Nhất thi khẳng khái anh hùng lệ,

Bách chiến, quan hà cố quốc tâm.

(Câu đối ở đền thờ Đào Hiển-Hiệu, Quý-Minh, Phương-Dung).

Nghĩa là:

Một bài thơ khẳng khái, anh hùng rơi lệ.

Trăm trận đánh, lòng luôn nghĩ đến cố quốc.

Khai-quốc vương đãi tiệc anh em Phạm Hào xong. Hai vị thượng khách được mời đến cư ngụ trong điện Nghinh-tân, là nơi hoàng đế dành tiếp sứ thần ngoại quốc. Thời bấy giờ ngoài sứ nhà Tống còn có sứ của Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la thường vãng lai Thăng-long. Tất cả đều cư ngụ trong điện Nghinh-tân. Còn Thanh-Mai, Tự-Mai, Tôn Đản là anh em kết nghĩa với Lý Long, đều ở trong phủ Khai-quốc vương.

Vì phải tiếp xúc với võ lâm, anh hùng, nên Khai-Quốc vương mở phủ đệ ở trong Kinh-thành, chứ không ở trong Hoàng-thành như các thân vương khác. Sư huynh, sư muội gặp lại nhau, truyện trò như pháo rang.

Mỹ-Linh đã nếm qua hương vị tình yêu, nàng thông cảm với chú, biết chú với Thanh-Mai xa cách đã lâu, có nhiều truyện muốn nói với nhau. Nàng tìm cách đưa Tự-Mai, Tôn Đản rời vương phủ bằng cách sai người dem hai ông mãnh hay tò mò này đi viếng thăm kinh đô thời Âu-lạc ở Cổ-loa, cách xa Kinh-thành hai giờ sức ngựa.

Sau đó nàng nói với đầu bếp luộc đôi con gà trống lớn, xôi một chõ xôi. Nàng sắm sửa hoa quả, nến, hương rồi nói với Thiệu-Thái:

- Chúng ta vắng mặt một thời gian. Bây giờ em phải phải yết kiến phụ vương cùng các thúc, bá. Vậy anh với chị Bảo-Hòa nên đi với em. Còn ông bà, ngày mai chúng ta theo chú hai vào yết kiến một thể.

Nghe đến yết kiến Khai-Thiên vương, Thiệu-Thái ngần ngại vô cùng. Chàng biết ông cậu này không thích võ công, mà chỉ thích văn học. Ông với mạ mạ chàng thường xung đột nhau về nhiều vấn đề. Song ở phận cháu, hơn nữa tương lai còn là rể, chàng phải chiều lòng Mỹ-Linh. Khi chàng chuẩn bị lên đường, Đỗ Lệ-Thanh bàn:

- Thế tử! Thế tử đừng quên rằng trong phủ Khai-Thiên vương có gian nhân ẩn thân. Hắn đã hại vương phi bằng Chu-sa độc chưởng. Để thế tử với quận chúa đi một mình, tiểu tỳ không an tâm. Xin thế tử cho tiểu tỳ cùng theo đi.

Thiệu-Thái cảm động về sự tận tụy của Đỗ Lệ-Thanh. Chàng nói:

- Vậy thì phiền phu nhân quá.

Đỗ Lệ-Thanh bùi ngùi:

- Tiểu tỳ còn sống đến hôm nay, đều do chủ nhân.

Thời bấy giờ, chế độ vua chúa thịnh thời. Các nhà giầu đều có gia nhân. Gia nhân suốt đời phải phục vụ chủ. Giữa chủ với tớ cách nhau một khoảng rất xa về vị thế. Đỗ Lệ-Thanh giữ lời hứa, nguyện làm tôi tớ cho Thiệu-Thái. Nhưng một là tính tình Thiệu-Thái ôn tồn, chân thực, giản dị. Hai là chàng không giám coi Đỗ Lệ-Thanh như tôi tớ bình thường. Cho nên lời nói của chàng đối với bà luôn luôn trịnh trọng.

Ba người lấy xe ngựa ra đi. Từ phủ Khai-quốc vương tới phủ Khai-thiên vương khá xa. Khi qua thôn Thổ-quan, tới ngõ Ống lệnh, Mỹ-Linh chỉ vào ngôi đền phía trước:

- Anh Thái, kia có đền thờ các vị anh hùng thời Lĩnh-Nam mà anh rất khâm phục. Xôi, gà cùng hoa quả em sắm để chúng mình lễ các ngài.

Thiệu-Thái ngơ ngác:

- Ba vị này là ai? Anh hùng thời Lĩnh-Nam, vị nào mà anh không khâm phục?

Bảo-Hòa đưa mắt nhìn Mỹ-Linh cười:

- Mỹ-Linh đừng nói tên vội, cứ để cho anh Thiệu-Thái nghĩ ra được mới hay.

Xe từ từ ngừng trước ngôi đền. Đền tuy nhỏ, nhưng rất xinh đẹp. Trước cổng đền có đôi câu đối. Mỹ-Linh đọc:

Nhất thất trung trinh, thị muội, thị huynh, phái xuất Thanh-hóa tam trí dũng.

Ức niên miếu mạo, vi thần, vi tướng, lực phù Trưng chúa lưỡng anh thư.

Thiệu-Thái hỏi:

- Hai đôi câu đối này nghĩa là gì vậy?

Mỹ-Linh dịch:

- Đôi câu đối này có nghĩa: Một nhà trung trinh, này em, này anh, ba người đều xuất từ Thanh-hóa. Ức năm sau miếu vẫn thờ kính làm tướng làm thần, vì đã dốc lòng phò tá vua Trưng.

Thiệu-Thái vẫn chưa đoán ra đền này thờ ba vị anh hùng nào. Ba người xuống xe. Ông từ thấy có khách vội chạy ra đón vào. Ông nhìn hai thiếu nữ xinh đẹp đi với một thiếu niên, phía sau còn một thiếu phụ theo hầu. Tất cả đều đeo kiếm, thì biết đây là những người có lai lịch lớn. Ông kính cẩn cúi chào:

- Không biết nhị vị tiểu thư và công tử đi vãng cảnh hay lễ thần?

Mỹ-Linh đáp lễ, nói:

- Chúng tôi xin được vào lễ nhị vị quốc công cùng công chúa.

Đỗ Lệ-Thanh bưng mâm lễ cho ông từ. Ông nhìn lồng bàn, cùng mâm, bát, đĩa đựng lễ mà phát rùng mình.

Nguyên những vật dụng của Thuận-Thiên hoàng đế, cùng thân vương đều có vẽ biểu hiệu riêng. Những gì của hoàng đế đều vẽ hình rồng bay, để ghi lại khi ngài dời đô ra Đại-la có con rồng thăng thiên. Còn anh, em ngài cùng các con, mỗi người lấy một biểu hiệu riêng. Anh trai ngài, tước phong Vũ-Uy vương lấy biểu hiệu là con phụng. Em trai ngài, tước phong Dực-Thánh vương lấy biểu hiệu là con kỳ lân. Các vị thái tử con ngài, mỗi người cũng có biểu hiệu riêng biệt. Con đầu lòng tước phong Khai-Thiên vương lấy biểu hiệu là con ngựa trắng đang bay qua sông, vì vậy ông còn có tên Phật-mã. Bởi tích cũ, hồi còn là thái tử, đang đêm đức Phật cỡi Bạch-mã vượt sông, mở đầu cho cuộc đi tìm lẽ giải thoát. Khai-Quốc vương là con thứ, ông lấy biểu hiệu bông sen mầu hồng bên lá xanh. Đông-Chinh vương lấy biểu hiệu là con hổ. Cuối cùng, Vũ-Đức vương lấy biểu hiệu là con voi.

Dân chúng đều biết việc đó. Cho nên ông từ thấy từ mâm tới lồng bàn, bát, đĩa đều có hình bông sen. Ông biết khách tới lễ, ắt là người thuộc phủ Khai-Quốc vương.

Ông nghe nói, Khai-Quốc vương chưa có vương phi, thì hai thiếu nữ này không chừng là cháu của vương hoặc có thể là vương phi tương lai. Trong nhất thời, ông không biết phải xưng hô thế nào cho phải. Chợt ông để ý đến quần áo Bảo-Hòa hơi khác lạ, người nàng lại tiết ra mùi trầm. Ông hiểu ngay:

- Mình nghe nói Lĩnh-Nam bảo quốc,hòa dân công chúa hiện là vua Bà vùng Bắc-biên, sinh ra cô con gái là thiên tiên giáng phàm, người lúc nào cũng có hương thơm. Đúng là cô này đây. Hèn chi từ nãy đến giờ mình thấy có mùi hương thoang thoảng như trầm. Còn cậu con trai hơi giống cô, hẳn là anh ruột. Nhưng còn cô gái sắc nước hương trời này là ai? Mình thực may mắn, được gặp thiên tiên.

Mỹ-Linh chỉ vào đôi câu đối phía trước bàn thờ nói với Thiệu-Thái:

- Anh cứ đọc đôi câu đối này, ắt rõ các ngài là ai.

Thiệu-Thái đọc:

- Ứng đào mộng, há tiên cung, dị tích cổ kim tồn bí sử.

Phù Trưng vương, trừ Hán tặc, linh thanh Nam, Bắc lẫm sùng từ.

Chàng lắc đầu:

- Văn câu đối khó quá, anh hiểu không nổi.

Mỹ-Linh giảng giải:

- Vế trên nghĩa là : Ngày xưa trên thượng giới, Ngọc-Hoàng thượng đế chuẩn bị tiệc đãi chư tiên. Ngài sai hai tiên nam, một tiên nữ đi hái bàn đào. Không ngờ tới vườn đào, thấy cảnh trí đẹp quá. Ba vị tiên mải chơi, thành ra về trễ. Ngọc-Hoàng thượng đế truyền đầy cả ba xuống đất Cửu-chân. Nay là Thanh-Hoá. Ba vị tiên đó, sau làm tướng giúp vua Trưng. Khi ba vị giáng trần, thì song thân nằm mộng thấy được cho ba quả đào. Vì vậy câu trên nghĩa là: Ứng vào giấc mộng quả đào, từ tiên cung giáng hạ, tích lạ truyền trong sử sách thần bí. Vế dưới nói rằng: Giúp vua Trưng, trừ giặc Hán, tiếng thiêng khắp Nam, Bắc, đền miếu vẫn tôn nghiêm.

Thiệu-Thái tỉnh ngộ:

- Anh biết rồi. Đền thờ này của ba vị anh hùng. Ba vị là anh em ruột. Song anh không nhớ thần tích của ba ngài.

Mỹ-Linh thuật:

- Ba anh em đều họ Đào, con chú con bác với Bắc-bình vương Đào Kỳ. Anh cả tên Hiển-Hiệu được phong Đăng-châu quốc công. Anh thứ nhì tên Quý-Minh được phong Ký-hợp quốc công. Em gái tên Phương-Dung được phong Đăng-châu công chúa . Đầu tiên Đăng-châu quốc công lĩnh chức Hổ-nha đại tướng quân thống lĩnh đạo binh Tượng-quận đánh Thục, dưới quyền Bắc-bình vương Đào Kỳ. Ký-hợp quốc công làm phó tướng. Sau khi chiếm Thành-đô, anh hùng Lĩnh-nam phản Hán, khởi nghĩa. Ngài đem quân chiếm lại Tượng-quận trong vòng ba ngày, không tốn một mũi tên, một giọt máu.

Nghe thuật về anh hùng muôn nghìn năm cũ, tự nhiên Thiệu-Thái rơm rớm nước mắt vì cảm động.

Bảo-Hòa hỏi:

- Chị nghe nói, Đăng-châu quốc công là người đa tình bậc nhất thời Lĩnh-nam. Có đúng thế không?

- Đúng đấy. Trước khi ngài đem quân tùng chinh Trung-nguyên, đã được bố mẹ cưới vợ cho. Phu nhân là sư muội đồng môn với ngài. Phu nhân họ Đinh húy Hồng-Thanh, có sắc đẹp huyền ảo, như có như không. Vừa cưới nhau được ba ngày, quốc-công phải lên đường. Trước khi lên đường ngài làm bài thơ dã biệt bằng tiếng Việt. Song nay không còn, mà chỉ còn bài thơ đã dịch sang Hán văn. Trong đó có hai câu rất thấm thía:

Nhất thi khảng khái anh hùng lệ,

Bách chiến quan hà cố quốc tâm.

Nghĩa là: một bài thơ khẳng khái,anh hùng rơi giọt lệ. Trăm trận đánh quan hà, lòng vẫn giữ trung thành với cố quốc, chứ không phải tùng chinh Trung-nguyên mà quên đất nước. Thế rồi trong khi Quốc-công đánh chiếm Tượng-quận, ở nhà phu nhân cũng dự trận đánh Luy-lâu. Phu nhân bị tử thương, đúng lúc Quốc-công vừa về tới, để chỉ còn ôm xác mà khóc. Từ đấy về sau quốc-công không cưới bất cứ người con gái nào. Ngày ngày ra thăm mộ phu nhân, nói chuyện với phu nhân như hồi còn sống.

Thiệu-Thái bùi ngùi:

- Anh đọc sử thấy nói công chúa Đăng-châu đánh trận Long-biên, Luy-lâu, hồ Động-đình, Hằng-sơn. Cuối cùng đánh Lưu Long ở Thiên-trường, rồi không rõ sau ra sao.

Mỹ-Linh gật đầu:

- Đúng vậy. Sau khi Bắc-bình vương cùng vương phi quyết chí phá vòng vây Long-biên tử chiến. Ba ngài có tham dự, rồi về chỗ này tổ chức kháng chiến. Vào trận đánh cuối cùng, Mã Viện đem quân vây, ba ngài ẩn vào rừng lau sậy, ẩn náu. Sau không rõ ra sao. Đây chính là nơi đồn trú quân của ba ngài.

Ba người vào đền, quỳ xuống lễ. Bảo-Hòa hỏi ông từ:

- Ông từ ơi. Tiền thập phương cúng có đủ nhang khói không?

Ông từ cúi rạp người xuống:

- Tấu lạy cô, vì các ngài linh thiêng. Ai cầu gì cũng được, vì vậy thập phương cúng nhiều lắm ạ.

Mỹ-Linh nghe ông từ nói, nàng ngẩn người ra, không hiểu sao ông nhận được Bảo-Hòa? Nàng đưa ra nén vàng:

- Ông giữ lấy để đèn nhang.

Ông từ cúi đầu cầm vàng. Thường thì thời bấy giờ, khách tới lễ thần. Ông từ giữ lại phân nửa lễ vật. Song trường hợp này ông không biết đối xử ra sao. Trả lại hết hay không trả. Vì thường các thân vương đến lễ đền xong, bao giờ cũng để lại hết lễ vật. Nhưng có một lần người trong phủ Vũ-Đức vương đến lễ lại mang về hết. Mỹ-Linh hiểu ý, nàng nói:

- Bát, đĩa, mâm ông cho tôi xin lại. Còn lộc, ông cứ giữ hết, mai cho người khó.

Ba anh em lại lên xe ngựa hướng phủ Khai-Thiên vương. Gần tới phủ, lòng Mỹ-Linh nao nao những cảm tình khác lạ. Lát nữa đây, nàng gặp lại phụ vương, sau gần một năm xa cách. Nàng sẽ gặp lại em trai, gặp lại các em gái. Nhưng nghĩ đến phải cúi đầu lạy mấy bà phi của phụ vương, nàng thấy buồn lòng.

Trước đây vương mẫu của nàng sinh được bốn người con. Nàng là gái đầu lòng. Kế đến hai em gái tên Kim-Thành, và Trường-Ninh. Cuối cùng tới người em trai tên Nhật-Tôn. Khi Nhật-Tôn được ba tuổi thì xẩy ra thảm trạng khiến vương mẫu nàng qua đời. Trước kia phụ vương cực kỳ sủng ái vương mẫu, bà lại là chính phi. Chị em nàng cũng được phụ vương yêu thương. Sau khi vương mẫu qua đời, con các bà phi khác được sủng ái hơn. Vì vậy nàng phải đi ở với Khai-Quốc vương.

Khi nàng rời Thăng-long về Trường-yên, phụ vương có ba bà phi họ Mai, họ Vương, họ Đinh. Chưa bà nào được phong làm chính phi. Ngôi chính phi vẫn còn bỏ trống. Thành ra trong ba bà, đang diễn ra mối tương tranh để ngồi vào vị thế của vương mẫu nàng.

Hồi mới lên ngôi vua, mối ưu tư đầu tiên của vua Lý Thái-tổ là chú ý đến việc tuyển chọn người kế vị. Gương vua Đinh bỏ trưởng lập thứ, đưa đến Đinh Liễn giết em vẫn còn đó. Lại nữa khi vua Lê băng hà. Các con tranh quyền, đưa đến chém giết nhau khủng khiếp. Vì vậy ngài mới quyết định rằng tất cả các con trai đều được phong thái tử, không chỉ định người kế vị. Như vậy các thái tử luôn luôn phải tỏ ra có đức độ, cũng như tài ba, để hy vọng được truyền ngôi.

Nhà vua có ba bà hoàng hậu là Tá-Quốc sinh ra công chúa An-quốc gả cho Đào Cam-Mộc, kế đến công chúa thứ nhì được phong Lĩnh-Nam bảo quốc hòa dân công chúa. Thứ ba đến Đức-Chính, hiệu Phật-Mã, tước phong Khai-Thiên vương, sinh ra Mỹ-Linh.

Hoàng hậu Lập-Nguyên sinh Long-Bồ tước phong Khai-Quốc vương cùng bốn công chúa. Hoàng hậu Lập-Giáo sinh hai con trai, được phong Đông-Chinh vương và Vũ-Đức vương. Sau này, thu dụng thêm một mỹ nhân sắc phong Tây-cung quý phi họ Đàm. Bà là con của một đại thần tên Đàm Can, hiện giữ chức đô nguyên soái, tổng trấn Thăng-long. Quý phi còn là chị của Đàm Toái-Trạng, cùng Đàm An-Hòa, sinh ra một trai nữa. Vị hoàng tử này không được phong vương, vì ông ngoại với cậu phạm tội đại nghịch, sẽ nói sau.

Tổng cộng vua Lý Thái-tổ có mười ba con gái, đều được phong công chúa. Riêng trường hợp Mỹ-Linh, nàng là con gái Khai-thiên vương, chỉ được phong quận chúa như những cô em nàng cùng các cô con chú. Năm trước đây, vương mẫu nàng qua đời trong một cuộc mưu sát của kẻ vô danh. Thuận-Thiên hoàng đế biết cái chết đó, anh em người thiếp yêu của ngài là Đàm qúi phi có liên hệ.

Khai-Quốc vương xin thụ lý. Ngài truyền xếp nội vụ lại. Để an ủi Khai-thiên vương, ngài đặc cách phong cho Mỹ-Linh làm công chúa, như vậy ngụ ý ngài ngầm hứa sẽ truyền ngôi vua cho vương. Cho nên vương đặc biệt sủng ái nàng. Ba bà thiếp càng tranh dành nhau quyết liệt. Nếu được làm vương phi, thì sau này đương nhiên thành hoàng hậu. Bà nào là hoàng hậu thì con trai sẽ trở thành vua.

Vì vậy ba bà đều tìm cách ngầm hại nhau, cùng tìm cách dèm pha chị em Mỹ-Linh. Trời sinh Mỹ-Linh có sắc đẹp huyền ảo. Nội trong cung vua, không ai sánh kịp. Đó là một lý do, khiến các bà càng ganh ghét nàng.

Khai-Quốc vương thấy vậy, đề nghị với anh, giao Mỹ-Linh cho vương nuôi. Khác với anh, dạy con rất nghiêm. Bố con ít khi nói truyện thân mật. Khai-Quốc vương đối xử với các cháu bằng tình cảm chân thực. Khi cần dạy dỗ, vương rất nghiêm khắc. Còn ngoài ra, chú cháu thân thiết đằm thắm. Bất cứ đi đâu vương cũng mang Mỹ-Linh theo. Vương muốn Mỹ-Linh sẽ có võ công cao như công chúa An-Quốc. Có tài kinh bang, tế thế như công chúa Bảo-Hòa, đang làm vua Bắc-biên.

Xe tới cổng vương phủ. Lính canh thấy Mỹ-Linh, vội hành lễ. Xe chạy thẳng đến chính đường. Mỹ-Linh xuống xe. Một tỳ nữ trông thấy nàng, mừng mừng tủi tủi hỏi:

- Công chúa đã về đấy à? Nhà đang có sự.

Mỹ-Linh hỏi:

- Việc gì vậy?

Tỳ nữ nói:

- Quận chúa Kim-Thành, Trường-Ninh cùng quận chúa Hồng-Phúc gây với nhau. Đinh phi ngày nào cũng kiếm truyện với thế tử Nhật-Tôn. Vương gia nổi giận lôi đình.

Hồng-Phúc là em gái, bằng tuổi nàng, con vương phi họ Đinh. Vương phi họ Đinh con tiết-độ sứ Đinh Ngô-Thương, đang trấn thủ Thanh-hóa. Hồng-Phúc thường ỷ thế mẹ, gây gổ với chị em nàng luôn.

Mỹ-Linh hỏi sẽ:

- Phụ vương hiện ở đâu?

- Vương gia cùng ba vương phi đều đang ở phòng luyện võ. Mời công chúa đến đấy ra mắt vương gia.

Mỹ-Linh cùng anh em Bảo-Hòa đẩy cửa bước vào. Giữa võ đường, Khai-Thiên vương ngồi trên chiếc ghế lớn. Cạnh ông, ba bà phi trong quần áo mầu sặc sỡ. Phía sau, một số võ sĩ ngồi khoanh tay. Giữa phòng, Kim-Thành đang đấu với Hồng-Phúc. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Bảo-Hòa tiến tới trước mặt Khai-Quốc vương qùi gối hành đại lễ, chúc phúc.

Khai-Thiên vương xa con gái gần năm. Bây giờ gặp lại, thấy nàng lớn hẳn lên, nhan sắc càng diễm lệ. Ông truyền:

- Con đứng dậy đi.

Ông thấy anh em Thiệu-Thái, Bảo-Hòa gật đầu:

- Hôm trước bố mẹ cháu nhân sự ở trấn Thanh-hóa, về qua đây có nói hai cháu cùng Mỹ-Linh lĩnh trọng trách chưa về được. Ta tưởng mấy hôm các cháu về. Không ngờ nay gần năm mới xong. Thôi các cháu đứng dậy đi.

Vương quát lớn:

- Ngừng tay!

Kim-Thành, Hồng-Phúc cùng ngừng đấu, bái tổ rồi đứng hai bên chắp tay chờ lệnh. Khai-Thiên vương hướng vào vị võ sư phụ trách huấn luyện:

- Xin giáo đầu tiếp tục luyện võ cho các con ta cùng vệ sĩ. Lát nữa ta trở lại.

Ông vẫy tay cho Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái theo ông ra ngoài. Khác hẳn với em là Khai-Quốc vương, đằm thắm, giản dị, tính tình nồng hậu, mau mắn. Khai-Thiên vương nghiêm cẩn, ít nói, không bao giờ ông đùa. Ông giận hờn, hay vui vẻ ít hiện ra nét mặt. Con gái yêu là Mỹ-Linh, xa cách hơn năm, thế mà nay bố con trùng phùng, ông chỉ hỏi thăm có một câu, rồi vẫy nàng theo.

Đi theo Khai-thiên vương, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái cùng có cảm nghĩ như nhau. Nếu là Khai-quốc vương, ông đã gọi các cháu lại ngồi cạnh, rồi hỏi han mọi sự diễn ra trong khi xa cách. Đây Khai-thiên vương lạnh lùng đến phát ớn.

Tới căn nhà lớn, nơi đặt thư phòng, vương truyền cho võ sĩ canh gác phía ngoài, tuyệt đối không cho ai nghe trộm, dù người đó là vợ con ông. Ông truyền Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Bảo-Hòa ngồi, rồi ông hỏi:

- Hồi đầu xuân, phụ hoàng ban chiếu chỉ phong con làm công chúa Bình-dương, con có rõ tại sao không?

Mỹ-Linh biết việc nàng được phong công chúa, nâng địa vị lên ngang với phụ vương và các chú, các cô hẳn đã gây ra nhiều bất lợi cho phụ vương nàng. Cho nên gương mặt vương kém vui, đăm chiêu. Nàng đã biết rõ tại sao được ông nội sủng ái đặc biệt như vậy rồi. Nhưng muốn biết kết quả không hay về vụ này đã có những gì diễn ra khi nàng vắng nhà. Nàng hỏi ngược lại:

- Thưa phụ vương, thần nhi vắng nhà đã lâu. Ở ngòai, thần nhi chỉ biết tuân chỉ dụ của cô mẫu, thúc phụ. Không biết thần nhi đã làm gì để phụ vương buồn lòng.

Khai-Thiên vương lắc đầu:

- Con không làm gì cho ta buồn. Có điều những việc con làm ở ngòai thành công quá, Khu-mật-viện tâu lên, khiến ta là mũi dùi của mọi sự tranh dành. Ta biết, khi con rời ta, coi như võ chỉ biết mấy thức nội công Tiêu-sơn tập cho khoẻ mạnh. Văn thực đáng khen tài. Nhưng con vốn ngây thơ, kinh nghiệm một chút không có, làm sao hành sự lại mẫn tiệp như Khu-mật-viện tâu về? Ta, ta không còn lạ gì Khai-quốc vương. Vương muốn đi tu, không muốn làm vua. Vương xin con để làm con nuôi. Vì yêu con quá, mà bao nhiêu việc làm của vương. Vương đều bảo do con làm.

Ông thở dài:

- Phụ hoàng ta tuổi hạc đã cao. Anh em chúng ta đến tuổi trên ba mươi cả. Người nào cũng có tài kinh bang, tế thế, có tài cầm quân, công lao với xã tắc đã dày. Bỗng dưng vương mẫu con qua đời một cách đau đớn khôn tả. Vụ này có liên quan tới Đàm Toái-Trạng và Đàm quí phi. Khắp triều đình không ai biết cả. Chỉ duy ta với Khai-quốc vương biết.

Vương nhìn lên nóc nhà:

- Vương xin phụ hoàng để cho Khu-mật viện thụ lý. Phụ hoàng đã nói thực như sau: tuổi trời ta đã cao. Ba vị hòang hậu đều có đức, song không biết hầu hạ ta. Duy Đàm quí phi hầu ta, làm cho ta vui lòng. Ta làm vua, giầu có ức vạn, chăm lo hạnh phúc cho toàn dân. Ta chỉ mong được yên hưởng thanh phúc với quí phi. Vậy con đừng làm ta phải buồn. Do thế Khai-quốc vương đành im lặng. Phụ hoàng an ủi ta bằng cách phong cho con làm công chúa Bình-dương, cử làm đại diện người tế mộ Lệ-hải bà vương. Các em ta, cũng như quần thần đều cho rằng cử chỉ đó của phụ vương ngụ ý chỉ định ta làm người thừa kế. Vì vậy có biết bao miệng thế dèm pha ta. Các em kèn cựa ta.

Bảo-Hòa đã từng cầm quyền, thông thạo quan trường hơn Mỹ-Linh nhiều, nàng thương hại ông cậu. Nàng an ủi:

- Khi lên đường đuổi theo bọn Địch Thanh đến trấn Thanh-hóa, mạ mạ cháu cũng nói cho cháu biết cậu đang bị nhiều người kèn cựa. Thưa cậu, còn những việc chúng cháu với Mỹ-Linh làm là sự thực, chứ không phải do cậu hai thương chúng cháu, rồi nói tốt đâu.

Mỹ-Linh tiếp lời Bảo-Hòa:

- Con nghĩ trong trường danh lợi, đầu dễ bạc. Phụ vương chẳng nên lao tâm khổ tứ tranh dành ngôi trừ quân làm gì. Cứ thản đãng sống ngoài vòng cương tỏa như sư phụ con có phải sung sướng không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện