- Ấy, ấy, chắc ko được đâu. Tôi còn con chó với đàn gà ở nhà nữa. Đi thế này thì chúng nó chết đói mất, thôi để hôm khác đi chú!.

Ông em xua xua tay từ chối lời mời của ông V. Chả là ông ta mời ông em ở lại ăn cơm trưa, nhắm rượu vì đang sẵn có ít mồi.

⁃ Chậc, hôm khác thì có mà tết tây. Nhà có phải gần gũi gì đâu mà bước cái là gọi anh sang được, với lại hôm khác ko tiện bằng hôm nay...

Ông V nói tới đây, hai mắt đảo quanh, mày nhớn lên, cái miệng dẻo quẹo liến láu làm cho hai gò má núng nính thịt căng bóng hơi ửng đỏ như chuyển động theo cơ miệng:

⁃ Con vợ em nó ko có nhà!. Hị...hị... Ngày thường làm gì được xoã hở bác!. Tính khí con mụ nhà này bác còn lạ gì...!.

⁃ Thế cô nhà đi đâu chú?.

Ông em cười khan hỏi lại.

⁃ Nó đi sang xóm dưới từ chiều qua rồi, bên xóm ấy có nhà bà bạn, ngày xưa làm cùng quầy bách hoá với mụ nhà em. Chậc, nhà đấy đang có đám. Đứa con gái chả hiểu làm sao đi chăn trâu mà để trâu nó húc nó rầy cho. Rõ tội!.

Ông V chép chép miệng mấy cái, vừa kể, vừa cắm cúi đan cái lồng gà đang dở. Ông em thì nhớn mắt hóng chuyện, đoạn ngồi xổm xuống bên cạnh:

⁃ Thế à?!. Xóm nông nghiệp đấy hả?. Đằng ấy thì tôi ko quen biết ai, thi thoảng có công chuyện mới đi ngang qua thôi, chả biết nhà ai đấy?.

⁃ Nhà cô G, có thằng con giai mới đi lính đợt sau tết, chắc bác ko biết, em cũng ko quen lối đấy mấy. Có con mụ nhà em là hay đi ngồi lê đôi mách suốt ngày, việc nhà thì nhác việc chú bác thì nó siêng lắm!. Số em nó khổ vậy, vớ phải con vợ như sư tử hà đông xổng chuồng!. Việc buôn bán chả lo toàn ẩy cho chồng!. Nó nghe tin nhà bà kia có chuyện là cắp đít đi ngay, nào là, xuống giúp chị ấy một tay lúc tang gia bối rối, đứa con giai thì chưa về kịp.

Ông V nói miệng đai ra như nhạo lại lời của bà vợ đanh đá. Xong hít mắt cười hề hề:

⁃ Vậy cũng hay anh ạ!. Nó đi cho em thảnh thơi, thích làm gì thì làm, ăn gì thì ăn mà uống mấy thì uống. Nhất là tối mò ra đồng soi ếch, bắt cua bắt cá các thứ...chả ai quản. Hí hí...!.

⁃ Khà, nhất chú!. Ông em tếu lại, toan định đứng dậy đội mũ rồi xin về thì ông V chừng như đã đoán được, bèn lấy tay giữ lại, miệng liến thoắng:

⁃ Ấy, bác vội gì. Em trình bày đến nước ấy rồi mà bác vẫn bỏ em về được thì em giận đấy!. Từ qua đến giờ em uống rượu một mình nhạt thếch, tính rủ mấy lão bên này sang nhưng toàn mấy lão công chức kiểu cách, kiêng này kiêng nọ, tiểu đường hay tim mạch gì gì ấy ko dám uống. Nay tiện có bác thế này, quý hoá quá!. Hề...hề, bác ở lại ăn bữa cơm với em đi. Em có món này đãi bác, ngon phải biết!. Chẹp!.

Ông V vừa nói vừa chép miệng như thể phụ hoạ cho thêm phần thuyết phục. Ông em thì ậm ừ vẻ xuôi xuôi nghĩ bụng: " đằng nào nhà cũng gần hết thức ăn mà chưa kịp đi chợ, cũng có một mình buồn, thôi thì ở lại, hai ông già nhân tiện vợ đi vắng nhâm nhi bữa cơm rượu cho ấm cúng, rồi lát đem ít cơm thừa, xương xẩu vể cho con chó ".

⁃ Ừm, ờ, vậy cũng được. Thế nay có món gì đấy, mà cứ rủ mãi?!.

⁃ Chân giò luộc cuộn nem, bác bá thử món này chưa?. Chả là bữa rồi nhà thằng T em vợ em nó thịt con lợn, để cho cái bắp giò với ít lòng. Hề hề!.

Ông V vừa nói vừa cười ha hả, điệu bộ tếu táo, hàm răng giả cái nào cái nấy trắng đều. Bụng phệ tròn tròn phình ra căng cả lớp áo thun đang mặc, in hẳn cái rốn lồi lên thấy rõ. Ông em chỉ chỉ rồi nói:

⁃ Nhìn quả bụng phương phi của chú, tôi thấy ái ngại đấy. Rượu chè ít thôi, mình có còn trẻ nữa đâu, cái tuổi mà ko gì quan trọng bằng sức khoẻ ấy, một khi mang bệnh vào thì khốn khổ lắm chứ ko chơi!.

⁃ Em biết. Ấy thế nên con vợ em nó mới sát sao, mà cái tính nghiện rượu của em nó còn chả đỡ được phần nào đây này. Có điều mình cũng bớt bớt đi cho vợ con nó mừng. Dạo này em chuyển qua bia anh ạ!. Hề!.

Ông em khẽ cười rồi lắc đầu:

⁃ Tôi cũng chịu chú!.

Ông V đưa tay gãi bụng cũng cười trừ một cái rồi như sực nhớ ra điều gì bèn ngẩng mặt lên hỏi:

⁃ À thế, chị nhà dạo này khoẻ ko anh?.

⁃ Bà nhà tôi vẫn bình thường, nay cũng ko có nhà. Hà!.

⁃ Vậy à, khéo nhể!. Chị đi đâu anh?.

⁃ Bà nó xuống tỉnh thăm mấy đứa ấy mà.

⁃ Vâng, nhanh thật!. Mới hôm nào còn lăng xăng ra xin giỏ tre chú V về chấm điểm môn kĩ thuật mà giờ đứa nào đứa nấy đi đại học cả rồi. Hà hà. Thôi bác vào nhà đi, ngồi ngoài này nắng nôi chết. Đồ em làm hôm qua vẫn còn nhiều lắm. Con vợ em nó béo đẫy rồi đang bày đặt giảm cân, nhà có hai vợ chồng nên mỗi em ăn là chính. Giờ em cắm nồi cơm nữa là lâm trận được. Khà!.

Ông V kéo ông em vào nhà trong, dẹp mấy cái lồng to, nhỏ sang một bên hiên rồi cũng nhanh nhảu quay vào.

Nghe bà em kể, lối trên mặt đường thì nhà em thân với nhà cậu Khanh và nhà ông bà V hơn một chút. Nhà cậu Khanh thì là vì cậu ấy hay vào trong ngõ chơi với bố và cô chú từ hồi bé, trên đấy ít trẻ con. Còn nhà ông V thì hay vào nhà em xin tre, có khi mua cả số lượng lớn vì nhà ông ấy chuyên đan lát đồ tre, nứa cũng được gần mười năm rồi. Ông V béo trông thế mà đảm việc nhà ra phết. Hai ông bà hiếm muộn, ngoài bốn mươi mới có được đứa con gái, nay nó lớn thì lại theo chồng sớm độ nửa năm nay. Bà V thì tính tình có phần lấn át chồng, mồm miệng giảo hoạt, nghỉ hưu xong thì về phụ ông chồng buôn bán nhưng chủ yếu đi thong dong là chính, việc nhà cửa ông V lo hết. Mỗi khi sinh hoạt phụ nữ trong khu, bà em cũng hay ngồi cạnh bà ấy, chăm văn nghệ văn gừng lắm. Ấy là nói sơ qua cho các bác hiểu rõ về mối quan hệ giữa các nhà với nhau, ko tự nhiên mà dây mơ rễ má được.

Lúc này, hai cụ đã chuẩn bị các thứ xong xuôi, chiếu chiếc, nồi niêu bát đũa đầy đủ, chuẩn bị ngồi lai rai được rồi. Bình rượu to tướng được ông V ì ạch bê ra, đặt giữa chiếu. Ông ta cười khà khà nhanh nhảu giới thiệu:

⁃ Ông anh biết rượu gì đây ko?.

⁃ Tôi chịu, cũng chỉ biết rượu trắng, rượu nếp cẩm, ngâm dái dê, rắn rủng các thứ...Bình thường tôi cũng ít uống rượu mà, có sành như chú đâu. Loại rượu này lạ nhể, màu nước xanh biêng biếc thế chú?!.

⁃ Khà khà, giới thiệu với ông anh, đây là rượu Bàu Đá. Ngoài bắc mình ko chuyên loại này đâu. Đây là của thằng cháu họ sống trong Bình Dương gửi về cho em đấy. Nó biết tính em mà lị.

⁃ Khà!. Quý hoá nhể?!. Thử chén xem nào!. Ông em cười to rồi giơ chén ra trước mâm, ông V cũng hứng chí mở nắp dùng cái gáo gỗ con con múc rượu vào chén. Hai ông già bắt đầu nhâm nhi bữa cơm trưa. Vừa ăn vừa nhắm rượu, kể vài chuyện vặt vãnh, linh tinh, ăn gần hết đĩa thịt luộc thì hai ông ngồi đã chừng gần một tiếng. Ông V lúc này đã bắt đầu ngà ngà say, ngồi xếp bằng cầm cái chén mà điệu bộ ngất nga ngất ngưởng, hai má đỏ hồng như Trương Phi, líu lưỡi nói:

⁃ A H, đã chán thịt lợn chưa?. Ăn mãi thịt cũng chán nhể. Hay là đêm nay anh em ta vác đèn pin ra cầu 3/2 soi ếch đi. Mai lại làm bữa hương đồng gió nội, hề...hề...!.

Ông V vừa nói vừa tít mắt lại, mặt mũi đã đỏ bừng cả lên, đủ biết loại rượu này nặng cỡ nào. Ông em thì chỉ uống cầm chừng, dù bị ông V ép nhưng chỉ nhấp môi cho có lệ, rượu này uống ko quen:

⁃ Để xem sao đã, ko biết tôi có đi được ko. Nhà đi vắng cả mà.

⁃ Ôi dào, ông anh cứ khéo lo. Cứ khoá cửa nẻo cẩn thận vào với lại anh bảo có con chó thây. Nhà bá ở gần đồng, nó kêu lên cả khu nghe thấy ấy chứ gì ngoài chỗ đồng cách mấy bước chân.

⁃ Nói như chú chạy về đến nơi trộm nó khoắng sạch mẹ rồi!.

Ông em nhếch môi cười khan.

- Mấy khi, tối nay ông anh cứ đi với em. Đảm bảo mai ông anh có một bữa cơm ngon hết ý. Ta phải tận dụng triệt để quãng thời gian khi mấy bà lớn vắng nhà mà giải phóng chứ lị. Quyết thế nhá!.

Ông V quả quyết, gật gù giơ chén rượu lên, ông em cũng giơ chén ra cạn, ông ta ngửa cổ nốc một hơi hết sạch, rồi khà ra một tiếng, bỏ tọt miếng lòng vào mồm nhai nhồm nhoàm. Độ nửa tiếng sau thì vãn bữa, ông V lúc này đã say lắm rồi, ngồi nói linh tinh, ông em đầu óc cũng hơi chếnh choáng, nhưng vẫn còn tỉnh táo. Đành một mình thu dọn các thứ, rồi rửa bát đĩa cho ông ta. Sau đó, ông ra về, ko quên cầm theo ít cơm thừa cho con chó.

Ông em về đến nhà, mở cửa nẻo các thứ xong xuôi rồi ra chỗ con vàng. Mọi thứ vẫn ổn cả, ko có dấu hiệu gì bất thường. Con chó thấy chủ về thì mừng rỡ nhảy chồm lên sủa vang, sợi xích vẫn đeo ở cổ. Nó có vẻ khá đói, cứ ngửi lấy ngửi để bàn tay ông đang đấu mùi cơm thịt. Ông đổ chỗ thức ăn ra đĩa cho nó, tháo xích ra rồi rửa tay đi vào nhà. Ông em lên giường định chợp mắt một lúc vì hơi men nặng quá khiến đầu óc nặng trĩu. Ngủ một mạch mãi đến khi miệng cảm thấy đắng, cổ họng khô khan ông mới tỉnh dậy vì khát nước. Ra bàn ngồi cho tỉnh ngủ, nhìn đồng hồ đã 6 giờ chiều rồi. Ông em nhìn ra sân, thầm nghĩ ko biết cậu Khanh tối nay có về kịp ko. Quả thực, ông cảm thấy ái ngại khi nghĩ đến việc ko được ngủ yên giấc đêm nay nếu có thứ gì mò đến quấy rối lần nữa. Cứ nhớ đến câu nói của cậu Khanh là nhà ông đang bị ám bởi những thứ ko sạch sẽ là ông lại cảm thấy nấn ná trong lòng. Ngồi hồi lâu, ông đứng dậy, ra giếng rửa mặt mũi cho tỉnh táo, tranh thủ kêu đàn gà lên vãi thóc cho chúng ăn rồi lùa vào chuồng. Con vàng thì ông ko xích nữa, cho nó thoải mái. Sau khi khoá cửa nẻo cẩn thận ông em lại lững thững đi lên nhà ông V.

Ra đến đầu đường cái, ông em hé đầu nhìn vào nhà cậu Khanh. Tầng một vẫn mở cửa bán thuốc nhưng chỉ thấy người làm bận rộn, cậu Khanh ko có ở đó. Giờ này chắc đã sang nhà bên thăm ông bố rồi. " Kiểu này khéo đêm nay lại một mình chinh chiến " - ông em nghĩ thầm trong bụng, khẽ lắc đầu ngao ngán. Sau đó lại nhìn vào nhà ông V, thấy cửa chính vẫn đóng im ỉm, khéo là lão béo này chưa tỉnh rượu. Nghĩ đoạn, ông em chắp tay rảo bước sang bên đường, rẽ vào nhà ông ta. Cửa đóng nhưng thật tình ko chốt trong, vì lúc trưa ông V say bí tỷ, có biết trời trăng đất dày gì, lúc về thì ông em tiện tay khép vào thôi. Ông em tay đẩy cửa, miệng gọi ông béo nhưng chả có ai lên tiếng. Bước vào nhà thì đúng là ông V vẫn còn chưa tỉnh, đang nằm ngáy như trâu trên chiếc chiếu rải dưới nền gạch. Có lẽ bà vợ cũng ko về qua nhà nên mới giữ được nguyên hiện trạng như vậy. Ông em lại lay ông V, mãi 15 phút sau ông ấy mới lồm cồm ngồi dậy, mắt nhắm mắt mở kêu khát nước. Nước nôi các thứ xong xuôi một lúc, ông V nghe chừng đã tỉnh hơn, đưa tay xoa xoa bụng, kêu đói và xót ruột. Thế là hai ông cụ lại loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều, công nhận là uống rượu vào bụng dạ cứ cồn cào cả lên. Còn ít lòng, dồi, ông V đem nấu một nồi cháo lòng, cắm thêm nồi cơm ăn cho chắc bụng rồi ra hiên nhà ngoài, chỗ bày bán ít đồ tạp hoá, lấy ra mấy cái bánh đa đem vào, miệng thì ko ngừng rủ rê ông em đêm nay nhất định phải đi bắt ếch với mình. Ông em thì nửa này nửa kia, phần thì muốn về nom nhà nhưng cũng khá ngại " gặp gỡ " mấy con mèo quái dị, đâm ra cứ ậm ừ, rồi tặc lưỡi nói:

⁃ Nếu vậy thì tối nay ko rượu chè nữa, đêm mới tỉnh mà lội ruộng được. Tôi sợ, ếch đâu đếch có mà ăn lại phải khênh chú từ dưới ruộng lên thì thôi ở nhà ngủ khoẻ.

⁃ Ấy ấy, ông anh đúng thật nói đùa. Tửu lượng em đâu phải hạng xoàng. Nhưng nếu anh thích thì em chiều, chả mấy khi, rượu thì uống lúc nào chả được. Hề...hề!. Em chỉ xin làm đôi chén cho nóng cái người lên thôi, có hơi men vào cho nó khí thế. Ha...ha...!.

Ông V vỗ đùi, híp mắt cười khoái trí. Ông em chỉ biết lắc đầu buông xuôi, múc ra hai tô cháo lòng nghi ngút khói, đợi ông V đi lấy rượu ra. Ông em ko uống, ông V cũng chỉ uống hai chén con con rồi ngồi xì xụp ăn tô cháo nóng hổi. Bẵng cái cũng gần 9 giờ tối. Hai ông cụ đã dọn dẹp các thứ xong xuôi, đang ngồi uống nước chè nói chuyện huyên thuyên cho xuôi bụng, định tầm tiếng nữa thì bắt đầu đi ra đồng. Tầm ấy đi là vừa, tiết trời dịu và mát mẻ hơn. Nhưng ông em bảo đi sớm để tạt qua nhà cho con chó ăn kẻo nó đói. Vậy là tầm 9 giờ hơn hai ông cụ đã lục đục xách giỏ, nơm, đèn pin, túi tiếc các thứ chuẩn bị lên đường. Lúc băng qua đường lớn, ông em ngó sang nhà cậu Khanh lần nữa, giờ này cửa nẻo đã đóng, ko còn tiếp khách, bên trong tầng 1 và 2 thì vẫn sáng đèn. Ông V đi cùng ông em tạt qua nhà xem tình hình thế nào rồi cho con vàng ăn, may mắn là mọi thứ vẫn ổn, con vàng thì đang nằm trên nóc chuồng gà. Ông vào đổ cơm ra đĩa cho nó rồi vào bếp xách chiếc xe đạp ra, lấy thêm cây đèn pin và một cái gậy tre tầm hơn 1 mét, xong đó đi ra khoá cổng lại, cùng ông V đi ra cầu 3/2.

Vì muốn đi ra đồng thì phải đi từ chân cầu men theo bờ cỏ mà xuống. Mà từ khu nhà em ra cầu cũng tầm sáu, bảy trăm mét nên hai ông thống nhất đạp xe ra cho nhanh, tí về mệt đi bộ sẽ ngại. Ông em định ngồi lên chở ôngV thì ông ta cứ nằng nặc đòi lái, bảo là ai lại để thằng gầy chở thằng béo bao giờ, thế là ông em tặc lưỡi nhường chỗ cho ông ta. Lên xe, ông V vừa ì ạch đạp, vừa líu lô kể những chuyện tầm phào, phút chốc đã ra đến đường lớn. Bây giờ chắc tầm 10 giờ kém rồi, cả con đường rộng mà vắng hoe, chả thấy bóng dáng xe cộ phóng vụt qua lại nữa. Hai bên đường, những ngôi nhà mọc san sát đều đã tắt đèn, nằm im lìm ẩn sau những tán cây và cột điện dây dợ chằng chịt, mọi thứ đều đã chìm sâu vào giấc ngủ. Hồi ấy đèn đường lớn thì cũng có rồi, nhưng mà ko lắp nhiều và sáng rộng như bây giờ. Có khi phải đến cả cây số mới có một cột đèn như vậy. Vì chỗ ông em là thị trấn của huyện, nên có phần nhỉnh hơn đôi chút. Đi từ hướng khu nhà ông đâm ra cầu 3/2 thì đầu cầu có một trạm xăng dầu, chẳng biết xây từ bao giờ nữa. Mọi người hay gọi là cây xăng BH ( tên gia đình chủ cây xăng). Trên nóc cổng cao của cây xăng ấy có một cái đèn soi xuống, do nhà ấy lắp lên để tiện việc kinh doanh và trông coi trạm xăng. May mà có nó, ko thì đoạn đường hướng ra cầu tối thui thui, trông dài hun hút như đi vào cửa địa ngục. Hai người phải bật cả hai cây đèn pin lên mới thấy lối. Lúc này ông V béo đã đạp gần đến trạm xăng ấy rồi. Ông em ngồi sau yên xe đang vểnh tai nghe mấy chuyện vặt vãnh giữa vợ chồng nhà ông V mà ông ta đang kể, thì chợt ông ấy phanh khựng lại. Ông em bất ngờ bị lực phanh xe đột ngột làm cho dúi dụi người về phía trước, đầu đập vào cái lưng " êm ái " đầy thịt của ông ta. Ông em mới đập tay vào vai ông V khẽ lầm rầm trách móc hỏi sự tình, nhưng ông V ko đáp lại. Nghi là có chuyện gì, ông em mới chống chân lên gác xe đạp, rướn người lên ròm ra phía trước. Trước cái đầu hói tròn của ông V, độ chục mét nữa, chỉ là một vùng ánh sáng vàng mờ nhạt từ chiếc đèn nhỏ gắn trên nóc cổng trạm xăng hắt xuống mặt đường vắng tanh. Vùng sáng ấy chỉ chiếu sáng được một khoảng từ trạm xăng ra phía cây cầu tầm 5 mét, sau đó, tất cả lại chìm nghỉm vào bóng đêm đen đặc. Lúc này, ông em mới khẽ lay vai ông V mấy cái nữa, tỏ vẻ khó hiểu:

⁃ Sao thế chú?!.

⁃ Hở...ừm....ừ, kì lắm bá ơi. Rõ ràng, em mới nhìn thấy đây mà... đi lại gần lại ko thấy đâu nữa???. Ông V vừa nói nhanh vừa ngó nghiêng ko ngừng như tìm kiếm gì đó.

⁃ Chậc, thấy cái gì mới được?!. Khổ, chú nói rõ tôi xem nào!. Ông e cũng sốt ruột gắt nhẹ.

⁃ À, thì, nãy đang đạp xe em thấy có bóng người thấp thoáng đi bộ từ hướng cầu vào, chỗ có ánh sáng đèn chiếu ra kia kìa.

Ông V vừa nói vừa giơ tay chỉ chỉ về phía trước.

- Nhưng giờ đạp lại gần thì chả thấy ai... đểu nhể!.

Ông em cũng ngớ người như thể đầu óc chưa kịp load được dữ liệu vừa thu nạp từ những lời ông V nói, vì ngồi đằng sau nên ko chứng kiến được gì, bèn đáp:

- Hay rẽ vào cái ngõ kia rồi...!

Ông hất ánh mắt về phía ấy, mé bên trái cây xăng là một ngõ nhỏ dẫn vào khu nhà em. Bình thường, các khu ở đây đều có nhiều ngõ nhỏ từ đường lớn đổ vào và thông với nhau. Lúc này, phía bên trong ngõ ấy tối thui và sâu hun hút. Ông V im lặng giây lát rồi lên tiếng:

- Chắc vậy!.

Rồi lại ẩy xe tiếp tục đi. Chẳng hiểu sao, lúc đạp qua con ngõ và trạm xăng heo hút, hai ông đều cảm thấy hơi rờn rợn, bầu ko khí như bị hạ nhiệt độ đột ngột bao trùm. Đi qua rồi vẫn thấy lạnh lẽo sau gáy, như thể có con mắt nào đó đang lặng lẽ theo dõi chuyển động của hai ông già. Ánh đèn pin lọt thỏm dần trong vùng tối mênh mông. Phía đầu con ngõ nhỏ cạnh cây xăng dầu, ẩn hiện một bóng hình mờ nhạt, lấp ló sau gốc cây cột điện xám ngắt. Sau đó, nó di chuyển, bay là là hướng ra phía cây cầu, toàn thân bao phủ một lớp khí trắng lạnh lẽo, âm u.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện