Cuộc đời Tư Mã Khôi đã trải qua rất nhiều trải nghiệm kì lạ, anh từng nghĩ, vận may trên gương mặt thần phật của quốc vương Chăm Pa, chiếc hộp thời gian trong biển cát cực vực Lopnor, vòng tròn ma quái dưới lòng thủy thể 30° vĩ Bắc, đều là những chuyện cổ quái kì dị nhất có thể tồn tại trên thế giới này, nhưng ngẫm lại, những chuyện này đều có manh mối lý giải, duy chỉ những gì liên quan đến Nấm mồ xanh là hoàn toàn đi vào ngõ cụt, nó khiến anh mãi luẩn quẩn trong “vòng tuần hoàn chết” mà càng lún lại càng sâu.



Anh chỉ biết, Nấm mồ xanh luôn có ý đồ nắm bắt bí mật tồn tại dưới vực sâu, và giờ đây thì toàn bộ hi vọng chỉ treo trên một manh mối mờ mịt cuối cùng, đó chính là tìm thấy thông đạo dưới núi Âm Sơn trước Nấm mồ xanh một bước. Sau khi bị rơi xuống khe núi, Tư Mã Khôi đã nhìn ra chân tướng thật sự của tiên nữ trong hộp nhờ vào ánh lửa ma trơi trên vách đá, rồi cuối cùng, giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, anh dùng nến dưỡng khí và đã đẩy nó vào chỗ chết.



Cùng lúc ấy, anh cũng bị mất tri giác, sau đó hội Hải ngọng cũng mò xuống đáy động, bởi vậy chưa ai kịp quan sát địa hình bốn phía xung quanh. Thắng Hương Lân châm đuốc, Tư Mã Khôi lần theo ánh sáng tìm ba lô và súng của mình, nhưng phát hiện khẩu M-1887 đã bị gãy, không sử dụng được nữa.



Thắng Hương Lân thấy vậy liền đưa khẩu súng M-1887 của mình cho anh, rồi quay sang đòi khẩu P38 dự phòng của Hải ngọng. Nguy cơ mà cả hội phải đối mặt lúc này chẳng khác nào “thanh kiếm Damocles”(1) treo lơ lửng trên đỉnh đầu, và bất cứ lúc nào cũng có khả năng rơi xuống. Tư Mã Khôi cảm thấy bước chân của tử thần càng lúc càng sát gần.



Anh không dám chậm trễ, lập tức khoác súng lên vai, cố gắng nhịn đau đưa mắt nhìn xung quanh. Vách động ở đây dính hợp chất phốt pho, nên thỉnh thoảng lại xuất hiện những đốm lửa ma trơi vật vờ bay lượn. Trong cổ thuật tướng vật, những đốm lửa này gọi là “âm trùng”, nơi nào có nhiều âm trùng, thì nơi đó có nhiều người chết, bởi âm trùng do tử khí ngưng tụ dần dần tạo thành, đứng cách xa sẽ nhìn không rõ nữa; giờ đây, nguồn sáng của họ chủ yếu vẫn dựa vào đèn quặng và đuốc.




(1) Thanh kiếm Damocles: là thanh kiếm được treo trên đỉnh đầu Democles – nhân vật trong thần thoại Hi Lạp – bằng một sợi lông ngựa. Mọi người thấy quy mô của động hùng vĩ ngoài sức tưởng tượng, tuy đèn đuốc rất sáng, nhưng chỉ sáng rõ được một góc, nên cả hội đoán, độ sâu của huyệt động chỉ bằng một nửa đường kính cửa động, phía dưới cũng không rộng rãi như cửa động, còn xung quanh là vách đá dựng đứng, trông thẳng hàng ngay lối một cách dị thường; trên vách toàn là những nếp gấp hoa văn loang lổ, tầng nọ nối tiếp tầng kia, mỗi tầng cao tầm nửa mét, hình khối rất rõ ràng, trông như những vết gợn sóng trên biển.



Tư Mã Khôi nhớ lại có loại vết tích cổ địa tầng, gọi là “vết sóng gợn”, trước đây, anh đã từng xem một hình vẽ minh họa tương tự như vậy trong sách của giáo sư Nông Địa Cầu. Lúc này, anh lại được tận mắt chứng kiến, nên cảm thấy thật sự kinh ngạc trước sự hùng vĩ của tạo hóa, mà tranh người vẽ cũng không thể bắt chước giống hệt như vậy được, có điều trong động hoàn toàn trống trải, khác hẳn với dự đoán ban đầu của anh.



Cao Tư Dương không biết nhật quỹ thực ra là vật gì, cô hỏi Tư Mã Khôi: “Theo anh, nó là thứ gì vậy?” Tư Mã Khôi nói, cuộc đời con người như vị khách vội vã qua đường, cơ thể bằng xương bằng thịt khó tránh khỏi cái chết. Tương truyền con người sau khi chết đi thể xác bị hủy diệt, nhưng linh hồn thì vẫn tồn tại, và chỉ cần một nhúm linh hồn chưa tan biến, là còn có thể luân hồi quay trở lại trần thế.



Thế nhưng nhiều người lúc sinh thời làm quá nhiều điều ác, nên sau khi chết bị đày xuống núi Âm Sơn, vĩnh viễn không được siêu sinh. Bởi vậy, núi Âm Sơn chính là nơi giam giữ những oan hồn ác nghiệt. Lại nghe nói trong ngọn núi này có một vật thể hình tròn, xuất hiện từ thời hằng cổ, mọi ghi chép liên quan đến nó hầu như không có, mà nếu có thì cũng rất li kì, cổ quái, dẫu đọc cũng không thể lý giải được ý nghĩa bên trong.



Trước khi chúng ta tận mắt nhìn thấy vật thực, tôi cũng không thể biết nó là vật gì. Cao Tư Dương lại hỏi: “Nhưng tôi thấy trong này làm gì có gì, hay chúng ta đến nhầm chỗ rồi?” Tư Mã Khôi nói: “Ngọn núi này trôi nổi trên nước trong vòng tròn ma quái 30° vĩ Bắc, nó chắc chắn chính là núi Âm Sơn, vì các đặc điểm của nó hoàn toàn trùng khớp với ghi chép trong bích họa vu thuật thời Sở, nhưng đến giờ tôi chưa thể xác định được hai điều: thứ nhất là, vì sao ở khoảng cách gần thế mà núi mang từ tính vẫn không hút những vật bằng kim loại như dao, súng? Thứ hai là, địa điểm cụ thể mà người cổ đại phát hiện cỗ di hài thực ra ở chỗ nào”.



Vừa nói chuyện, mọi người vừa vượt qua hết tầng gợn sóng này đến tầng gợn sóng khác, dò dẫm đến vách đá đối diện gần đó, chỉ thấy trong cửa động vọng lại tiếng động nho nhỏ, hình như là vật gì đang bò từ trên vách xuống. Hội Tư Mã Khôi lập tức dừng bước chân, nín thở mấy giây, mặt bất giác biến sắc: “Bọn cương thi dưới núi Âm Sơn đấy!”.



Mọi người vốn đang ngạc nhiên không hiểu sao không thấy bọn cương thi tấn công, cứ tưởng chúng đã tản cả ra xa để săn mồi, nhưng có lẽ lúc trước chúng sợ lũ “tiên nữ” nên mới trốn mất tăm, bây giờ ngửi thấy hơi người sống, chúng lại bò vào trong động. Cả hội lạnh người, bọn quái vật hồn chết xác còn này bản tính hung tàn độc ác, mà hành động thì mau lẹ như chớp giật, cộng thêm không gian trong động tối thui, nên nếu bọn chúng bè lũ nhào lên, chỉ e mấy khẩu súng của đội khảo cổ không phải đối thủ của chúng.



Dưới ánh đuốc, Tư Mã Khôi chợt thấy dưới đáy vách động có ba cửa huyệt với hình thù trông rất quy mô, to cỡ cổng thành, anh liền nhanh chân chạy vụt vào trong. Hai cẳng chân Nhị Học Sinh mềm nhũn, chạy chậm hơn mọi người mấy bước. Cậu ta nghe thấy phía sau có tiếng nuốt nước bọt ừng ực, thì lòng càng hoảng sợ cực độ, tuy đã nhủ thầm tuyệt đối không được quay đầu lại, nhưng vẫn không kìm được nên vẫn ngó lại sau một cái, lúc đó dưới ánh nến chập chờn, cậu ta nhìn thấy một khuôn mặt trắng bệch với những đường nứt nẻ ngang dọc đứng cách mình chỉ vài thước.



Nhị Học Sinh sợ muốn chết, hai chân càng bủn rủn không chịu nghe lời, cậu ta bị cương thi quật xuống đất. Khi thấy cái miệng đỏ au au của nó há rộng ngoác, cậu ta kinh hãi kêu lên thất thanh. Ai ngờ, phần miệng cương thi càng há càng rộng, trong phút chốc đã ngoác hẳn 180°, cằm như cái rèm rách rớt hẳn xuống trước ngực, máu tươi trào ra miệng ào ào như vỡ đê, chảy tràn cả xuống mặt của Nhị Học Sinh.



Cậu ta cứng lưỡi ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết ngây ngô nằm chết cứng như bức tượng trên mặt đất. Thì ra, Hải ngọng phát hiện Nhị Học Sinh gặp nguy, anh liền giương súng, lực sát thương của khẩu súng hai nòng Canada rất rộng, mà lại không thể bắn ở khoảng cách gần, trong lúc cuống, Hải ngọng trực tiếp thọc hẳn tay vào trong miệng con quái vật, dùng hết sức ngoáy tít mù bên trong, miệng hét lờn “Nổ!”, rồi chỉ nghe “Cạch” một tiếng, cả hàm trên và hàm dưới của con ma chết đuối tách luôn ra làm hai mảnh.




Lúc này, ba người còn lại đuổi kịp tới nơi, tận mắt thấy Hải ngọng tay không bắt giặc mà uy lực khủng khiếp thế, ai nấy đều kinh ngạc phục sát đất. Cao Tư Dương đỡ Nhị Học Sinh dậy, rồi cả hội chui vào huyệt động dưới chân vách. Đi qua vách đá, mọi người giơ cao thanh đuốc, mới biết không gian bên trong cũng có quy mô tương tự huyệt động phía ngoài, hóa ra đây là một hệ thống động lồng trong động, vách đá này là bức tường chia động thành hai gian thạch thất, và hai gian giống nhau một cách khác thường.



Chỉ có điều, phía trên gian thạch thất thứ hai này là vách đá kín, dưới chân vách lại có cửa hang thông nhau và không có bất cứ vật gì che cản. Mọi người không dám nấn ná lâu, vội vàng giơ cao đuốc tiếp tục chạy vào sâu hơn. Chạy được một hồi, cả hội lại nhìn thấy một vách đá chắn ngang trước mặt và dưới chân vách đá vẫn là ba cửa huyệt động xếp liền kề nhau; lạ lùng hơn, vách đá này giống y đúc vách đá mà mọi người vừa mới đi qua.



Tuy ngạc nhiên, nhưng vì bọn cương thi đang bám riết sau lưng, nên mọi người không có thì giờ quan sát địa hình xung quanh, đành đánh liều chui tiếp vào trong, rồi cứ đi qua một gian là lại thấy một gian khác y như vậy, nên hội Tư Mã Khôi càng lúc càng hoang mang. Năm người thâm nhập bên trong, không biết đã đi qua bao nhiêu vách đá, mà đối diện mỗi vách đá vẫn là môt gian thạch thất giống y hệt các gian trước, rồi chui mãi mà vẫn chưa thấy địa hình có gì thay đổi so với trước đó.



Cả hội thấy sơn động này quá sức quái dị, chỉ có trời mới biết nó thông tới đâu. Kết cấu trong sơn động chắc không thể do thiên nhiên tạo hóa tạo thành, bởi không thể tồn tại khả năng có mấy chục gian thạch thất đều giống nhau, y đúc về cả hình dạng và quy mô; không những vậy, mà các gian đều ngăn nhau bởi một vách đá, nhưng mọi người cũng không thấy dấu tích đục đẽo của con người, thậm chí có thể hoàn toàn loại trừ khả năng do con người tạo ra, bởi vì sức lực con người tuyệt đối không thể xây dựng được công trình tuyệt tác đến như vậy.



Cả hội không biết rốt cuộc là do địa hình giống nhau, hay mọi người đang không ngừng lặp đi lặp lại trải qua cùng một sự kiện giữa hai điểm? Bọn cương thi vẫn không chịu bỏ cuộc, chỉ có điều vì do yếu tố địa hình hạn chế khả năng hành động, nên bọn chúng không thể đồng loạt nhào lên.



Hội Tư Mã Khôi cũng bị địa hình bức bách, không ai dám chậm chân nửa bước, liên tục chui hết qua vách đá này lại đến vách đá khác, căn bản không kịp nghĩ ngợi gì, và chỉ thấy thạch thất trong lòng núi dường như trải dài vô cùng vô tận. Hai chân mọi người bắt đầu tê rần, hơi thở nặng nhọc, tim đập thình thịch.



Nhị Học Sinh không chạy nổi nữa, cậu chàng bị mọi người kéo lê lết trên đất như con chó chết. Cậu ta hổn hà hổn hển nói với những người còn lại: “Chỉ sợ chúng ta chạy đến chết cũng vô dụng thôi, cái sơn động này quái dị quá, cứ nghĩ mà xem, kết cấu trong sơn động thiên nhiên làm gì có chuyện hoàn toàn giống nhau đến mức thế.



Nơi này thật chẳng khác nào mê cung trong ngôi nhà ma Winchester.” Hải ngọng cũng kêu: “Ngay từ khi bắt đầu bước vào, tôi đã thấy nó là lạ, chắc chúng ta đã bị bọn âm hồn trong sơn động ám rồi, không có tí máu chó đen là không ra nổi đấy đâu.” Tư Mã Khôi nghe Nhị Học Sinh nói, anh kinh hãi nhớ lại một chuyện kinh dị: Hồi đó có một thư sinh, gia cảnh bần hàn, anh ta khổ luyện dùi mài kinh sử trong một vườn hoang ở ngoại ô kinh thành, dự định đợi đến kì thi sẽ cố thi đậu để rạng danh tổ tông.



Người đọc sách trong thiên hạ nhiều như lá mùa thu, nên nghĩ thì đơn giản nhưng làm mới thấy khó. Trạng nguyên tiến sĩ trong chế độ khoa bảng thời xưa, oai phong lẫm liệt như sư tử gầm, mà mỗi khoa có được mấy người đỗ tú tài? Thư sinh nọ thi liên tiếp mấy năm nhưng vẫn không đỗ.




Một đêm nọ, trăng sáng sao thưa một mình anh ta bồi hồi đứng trong vườn, ngẩng đầu nhìn trăng, ngâm vịnh một bài, đột nhiên bên tường phát ra một tiếng cười khe khẽ, ngẩng đầu nhìn lên, thì ra là một mỹ nhân tuyệt sắc, đang thò đầu vào nhìn anh ta. Cổ nhân có câu “trai dưới đèn, gái dưới trăng”, chàng thư sinh thấy cô gái dưới ánh trăng đúng là tuyệt sắc giai nhân, liền ngẩn người ra ngắm.



Anh ta cứ ngỡ là tiểu thư nhà nào thầm mến mộ tài năng của mình, nên nhân lúc trăng sáng lẻn ra vườn hoang nhìn trộm. Anh ta hớn hở ra mặt, vội vàng chỉnh đốn mũ áo, chạy ra mở cửa vườn nghênh đón; nào ngờ, vừa ra ngoài cổng, liền phát hiện phía dưới cái đầu mỹ nhân là một con mãng xà khổng lồ, đang bò ngay dưới chân tường với thân mình to như cái đấu.



Nghe tiếng cửa vườn mở, nó liền quay lại đầu mày cuối mắt. Anh chàng thư sinh ba hồn bảy vía lên mây, cũng vội vàng chạy như bay vào phòng, khóa chặt cửa lại. Liền sau đó, anh ta nghe tiếng người gõ cửa cửa và gọi tên mình, nhưng chàng thư sinh nào dám mở, rồi khổ sở lắm mới đợi được đến lúc trời sáng, anh ta vội vàng thu dọn hành lý về quê.



Nhưng từ đó về sau, đêm nào anh ta cũng nằm mơ, mỗi lần nhập mộng lại thấy mình trở về khu vườn hoang và lặp lại chuyện đã từng trải qua đêm hôm đó, và cứ như vậy trong suốt bao nhiêu ngày tháng. Chàng thư sinh nọ sợ quá đâm đổ bệnh, mắt nhắm chỉ còn đợi ngày về chầu trời.



May thay, cuối cùng anh ta lại được một ông lão ra tay cứu giúp. Ông lão đã truyền cho chàng trai một bí quyết, lần sau khi mơ trở về khu vườn hoang, anh ta hãy tự cắn ngón tay trỏ của mình, thì sẽ lập tức giật mình tỉnh khỏi ác mộng. Không rõ truyền thuyết này có bao nhiêu dị bản, cũng không biết bản nào là thật bản nào là giả, nhưng chàng thư sinh nọ chắc chắn đã bị ma ám, nên chỉ cần phá vỡ chướng nhãn pháp là có thể bình an vô sự.



Ngôi nhà ma Winchester mà Nhị Học Sinh nói, tuy cổ quái nhưng dù sao vẫn là sản phẩm của con người, còn sơn động này lại do thiên nhiên tạo nên, nói không chừng bên trong lại đang tồn tại một loại từ trường nào đó khiến con người nảy sinh ảo cảnh, hoặc cũng có thể là cả hội quả thực đã bị âm hồn đeo bám cũng nên.



Nhưng bất kể đội khảo cổ đang gặp phải điều gì, chỉ cần cắn ngón tay trỏ, để khi cơ thể cảm thấy đau, là sẽ được giải thoát khỏi mê cung. Nghĩ vậy, Tư Mã Khôi liền bảo mọi người mau cắn đầu ngón tay mình, nếu không sẽ còn tiếp tục phải chui qua những vách đá giống nhau hết lần này đến làn khác.



Nói xong, anh cắn luôn đầu ngón tay trỏ của mình, thầm nghĩ chắc phen này cả hội sẽ thoát khỏi đây, nào ngờ, chạy đến điểm tận cùng cũng mà vẫn là một vách đá dựng đứng, trên vách vẫn là những dấu vết gợn sóng, còn bên dưới vẫn có ba huyệt động mà anh đã đếm không biết bao nhiêu lần.


Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện