Qua khỏi hai khúc quanh nữa, Tần Quan Vũ lại thấy một gian thạch thất.

Y như gian thạch thất vừa rồi, cũng bàn đá và hai ghế đá, chỉ có điều không trống trải như thế, mà gian thạch thất này màn trướng tầng tầng lớp lớp, sắc lụa nổi lên vẻ đẹp của khuê phòng.

Và đằng sau chiếc bàn, thay vì một lão nhân nho nhã như trong thạch thất vừa rồi, ở đây, một thiếu nữ điểm trang yểu điệu.

Vừa thấy Tần Quan Vũ, dưới mảnh lụa che ngang mặt, thiếu nữ khẽ động vành môi như đóa hoa hàm tiếu :

- Tần công tử, xin mời ngồi!

Theo cái chỉ của ngón tay ngà ngọc, Tần Quan Vũ từ từ ngồi xuống, trong lòng chàng nghe hồi hộp lạ thường.

Gì nữa đây? Phải chăng đối phương lại muốn giở trò cũ? Phải chăng lại cũng tấn tuồng gò ngực vành môi? Như đoán được tâm trạng của đối phương, thiếu nữ mỉm cười, nói :

- Qua cửa ải thứ năm, luận về Tùng, Trúc, Mai, Tần công tử đã thiến cho ai nghe thấy cũng phải nghiêng mình khâm phục. Tiểu nữ bất tài vô học, nhưng vì phụng lệnh giữ cửa ải thứ sáu này nên hết sức thẹn thùng, mong được công tử chỉ giáo cho.

Tần Quan Vũ khẽ cúi đầu :

- Cô nương quá khen, tại hạ thật không xứng đáng.

Thiếu nữ lại mỉm cười :

- Đã mệnh danh là “Văn Khúc”, lẽ tự nhiên là học rộng tài cao. Vấn đề thứ nhất là tiểu nữ muốn biết qua về thân thế của Tư Mã Quang và thi phẩm “Tây Giang Nguyệt” do người sáng tác.

Trong khung cảnh êm đềm của gian thạch thất, mỹ nhân lại nêu một đề tài ướt rượt thi tình. Tần Quan Vũ không ngần ngại trả lời ngay theo cảm hứng :

- Tư Mã Quang tự là Quân Thực, vốn người Thiểm Xuyên, thi đậu tiến sĩ, làm quan đến Tư Chính Điện Học Sĩ, Thượng Thư Tả Bộc Xạ, kiêm Môn Hạ Thị Lang. Và khúc từ “Tây Giang Nguyệt” như sau:

Cuồn cuộn tóc mây óng ả

Làn mi phơn phớt nguyên trinh

Hai cánh hồng tươi rạng rỡ

Vòm mây hé mở xinh xinh

Đối diện mơ hồ xa vắng.

Hữu tình phảng phất vô tình

Sênh phách tàn cơn mộng ảo

Hiên buồn trăng rọi lung linh.

Tần Quan Vũ đọc khúc ca vừa dứt, thiếu nữ nhướng đôi mày cong vút mỉm cười, nói :

- Tần công tử quả là bậc bác học đa tài, bây giờ tiểu nữ muốn nhờ công tử cho biết địa danh “Tần Xuyên” hồi xưa, ngày nay là đâu nhỉ?

Tần Quan Vũ cười chúm chím :

- Khảo danh nhân rồi khảo địa lý nữa à?

Thiếu nữ cũng cười :

- Đâu dám “khảo”, chỉ hỏi nhờ thôi chứ.

Tần Quan Vũ gật gật đầu :

- Thiểm Tây bây giờ là Tần Xuyên trước kia gồm cả vùng đất Cam Túc, và nó cũng là tên một con sông, bây giờ gọi là “Ngưu Đầu Hà”, phát nguyên từ Thanh Thủy, hiện đổ ra Vị Thủy.

- Đúng! Thật là hay! Câu hỏi thứ ba, vì tiểu nữ là nữ nhân, nên xin nhờ công tử cho biết như thế nào mới gọi là “mỹ nhân”?

Tần Quan Vũ ngạc nhiên :

- Thế thì hơi...

Thiếu nữ mỉm cười chặn lời :

- Hơi xa đề nhỉ? Nhưng đã là Văn Khúc, thì không lẽ chẳng giúp được cho một nữ nhân biết rõ như thế nào mới đáng gọi là “mỹ nhân” sao?

Tần Quan Vũ gật đầu :

- Cũng được! Gọi là “mỹ nhân” thì phải là người lấy hoa làm sắc, lấy giọng oanh làm tiếng, lấy trăng sáng làm tinh thần, lấy liễu làm dáng cách, lấy ngọc làm xương, lấy tuyết làm da, và lấy thi từ làm tâm ý. Có đủ những điều kiện như thế, mới có thể gọi là “mỹ nhân”!

Thiếu nữ sững sờ một lúc thật lâu và e dè khẽ hỏi :

- Trong trời đất lại có người đẹp đến thế ư?

Tần Quan Vũ bật cười :

- Thật ra tại hạ cũng chưa từng gặp được, nhưng cô nương đã buộc phải nói, thì tại hạ phải nói cho hết ý đó thôi.

Thiếu nữ hé nụ cười như hoa nở :

- Nhưng công tử có tin rằng trên đời này quả có người đẹp như thế chăng?

Tần Quan Vũ khẽ lắc đầu :

- Thật rất khó mà tin được!

Thoáng hơi suy nghĩ, thiếu nữ liếc nhẹ Tần Quan Vũ :

- Một ngày nào đó, công tử sẽ gặp được một mỹ nhân như thế.

Ngưng một giây, thiếu nữ lại mỉm cười nói :

- Tất cả các đề, công tử trả lời rất toàn vẹn, thật không hổ danh Văn Khúc Võ Khôi Vũ Nội Đệ Nhất Kỳ.

Tần Quan Vũ lắc đầu :

- Không dám! Thật không dám nhận lời khen đó!

Thiếu nữ đứng lên :

- Thành thật chúc mừng công tử đã qua xong sáu ải. Bây giờ xin mời công tử tiếp tục tiến vào trong.

Tần Quan Vũ đứng lên, khẽ cúi đầu chào và xoay mình đi thẳng vào trong.

Qua khỏi mấy lần trướng rũ, và đi sâu gần trăm trượng nữa, quả nhiên đã đến khoảng cuối của lòng hang.

Bên ngoài, thế núi như chen vào nhau trùng trùng lớp lớp. Đối diện với Tần Quan Vũ là một chòm núi cao. Bóng cây rợp trời, như chọc thẳng từng mây chót vót...

Bên kia đỉnh núi đối diện, cách khoảng hơn mười trượng, sừng sững một tòa lầu đồ sộ nguy nga, hoa lá xanh tươi, nhiều dòng suối uốn quanh theo mấy nhịp cầu thanh tú.

Tần Quan Vũ đứng lại thoáng chút do dự...

Nhất định đó là Tam Quốc miếu chứ không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng qua khỏi sáu cửa ải tuy khá gian nan, mà muốn vào Tam Quốc miếu thì từ chỗ chàng sang đó cũng không phải là việc dễ.

Khoảng xa mười trượng mà bên dưới là vực sâu lởm chởm đá lồi. Một cái nhảy nếu không qua tới được thì thân thể sẽ nát vụn ra như một đống thịt bằm.

Và chàng thầm ước lượng, sức nhảy của mình xa lắm là ba trượng, làm sao có thể vào Tam Quốc miếu?

Thình lình, giọng nói lạnh lùng lại vang lên :

- Cung hỷ Văn Khúc Võ Khôi đã qua xong sáu cửa, và riêng cửa thứ năm và thứ sáu thì những lời châu ngọc của các hạ đã giúp cho bản miếu không ít.

Hơi ngưng một giây, đối phương lại nói tiếp :

- Bằng vào võ công hiện nay của các hạ, chuyện phi thân vượt qua một khoảng cách mười trượng không phải là chuyện khó đâu!

Tần Quan Vũ nhướng mắt hỏi :

- Thật ư?

- Tất nhiên là thật! Nhưng còn một yêu cầu nữa, không biết các hạ có bằng lòng chăng?

Tần Quan Vũ tuy hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn nói :

- Xin cứ cho biết!

Đối phương nói một cách thản nhiên :

- Xin các hạ tạm thời đừng vào Tam Quốc miếu!

Tần Quan Vũ chợt bật cười.

Nghĩ thật là lạ, đối phương lẽ tất nhiên là có dụng ý, nhưng riêng chàng thì thật là mơ hồ, rốt cuộc mình vào Tam Quốc miếu với mục đích gì?

Chàng tự nghĩ như thế và cười lên thành tiếng :

- Tất nhiên là được!

- Các hạ không lấy làm lạ à?

- Không!

- Thật ra, bản miếu có những điều hơi khó xử. Bản Miếu chủ mong các hạ qua xong sáu cửa ải để vào Tam Quốc miếu, nhưng đồng thời, bản Miếu chủ lại không dám đối diện với các hạ. Bản Miếu chủ có lời xin các hạ thứ cho.

Bây giờ, Tần Quan Vũ mới thật là sửng sốt.

Tại sao lại có chuyện như thế chứ?

Đường đường với danh nghĩa võ lâm cấm địa, đường đường với cương vị Tam Quốc miếu chủ mà lại không dám đối diện với mình?

Trong thiên hạ sao lại có chuyện lạ lùng như thế?

Như đoán được tâm trạng của chàng, đối phương cất giọng nghiêm trang :

- Tần công tử, bây giờ chúng ta hãy trở lại chính đề...

Tiếng người vừa dứt, thì tiếng sênh nhịp phách vụt nổi lên và tiếp theo như một đám hoàng oanh, lời ca hợp tấu:

Tình tử vương quốc

Vưu thúy tam phong

Giá hồng hổ tự trì sinh

Khoa tuyết lộc dĩ ngao du

Dử tiên hạc du hí

Tùy bạch vân, bồi hồi...

Cầu đồ hỉ quả

Vưu tư ái nhử

Nam ưng đầu hữu huyền tam

Nữ cao kết hữu kinh tứ

Tình tùng ái chi lạc

Vĩnh miễn luân hồi khổ...

Ngọc Long tuyết sơn

Bạch tuyết dương xuân

Cái vô song Vưu thúy phong

Bá hoa tụ hô ái thần

Nam cầu đồ hỉ quả

Nữ Vưu tư ái nhử...

Lời ca uyển chuyển êm tai, tiếng sênh nhịp phách khoan nhặt thảnh thót.

Tần Quan Vũ còn đang bàng hoàng, chợt giọng nói lạnh lùng lại nổi lên :

- Các hạ có biết “Ngọc Long Tuyết Sơn” ở tại đâu chăng?

- Tại hạ đã có nghe Cổ bá phụ nói rằng ở Tây bắc Côn Minh, có một trái núi gọi là Ngọc Long Tuyết Sơn.

- Không sai, chính là ngọn núi đó. Ngọc Long Tuyết Sơn quanh năm tuyết phủ, và trong dãy núi đó gồm có ba đỉnh gọi là Vưu Thúy Tam Phong. Trong ba đỉnh đó, có một là nơi ở của bộ tộc Ma Ta. Các hạ hãy nhớ kỹ, bộ tộc Ma Ta.

- Bộ tộc Ma Ta?

- Đúng thế, các hạ có biết giống người Ma Ta ấy à?

- Trước kia tại hạ từng cùng với tiên sư ở Côn Minh suốt một năm, do đó có biết qua ngôn ngữ và phong tục tập quán của giống người này.

- Vậy thì hay lắm. Bộ tộc Ma Ta này cũng gọi là Tình Tử Vong Quốc. Họ thờ phụng và sùng bái duy nhất là Ái Thần. Vấn đề Huyền kinh cuốn thứ ba và thứ tư có quan hệ đến ân oán của lệnh sư và của lệnh tôn cùng lệnh đường. Các hạ hãy nhớ kỹ, Ái Thần.

- Ái Thần?

- Đúng thế! Ái Thần được xem là một điều tối linh thiêng của bộ tộc Ma Ta. Và Ái Thần là hai vị thần, một nam một nữ. Nam Ái Thần theo phép ghép về Hán tự thì thành ra là “Cẩu Đồ Hỉ Quả”, còn Nữ Ái Thần thì lại thành ra là “Vưu Tư Ái Nhử”. Các hạ nhớ rõ khúc ca ấy chứ?

- Vâng, nhớ rõ!

- Các hạ phải nhớ kỹ, Huyền Tam, Kinh Tứ, tức là quyển thứ ba thứ tư của bộ Huyền kinh, nhưng theo lời ca “Nam Ưng đầu hữu huyền tam, Nữ cao kết hữu kinh tứ” thì thật là khó hiểu. Đối với bộ tộc Ma Ta thì bất cứ cái miếu nào cũng có thờ Ái Thần, vậy theo các hạ thì làm sao có thể biết nơi nào có Huyền kinh?

- Rất có thể ở vào chỗ có trăm hoa khoe sắc. Vì trong đoạn ca có câu “Bá hoa tụ hô Ái Thần”.

- Đúng! Có thể là như thế. Và các hạ cũng đừng quên hai thứ “Cọp” và “Nai” ở trong câu “Giá hồng hổ tự trì sinh, Khoa tuyết lộc dĩ ngao du”, hai vật ấy chưa biết ra sao, nhưng rất có thể là công cụ để đến cái chỗ gọi là “Bá hoa tụ hô Ái Thần” ấy.

Tần Quan Vũ gật đầu :

- Tại hạ cũng nghĩ như thế!

Đối phương lại nói :

- Những điều đoán định của bản Miếu chủ chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Nhưng nếu các hạ có biết qua ngôn ngữ của Ma Ta tộc, thì đó là một việc hết sức thuận lợi. Chúc các hạ sớm được thành công.

Đến bây giờ, nhiều ý nghĩ phức tạp lại xáo trộn tâm tư Tần Quan Vũ.

Tam Quốc miếu quả có nhiều việc lạ lùng...

Cứ theo ân sư của chàng là Thủy Cảnh tiên sinh thì quyển thứ ba và thứ tư của bộ Huyền kinh có thể chứa đựng Huyền Dương thần công và Huyền Dương thần chưởng. Nếu luyện được hai quyển ấy thì có thể dám xưng vô địch thiên hạ. Vật quý như thế mà Tam Quốc miếu chủ lại không tha thiết, mà còn đem sự hiểu biết về nó mách lại cho mình. Thật là một việc mà Tần Quan Vũ không sao ngờ được.

Nhưng Tam Quốc miếu chủ là ai?

Tại sao lại nói không dám cùng mình gặp mặt?

Dù sao đi nữa, Tần Quan Vũ cảm thấy Tam Quốc miếu chủ là một ân nhân, qua sự dốc tâm đào luyện cho mình, nhất là việc uống linh đơn và Thiên Địa Tinh Thủy. Chàng vội vã vòng tay nói :

- Ân đức gần như tái tạo của quý Miếu chủ đối với tại hạ, khiến cho dù phải thân làm cát bụi, tại hạ cũng phải nhớ điều báo đáp. Xin nhờ tôn giá thưa lại, nếu quý Miếu chủ có điều chi cần đến, dù phải đi trên lửa bỏng nước sôi, tại hạ quyết cũng không từ nan.

- Các hạ nói thế đã sai rồi! Giúp ích được cho các hạ, đó là điều vinh hạnh của Miếu chủ chúng tôi, vì biết rằng các hạ sẽ vì chính nghĩa mà xả thân hành sự. Chỉ có điều mà Miếu chủ chúng tôi mong mỏi nhất là đến lúc sóng lặn gió im, xin các hạ đừng quên người là được.

- Vâng, tại hạ dù chết cũng không dám quên!

- Lại còn một điều nữa cũng cần phải nhớ, là vì ân cừu của lệnh sư và lệnh tôn và lệnh đường, mong các hạ đối với nữ nhân hãy cố giữ mình trong sạch.

- Tại hạ xin ghi nhớ!

Giọng nói của đối phương vụt trở nên bùi ngùi :

- Lời xưa có nói “dù đưa nhau ngàn dặm thì cũng phải đến một lần chia tay”, mong Tần huynh hãy nhớ bảo trọng thân mình. Bây giờ, cứ theo triền núi này, Tần huynh rời khỏi nơi đây rồi đi thẳng đến Tử Vong lâm. Và sau khi dự xong Tử Vong yến hội, hãy cấp tốc đi tìm Huyền kinh. Lời không hết ý, xin giã biệt Tần huynh!

Tần Quan Vũ vòng tay thấp giọng :

- Tần Quan Vũ xin cáo từ, đại ân của quý miếu...

Đối phương vụt ngắt lời :

- Thịnh tình của Tần huynh, bản miếu biết lắm. Thôi nhé, nếu còn duyên tao ngộ, xin Tần huynh trở lại nơi đây, lúc bấy giờ bản Miếu chủ sẽ thân tự ra ngoài nghênh tiếp.

Tần Quan Vũ cúi mặt buồn buồn...

* * * * *

Rừng cây rậm rạp, cổ thụ vượt lên chọc thẳng ngàn mây.

Tử Vong lâm!

Tử Vong lâm, tên của một khu rừng khủng khiếp.

Mười năm trước đây, nó là một vùng đất chết. Bởi vì ai vào đó cũng đều biến thành một cây thịt đẫm máu và tức tốc bị ném trở ra ngoài.

Vì thế mà ngõ truông nơi trước Tử Vong lâm, xương chất lên thành đống, mùi thịt rữa bốc lên nồng nặc cả một vùng.

Đêm nay, có lẽ lại là một đêm khủng khiếp của trần gian, ánh trăng của đêm Trung Thu vằng vặc rọi lên như giác bạc quanh theo cành lá...

Ánh trăng xuyên thủng tàng cây, rọi lên những đống xương trắng phau giữa truông rừng lạnh lẽo.

Tần Quan Vũ đứng yên lặng nhìn vào.

Kỷ niệm ngày xưa và hình bóng của ân sư yêu mến vụt hiện lên mồn một trong tâm trí của chàng.

Ân sư quả đã chết hay là còn đang bị nguy khốn nơi đây?

Song thân đang ở trong Chí Tôn bảo hay là đã thọ nạn?

Bao nhiêu nỗi ray rứt não nề dồn dập, Tần Quan Vũ nghiến răng dẫm lên đống xương của những người xấu số, băng mình vào Tử Vong lâm.

Gió lạnh thốc lên, tàng cây khua động, ánh trăng lung linh lảo đảo trên những đống xương khô...

Giữa lòng truông hun hút, tàng cây theo gió lắc lay, bức màn máu như sửa soạn vén lên chờ đợi...

Thình lình, một bóng đen như cánh vạt ăn đêm lướt vút đến sát bên Tần Quan Vũ, chàng lập tức dừng chân lại, trầm giọng quát lên :

- Ai?

Chiếc bóng đen đảo sát một vòng :

- Yêu cầu nói rõ tính danh?

Hất mặt nhìn lên, thấy kẻ đối diện là một gã đại hán, bắp thịt nổi từng vòng, Tần Quan Vũ biết đã gặp tay kình địch, chàng cất giọng trầm trầm :

- Tần Quan Vũ!

- Xin cho xem thiếp mời!

- Không có, nhưng tại hạ nhất định phải vào Tử Vong lâm.

Gã đại hán hơi dịu giọng :

- Xin Tần huynh nán lại, để tại hạ vào thưa lại.

- Không cần đâu.

Tần Quan Vũ hằn học bước lên.

Gã đại hán cười nhạt :

- Các hạ nên nhớ đây là Tử Vong lâm, và nếu không dừng bước, xin đừng trách sao tại hạ lại khiếm nhã.

Tần Quan Vũ cười lớn :

- Cần chi việc khiếm nhã hay không. Muốn gì cứ tự nhiên.

Gã hắc y cười khẩy một tiếng, cánh tay vụt chớp lên.

- Dang ra!

Cùng một lượt với tiếng quát, hai tay của Tần Quan Vũ huơ lên.

Bùng! Bùng!

Kình lực chạm vào nhau, gã đại hán rú lên một tiếng, văng bổng ra xa ngoài năm trượng.

Liền lúc ấy, nhiều tiếng cười rổn rảng vang lên, tiếp theo là năm bóng người từ xa vút tới.

Vừa đặt chân xuống đất, họ đã bủa ra thành một vòng tròn, vây chặt Tần Quan Vũ vào giữa.

Nhưng cũng liền lúc ấy, một bóng màu hồng chợt lượn thoáng qua và dừng hẳn lại, thì ra là một hồng y thiếu nữ, tuổi độ hai mươi, đôi mắt như bồ câu đen láy sáng ngời.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện