Lúc Tô lão thái gia nhắc đến việc muốn để Lâm Dịch đến Thạch Cổ Học viện nhập học, Tô phu nhân quả nhiên không đáp ứng. Tuy nhiên, vì uy nghiêm của lão thái gia, cuối cùng bà cũng buộc phải đồng ý. Chỉ là, sau đó âm thầm dùng y phục của Lâm Dịch lau không biết bao nhiêu là nước mắt. Lâm Dịch biết bà không nỡ xa nó, nhưng phải đành phải để nó đi. Thậm chí ngày lên đường còn muốn nó mang theo một đống nha hoàn ma ma, sợ nó ở bên ngoài không chăm sóc được bản thân. Cuối cùng, Lâm Dịch đành dẫn theo Tô Nghiễn và Nhị Nha. Vốn chỉ nghĩ sẽ mang theo Tô Nghiễn, nhưng lại sợ hắn nhớ Nhị Nha, nên cũng tiện thể mang theo Nhị Nha luôn.



Tô Minh Kiệt phái hai hộ vệ trong phủ đi theo bọn nó, còn mời người của tiêu cục hộ tống bọn nó trên đường đi. Nói chung là ông cũng vì lo sẽ lại xảy ra chuyện như lần trước về kinh.



Trong suốt quá trình đến Hành Dương, một lần nữa Lâm Dịch lại trải nghiệm cảm giác phiền phức của phương tiện giao thông cổ đại. Ở hiện đại chỉ cần đi xe hơn mười giờ là đến, còn đây thì chậm chạp ngồi xe ngựa hơn mười ngày cũng chưa thấy đích đâu.



Đại Tống, năm Cảnh Hựu thứ hai (1), triều đình ban thưởng bức hoành "Thạch Cổ Học viện", cùng với Tuy Dương, Bạch Lộc Động, và Nhạc Lộc Học viện là Tứ đại học viện nổi tiếng toàn quốc.



(1) Cảnh Hựu năm thứ Hai: Niên hiệu của vua Tống Nhân Tông, tức năm 1035.



"Thạch xuất chưng tương công thác ngọc, cổ hưởng Hành Dương nhạc chẩn nam thiên (2)!" Tên Thạch Cổ (3) giống như tên gọi, bốn phía đều trống không, hình dạng như cái trống, nên mới gọi được gọi như vậy. Trong Thủy Kinh Chú (4) của Lịch Đạo Nguyên (5) thời Bắc Ngụy có nói: "Sơn thế thanh viên, chính loại kì cổ, sơn thể thuần thạch vô thổ, cố dĩ trạng đắc danh (6)." Nói cách khác, bởi vì ba mặt đều là nước, sóng nước vỗ vào đá, tạo nên âm thanh như là tiếng trống vỗ. Trong Quan Thạch Cổ Thi (7) của Du Trọng Sơ (8) nhà Tấn có viết: "Minh thạch hàm tiềm hưởng, lôi hãi chấn cửu thiên (9)". Dựa theo Thủy Kinh Chú là "Hữu thạch cổ lục xích, tương thủy sở kinh, cổ minh, tắc hữu binh cách chi sự (10)." Ý là nếu ở phía sau Chu Lăng Động (11) nghe được tiếng nước sông kêu to, thì ắt sẽ xảy ra chiến tranh.



(2) Thạch xuất chưng tương công thác ngọc, cổ hưởng Hành Dương nhạc chẩn nam thiên! – 石出蒸湘攻错玉,鼓响衡阳岳震南天: Tạm dịch là Đá ngọc ở dòng Tương vỗ vào nhau, tạo tiếng trống vang dội, chấn động cả trời nam. Dòng Tương ở đây chính là sông Tương thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

(3) Thạch Cổ: nghĩa là cái trống bằng đá.

(4) Thủy Kinh Chú – 水经注: là tác phẩm địa lý nổi tiếng do Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy sáng tác, ghi chép về hơn 1000 con sông lớn nhỏ và các di tích lịch sử, câu chuyện thần thoại, truyền thuyết liên quan thời cổ đại Trung Quốc. Tác phẩm còn được khắc trên đá, lưu truyền trong ca dao của ngư dân (hay ngư ca), với hành văn sáng lạn, ngôn ngữ thanh lệ, có giá trị văn học cao. Song, do không được ghi chép lại trên sách vở, nội dung phần lớn đã bị thất lạc, dù có rất nhiều nỗ lực tìm kiếm và bảo tồn.

(5) Lịch Đạo Nguyên (466/472 – 527): Là nhà địa lý, văn học và chính trị sinh vào thời Bắc Ngụy, chính xác là những năm đầu của triều đại Hiến Văn Đế. Ông làm quan dưới thời Tuyên Vũ Đế, sau vì đắc tội với người quyền quý mà bị bãi chức. Đến đời Hiếu Minh Đế, ông được điều về kinh, nhưng sau đó bị gian thần nhân lúc phản loạn mà lập mưu gán tội, rồi bị sát hại. Lịch Đạo Nguyên nổi tiếng với các tác phẩm về địa lý, điển hình là Thủy Kinh Chú vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

(6) Sơn thế thanh viên chính loại kì cổ, sơn thể thuần thạch vô thổ, cố dĩ trạng đắc danh – 山势青圆, 正类其鼓, 山体纯石无土, 故以状得名: dưới núi có cái trống đá, trông như cái thuyền úp, hễ gõ vào thì phát ra tiếng kêu trong trẻo, âm vang ra xa, là loại trống này vậy (bản dịch Thuỷ Kinh Chú của NXB Thuận Hoá, quyển XXXVIII – Sông Tương Thuỷ, trang 539).

(7)(8) Có vẻ như Du Trọng Sơ là một học giả hay nhà thơ đời nhà Tấn, mà Quan Thạch Cổ Thi là một trong các tác phẩm của ông. Tuy nhiên tài liệu về người này hầu như không nhiều để có thể tìm kiếm công khai .

(9) Minh thạch hàm tiềm hưởng, lôi hãi chấn cửu thiên: Tiếng đá vang dội, như địa lôi kinh động cả chín ngày.

(10) Hữu thạch cổ lục xích, tương thủy sở kinh, cổ minh, tắc hữu binh cách chi sự: có trống đá cao sáu thước, là chỗ sông Tương Thuỷ chảy qua, khi nào trống kêu thì đất ấy ắt xảy ra chiến tranh (bản dịch Thuỷ Kinh Chú của NXB Thuận Hoá, quyển XXXVIII – Sông Tương Thuỷ, trang 538).

(11) Chu Lăng Động: nằm ở Thạch Cổ Sơn Đông, bên sườn núi màu đen, còn được gọi là "Động tiên." Tương truyền nơi đây có đường dẫn lên trời, là nơi mà các đạo sĩ ngày xưa chọn để luyện đan, vì thế mới còn được gọi là Động tiên. Tìm hiểu thêm tại baike.baidu.com/item/朱陵洞#1  .



Lâm Dịch ngửa đầu nhìn Học viện được sử sách hết sức ca ngợi này, không biết truyền thuyết đó có thật hay không đây?



Lâm Dịch bước vào Thạch Cổ Học viện. Xuyên qua đại môn, ngang qua hành lang dài, đập vào mắt chính là Vũ Bi Đình (12). Ở giữa Vũ Bi Đình đề một đôi câu đối, "Khoa đẩu thành điểm thông, thiên đích diễn đại văn (13)." Ngang qua đình Vũ Bi, đi vào cổng phía trước của Thạch Cổ Học viện lại thấy hai câu đối khác bằng chữ triện nằm ngay ở trên cửa, "Tu danh thiên Phật thượng, chí vị Ngũ kinh trung (14)." Thạch Cổ Sơn là nơi có nền văn hóa Đạo giáo rất thâm sâu. Xuyên qua cổng nhìn vào bên trong là từ đường, phía trên là tấm biển "Vũ Hầu Từ" (15), trên cửa còn đề một đôi câu đối, "Tâm viễn đích tự thiên, vấn thảo lư thị da phi da, thử xử tưởng kiến đương nhật; Giang lưu thạch bất chuyển, đổ thu thủy lai giả thệ giả, y nhân uyển tại trung ương (16)."



(12) Vũ Bi Đình: lối vào của Thạch Cổ Học Viện. Muốn vào bên trong phải đi ngang qua cái đình này.

(13) Khoa đẩu thành điểm thông, thiên địa diễn đại văn – 蝌蚪成点通, 天地衍大文: là bộ câu đối được viết lên hai cột của Vũ Bi Đình. Nòng nọc đối vs Thiên hạ, Điểm thông đối vs đại văn, Thành (thành công) đối vs diễn (phát huy). Ý nôm na là nòng nọc dù có nhỏ bé như những chấm phẩy nhỏ, nhưng một khi đã thành công, có thể phát huy cái tài văn chương mà vang danh thiên hạ.

(14) Tu danh thiên Phật thượng, chí vị Ngũ kinh trung – 修名千佛上; 至味五经中: Tu danh vs Chí vị, Thiên phật với Ngũ kinh, thượng vs trung. Ở đây thiên phật và Ngũ kinh là đại diện cho hai luồng tư tưởng chính thống có ảnh hưởng thời đại bấy giờ, đạo Phật và đạo Nho. Ý là, rèn luyện tu thân từ lời Phật dạy, chí hướng thì dựa vào đạo Nho mà bồi đắp. Hẳn trong câu đối còn mang hàm ý, tại học viện này, chỉ có đạo Phật và đạo Nho là được tôn trọng mà thôi.

(15) hay Võ Hầu Từ: tên gọi chung chỉ quần thể di tích bao gồm Hán Chiêu Liệt Miếu (đền thờ Lưu Bị), Huệ Lăng (lăng mộ Lưu Bị) và đền thờ Gia Cát Lượng. Đây cũng là toà miếu duy nhất thờ quân thần hợp nhất, mặc dù đền thờ Khổng Minh là do Lý Hùng (vua Thành Hán) cho xây thêm sau đó. Tên gọi này đồng thời cũng được gọi chung cho các miếu thờ Lưu Bị hay Gia Cát Lượng ở các nơi khác, bao gồm cả miếu thờ bên trong Thạch Cổ Học viện.

(16) Tâm viễn đích tự thiên, vấn thảo lư thị da phi da, thử xử tưởng kiến đương nhật; Giang lưu thạch bất chuyển, đổ thu thủy lai giả thệ giả, y nhân uyển tại trung ương – 心远地自偏, 问草庐是耶非耶, 此处想见当日; 江流石不转, 睹秋水来者逝者, 伊人宛在中央: được Phạm Hạc Niên viết tại Vũ Hầu Từ của Thạch Cổ Học viện tỉnh Hồ Nam. Đây là một đôi câu đối khá dài, với các cặp đối: Tâm viễn (trái tim hướng về nơi xa) vs Giang lưu (dòng chảy), Địa (đất) vs thạch (đá), Tự thiên (tự mình cho phép, mạn phép) vs bất chuyển (không thay đổi), vấn (hỏi) vs đổ (nhìn thấy), mao lư (nhà tranh) vs thu thuỷ (nước mùa thu), da phi da (có hay không) vs giả thệ giả (người này đến người kia), thử xử (việc này) vs y nhân (người kia), tưởng kiến đương nhật (muốn mặt hôm ấy) vs uyển ở trung ương (uốn lượn/hình như ở trung tâm). Tạm dịch: Lòng hướng về nơi xa, mạn phép hỏi nơi nhà tranh ấy, xin gặp mặt có được không. Dòng chảy vỗ vào đá, nhìn nước mùa thu vẫn không hề đổi thay, thấp thoáng bóng người ấy ở trung tâm sao? Hình ảnh "mao lư" chỉ nhà tranh, hay liều cỏ, là dựa theo điển tích Lưu Bị ba lần xuống liều cỏ mời Khổng Minh về làm quân sư cho mình. Vế đầu là đối hình ảnh quá khứ, Lưu Bị xuống liều cỏ, vế sau là đối hiện tại, sự việc sự vật không đổi, Gia Cát Lượng vẫn vang danh đến tận bây giờ.



Xem ra đây đúng là nơi tưởng niệm Gia Cát Lượng (17) rồi.



(17) Gia Cát Lượng (181-234): Nhà chính trị thời Thục Hán, là quân sư của Lưu Bị. Còn có tên tự là Khổng Minh.



"Công tử, vài bữa cậu ở lại chỗ ni đọc sách hở?" Nhị Nha di chuyển nhãn cầu xung quanh, đối với Học viện vừa đến này hình như có chút hưng phấn, ngoài miệng cũng không quên nói lãng đi, "Lão thái gia cũng quá dã man i, cậu nhỏ rứa mà cũng noái cậu đi xa! Để cậu ở chỗ ni sống với người chi mô, cũng không sợ lỡ cậu có bị chi thì răng."



"Ta ngược lại thấy ngươi có vẻ rất thích thú thì có!" Lâm Dịch nhìn điệu bộ giả vờ bất mãn của tiểu nha hoàn cảm thấy buồn cười.



Nhị Nha cũng giả lơ, "Được đi với công tử đương nhiên là sướng rồi! Lần ni coi như đi theo canh cho công tử, không thôi cậu lại noái nô tì 'lãng phí sinh mệnh, lãng phí thanh xuân' chi đó."



Lâm Dịch nghiêng người nhìn Tô Nghiễn đứng im lặng một bên, nói đùa, "Ta thấy ngươi chắc là vì được đi theo người nào đó thì có!"



"Công tử!"



"Công tử, cậu nói chi rứa!"



Cả Tô Nghiễn và Nhị Nha đều cùng lúc đỏ bừng mặt, cùng lúc nói, sau đó cùng lúc nhìn nhau, mặt cùng lúc đỏ lên. Mấy người cổ đại này đúng là không biết đùa mà!



"Được rồi, không chọc các ngươi nữa. Nhị Nha, lát nữa có người lạ đến, ngươi ngàn vạn lần đừng biểu lộ thái độ này, nếu không sẽ bị lộ!" Lâm Dịch dặn dò. Vì Nhị Nha là nữ, mà Thư viện lại không cho nữ tử đi vào, nên đã bảo nha đầu này phải mặc áo quần của người sai vặt, giả trang thành nam nhân. May mà vóc người Nhị Nha nhỏ, không nhìn ra được, cùng lắm chỉ là bộ dạng thanh tú nhã nhặn thôi. Nhưng nếu mà như vừa rồi, tỏ ra nhăn nhó ngại ngùng, thì người khác chỉ cần liếc mắt là có thể đoán được thân thế thật của nàng.



Trong lúc nói chuyện, ba người đã đi đến Võ Hầu Từ, tiến vào bên trong là Đại Quan Lâu. Ở đó còn treo các bài thơ và bức hoạ của những danh nhân của học viện. Lâm Dịch vốn còn đang muốn tỉ mỉ nghiên cứu xem những tác phẩm này là của ai, thì vừa lúc có người đi đến.



"Ba ngươi là ai, tới đây làm gì?" Người đi đến là một nam tử khoảng mười bảy mười tám tuổi, có vẻ như là học sinh của học viện, nhìn thấy Lâm Dịch hình như muốn sờ tay lên các tác phẩm trên tường liền khó chịu lên tiếng.



Tô Nghiễn thấy có người hỏi bọn nó, vội đáp: "Công tử của chúng ta là học sinh mới của học viện, đang ở trong này muốn chiêm ngưỡng phong thái của học viện một chút mà thôi."



"Mới tới à?" Người đó nheo mắt, tỏ vẻ không tin.



Tính cách người thứ hai có vẻ không được tốt lắm, còn làm ồn lên, "Bịa chuyện hết lần này đến lần khác, học viện hiện tại cũng không nhận thêm đệ tử, sao lại có người mới chứ? Ngươi cho rằng học viện tốt như thế này muốn vào là vào được sao?" Rồi lại xem xét soi mói nhìn Lâm Dịch, khinh thường, "Tiểu oa oa chưa dứt sữa thế này, tốt nhất về nhà chờ thêm vài năm nữa đi!"



Người thứ ba thì chua ngoa nói, "Chỉ sợ nghe đến thanh danh của Thạch Cổ Học viện, biết ở đây có nhiều người tài giỏi uyên bác, nên đến để xin chút tiếng văn chương mà thôi!" Nói xong tự tỏ vẻ như là buồn cười lắm, rồi tự cười mỉa mai.



Nhị Nha nghe thế thì tức không chịu được, bước tới hai bước, tức giận nói, "Bọn bây mới là đi xin chút tiếng văn chương, công tử nhà chúng ta đầy bụng học vấn, học viện chó má chi đó chúng ta không hiếm lạ mô!" Tô Nghiễn nghe xong thì vội kéo tay áo nàng, ngăn không cho nàng nói tiếp.



Lâm Dịch nhíu mày. Đây là tố chất của học sinh Thạch Cổ Học viện sao? Chẳng lẽ nó đã đánh giá quá cao sự hưng thịnh ngàn năm, cái danh được cả triều đình và dân chúng tôn vinh này?



"Mấy người các ngươi lại đang làm gì đây!"



Ngay lúc Lâm Dịch đang cảm thấy thất vọng đối với học viện này, thì cách đó không xa truyền đến một tiếng hét to, chỉ thấy ba người kia vừa nghe thấy âm thanh đó thì như chuột thấy mèo, sắc mặt hoảng hốt nhìn nhau, người nọ liếc người kia vài ba giây rồi chuồn mất.



Không bao lâu thì chủ nhân của âm thanh đó đã đến trước mặt bọn Lâm Dịch, là một nam tử trung niên tầm trên dưới bốn mươi, dáng người hơi mập, bộ dạng nhã nhặn, khiến người ta cảm thấy rất thân thiết.



"Mấy người kia không làm khó dễ các ngươi chứ? Bọn chúng có thói hay bắt nạt người mới đến, các ngươi sau này nhìn thấy chúng thì tốt nhất là nên tránh đi!" Nam tử có chút bất đắc dĩ, xem ra đã rất thường xuyên phải xử lý tình huống này.



Nhị Nha vẫn còn thái độ bất bình, "Bọn người nớ thật vô lễ, vì răng học viện không gọi đích danh rồi đuổi cổ bọn họ đi, còn giữ lại làm chi?"



Nam tử nghe xong, trên mặt có chút ngượng ngùng, hơi lo lắng mà nói, "Việc này... Cũng chưa đến mức phải làm như vậy."



Nhị Nha còn muốn nói thêm thì đã bị Tô Nghiễn kéo lại. Nhị Nha đơn thuần nhưng Tô Nghiễn và Lâm Dịch thì không. Thái độ của nam tử này tỏ rõ đám người kia hẳn có bối cảnh rất hùng hậu, học viện chắc không dám dễ dàng đắc tội.



"Công tử hình như không phải là đệ tử của bổn viện, các ngươi đến có việc gì không?" Hiếm khi có chút rãnh rỗi, nam tử nhanh chóng đổi đề tài xấu hổ, đoán được ba người Lâm Dịch đến có việc, nên mới chuyển để tài hỏi.



"Trưởng bối trong nhà và Sơn phu tử của quý viện là bạn cũ, cố ý căn dặn ta đến bái phỏng một chút, không biết Sơn phu tử hiện đang ở đâu?" Người cổ đại trưởng thành sớm, tuy Lâm Dịch chỉ có 9 tuổi, coi như là thiếu niên choai choai, nhưng vẫn có thể đại diện cho gia đình mà nói, vì thế Tô lão thái gia mới để nó tự mình xử lý việc này.



Nam tử kia nghe xong liền có chút kinh ngạc, "Mọi người đến tìm Sơn phu tử? Nhưng mà, hôm nay Sơn phu tử không ở học viện, chắc phải đến tối mới trở về!"



Lâm Dịch nghe thế tuy có hơi thất vọng, nhưng trên mặt vẫn ôn hoà như cũ, "Không sao, sớm đã nghe danh bát cảnh của Thạch Cổ Học viện: đông nham hiểu nhật, tây hề dạ thiềm, lục tịnh chưng không, oa tôn tàn tuyết, giang các thư thanh, điều hợp vãn xướng, sạn đạo khô đẳng, hợp giang ngưng bích (18). Ta cũng muốn đến chiêm ngưỡng một chút, hôm nay đã tới học viện cũng không thể đến không, không biết tiền bối có thể dẫn ba chúng ta đi tham quan một chút cảnh đẹp ở đây không?"



(18) Đông nham hiểu nhật, tây hề dạ thiềm, lục tịnh chưng không, oa tôn tàn tuyết, giang các thư thanh, điều hợp vãn xướng, sạn đạo khô đẳng, hợp giang ngưng bích: Bát đại phong cảnh ở Thạch Cổ Học viện. Ban ngày có núi đá ở phía đông, ban đêm có cốc động ở phía Tây, gió nhẹ lay thanh tịnh mà trong lành, rượu chưng cất từ tuyết sương, sông ngòi – lầu gác – thư viện sách, chiều tối câu cá hát ca, đường núi cây mây, nơi hợp nhất của các dòng chảy, tạo một màu xanh huyền như ngọc. Các hình ảnh trong câu không chỉ là nói về một nơi cụ thể trong thư viện mà còn kèm theo các hoạt động thư giãn liên quan ở những điểm thời gian khác nhau trong ngày kèm sự gắn kết với thiên nhiên và con người xung quanh.



Nghe Lâm Dịch nói vậy, nam tử kia tất nhiên rất tự hào, dẫn theo bọn họ, vừa đi vừa không ngừng giới thiệu, "Núi Thạch Cổ hai phía Đông Tây trên vách đá được Thái thú họ Vũ Văn thời nhà Đường đề chữ tách riêng ra là 'Đông Nham' và 'Tây Cốc'. Núi đá phía đông có vách đen thẳng đứng, đối diện với hồng nhật lúc lên cao, ánh nắng chiếu thẳng như trình diễn kim hoàng sắc, nhìn từ xa vô cùng nổi bật. Nguyên nhân cảnh này được tả như vậy là vì 'đông nham hiểu bạch'..."



Lâm Dịch đi phía sau không khỏi nghĩ, người này không thể làm hướng dẫn viên du lịch thật là đáng tiếc.



________________________

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện