Chuyển ngữ: Dú

Chính tả: 紫

Chương 91: Anh mình đâu chỉ xơi hai giới hắc bạch, anh ấy còn xực cả âm dương luôn...

Lan Hà thật lòng thật dạ muốn giúp. Từ bé đến lớn anh chỉ được gặp bà Long mấy lần, bà là một người cởi mở và thú vị. Người Miêu chú trọng đến việc linh hồn đi bầu bạn với tổ tiên sau khi chết, song vong linh vừa chết lại không biết đường, không biết làm sao mới đến mộ mình, nên mới cần pháp sư chỉ đường cho.

Quy trình bình thường là sau khi chết sẽ tiểu liệm*, rồi đến chỉ đường, đưa vào quan tài, lễ truy điệu, xuất tuần, tạ hiếu, đưa tang, an táng. Tuy nhiên, họ phải làm nhanh gọn nên sẽ giảm đi một số bước.

(*Tiểu liệm: Tức thay áo cho người chết.)

Anh nghe bà ngoại nói hiện nay thiếu pháp sư giỏi, lại còn giảm thủ tục nên bà Long sẽ thấy cô đơn. Anh bèn suy nghĩ ngoài gấp giấy ra, anh sẽ chỉ đường, tiễn bà Long đi một đoạn.

Song anh không tiện nói thẳng trước mặt chú Long, đó là còn chưa nói đến diễn xuất hằng năm của anh nữa, nói ra chú ta lại tưởng anh đang chửi rủa cũng nên.

Anh nhìn về phía bà ngoại.

Bà đang thở dài, người nhà người ta đã suy nghĩ cho mọi người nên không cho xem mặt người chết, bà cũng chẳng thể gàn bướng. Lỡ có chuyện xảy ra với mình thật thì cũng thôi, tuổi bà đã cao, sống đủ rồi, nhưng nếu gặp chuyện ở nhà người ta, người ngoài chỉ trỏ thì họ biết làm sao?

Đừng làm một bà già đáng ghét. Thế nhưng trong lòng bà lại nghĩ, vẫn phải gấp giấy, bà biết thừa tay nghề của cháu mình, chắc có thể tặng lén vài thứ cho bạn.

Bà nói: "Thôi thôi, cháu nó không hiểu mấy cái này đâu. Bọn dì đến đây hóa vàng, tối lập đàn tế dì sẽ nói chuyện với cô ấy."

"Dì đã cao tuổi rồi, sợ đêm lập đàn tế lại không thức được." Chú Long gật đầu, làm đàn tế phải những hai, ba tiếng lận, "Lúc đó dì cứ nói mấy câu là được. Nếu nhà cháu có thiếu cái gì, cháu không tiện chu toàn thì sang nhà em gái cháu lấy."

Nhà cũ trong trại của bà lâu năm rồi chưa ai ở, chú ta quan tâm đến vấn đề chỗ ở.

"Không sao, lát nữa đi quét tước." Bà ngoại nói.

"Vâng, hai cậu bé này đừng nên tới, sợ lỡ miệng." Chú Long dặn.

Ngoài miệng bà cứ ậm ừ, lúc lập đàn tế chỉ được phép nói tiếng Miêu, mà kể cả tiếng Miêu cũng có một số từ cấm kỵ, không được nói lung tung, thành ra người ta thường không cho người ngoài tham gia, cổ sư dẫn đệ tử vùng khác đến như Ma Thanh Huy cũng không.

Dặn xong, chú Long mới dẫn họ đến ngoài phòng hóa vàng mã.

Anh nhìn gian chính vài lần, trong lúc quàn, người ta phải để hở nắp quan tài một chút để bạn bè người thân nhìn mặt. Nhưng vì sợ bà Long "nhìn trúng", nên lần này nắp quan tài đóng kín lại.

Gian chính hơi tối, không nhìn rõ người chết ở đó hay ở nơi khác.

Anh ngửi ngửi, đứng cách một đoạn mà chẳng ngửi thấy mùi nào...

"Lấy rượu trắng và tiền vàng ra đây." Bà ngoại đã chuẩn bị sẵn đồ tế, ngồi hóa từng tập tiền vàng một.

Chú Long thấy họ chỉ ngồi hóa vàng nên cũng đi tiếp đón họ hàng bạn bè khác.

Anh cầm một cái gậy khẩy tiền vàng cho bà ngoại, suy nghĩ bay đến nhóm Ứng Thiều.

Bà ngoại bảo: "Cháu đừng lật tới lật lui nữa, trở nát hay trở bung ra cô ấy cũng không thích đâu, sẽ mắng đấy."

"..." Anh nhìn xung quanh, "Cháu nói một câu không nên nhé, cháu chẳng thấy bà Long đâu cả."

Bà ngoại đáp: "Cô ấy nói với bà ghét nhất là lúc được người khác hóa vàng bị bới lung tung."

Anh vội vã dừng tay lại, sợ bà Long đến chỉ thẳng mặt mình và mắng.

Bà ngoại liếc sang Tống Phù Đàn. Trong lòng bà, hắn vừa không nghe ra bà nói gì, cũng chẳng nhìn thấy quỷ, cho nên mới yên tâm hỏi tiếp: "Cháu nhìn thấy A Phượng chưa?"

"Chắc chưa hồi hồn, không ở ngoài này." Anh đáp. Sau khi chết, con người phải được chỉ đường niệm kinh mới biết mình đã từ trần, vả lại người mới chết sẽ hơi khù khờ.

Bà ngoại thì thầm: "Cháu gấp trâu ngựa, đồng tử rồi đốt cho cô ấy nhé, tốt hơn nữa là hóa một cái radio, cô ấy sợ cô đơn nhất. Sao một người ưa huyên náo nhất lại lạc khí vào canh giờ đó nhỉ... Tối nay bà muốn bảo họ thổi khèn, trên đường đi A Phượng mới bớt cô đơn."

Mặc dù làm ma chay gấp rút nhưng bạn bè thân thích đều có mặt đủ đầy. Không ai được đi vào, chỉ ngồi ngoài hóa vàng.

Có một cô gái chẳng biết là đứa cháu nào của bà Long đi theo người nhà qua hóa vàng, bất thình lình trông thấy anh, mắt trợn to: "Lan... Lan..."

Lại nhìn thấy Tống Phù Đàn: "Huyền... Huyền... Em... Em..."

Người nhà cô tưởng con mình gặp chuyện gì mới vỗ mặt cô, sốt ruột hỏi: "Con sao vậy?"

Cô gái này thở hết nổi. Là dân bản địa, cô biết Lan Hà là người thành phố này nhưng không biết anh lại có quan hệ với trại này, xuất hiện tại đây và còn dẫn cả Tống Phù Đàn tới!!!

Anh nhìn là biết tỏng fan của mình.

Anh đang định chào hỏi thì cô gái này kích động quá không biết nói gì, khua tay múa chân mãi mới thốt ra một chữ: "Gù!"

Lan Hà, Tống Phù Đàn: "......"

... Thôi được, là fan cp của Phù Lan Minh Cáp.

Bố mẹ: "???"

Sao con mình hót tiếng chim vậy trời?

Xấp tiền vàng bọn Lan Hà mang đến đã dần dần hóa xong, bà ngoại vỗ anh, anh bèn gật đầu với cô gái nọ, sau đó dìu bà dậy cùng Tống Phù Đàn, đi sang một bên uống trà.

Cô gái kia tên là Long Tuyết Mi, đang giải thích cho bố mẹ hiểu mình không trúng bồ câu cổ mà là gặp được sao nam yêu thích.

Bố mẹ cô nhớ con mình từng nhắc đến cái tên này, "Dòm nhã nhặn phết mà, con cứ nói xơi cả hai giới hắc bạch gì gì làm bố mẹ tưởng con thần tượng một tay xã hội đen."

Long Tuyết Mi: "Xã hội đen gì, xã hội đen thần tượng anh ấy mới đúng."

"Được rồi được rồi, con hóa vàng đi."

Long Tuyết Mi cũng quỳ xuống vừa nhớ đến bà cô vừa hóa vàng, mới đốt chẳng được bấy nhiêu thì chú Long kêu cô đứng dậy, bảo rằng thanh niên đừng quỳ lâu, bà nhìn thấy sẽ đau lòng.

Đứng dậy rồi, cô nàng đi đến trước mặt Lan Hà. Do nơi nói chuyện không thích hợp lắm nên cô ráng giữ cho biểu cảm không quá lố lăng: "Ừ, ừm, anh cũng ở trại này ạ?"

"Là bà ngoại anh cơ, lần này anh về ăn Tết." Anh cười mỉm với cô, thấy mắt cô cứ lia qua lia lại hai bọn anh là chắc mẩm cô rất muốn hỏi tại sao hắn lại ở đây, chắc đang tưởng tượng xa lắm.

Ờ, giống y như Liễu Mười Ba.

Cô mê mẩn nói: "Em không biết anh muốn dắt thầy Huyền Quang về nhà, chả có tí tin tức nào của anh hết cả. Trời ơi, không ngờ quê mình ở cùng một trại."

Dắt thầy Huyền Quang về nhà nghĩa là gì tôi hiểu đó ồ kế? Anh không thể thẳng thắn nên đành cười mỉm chi, cô em này phấn khích nhưng chắc chẳng biết chiến hạm các cô đu là thật đâu.

Hắn giải thích thêm: "Ừ, tôi muốn thưởng thức đặc sắc tại Miêu trại."

Long Tuyết Mi: "À à, tuyệt lắm, tuyệt lắm..."

Còn tại sao mọi người không biết anh quay về.

Đó giờ anh là người khó chụp được nhất trong giới. Thứ nhất, anh không hay ra khỏi nhà, có ra cũng là xuất hồn mà ra. Thứ hai, kể từ khi tóm gọn Liễu Mười Ba, anh biết tên mình đã được báo lên bộ, ngành liên quan rồi.

Nghe Tống Phù Đàn kể thì các cấp trên sẽ phân loại và đánh giá, mặc dù không nhúng tay vào song sẽ giấu nhẹm tin tức cho một số người có thân phận đặc biệt. Anh có quan hệ tốt với chùa Giác Tuệ và miếu Đông Nhạc nên cũng được hưởng đãi ngộ này. Vì lẽ đó mà không một ai biết đến chuyến bay của anh.

Bà ngoại mang máng nhớ ra cô gái này, hình như là cháu gái nhà anh chị em của bà Long. Bà bèn kể khi cô bé còn nằm trong nôi, anh đã gặp cô rồi.

Cô nàng nghẹn ngào: "Gù, thế cháu là bạn từ thời quấn tã với anh ấy rồi."

"Gù nghĩa là gì?" Bà thắc mắc nên hỏi.

Long Tuyết Mi: "... Tiếng ợ sau khi ăn no thôi ạ."

Phát hiện ra cô gái này hiểu được mình nói gì một cái là bà chả thèm cả nể nữa, kéo cô nàng lại hỏi dạo gần đây có ở trong trại không. Lần cuối cô về trại là vào bốn, năm tháng trước, vào lúc đó bà Long đã đổ bệnh, sau nghe nói bệnh tái phát nhiều lần, cũng từng nói là khỏi rồi, ai ngờ lại mất trước khi Tết đến.

Cô thành thật kể: "Giờ cháu không sống trong trại nữa nhưng hay về lấy thảo dược nên có đi thăm bà. Lần trước bà muốn một người khác họ bện giày rơm cho cũng là cháu làm. Hai tháng nay bà ấy hôn mê nhiều hơn, cứ ngủ mãi, cháu đến thăm vài bận và chỉ nhìn bà một lát thôi. Bố cháu nói, bác được giải thoát coi như một chuyện mừng."

"Ngày xưa mạnh mẽ biết bao nhiêu." Bà ngoại thở dài, "Lúc ra đi lại ốm đau bệnh tật, mà thôi. Có mười loại bệnh thì cô ấy biết chữa chín loại, còn một loại là không chữa nổi. Cô ấy cũng tự hiểu được... A Phượng à."

Bà ngoại lại xoay người về phía gian chính đặt linh cữu gọi tên người đã khuất.

Người đến độ tuổi như bà, người cùng thế hệ và bạn bè ngày càng thưa thớt, tình cảm lưu luyến bộc lộ rõ từ lời bà. Ấy nhưng tiếc là có vẻ linh hồn bà Long chưa thức tỉnh, không nghe thấy lời bạn cũ mình thốt ra.

Ba đứa cháu đều im lặng, Long Tuyết Mi cũng dằn sự hào hứng xuống, lắng nghe bà lẩm bẩm bằng tiếng Miêu.

...

Vào lúc này, anh bắt gặp Ma Thanh Huy dẫn theo ba đệ tử tới, tay cầm rượu.

Chú Long cản bác ta lại ngay: "Sao mày lại đến đây? Tao nói rồi, nơi đây không chào đón mày, càng đừng nói đến chuyện mày từng hát âm từ* nhé."

(*Âm ở đây là cõi âm, từ là ca từ.)

Những người đến làm lễ truy điệu khác dạt ra một khoảng, Ma Thanh Huy đi khắp một vòng quanh trại, họ biết đó là đứa con trai của bà cỏ quỷ ngày xưa, bây giờ cũng trở thành cổ sư.

Cổ bà trong trại truyền thừa qua các đời một, có thật có giả, bởi vì có ràng buộc với phụ nữ nên họ ngầm thừa nhận những cổ sư nam như Ma Thanh Huy phải học được từ mẹ mới ra ngoài lang bạt.

Hơn nữa, Ma Thanh Huy muốn tham gia lễ truy điệu, hát âm từ nên họ tin hơn vào việc bác ta đã học được rất nhiều kĩ năng ngoài kia, có khi không chỉ cổ mà còn biết ủ quỷ. Khi giáp mặt với bác ta, ai ai cũng kiêng dè.

Song, nhà chú Long truyền thụ Miêu dược nên đâu cần giả vờ niềm nở, chú ta muốn đuổi thẳng cổ Ma Thanh Huy đi.

Ma Thanh Huy bình tĩnh nói: "Người tôi tôn trọng là bà Long chứ không phải anh." Ngày xưa ở trại, ngoài hai bà ra thì chả ai trong trại gần gũi với bác ta. Lúc mẹ còn sống, bạn bè cùng trang lứa còn chẳng dám uống nước trong nhà, tránh bác ta như tránh hủi, đi ngang nhà còn thốt những lời rủa xả trừ khử cổ.

Chú Long đanh giọng: "Người ngoài không được tham gia. Mày đã không còn là người dân của trại từ lâu lắm rồi, đã vậy còn mang theo ba đứa ngoại lai, người đầy rẫy cỏ quỷ."

Đây là nhà của chú Long, những thanh niên nhà khác tuy sợ nhưng vẫn đứng về phía chú ta.

Trí nhớ Ma Thanh Huy như được khơi dậy qua lời nói của chú Long, chú ta là người duy nhất dám nhắc đến quá khứ.

Ánh mắt bác ta toát lên vẻ hung tợn, người ngoài nhìn phát hãi.

Chú Long bối rối, song vẫn cố nói: "Mày đừng đến hại người khác nữa. Ngày xưa bố mày bị mẹ mày hại chết, dù không nuôi cỏ quỷ thì bà ta cũng khắc chồng, là mệnh cổ bà."

Bà ngoại cắt ngang lời chú ta: "Được rồi, sao cháu lại ăn nói như vậy?"

"Dì à, thằng nhãi này chỉ muốn lòng mình được bình yên mà chẳng nghĩ cho chúng cháu, lỡ mẹ cháu bị quấy nhiễu thật... Dẫn nó đi cũng chả sao, nhưng nếu đến nhà người khác gõ cửa mời làm bạn thì sao?" Chú Long hỏi.

Xưa nay ở Miêu trại có một lời đồn, người qua đời đêm đến sẽ gõ cửa nhà người khác trong trại để rủ họ đi cùng mình. Nghĩ cũng biết, đi một cái là chết tươi.

Cho nên đạo sĩ làm lễ có nhắc đến điều cấm kị này, chú Long và con cháu đều cẩn thận, những người khác trong trại cũng tuân thủ hết, đến cả bà ngoại anh cũng không khăng khăng nhìn bà Long.

Bà ngoại khuyên Ma Thanh Huy: "Tiểu Huy à, cháu đứng hóa vàng ở đây cho cô ấy đi."

Bác ta chả thể hiện sự bặm trợn trước mặt bà ngoại, song vẫn trưng bản mặt dữ dằn trước những người khác: "Tôi đi âm của tôi, để tôi chống mắt lên xem tối nay ai cản được tôi."

Vừa dứt lời, bác ta chỉ thẳng mặt chú Long rồi rời đi.

Mọi người ồ lên, "Nhìn cú chỉ tay của gã đi, chắc kèo là tung cổ ra!"

"Chỉ một ngón tay mà đã thả cổ rồi..."

"Không biết cậu ba nhà họ Long có tài năng của mẹ mình không..."

"Bác ấy có thả cổ không ạ?" Anh hỏi bà ngoại.

Bà anh đáp: "Giờ thì chưa..." Nhưng ánh mắt Tiểu Huy nhìn chú Long thì tràn đầy sự căm hận.

Sau khi Ma Thanh Huy đi rồi, Long Tuyết Mi mon men lại gần, "Làm em sợ thót cả tim, gù..."

Lan Hà: "?"

Giờ nào rồi mà còn "gù"?

Nhưng anh chợt hiểu ra ngay, ý cô nàng là "cổ".

Long Tuyết Mi: "Anh Lan Hà, thầy Huyền Quang ơi, chắc hai người cũng biết Miêu cổ chứ. Bác đó nuôi cổ, nghe nói còn ủ quỷ, nhiều người không dám đắc tội bác ấy. Ôi, nếu họ không cãi nhau thì em đã định hỏi xem cổ có giúp cho việc học của em không rồi..."

Thời cô nàng còn chưa biết Lan Hà thì đã biết Ma Thanh Huy rồi.

Anh nghiêm mặt thốt: "Là ký sinh trùng chứ gì."

Long Tuyết Mi: "Ờm..."

Cô hết biết nói gì trước thái độ nghiêm túc của anh, song ngẫm lại thì hình tượng xưa giờ của anh là không mê tín, vụ trang điểm đầu lợn các thứ được truyền tai khắp chốn. Chỉ là hôm nay cô phát hiện bà ngoại anh là Miêu y mà thôi, nhưng nghĩ lại thì anh sinh ra và lớn lên ở nội thành nên cũng chả có gì lạ.

Cô lại đưa mắt sang thầy Huyền Quang, người đến để thưởng thức nét đặc sắc của Miêu trại.

Tống Phù Đàn: "Voltaire có câu, mê tín là kết quả khi kẻ ngu gặp phải kẻ lừa đảo. Truy cầu sự an ủi trên mặt tâm lý là chuyện bình thường, nhưng đừng quá sa đà, kẻo bị lừa tiền dễ như bỡn."

Long Tuyết Mi: "..."

Cô nàng bị CP mình đu liên thủ giáo dục, rầu rĩ đáp em sẽ cố gắng học tập, cùng lắm là đi share thần cá chép.

(*François-Marie Arouet (21 tháng 11 năm 1694 – 30 tháng 5 năm 1778), được biết đến nhiều hơn dưới bút danh Voltaire là một nhà văn, sử gia và triết gia Pháp thời Khai sáng. Ông nổi bật về sự trào phúng và cứng rắn đả kích Giáo hội Công giáo và Ki-tô giáo nói chung, cũng như việc cổ súy tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và việc tách giáo hội ra khỏi nhà nước.

*Đoạn share giống như thời nay dân mạng mình cứ share hình chuối, thìa,... để cầu thi qua môn các kiểu ấy.)

...

Sau khi về, anh lên wechat hỏi Ứng Thiều, có vẻ tối nay họ sẽ ở lại căn nhà cũ của Ma Thanh Huy. Nhà đã bị phá dỡ, chỉ còn mỗi bức tường đổ nát nên về cơ bản là ngủ đất.

Gã há hốc mồm.

Anh dọn dẹp nhà bà ngoại tươm tất, bảo họ đến ở cùng.

Ứng Thiều lại đáp Ma Thanh Huy không chịu sang, gã và hai sư đệ cũng không dám bỏ lại sư phụ còn mình thì đi ở nhà khác, đành phải "màn trời chiếu đất". Hơn nữa, tối nay Ma Thanh Huy nhất quyết muốn tham gia buổi lập đàn tế.

Anh nhắc nhở gã: Các anh để mắt đến sư phụ mình đấy, đừng để gây sự.

Ứng Thiều: Ừ thật ra sư phụ chỉ muốn tiễn đưa bà Long, chứ không làm hại con cái của bà đâu.

Đến giờ anh mới yên tâm.

Trong trại bọn anh có cả lão ti lẫn đạo sĩ, đương nhiên là đạo sĩ dân gian, chưa đăng ký chính thức, là kiểu tu tại nhà truyền thụ qua các đời con cháu. Vả lại, tôn giáo ở đây đã pha tạp từ Miêu, Phật, Đạo rồi. Vì lẽ đó mà trước khi hóa vàng, có người niệm Kinh Phật, và chẳng ai bận tâm người làm đàn tế là lão ti hay đạo sĩ.

Trước nửa đêm, anh dán ngựa giấy, trâu giấy, Tống Phù Đàn niệm kinh cùng bà ngoại anh, niệm kinh xong lại hóa vàng cho bà Long, mong rằng có thể tăng công đức của bà lên.

Người ta toàn lập đàn tế giữa đêm hôm khuya khoắt. Đến nửa đêm, Long Tuyết Mi xung phong nhận việc qua thông báo cho bọn anh, cầm một cái đèn pin chiếu rộng. Trong trại không có đèn đường như nội thành, đến tối là đen ngòm.

Anh thấy cô nàng gầy gầy nhỏ nhỏ bèn nói: "Anh đưa bà qua cho, rồi anh đứng sang một bên đợi."

Ba người cùng dìu bà ngoại đến nhà họ Long tham dự lễ tế.

Trên đường đi, họ nghe tiếng hát réo rắt.

Song, đó không phải tiếng ca múa loáng thoáng truyền tới từ nhà họ Long mà là từ một hướng khác. Tiếng hát vang lên từ vùng rìa trại, không có nhạc đệm, một giọng đàn ông hơi khàn đang hát lời dẫn hồn bằng tiếng Miêu.

Giọng hát vang vọng khắp núi rừng, mặc dù Tống Phù Đàn không hiểu nhưng từ lời hát vẫn cảm nhận được sự âm u và nhớ nhung.

"... Là Tiểu Huy nhỉ." Bà ngoại cũng nghe thấy.

"Bác ấy không đi nhà họ Long." Anh đáp. Tuy lời lẽ đanh thép thật nhưng Ma Thanh Huy chẳng đến quấy rầy lễ tang của bà Long, chỉ hóa vàng và hát ở cửa nhà mình thôi.

Tiếng hát này làm lòng anh xót xa. Anh nhìn sang Tống Phù Đàn, hát theo lời ca: "Triền núi xanh ngát xum xuê, nước sông xanh biếc sóng gợn, mặt trăng sáng trong, mặt trời rực rỡ, ấy là chốn về tuyệt vời của linh hồn..."

Dần dà, bọn anh chẳng nghe thấy tiếng hát của Ma Thanh Huy nữa, chỉ nghe mỗi tiếng trống tùng tùng và tiếng khèn du dương từ nhà họ Long.

Long Tuyết Mi chịu trách nhiệm cầm đèn pin, nó bỗng lập lòe hai cái, ánh sáng rung rung. Trong chớp mắt này, cô bắt gặp đằng trước nhà như có bóng người.

Tim cô đập cái thịch. Cô suy nghĩ đây là đâu, đoạn hỏi dò: "Chú Quân ạ?"

Không có tiếng đáp.

"Mình nhìn lầm rồi, chắc là bó củi thôi." Long Tuyết Mi bỗng thấy lưng mình ớn lạnh.

Nhưng cô vừa định cất bước thì có tiếng gõ cửa vang lên.

Cốc, cốc, cốc... Cốc.

Long Tuyết Mi như bị thôi miên đếm theo âm thanh này, mỗi tiếng gõ cửa như gõ vào trái tim cô, rồi nhịp tim cũng dần dần đồng bộ. Sau bốn tiếng gõ, đèn pin tắt phụt, cô cũng đột ngột hoàn hồn, tim co thắt dồn dập, rõ ràng đang vào tiết thu căm căm, gió lạnh hiu hiu thổi, ấy vậy mà mồ hôi cô vã ra như tắm.

Người ba quỷ bốn, người xưa nói rằng đêm hôm nghe tiếng gõ cửa, chỉ có quỷ mới gõ bốn nhịp, chưa kể là người đó nghe tiếng họ gọi mà chẳng đáp, đèn pin cũng tắt ngóm, tất thảy ánh sáng lụi tàn, chỉ còn mỗi tiếng khèn xa xa đang càng lúc càng lớn trong tình huống này, và cô lại càng sợ hơn.

Long Tuyết Mi lắc đèn pin thật mạnh, chợt nghe tiếng bước chân chuyển hướng từ cửa về phía cả bọn, cô bật khóc trốn sau nhóm Lan Hà.

Anh định bảo vệ cô bé fan của mình thì thấy cô nàng trốn sau lưng bà ngoại: "..."

Ừ, so với thần tượng theo thuyết vô thần thì cô tin tưởng vào bà ngoại của thần tượng hơn.

Giọng cô vỡ òa: "Bà ơi! Bà Long đến rủ người ta bầu bạn kìa!"

Cô vẫn đang gõ đèn pin mãi mà nó chẳng sáng cho, lại bật sang đèn pin điện thoại nhưng run tay quá nên chẳng bật nổi chức năng đèn, nhưng từ ánh sáng màn hình nhá nhem là thấy một cái bóng đi về phía bọn họ, âm khí phả vào mặt.

Bà ngoại thấp giọng nói: "Đừng gọi tên cô ấy! Lan Hà?"

Theo lý thì chưa đến giờ rủ bạn đồng hành, nhưng bà chẳng kịp nghĩ gì nhiều, tay chân bà đã già cả, phải bảo cháu ngoại giải quyết cho. Mặc dù bình thường bà không cho anh dính tay vào việc này nhưng cháu bà có học một số cách tự bảo vệ mình với ông nội nó.

Đến lúc này, Long Tuyết Mi mới nhận ra tại sao mình lại gọi tên người ta chứ, đó chẳng khác nào tự mời chào cả, thế là cô sợ đến độ thiếu điều ngất xỉu tại trận.

Anh nhờ cô, "Em đẩy bà đứng sau em đi."

Tống Phù Đàn cũng lấy một lá bùa dự phòng đã làm sẵn rồi đưa cho Long Tuyết Mi: "Cầm lấy."

"Cái gì đây?" Cô cầm tờ giấy, giơ điện thoại chiếu lên người bọn họ bèn trông thấy hắn lấy một sợi Phật châu ra, trong tay anh cũng có một cái người giấy nhỏ, không khác gì mấy thứ ngày xưa Miêu lão ti dán trước cửa nhà để ngừa tai nạn.

Cô nàng khóc nấc lên: "Bộ, bộ chả phải anh nói, mê tín là, khi kẻ ngu gặp kẻ lừa đảo hay sao." Ban ngày còn dạy cô đừng nên mê tín, phải dựa vào bản thân mình...

"À, đó là lời của Voltaire... Và cái này không gọi là mê tín, mà là văn hóa truyền thống." Anh không kịp nhiều lời với cô, ném người giấy khỏi tay.

Long Tuyết Mi mắt ầng ậc nước tận mắt chứng kiến người giấy động đậy tay chân, một suy nghĩ nảy lên trong đầu cô. Anh mình đâu chỉ xơi hai giới hắc bạch, anh ấy còn xực cả âm dương luôn...
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện