức lực mà sống. Tôi không cần con tôi phải sống trong nhung lụa, chỉ cần ở cạnh tôi cơm rau qua ngày cũng nhất định phải giữ con lại. Vậy nên nghe câu hỏi ấy tôi liền đáp lại:
– Anh bị điên rồi, tôi còn không biết anh là ai làm sao đây có thể là con anh được.
Thịnh nhìn tôi, ánh mắt đầy khẩn khoản:
– Đêm hôm ấy, tôi và cô đã ngủ với nhau. Đó là lần đầu tiên của cô, còn có cả đoạn clip nữa, cô nói không biết tôi sao?
Tôi biết lúc này nếu anh ta đã nói như vậy mình còn phủ nhận không quen chắc chắn anh ra sẽ không tin liền đáp:
– À, hoá ra là anh sao? Tôi thật sự không nhớ rõ đó là anh, anh biết thừa mà, tôi ở đó ngủ với bao nhiêu đàn ông làm sao nhớ nổi ra ai với ai. Dù sao thì đứa bé này cũng không phải con anh bởi đêm hôm đó tôi đã uống thuốc tránh thai rồi. Đứa bé này là con của tôi và người đàn ông khác. Nếu là con anh tôi đã bắt đền bắt vạ rồi chứ chẳng lẽ lại phải khổ cực sinh nó ra một mình như vậy sao?
Nói đến đây tôi nhìn thẳng vào mắt anh như khẳng định lời nói của mình là thật. Không biết tôi đã phải can đảm thế nào để che đi sự run rẩy trong lòng nói ra những lời như vậy. Thịnh cũng nhìn tôi, từ đôi mắt bỗng hiện ra những tia đỏ ngầu. Tôi đã từng nhìn thấy Thịnh thất vọng khi lần gặp lại đã ngửa tay xin tiền. Thế nhưng lần này đã không còn là thất vọng nữa mà ánh mắt anh trở nên tuyệt vọng. Tia hi vọng mong manh bị tôi dập tắt triệt để. Hai tay anh nắm chặt vào nhau nổi cả những mạch máu. Dường như anh bị mấy lời nói của tôi đả kích nghiêm trọng không kìm nén nổi. Khoé miệng anh nở ra một nụ cười méo xệch. Anh nhìn tôi hỏi lại:
– Tôi hỏi lại cô lần nữa, đây có phải con tôi không?
– Không! Tôi đã nói rồi sao anh không chịu tin? Nếu anh nghĩ đó là con anh thì đưa cho tôi năm mươi triệu, tôi sẽ cho anh cắt mấy sợi tóc của nó đi xét nghiệm ADN.
Câu nói cuối cùng tôi vừa nói ra khiến Thịnh đã không còn kìm chế nổi cảm xúc của mình. Sắc mặt Thịnh lập tức đổi sang trắng bệch như không còn một giọt máu rồi lại như trở nên tím tái. Tôi nhìn rất rõ lồng ngực anh quặn lên mạnh mẽ, hai tay nắm chặt lại với nhau chạm vào mảnh thuỷ tinh thừa thãi trên cánh cửa hành lang đến mức bật cả máu. Tinh thần anh dường như rất hoảng loạn, hoảng loạn đến mức máu trên tay chảy ra anh vẫn không hề để ý. Sự bình tĩnh điềm đạm hoàn toàn biến mất như thể đây là giới hạn cuối cùng của anh. Phải rồi, đàn ông có lòng tự trọng, đối diện với loại người mở mồm ra là tiền như tôi thì khinh bỉ và coi thường cũng đến đỉnh điểm, huống hồ còn lấy đứa bé ra để vòi một số tiền lớn.
Nhìn Thịnh như vậy tôi cảm thấy tim mình cũng nhói lên. An, vì sao mày làm như vậy, là vì sao chứ? Là sợ mình ôm mộng viển vông ư? Là sợ mình sẽ lao vào cái bẫy ngọt ngào mà đáng sợ đó ư? Là sợ mình trong lúc tuyệt vọng sẽ giơ tay ra vọng tưởng túm lấy Thịnh sao? Không cần phải nằm mơ nữa, như thế này cũng tốt, anh đã hoàn toàn không còn muốn nhìn thấy tôi nữa. Mà lẽ ra từ ban đầu anh nên thế này thì tốt hơn, bởi sự xuất hiện của anh đã khiến sự bình yên trong tim tôi xáo trộn. Thế giới của tôi và con không nên có sự xuất hiện của anh. Tôi đã bị lừa suốt hai mươi mấy năm nay, đến người tôi tin tưởng nhất còn đâm tôi một nhát chí mạng. Lấy niềm tin ở đâu cho tôi tin tưởng một người xa lạ? Dù cho đứa bé này có là con anh đi chăng nữa thì hãy coi như không biết, như vậy sẽ tốt hơn nhiều.
Thịnh không đáp, anh cũng không nhìn đứa bé mà xoay người rời đi. Máu trên tay anh vẫn chảy ra, chảy thành từng giọt xuống cả dưới đất. Có người bác sĩ nào đó cất lời:
– Bác sĩ Thịnh, tay anh bị chảy máu rồi. Vào đây tôi xem vết thương cho.
Thế nhưng dường như Thịnh không nghe thấy, anh đi như kẻ mộng du, ai hỏi gì cũng không đáp. Đôi tay anh để cầm dao phẫu thuật, tôi không kìm nổi sự xót xa thấy tim mình cũng quặn thắt lại. Đây là lần thứ hai gặp lại, cũng là lần tôi cảm nhận thấy một nỗi đau âm ỉ trong lòng mình. Khi Thịnh đi khuất tôi đứng trân trân nhìn mãi, nhìn đến khi có tiếng khóc toáng lên của đứa bé tôi mới giật mình bế con lên. Nghe tiếng khóc của con tôi cũng dần nhận ra mình đã không còn cách nào khác. Để bảo vệ con chỉ còn cách triệt để giẫm đạp toàn bộ những hi vọng kia.
Khi đang bế đứa bé y tá từ đâu cũng tiến lại gần. Thấy tôi thì nói:
– Ơ, sao cô vẫn chưa xuống phòng vậy? Tôi tưởng bác sĩ Thịnh đẩy em bé về rồi chứ?
Tôi nhìn y tá, loay hoay bế con còn ngượng nghịu, thấy vậy cô y tá tốt bụng liền cười nói:
– Đưa tôi bế cho, đi, đi về phòng.
Trên đường đi về phòng bệnh y tá vừa nhìn đứa bé vừa hỏi:
– Cô với bác sĩ Thịnh quen nhau à?
– Tôi… cũng có chút quen.
– Có chút thôi sao? Thật sự nếu người ta không nói bác sĩ Thịnh có hôn ước rồi tôi còn tưởng cô là người yêu anh ấy đấy. Lúc cô sinh con bị băng huyết phải truyền mấy trăm cc huyết tương là anh ấy chạy đôn chạy đáo sang viện huyết học mang về. Bác sĩ Thịnh nổi tiếng ở viện huyết học là người ôn hoà vậy mà khi cô bị như vậy anh ấy cáu nhặng lên, bắt chúng tôi phải cứu được cả mẹ lẫn con. Buồn cười thật, rõ ràng anh ta cũng là bác sĩ, cũng biết chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để cứu bệnh nhân nhưng khi là người nhà bệnh nhân thì cũng không khác gì những người khác, thậm chí còn vứt bỏ cả sự ôn hoà quát tháo ầm ĩ một trận. Bác sĩ Thịnh còn tạm ứng năm mươi triệu tiền viện phí cho cô đấy. Vốn dĩ nghĩ cô đi đẻ không có người nhà ai ngờ người nhà lại đáng đồng tiền bát gạo như vậy.
Tôi nghe xong, lặng người đi. Trong giây lát khoé mắt như ầng ậc nước, thế nhưng rồi tôi vẫn ngăn lại rồi đáp:
– Thế à?
– Mà tôi vẫn tò mò rốt cuộc cô với bác sĩ Thịnh là có quan hệ gì?
Tôi không biết nói sao cuối cùng đành nói dối:
– Tôi là em họ của bác sĩ Thịnh ở quê, hồi nhỏ anh em thường chơi với nhau nên khá thân thiết.
– Bảo sao bác sĩ Thịnh lo cho cô như vậy. Về nhớ phải cảm ơn anh họ nhiệt tình vào nhé. Mà nghe nói bác sĩ Thịnh hôm nay là chuyển công tác rồi, không làm ở viện huyết học nữa, nghe nói đi tận vùng núi sâu xa ở trong Nam để làm thì phải à?
Nghe y tá nói đến đây tôi sững sờ cả người hỏi lại:
– Cô nói gì cơ? Bác sĩ Thịnh chuyển công tác sao?
Y tá thấy tôi kinh ngạc thì cũng kinh ngạc đáp:
– Ơ, cô không biết gì sao? Tôi tưởng ban nãy bác sĩ Thịnh đến chào tạm biệt mẹ con cô chứ?
– Sao… sao tự dưng lại chuyển công tác?
– Tôi cũng không rõ, chỉ nghe phong thanh nội bộ bác sĩ Thịnh vi phạm đạo đức nghề nghiệp gì đó, tôi cũng không rõ vi phạm gì nhưng có lẽ lỗi cũng phải lớn lắm, còn bị lập hội đồng kỉ luật rồi điều chuyển công tác. Tưởng cô là em họ nên phải rõ hơn tôi chứ?
Đầu tôi như có búa đập vào, từng lời y tá nói khiến họng tôi nghẹn lại không thể đáp nổi. Khi về đến phòng, ôm con vào lòng cho con bú đến đâu tôi lại thấy mình như vừa làm một điều gì đó vừa khốn khổ lại vừa xấu xa. Ánh mắt tuyệt vọng của Thịnh nhìn tôi ban nãy ám ảnh tôi không thôi. Hết rồi! Thế là hết thật rồi. Cuối cùng tôi và Thịnh cũng đã không còn một chút tàn tro gì sót lại. Tất cả mọi thứ đều bị chính tôi xé vụn ra từng mảnh, từng mảnh. Chưa bắt đầu đã kết thúc, kí ức còn lại chỉ là đêm hôm ấy, chỉ là những đồng tiền vương vãi trên nền đất, chỉ là ánh mắt thống khổ tuyệt vọng biết bao.
Bên ngoài có chút nắng chiếu vào, tôi không biết tia nắng này rốt cuộc có thể sưởi cho tôi chút hơi ấm của những ngày đông lạnh giá hay không.
***
Hai năm sau!
Trên đoạn đường về căn nhà trọ tồi tàn, mấy ánh đèn đường chiếu xuống khiến bóng tôi và con trai đổ dài. Đi bộ một quãng đường khá xa con trai đã mỏi chân liền nói:
– Mẹ, bế Bình.
Tôi cúi xuống, toàn thân cũng rã rời mệt mỏi nhưng không muốn từ chối con mà đáp:
– Mẹ không bế được Bình nữa, mẹ cõng con nhé.
– Vâng ạ.
Thằng bé vui vẻ nhảy tót lên lưng tôi không quên đưa cặp sách cho tôi. Mùa này đã hơi se lạnh, nhưng có lẽ ngồi xe bus đông đúc chật chội nên tôi cảm thấy nóng bức khó chịu. Hai năm rồi, đã hai năm trôi qua, tôi đã chuyển sang một căn trọ khác, tuy vẫn tồi tàn nhưng suy cho cùng có thêm điều hoà vẫn đỡ hơn căn trọ cũ. Người lớn có thể chịu được cái khắc nghiệt của mùa hè nhưng trẻ con thì không, suốt mấy tháng hè Bình nóng quá nổi mụn không ngủ được, thấy con như vậy dù muốn tiết kiệm tôi vẫn đành cố gắng chuyển sang phòng trọ này cho con.
Bình níu cổ tôi, thơm vào hõm sau gáy. Chiếc môi nhỏ xinh xinh khiến tôi cảm thấy mọi mệt mỏi bỗng dưng tan biến. Trong một ngày thế này tôi bỗng cảm thấy thương con. Tám tháng tôi đã phải gửi con đi nhà trẻ để đi làm kiếm tiền. Hai năm rồi, tuy rằng tôi đã được làm việc ở một công ty, làm đúng chuyên ngành của mình nhưng những khó khăn vất vả vẫn như bủa vây lấy tôi.
Khi tôi và Bình về đến nhà trọ cũng đã sáu giờ tối, nấu cơm ăn uống tắm rửa xong hai mẹ con bật điều hoà nằm ôm nhau. Bình đi học từ sáng đến tối, đang tuổi nghịch ngợm nên mệt quá giờ đã ngủ say. Tôi xoa lưng cho con dễ ngủ rồi lặng lẽ nhìn con rất lâu. Mỗi lần con ngủ tôi mới dám nhìn thẳng vào mắt con như vậy. Bởi khi Bình mở to mắt nhìn tôi, mỗi lần nhìn vào đôi mắt ấy tôi lại nhớ đến Thịnh. Đôi mắt Bình rất giống mắt Thịnh, đôi mắt đen to tròn nhưng lại phảng phất một nỗi buồn.
Hai năm trôi qua Thịnh thật sự đã rời xa cuộc sống của tôi và con. Giống như anh chưa từng xuất hiện, giống như một cơn gió cuốn bay tất cả những dư âm đi không để lại một chút tàn tro nào. Một chút cũng không. Tôi không biết anh đi đâu, trong lòng có khắc khoải cũng không dám một lần tò mò. Chỉ là mỗi lần nhớ đến anh sống mũi tôi lại cay xè, trong tim buốt lên như có mũi kim xiên vào. Chẳng phải là tôi muốn như vậy sao? Hà cớ gì lại phải đau lòng?
Khi còn đang suy nghĩ miên man thì có điện thoại. Đầu dây bên kia cất lên:
– Chị An, tài liệu giám đốc cần chị đã chuẩn bị xong chưa?
– Chị chuẩn bị xong rồi, sáng mai sẽ mang đến.
– Vâng, ngày mai đối tác ở Bắc Giang lên sớm, chị đến sớm chút nhé
– Ừ, chị biết rồi.
Đầu dây bên kia tắt máy. Tôi lại đưa tay xoa xoa mái tóc Bình. Tám tháng đầu mới sinh Bình tôi sống hoàn toàn dựa vào số tiền thừa đóng viện phí của Thịnh và số tiền tích cóp được trước kia. Lúc ấy còn ở trong căn phòng trọ cũ, tôi không có cái gọi là ở cữ, mới sinh con về chẳng kiêng được giặt giũ nấu nướng rồi chăm con. Thế nhưng tiền có bao nhiêu mà chỉ tiêu không kiếm lại thì cũng hết, cuối cùng tôi chỉ còn cách gửi Bình đi học sớm rồi đi làm. Có điều suốt tám tháng ở nhà tôi đã nghĩ rất kĩ, tôi không thể cứ mãi đi rửa bát thuê được, muốn làm việc lớn tôi cũng phải tìm được một công việc phù hợp đã. Thế nên tôi đã bí mật về trường cũ xin cấp lại bản sao bằng đại học và xin vào công ty Nhất Hưng để làm. Đây là một công ty tầm trung, mức lương trả cho nhân viên văn thư hành chính như tôi là tám triệu. Con số không quá nhiều nhưng tôi vẫn quyết tâm vào được đây bởi có lý do riêng của mình. Để có thể gặp được người cần gặp, tôi nhất định phải vào Nhất Hưng.
Từ lúc đi làm tới nay cũng là hơn một năm. Suốt một năm nay tôi luôn cố gắng nỗ lực kiếm tiền, dù bất kể việc gì khó khăn tôi đều hoàn thành tốt nhất trong khả năng của mình. Ở đất Hà Nội đầy bon chen này, chỉ cần tôi không cố gắng có thể sẽ bị thải trừ luôn. Thế nên vì con, vì tôi tôi nỗ lực gấp năm mười lần đều cảm thấy không đủ.
Tôi nằm suy nghĩ miên man đến tận mười giờ đêm mới có thể ngủ. Đêm ấy tôi ôm con vào lòng rồi mới chìm vào giấc ngủ ngon lành. Sáng hôm sau vì phải đi từ sớm nên tôi đành đánh thức Bình rồi mua cho con chút đồ ăn sáng mang đi sang nhà trẻ nhờ cô giáo cho con ăn giúp tôi. Tôi biết nhiều lúc mình không thể cho con một cuộc sống sung túc, lúc nào cũng bận rộn quay cuồng nhưng nếu như tôi không đi làm thì tôi và con chỉ có thể chết đói nên tự an ủi mình rằng đây là điều tốt nhất tôi dành cho con trong khả năng của mình rồi.
Khi mang tài liệu lên đến công ty cái Hương liền nói:
– Chị mang lên đi, sếp đang chờ đấy.
Tôi gật đầu mang sấp tài liệu đã chuẩn bị lên phòng giám đốc. Giám đốc Hưng còn rất trẻ, mới chỉ hai mươi chín tuổi đã làm giám đốc của một công ty hạng trung thế này. Tôi nghe cái Hương nói gia thế của giám đốc Hưng rất khủng, có mẹ giàu có, đây chỉ là công ty con trong chuỗi công ty của gia đình anh ta mà thôi. Thấy tôi anh ta liền nói:
– Hôm nay ngoài đối tác ở Bắc Giang còn có đối tác Quảng Ninh, việc này nằm ngoài kế hoạch nên cô cùng cái Hương đi với tôi để tiếp khách chứ không thì sợ nhân lực không đủ. Họp xong sẽ đi ăn cơm.
Tôi nghe giám đốc nói vậy thì đáp:
– Nhưng kế hoạch rót vốn tôi vẫn chưa làm xong, giám đốc yêu cầu hôm nay phải xong….
Còn chưa kịp nói Hưng đã ngắt lời:
– Cô không cần làm gấp nữa, mai tôi mới cần. Giờ cô đi xuống dưới làm giúp tôi cái văn để đi gửi, đối tác sắp đến rồi, họp xong tôi sẽ gọi cho cô.
Giám đốc đã nói như vậy tôi cũng không thể từ chối nữa liền trở về phòng làm việc để soạn văn đi gửi. Giám đốc yêu cầu rất cao, vậy nên văn bản mang đi gửi phải thật chỉn chu. Soạn xong cái văn mang đi gửi cũng đến gần mười giờ, trên phòng họp vẫn chưa họp xong, chưa thấy giám đốc gọi. Tôi tranh thủ mở máy ra làm kế hoạch rút vốn đến mười một giờ cái Hương cũng xuống nói:
– Chị An, chuẩn bị một chút rồi đi thôi. Cũng chẳng có ai đâu, đối tác Bắc Giang có ba người, đối tác Quảng Ninh cũng chỉ có hai người thôi.
Tôi đã quen với việc tiếp khách cùng giám đốc nên chuẩn bị sẵn vài viên giải rượu. Thực lòng nếu đây không phải mệnh lệnh thì có lẽ tôi cũng sẽ không đi bởi phải uống rượu thật sự rất mệt. Có điều mệt thì mệt vẫn phải chấp nhận, trong công việc cấp trên đã yêu cầu tôi không bao giờ từ chối.
Tôi với cái Hương đi cùng xe với giám đốc ra nhà hàng. Lúc này cũng thấy mấy người khách đang ngồi ở đó sẵn. Theo cái Hương nói thì có năm người, còn ở đây mới chỉ có bốn người. Thấy vậy tôi liền hỏi:
– Hương, chị tưởng có năm người mà.
Cái Hương vừa đi vừa đáp:
– Còn thiếu một người nữa chị ạ. Giám đốc công ty…
Nói nói đến đây thì ngừng lại bởi phải vội bắt tay khách. Tôi cũng nở nụ cười đưa bàn tay ra cúi đầu chào mấy lời xã giao. Đến khi ngồi xuống Hưng liền nói:
– Còn chị Hà Liên đâu nhỉ?
Một người trong bốn người đang ngồi đáp lại:
– Giám đốc đi rửa mặt một chút.
Tôi nghe đến đây bỗng hơi ngờ ngợ, Hưng lại cười nói:
– Giám đốc của anh còn trẻ thế mà đã có con rể rồi đấy nhỉ? Chắc mấy nữa mà lên chức bà ngoại, bảo sao cả năm nay bận rộn đi họp đi hành toàn để cho trợ lý đi.
Hà Liên? Tôi nhìn cái Hương, tim đập rất mạnh, hỏi lại:
– Đối tác ở Quảng Ninh là công ty nào thế Hương?
– Là công ty TNHH Hà Liên đó chị. À đây, giám đốc vào rồi.
Tôi xoay người lại nhìn, bỗng thấy như không thở nổi. Trước mặt tôi là bà Hà Liên bằng da bằng thịt, là mẹ ruột của tôi bằng da bằng thịt. Tôi tưởng như mình sắp khuỵ chân xuống, từ khi biết công ty Nhất Hưng liên kết với Hà Liên trong đầu tư xây dựng tôi đã quyết tâm xin vào công ty này dù việc nhiều như núi. Thế nhưng suốt hơn một năm nay chờ đợi mòn mỏi tôi cũng chưa từng gặp người tôi cần gặp. Đã bao nhiêu lần tôi thấy nản, đã bao nhiêu lần tôi nghĩ có thể tôi chẳng thể gặp lại mẹ nhưng giờ đây, gần ba năm xa cách tôi có thể nhìn thấy mẹ đứng trước mặt mình. Hai tay tôi rất run, giống như mình đang đi ăn trộm, mồ hôi tay túa ra như mưa. Tôi nhìn bà, suýt chút nữa đã không kìm nổi bật ra hai chữ Mẹ ơi. Nỗi khao khát nhớ mong này tôi đã chôn vùi suốt ba năm nay, suốt những tháng ngày khó khăn cơ cực của cuộc đời. Mẹ nhìn tôi, cũng kinh ngạc nhưng rồi nhanh chóng nở một nụ cười như coi thường nói:
– Nhân viên mới của Nhất Hưng à? Trước kia lên tôi chưa từng gặp.
Tôi nhìn thái độ của mẹ, không oán trách ngược lại rất đau lòng. Mắt tôi chợt ầng ậc nước phải cố mãi mới ngăn được lại. Hưng liếc tôi rồi đáp lại:
– Vâng, mọi người đều quen nhau cả rồi chỉ có An là chưa quen. Giới thiệu với An một chút đây là giám đốc Hà Liên của công ty TNHH Hà Liên, đây là trợ lý giám đốc anh Phúc, đây là…
Hưng giới thiệu một loạt nhưng tôi không để ý nổi. Anh ta lại quay sang tôi nói:
– Còn đây là cô Hà An, nhân viên hành chính văn thư mới của công ty. À cô An cũng là người Quảng Ninh đó, hai người nhận nhau là đồng hương đi thôi.
Tôi nghe nói vậy chỉ cười trừ trong lòng. Suốt buổi ăn cơm tôi gần như không nuốt nổi chỉ mong nhanh nhanh kết thúc sớm. Cũng may đa phần đều là phụ nữ nên không ép rượu nhau nhiều. Chỉ có mẹ tôi vẫn dùng ánh mắt không mấy thiện cảm dành cho tôi.
Ăn cơm xong mẹ không đi hát cùng mọi người mà xin về khách sạn nghỉ ngơi. Khi mẹ vừa lên xe đi khuất tôi cũng vội quay sang người trợ lý nói:
– Bà Hà Liên ở khách sạn nào vậy ạ? Ban nãy đi vệ sinh bà có quên ít đồ cá nhân, tôi mang đến cho bà không nhỡ có việc cần dùng mà tôi quên chưa đưa kịp.
Dù sao cũng là người của giám đốc Hưng, trợ lý của mẹ tôi lại đang cao hứng đi hát liền đáp:
– Vậy cô mang đến khách sạn Xxx phòng 102 giúp tôi nhé. Tiện mang luôn cả túi xách của giám đốc Liên về giúp tôi.
Tôi gật đầu vội vàng bắt một chiếc taxi đi theo sau. Khi đến khách sạn tôi không nghĩ ngợi gì chạy như bay đến phòng 102 vội vã gõ cửa. Tiếng gõ cửa truyền đến, xa xôi như cả một thế kỉ vọng lại. Tôi rất sợ, rất sợ mình không kịp, rất sợ mẹ sẽ gọi cho con Ngọc để lại chuyện hôm nay gặp tôi ở đây. Nếu như nó biết tất cả mọi kế hoạch của tôi cũng tan tành. Tôi đã lên kế hoạch suốt mấy năm nay, đã chờ đợi mẹ suốt hơn một năm nay. Tôi không thể để như bong bóng xà phòng tan đi. Tất cả mọi thứ tôi cố gắng đều vì ngày hôm nay, đều vì muốn gặp lại mẹ, đều vì muốn giành lại tất cả của mình. Tôi nuốt nước bọt run rẩy gõ thêm vài lần nữa. Bao nhiêu công ty tôi nhất quyết xin vào đây bởi ngày hôm nay, xin mẹ, xin mẹ mở cửa ra.
Dường như ông trời cũng nghe thấy lời tôi nói, từ bên trong cánh cửa cũng mở ra. Khi vừa nhìn thấy tôi mẹ hơi chau mày, vừa ngạc nhiên vừa khó chịu. Tôi mặc kệ, chỉ cần mẹ mở cửa là được, thế nhưng còn chưa kịp nói gì điện thoại của mẹ đã rung lên. Tôi nhìn lên màn hình hiện lên hai chữ “Con Yêu”. Lúc này tim tôi bỗng như ngừng lại, đột nhiên túm lấy tay mẹ gào lên:
– Đừng nghe.
Đừng nghe, nhất định mẹ đừng nghe. Thế nhưng mẹ tôi đã đẩy tôi ra tức giận nói:
– Cô bị điên à?
Tôi nhìn mẹ, điện thoại vẫn rung lên, lúc này nếu tôi nói tôi là con ruột mẹ chắc chắn mẹ cho tôi điên khùng còn đuổi tôi đi nên chỉ còn dùng ánh mắt khẩn khoản van xin:
– Đừng nghe, tôi có chuyện rất quan trọng muốn nói với bà, rất quan trọng, chuyện này liên quan đến chuyện bà bị cướp chồng, liên quan đến bà Hằng, liên quan cả tôi và con Ngọc, bà nghe tôi nói đi, nghe tôi nói rồi gọi cho con Ngọc sau chưa muộn.
Mẹ tôi hơi khựng lại, dường như có phần kinh ngạc, thế nhưng vẫn cầm điện thoại giơ lên cao như sợ tôi túm được, tay còn lại mẹ khẽ đưa lên màn hình, tôi không biết mẹ chạm vào nút đỏ hay nút xanh. Mẹ nhất định mẹ đừng nghe, nhất định mẹ phải nghe con nói trước đã. Suốt ba năm nay con đã chờ đến giây phút này, xin mẹ đừng nghe, chỉ cần con Ngọc biết con ở đây toàn bộ kế hoạch đều thất bại.
***
Lời tác giả: đầu tuần cháu đăng sớm một chút, mọi người đừng quên bình luận vài câu để cháu có động lực ra đều truyện nha