Trong đại điện, Thiên tử bệ vệ ngồi trên long y, yên lặng nhìn đám quần thần phía dưới, phàm người nào bị ánh mắt hắn nhìn qua đều bị căng cứng cả người, cúi đầu không nói.

Ba năm qua, ngoài nỗ lực phát triển, kiến thiết kinh tế, Trương Tử Tinh còn hết sức chấn chỉnh triều chánh, nghiêm trị tham ô, vừa công khai, vừa kín đáo thiết lập rất nhiều cơ quan giám sát. Sau khi vài tên tham ô điển hình bị xử tử hình và bị thu toàn bộ gia sản, mấy kẻ đại thần vốn lòng còn hi vọng may mắn liền rõ ràng quyết tâm của Thiên tử, như Phí Trọng càng kinh hồn táng đởm, chủ động dâng đại lượng gia sản sung vào quốc khố, còn được Thiên tử khen ngợi và ban thưởng. Sau lần đó, hiện tượng hủ bại quả nhiên bớt đi rất nhiều, thiên hạ bách tính đều vỗ tay hoan hô; có vị thiên tử anh minh trí tuệ, lại thấu hiểu dân tâm thế này, quan viên làm sao không kính sợ? "Các khanh có dị nghị gì không?", câu nói của Trương Tử Tinh liền khiến quần thần thấp đầu xì xào bàn tán, nhưng không người nào bước ra phát ngôn.

"Nếu không có ý kiến gì, từ ngày mai, toàn bộ Đại Thương toàn diện thi hành tân chánh".

Thượng đại phu Triệu Khải vốn nổi tiếng dám can gián, cuối cùng nghiến răng tiến ra tấu nói: "Bệ hạ, hạ thần có chuyện bẩm tấu. Bệ hạ xóa tội cho nô đãi, tặng cho thổ địa, vốn là hành động đại nhân từ, nhưng gần thì đại thần trung kiên, xa thì đại tướng biên thùy, không người nào không bị thiệt hại nặng nề. Bệ hạ tha cho nô đãi mà làm cho quần thần chịu thiệt, không phải bỏ gốc lấy ngọn sao? Xin Bệ hạ minh xét!"

Triệu Khải đã xuất đầu bước ra, rất nhiều đại thần liền theo đó cùng đề đạt ý kiến.

"Thượng đại phu lời này sai rồi", kẻ phản đối đầu tiên không ngờ lại là Phí Trọng: "ngài không xem Đông Tề vài năm trước còn là nơi bẩn khổ, thi hành tân chánh mới hai năm, thành tựu bây giờ ai cũng nhìn thấy được. Đông Tề giờ đã có thể coi là nước giàu có, ngay Đông Lỗ của Đông Bá Hầu kinh doanh nhiều năm cũng có phần kém hơn. Rất nhiều người Đông Lỗ bất chất nghiêm lệnh, đưa gia đình chuyển tới Đông Tề. Nếu cả Đại Thương ta tiến hành tân chánh, không chỉ có thể cứu dân đen khỏi nỗi khổ nước lửa, còn giúp quốc lực cường thịnh hơn vài lần, thiên hạ no ấm, thực là hành động của bực thánh nhân".

Phí Trọng vừa nói xong, lập tức đến lượt Phi Liêm, Vi Phiền mấy người hùa vào. Nhiều đại thần vốn đồng ý với ý kiến của Triệu Khải thấy Phí Trọng đứng ra, không khỏi thầm kêu khổ, không ít người len lén lui lại: Tên mập này không phải đơn giản, chức trung đại phu thì không có gì ghê gớm, nhưng phiền toái là hắn được thiên tử tín nhiệm, lợi dụng chức vụ trong tay, nắm rất nhiều ẩn tư của phần lớn quan viên. Có chút chuyện không thể lộ ra ngoài, nếu chọc giận hắn, hắn viết vài bài trên quý khan châm biếm một chút thì thôi, nhẹ nhất cũng thân bại danh liệt!, lại nói tên mập này chỉ biết lo tính mệnh và quyền thế, không có thiên tử ở đằng sau, sao dám xuất đầu?

Trương Tử Tinh nhìn tình cảnh phía dưới, đột nhiên có loại cảm giác cười khóc không xong, lũ "gian thần" xú khí không ngờ lại ủng hộ thi hành tân chánh, mà người phản đối lại là mấy "trung thần" kia, tất nhiên, như mấy đại thần kia đã đoán, lần này Phí Trọng bước ra chính là đã nghe chỉ ý của thiên tử.

Tuy mọi người tranh luận không thôi, nhưng thế lực bên Triệu Khải không phải là nhỏ, Mai Bá cũng là tên gia hỏa gan lớn, lớn tiếng trách mắng Phí Trọng:"tuy Đông Tề thực thi tân chánh có chút thành tựu, nhưng dù sao cũng chỉ là đất man di mà thôi, sao có thể theo đó mà áp dụng cho Đại Thương! Mấy ngươi chớ có mê hoặc thánh thượng, hại nước hại dân, lúc đó thiên hạ đại loạn thì hối hận không kịp!"

Nghe đến bốn chữ "thiên hạ đại loạn", ánh mắt Trương Tử Tinh lóe lên, lộ ra ý cười nhàn nhạt. Mà đối với khí thế của Mai Bá, Phi Liêm bên phe Phí Trọng cũng không kém thế đáp trả:"Mai Bá ngươi dùng lời trá ngụy, thực là to gan! Lúc xưa Bệ hạ chinh Đông đã nói, Đông Di đổi tên thành Đông Tề, muôn đời thần phục Đại Thương, từ đó không còn phần biệt người Thương, người Di, Nguyệt phi nương nương của Bệ hạ cũng là Tề hầu, lời này của ngươi rốt cuộc có tư tâm gì? Xin Bệ hạ đem kẻ ngụy ngôn này nghiêm trị!"

Mai Bá nhất thời cứng họng, Trương Tử Tinh lại không vội trị tội, hướng Văn thái sư và hai vị thừa tướng hỏi: "ba khanh là trọng thần, cánh tay phải của ta, có kiến giải gì?"

"Bệ hạ là thiên hạ chí tôn, lão thần và chư vị tướng quân đều ăn lộc vua, sao dám vong ân. Tướng sĩ Đại Thương ta đều là nam nhi thiết huyết, một dạ trung thành, tất nhiên duy trì thánh ý của Bệ hạ", lời Văn Trọng đã đại biểu ý tứ của quân đội, Thương Dung cũng tỏ vẻ đồng ý. Chúng thần nghe vậy, trong lòng liền lạnh đi hơn phần.

Tỉ Can nói: "chuyện này không tầm thường, nếu là triển khai toàn quốc e rằng khó khăn không nhỏ, huống hồ tình huống các nơi không giống nhau, lễ tục cũng khác. Bệ hạ có thể triển khai thí điểm tại vài nơi, tạo được tiếng vang, sau đó triệu các chư hầu vào triều, bàn kế triển khai rộng khắp".

Lời nói của Tỉ Can đã không còn là chuyện ủng hộ hay không ủng hộ, mà là làm sao thực hiện tân chánh cho tốt. Chúng thần thấy ba vị trọng thần đều tỏ vẻ đồng ý, biết đại thế đã qua, chỉ đành phụ họa. Chỉ còn mấy người Triệu Khải, Mai Bá vẫn cường ngạnh "pháp chế tổ tông không thể phế bỏ" hoặc "không thể động đến căn bổn của xã tắc" bảo trì ý kiến.

Trương Tử Tinh biết mấy người này đều cứng đầu, trong sách cũng nói qua chuyện họ liều chết can ngăn Trụ Vương, cũng không nổi giận, nhẹ giọng nói: "Các ngươi liều chết can ngăn quả nhân, thực có thể coi là bậc trung thần, nhưng có biết "trung" là gì không?"

Mấy người Triệu Khải ngây ra, Trương Tử Tinh bất ngờ cao giọng, thét lớn hỏi: "Quả nhân từ đăng cơ tới nay, kiệt tâm tẫn trí, cúc cung tận tụy, một lòng vì nước vì dân! Bây giờ thực thi tân chánh chính là vì thiên hạ chúng sinh, chính vì tái lập thịnh thế Đại Thương ta! Các ngươi lại vì lợi ích cục bộ của mình, không coi quốc gia, đại kế dân sinh ra gì, quả nhân hỏi các ngươi, rốt cuộc là "trung" với nước, hay là "trung" với khanh sĩ?"

Mấy người Triệu Khải nghe sợ tới toát mồ hôi, Trương Tử Tinh lại lấy Đông Tề làm ví dụ, nhấn mạnh tính tất yếu và cấp bách của việc tiến hành cải cách, lại cường điệu vai trò của "dân" đối với "nhà nước", bày ra một vẻ "lấy quốc gia làm trọng" dạy bảo. Mấy người Mai Bá, Triệu Khải vốn cổ hủ trung thành biết mình không đúng, ngậm miệng không dám nói nửa lời. Trương Tử Tinh thừa cơ khen ngợi lòng trung từ xưa nay của bọn họ, không hề trách phạt, lệnh bọn họ trông nom việc tiến hành tân chánh, đảm trách trọng vị. Mấy người Triệu Khải tâm phục khẩu phục, quỳ xuống tạ ơn, thề không phụ lòng quân vương giao phó.

Chúng thần thấy thủ đoạn của thiên tử, chỉ hai ba câu đã biến mấy người phản đối nhất thành kẻ ủng hộ trung thành, trong lòng kinh hãi, càng không dám dị nghị gì thêm.

Tân chánh tại Triều Ca cơ bản giống Đông Tề, chỉ là chính sách thời hạn ruộng đất, ưu tiên cho quý tộc điều chỉnh một chút, quý tộc được nhiều lợi ích hơn. Nhưng Trương Tử Tinh hấp thu kinh nghiệm thất bại của vô số triều đại phong kiến, bảo lưu quyền sở hữu đất đai của chính quyền, lại đảm bảo cho mỗi nô đãi sau khi được thành nông dân đều có một phần ruộng đất canh tác, cho họ yên tâm vì nước phục vụ. Ngoài ra tập trung khống chế việc sở hữu thổ địa của quý tộc, tránh những sai lầm lịch sử gây nguy hại.

Với tình huống của Đại Thương hiện nay, hầu hết đất đai phì nhiêu đều nằm trong tay quý tộc khanh sĩ, mà đất hoang thì bình dân lại thiếu nhiệt tình và tính tích cực khai hoang, tạo thành một vòng luẩn quẩn, nông dân nô đãi đều bị quý tộc áp bức. Giờ Trương Tử Tinh có thể lợi dụng tân chánh đem từng đoàn nô lệ đi khai hoang, có ba tầng dụng ý. Một, giải phóng nô đãi, đạt được tự do trân quý, goodbye chế độ nô đãi man rợ; hai, tầng lớp nô đãi được tự do, lao động sẽ tích cực hơn rất nhiều, vô số đất hoang sẽ được khai khẩn, không chỉ tạo cơ sở hình thành chế độ phong kiến sau này, còn có thể xúc tiến nông nghiệp Đại Thương phát triển; ba, có thể tước bớt quyền khống chế nô đãi và bình dân của tầng lớp quý tộc quan viên, cải tiến một phần hệ thống chính trị.

Tất nhiên, chính sách ruộng đất trước mắt này còn nhiều vấn đề tệ nạn, cần ngăn chặn quý tộc địa chủ dùng thủ đoạn biến đất của nông dân thành đất tư, tiến tới khống chế ruộng đất, tước đoạt tính quyền sở hữu của bình dân, dẫn tới phá hỏng căn cơ kinh tế của quốc gia, nước nghèo dân khổ, mâu thuẫn giai cấp dẫn tới đấu tranh xung đột, vương triều bị diệt.

Bất quả, Trương Tử Tinh không hơi đâu lo lắng xa như vậy, đơn giản điều này không quan trọng với hắn. Lần cải cách dài hạn, ảnh hưởng rất lớn này chỉ là một bộ phận trong kế hoạch của hắn mà thôi.

Trương Tử Tinh ban bố các pháp lệnh liên quan tới tân chánh xong, lại an bài một nhóm sứ giả đi thông tri chư hầu bốn phương sớm ngày về Triều Ca nghị sự.

Sau khi tan triều, Trương Tử Tinh ngẩng đầu nhìn tinh không, thấp giọng tự nói một câu: "bây giờ tiếng nhân nghĩa đã nắm trong tay, xem lũ chư hầu sẽ "bất nghĩa" ra sao, cho dù thiên hạ đại loạn, ta cũng nắm được mọi chuyện trong tay…"

Lúc tại miếu Nữ Oa vấn đối, hắn từng đề xuất với Nữ Oa đánh đổi ngai vàng để bình định sát kiếp, nhưng lại bị Nữ Oa Nương Nương cự tuyệt thẳng thừng. Từ đó có thể thấy, dù hắn trị vì thiên hạ tốt tới nhường nào vẫn sẽ không thể thay đổi ý muốn lợi dụng chiến tranh nhân gian để hoàn thành sát kiếp của quần tiên. Đã là như vậy, không bằng hắn tự tay châm lửa, giành lấy quyền khống chế chiến tranh sau này.

Nếu không có vấn đề gì thì càng tốt, từng bước cải cách, đầu tiên là đổi chế độ, sau là quân sự, dần tước bỏ lực lượng của chư hầu, tập trung quyền lực trong tay, lúc đó xem kẻ nào còn dám phạm thượng? Đây chính là ý kiến Trương Tử Tinh từng đề đạt với tiên hoàng Đế Ất trong Chiêu Tuyên Điện lúc còn làm Thọ Vương năm xưa.

Quả nhiên không ngoài dự tính, tin tức tân chánh phổ cập thiên hạ vừa ra, các lộ chư hầu lập tức tao loạn. Việc sung công đất đai và giải phóng nô đãi càng khiến rất nhiều chư hầu và quý tộc không thể chấp nhận. Nhưng những bình dân và tiểu quý tộc biết được tin tức thông qua Đại Thương Quý Khan lại đều hân hoan cổ vũ, một lòng cầu nguyện tân chánh sẽ được thực hiện đầu tiên ở nơi mình ở. Rất kỳ quái là, phản ứng của tứ đại chư hầu lại hết sức tĩnh lặng, dùng đối sách trì hoãn lệnh triệu kiến của thiên tử, kẻ thì xưng bệnh nặng, kẻ thì nói đang bị ngoại tộc xâm lấn cần phòng ngự, không ai chịu tới.

Thời gian từng ngày qua đi, bị kẻ tâm cơ dẫn dắt, rốt cuộc kẻ chống đối đầu tiên xuất hiện, kẻ này còn là nhân vật trọng yếu trong nguyên tác- Ký Châu hầu Tô Hộ.

Ký Châu nằm ở phía bắc, là một trong chín châu Đại Vũ chia ra năm xưa, khá là phồn hoa, là trung tâm kinh tế nhiều đời, có vị trí địa lý chiến lược vô cùng trọng yếu. Tô Hộ làm chủ Ký châu nhiều năm sớm có dã tâm, trong tay có vài vạn trọng binh, tướng tài binh mạnh không ít, lấy con trai cả Tô Toàn Trung làm chỉ huy. Giờ mượn lúc thiên tử thực thi tân chánh, nhân tâm chư hầu bất phục, Tô Hộ được kẻ nào đó hứa trợ giúp, rốt cuộc không nén được dã tâm, bước lên con đường phản loạn, còn công khai phát ngôn: Thiên tử vô đạo, phá hoại lễ tổ, Ký châu Tô Hộ không thần phục triều Thương.

Lần tạo phản của Tô Hộ này được rất nhiều chư hầu hưởng ứng, Bắc Hải Viên Phúc Thông còn tụ tập 72 đạo chư hầu tác loạn, Bình Linh Vương nơi Đông Hải cũng thừa cơ nổi dậy.

Đối mặt với tình thế khẩn cấp này, thiên tử Trương Tử Tinh không hề bối rối, hành động của mấy tên phản nghịch này sớm nằm trong dự liệu của hắn, Tô Hộ nếu không làm phản, có lẽ hắn còn phải ngạc nhiên đánh giá lại tên này.

Trương Tử Tinh một mặt lệnh các tướng tổng binh các ải nghiêm thủ vị trí, đề phòng sinh biến; một bên hạ lệnh bình định loạn quân. Trong nguyên tác, Viên Phúc Thông là tên khó nhằn, không biết Văn thái sư có quan hệ gì với hắn không mà tốn 15 năm mới dẹp loạn, khiến Trụ Vương không có ai quản chế, dần tự phá hoại căn cơ Đại Thương. Bất kể thế nào, Bắc Hải là bất lợi với Văn Trọng, không thể cử hắn đi. Trương Tử Tinh suy nghĩ hồi lâu, phái Bắc Bá Hầu Sùng Hầu Hổ làm chủ soái, tặng búa việt vàng, cờ mao trắng, phong em hắn Tào châu hầu Sùng Hắc Hổ làm phó soái, hai huynh đệ đi thảo phạt Viên Phúc Thông. Bắc Hải vốn thuộc vè phạm vi quản hạt của Sùng Hầu Hổ, phản loạn phát sinh ở nơi này vốn làm hắn mất mặt, nay được thiên tử trao quyền chinh phạt, tức thì mừng rỡ, vội cùng Sùng Hắc Hổ triệu tập bổn bộ nhân mã, hướng Bắc Hải xuất quân.

Chủ soái chinh phạt Đông Hải Bình Linh Vương là Hoàng Phi Hổ, do bây giờ là thời kỳ bất ổn, Ma gia tứ tướng trấn thủ ải Giai Mộng không thể điều đi, cho nên Trương Tử Tinh an bài Hồng Cẩm người mang dị thuật cùng phó tướng Quý Khang tới hiệp trợ Hoàng Phi Hổ.

Vốn Trương Tử Tinh định phái Văn Trọng đi, trong sách nói thời gian Văn thái sư tiêu diệt Bình Linh Vương không dài, nhưng lần này cần có Văn Trọng đối phó với mục tiêu trọng yếu hơn: Tô Hộ.

Do Tô Hộ liên quan rất lớn tới nhân vật "nữ chính" trong Phong Thần Diễn Nghĩa, người đàn bà hủy diệt Thương triều – Đát Kỷ, nên Trương Tử Tinh thập phần mẫn cảm với Tô gia. Hoặc Tô Đát Kỷ là mỹ nữ xinh đẹp nhất thế gian, hoặc hắn giờ còn chưa gặp phải yêu hồ, hoặc quá trình diệt vong của Đại Thương không hoàn toàn có thể đổ lên đầu nữ nhân này, nhưng mấy cái này đều không trọng yếu, vì con đàn bà này chỉ có một đường có thể đi, đó là đi xuống địa ngục. Dù không biết chuyện tương lai sau này, chỉ riêng việc ả là con gái Tô Hộ, cũng đủ lý do cho Trương Tử Tinh giết sạch gà chó nhà Tô gia, tuyệt không thể vì nữ sắc mà nương tay, cẩn thận phòng bị, thừa còn hơn không, đây là điều mỗi kẻ lãnh tụ cần phải có được.

Trước khi xuất binh, Văn Trọng đă được thiên tử tự thân hạ lệnh ra sát thủ, chỉ cần đánh bại Tô Hộ, lập tức chém toàn gia, miễn trừ hậu hoạn.

Đại quân của Văn Trong xuất phát không lâu, Trương Tử Tinh lại nhớ tới một sự tình quan trọng, lập tức tìm Á thừa tướng Tỉ Can, giao cho hắn một việc: hỗ trợ tân nhiệm quốc sư Tiêu Dao tán nhân, đi tới Hiên Viên phần phía nam Triều Ca diệt trừ yêu nghiệt.

Nguy hiểm, cần phải loại bỏ từ trong trứng nước.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện