Khúc cô cười nhăn nhở, nói:

- Ác nữ nhân, sau lưng, đánh Khúc cô. Khúc cô lật ngược tay, đánh nó.

Lật ngược tay ra đòn là một trong ba chiêu chưởng pháp mà Hoàng Dược Sư truyền thụ cho Khúc cô. Lý Mạc Sầu tuy đánh lén đắc thủ, nhưng cũng bị Khúc cô lật ngược tay đánh một chưởng trúng cánh tay, suýt nữa thì gãy xương, vừa sợ vừa đau liền bỏ chạy, không dám tiếp tục tiến chiêu lấy mạng Khúc cô.

Ba người cứu Khúc cô về rồi, ngồi nhìn nhau buồn bã, họ thiếu mất một hảo thủ, ngày mai càng khó cự địch hơn. Khúc cô bị trọng thương, nếu đưa Khúc cô đi trốn, ắt Lý Mạc Sầu sẽ đuổi kịp. Dương Quá nhìn Trình Anh, lại nhìn Lục Vô Song, thuận tay cầm cái kéo cắt đứt một sợi chỉ khâu thành nhiều đoạn. Khúc cô đang nằm trên giường đột nhiên kêu to:

- Mang kéo, cắt phăng cái chổi của ác nữ nhân! Cắt phăng cái chổi!

Khúc cô không biết cây phất trần, lại gọi là cái chổi. Dương Quá chợt nghĩ ra: "Cây phất trần của Lý Mạc Sầu là vật rất mềm, mụ ta lại sử dụng xuất thần nhập hóa, mình dùng bảo đao lợi kiếm cũng không đả thương nổi mụ ta, nếu có một chiếc kéo lớn cắt phăng cây phất trần, thì xong". Nghĩ đến đây, tay trái cầm sợi chỉ đánh ra theo lối cây phất trần, tay phải cầm kéo thì đưa ra cắt, hình dung thế đánh của cây phất trần và đòn cắt của chiếc kéo, sáng tạo ra chiêu thuật.

Trình Anh và Lục Vô Song nhìn nhìn một hồi, hiểu ý, đều vui mừng ra mặt. Trình Anh nói:

- Đi về hướng bắc, cách đây bảy tám dặm, có một cái lò rèn...

Lục Vô Song nói xen vào:

- Chúng ta đến đó thuê thợ rèn rèn cho một chiếc kéo lớn.

Dương Quá nghĩ thầm: "Thời gian cấp bách, khó lòng rèn xong một thứ binh khí. Khi tiếp chiến ta phải tùy cơ ứng biến, như thế dễ hơn hẳn trăm lần việc luyện "Ngọc tiêu kiếm pháp" nhưng hiện tại chưa có cách gì khác, thì cứ thử xem sao". Nghĩ nếu một mình chàng đi tìm lò rèn, Lý Mạc Sầu đến đây thì vô cùng nguy hiểm cho ba người ở lại, từ lúc này bốn người không được xa nhau nửa bước. Thế là Trình Anh và Lục Vô Song lót chăn lên lưng ngựa, dìu Khúc cô ra nằm vắt ngang trên đó, cùng đi tìm lò rèn.

Mông Cổ sau khi diệt nước Kim, quân thiết kỵ tiến vào biên cảnh nhà Tống, vùng này là biên thùy phía bắc của cương giới Đại Tống, nhiều thành trấn bị quân Mông Cổ chiếm đóng, cảnh tàn phá bày rõ nơi nơi. Lò rèn là một cái quán rất sơ sài, bước vào thấy chính giữa kê một cái đe lớn, than và sắt vụn vung vãi khắp quán, trên vách treo mấy cái lưỡi cày, lưỡi liềm, trong quán không thấy ai.

Dương Quá nhìn cảnh tượng này, nghĩ thầm: "Lò rèn thế này thì rèn được loại binh khí gì kia chứ? Nhưng đã cất công đến đây, cũng hỏi thử xem sao", bèn lớn tiếng gọi:

- Ông chủ có nhà không đấy?

Một lát từ gian trong có một lão nhân bước ra, râu tóc muối tiêu, trạc năm mươi tuổi, chắc là nhiều năm cúi mình quai búa nên lưng bị còng, hai mắt bị khói hun nên vừa đỏ vừa hấp háy, khóe mắt có dử, chân trái tàn phế, một cây quải trượng treo ở hõm vai. Lão nhân bước ra, nói:

- Quý vị có gì sai bảo?

Dương Quá đang định nói, bỗng nghe có tiếng vó ngựa, hai người cưỡi ngựa phi đến trước quán, là một gã thập trưởng quân Mông Cổ và một gã người Hán, không biết là thông dịch hay địa bảo. Gã người Hán gọi to:

- Lão thợ rèn họ Phùng, mau ra nghe hiệu lệnh.

Lão nhân bước ra hành lễ, nói:

- Thưa có tiểu nhân đây ạ.

Gã người Hán nói:

- Trưởng quân có lệnh, thợ rèn toàn trấn, hạn trong ba ngày phải tề tựu ở huyện thành, gắng sức làm việc trong quân. Ngày mai lão phải có mặt tại huyện thành, nghe rõ chưa hả?

Lão nhân nói:

- Tiểu nhân tuổi đã già yếu...

Gã thập trưởng quân Mông Cổ vung roi ngựa quất vun vút mấy cái, xì xồ gì đó. Gã người Hán nói:

- Ngày mai lão không đến, người ta sẽ lấy đầu lão đặt sang chỗ khác đó.

Nói rồi hai gã phóng ngựa đi.

Phùng lão nhân thở dài, đứng ngây người. Trình Anh thấy lão già cả đáng thương, bèn lấy ra mười lạng bạc đặt lên bàn, nói:

- Phùng sư phó, sư phó đã nhiều tuổi, huống hồ đi lại không tiện, bị sung quân thì sống sao nổi? Sư phó hãy cầm chút bạc này mà trốn đi thì hơn!

Phùng lão nhân thở dài:

- Đa tạ cô nương hảo tâm, lão phu sống đến tuổi này, có chết cũng đáng rồi, chỉ buồn vì muôn vạn sinh linh Giang Nam lại gặp đại kiếp nạn mà thôi.

Ba người đều kinh ngạc, hỏi:

- Vì sao vậy?

Phùng lão nhân nói:

- Bọn Mông Cổ trưng tập thợ rèn, tức là để rèn binh khí. Quân Mông Cổ vốn đủ binh khí rồi, nay lại huy động hết thảy thợ rèn, có phải chúng sắp tiến đánh giang sơn Đại Tống hay không?

Ba người nghe Phùng lão nhân nói rất có lý, định hỏi thêm, thì lão đã hỏi trước:

- Ba vị muốn rèn cái gì nào?

Dương Quá nói:

- Phùng sư phó đang có việc, lẽ ra không dám làm phiền, ngặt nỗi quá cần, đành phiền lão nhân.

Rồi chàng miêu tả kiểu dáng, kích thước cái kéo lớn, vật này rất lạ, nào ngờ Phùng lão nhân nghe xong, gật gật đầu, kéo chiếc bễ ra thổi lửa, đặt hai thanh sắt vào lửa nung cho nóng đỏ. Dương Quá hỏi:

- Không biết tối nay có rèn xong được chăng?

Phùng lão nhân nói:

- Lão phu ráng sức thì xong.

Nói rồi kéo mạnh cái bễ quạt gió.

Khúc cô ngồi gục bên bàn, bọn Dương Quá ba người quê đều ở Giang Nam, tuy rời quê hương từ nhỏ, nhưng nghe quê hương sắp gặp kiếp nạn, đều không khỏi lo lắng. Cả ba nhìn ngọn lửa, nghĩ thầm giữa thời buổi loạn lạc này, mạng người chỉ như con sâu cái kiến, chốn nào cũng khổ sở khốn cùng, mình ngày mai có nạn, nhưng sự lo sợ cũng giảm đi vài phần.

Một canh giờ sau, hai thanh sắt đã đỏ lừ, Phùng lão nhân tay trái dùng kìm kẹp thanh sắt đặt lên đe, tay phải quai cây búa lớn, tuy lão đã già, nhưng động tác quai búa dường như không hề tốn sức, đập cây búa một hồi, hai vòng khuyên của chiếc kéo lớn đã dần dần thành hình. Lục Vô Song vui mừng nói:

- Dương huynh, hôm nay chắc làm kịp đó.

Bỗng nghe phía sau có tiếng nói lạnh lùng:

- Rèn chiếc kéo này để cắt cây phất trần của ta chứ gì?

Ba người giật mình, ngoảnh lại, thấy Lý Mạc Sầu rung rung nhẹ cây phất trần, đứng chắn ngay giữa cửa.

Thế là binh khí chưa rèn xong, cường địch đã tới. Trình Anh và Lục Vô Song cùng rút trường kiếm, Dương Quá nhắm sẵn một thanh sắt cạnh bễ lò rèn, chỉ cần thấy đối phương xuất thủ, chàng sẽ lập tức chộp lấy làm binh khí.

Lý Mạc Sầu cười khẩy, nói:

- Mấy đứa nhãi ranh các ngươi đòi rèn chiếc kéo này để cắt cây phất trần của ta. Được, ta sẽ ngồi đây, chờ rèn xong chiếc kéo, động thủ cũng chưa muộn.

Nói đoạn Lý Mạc Sầu kéo một chiếc ghế, ngồi xuống, không coi ba người ra gì cả.

Dương Quá nói:

- Thế thì còn gì bằng. Ta đã nhìn kỹ cây phất trần của mụ rồi, nhất định sẽ bị chiếc kéo của ta cắt đứt.

Lý Mạc Sầu thấy gục đầu xuống bàn, lưng gồ lên, nghĩ thầm: "Mụ kia trúng một chưởng của ta, sao lại còn ngồi được, lạ nhỉ?". Bèn lạnh lùng hỏi:

- Hoàng Dược Sư đâu rồi?

Phùng lão nhân nghe ba tiếng "Hoàng Dược Sư" thì rùng mình một cái, ngẩng nhìn Lý Mạc Sầu, rồi lại cúi đầu quai búa. Trình Anh nói:

- Đạo cô thừa biết sư phụ của ta không có ở đây, còn hỏi làm gì? Đạo cô biết lão nhân gia chưa đi, gan có to bằng trời cũng chẳng dám đến.

Lý Mạc Sầu hừ một tiếng, lấy trong túi ra một tờ giấy, nói:

- Hoàng Dược Sư khinh đời mạo danh, toàn dựa vào việc thu nhận nhiều đồ đệ, cậy đông mà thắng. Hừ, trong đám đệ tử của lão, có tên nào làm nên trò trống gì đâu.

Nói xong tay trái vung tờ giấy ra, cánh tay hơi động, một cái ngân châm bay ra theo, đính tờ giấy vào cây cột nói:

- Để đây làm chứng, khi nào Hoàng lão tà trở về, sẽ biết hai đệ tử quý hóa của lão bị ai giết.

Rồi mụ ta quay sang quát giục Phùng lão nhân:

- Rèn mau lên, ta không ưa chờ lâu.

Phùng lão nhân đưa cặp mắt kèm nhèm nhìn tờ giấy đính trên cột, thấy mười sáu chữ "Đào Hoa đảo chủ, đệ tử quá đông, lấy năm đánh một, giang hồ chê cười". Rồi ngước lên mái nhà, ngẫm nghĩ. Lý Mạc Sầu quát:

- Còn không làm nhanh tay ư?

Phùng lão nhân cúi đầu, nói:

- Vâng, làm nhanh, làm nhanh.

Tay trái giơ cây kìm gắp tờ giấy cho luôn vào ngọn lửa, tờ giấy tức thời cháy thành tro. Tất cả rất đỗi kinh ngạc, Lý Mạc Sầu cả giận, giơ cây phất trần định đánh xuống đầu Phùng lão nhân, nhưng lại nghĩ thầm: "Một lão thợ rèn ở cái tiểu trấn này mà cũng to gan như thế, có lẽ lão ta không phải là nhân vật tầm thường?". Nàng ta đã nhổm lên, song lại thong thả ngồi xuống, hỏi:

- Các hạ là ai?

Phùng lão nhân nói:

- Đạo cô không nhìn thấy ư? Lão phu là thợ rèn.

Lý Mạc Sầu hỏi:

- Căn cớ gì các hạ đốt tờ giấy của ta?

Phùng lão nhân nói:

- Tờ giấy viết sai, tốt nhất là đừng đính ở quán của lão phu.

Lý Mạc Sầu gằn giọng, hỏi:

- Sai ở chỗ nào?

Phùng lão nhân nói:

- Đào Hoa đảo chủ có tài thông thiên thấu địa, đệ tử của người chỉ cần học thạo một nghề của người cũng đủ để tung hoành thiên hạ rồi. Đại đệ tử của người là Trần Huyền Phong xương sắt da đồng, đao thương bất nhập, đạo cô từng nghe danh chứ?

Phùng lão nhân vừa nói, vừa quai búa rèn sắt, tiếng búa đập xuống đe tăng thanh thế cho lời nói. Phùng lão nhân vừa nhắc đến Trần Huyền Phong, Lý Mạc Sầu kinh ngạc đã đành, bọn Dương Quá càng không thể ngờ một lão thợ rèn ở chốn khỉ ho cò gáy mà cũng rành rẽ nhân vật giang hồ.

Lý Mạc Sầu nói:

- Hừ, Đồng Thi Trần Huyền Phong, nghe đâu đã bị một đứa bé đâm chết, có quái gì là lợi hại? Nói đao thương bất nhập là nói khoác một tấc đến trời!

Phùng lão nhân nói:

- Hừm. Đệ tử thứ hai của Hoàng đảo chủ là Mai Siêu Phong, di chuyển như gió, xuất thủ nhanh như chớp.

Lý Mạc Sầu cười giễu, nói:

- Phải rồi, nữ đệ tử ấy xuất thủ quá nhanh, nên mới bị Giang Nam thất quái đánh mù mắt và bị Tây Độc Âu Dương Phong đánh vỡ tim phổi.

Phùng lão nhân ngẩn ra một hồi, buồn bã nói:

- Có chuyện như thế ư? Sao lão phu không biết. Đệ tử thứ ba của Hoàng đảo chủ là Khúc Linh Phong, khinh công thần diệu, phách không chưởng lợi hại tuyệt luân.

Lý Mạc Sầu nói:

- Giang hồ đồn rằng kẻ lẻn vào hoàng cung ăn cắp báu vật, bị Ngự tiền thị vệ đánh chết, chính là Khúc Linh Phong, phách không chưởng lợi hại tuyệt luân. Chưởng chưởng đánh ra, chưởng chưởng lạc không, ấy chính là phách không chưởng của Hoàng đảo chủ.

Phùng lão nhân cúi đầu, xèo xèo hai tiếng, hai giọt nước mắt rơi xuống tấm phôi sắt nóng đỏ, hóa thành hơi nước. Lục Vô Song ngồi bên cạnh, nhìn rõ mồn một hai giọt nước mắt từ mắt Phùng lão nhân rơi xuống, rất đỗi kinh ngạc. Chỉ thấy Phùng lão nhân giơ búa cao hơn, giáng xuống đe mạnh hơn.

Lát sau, Phùng lão nhân lại nói:

- Trong bốn đại đệ tử Trần, Mai, Khúc, Lục của Hoàng đảo chủ, thì Lục Thừa Phong không những võ công tinh thâm, lại giỏi thuật Kỳ môn độn giáp, đạo cô mà gặp vị đó, thì sẽ biết thế nào là lợi hại.

Lý Mạc Sầu cười khẩy:

- Kỳ môn độn giáp thì có tác dụng gì kia chứ? Y dựng tòa Quy vân trang ở Thái Hồ, hảo hán giang hồ khen là vô cùng huyền diệu, nhưng vẫn bị người ta thiêu thành tro bụi, từ đó y biến mất tăm, quá nửa là đã bỏ xác trong đám cháy rồi.

Phùng lão nhân ngẩng đầu lên, gằn giọng:

- Đạo cô hồ thuyết bát đạo. Các đệ tử thứ ba của Hoàng đảo chủ người người võ nghệ tinh thông, không lẽ đã bị giết hại hết cả rồi sao? Đạo cô khinh ta là dân quê không biết thế sự chắc?

Lý Mạc Sầu cười khẩy, nói:

- Lão cứ hỏi ba đứa nhãi ranh này thì biết.

Phùng lão nhân nhìn Trình Anh, ánh mắt dò hỏi. Trình Anh đứng dậy, buồn bã nói:

- Sư môn của vãn bối bất hạnh, nhân tài điêu linh. Vãn bối nhập môn chưa lâu, công phu non kém, không thể tranh tài cho sư phụ, thật là hổ thẹn. Lão nhân gia có quen biết gia sư chăng?

Phùng lão nhân không đáp, nhìn nàng từ đầu xuống chân, vẻ nghi ngờ, hỏi:

- Về già sức khỏe của Hoàng đảo chủ thế nào?

Trình Anh nhìn cái chân trái bị tàn phế của Phùng lão nhân, thấy ái ngại, nói:

- Gia sư về già cô đơn, có sai vãn bối đi theo hầu cận. Vãn bối tuổi nhỏ, võ công non nớt, thực không dám nói là đệ tử của Hoàng đảo chủ, hơn nữa vãn bối cũng chưa có duyên được đặt chân lên Đào Hoa đảo.

Nàng nói như thế cũng tức là đã thừa nhận mình là đệ tử của Hoàng đảo chủ.

Phùng lão nhân gật gật đầu, ánh mắt nhu hòa, thân tình, lại cúi đầu rèn kéo, tựa hồ đang suy tính điều gì. Trình Anh thấy chiếc búa trong tay Phùng lão nhân giơ lên nửa vòng, đánh xuống đe, thủ pháp hệt như "Lạc Anh thần kiếm chưởng pháp" bản môn, thì ngầm rõ thêm ba phần, nói:

- Lúc nhàn rỗi gia sư trò chuyện với vãn bối, nói hồi trước gia sư đuổi đệ tử rời khỏi đảo, Trần, Mai hai người ấy tự làm điều sai trái, đuổi đi đã đành. Khúc, Lục, Võ, Phùng bốn vị thì không dưng bị giận lây, nhất là Phùng Mặc Phong sư ca, là người ít tuổi nhất, hoàn cảnh lại hết sức đáng thương, sư phụ luôn thương nhớ vị ấy, hối hận đã phạt oan.

Thực ra Hoàng Dược Sư tính tình kiêu ngạo, trong lòng tuy có nghĩ như thế, nhưng quyết không khi nào nói ra. Trình Anh tinh tế, biết rõ ý người, khi nhàn rỗi trò chuyện cùng sư phụ, nghe giọng nói của Hoàng Dược Sư, nàng đoán ra được, bây giờ nàng nói thế, kể không phải là lời của Hoàng Dược Sư, song cũng không trái với nguyên ý của người.

Lý Mạc Sầu nghe hai người đối đáp, nhìn sắc diện, đã đoán ra tám chín phần, chỉ thấy Phùng lão nhân thở dài não nuột, nước mắt nhỏ như mưa xuống tấm phôi đang rèn, bốc thành khói trắng, bất giác cũng xúc động, nhưng lại mím môi, nghĩ thầm: "Dẫu bọn chúng thêm một đứa nữa, nhưng cái lão thợ rèn tàn phế này thì làm nổi trò gì?". Bèn cười khẩy, nói:

- Phùng Mặc Phong, cung hỉ sư huynh sư muội lão tương ngộ.

Lão thợ rèn này chính là Phùng Mặc Phong, đệ tử của Hoàng Dược Sư. Năm xưa Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong lấy cắp "Cửu Âm chân kinh" trốn đi, Hoàng Dược Sư cả giận, trút giận xuống đầu các đệ tử còn lại, đánh gãy đùi họ, đuổi khỏi Đào Hoa đảo. Khúc Linh Phong, Lục Thừa Phong, Võ Thiên Phong ba người đều bị đánh què cả hai chân, riêng đánh đến Phùng Mặc Phong, thì Hoàng Dược Sư thấy còn ít tuổi võ công còn thấp, bỗng thương tình, chỉ đánh gãy chân trái. Phùng Mặc Phong đau đớn tới vùng heo hút này, mở lò rèn mưu sinh, tuyệt giao với các nhân vật giang hồ, hơn ba mươi năm lẳng lặng mà sống, không ngờ hôm nay lại được tin sư môn. Tính mệnh của lão là do Hoàng Dược Sư cứu từ tay kẻ thù, đem về nuôi dưỡng từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành, thật là ân đức sâu nặng, bất luận Hoàng Dược Sư đối với lão như thế nào, Phùng Mặc Phong cũng không hề oán trách, giờ này nghe Trình Anh nói, bất giác biết bao cảm xúc dâng trào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện