edit & beta: Hàn Phong Tuyết

Sau buổi chầu, Tiêu Kỳ nghị sự cùng triều thần và các tướng lĩnh mãi đến lúc đêm khuya mới trở về phủ.

Tôi đứng trên bậc thềm ngọc trước cửa lớn Vương phủ, tay cầm đèn lồng, yên lặng nhìn hai ngọn đèn quanh co từ xa đi tới gần.

Tiêu Kỳ thắng ngựa, dừng lại phía trước, cách tôi hơn mười bước. Tôi nhìn chàng, mỉm cười, giơ đèn lồng cao lên, đích thân chiếu sáng cửa nhà cho chàng.

Chàng nhảy xuống ngựa, sải bước tới gần, ôm chặt lấy tôi. Hạ nhân xung quanh lui đi hết, không gian yên tĩnh, gió đêm nhè nhẹ lướt qua.

Lúc này, nước mắt bỗng lã chã rơi xuống, chiếc đèn lồng trong tay tôi cũng rơi xuống đất, xoay vòng vòng trên bậc thềm rồi lặng lẽ tắt vụt đi.

Gió lạnh, sương dày, canh thâu.

Chỉ có chúng tôi đứng ôm nhau, bóng hai người đan vào nhau, in dài trên mặt đất.

Vẫn im lặng, nhưng im lặng lúc này đáng giá hơn bất kỳ lời nói nào.

Chàng lẳng lặng nắm chặt hai đầu vai tôi, lòng bàn tay ấm áp như rực lửa, in dấu vào da thịt, khiến vai tôi nóng lên.

Trong đôi mắt chàng chằng chịt những tia đỏ au, lộ rõ vẻ mỏi mệt, ánh nhìn sắc bén mà thâm trầm.

Tôi giơ tay lên vuốt đôi mày, khóe mắt, gương mặt chàng, rồi dừng lại ở trên môi.

Môi mỏng như gọt, mím chặt thành một đường thẳng.

Lúc này, tôi chỉ mong trên đôi môi này hé ra nụ cười như ngày thường, kiêu ngạo, lãnh khốc, thong dong, nụ cười độc nhất vô nhị chỉ có chàng có.

Chàng nhìn tôi một lúc lâu, thở dài, nhắm mắt: “Cuối cùng ta vẫn phụ nàng, phụ thiên hạ”.

Cho dù đã sớm biết chàng sẽ ăn năn tự trách, nhưng nghe câu nói này, trái tim vẫn nhói đau.

Đường Cạnh làm phản, dẫn giặc ngoại xâm lấn, muôn dân gặp họa – Tiêu Kỳ đề phòng quá muộn, thực sự không thể trốn tránh trách nhiệm.

Nhưng chàng cũng không phải là thần thánh. Ngay cả tình huynh đệ đồng sinh cộng tử hơn mười năm, cùng nhau bước qua núi đao biển lửa cũng không ngăn được dã tâm bừng bừng.

Con người là như thế, thần thánh cũng chưa chắc đã có thể thấm nhuần tính cách con người, huống chi Tiêu Kỳ chỉ là một người phàm tục.

Song, bất kể nguyên do là gì, sai chính là sai, phụ chính là phụ.

Tiêu Kỳ có lẽ không phải là quân tử, nhưng chàng không che giấu khuyết điểm, không phải không dám đảm đương, sợ chết.

Thân chinh, chính là chàng chịu trách nhiệm với thiên hạ.

Tống Hoài n, Hồ Quang Liệt, Đường Cạnh, ba người này từng là tay chân chàng tin tưởng nhất, nể trọng nhất.

Ngày xưa chung hoạn nạn, sinh tử có nhau, hôm nay Hồ, Tống phụ tá trái, phải, Đường Cạnh trấn giữ biên thùy, tạo thành thế chân vạc vững chắc, vốn là không gì phá nổi. Dõi mắt khắp thiên hạ, nào có ai địch lại được? Vậy mà chẳng thể ngờ, trong một đêm, quân thần phản bội, huynh đệ tương tàn.

Đường Cạnh hẹp hòi đố kỵ, tính tình ương ngạnh, trước giờ vẫn hận hai người Hồ, Tống, phân tranh không thành, oán hận đã ăn sâu.

Nhiều lần tranh chấp bị Tiêu Kỳ áp chế, những gì Tiêu Kỳ đối với Đường Cạnh có thể coi là vô cùng khoan dung rồi.

Nhưng người này không hề biết đến chừng mực, khiến trong quân càng ngày càng có nhiều người bất mãn, tấu chương buộc tội hắn cũng không ngừng được gửi tới.

Lần này tước binh quyền của hắn, đổi chủ tướng biên quan, Tiêu Kỳ đã suy nghĩ rất lâu, cuối cùng đau lòng hạ quyết định.

Có lẽ việc Đường Cạnh làm phản nằm ngoài dự liệu của mọi người, nhưng chưa hẳn Tiêu Kỳ đã không đoán được trước.

Không phải chàng chưa từng nghĩ tới, cũng không phải là không có đề phòng, chẳng qua là chàng vẫn tự tin tin vào tình nghĩa huynh đệ, tin vào lòng trung thành ngày xưa.

Đường Cạnh muốn làm phản, hiển nhiên phải có mưu đồ từ lâu.

Năm đó, sau khi Đột Quyết Vương chết, Vương tộc lâm vào cảnh tranh đấu Vương vị, cuối cùng phân làm hai.

Nam Đột Quyết đóng đô ở cố đô, được hưởng vùng đất có nguồn nước dồi dào, cỏ xanh um tùm phía nam, dần dần thông thương với Trung Nguyên. Bắc Đột Quyết đi tới vùng đất bắc lạnh lẽo khủng khiếp, theo nghiệp du mục cũ, khích lệ quân binh, chăm nom ngựa tốt, hàng phục mười hai bộ tộc phương bắc, dựng nên Vương thành. Song Nam, Bắc Đột Quyết vì thù cũ, đến nay vẫn không hề qua lại với nhau. Kể cả khi đại quân Trung Nguyên tiến quân thần tốc, tương trợ Hộc Luật Vương đoạt vị, Bắc Đột Quyết vẫn giữ thái độ sống chết mặc bay, trước sau án binh bất động. Mãi cho đến khi Hộc Luật Vương kế vị, Bắc Đột Quyết mới chấp nhận Vương quyền của Nam Đột Quyết.

Điều bí ẩn trong chuyện này không có ai biết được, song, có một người là mấu chốt.

Hạ Lan Châm. Hắn bằng một thân phận con rơi hèn mọn của Vương thất, rốt cuộc có thủ đoạn cao minh thế nào mà giành được sự thừa nhận, ủng hộ của Bắc Đột Quyết? Hắn lại bỏ ra cái gì để đổi lấy sự tín nhiệm của Đường Cạnh? Giữa hai người này có minh ước gì mà cùng coi Tiêu Kỳ là địch? Hắn ẩn nhẫn bao lâu, có lẽ chỉ là đợi ngày này, cuối cùng cũng có cơ hội trả thù Tiêu Kỳ.

Sáng sớm ngày hôm sau, tôi gặp nghĩa nữ của mình và vị tướng quân không ngại bôn ba ngàn dặm kia.

Đêm qua đứng ở cửa chờ Tiêu Kỳ hình như lại nhiễm lạnh, ban đêm bắt đầu ho khan. Tiêu Kỳ muốn tôi nằm yên nghỉ ngơi, nhưng hôm nay đứa nhỏ kia vào phủ, bất luận thế nào, tôi cũng muốn đích thân đi đón nó.

Bước vào phòng khách thì thấy một nam tử thanh sam và một cô bé nhỏ gầy đang ngồi trong. Thấy tôi đi vào, nam tử kia lập tức đứng dậy, quỳ gối hành lễ, “Mạt tướng Tạ Tiểu Hòa khấu kiến Vương phi”.

Thanh sam, tóc búi để mai, dung mạo vui tươi khí khái. Tạ Tiểu Hòa, thực là một thiếu niên sáng sủa.

Tôi mỉm cười, “Tạ tướng quân đứng lên đi, không cần giữ lễ”.

Chuyển mắt nhìn cô bé kia, cằm nhọn, mặt mày thanh tú, mặc cung trang vàng nhạt, gương mặt tái nhợt, vừa thấy đã thương cảm. Lúc này, nó đứng cúi đầu, cũng không hành lễ, chỉ trầm mặc.

“Tẩm nhi!”, Tạ Tiểu Hòa quay đầu, nhỏ giọng quở trách nó, nhưng không thấy vẻ giận dữ, chỉ thấy thương xót.

Nó khẽ run, cúi đầu bước lên, vẻ như rất không tình nguyện, nhưng lại không thể không nghe lời Tạ Tiểu Hòa.

Tôi đứng dậy, ngăn nó trước khi nó quỳ xuống, dịu dàng cười một tiếng, “Con là Tẩm nhi?”.

“Tên con là Kiếm Tẩm Chi”, nó im lặng rồi nói ra tên mình, hơn nữa còn nhấn mạnh chữ Kiếm.

Là Kiếm Tẩm Chi, không phải Tiêu Tẩm Chi. Tôi bỗng chốc hiểu rõ tâm trạng nó. Thật khó cho nó, nhỏ như vậy mà luôn phải nghĩ đến dòng họ của mình, không chịu sửa đổi.

Tạ Tiểu Hòa vội la lên, “Vương phi thứ tội! Tẩm nhi tuổi còn quá nhỏ, không biết lễ nghi…”.

“Tạ tướng quân lo lắng quá rồi”, tôi mỉm cười cắt ngang lời giải thích của hắn, đang định nói tiếp thì đột nhiên ngực lại nôn nao, che miệng ho một hồi.

A Việt vội đưa chén thuốc cho tôi.

Tôi cầm lấy chén thuốc nhỏ, chợt nghe Tẩm nghi sợ hãi nói: “Lúc ho khan không được uống nước”.

Tôi và Tạ Tiểu Hòa đều ngẩn ra, lại thấy nó ngẩng đầu, đôi mắt trong suốt, ẩn chứa vẻ thân thiết, “Mẹ con nói, lúc ho mà uống nước sẽ bị sặc chết”.

“Nha đầu ngốc…”, Tạ Tiểu Hòa không biết nên khóc hay cười. Tôi cũng cười, lòng lại chua xót.

“Ừ, vậy ta không uống nữa”, tôi đặt chén xuống, mỉm cười nhìn nó, “Tên con là Tẩm nhi? Ừm, tên rất êm tai”.

Đôi mắt nó nhìn trong suốt.

“Tên ta là Vương Huyên”, tôi đứng dậy, chìa tay ra trước mặt nó, “Chúng ta đi quanh quanh một chút, xem xem con thích phòng nào, được chứ?”.

Nó chần chừ một lát, rốt cuộc e sợ đưa bàn tay nhỏ bé cho tôi.

Từ đây, tôi có thêm một đứa con gái.

Nắm bàn tay nhỏ bé ấy, lòng tôi chợt bình an và mềm mại.

Đến thời khắc này, tôi bỗng hiểu ra hàm nghĩa của câu nói: “Yêu thương con mình rồi từ tình yêu ấy, mình cũng yêu thương con người khác”.

Trong cơ thể tôi có con của tôi và Tiêu Kỳ, mà đứa trẻ mất đi cha mẹ trong chiến tranh ở bên cạnh tôi đây, cũng là bảo bối mà tôi trân trọng. Tôi sẽ yêu thương nó, bảo vệ nó, bù đắp cho nó tình yêu và sự ấm áp.

Không chỉ mình nó, còn nhiều nhiều những đứa bé cơ khổ như thế nữa. Chúng không đáng phải trở thành vật hy sinh cho chiến tranh.

Dẫn Tẩm nhi đi dọc hành lang, tôi càng lúc càng hiểu thấu, bỗng nhiên tỉnh ngộ.

Trong cuộc chiến tranh thuộc về nam nhân, nữ nhân không phải là chỉ có thể ngồi nhà chờ phu quân về.

Việc tôi cần làm có rất nhiều.

Ánh trăng thanh lạnh, xuyên qua cửa sổ, chiếu lên nền đá chạm khắc.

Tiêu Kỳ đứng trước án nhìn hộp kiếm đen nhánh, toàn thân được ánh trăng bao phủ, tuy yên lặng bất động, nhưng lại tỏa ra hơi lạnh bức người.

Hộp kiếm chầm chậm được mở ra, một thanh trường kiếm toàn thân đen nhánh được chàng nắm trong tay.

Kiếm vừa vào tay, người này kiếm này như hợp lại làm một.

Sát khí bừng bừng tỏa ra, tựa như đã trở lại chốn đại mạc mênh mông, nơi biên cương cát vàng ngàn dặm.

Đây là bội kiếm của chàng, theo chàng vó ngựa đạp quan ải, vượt qua thiên quân vạn mã, uống không biết bao nhiêu máu, suốt mười năm không rời khỏi thân, cho đến khi chàng vào kinh bức vua thoái vị, lâm triều chủ chính. Về sau, chàng thành Nhiếp chính Vương, có Vương tước, mặc triều phục, bội kiếm được đổi thành thất tinh trường kiếm hoa văn rồng, phù hợp với thân phận Vương giả.

Thanh kiếm uống máu này được cất đi như bộ giáp sáng loáng xưa kia.

Ngày phong kiếm, tôi đứng bên cạnh chàng, tận mắt nhìn chàng đóng nắp hộp lại.

Lúc ấy, tôi mỉm cười nói: “Chỉ mong kiếm này không bao giờ còn có ngày ra khỏi vỏ nữa, vui lòng vì thiên hạ thái bình”.

Lời nói còn văng vẳng bên tai, vậy mà khói lửa vừa lên, thanh kiếm uống máu nửa đời này lại tái hiện thế gian.

Dưới ánh trăng, Tiêu Kỳ giương trường kiếm, “xoẹt” một tiếng, kiếm ra khỏi vỏ.

Tôi chợt nhắm mắt, chỉ cảm thấy lạnh lẽo không dám nhìn thẳng.

Cuối cùng, vẫn phải là sát phạt, sát phạt, sát phạt.

Dưới gót sắt của đội quân tinh nhuệ Dự Chương Vương không bao giờ có khoan dung và tha thứ. Cái nó mang đến, chỉ có giết chóc và trừng phạt, uy hiếp và diệt vong.

Tôi thở dài. Chàng xoay người lại nhìn về phía tôi, ánh mắt rét lạnh như có thiên quân.

Tôi đi tới cạnh chàng, bước chân cảm giác không thật, mà lại thấy nặng nề.

Chàng cau mày, tra lại kiếm vào vỏ, “Đừng tới đây, đao kiếm là hung khí, không nên để gần người”.

Tôi buồn bã cười, đưa tay cầm thanh kiếm đen nhánh kia lên, chậm rãi sờ. Mỗi một vết xước trên đây chính là một ấn ký sinh tử. Trên thanh kiếm này rốt cuộc khắc bao nhiêu máu lửa, bao nhiêu sự sống và cái chết, bi thương và mãnh liệt?

“A Vũ!”, chàng cướp kiếm, đặt xuống bàn, “Kiếm này sát khí quá nặng, không tốt lành, sẽ làm nàng bị thương”.

Tôi cười cười, “Sát khí có nặng đến đâu cũng làm sao sánh được với chàng. Ta đã bao giờ sợ đâu”.

Chàng không nói lời nào, im lặng nhìn tôi.

Tôi ngước mắt, mỉm cười như thường.

Từ khi Đường Cạnh làm phản, quân Đột Quyết tràn vào, ca ca bị kẻ địch bắt, bao nhiêu biến cố xảy ra, có thể coi là trời đất biến sắc.

Nhưng phản ứng của tôi kiên cường hơn so với dự liệu của chàng. Tôi không ốm đau, không kinh hoảng, trước mặt chàng tôi vẫn trầm tĩnh. Lúc khắp thiên hạ đều ngước mắt nhìn chàng, chỉ có mình tôi đứng phía sau chàng, là lực lượng duy nhất có thể an ủi chàng, cho chàng một chốn bình an.

Ánh trăng như nước, chiếu bóng tôi và chàng xuống mặt đất, chìm trong luồng sáng mênh mông, khẽ động đậy. Có lẽ là do ánh trăng quá sáng, khiến người trước mắt trở nên mơ hồ, lòng tôi bỗng trào nỗi đau.

Lý biệt đang chờ ở ngày mai.

Sau đêm nay, không biết phải đợi qua bao đêm dài đằng đẵng mới được gặp nhau.

Lần này đi biên cương vạn dặm, đường dài gian nan, duy chỉ có ánh trăng gửi gắm tương tư theo đường hành quân.

Chàng giơ tay, nhẹ nhàng vuốt ve mặt tôi, lòng bàn tay ẩm ướt, là nước mắt của tôi.

Tự lúc nào không hay, lệ đã rơi đầy mặt.

“A Vũ, nàng có oán giận ta?”, giọng chàng khàn khàn, còn hơi run run.

Tôi có oán giận không?

Nếu như nói không, là nói dối.

Cứ mỗi lúc gian nan nhất, chàng đều tới chốn sa trường, bỏ lại một mình tôi đối mặt với khó khăn: cực khổ, lo sợ, khôn lường, thậm chí là sinh con.

Không phải là không đau, không phải là không oán.

Tôi chỉ là một nữ nhân, một nữ nhân sợ ly biệt, sợ cô độc.

Song, tôi càng là thê tử Tiêu Kỳ, là Dự Chương Vương phi.

Nỗi đau này đã không phải là nỗi đau của một mình tôi, nỗi oán này cũng không phải là nỗi oán riêng mình tôi.

Hàng vạn hàng ngàn sinh linh đang chịu cảnh tan cửa nát nhà, xương tan thịt nát vì chiến tranh. So với những điều ấy, tôi sao có thể oán, sao có thể đau.

Tôi giơ tay đặt trên mu bàn tay chàng, nhàn nhạt cười, “Chàng sớm trở về một ngày, ta sẽ bớt một phần oán trách; nếu như chàng thiếu đi một sợi tóc, ta sẽ thêm một phần oán trách. Ta vẫn sẽ giận chàng, cho đến khi chàng bình an trở lại, không cho chàng rời đi nữa, cả đời không được phép rời khỏi”.

Một câu chưa hết, lòng đã nghẹn ngào khó tả.

Chàng không nói gì, chỉ ngẩng đầu lên, thật lâu, thật lâu mới cúi đầu nhìn tôi, đáy mắt vẫn còn ướt.

Tôi vuốt ve gương mặt chàng, bị chàng ôm thật chặt.

Chàng ôm tôi rất chặt, rất chặt, tựa như sợ buông lỏng tay sẽ mất đi.

“Ta sẽ trở lại trước khi con chúng ta biết nói, trở lại trước khi nó biết gọi tiếng phụ thân đầu tiên! A Vũ, nàng phải chờ ta, bất luận khó khăn cỡ nào cũng phải chờ ta…”. Giọng chàng nghẹn lại ở cổ, yết hầu chuyển động, nhưng không nói tiếp được nữa. Đôi mắt đỏ ửng nhìn tôi thật sâu, như muốn đặt tôi vào trong đáy mắt mang đi. Thân thể chàng khẽ run, để lộ nỗi đau đớn, bất lực của chàng.

Lúc này đây, chàng không còn là Dự Chương Vương không gì không thể làm được nữa mà chỉ là một người bình thường có máu, có nước mắt, một phu quân, một phụ thân day rứt lòng. Tôi rõ ràng có thể chạm vào nỗi bi thương trên gương mặt chàng, nỗi sợ hãi trong lòng chàng… Chàng sợ lần này từ biệt sẽ không còn được gặp nhau, sợ tôi không qua được cửa ải sinh con, sợ tôi không chờ chàng trở về được. Song đặt mình giữa nỗi khốn khó nước và nhà, chàng vẫn luôn phải dứt bỏ một bên, cho dù có đau đến đâu thì vẫn phải dứt bỏ.

Tôi chôn sâu gương mặt trước ngực chàng, gật đầu thật mạnh, nước mắt như suối, “Ta sẽ chờ! Ta sẽ chờ chàng về! Đến ngày đó, ta và con sẽ ở trên điện Thiên tử chờ đón chàng chiến thắng trở về!”.

Nguyên Hi tháng năm, Dự Chương Vương khởi hành bắc chinh.

Quân Uy Hầu Hồ Quang Liệt được phong làm chủ tướng tiên phong, dẫn mười vạn quân xuất phát trước, gấp rút chi viện cho phương bắc.

Phó tướng Tạ Tiểu Hòa nhận mười vạn kỵ binh đến đóng quân bên bờ Lạc Hà.

Tiêu Kỳ đích thân dẫn ba mươi vạn quân đi về phương bắc, lục quân hội hợp tại Lương châu.

Hữu tướng Tống Hoài n lưu lại trong kinh phụ chính, lo chuyện hậu phương.

Tin tức Dự Chương Vương thân chinh bắc phạt được truyền ra, lòng quân ủng hộ, thiên hạ phấn chấn.

Không chỉ có chiến sự bắc cảnh kịch liệt, mà trong kinh thành, triều đình, cung đình, đến quân doanh, không nơi nào không có nước ngầm đang chảy, phong vân biến hóa. Tiêu Kỳ để lại Tống Hoài n trấn giữ kinh đô xử lý chính vụ, đô đốc lương thảo. Ngoài sáng, Tống Hoài n bảo vệ an toàn cho kinh thành và lo liệu tiếp viện, trong tối, tôi khống chế cung đình và thế gia môn phiệt, hỗ trợ lẫn nhau, mọi ngọn nguồn cuối cùng vẫn nằm trong tay Tiêu Kỳ.

Lúc biến cố biên quan xả ra, Hồ Quang Liệt lập tức xin chiến. Hắn và Đường Cạnh thường hay bất hòa, lần này đi bình định lại chỉ e sợ Tống Hoài n cướp công. Đường Cạnh làm phản đã khiến Tiêu Kỳ thêm phần nghi kị, hành động này của Hồ Quang Liệt không khác gì thêm dầu vào lửa.

Từ sau khi vào kinh, Hồ Quang Liệt cầm đầu một nhóm chủ tướng, ý mình công cao, thường xuyên có hành vi hoang đường hồ nháo. Hồ Quang Liệt lại vô cùng căm hận danh môn thế gia, lúc nào cũng gây hấn sinh sự, vô cùng bất mãn với việc Tiêu Kỳ lung lạc thế gia, Hoàng thân quốc thích. Hắn đã nhiều lần oán trách Tiêu Kỳ được cá quên nơm, thiên vị thê tộc, ghét bỏ huynh đệ xưa kia.

Trước đây Tiêu Kỳ còn nhớ tình cũ mà bỏ qua hết lần này đến lần khác, nhưng từ sau chuyện của Đường Cạnh, chàng sẽ không còn khoan dung nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện