Sáng sớm hôm sau, đoàn người khởi hành, sợ quân dân thành Tương Dương long trọng đưa tiễn, nên lặng lẽ ra cửa Bắc mà đi Hoa Sơn. Chu Bá Thông, Lục Vô Song, Tứ Thủy Ngư Ẩn, huynh đệ họ Võ vết thương chưa khỏi, thì cưỡi ngựa đi thong thả. Cũng không có việc gì cần kíp, nên mỗi ngày chỉ đi vài chục dặm là dừng.

Ít ngày sau thì đến Hoa Sơn. Những người bị thương được dưỡng thương dọc đường, đến nơi thì đã đỡ hẳn. Đoàn người lên núi, Dương Quá chỉ chỗ mai táng Hồng Thất Công và Âu Dương Phong, Hoàng Dung lúc còn ở dưới chân núi đã mua sẵn gà, rượu, thực phẩm, bây giờ liền nổi lửa nấu mấy món ăn mà sinh thời Hồng Thất Công thích nhất để cúng. Quần hùng nhất nhất vái lạy. Mộ phần của Âu Dương Phong nằm ngay bên cạnh Hồng Thất Công. Quách Tĩnh căm thù Âu Dương Phong tận xương, nghĩ đến việc Âu Dương Phong giết hại năm vị ân sư như Chu Thông, Hàn Bảo Câu, tuy đã cách mấy chục năm, song vẫn vô cùng căm hận. Chỉ có Dương Quá nghĩ đến tình xưa, cùng Tiểu Long Nữ quỳ vái trước mộ. Chu Bá Thông bước đến vái một cái, nói:

- Lão độc vật ơi lão độc vật, lão sinh tiền tác ác đa đoan, sau khi chết lại nằm cạnh lão khiếu hóa, cũng có thể nói là may mắn ba đời. Hôm nay người người đều đến cúng viếng lão khiếu hóa, chỉ có hai đứa nhóc con tới khấu đầu trước mộ lão mà thôi, lão nằm dưới đất có biết hẳn cũng hối hận về sự tàn bạo ngày trước của mình đấy nhỉ?

Lời khấn của Lão Ngoan đồng kỳ dị, ai nghe cũng thấy tức cười.

Mọi người lấy chén đũa ra, định ngồi ăn uống ngay bên mộ, bỗng nghe từ sau núi theo gió vọng lại tiếng binh khí va chạm nhau cùng tiếng la hét, hiển nhiên có người đang động thủ. Chu Bá Thông chạy ngay về phía phát ra tiếng huyên náo. Mọi người chạy theo sau. Qua hai cái thung lũng, thì thấy trên một bãi đá bằng phẳng tụ tập ba, bốn chục nam nữ tăng tục, tay người nào cũng lăm lăm binh khí. Đám người kia cãi cọ ầm ĩ, thấy đoàn người Chu Bá Thông, Quách Tĩnh... chạy đến, chỉ tưởng là khách du sơn, nên cũng chẳng buồn để ý. Một đại hán cao lớn nói to:

- Mọi người cứ làm loạn cả lên thế này không được. Danh hiệu "Đệ nhất võ công thiên hạ" quyết không phải cứ to mồm là giành được. Hôm nay các lộ hảo hán đều tụ tập ở đây, tại sao mọi người không dựa vào binh khí, quyền cước mà thư hùng một phen? Chỉ cần người nào luôn thắng không bại, mọi người đều phục, sẽ tôn làm "Đệ nhất võ công thiên hạ".

Một đạo nhân râu dài vung kiếm nói:

- Đúng đấy. Võ lâm tương truyền có cuộc "Hoa Sơn luận kiếm". Hôm nay chúng ta cũng thử luận một phen, xem rốt cuộc ai là anh hùng thời nay?

Những người còn lại vỗ tay khen phải, rồi có mấy người nhảy ra trước, nói to:

- Ai dám ra nào?

Chu Bá Thông, Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đại sư nhìn nhau, vì cả đám người kia không một ai quen mặt.

Cuộc "Hoa Sơn luận kiếm" lần thứ nhất, Quách Tĩnh còn chưa ra đời, bấy giờ Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông vì tranh nhau bộ "Cửu Âm chân kinh" mà hẹn nhau lên đỉnh Hoa Sơn tỷ thí, ai võ nghệ cao nhất sẽ được sở hữu, kết quả Trung Thần Thông Vương Trùng Dương độc quán quần hùng, được tôn là "Đệ nhất võ công thiên hạ".

Hai mươi lăm năm sau, Vương Trùng Dương tạ thế, tại cuộc "Hoa Sơn luận kiếm" lần thứ hai, ngoài Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, còn có thêm ba người tham gia là Chu Bá Thông, Cầu Thiên Nhẫn, Quách Tĩnh. Mỗi người tu vi tinh thâm, đều có sở trường riêng, nhưng thật sự đạt bốn chữ "Đệ nhất thiên hạ" thì cũng khó nói, luận võ công đơn thuần, tựa hồ Âu Dương Phong mạnh nhất. Không ngờ mấy chục năm sau, lại có một đám hảo thủ võ lâm hẹn nhau làm cuộc "Hoa Sơn luận kiếm" lần thứ ba. Việc này khiến đoàn Hoàng Dược Sư vô cùng kinh ngạc, càng lạ nữa, là mấy chục người kia toàn người lạ, chẳng lẽ đúng là "Trường Giang sóng sau đè sóng trước, một lớp người mới hơn lớp người cũ"? Chẳng lẽ cả đoàn người mình đều là ếch ngồi đáy giếng, không biết rằng ngoài trời có trời, trên người có người?

Chỉ thấy đám kia nhảy ra sáu người, chia làm ba cặp sử dụng binh khí bắt đầu động thủ. Sau vài chiêu, Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông... đều cười, ngay Nhất Đăng đại sư là người trang nghiêm hiền từ cũng phải tủm tỉm. Thêm vài chiêu nữa thì Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông, Dương Quá, Hoàng Dung... đều không thể nhịn nổi, cùng cười phá lên. Nguyên lai sáu người động thủ võ công quá ư tầm thường, ngay với huynh đệ họ Võ, tỷ muội Quách gia cũng còn thua xa. Xem chừng bọn này chỉ là một nhóm người tầm thường trong giang hồ, chẳng hiểu gì về cuộc "Hoa Sơn luận kiếm" cũng học đòi.

Sáu người kia nghe đoàn Chu Bá Thông cười to thì ngừng đấu, nhảy tách ra, gằn giọng quát:

- Đúng là một bọn chán sống muốn chết! Các lão gia đây đang tỷ võ luận kiếm, tranh danh hiệu "Đệ nhất võ công thiên hạ", các người lại cười cợt nỗi gì. Mau mau xéo xuống núi, sẽ được bọn ta tha mạng.

Dương Quá cười ha ha, hú một tiếng dài, sơn cốc tứ phía âm vang, lập tức gió quạt mặt đất, mây mù tụ lại. Đám người kia thoạt tiên tái mặt, rồi thân hình run rẩy, nghe tiếng ù ù bất tuyệt, các thứ binh khí đều rơi xuống đất.

Dương Quá quát:

- Tất cả hãy xéo đi!

Đám người kia ngẩn ngơ một hồi, đột nhiên bảo nhau cắm đầu cắm cổ chạy xuống núi, binh khí cũng không dám nhặt, thoáng chốc đã không còn một bóng người.

Anh Cô, Quách Phù... cười gập cả bụng, cười không nói được. Hoàng Dược Sư thở dài, nói:

- Bọn mù quáng khi thế đạo danh vẫn còn khá nhiều, nhưng không ngờ trên đỉnh Hoa Sơn lại có hạng người như vậy.

Chu Bá Thông nói:

- Thiên hạ "Ngũ Tuyệt" năm xưa, Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông đã tạ thế, cao thủ thời nay liệu có mấy người xứng danh "Ngũ Tuyệt"?

Hoàng Dung cười, nói:

- Nhất Đăng đại sư và gia gia của tiểu muội công lực còn thâm hậu hơn trước, năm xưa đã nằm trong "Ngũ Tuyệt", hiện nay càng xứng. Nghĩa đệ Quách Tĩnh của Chu huynh được Bắc Cái chân truyền, có thể xứng đáng. Quá nhi tuy trẻ tuổi nhưng võ công trác tuyệt, anh tài mấy lứa trẻ không ai sánh kịp, huống hồ còn là nghĩa tử của Âu Dương Phong. Đông và Nam là hai vị cũ, Tây và Bắc hai vị tất do nghĩa đệ của Chu huynh và Dương Quá kế thừa.

Chu Bá Thông lắc đầu, nói:

- Không đúng, không đúng!

Hoàng Dung hỏi:

- Sao lại không đúng?

Chu Bá Thông nói:

- Âu Dương Phong là Tây Độc, tên tiểu tử Dương Quá thủ đoạn và tâm địa đều không tàn độc, gọi nó là tiểu độc vật thì oan cho nó.

Hoàng Dung cười, nói:

- Tĩnh ca ca cũng không làm khiếu hóa tử, Nhất Đăng đại sư hiện cũng không còn làm hoàng đế nữa rồi. Tiểu muội thấy nên đổi ngoại hiệu của mấy vị đi. "Đông Tà" của gia gia muội thì khỏi cần đổi. Nhất Đăng đại sư hiện không còn làm hoàng đế, đang làm hòa thượng, nên gọi là "Nam Tăng", Quá nhi thì tiểu muội tặng cho chữ "Cuồng", các vị thấy có được không?

Hoàng Dược Sư là người đầu tiên khen hay, nói:

- Đông Tà, Tây Cuồng, một già một trẻ hai ta chính thành một cặp.

Dương Quá nói:

- Thiết tưởng tiểu tử ít tuổi, không thể sánh vai với các vị tiền bối.

Hoàng Dược Sư nói:

- A ha, tiểu huynh đệ, huynh đệ nói thế sai rồi. Huynh đệ đã có chữ "Cuồng" trong ngoại hiệu, thì cứ chơi ngông một chút đã sao? Hơn nữa, với danh tiếng lừng lẫy, võ công cao cường như huynh đệ hiện giờ, chẳng lẽ còn chưa thắng Lão Ngoan đồng hay sao?

Hoàng Dược Sư biết nữ nhi cố ý không nhắc đến Chu Bá Thông là muốn khích Lão Ngoan đồng, nên mới châm chọc một câu như thế. Dương Quá cũng hiểu tâm ý của hai cha con Hoàng Dược Sư, nên nhìn Tiểu Long Nữ mỉm cười, nghĩ: "Chữ Cuồng quả có lý".

Chu Bá Thông nói:

- Nam Đế, Tây Độc đều đổi ngoại hiệu, còn Bắc Cái thì đổi thành gì?

Chu Tử Liễu nói:

- Hào kiệt thiên hạ thời nay khi nhắc đệ tử Quách huynh đều gọi là Quách đại hiệp, mà không gọi tên. Quách huynh mấy chục năm nay khổ thủ thành Tương Dương, bảo cảnh an dân, lòng hiệp nghĩa như thế, cái dũng nhất thời của Chu Gia, Quách GiẠthời cổ quyết không sánh kịp. Đệ nói gọi Quách huynh là Bắc Hiệp, chắc ai ai cũng tâm phục.

Nhất Đăng đại sư, Võ Tam Thông đều vỗ tay khen hay. Hoàng Dược Sư nói:

- Đông Tà, Tây Cuồng, Nam Tăng, Bắc Hiệp, bốn người đều có rồi, còn Trung ương thì ai giữ đây?

Đoạn nhìn Chu Bá Thông một cái, nói tiếp:

- Dương phu nhân là truyền nhân duy nhất của phái Cổ Mộ. Năm xưa Lâm Triêu Anh nữ hiệp võ công trác tuyệt, "Ngọc nữ tố tâm kiếm pháp" xuất thần nhập hóa, ngay cả Trùng Dương Chân Nhân cũng phải e ngại ba phần. Bấy giờ giả dụ Lâm nữ hiệp tham gia cuộc "Hoa Sơn luận kiếm", đừng nói danh hiệu "Ngũ Tuyệt" đã khác đi, ngay Trùng Dương Chân Nhân cũng vị tất được tôn xưng là "Đệ nhất võ công thiên hạ". Võ nghệ của Dương Quá là do phu nhân truyền thụ, đệ tử được xếp vào "Ngũ Tuyệt", sư phụ càng xứng đáng. Vậy địa vị Trung ương thuộc về Dương phu nhân.

Tiểu Long Nữ mỉm cười, nói:

- Địa vị ấy, tiểu nữ không thể nào dám nhận.

Hoàng Dược Sư nói:

- Thế thì thuộc về Dung nhi. Hoàng Dung võ công tuy không cực mạnh, nhưng túc trí đa mưu, vô cùng cơ biến, xưa nay trí vẫn thắng lực, xếp Hoàng Dung vào "Ngũ Tuyệt" là xứng đáng.

Chu Bá Thông vỗ tay reo cười:

- Hay lắm, hay tuyệt! Hoàng lão tà, Quách đại hiệp gì gì, Lão Ngoan đồng nói thực, đều không phục, chỉ có con nhãi Hoàng Dung tinh linh cổ quái, Lão Ngoan đồng hễ gặp là luống cuống chân tay, không cựa quậy nổi. Xếp Hoàng Dung vào "Ngũ Tuyệt" là hay nhất.

Mọi người nghe vậy đều sững sờ, luận về võ công, Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đại sư đều tự biết còn thua Chu Bá Thông ba phần, sở dĩ chưa nhắc đến tên lão, chỉ là vì muốn chọc tức cho lão cuống lên để vui cười một phen. Ai ngờ Chu Bá Thông ngây thơ hồn nhiên, không so đo tính toán chút gì, tuy rất hiếu võ, song hoàn toàn không có ý tranh hùng dương danh, chẳng hỠtính xếp mình vào hàng "Ngũ Tuyệt".

Hoàng Dược Sư cười, nói:

- Lão Ngoan đồng ơi là Lão Ngoan đồng, huynh mới là bậc anh tài. Hoàng lão tà ta coi nhẹ cái danh, Nhất Đăng đại sư coi cái danh là hư ảo, chỉ có Chu huynh trong lòng không hề nghĩ đến chữ "Danh", còn cao hơn bọn tiểu đệ một bậc. Đông Tà, Tây Cuồng, Nam Tăng, Bắc Hiệp, Trung Ngoan Đồng, trong "Ngũ Tuyệt", huynh đứng đầu!

Mọi người nghe mười một chữ "Đông Tà, Tây Cuồng, Nam Tăng, Bắc Hiệp, Trung Ngoan Đồng" thì nhất tề reo hò, song cũng tức cười.

Địa vị "Ngũ Tuyệt" đã định xong, người người hoan hỉ, liền tản đi các nơi trên đỉnh Hoa Sơn mà thưởng ngoạn phong cảnh.

Dương Quá chỉ đỉnh Ngọc Nữ nói với Tiểu Long Nữ:

- Hai ta học "Ngọc nữ kiếm pháp", đỉnh Ngọc Nữ kia không thể không đến xem.

Tiểu Long Nữ nói:

- Đúng vậy.

Hai người dắt tay nhau lên đỉnh núi, thấy có một ngôi miếu nhỏ, cạnh miếu có tạc một con ngựa đá. Đây là miếu Ngọc Nữ. Trong miếu, trên một phiến đá lớn có một chỗ lõm sâu, nước đọng ở đó xanh ngắt.

Dương Quá năm xưa từng lên Hoa Sơn, tuy chưa thăm đỉnh Ngọc Nữ, song từng nghe Hồng Thất Công kể về các thắng cảnh trên núi, bèn nói với Tiểu Long Nữ:

- Đây là cái chậu gội đầu của Ngọc Nữ, nước trong quanh năm không cạn.

Tiểu Long Nữ nói:

- Chúng mình vào trong điện bái lạy Ngọc Nữ đi.

Vào trong điện, thấy tượng thần Ngọc Nữ dung mạo xinh đẹp, phong tư uyển chuyển, rất giống bức chân dung sư tổ Lâm Triêu Anh trong tòa Cổ Mộ. Hai người cùng kinh ngạc.

Tiểu Long Nữ nói:

- Không lẽ vị nữ thần này chính là tổ sư bà bà của chúng mình?

Dương Quá nói:

- Tổ sư bà bà đương niên hành hiệp thiên hạ, có ơn với nhiều người, người ta nhớ đến ân đức mà lập miếu thờ, không chừng đúng là tổ sư bà bà.

Tiểu Long Nữ gật đầu, nói:

- Nếu là một tiên cô thông thường, hà tất còn có một con ngựa đá? Chắc là để tưởng nhớ con ngựa của tổ sư bà bà.

Hai người kề vai quỳ lạy trước tượng Ngọc Nữ, tám ý tương thông, cùng lầm rầm khấn:

- Nguyện đời đời kiếp kiếp hai chúng con được kết làm phu phụ.

Bỗng có tiếng bước nhẹ vào điện. Hai người đứng dậy, thấy Quách Tương đi vào. Dương Quá vui mừng nói:

- Tiểu muội tử, hãy cùng hai ta đi chơi nhé!

Quách Tương nói:

- Vâng!

Tiểu Long Nữ cầm tay Quách Tương, ba người ra khỏi điện.

Qua một cái cầu đá, đến một núi cao, thấy ở lưng chừng núi có một cái đầm lớn. Quách Tương ngó xuống đầm, chỉ thấy từ dưới đầm một luồng hàn khí xộc lên, không khỏi rùng mình. Cái đầm lớn này sâu không thấy đáy, khác hẳn với cái vực sâu ở Tuyệt Tình cốc. Cái vực ở Tuyệt Tình cốc bị sương mù bao phủ, nhìn từ trên xuống không biết quang cảnh bên dưới thế nào, người ta cứ việc tha hồ tưởng tượng. Cái đầm này thì nhìn rõ ràng ngay trước mắt, có điều là càng nhìn càng thấy sâu thăm thẳm mà sợ. Tiểu Long Nữ kéo tay Quách Tương, nói:

- Cẩn thận!

Dương Quá nói:

- Cái đầm này nghe đồn nó thông ra tận Hoàng Hà, là một trong tám hồ chứa nước lớn nhất thiên hạ. Đời Đường phương bắc bị đại hạn, Đường Huyền Tông từng viết lời khấn cầu mưa lên mặt mảnh ngọc, rồi ném xuống đầm này.

Quách Tương nói:

- Cái đầm này thông ra tận Hoàng Hà thật ư? Lạ quá nhỉ?

Dương Quá cười, đáp:

- Là tương truyền thế thôi, chưa ai lặn xuống, khó biết có thông ra hay không.

Quách Tương hỏi:

- Lúc Đường Huyền Tông ném mảnh ngọc xuống đầm, có Dương quý phi ở bên cạnh nhà vua hay chăng? Sau đó trời có mưa hay không?

Dương Quá cười ha ha, nói:

- Chuyện ấy sao tiểu muội lại hỏi ta, ông trời muốn mưa thì mưa, không muốn mưa thì nắng, vị tất nghe lời cầu xin của hoàng đế lão nhi.

Quách Tương nhìn đăm đăm xuống đầm, rầu rầu nói:

- Đó, dù là cao quý như đế vương, cũng chưa chắc muốn sao được vậy.

Dương Quá thầm nghĩ: "Tiểu cô nương này mới một chút tuổi đầu mà đa sầu đa cảm thế. Phải tìm cách làm cho tiểu cô nương vui lên mới được". Đang tìm lời an ủi, thì Tiểu Long Nữ động kêu "Ôi kìa" và nói:

- Ai lên núi thế kia?

Dương Quá nhìn theo tay chỉ của Tiểu Long Nữ, thấy dưới chân núi có hai người đang luồn lách trong lớp cỏ cao đi lên. Hai người ấy khinh công rất cao, luồn lách rất khôn khéo kín đáo, rõ ràng sợ bị người ta phát hiện, nhưng Tiểu Long Nữ nhãn lực hơn hẳn người thường, vẫn phát hiện từ xa.

Dương Quá nói nhỏ:

- Hai kẻ kia lén lén lút lút, võ công rất lợi hại, lên Hoa Sơn tất có duyên cớ, chúng ta hãy nấp vào một chỗ xem họ giở trò gì.

Ba người liền nấp vào sau tảng đá và gốc đại thụ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện