10

Dân chúng ở Ung Châu ai ai cũng biết rằng Lê Bạch là nghĩa muội của vị Diêu phi vừa mới nhập cung.

Mỗi lần Lý tri phủ nhìn thấy ta đều vô cùng khách sáo. Bởi vì sau khi có được toàn bộ sản nghiệp của nhà họ Lê, ta chỉ mất hai năm đã lũng đoạn ngành hàng vải vóc, đồ sứ cùng với buôn bán lá trà ở Ung Châu.

Ngay cả buôn bán lương thực và muối tinh ta cũng phải thò một chân vào. Thậm chí đến cả Dự Châu và Duyện Châu đều có cửa hàng do ta mở.

Ta không hề nhàn rỗi, bởi vì ta không dám nhàn. Chỉ cần vừa ngơi nghỉ một lát ta sẽ lại suy nghĩ lung tung.

Mà một khi ta nghĩ ngợi lung tung thì cơ thể sẽ bắt đầu nổi cơn cuồng loạn, cả người bồn chồn đến nỗi muốn g i ế t người.

Ngày Diêu Cảnh Niên rời đi, ta để nàng dẫn Lam Quan cùng vào kinh. Bởi vì hắn còn tàn nhẫn hơn cả ta, hắn g i ế t người chỉ cần giơ tay chém xuống là đã kết thúc một cái mạng.

Trong lòng hắn vốn đã chẳng có ràng buộc hay ước thúc nào, việc bây giờ hắn cần làm là phải thích ứng với các quy tắc của thế gian này.

Diêu Cảnh Niên là người có khả năng dạy dỗ hắn nhất. Mà ta nay đã ốc còn chẳng mang nổi mình ốc, không giúp gì được cho hắn.

Hai năm nay chứng cuồng loạn của ta dường như đã nghiêm trọng hơn rất nhiều. Tới nỗi bây giờ Hòe Hoa còn chẳng dám rời khỏi bên cạnh ta nửa bước.

Nàng đã ôm ta xuống khỏi lọng dây thừng đó không biết bao nhiêu lần. Ta vẫn luôn dặn dò nàng rằng: "Bây giờ sản nghiệp và việc làm ăn của nhà họ Lê, cả tiền trang ngân phiếu đều để cho Diêu Cảnh Niên. Nếu ta c h ế t thì tỷ phải sống cho thật tốt, trông coi những thứ này cho nàng ấy...."

"Cô nương! Người đừng suốt ngày tìm c h ế t nữa được không? Có ta ở đây thì người đừng hòng c h ế t!"

Hoè Hoa luôn nói với ta như vậy.

Ta bất đắc dĩ cực kỳ, nàng sẽ không hiểu được. Thôi Âm mười bảy tuổi giờ này đã không còn ràng buộc, cũng chẳng còn mong muốn sống tiếp trên cõi đời nữa.

Ta sợ một ngày nào đó nếu phát bệnh ta sẽ lạm sát người vô tội.

Ta cũng thật sự muốn c h ế t.

Ta nhớ mẹ ta.

Ta muốn lập tức nhìn thấy bà ấy, muốn được bà ấy ôm vào lòng rồi xoa đầu an ủi.

Mẹ ơi, mẹ phải chờ A Âm một chút đấy.

A Âm còn chưa giải thích với mẹ mà.

Mẹ không sai, là con sai.

Lúc người nhà họ Thôi tới đón ta hồi kinh, đầu của ta lại một lần nữa treo giữa lọng dây thừng.

Hòe Hoa liều mạng ôm lấy chân ta:

"Cô nương! Cô nương đừng c h ế t! Nhà họ Thôi ở Kinh phủ tới rồi, chúng ta vào kinh tìm việc vui đi!"

11

Người nhà họ Thôi mới đến đây chưa bao lâu thì ta đã kịp tới phủ nha của huyện Hòe Lý một chuyến.

Lý tri phủ là người hiểu chuyện, ta chỉ cần nhắc nhở vài câu thôi ông ta cũng đã rõ ràng.

Ung Châu chỉ có Thôi Âm, không có Lê Bạch. Nếu ai dám lắm mồm thì lưỡi sẽ rời miệng ngay!

Việc làm ăn của nhà họ Lê phát triển không ngừng, các chưởng quầy ở địa phương đều rất có năng lực.

Vậy là tốt rồi.

Ta vẫn còn có chút hứng thú với nhà họ Thôi ở Kinh thành. Dù sao cha ta và huynh trưởng đều vẫn đang ở đó.

Mẹ ta c h ế t rồi, đối với bọn họ ta vẫn có trông đợi trong lòng.

Cuộc đời của ta, mười tuổi đã g i ế t chó thịt mèo, mười hai tuổi g i ế t người phóng hỏa, mười lăm tuổi diệt sạch nhà họ Lê....Nhưng năm mười bảy tuổi ta lại chỉ muốn có một chút thân tình.

Chỉ cần một chút thôi ta cũng đã thỏa mãn rồi.

Nhưng hình như hai bà vú và tiểu tỳ tới đón ta của nhà họ Thôi không quá hiểu quy củ.

Ánh mắt bọn họ nhìn về phía ta vô cùng cung kính, cũng vô cùng thành khẩn.

Thành khẩn đến độ ta có thể thấy rõ sự khinh thường và coi rẻ của bọn họ được cất giấu dưới đáy mắt.

Nhà họ Thôi chẳng hề thú vị như ta đã tưởng tượng.

Hôm ta tới phủ, có cả một phòng ngồi đầy nữ quyến đang chờ ta.

Các nàng vây quanh một người phụ nữ lớn tuổi, bên trái nói một câu "Cô bé này trông xinh đẹp thật đấy!", bên phải lại nói một câu "Đây đều là nhờ phúc khí của cụ nhà phù hộ cả!"

Cụ bà kia đeo một chiếc khăn vải thêu hoa tím trên trán, thắt ngang qua mái tóc đã chớm hoa râm, mặc dù trông có vẻ già nua song giọng nói của cụ bà vẫn tràn đầy sức sống:

"Đáng thương cho cháu ta, lần này nhà ngoại con gặp nạn, con cũng không nên quá đau lòng. Nếu đã về rồi thì sau này nhà họ Thôi chắc chắn sẽ không bạc đãi con."

Ánh mắt của bà ta lộ vẻ thương hại, như kẻ đứng từ trên cao nhìn xuống.

Ta thấy buồn cười cực kỳ, nhà họ Lê đã bị diệt môn hai năm rồi, lần này gặp nạn là cái quái gì cơ chứ.

Nguyên đám họ hàng cô dì thím bác đang ngồi trong phòng, hay ngay cả mẹ kế Tô thị vẫn luôn nở nụ cười của ta kia trông còn từ ái hơn bà ta nhiều.

Tô thị nắm tay ta, mặt mày dịu dàng, trông rất có phong vận: "Âm Nhi đã vất vả suốt chặng đường rồi, chúng ta ai cũng đang ngóng trông con tới. Hôm nay a huynh của con còn đặc biệt xin nghỉ ngơi một ngày, nó đang chờ gặp con trong thư phòng đấy."

"Còn cả cha con nữa, hôm nay ông ấy hẳn sẽ về sớm hơn. Nhưng thôi cũng chẳng vội gặp bọn họ làm gì, con tới chào hỏi với các tỷ muội trước đi."

Nhà họ Thôi lắm người thật đấy!

Chào hỏi các thím các cô xong lại còn phải cười nói thêm với cả một đám mợ, dì bên ngoại. Tính hết cả biểu muội đường muội thì phải tới bảy tám người, nhưng ta chỉ nhớ được mỗi Thôi Viện cùng cha với ta và Thôi Thù mà thôi.

Thôi Viện do mẹ kế Tô thị sinh ra, nhỏ hơn ta một tuổi, là thứ muội của ta.

Thôi Thù do thiếp thất Dương di nương sinh ra, ước chừng bằng tuổi Thôi Viện, cũng là thứ muội của ta luôn.

Cha ta là Lễ bộ thị lang Thôi Khiêm, ông ta có hai cậu con trai.

Một người là a huynh Thôi Cẩm Trạch của ta, một người khác là Thôi Cẩm Thành do mẹ kế Tô thị sinh.

Thôi Cẩm Thành năm nay mới tám tuổi, là một thằng ranh con bướng bỉnh.

Ta thì khá là hứng thú với Thôi Cẩm Trạch. Bởi vì những ngày còn ở Ung Châu, mẹ ta đã nhắc tới hắn không chỉ một lần. Có thể thấy được rằng bà ấy rất nhớ hắn, cứ luôn lén lút lau nước mắt mỗi khi nhắc tới.

Rốt cuộc là máu mủ tình thân, dưới sự dẫn đường của quản sự, trên đường đi tới gặp hắn, cảm xúc của ta đã có chút dao động hiếm thấy.

Kết quả là hoàn toàn thất vọng.

Công tử văn nhã ngồi trước án thư bằng gỗ hoàng hoa lê nhìn qua có vài phần giống ta nhưng nét mặt của hắn lại rất lạnh lùng, lúc nhìn về phía ta thì đôi mày hơi chau lại.

"Thôi Âm?"

"Đúng vậy."

Giọng nói của hắn rất dễ nghe, ta ngẩng đầu lên nhìn hắn, khóe miệng vẫn giữ ý cười.

"Ngươi lớn lên ở điền trang ở huyện Mi sao?"

"Đúng vậy."

"Cùng với bà ta?"

Cái từ "bà ta" này làm ta chợt sửng sốt, nhưng lại lập tức nhìn chằm chằm vào hắn rồi cười: "Huynh trưởng muốn nói cái gì thì đừng ngại mà cứ nói thẳng đi. Lẽ nào khi đón ta về các người chưa từng nghe ngóng gì sao?"

Giọng nói không kiêu ngạo cũng chẳng tự ti, thậm chí còn chứa mấy phần ý cười này lại khiến lông mày hắn nhíu lại, trong mắt hắn hiện lên vẻ lạnh lùng: "Nếu ngươi đã nói như vậy thì ta cũng không vòng vèo làm gì nữa. Ta biết bà ta treo cổ trước mặt ngươi, tình cảm của bà ta và ngươi cũng rất sâu đậm. Nhưng ngươi hãy nhớ cho kỹ, nhà họ Thôi chúng ta không nợ bà ta thứ gì, ban đầu là do bản thân bà ta phạm sai lầm nên sau này rơi vào kết cục như vậy e cũng là gieo gió gặt bão thôi!"

"...."

"Nhà họ Thôi cũng chẳng hề có lỗi với ngươi, càng không có lỗi với bà ta. Ta không quan tâm ngươi nghĩ như thế nào, một khi đã hồi kinh thì Thôi Âm ngươi phải an phận thủ thường, bằng không ta nhất định sẽ không tha cho ngươi!"

Đã rõ, hắn biết ta lớn lên ở thôn quê, lại còn chính mắt nhìn thấy cảnh mẹ c h ế t. Biết ta đã trải qua biết bao thăng trầm nên sợ rằng ta sẽ oán hận nhà họ Thôi, đành phải trước tiên cảnh cáo ta một phen.

Thực sự rất thất vọng, ta vốn nghĩ cho dù có người đến cảnh cáo thì người đó cũng không nên là hắn.

Ta khẽ thở dài một tiếng, nói với hắn: "Huynh trưởng nhạy cảm quá rồi, ta nào phải kẻ không biết tốt xấu! Có thể trở về nhà họ Thôi ta vui mừng còn không kịp ấy chứ, làm sao lại có ý khác được?"

"Lớn lên tại thôn quê cũng đâu phải lỗi của ta, mệnh trời nào phải do ta làm chủ. Ta và huynh vốn có xuất thân như nhau, nhưng ta đâu có quyền chọn lựa, đúng không?"

"Ta cũng muốn sống một cuộc đời tốt đẹp, nhưng ta không còn cách nào khác. Điền trang ở huyện Mi bốn phía đều là đồng hoang, lúc gió thổi cứ hệt như ma quỷ kêu khóc, mùa đông đến thì nhà ở vừa ẩm ướt vừa rét lạnh, phân vịt và bùn đất lầy lội khắp nơi, hai đầu bờ ruộng chất đống toàn phân bón. Ta còn phải làm việc ở đồng ruộng, nhà cậu chẳng hề quan tâm ta, quản sự trong nông trang khinh ta tuổi nhỏ nên ra sức ức hiếp bắt nạt...."

"A Âm...."

Khóe miệng ta vương nét cười khổ, vẻ mặt tràn ngập xúc động. Quả nhiên thái độ của Thôi Cẩm Trạch bắt đầu dịu đi, trên mặt hiện vẻ không đành lòng, hắn nhanh chóng giải thích: "Ta không có ý gì khác, muội đừng nghĩ nhiều. Muội có thể trở về đương nhiên ta cũng rất vui mừng, nhưng ta không chỉ là huynh trưởng của muội, quan trọng hơn ta còn là trưởng tử trong nhà...."

"Ta hiểu rồi, huynh trưởng không cần giải thích. Huynh cùng ta thủ túc tình thâm, tất nhiên sẽ suy nghĩ cho ta."

Mặt mũi ta hơi cúi xuống, giọng nói thoải mái hệt như đang tự an ủi chính bản thân mình.

Thôi Cẩm Trạch đã hoàn toàn không còn đề phòng ta, trên mặt hắn thậm chí còn hơi hối hận, hắn nói với ta: "Muội yên tâm, nếu muội đã về nhà họ Thôi thì đừng nghĩ lại quá khứ xưa kia làm gì nữa. Sau này muội chính là trưởng nữ của nhà họ Thôi, có ta ở đây thì sẽ không có ai dám bắt nạt muội."

Rốt cuộc hắn cũng có chút dáng vẻ như một người huynh trưởng thực thụ.

Trong mắt hắn đã không còn vẻ lạnh lùng ban nãy, sau đó hắn ôn hòa nói với ta mấy câu rồi mới chốt lại: "Mẫu thân đã thu xếp chỗ ở cho muội xong hết rồi, tàu xe mệt mỏi, muội về trước nghỉ ngơi đi. Trễ chút nữa còn phải tới thỉnh an phụ thân."

Ta khẽ gật đầu, mỉm cười với hắn ta.

Chỉ là lúc sắp rời khỏi thư phòng, ta lại quay đầu nhìn hắn và cười nói: "Án thư này của huynh trưởng sạch sẽ sáng sủa, bút, mực, giấy, nghiên cái gì cần đều có. Nhưng ta cứ mãi cảm thấy trên kệ đựng đồ cổ kia còn thiếu một thứ."

"Hả? Thiếu cái gì?"

"Thiếu một thanh kiếm."

Ta nhìn hắn, vẻ mặt cực kỳ nghiêm túc.

12

Mặc dù Lễ bộ thị lang Thôi Khiêm là cha ta nhưng thái độ của ông ta đối với ta lại xa cách vô cùng.

Hôm hồi kinh về phủ ta có tới thỉnh an người cha này và cũng chưa từng bỏ qua vẻ chán ghét chợt lóe lên trong mắt ông ta.

Ông ta lạnh lùng nói: "Về là được rồi, công việc của vi phụ bận rộn, sau này không cần ngày nào cũng tới, ta chưa chắc đã có thời gian rảnh rỗi để gặp con đâu."

Trông ông ta có vẻ là một người rất nghiêm túc, người mặc áo quan, chân đeo giày đen, ánh mắt lạnh lùng, dáng vẻ đoan chính.

Thôi Cẩm Trạch nói với ta: "Tình tính của phụ thân xưa giờ vẫn thế, phụ thân đối xử với con cái trong nhà đều rất nghiêm khắc, muội đừng để ý quá làm gì."

Nếu không phải mấy ngày sau ta nhìn thấy đích muội Thôi Viện của ta làm nũng trước mặt ông ta, còn ông ta thì đầy mặt từ ái nói chuyện với nàng, chắc có lẽ ta cũng sẽ tin.

Nhà họ Thôi ở Kinh thành, cha hiền con hiếu, tôn mẫu kính trưởng, gia đình hòa thuận, nơi đâu cũng tràn đầy ấm áp.

Thôi Viện hồn nhiên ngây thơ, chỉ thuận miệng nói một câu cũng khiến bà nội vui vẻ, giận yêu mà cười gõ một cái lên trán của nàng.

Tô thị dịu dàng đoan trang, bà ta vô cùng thích cười, có tiếng hiền lương vang khắp chốn kinh thành.

Dương di nương và thứ muội Thôi Thù cũng là người biết ăn nói, dỗ dành đến độ cả người bà cụ và Tô thị đều mừng rỡ sung sướng.

Người một nhà vô cùng vui vẻ hòa thuận, chẳng hề thấy chút mâu thuẫn nào.

Nghe nói Dương di nương từng là nha hoàn hồi môn của Tô thị nên đương nhiên sẽ luôn cố gắng lấy lòng bà ta.

A huynh ruột thịt cùng một mẹ sinh ra của ta từ nhỏ đã được Tô thị nuôi lớn, coi bà ta như mẹ ruột, coi Thôi Viện như em gái ruột thịt của mình.

Tốt thật đấy.

Tình cảm của người trong nhà này đúng là tốt thật.

Tốt đến nỗi làm ta ghen ghét, rồi lại có chút nóng nảy xao động, tâm phiền ý loạn.

Hòe Hoa nói muốn dẫn ta vào kinh tìm việc vui, chẳng qua bây giờ việc vui chưa thấy đâu, trái lại còn rước thêm bực vào thân thì có.

Dù vậy bọn họ vẫn là cha đẻ và huynh trưởng của ta, tuy rằng ta không phải là người tốt lành gì nhưng vẫn cố gắng kiềm chế nỗi khó chịu trong lòng.

Ấy vậy mà bọn họ lại cứ muốn chọc ta điên lên.

Bọn họ phái hai nha hoàn và một bà vú tới Đinh Lan Uyển mà ta ở để hầu hạ. Nhưng có lẽ là đã biết rõ thái độ của nhà họ Thôi đối với ta nên mấy người này làm việc vô cùng lười biếng.

Tô thị đã từng nói hai ngày tới sẽ mời người đến đo đạc làm quần áo mới cho ta, vậy mà tận mười ngày nửa tháng đã qua vẫn chẳng thấy có ma nào đến.

Ngành vải vóc ở Ung Châu sắp sửa bị ta lũng đoạn đến nơi, làm gì có kiểu dáng mới mẻ nào mà ta chưa từng thấy.

Chẳng qua ta không còn hứng thú với cuộc sống này nữa và cũng chẳng thích ăn diện trang điểm nên mới ăn mặc tùy ý vậy mà thôi.

Thế mà con bé Thôi Viện kia lại cho rằng ta đến từ nơi thôn quê hẻo lánh, nên ngay hôm sau đã để nha hoàn tới tặng lễ cho ta.

"A tỷ lớn lên ở thôn quê nên chắc không biết áo váy trên người đều là kiểu dáng cũ rích ngày xưa rồi. Ta có sắp xếp lại ít quần áo cũ không mặc nữa cho tỷ này."

Nàng ta chớp mắt, miệng cười không nguôi.

Nhìn qua cũng khá giống một cô nương tốt, chỉ là cô nương này không quá biết đối nhân xử thế thôi.

Cũng may là nàng ta chẳng hề khôn ngoan nên sau này mới không biết giữ mồm giữ miệng mà nói với ta rằng: "A tỷ hoa nhường nguyệt thẹn, ăn mặc tùy ý trông cũng đã vô cùng xinh đẹp, nếu Triệu thế tử của phủ quận công nhìn thấy tỷ thì chắc chắn sẽ thích lắm...."

À, hiểu rồi.

Ta còn đang suy nghĩ, người nhà họ Thôi cũng chẳng mặn mà gì với ta, cớ sao lại muốn đón ta trở về? Thì ra là muốn làm thân với phủ quân công, gả con gái qua đấy.

Hòe Hoa mới đi nghe ngóng một chút thôi mà mặt mũi đã đen xì. Thế tử Triệu Dần của phủ quận công chính là một cậu ấm quần áo lụa là, ăn chơi trác táng, thậm chí còn từng đánh c h ế t vợ cả của mình.

Đương nhiên nhà họ Thôi sẽ không nỡ gả Thôi Viện qua đó, vốn dĩ bọn họ định gả con gái của Dương di nương là Thôi Thù cơ. Nhưng Dương di nương là ngươi khôn khéo cỡ nào chứ, bà ta lập tức khóc lóc thể hiện lòng trung thành với Tô thị.

Cuối cùng bọn họ mới nhớ đến nhà họ Thôi còn một trưởng nữ đang ở Ung Châu, vừa hay gả cho Triệu thế tử là đẹp cả đôi đàng.

Đúng thật là một gia đình đồng lòng một dạ, khiến cho người ta cảm động rơi nước mắt.

Huynh trưởng kia của ta không những coi Thôi Viện là em gái ruột thịt, mà hóa ra lại còn thân thiết với Thôi Thù hơn cả ta.

Ta thẳng thắn cực kỳ, chẳng thèm vòng vo gì nhiều, ngày hôm sau gặp hắn ta liền nói thẳng: "Mọi người đón ta về là để nghị thân cho ta sao?"

Vẻ mặt của Thôi Cẩm Trạch chợt sửng sốt, nét mặt lại hơi mất tự nhiên, hắn nói: "A Âm à, muội đã mười bảy rồi, đương nhiên hôn sự không thể kéo dài thêm được nữa. Nếu ở lại Ung Châu thì muội có thể gả cho người tốt lành gì đâu, muội là trưởng nữ của nhà họ Thôi nên trong nhà sẽ giúp muội tìm một mối hôn sự tốt."

"À, là Triệu thế tử của phủ quận công sao?"

"....Phụ thân đang có ý như thế."

"Huynh trưởng có thể nói cho ta biết hắn là người như thế nào được không?"

"Tổ tiên nhà hắn là công thần khai quốc, lão công gia là người chính trực, thế tử cũng là người tuấn tú lịch sự. Chỉ là...."

"Chỉ là gì?"

"Thế tử từng cưới vợ cả, lúc tranh chấp với phu nhân không cẩn thận đẩy nàng ta ngã xuống đất, không may đầu nàng ta lại đập vào tảng đá...."

"C h ế t rồi sao?" Ta ra vẻ sợ hãi.

Thôi Cẩm Trạch giải thích: "Thế tử cũng không phải cố ý, hắn đã biết sai rồi. Lão công gia đánh cho hắn một trận thảm thiết vô cùng, hắn nào đâu dám tái phạm nữa. A Âm, muội cứ yên tâm, nếu hắn vẫn không thay đổi thì nhà họ Thôi cũng sẽ không để muội gả đi."

"Vậy sao, thế là tốt rồi, tốt rồi."

Ta thở phào nhẹ nhõm, sau đó lại nói: "Có huynh trưởng ở đây thì muội không sợ gì nữa. Muội là con gái nhà họ Thôi, huynh và phụ thân đều sẽ bênh vực muội đúng không?"

"Đó là chuyện đương nhiên!" Hắn nói với vẻ mặt cực kỳ nghiêm túc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện