“Cô ấy đang đàm phán với bố cháu… yêu cầu ông ấy đồng ý một số điều kiện về vật chất…”
Chủ nhiệm Phương nghe vậy liền nổi giận, suýt nữa buột miệng chửi um lên: “Có người mẹ như vậy sao? Kéo dài thời gian thì có gì tốt cho thằng bé? Tôi không mổ nữa! Cô ta muốn kéo dài thì kéo. Rõ ràng cô ta không coi thằng bé là cốt nhục của mình, đúng là vô nhân tính mà!”
Nhiếp Vũ Thịnh đau khổ vạn phần, anh không muốn tin lại làm vậy, bèn giải thích: “Cô ấy không phải loại người đó, lần này không biết ai đã thay cô ấy đưa ra chủ ý này, nếu là cô ấy. chắc chắn sẽ không làm vậy. Hơn nữa cô ấy cũng không biết tìm luật sư…”
“Biết người biết mặt khó biết lòng… Nhiếp Vũ Thịnh ơi Nhiếp Vũ Thịnh, cậu nói xem mắt nhìn người của mình thế nào mà lại có con với loại người như thế…”
Nhìn bộ dạng đau khổ của Nhiếp Vũ Thịnh, Chủ nhiệm Phương cũng không nỡ xát muối thêm vào vết thương anh nữa, đành thở dài: “Nếu cô ta chỉ cần tiền thì miễn là không quá đáng, cứ đưa tiền là xong, chữa bệnh cho thằng bé quan trọng hơn. Loại người như thế thật không xứng làm mẹ.”
“Cô ấy không chỉ cần tiền, cô ấy còn đòi một số cổ phần của công ty bố cháu dưới tên thằng bé. Như vậy trước khi nó thành niên, nếu cô ấy là người giám hộ…”
“Ồ, bực mình thật, loại phụ nữ gì thế này, điều kiện như vậy cũng nghĩ ra được. Cậu mau nghĩ cách đi. Ôi, cậu toàn vướng vào những việc đâu đâu ấy, tôi nghe thôi mà đã… Cậu bàn bạc với bố cậu đi, loại người như thế lòng tham vô đáy, thật là…” Tuy đang giận dữ nhưng trước mặt Nhiếp Vũ Thịnh, Chủ nhiệm Phương cũng không tiện dùng những từ quá khó nghe để nói về Đàm Tĩnh. Nhiếp Vũ Thịnh hiểu, nên trong lòng lại càng buồn hơn. Anh tin tất cả đều không phải chủ ý của Đàm Tĩnh, có điều cô cứ dồn ép từng bước khiến anh không sao thở nổi. Đàm Tĩnh chỉ hạn cho hai mươi tư tiếng, đối với anh, đó chính là một quả bom hẹn giờ hai mươi tư tiếng, mỗi giây mỗi phút trôi qua đều khiến anh thót cả tim.
Anh quay lại phòng ông Nhiếp Đông Viễn, đúng lúc luật sư đang báo cáo lại với ông tình hình mới nhất, bên Đàm Tĩnh đang chuẩn bị xe, xem ra định chuyển viện.
“Thương lượng được thì làm phẫu thuật, nếu không được, cô ta liền giấu thằng bé đi.” Trong một khoảnh khắc, dường như tất cả vẻ già nua của Nhiếp Đông Viễn đều lộ cả ra ngoài, ông mệt mỏi nói, “Kẻ đứng đằng sau cô ta cũng thật inh! Biết điểm yếu của chúng ta nên chiêu nào cũng nhằm vào đó. Chuyện này một mình Đàm Tĩnh không thể nghĩ ra được, thêm cả tay luật sư kia nữa, anh đi tìm hiểu xem làm sao hắn biết Đàm Tĩnh? Còn nữa, sao đột nhiên cô ta lại có tiền mời luật sư?”
Luật sư Kiều, cố vấn pháp luật của Tập đoàn Đông Viễn cười đáp: “Chắc ngài không biết, khi có vụ kiện phân chia tài sản lớn, luật sư có thể miễn chi phí ban đầu. Chỉ cần thắng kiện, hoặc hoà giải bên ngoài tòa án thành công, căn cứ theo phần tài sản đương sự được chia, luật sư sẽ được nhận ngay phí luật sư với tỉ lệ rất cao, thường cũng phải 30%, thậm chí đến 50%. Món tiền bồi thường và cổ phần mà hiện giờ đối phương yêu cầu đã là một con số rất lớnư vậy, chỉ cần cãi thắng hoặc hoà giải được vụ kiện này, luật sư có thể cầm vài chục triệu rồi, chút chi phí ban đầu kia có đáng gì?”
Ông Nhiếp Đông Viễn cười: “Thì ra trong ngành các ông cũng thật nhiều trò.”
Luật sư Kiều làm cố vấn pháp luật cho Tập đoàn Đông Viễn đã nhiều năm, quan hệ với Nhiếp Đông Viễn cũng khá thân thiết, chỉ cười cười, nói nửa đùa nửa thật: “Không phải là ngành này của chúng tôi lắm mánh khoé, mà là danh tiếng của ngài quá nổi đấy thôi. Đông Viễn là công ty đã niêm yết trên sàn cổ phiếu, ngài lại là doanh nhân nổi tiếng, luật sư chỉ cần nghe nói thân chủ muốn kiện ngài đòi tài sản, chắc hẳn món tiền ấy không thể nhỏ, đương nhiên sẽ vui vẻ thử thôi.”
Nhiếp Đông Viễn lại cười: “Vậy ông nói xem chúng ta nên đối phó thế nào?”
“Thượng, trung, hạ sách, phải xem ngài muốn dùng sách lược nào.”
“Ồ, ông nói tôi nghe xem.”
“Thượng sách là ‘tráng sĩ cắt tay’[1], chỗ dựa của đối phương là thằng bé, hễ ngài tỏ vẻ không hứng thú với nó, tự nhiên đối phương sẽ mất chỗ dựa. Một khi mất chỗ dựa thì chẳng cần đàm phán chuyện tài sản gì đó nữa. Ngài cho thấy mình không cần quyền giám hộ, như vậy mọi suy tính của đối phương sẽ thành ra vô ích.”
[1] Thành ngữ nói đến các tráng sĩ khi bị rắn cắn vào cổ tay thì phải chặt đứt đi để ngăn chặn nọc độc lan ra toàn thân, là phép ẩn dụ ý chỉ hành động dứt khoát, không do dự.
“Trung sách thì sao?”
“Trung sách là áp dụng cả biện pháp cứng rắn và mềm dẻo. Trước tiên dùng kế hoãn binh, đáp ứng một phần điều kiện của đối phương. Quan trọng là không cho quyền sở hữu cổ phần mà đưa tiền trước, nhiều một chút cũng không sao, để đối phương đồng ý cho thằng bé phẫu thuật. Trung sách này chính là cò kè mặc cả, cô ta đòi giá trên trời thì chúng ta trả giá dưới đất, có lẽ sẽ kéo dài một hai ngày, đối phương cũng có thể sẽ giở trò.”
“Thế hạ sách là gì?”
“Vừa đàm phán vừa nghĩ cách làm phẫu thuật. Thể chế của bệnh viện cũng được nới lỏng bớt rồi, không thể nào thấy chết không cứu.”
Nhiếp Đông Viễn quay lại nhìn Nhiếp Vũ Thịnh, hỏi: “Thế nào, ba kế của luật sư Kiều, anh muốn dùng cái nào?”
Thấy Nhiếp Vũ Thịnh không nói gì, Nhiếp Đông Viễn quay sang bảo luật sư Kiều: “Chịu rồi, con trai tô phải cái mềm lòng. Trông chờ vào nó thì cả đời chỉ tổ bị người ta chén sạch cả thịt lẫn xương thôi. Ông nói xem sau này Đông Viễn của chúng ta phải làm sao đây… Tôi lại bệnh tật thế này, đến khi nhắm mắt liệu nó có gánh vác nổi không?”
Luật sư Kiều an ủi: “Ngài lo xa quá, đó không biết là chuyện của bao nhiêu năm sau. Tiểu Nhiếp còn trẻ, thiếu từng trải, cứ trải nghiệm nhiều, đối mặt với nhiều sóng gió tự nhiên sẽ ổn thoả thôi.”
“Một người phụ nữ cũng không giải quyết xong, còn trông chờ gì nó thừa kế Đông Viễn? Thôi vậy.”
Đến nước này thì Nhiếp Vũ Thịnh không thể không lên tiếng: “Bố, con không có hứng thú với Đông Viễn. Bố cũng từng nói sẽ không ép buộc con phải gánh vác công việc của bố kia mà.”
“Thế thì tôi giao Đông Viễn cho ai? Anh nói xem, tôi có thể giao cho ai đây?”
“Bố, tức giận không tốt cho sức khoẻ, hơn nữa con cũng không muốn chọc bố giận.” Nhiếp Vũ Thịnh nói, “Bố muốn giao Đông Viễn cho ai thì giao.”
Thấy hai cha con bỗng trở nên căng thẳng với nhau, luật sư Kiều vội giảng hoà: “Thanh niên bây giờ toàn vậy, con gái tôi năm nay mới học cấp ba mà đã nói sau này lên đại học không muốn học Luật. Mỗi thế hệ đều có cách nghĩ riêng, Tiểu Nhiếp làm ở bệnh viện cũng rất tốt. Tôi nghe nói mọi người đều khen bác sĩ Nhiếp ở khoa Ngoại Tim mạch là có tiền đồ nhất, có thể thấy Tiểu Nhiếp rất có tiếng tăm bên ngoài.” Rồi ông nói với Nhiếp Vũ Thịnh, “Tiểu Nhiếp nghĩ xem vụ này chúng ta nên làm thế nào. Giờ đối phương cho chúng ta hai mươi tư tiếng, rõ ràng là ‘bắt thiên tử để lệnh chư hầu’. Hiện nay thằng bé đang trong tay cô ta, điều kiện đưa ra lại quá quắt như thế, tuyệt đối không được đồng ý.”
“Cả ba kế sách đều không dùng.” Nhiếp Đông Viễn cười khẩy, “Nói với cô ta rằng, tôi chấp nhận mọi điều kiện, lập tức viết giấy chuyển nhượng cổ phần, còn quyền giám hộ thì để sau khi phẫu thuật xong rồi nói. Cô ta trăm mưu ngàn kế, tôi sẽ khiến cô ta thất bại. Tưởng cổ phần đứng tên thằng bé là cô ta sẽ thành người giám hộ sao? Vụ kiện đòi quyền giám hộ chưa chắc cô ta đã thắng kia mà. Cổ phần đứng tên cháu tôi cũng chẳng khác gì dưới tên tôi hết.”
“Được.” Luật sư Kiều ra ngoài gọi cho luật sư đối phương. Ông Nhiếp Đông Viễn bảo con trai: “Việc này anh không cần quan tâm nữa, nhưng anh phải đảm bảo một việc, thằng bé bắt buộc phải được phẫu thuật ở bệnh viện này.”
“Bố muốn làm gì?”
“Khoa Tim bệnh viện này tốt nhất cả nước, Chủ nhiệm Phương của các anh là một trong bác sĩ khoa Tim uy tín nhất, bố hy vọng vẫn là ông ấy mổ cho thằng bé. Anh tưởng bố muốn làm gì? Anh nghĩ bố tồi tệ vậy sao? Bố chỉ sợ Đàm Tĩnh lại trở mặt, đưa thằng bé đi mất tăm mất tích thì anh đi đâu tìm chứ?”
Nhiếp Vũ Thịnh không nói gì, vừa rồi quả thực anh tưởng bố mình sẽ ngấm ngầm ra tay làm điều gì đó. Những người gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng ít nhiều đều có chút tự phụ, cảm thấy luồn lách bên lề pháp luật là một loại năng lực chứ không phải một hành vi phạm pháp.
Sau khi nhận được điện thoại của luật sư, Đàm Tĩnh không khỏi thở phào. Tuy làm theo lời Thịnh Phương Đình, nhưng trong lòng cô không hề muốn như vậy chút nào. Khi biết nhà họ Nhiếp đồng ý mọi điều kiện bồi thường, tâm trạng cô rất phức tạp. Lấy ca mổ ra ép nhà họ Nhiếp đã là vượt quá giới hạn đạo đức của cô, nhưng kết quả nhận được lại hết sức bất ngờ, Nhiếp Đông Viễn thà chấp nhận điều kiện quá quắt như vậy cũng không muốn từ bỏ quyền giám hộ.
Luật sư đàm phán với luật sư, đôi bên đều không nhún nhường nửa bước, tranh cãi từng điều khoản một trong bản thoả thuận, đặc biệt là việc đàm phán quyền giám hộ sau ca phẫu thuật, luật sư Từ kiên quyết không nhượng bộ, nhất định muốn nhà họ Nhiếp từ bỏ quyền giám hộ. Lúc này Tôn Bình đã được chuyển tới phòng VIP, các luật sư lại tranh cãi gay gắt ngay tại gian phòng khách phía ngoài. Đàm Tĩnh ở bên trong nghe loáng thoáng câu được câu chăng, chỉ cảm thấy lòng dạ rối bời. Cuối cùng luật sư Từ còn liên lạc với Thịnh Phương Đình mấy lần liền, thấy thời gian càng lúc càng muộn, Đàm Tĩnh không kìm được gọi thẳng cho Thịnh Phương Đình: “Hay cứ để Bình Bình làm phẫu thuật trước đi, nhà họ Nhiếp đã đồng ý bồi thường tất cả rồi…”
“Họ đồng ý bồi thường toàn bộ chỉ vì họ biết có khả năng thắng kiện, giành được quyền giám hộ. Nếu họ thắng thì số cổ phần đứng tên cháu bé vẫn là của Nhiếp Đông Viễn, chẳng có gì khác biệt cả.” Thịnh Phương Đình nói, “Nhiếp Đông Viễn là kẻ giảo hoạt, chắc chắn ông ta đồng ý dễ dàng như vậy là vì biết cô sẽ mềm lòng, đồng ý cho làm phẫu thuật.”
“Giám đốc Thịnh, tôi không cần tiền. Tôi không muốn Bình Bình phải chịu khổ thêm nữa…” Đàm Tĩnh nói, “Giám đốc Thịnh, tôi rất cảm ơn anh đã giúp tôi một việc lớn như vậy. Nhưng có lẽ anh không hiểu, bất luận thế nào tôi cũng không muốn trả giá bằng việc làm hại con. Có lẽ anh đã nghe một câu chuyện cổ, có hai người phụ nữ đều nói đứa trẻ là con mình, quan huyện bèn bảo mỗi người cầm một tay đứa trẻ mà kéo, ai kéo được con về phía mình thì là của người đó. Kết quả hai người phụ nữ cùng kéo khiến đứa trẻ đau quá khóc oà lên, người thả tay đứa trẻ ra trước chính là mẹ đẻ. Chỉ có mẹ đẻ mới xót con, không nỡ để con đau đớn.”
Thịnh Phương Đình trầm ngâm một chút, nói: “Thôi được, cô cứ ký thoả thuận đi, để thằng bé làm phẫu thuật trước. Vụ quyền giám hộ chưa chắc chúng ta đã thua.”
Anh ngắt máy, rồi trầm tư hồi lâu.
Hiệp đầu tiên, bề ngoài có vẻ như Đàm Tĩnh tạm thời giành thắng lợi nhưng cô không thể nào vui được. Dưới sự giúp đỡ của luật sư, cô chỉ ký một bản thoả thuận bồi thường rồi nhanh chóng nói với bệnh viện dồng ý phẫu thuật.
Sắp đến giờ tan sở, Chủ nhiệm Phương giận dữ không muốn thực hiện ca mổ này. Cuối cùng vẫn là Nhiếp Vũ Thịnh đến văn phòng chủ nhiệm, anh không nói gì, chỉ đứng đó đau đáu nhìn ông đầy mong đợi. Thấy thế, Chủ nhiệm Phương không khỏi thở dài: “Đều tại tôi chiều hư cậu rồi!” Tuy không biết phải làm sao với cậu học trò này nhưng ông cũng chẳng vui vẻ gì, “Tự cậu đi nói chuyện với người nhà bệnh nhân đi, ký xong giấy thì mang cho tôi, tôi nhất định không gặp cô ta đâu.”
Nhiếp Vũ Thịnh không dám phản bác lại câu nào, đành liều mình đi gặp Đàm Tĩnh. May sao lần này cô không từ chối, chỉ là vẫn có mặt luật sư ở đó.
Đã gần hai ngày nay anh chưa gặp Tôn Bình, vừa thấy anh bước vào phòng bệnh, Tôn Bình liền cười ngượng nghịu, rồi giấu mặt ra sau lưng Đàm Tĩnh. Nhiếp Vũ Thịnh cảm thấy mình đã hồn bay phách lạc, trước đây ngày nào anh cũng nói chuyện với người nhà bệnh nhân, có kỹ xảo, lại có kinh nghiệm, vậy mà hôm nay anh lại khiến cuộc nói chuyện rối như một mớ bòng bong. Nhiếp Vũ Thịnh chỉ đọc giấy đồng ý phẫu thuật và gây mê cho Đàm Tĩnh nghe một cách đơn điệu, những điều khoản đã thuộc nằm lòng, cũng bị anh đọc lên bằng giọng đều đều tẻ ngắt.
Cũng may Đàm Tĩnh không nói gì, thậm chí chẳng căn vặn một từ chuyên ngành nào, hoàn toàn trái ngược với lần nói chuyện trước về chương trình CM. Lần đó cô hỏi rất nhiều, rất tỉ mỉ, chỉ sợ bỏ sót một chi tiết nào đó. Vậy mà lần này cô chỉ hỏi một câu: “Bác sĩ Nhiếp, ca mổ này do anh thực hiện sao?”
“Không, tôi không làm được.” Nhiếp Vũ Thịnh chua chát nói, “Thầy tôi sẽ mổ, chính là Chủ nhiệm Phương. Cô yên tâm, ông ấy là bác sĩ uy tín nhất trong cả nước, nhân vật hàng đầu của khoa Ngoại Tim mạch, chẳng có ai đứng mổ chính tốt hơn ông ấy đâu.”
Đàm Tĩnh khẽ gật đầu, nói: “Cảm ơn.”
Hai chữ này tựa lưỡi dao cắt vào ngực Nhiếp Vũ Thịnh. Anh thấy vô cùng đau đớn, đành quay mặt đi. Tôn Bình thò đầu ra từ sau lưng Đàm Tĩnh, mím chặt môi, rồi chợt nho với anh. Nụ cười ấy khiến sống mũi anh cay cay, cổ họng như bị thứ gì đó lèn chặt, khó chịu đến cực điểm.
“Tôi có thể nói chuyện với Bình Bình vài câu không?”
Đàm Tĩnh không nói gì, ngẩng lên nhìn luật sư. Anh ta rất biết điều: “Tôi ra ngoài hút thuốc.”
Đàm Tĩnh đứng dậy bước đến cạnh cửa sổ, Nhiếp Vũ Thịnh tiến lại bên giường bệnh. Có lẽ vì thiếu dinh dưỡng nên tóc Tôn Bình lơ thơ, răng thay mãi không mọc được cái mới, khi cười, hai hàm răng trắng đều như những hạt gạo nếp lại bị khuyết mất một chỗ. Bù lại, cặp mắt Tôn Bình đen láy trong veo, phản chiếu được cả hình ảnh người đối diện. Nhiếp Vũ Thịnh nhìn con, chẳng biết nên nói gì, chỉ vô thức nắm chặt lấy thanh chắn giường. Tôn Bình vốn rất sợ anh, nhưng lần này gặp anh có vẻ lại rất vui, còn lôi một món đồ chơi ra khoe: “Siêu nhân này, chơi thích lắm! Ông của Phong Phong tặng cháu đấy!” Từ nhỏ đến giờ, đến đồ chơi bình thường Bình Bình cũng hiếm khi có, đừng nói đến loại đồ chơi siêu nhân cao cấp như vậy. Hôm đó, trong phòng Vui chơi, sau khi được ông Nhiếp Đông Viễn ón đồ chơi này, dù sao cũng vẫn là trẻ con, Bình Bình lập tức thấy ông Phong Phong là người tốt nhất, rộng rãi nhất thế giới. Hơn nữa lúc đó bé nghe Nhiếp Vũ Thịnh gọi Nhiếp Đông Viễn là bố, biết anh là con của ông Phong Phong, nên ấn tượng về anh cũng tốt hơn. Hôm nay gặp lại, Bình Bình rất vui, còn hào hứng làm quen với anh: “Chú à, chú là con của ông Phong Phong, vậy thì chú là bố của Phong Phong đúng không? Phong Phong sướng thật đấy, bố là bác sĩ, ông lại mua nhiều đồ chơi thế này, không chỉ cho bạn ấy chơi mà còn tặng cho cả bạn của bạn ấy nữa… Phong Phong sướng thật đấy! Cháu không có ông…”
Bình Bình ngập ngừng một chút, hoang mang hỏi nhỏ: “Sao chú lại khóc?”
Đàm Tĩnh không hề quay đầu lại, bên ngoài trời đã tối, tòa nhà đối diện lần lượt sáng đèn, xe cộ ngược xuôi nườm nượp trên con đường phía xa, trông như một dòng sông ánh sáng. Trong phòng bệnh chỉ bật một ngọn đèn ở đầu giường, hắt bóng cô lên tấm kính cửa sổ, nước mắt đã lăn dài trên má từ lâu. Nhiều lúc cô cảm thấy không thể chịu nổi nữa, xưa nay cô chưa bao giờ nghĩ mình kiên cường, chỉ là bị cuộc sống giày vò đến chai lì mà thôi. Mỗi lần tuyệt vọng, vì đôi mắt của con, vì tiếng nói của con, vì tiếng con gọi “mẹ”, mà hết lần này sang lần khác, cô đều vùng vẫy đứng lên. Dần dà cô trở nên rất hiếm khi khóc, khóc lóc có ích gì chứ? Có kiếm tiền được không? Có chữa được bệnh cho con không?
Có điều hôm nay cô đã thả lỏng bản thân, vì không muốn quay lại nhìn Nhiếp Vũ Thịnh. Qua tấm kính cửa sổ, cô thấy anh đang ôm con khóc như một đứa trẻ. Anh chưa từng khóc trước mặt cô. Dù là năm đó, khi cô muốn bỏ đi, anh cũng chỉ đỏ mắt lên, liên tục hỏi,
Tại sao?
Tại sao số phận lại trêu đùa con người như vậy? Tại sao câu chuyện hồi xưa lại như một cơn ác mộng? Tại sao cô không được phép yêu người mà cô yêu?
Thật tàn nhẫn!
Thật bất công!
Nhiếp Vũ Thịnh vùi mặt vào áo con, bộ quần áo bệnh nhân toả ra mùi thuốc khử trùng quen thuộc, nước mắt chảy đẫm áo khiến mắt anh cay xè, nước mắt âm thầm thấm vào lớp vải. Tôn Bình không nói gì, chỉ mở tròn mắt nhìn anh, đôi tay nhỏ ôm chặt lấy anh. Anh biết mình đã khiến con sợ, chỉ là anh không kìm chế được. Tôn Bình bối rối một lát, cuối cùng học theo người lớn, khẽ vỗ lưng Nhiếp Vũ Thịnh, nhỏ giọng: “Chú đừng khóc mà…”
Toàn thân anh run rẩy, dùng hết sức mới ngẩng được đầu lên, qua màn nước mắt, anh nhìn thấy ánh mắt lo lắng của con nhưng chẳng nói được lời nào. Anh ôm con vào lòng, lo sợ ôm chặt quá con sẽ ngạt thở, vì tim của bé không tốt. Một lúc sau Nhiếp Vũ Thịnh mới buông tay, cúi xuống nhìn con, không biết phải làm sao. Anh vừa cúi đầu, nước mắt đã lại rơi xuống, Tôn Bình rụt rè giơ tay vuốt gương mặt ướt đẫm của anh. Nhiếp Vũ Thịnh gắng hết sức mới nhếch được khoé môi, nặn ra một nụ cười gượng gạo, hỏi: “Mai Bình Bình làm phẫu thuật rồi, có sợ không?”
“Không ạ! Phẫu thuật xong cháu sẽ có một trái tim khoẻ mạnh, có thể được mẹ đưa đến công viên chơi cầu trượt.”
“Chú cũng đưa cháu đi chơi được không?”
Tôn Bình nghĩ một chút rồi hỏi: “Chú có đưa Phong Phong đi không?”
“Chú không đưa Phong Phong đi, bạn ấy ra viện về nhà rồi, sẽ có người đưa bạn ấy đi. Chú chỉ đưa cháu đi thôi.”
Nào ngờ Bình Bình chợt lắc đầu: “Chú đưa Phong Phong đi đi… chắc chắn bạn ấy rất muốn chơi cùng chú. Bố cháu chưa bao giờ đưa cháu đi chơi cả… Cháu muốn bố đưa đi công viên nhất.”
Nhiếp Vũ Thịnh thấy mắt cay cay, lại ôm lấy con vào lòng, vùi mặt vào mái đầu bé. Những sợi tóc ngắn chọc vào mắt khiến anh vừa đau vừa ngứa, nước mắt không ngừng chảy ra. Anh như trở lại hồi thơ dại, khi biết mẹ đã ra đi không bao giờ quay về nữa, hồi nhỏ còn có thể oà lên khóc thật lớn, nhưng bây giờ anh chỉ biết âm thầm rơi lệ. Không biết bao lâu sau, Đàm Tĩnh quay lại, đến bên giường, bế con ra khỏi lòng anh: “Bình Bình ngoan, chúng ta phải đi ngủ rồi.”
Nhiếp Vũ Thịnh túm lấy cánh tay Đàm Tĩnh, cô nhất thời không giằng ra được. Anh dang tay ra ôm cả con và cô vào lòng.
“Anh xin lỗi…”
Đàm Tĩnh ngoảnh mặt đi, một lúc lâu sau mới quay lại nói: “Anh chẳng làm gì có lỗi với tôi cả, không cần xin lỗi.”
“Em không muốn cho anh biết nguyên nhân thì anh chỉ có thể nghĩ ngợi lung tung…”
“Trước mặt trẻ con đừng nói những điều đó.” Đàm Tĩnh ôm lấy con, “Buông ra đi!”
Anh buông tay, nhưng vành mắt vẫn đỏ ửng, nhìn cô bằng ánh mắt vô tội, hệt như Bình Bình mỗi khi phải chịu ấm ức vậy. Lòng Đàm Tĩnh vô cùng chua xót, cô lấy cớ bế con quay người đi, không để ý đến anh nữa.
Nhiếp Vũ Thịnh gắng trấn tĩnh lại rồi nói: “Mai anh làm ca sáng, anh sẽ vào phòng phẫu thuật cùng Bình Bình. Nếu thuận lợi thì bốn tiếng là ra được rồi. Em ở ngoài… nếu có bất cứ chuyện gì, có thể gọi cho anh.”
“Ngày mai chồng tôi sẽ đến, tôi thông báo cho anh ấy rồi.” Đàm Tĩnh nói, “Bác sĩ Nhiếp, sau khi phẫu thuật xong tôi sẽ cảm ơn vì mọi việc anh đã làm cho Bình Bình, nhưng tôi không giao quyền giám hộ cho anh đâu.”
Nhiếp Vũ Thịnh lại trầm mặc, một lúc lâu sau, anh nghe thấy giọng mình vừa cay đắng, vừa chua chát: “Anh biết rồi.”