Luôn ngỡ rằng, đô thị được gọi là “Thiên phủ chi thành” (thành phố thiên đường) - Thành Đô rất xa xôi. Khi tôi đến đây, mới hay rằng, kỳ thực khoảng cách đó chẳng qua chỉ là một chặng non xanh nước biếc. Nơi đây còn được gọi là Dung Thành, đó không phải mỹ nhân như hoa, xa tít tận tầng mây mịt mù; cũng chẳng phải là trăng sáng mênh mang, rơi tận sâu đáy nước trong vắt. Mà là một vùng khói lửa dịu mềm, lãng đãng trong những đường ngõ thơ mộng, chảy trôi trên đường Đàn Đài cổ kính, bao trùm trên những cầu mái xây mộng. Thời gian của Thành Đô sẽ không quay cuồng ca múa, mà nó lặng lẽ đậu trên từng cành cây, ngâm trong từng ly trà. Tôi là cô gái giản dị đó, nhàn tản dạo bước ở Thành Đô, cùng Thành Đô đi một đoạn tháng năm thơm nồng.

Khúc thứ nhất: Nếp cổ Cầm Đài

Ngồi trên một chiếc xe ngựa thời Hán, lần theo một làn điệu sinh động, hoặc đi theo một làn gió mát trong lành, là có thể đến được Cầm Đài của Thục Trung. Đứng trên đường Cầm Đài mới phát hiện ra, tôi giống như một người lữ khách hiện đại nhớ nhà, mà quên mất mặc bộ Hán phục phấp phới. Mà đường cũ Cầm Đài không phải là đường phố thời Hán, chỉ là thời đại Đại Hán đã đánh rớt một phong cảnh, treo một bức cổ họa nơi đây.

Tôi nghĩ, mưa khói của hơn hai nghìn năm trước trôi đi, cái còn lưu lại hẳn là tinh túy nhân văn như thế nào? Thời gian hơn hai nghìn năm mài mòn, cái bị cất giấu hẳn là báu vật bút mực ra sao? Không có năm tháng xa xôi, chẳng có đao quang kiếm ảnh, nhưng vẫn có thể tái hiện một cuộc vinh hoa Đại Hán, lễ nhạc yến tiệc, ca vũ thênh thang trong những bức tranh trên gạch nung thời Hán.

Quất ngựa tung vó bụi mù, bánh xe của lịch sử lăn qua mọi thời đại gió thét mây gào, lăn đến thời thái bình thịnh thế ngày nay. Đường Cầm Đài - một cảnh quan tráng lệ nguy nga, lẽ nào lại không đẹp đẽ hơn, to lớn hơn triều đại trước? Nếu luận về phong cốt, thì hán phong cổ vận choáng ngợp trời cao này đủ khiến người ta si mê. Nếu nói về lãng mạn thì đôi tình nhân mười ngón tay đan vào nhau cùng dạo bước trên con đường lát đá đó nghiễm nhiên chính là Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như năm nào.

Là Cầm Đài của Đại Hán, là Cầm Đài của Trác Văn Quân, cũng là Cầm Đài của Tư Mã Tương Như. Năm xưa, một khúc “Phượng cầu hoàng” đã hé mở tiếng đàn lòng đầy tình cảm, từ đây những người liên quan và cả những người không liên quan nghe thấy đều không bao giờ quên nó. Sự nên thơ đến say đắm lòng người ấy đung đưa qua tuế nguyệt hơn hai nghìn năm, khiến một con đường Cầm Đài dài đằng đẵng vẫn văng vẳng tiếng đàn tao nhã tính tang.

Khi âm luật vang lên miên man, đèn đuốc dưới hiên nhà bên hè phố nhảy hót theo nhịp âm thanh, dường như chúng đang cảm động, cảm động vì sự kiên trinh tâm như trăng sáng, cảm động vì một lời hẹn ước bên nhau đến bạc đầu. Thời gian rất có nghĩa tình, nó bồi đắp những nuối tiếc, giữ lại những hoàn mỹ chân thật, và tiếng sóng vẫn rì rào như xưa trong dòng sông lịch sử.

Nghìn năm đã qua, tại sao tân khách vẫn nườm nượp trên lầu Văn Quân? Vì người ta không quên được tuyệt đại hồng nhan bán rượu trong quán năm xưa, hay không quên được giai thoại phong lưu phượng cầu hoàng thời Hán? Chuyện cũ phong tư tha thướt ấy, giữa những người đã già nua giữa tháng ngày hôm qua. Đều nói đời người như một cái phẩy tay, mà sát na thôi đã có thể biến thành vĩnh hằng. Phong tình Đại Hán còn tiếp diễn đến tận ngày nay, vậy phồn hoa của ngày hôm nay há chẳng phải sẽ tiếp diễn đến ngày sau sao? Khi tôi đứng trên đường xưa Cầm Đài, ngắm một vùng phong cảnh cẩm tú hoa lệ, ngắm mọi người sinh sống dưới ánh mặt trời. Bỗng nhiên tôi hiểu rằng, khói mây lưu chuyển suốt hai nghìn năm, chúng ta không hề bỏ lỡ thời gian, mà là thời gian bỏ lỡ bản thân nó.

