Từ ngày hôm đó đã qua đi vài ngày nhưng Lâm Dịch vẫn không thể phân biệt được liệu đây là lịch sử giả tưởng hay đúng là lịch sử. Nếu đúng như lời lão cha Tri phủ nói thì hiện tại là triều đại nhà Tống, hơn nữa Hoàng đế mang họ Triệu thì hẳn là Tống triều trong lịch sử. Song, Thiên Khải lại là niên hiệu của vua nhà Minh. Theo trí nhớ của nó, triều đại nhà Tống hình như không có vị hoàng đế nào niên hiệu Thiên Khải, chả lẽ trí nhớ nó lại kém đến thế? Dù thế nào đi nữa thì nó cũng đã thông suốt, mặc kệ là lịch sử giả tưởng hay lịch sử, là triều đại nhà Tống hay nhà Minh, với nó mà nói cũng không có gì khác nhau, không biết cũng tốt, khỏi phải nói gì đó sai để rồi dẫn đến họa sát thân.



Hôm nay, Lâm Dịch như thường lệ, ở thư phòng tiếp tục sự nghiệp tập viết vĩ đại của nó. Thực ra có thực hành mới biết, bút lông, bút máy gì đó đều có sự tương hỗ lẫn nhau, chỉ cần có thói quen cầm viết và lực tay cùng tư thế di chuyển ngòi bút thì tập viết chữ bằng bút lông cũng không khó như tưởng tượng. Vì thế, chữ bây giờ của nó đã tiến bộ đáng kể nếu không nói ra cực kỳ tiến bộ. Lão cha Tri phủ rất hiếm khi cũng khen ngợi nó vài lần.



Chẳng qua có thể vì chữ viết ở kiếp trước đã định hình sẵn nên khi viết bút lông, chữ có lúc cũng theo lối mòn cũ, khiến lão cha không hài lòng. Ông tìm chữ viết của nhà thư pháp tên là Tô Thức (1) bắt nó luyện theo. Đây là lần đầu tiên Lâm Dịch trực tiếp tiếp xúc với người thật vật thật trong lịch sử ở thời đại này. Lúc cầm được bức thư pháp của người này trên tay, nó xúc động khỏi phải nói, ngay lập tức, trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất là: Mẹ ơi, đây thật sự là triều đại nhà Tống đó!



(1) Tô Thức (1037-1101): tên thật là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ bậc nhất triều đại nhà Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống. Bài văn của ông khiến vua Tống Thần Tông đọc đến mức quên cả gắp thức ăn. Thư pháp của Tô Đông Pha được liệt vào hàng nổi tiếng và có giá trị bậc nhất của Trung Quốc. Ông còn được mệnh danh là Thiên cổ để nhất nhân văn, hay văn sĩ bậc nhất thời cổ đại. Xem thêm Wikipedia.



Nói luôn là, lúc đó lão cha Tri phủ cầm thư pháp của bốn người Thái Tương (2), Vương An Thạch (3), Tô Thức, Hoàng Đình Kiên (4) để cho nó chọn. Lâm Dịch không chút suy nghĩ liền chọn thư pháp của Tô Thức. Người đời sau không phải gọi Tô Thức là Thiên cổ đệ nhất nhân văn sao? Thơ từ văn chương và tranh chữ quả thật đều toàn tài. Trước đây Lâm Dịch sùng bái ông cũng vì điểm này. Bây giờ, khó mà có cơ hội để chiêm ngưỡng bút tích của thần tượng, tự nhiên sẽ không bỏ qua. Chỉ là lúc nó chọn Tô Thức, lão cha Tri phủ hình như không hài lòng, muốn nó chọn lại, hoặc là Vương An Thạch, hoặc là Thái Tương.



(2) Thái Tương (1012-1067): là nhà thư pháp, nhà chính trị và học giả trà đạo nổi tiếng của Trung Quốc thời đại Bắc Tống. Thái Tương đỗ Tiến sĩ năm Thiên Thánh thứ 8 (1030), làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ. Ông là một trong Tống Tứ Gia về thư pháp nổi tiếng với tác phẩm Thái Trung Huệ Công Toàn tập còn lưu truyền đến tận ngày nay. Xem thêm Wikipedia.

(3) Vương An Thạch (1021-1086): là nhà thơ, nhà kinh tế, nhà chính trị cũng là một trong những Tể tướng của triều đại nhà Tống. Ông cũng được xem là một trong Bát đại gia về thơ phú, văn chương thời đại này. Thư pháp của Vương An Thạch cũng được xếp vào loại bậc nhất ở Trung Quốc cho đến bây giờ. Xem thêm Wikipedia.

(4) Hoàng Đình Kiên (1045-1105): là môn hạ của Tô Đông Pha, đỗ Tiến sĩ năm Trị Bình thứ ba (1066), từng làm quan tới chức Lại bộ Viên ngoại lang. Ông là một nhà thư pháp, nhà thơ nổi tiếng, cũng là người sáng lập ra Triết Giang thi phái. Xem thêm Wikipedia.



Thư pháp của Tô Thức và chữ của nó phong cách giống nhau, đều khoáng đạt, hào phóng không trói buộc, phóng khoáng mà mộc mạc, phiêu dật mà hàm súc, có động có tĩnh tương hỗ lẫn nhau, tự nhiên mà có phần vụng, đột phá sáng tạo ẩn chứa bên trong cái quy tắc hiện hữu, ký thác nội hàm sâu sắc. Đến khi thật sự luyện chữ viết của Tô Thức, Lâm Dịch mới phát hiện ra, cơ bản chữ này không phải người nhập môn có thể học được, ngay cả khi nó có nền tảng của kiếp trước cũng hiểu phải cố gắng nhiều hơn nữa. Quả đúng là, nhà thư pháp không phải nói luyện là có thể luyện thành được. Song, tính cách của Lâm Dịch ở thời đại này không thể rộng lượng và ít gò bó như chữ Tô Thức được. Nếu so ra, thích hợp với nó chỉ có nó mới hiểu được mà thôi.



"Công tử!" Tiểu thư đồng ở bên ngoài chạy vào, vội vàng nói, "Lão gia nói cậu thay quần áo nghỉ ngơi một chút rồi ra tiền thính gặp khách."



"Gặp khách!" Ai mà lại muốn gặp một cậu nhóc như nó đây, "Ngươi có biết khách mà lão gia nói là ai không?"



Tô Nghiễn đứng bên cạnh sắp xếp lại giấy bút trên bàn, đáp: "Nghe nói chính là tiên sinh mà lão gia mời về cho công tử. Công tử cậu cũng đừng xem nhẹ, phải để lại ấn tượng tốt cho tiên sinh."



"Ngươi dọn dẹp đi, ta đi thay quần áo." Lâm Dịch bây giờ mới biết, cổ nhân coi trọng lễ tiết đến như thế. Chỉ cần gặp khách thì nhất định phải thay quần áo, nếu không chính là thất lễ, hoặc coi thường khách. Gặp khách quan trọng thì phải tắm rửa thơm tho, ví dụ như nhận thánh chỉ gì đó. Tất nhiên, người càng gần gũi thì càng không cần coi trọng điều này.



Lâm Dịch thay quần áo đi ra tiền thính, chưa đến cửa đã nghe giọng của lão cha Tri phủ và một người xa lạ nói chuyện, xem ra rất vui vẻ, nói lung tung lang tang gì đó nó nghe không hiểu gì.



"... Cao kiến của Tô huynh, tiểu đệ bội phục vô cùng. Hôm nay nghe huynh nói chuyện như đọc sách được 10 năm!"



"Khách sáo khách sáo, hiền đệ mới là người học cao hiểu rộng, ngu huynh sợ không bằng ngươi!"



"..."



"..."



"Cha!" Lâm Dịch lên tiếng cắt ngang, nếu không chả biết hai lão Nho gia này còn khen nhau đến khi nào. Tô Minh Kiệt lúc này mới để ý người tới bên cạnh, vuốt chòm râu, liếc nó một cái, "Con đến rồi à!" Sau đó xoay người hướng nam tử xa lạ mà giới thiệu, "Hứa hiền đệ, đây là con trai thứ ba của ta, tên gọi Bác Nghệ." Nói xong hướng Lâm Dịch ra hiệu, "Còn không mau ra mắt tiên sinh!"



Lâm Dịch vội vàng tiến lên, hướng tiên sinh họ Hứa kia chắp tay, "Đệ tử Tô Bác Nghệ xin ra mắt tiên sinh!" Thật ra, nó bây giờ khổ người chưa tới một thước (5), hơn nữa bộ dạng lại ú nần, mặc quần áo vào nhìn như một cục thịt, đã thế còn học cách chắp tay hành lễ như người lớn, trông vô cùng khôi hài. Cũng may Lâm Dịch không nhìn thấy dáng vẻ hiện tại của mình, nếu không nhất định không bình tĩnh được như vậy. Tô Minh Kiệt và Hứa tiên sinh dường như không cảm thấy như thế là kỳ dị, không tỏ ra một chút khác thường.



(5) Thước: đơn vị đo lường cổ, 1 thước = 1 mét hiện nay. Xem thêm Wikipedia.



Hứa tiên sinh nhìn qua khoảng 27, 28 hẳn là chưa đến 30, thế nhưng lại để ria mép cá trê cột chùm, nhìn như một văn sĩ áo trắng, còn học đòi văn vẻ cầm quạt giấy xòe ra, hai mắt trên người nó nhìn đảo qua đảo lại, làm nó cảm thấy sợ hãi. Ánh mắt kia sao nhìn giống như định giá hàng hóa vậy?



"Đứa trẻ bướng bỉnh này giao cho hiền đệ dạy dỗ, ngu huynh không mong nó thông hiểu cổ kim, chí ít phải biết chút đạo lý làm người. Nếu nó có phẩm hạnh không thỏa đáng, hiền đệ cứ việc phê bình, đừng kiêng dè ta gì cả!" Nói xong lại quay sang Lâm Dịch bảo, "Hứa tiên sinh học cao hiểu rộng, tài đức vẹn toàn, cho con nhập môn với tiên sinh đã xem như là nhân tài không có đất dụng võ. Đã bắt đầu học, từ nay phải nghe lời tiên sinh dạy bảo, chớ như thói cũ. Vi phụ còn bận việc ở nha môn, con ở lại nghe tiên sinh giảng dạy đi!"



Ý này, nó sao lại có cảm giác như lão cha Tri phủ này đang có hàm ý khác vậy! Cái gì mà 'không kiêng dè ta,' rồi 'không cầu nó thông hiểu cổ kim,' không phải là nhấn mạnh bảo muốn ngược lại sao? Hẳn là Hứa tiên sinh cũng nghe ra đi, vẻ mặt so với thái độ ngạo nghễ ban đầu cũng thay đổi. Xem ra lão cha Tri phủ mặc dù nhìn có chút nghiêm khắc, nhưng rất thương yêu hài tử. Ngay từ đầu đã cùng Hứa tiên sinh đàm văn luận đạo chẳng qua là để khảo cứu (6) học vấn của y. Nếu y không có thực tài sợ là giờ đã bị đuổi ra ngoài. May thật, thế mà lúc đầu nó còn tưởng ông lại mắc bệnh văn nhân nữa.



(6) Khảo cứu: khảo sát, kiểm tra, nghiên cứu.



Lâm Dịch thấy Tô Minh Kiệt đang nhìn, liền vội vã bày tỏ, "Nhi tử nhất định cẩn tuân (7) lời tiên sinh dạy bảo, không cô phụ (8) kỳ vọng của phụ thân."



(7) Cẩn tuân: cẩn thận tuân theo.

(8) Cô phụ: phụ lòng; không cô phụ: không phụ lòng.



Sau đó, Tô Minh Kiệt đợi một lát cũng rời đi.



Hứa tiên sinh tay phải cầm quạt giấy, tay trái vuốt chòm râu cá trê, hỏi: "Có từng đọc qua sách chưa?"



"Bẩm tiên sinh, chưa từng, con chỉ nhận biết được một vài chữ." Lâm Dịch trên mặt một mực cung kính, nhưng trong lòng lại nghĩ khác, đâu chỉ đọc qua, còn đọc mười mấy năm, chỉ là xuyên đến đây thì thành thất học thôi.



"Có thể viết chữ không?" Hứa tiên sinh lại hỏi.



"Mấy ngày trước phụ thân đại nhân có dạy qua cho đệ tử vài chữ."



"Ừm!" Hứa tiên sinh tay chạm chòm râu cá trê, hơi vuốt cằm, "Con tự viết vài chữ rồi mang đến cho ta xem xem!"



"Tô Nghiễn, chuẩn bị bút mực!" Lâm Dịch hướng thư đồng đang đợi ở ngoài cửa căn dặn, nói xong mới để ý thì ra nó cũng có thể chỉ tay sai khiến người khác tự nhiên như vậy.



Nghĩ thế liền hoảng sợ. Con người sẽ bị hoàn cảnh đồng hóa, không biết đến khi nào thì nó chính thức trở thành người của xã hội này, thời đại này. Đến lúc đó, nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan từng có sẽ hoàn toàn bị mất đi, ngược lại sẽ mang ý thức, quan niệm của thời đại này sao? Mười mấy năm kia nó tôn sùng khoa học, suy nghĩ như thế thì còn ý nghĩa gì nữa chứ? Khi nó nhận ra ranh giới, cùng người cổ đại dung hòa, thì ở hiện đại liệu có còn dấu vết của nó không, hay là sẽ hoàn toàn biến mất? Như thế, hai mươi mấy năm ở hiện tại của nó có ý nghĩa gì, mọi người có nhớ đến nó không, có gì để chứng minh Lâm Dịch đã từng tồn tại ở thế giới này không? Sau này, nó ở thời đại này sẽ trải qua sinh lão bệnh tử, vậy ở hiện đại nó sẽ thế nào? Linh hồn nó đang ký gửi ở triều đại nhà Tống, vậy ở hiện tại nó đang ở trạng thái nào, hôn mê hay là đã chết, hay là cũng có linh hồn người khác đang chiếm lấy thân thể nó? Nếu như vậy, người đó sẽ đối xử với cha mẹ nó thế nào đây?... 



Đến đây ba năm, lần đầu tiên Lâm Dịch nghĩ đến việc này, dường như có chút bế tắc, thế nên cử chỉ liền điên rồ, tinh thần không tập trung.



"... Công tử!"



"A!" Lâm Dịch bị tiếng gọi bên tai làm hoảng sợ, suy nghĩ quay về mới phát hiện Tô Nghiễn không biết từ khi nào đã mang bút mực bày ra cho nó.



"Công tử, cậu không sao chứ?" Tô Nghiễn thấy sắc mặt Lâm Dịch có vấn đề, quan tâm hỏi. Lâm Dịch không có tâm trạng để ý đến hắn, chỉ mơ mơ màng màng cầm bút viết. Viết xong lại ngẩn người.



"Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp... (9)" Hứa tiên sinh hiển nhiên không đoán được Lâm Dịch sẽ viết ra một câu như vậy, kinh ngạc nói, "Không ngờ con có đọc qua thơ Đường?



(9) là một câu thơ trong bài Cẩm sắt (錦瑟) của thời nhà Đường. Dựa trên điển tích về Trang Chu: Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa thành bươm bướm. Tỉnh dậy mơ mơ màng màng không biết mình là bươm bướm, hay bươm bướm hóa thành mình.



Toàn bài có 2 câu như sau:



Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp (莊生曉夢迷蝴蝶) Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên (望帝春心託杜鵑.)



Dịch nghĩa (bản tịch của Huỳnh Minh Đức):



Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành bươm bướm Lòng xuân của Thục đế gửi vào chim Đỗ Quyên.



Nguyễn Du khi tả về tiếng đàn của Thúy Kiều, cũng mượn tích trên:



Khúc đâu đầm ấm dương hòaẤy là hồ điệp hay là Trang sinhKhúc đâu êm ái xuân tình,Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên.



"Trang sinh mộng điệp?" Lâm Dịch thấp giọng lầm bầm, điển cố này thật phù hợp với cảm giác hiện tại của nó, rồi thấy phản ứng của Hứa tiên sinh liền vội trả lời, "Chưa từng, câu này con chỉ là vô tình thấy qua lúc ở trong thư phòng của phụ thân."



"Thì ra là vậy!" Hứa tiên sinh lại sờ lên chòm râu cá trê, cẩn thận quan sát chữ viết của Lâm Dịch. Lâm Dịch thấy y nhìn chữ của nó, thần sắc có chút kỳ quái, không biết lại có vấn đề gì, liền thấy y dò hỏi, "Tam công tử có từng xem qua chữ của người nào không?"



"Bẩm tiên sinh, có xem qua chữ của Tô Đông Pha, Tô cư sĩ." Lâm Dịch trả lời xong liền thấy sắc mặt của y có chút kỳ quái, ngập ngừng mở miệng, "Tiên sinh, có gì không ổn sao?"



"Không có gì." Hứa tiên sinh nghiêm mặt, tỏ vẻ trước sau như một nói, "Với trí tuệ của người ba tuổi mà viết được chữ khí khái thế này là đã vượt qua rất nhiều người cùng tuổi. Chỉ là bút lực hơi kém, hành văn cứng nhắc, sau này nếu luyện nhiều hơn có thể sửa được." Dừng một chút, lại nói, "Con trước đây chưa đọc qua sách gì thì mai hãy bắt đầu luyện Thiên Tự VănBách Gia Tính đi."



Học vỡ lòng không phải đều dùng Tam Tự Kinh (10) sao? Lâm Dịch có chút khó hiểu, tại sao không phải là quyển đó nhỉ?



(10) Tam Tự Kinh: kiệt tác dưới thời Nam Tống, do Vương Ứng Lân biên soạn. Xem thêm tại cohanvan.com/Tu-hoc/can-ban/tam-tu-kinh



"Tam Tự Kinh là sách gì vậy?" Hứa tiên sinh nhíu mày kiếm, nghi hoặc hỏi. Lúc này Lâm Dịch mới phát giác hóa ra nó đã buột miệng nói ra suy nghĩ trong đầu.



Nguy rồi! Có khi nào hiện tại vẫn chưa có Tam Tự Kinh không?



Lâm Dịch nhìn bộ dạng khó hiểu của Hứa tiên sinh liền khẳng định suy đoán của mình. Tam Tự Kinh phổ biến như vậy mà Hứa tiên sinh cũng không biết, chỉ có thể chứng minh hiện tại Tam Tự Kinh chưa ra đời.



"Là đệ tử nghĩ vẩn vơ, nhất thời nói sai." Nhưng mà, tác phẩm kinh điển của triều đại nhà Tống không phải là cuốn này sao? Hay là bây giờ vẫn đang là thời đại Bắc Tống nhỉ?



<break>



Đêm đó, Lâm Dịch đọc quyển sách đầu tiên từ khi đến cổ đại, cuốn Thiên Tự Văn, mà bài học đầu tiên ở cổ đại cũng chính là học thuộc lòng Thiên Tự Văn.



"... Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang. Nhật nguyệt doanh trắc, thần tú liệt trương. Hàn lai thử vãng, thu thâu đông tàng. Nhuận dư thành tuế, luật lữ điệu dương. Vân đằng trí vũ, lộ kết vi sương. Kim sinh lệ thủy, ngọc xuất côn cương... (11)"



Trời ơi, hãy giết nó đi!



______________________________



(11) Một đoạn trong Tam Tự Kinh, nằm trong bài thứ nhất Thiên địa huyền hoàng, và bài thứ hai Kim sanh lệ thủy. Xem thêm tại cohanvan.com/Tu-hoc/can-ban/thien-tu-van/1---thien-dhia

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện