Môn hạ phái Toàn Chân phần lớn là đạo sĩ, song cũng có không ít đệ tử tục gia như Dương Quá, vẫn hành lễ theo lối tục gia.
Triệu Chí Kính chỉ một tiểu đạo sĩ vừa thắng trong cuộc tỷ võ, nói:
- Nó cũng suýt soát tuổi ngươi, ngươi hãy tỷ thí với nó.
Dương Quá nói:
- Đệ tử không biết tí võ nghệ nào, làm sao có thể tỷ thí với sư huynh?
Triệu Chí Kính giận nói:
- Ta đã truyền thụ công phu cho ngươi cả nửa năm trời, sao lại bảo rằng không biết tí võ nghệ nào? Trong nửa năm ấy ngươi làm trò gì?
Dương Quá không biết trả lời ra sao, cúi đầu im lặng. Triệu Chí Kính nói:
- Ngươi lười nhác, ham chơi, không chịu dụng công, quyền cước tự nhiên lúng túng. Ta hỏi ngươi, sau hai câu "Tu chân hoạt kế hữu hà bằng? Tâm tử quần tình niệm bất sinh" (Tu luyện cuộc sống thật dựa vào cái gì? Để lòng chết đi, mọi ý nghĩ hết sinh ra) tiếp đến câu gì? Dương Quá nói:
- "Tinh khí sung dựng công hành cụ, Linh quang chiếu diệu mãn thần kinh" (Tinh khí đầy đủ thì thành công, ánh sáng linh thiêng soi rọi tâm thần).
Triệu Chí Kính nói:
- Đúng lắm, ta lại hỏi ngươi, sau hai câu "Bí ngữ sư truyền ngộ bản sơ, Lai thời vô khiếm khứ vô dư (Lời dạy bí truyền của sư phụ nới hiểu ra, đến khi sử dụng đến không thiếu không thừa) là câu gì?
Dương Quá đáp:
- Lịch niên trần cấu khi ma tận, Thiên thể linh minh diệu thái hư (Lau sạch bụi trần bao năm, cả tinh thần trong cơ thể tỏa sáng đến vô cùng).
Triệu Chí Kính mỉm cười, nói:
- Hay lắm, không sai một chữ. Ngươi cứ việc dùng mấy câu pháp môn ấy mà tỷ thí với sư huynh.
Dương Quá lại ngẩn ra, nói:
- Đệ tử không biết mà.
Triệu Chí Kính trong bụng đắc ý, ngoài mặt lại giả bộ cả giận, quát:
- Ngươi chỉ học thuộc khẩu quyết, chẳng chịu luyện công, bây giờ một mực chối từ, mau tỷ thí đi.
Mấy câu khẩu quyết kia tuy là yếu chỉ tu luyện nội công, dạy người thu tâm tức niệm, luyện tinh dưỡng khí, nhưng mỗi câu đều phối hợp với vài chiêu quyền cước, gộp lại sẽ thành một môn quyền pháp nhập môn đơn giản của phái Toàn Chân. Các đạo sĩ chính tai nghe Dương Quá đọc thuộc làu làu, không sai một chữ, nhưng thấy thằng bé lâm chiến lại run sợ, người tốt bụng thì nói lời khích lệ, kẻ xấu bụng thì buông lời châm biếm. Các đệ tử phái Toàn Chân phần đông đều là người lương thiện, nhưng vì Quách Tĩnh hôm lên núi Chung Nam đã đánh cho họ một trận đại bại, đắc tội với nhiều người, nên có một số đạo sĩ giận cá chém thớt, giận lây Dương Quá, chỉ mong nó gặp chuyện này chuyện nọ, tuy chưa hẳn là ác ý, nhưng bớt được chút ấm ức trong lòng thì cũng là chuyện thường tình.
Dương Quá thấy mọi người thúc giục, vài người còn lạnh lùng châm biếm, thì nổi giận, nghĩ thầm: "Thì hôm nay ta liều mạng với các ngươi một phen", bèn nhảy vào vòng, múa hai tay, tấn công tới tấp gã tiểu đạo sĩ kia. Gã tiểu đạo sĩ kia thấy nó vừa nhảy vào chẳng hề hành lễ, cũng không khiêm tốn cầu giáo theo đúng môn quy, đã đấm đá như một kẻ điên, thì rất đỗi kinh ngạc, cứ liên tiếp thoái lui. Dương Quá sớm đã bất cần sống chết, cứ xông tới tấn công. Gã tiểu đạo sĩ kia đã lùi mấy bước, thấy hạ bàn của Dương Quá sơ hở, bèn nghiêng người gạt chân một cái sử chiêu "Phong tảo diệp lạc", gạt vào chân Dương Quá. Dương Quá không biết cách tránh, đứng không vững, ngã sấp mặt xuống, chảy cả máu mũi.
Các đạo sĩ đứng ngoài thấy Dương Quá ngã đau, có kẻ cười ồ. Dương Quá bò dậy, cũng chẳng buồn lau máu mũi, chúi đầu xông tới phía tiểu đạo sĩ kia. Tiểu đạo sĩ kia thấy nó hung hăng quá, vội né sang bên. Dương Quá xuất chiêu chẳng theo pháp độ gì hết, nó giơ cả hai tay ôm lấy chân trái đối phương. Tiểu đạo sĩ hữu chưởng giáng ngay xuống vai nó, chiêu "Khi ma trần cấu" này vốn dùng để hóa giải khi hạ bàn bị tập kích, nhưng Dương Quá ở Đào Hoa chưa học võ nghệ, ở cung Trùng Dương cũng không được truyền thụ công phu thực dụng, nên không hiểu gì về chiêu số của đối phương, chỉ nghe "bộp" một cái, vai đã trúng đòn khá nặng, đau thấu xương. Nó càng thua càng hung hăng, dùng đầu húc luôn vào đùi phải của đối phương, tiểu đạo sĩ kia đứng không vững, ngã ngửa xuống đất. Dương Quá vung nắm đấm đánh thẳng xuống đầu tiểu đạo sĩ.
Tiểu đạo sĩ kia đang bại nhưng cầu thắng, thúc cùi chỏ lên ngực Dương Quá, thừa lúc nó đau đớn, đã bật ngay dậy, thừa thế đẩy một cái khiến Dương Quá ngã liền, chính là chiêu "Vô khiếm vô dư", rồi cúi đầu, nói:
- Dương sư đệ khiêm nhượng!
Đồng môn so tài, một khi đã phân rõ thắng bại thì phải dừng tay, nào ngờ Dương Quá cứ như con hổ điên cuồng lao tới, vài ba chiêu đã lại bị đánh ngã, nhưng nó càng đánh càng hung dữ, quyền cước cũng càng lúc càng nhanh hơn.
Triệu Chí Kính gọi:
- Dương Quá, ngươi thua từ lâu rồi, còn tỷ thí gì nữa?
Dương Quá không thèm đếm xỉa, cứ thế xông tới. Các đạo sĩ lúc đầu còn thấy tức cười, nghĩ thầm: "Sao phái Toàn Chân ta lại có đứa đánh đấm ngu xuẩn như thế?" Sau thấy nó nhắm mắt liều mạng, chỉ sợ tai họa, vội can:
- Thôi, thôi, dừng lại đi, sư huynh sư đệ đấu thử, đừng có đánh thật.
Đấu thêm một hồi, tiểu đạo sĩ kia đã có ý khiếp hãi, chỉ né tránh, không dám để nó tới gần. Tục ngữ có câu "Một người liều mạng, vạn người khó đương". Dương Quá ở núi Chung Nam đã tích oán khí hơn nửa năm trời, lúc này có dịp phát tiết ra hết. Gã tiểu đạo sĩ kia tuy võ công hơn hẳn Dương Quá, nhưng không hề có ý chí quyết đấu hăng say như nó, thấy không địch nổi, đành cứ thế chạy quanh. Dương Quá đuổi theo sau, nhiếc:
- Tên đạo sĩ thối tha, mi đánh được ta rồi, định bỏ chạy hả?
Lúc này mười người đứng ngoài thì tám chín là đạo sĩ nghe nó chửi loạn hết "đạo sĩ thối tha", lại "đạo sĩ khốn kiếp", thì vừa giận vừa tức cười, ai ai cũng nói:
- Tên tiểu tử này phải quản giáo ra trò mới được.
Gã tiểu đạo sĩ kia bị đuổi gấp, hốt hoảng gọi to:
- Sư phụ, sư phụ!...
Mong Triệu Chí Kính lên tiếng bảo ngừng. Triệu Chí Kính quát liền mấy lần, Dương Quá vẫn bất chấp.
Giữa lúc ấy, trong số người đứng ngoài có một đạo sĩ béo mập quát to, bước ra, thộp gáy Dương Quá, nhấc bổng lên, rồi bốp bốp bốp ba tiếng, giáng liền ba cái tát mạnh, khiến một bên má của nó lập tức sưng đỏ lên. Dương Quá bị người kia tát cho tối tăm mặt mày, nhìn lại, thì ra dó chính là Lộc Thanh Đốc, đạo sĩ có oán thù tới nó. Hôm Dương Quá lên núi, Lộc Thanh Đốc bị nó đẩy vào cảnh suýt chết cháy, sau đó bị sư huynh sư đệ châm chọc, bảo y bản lĩnh còn thua cả một thằng nhóc con. Gã ôm hận trong lòng, hôm nay thấy Dương Quá làm loạn thế này thì hết nhịn nổi, bèn bước ra động thủ.
Dương Quá vốn quyết đấu, thấy Lộc Thanh Đốc, càng không sợ gì, có điều là đang bị gã tóm gáy nhấc lên, không làm gì được. Lộc Thanh Đốc cười gằn, lại bốp bốp bốp tát thêm ba cái, nói:
- Mi không vâng lệnh sư phụ, là tên phản đồ của bản môn, ai cũng có quyền đánh mi.
Nói rồi lại giơ tay định đánh tiếp.
Sư đệ của Triệu Chí Kính là Thôi Chí Phương thấy Dương Quá khi xuất thủ hình như không biết chút công phu gì của bản môn, vốn biết Triệu Chí Kính tâm địa hẹp hòi, e rằng bên trong có ý gì khác, giờ thấy Lộc Thanh Đốc ra tay quá mạnh, sợ sẽ đả thương Dương Quá, bèn quát:
- Thanh Đốc, dừng tay!
Lộc Thanh Đốc nghe tiếng quát của sư thúc, tuy không muốn, vẫn phải thả Dương Quá xuống, nói:
- Sư thúc có điều chưa biết, tên tiểu tử này vô cùng giảo hoạt, nếu không nghiêm khắc giáo huấn, e rằng bản giáo không còn quy củ gì nữa.
Thôi Chí Phương không thèm để ý đến Lộc Thanh Đốc, bước tới trước mặt Dương Quá, thấy hai má nó sưng lên, mũi miệng dính máu, thần tình rất đáng thương, bèn dịu giọng nói:
- Dương Quá, sư phụ ngươi đã dạy ngươi võ nghệ, sao ngươi không dụng công luyện tập, lại đấm đá sư huynh loạn xạ lên như thế?
Dương Quá hậm hực nói:
- Sư phụ cái gì lão ta? Lão ta chẳng dạy chút võ công nào cả.
Thôi Chí Phương nói:
- Ta nghe ngươi đọc khẩu quyết thuộc làu làu, không sai một chữ kia mà.
Dương Quá nghĩ đến Hoàng Dung ở Đào Hoa đảo dạy nó đọc thuộc lòng tứ thư ngũ kinh, những kinh thư mà Triệu Chí Kính dạy nó ở đây cũng chẳng dính dáng gì tới võ công, bèn nói:
- Ta chẳng muốn thi đỗ trạng nguyên, học thuộc mấy thứ ấy có ích lợi gì?
Thôi Chí Phương giả bộ nổi giận, muốn thử xem có đúng là nó không biết chút võ công nào của bản môn hay chăng, bèn nghiêm mặt nói:
- Sao ngươi có thể nói năng vô lễ với tôn trưởng như vậy?
Rồi giơ tay đẩy vào vai nó một cái.
Thôi Chí Phương là một cao thủ trong số đệ tử đời thứ ba của phái Toàn Chân, võ công tuy chưa bằng Triệu Chí Kính, Doãn Chí Bình, song nội ngoại kiêm tu, công lực khá tinh thâm. Cú đẩy vừa rồi, Thôi Chí Phương dùng lực có tính toán, tay vừa chạm vai, cảm thấy vai Dương Quá hơi nghiêng, nội lực tự sinh, đẩy lực của Thôi Chí Phương lại non nửa, tuy nó lảo đảo vài bước, nhưng không bị ngã. Thôi Chí Phương kinh ngạc, lòng đầy nghi vấn, nghĩ thầm: "Nó còn nhỏ tuổi, nhập môn chỉ mới nửa năm, làm sao lại có công lực như thế? Nó đã có nội lực như vậy, trong cuộc tỷ thí vừa rồi không thể nào lại đấm đá lung tung vậy được, không lẽ quả thật có sự giả trá?" Thôi Chí Phương đâu biết rằng Dương Quá đã tu tập nội công theo cách Âu Dương Phong truyền thụ, có tiến bộ rõ rệt. Tu luyện nội công theo phái Bạch Đà sơn rất dễ dàng, tiến triển cực nhanh, không như nội công phái Toàn Chân cầu căn cơ thực tế. Luyện tập trong mười năm đầu, công lực của đệ tử phái Bạch Đà sơn tiến triển nhanh hơn hẳn đệ tử phái Toàn Chân. Nội công của hai phái vốn khác hẳn nhau, Thôi Chí Phương tùy thủ đẩy một cái như thế, dĩ nhiên khó lòng phân biệt sự khác nhau đó.
Dương Quá bị đẩy, cảm thấy ngực khó thở, chỉ biết là Thôi Chí Phương ra tay đánh nó. Lúc này nó chẳng còn sợ trời sợ đất gì hết, dù là chính Khưu Xứ Cơ tới đây nó cũng xông tới động thủ, thử hỏi nó sợ gì Thôi Chí Phương với chả Thôi Chí Viên? (phương viên: vuông tròn). Nó bèn cúi đầu húc thẳng vào bụng dưới của Thôi Chí Phương. Thôi Chí Phương chẳng buồn bẩn tay với một đứa bé, y mỉm cười, né tránh một cái, nhất định muốn biết công phu thật của Dương Quá, nên nói:
- Thanh Đốc, ngươi hãy quá chiêu với Dương sư đệ, chú ý có chừng mực thôi, đừng quá nặng tay!
Lộc Thanh Đốc chỉ chờ có thế, lập tức sấn tới trước mặt Dương Quá, tả chưởng đánh dứ, Dương Quá né người sang bên phải, Lộc Thanh Đốc hữu chưởng tung ra, chiêu "Hổ môn thủ" này kình lực không nhỏ, "bộp" một cái, trúng ngực Dương Quá. Nếu Dương Quá không từng luyện qua nội công theo phái Bạch Đà sơn, thì phải hộc máu mồm ra rồi. Tuy không bị thế, nhưng ngực nó cũng đau ghê gớm, mặt trắng bệch đi. Lộc Thanh Đốc thấy một chưởng chưa đánh ngã Dương Quá, cũng thầm lấy làm lạ, hữu quyền lại đánh vào mặt. Dương Quá giơ cánh tay ra đỡ, khổ nỗi nó không hiểu gì quyền lý, không biết cách hóa giải đơn giản nhất, hữu quyền của Lộc Thanh Đốc dẫn xéo đi, tả quyền phóng nhanh ra, "hự" một tiếng, trúng vào bụng dưới của Dương Quá, khiến nó đau oằn cả người lại. Lộc Thanh Đốc hạ thủ không dung tình, cạnh bàn tay phải lại chém ngay xuống gáy, tựa hồ y muốn đánh cho đối phương phải ngất đi luôn để trả mối thù ngày nào. Ai ngờ thân hình Dương Quá chỉ lảo đảo vài cái, rồi lại đứng vững, chỉ thấy mặt mũi tối tăm, không còn khả năng đánh lại.
Thôi Chí Phương lúc này đã biết đích xác là Dương Quá không hề biết võ công, bèn gọi:
- Thanh Đốc, dừng tay!
Lộc Thanh Đốc nói với Dương Quá:
- Tên tiểu tử thối tha, mi đã phục ta hay chưa?
Dương Quá chửi:
- Tên đạo sĩ khốn kiếp, sẽ có ngày ta giết ngươi!
Lộc Thanh Đốc cả giận, hai quyền liên tiếp đánh vào sống mũi Dương Quá. Dương Quá thấy trời đất tối sầm, lảo đảo sắp ngã, không biết tại sao đột nhiên có một luồng khí nóng bốc thẳng lên từ đan điền, mắt thấy quyền thứ ba của Lộc Thanh Đốc lại đánh tới mặt, chẳng còn cách gì né tránh, thì tự dưng hai gối khép lại, miệng quát một tiếng, một chưởng đẩy ra, trúng vào bụng dưới của Lộc Thanh Đốc. Chỉ thấy thân hình béo mập của Lộc Thanh Đốc bỗng bay ngang, kéo theo một lớp bụi đất, bắn ra xa hơn một trượng, nằm thẳng cẳng bất động.
Các đạo sĩ đứng ngoài thấy Lộc Thanh Đốc cậy lớn hiếp bé, đánh Dương Quá hơi ác, đều tỏ ý bất bình. Bậc trưởng bối, trừ Triệu Chí Kính, đều lên tiếng ngăn cản, nào ngờ sự việc biến đổi kỳ lạ, Lộc Thanh Đốc rốt cuộc lại bị chưởng lực của Dương Quá đánh ngã, nằm thẳng cẳng bất động, thì ai nấy kinh ngạc, cùng chạy lại xem sao.
Thứ nội lực "Cáp mô công" này Dương Quá vốn chưa biết cách sử dụng, chỉ là trong lúc nguy cấp liều mạng, tự nhiên nó lại phát ra, lần thứ nhất ở Đào Hoa đảo, nó đánh cho Võ Tu Văn ngất lịm, mấy tháng sau, nội lực đã tăng tiến, sự căm hận của nó đối với Lộc Thanh Đốc càng sâu xa hơn so với huynh đệ họ Võ, kình lực do tâm sinh, cuối cùng đánh cho đối phương bắn văng ra xa. Chỉ nghe các đạo sĩ kêu loạn lên:
- Ôi chao, hỏng rồi, chết rồi!
- Tắt thở rồi, chắc là vỡ nội tạng!
- Mau bẩm báo tổ sư chưởng giáo!
Dương Quá biết là mình đã gây đại họa, nhân lúc hỗn loạn, cũng chẳng kịp nghĩ ngợi gì, nó cắm đầu chạy.
Các đạo sĩ mải xem Lộc Thanh Đốc sống chết ra sao, nên không ai lưu tâm đến việc Dương Quá bỏ chạy.
Triệu Chí Kính thấy Lộc Thanh Đốc hai mắt trợn ngược, chưa rõ sống chết thế nào, vừa kinh hãi vừa tức giận, gọi to:
- Dương Quá, Dương Quá, ngươi học thứ yêu pháp gì vậy hả?
Y võ công tuy cao, nhưng trưởng thành ở trong cung Trùng Dương, kiến văn hạn hẹp, không biết đó là thủ pháp "Cáp mô công". Y gọi mấy lần, không thấy Dương Quá trả lời. Các đạo sĩ ngoảnh cả lại, thì đã không thấy bóng dáng Dương Quá đâu nữa. Triệu Chí Kính liền truyền lệnh cho mọi người chia nhau truy nã, thiết tưởng một thằng bé trong giây lát làm sao có thể trốn đi đâu được?
Dương Quá cắm đầu chạy, cứ chọn những chỗ nhiều bụi cây mà lao đến, chạy một hồi, nó nghe thoạt tiên ở sau lưng, rồi ở bốn phía, vang lên tiếng gọi:
- Dương Quá, Dương Quá, mau ra đây!
Nó càng hoảng, càng chạy loạn lên, đột nhiên trước mặt có bóng một đạo sĩ, người ấy đã trông thấy nó, đang chạy lại. Dương Quá vội quay mình, thì phía tây cũng có một đạo sĩ khác, nói:
- Đây rồi, nó đây rồi!
Dương Quá vội thụp người xuống, chui đại qua một bụi cây. Đạo sĩ kia thân hình cao to, chui qua không lọt, đành đi vòng bụi cây để tìm, thì Dương Quá đã chạy mất rồi.
Dương Quá chui qua bụi cây, cứ thế chạy thẳng một hồi, nghe tiếng người xa dần, nó vẫn chưa dám dừng chân. Nó tránh mọi đường đi, toàn đạp cỏ mà chạy, đến khi toàn thân mỏi nhừ, cơ hồ không còn sức cựa quậy, nó mới ngồi bệt xuống một hòn đá mà nghỉ. Nghỉ một lúc, nó tự nhủ: "Phải trốn thôi, trốn mau thôi!". Nhưng hai chân nó tường như nặng ngàn cân, cố đứng lên vẫn không được. Bỗng nó nghe sau lưng có tiếng cười hi hi, nó giật mình, ngoảnh lại, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nhìn thấy một đạo sĩ đang trợn mắt nhìn nó, người kia có bộ râu dài, chính là Triệu Chí Kính.
Đôi bên gườm gườm nhìn nhau, trong giây lát cả hai cùng bất động. Dương Quá đột nhiên kêu to, quay người bỏ chạy. Triệu Chí Kính đuổi theo, giơ tay chộp sau lưng. Dương Quá cúi gấp về phía trước, cách được vài tấc, suýt nữa thì bị tóm. Nó tiện thể nhặt một hòn đá, ném về phía sau. Triệu Chí Kính né người tránh, đuổi nhanh hơn, khoảng cách đôi bên ngắn dần. Dương Quá chạy như điên mươi bước nữa, bỗng thấy trước mặt là một cái khe sâu, chẳng còn đường nào khác, cũng không biết dưới kia là thâm cốc hay sơn khê, không kịp nghĩ ngợi gì hết, nó lăn đại xuống.
Triệu Chí Kính tới bên mép khe, nhìn xuống bên dưới, thấy Dương Quá lăn xuống theo vách cỏ xanh, bên dưới là một cánh rừng. Từ chỗ này xuống dưới đó khoảng cách phải bảy, tám trượng, Triệu Chí Kính không dám lăn theo, mà chạy đường vòng để xuống dưới đó, dần theo vết cỏ rạp mà Dương Quá để lại, tiến vào cánh rừng, một quãng sau thì không còn dấu vết gì nữa, rừng cây càng lúc càng dày, che hết cả ánh sáng mặt trời. Triệu Chí Kính đi thêm hơn chục trượng, sực nhớ đây là khu vực "Hoạt tử nhân mộ" chốn cựu cư của Trùng Dương tổ sư năm xưa, bổn phái đã có nghiêm quy, bất cứ ai cũng không được xâm nhập. Nhưng để cho Dương Quá trốn thoát vào đấy, thì Triệu Chí Kính không cam lòng, bèn lớn tiếng gọi:
- Dương Quá, Dương Quá, mau ra đi!
Gọi mấy lần, cánh rừng vẫn tĩnh lặng như tờ. Triệu Chí Kính đánh bạo tiến thêm vài bước, trong bóng tranh tối tranh sáng, thấy có một tấm bia đá, cúi nhìn, tấm bia khắc bốn chữ "Người ngoài dừng bước". Triệu Chí Kính do dự, cất tiếng gọi to:
- Tên tiểu tặc Dương Quá, nếu không chịu ra, ta mà bắt được sẽ đập chết ngươi!
Tiếng quát vừa dứt, từ trong rừng bỗng nghe có tiếng vo vo lạ tai, rồi một bầy ong trắng từ các kẽ lá bay ào ào tới.
Triệu Chí Kính cả kinh, vung tay áo đuổi bầy ong. Y nội lực thâm hậu, luồng kình lực tạo ra từ ống tay áo vốn không nhỏ, nhưng vung vẩy được mấy cái, thì bầy ong tản làm hai bọn, một bọn tấn công phía trước mặt, một bọn thì ào tới từ phía sau gáy. Triệu Chí Kính càng kinh hãi không dám chậm trễ, hai tay áo cứ phất như bay, bảo vệ toàn thân. Bầy ong tản ra bu vào trên dưới, tứ diện bát phương dồn dập tấn công. Triệu Chí Kính không dám chống đỡ nữa, dùng tay áo che đầu che mặt, chạy ra khỏi cánh rừng.
Bầy ong vù vù đuổi theo, chúng bay cực nhanh, cứ bám riết không tha. Triệu Chí Kính chạy sang phía đông, bầy ong đuổi theo sang đông, Triệu Chí Kính chạy sang phía tây, bầy ong đuổi sang tây, y vung tay áo hơi chậm một chút, có hai con ong lợi dụng khe hở bay ngay vào, mỗi con đốt một cái vào má phải của Triệu Chí Kính. Triệu Chí Kính lập tức cảm thấy ngứa ngáy kinh khủng tựa hồ lục phủ ngũ tạng đều phát ngứa. Y nghĩ thầm: "Hôm nay ta bỏ mạng ở đây mất thôi!" Rồi y không đứng vững được nữa, ngã lăn mấy vòng xuống cái dốc cỏ ở bìa rừng, miệng la ôi ối. Bầy ong bay quanh thân hình y một lúc rồi bay trở vào rừng.