Khúc thứ hai: Tìm chân lý ở phường Văn Thù

Có lẽ, non nước đất Thục thực sự có thể nuôi dưỡng tâm tình nhàn tản. Nếu không tại sao ở Thành Đô, cho dù ngày tháng có vội vã hối hả rối ren đến mấy, cũng vẫn có thể sống rất an nhàn tự tại? Ví như ở phường Văn Thù lúc này, tôi hái một đám mây trắng, có thể nhàn nhã nằm mộng, ngắt một cành lá xanh, có thể tĩnh tâm tham thiền.

Đứng ở đầu phố của phường Văn Thù của Thành Đô, chợt nhìn lên trên, là khói lửa hỗn loạn nhân gian, đến khi lòng lắng xuống, thì rõ ràng đó là sự thanh mát trong sạch của rừng Thiền. Nhân sinh có trăm vị, bước vào phường Văn Thù, là thấy tôi và bạn đã dung hòa hơi thở của phong tục dân gian với cổ vận Thiền Phật như thế nào, hết thảy đều ngâm thành một bình trà trong, nhấp lên mùi vị tuyệt vời.

Ánh nắng mặt trời ở đây mềm mại như tơ, và dệt nên thi ý như mưa bụi, khẽ khàng đậu xuống cõi lòng tôi. Quá trình ấy tựa như hoa nở rồi hoa tàn, trăng khuyết rồi trăng tròn, tình ý lay động lòng người, vĩnh viễn dài lâu như thế.

Vạt áo bay phần phật trong gió, những ngọn đèn ven đường, những thân cây rậm rì xanh ngắt, dòng người đông như mắc cửi, đều cảm thấy hơi ấm của gió - một loại hơi ấm thấm thía, một loại hơi ấm say đắm. Nơi đây hội tụ những tòa kiến trúc phòng cổ, cổ ngoạn châu báu, văn hóa ẩm thực, thủ công dân gian… hết thảy phong tình của Thành Đô xưa. Phương Văn Thù chính là nơi gặp gỡ một cách hài hòa của hiện đại và truyền thống, dân tộc và Thiền cảnh, khiến mỗi người khách qua đường đều bước vào vòng xoáy dịu dàng này, khi bước ra tâm trí đã sáng tỏ trong sạch. Thời gian nơi đây tràn ngập sự ngưỡng mộ ngọt ngào, khi tôi ngưỡng mộ người khác, có lẽ đã có người nào đó cũng đang ngưỡng mộ tôi.

Dọc đường, phong tục nồng đượm và Thiền ý nhàn nhạt tuy lướt qua tôi, nhưng lại hoàn toàn chảy sâu vào lòng người. Đây là cơ duyên khiến mỗi giai khách trời nam bể bắc gặp nhau trên đất Thục, hai bên trao cho nhau nụ cười thân mật, để lại cho nhau những câu chuyện mới mẻ sinh động của chính mình. Ở giữa một nơi dịu dàng thế này, tôi cho rằng, đời người chỉ cần một tia sáng mặt trời là đủ rồi.

Một phong cảnh chân thực, dù là ai cũng muốn lưu giữ lại khoảnh khắc dịu dàng này. Nếu tôi là họa sĩ, nhất định sẽ vẽ lại, nếu tôi là nhà thơ, nhất định sẽ viết lên trang giấy trắng, nếu tôi là nhạc sĩ, nhất định sẽ gửi vào cung đàn, dù là người bình thường, cũng phải cố chấp chụp lại một tấm hình. Đến khi ngày tháng trôi qua, quay lại tưởng nhớ, cảnh trí đã từng gặp gỡ của nơi này vẫn còn trẻ trung như ngày hôm qua, chẳng thay đổi một mảy may nào.

Thật chẳng nỡ rời xa, may mắn là, lòng không cần cách biệt. Nếu vẫn còn có khoảnh khắc bỏ lỡ, thì hãy để cho lòng tôi chìm đắm ở nơi đây, vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn tình thơ ý họa.

Đã là kiếm tìm chân lý, thì sẽ không quên được ngôi chùa cổ nghìn năm chỉ cách có một bức tường - Văn Thù Viện. Bây giờ nó tọa lạc ở bờ sông chốn nhân gian phồn hoa, tựa như một khối ngọc cổ bồ đề, chiếu soi cho linh hồn trong vắt của chúng sinh, và cũng chiếu soi cho bức tranh Thanh Minh trời đất và con người hòa hợp.

Khúc thứ ba: Mộng cũ cầu mái

Liệu có người nào vì hoài niệm, mà viết một câu chuyện chưa từng xảy ra thành quá khứ? Như thể đến cầu mái An Thuận của Thành Đô, tôi và nó chưa từng gặp gỡ, nhưng lại muốn tìm một giấc mộng đã lạc mất ở nơi này. Không biết rằng khi tôi khe khẽ bước vào, rốt cuộc là lần đầu gặp gỡ hay là khoảnh khắc trùng phùng?

Cầu mái An Thuận, một cây cầu theo lối cổ điển, tường bao màu xanh, cột màu đỏ, ngói đen hiên cong vút, bình thản cùng với Hợp Giang Đình chiếu rọi lẫn nhau. Dòng sông Phủ Giang dưới chân cầu mải miêt trôi không ngừng nghỉ, lặng lẽ chảy xuyên qua những giỏ mây lịch sử, mưa khói nhân tình của Thành Đô. Rất nhiều người đi qua cầu mái, nhưng những người nhớ đến nó thì thật hiếm hoi. Nơi đây cất giữ vô số những lần quay mình hoa lệ, và còn có cả những cái ngoái nhìn trong veo.

Thân cầu tựa như một dải cầu vồng, nhìn tưởng rất xa, nhưng kỳ thực lại ở rất gần, nó cúi nhìn dòng nước biếc chầm chậm trôi, lại độ lượng trông trời mây thăm thẳm. Cầu mái, cho dù đã được người đời sau chuyên tâm tu sửa, đổi lấy một dung nhan mỹ lệ, nhưng vẫn không giấu được biết bao chuyện cũ tang thương. Không biết Lý Bạch có từng vớt trăng sáng ở đây, Đỗ Phủ có chống chèo nhìn xa dưới chân cầu, Lý Thương Ẩn có ngâm vịnh mưa đêm Ba Sơn nơi này, và dòng sông này có tương thông với linh hồn suối Hoán Hoa của Tiết Đào hay không?

Cầu mái là nơi xây mộng, chúng ta có thể gửi mơ ước của mình vào nơi đây, chuyển qua mấy năm xuân thu, lại đên đây để tìm về giấc mộng. Mà trong mộng đã ủ một loại hương thơm ngàn năm. Người đi qua cầu mái đã tìm thấy giấc mộng của mình ở nơi này, đến phút cuối, vẫn là lựa chọn ly biệt trong nụ cười mỉm, bởi vì ra đi, là để lại có thêm một lần tụ hội trong nước mắt đong đầy. Như thuyền bè trôi nổi dưới chân cầu, có lẽ chúng ta đã từng đậu lại, nhưng vẫn phải chèo thuyền rẽ sóng nước mênh mang, để đối diện với mây sớm mưa chiều.

Chính vận mệnh đã in những dấu ấn đậm nhạt khác nhau trên cầu mái, lại truyền sự ấm lạnh cho mỗi người đi đường. Ở nơi này, họ đã từng yêu sâu sắc, khắc cốt ghi tâm những gì đã từng có. Khi ấy, họ vẫn trên cầu, ngắm én chao như dao cắt, nhìn ánh xuân tựa năm xưa, ngắm vịnh hoa nơi nhân thế dần lùi xa.

Thời gian quả thật trôi qua vội vã, chính trong khoảnh khắc chúng ta trầm tư, chớp mắt thôi mà đã đèn đuốc sáng trưng. Lúc này, cầu mái trong màn đêm đã nhạt dần vẻ thanh nhã tự nhiên, mà trở thành một tòa cung khuyết lung linh sắc màu trên mặt nước. Còn tôi đứng dưới bầu trời sao lấp lánh, cảm nhận một sự tĩnh mịch lặng yên đến xa vời.

Có lẽ sẽ có một ngày, cầu mái cũng già đi, nhưng dòng Phủ Nam chảy dưới chân cầu vẫn lặng lẽ đợi chờ một giấc mộng xưa về cầu mái quay về, trong ký ức già nua của nó.

Ngắm qua ngàn vạn phong cảnh, Thành Đô giờ đây vẫn chỉ là gió thoảng mây trôi. Dưới ánh chiều bàng bạc, nó không một chút mỏi mệt, mà vẫn tỏa ra mây khói nhàn nhạt lững lờ. Không cần vì một chút xúc động mà cố chấp đợi chờ, bởi vì, thời gian của Thành Đô vĩnh viễn thanh đạm nhàn tản. Ly biệt của ngày hôm nay, hà tất phải để lại sự bồi hồi lưu luyến? Sát na mà tôi quay người đi, một đóa phù dung tao nhã đã từ từ hé nở trong tim.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện