Mẹ Bạch Bích ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế dài, thần thái ung dung, ánh mắt dịu dàng. Bà từ từ ngẩng đầu lên, ngắm nhìn đàn chim đang bay qua, sau đó nhẹ nhàng nói:



- Ông gầy quá!



- Không sao đâu, gần đây có mấy việc hơi phiền lòng một chút.



Người trả lời là Văn Hiếu Cổ, ông mặc một bộ comple mà thường ngày ông rất khi mặc, ngồi bên cạnh mẹ Bạch Bích, nhìn vào mắt bà.



- Sao lại nhìn tôi như thế? - Mẹ Bạch Bích hơi mỉm cười nói.



- Không, chỉ là nghĩ đến bà ở đây đã nhiều năm rồi nhưng không thay đổi mấy. Còn tôi thì đã già rồi. À, bà còn nhớ lần đầu tiên chúng ta và Chính Thu gặp nhau không?

Gió thu thổi qua vườn hoa yên tĩnh, đến dưới hòn giả sơn nó giảm tốc độ nhẹ nhàng lướt qua mái tóc đen mượt. Bà ngồi như người mất hồn chăm chú nhìn những bông hoa cuối cùng trong vườn, nói xa xôi:



- Đương nhiên là nhớ, nhớ rất rõ! Lúc đó chúng ta mới 19 tuổi, ông và Chính Thu đều là những thanh niên ưu tú nhất.



- Không, tôi sao lại có thể coi là ưu tú được, chỉ có Chính thu là giỏi nhất, ông ấy may mắn hơn tôi nhiều lắm. Có biết vì sao ông ấy may mắn hơn tôi không? Vì ông ấy lấy được bà đấy! Phấn ạ!”



Bà bỗng cảm thấy khó chịu, vội vàng nói:



- Thôi đi, đừng nói nữa, anh ấy may mắn à, anh ấy 40 tuổi đã chết rồi!



- Không, anh ấy được giải thoát rồi! - Văn Hiếu Cổ nói với giọng hâm mộ, - Còn tôi thì vẫn còn đây, một mình, tiếp tục chịu đựng sự đau khổ, cứ già đi, xấu đi, cho đến chết. Còn Chính Thu thì đã ở một thế giớ khác mãi mãi hưởng hạnh phúc, Phấn, bà hãy nói xem ai may mắn hơn ai?



- Tôi không biết trong các anh, ai may mắn hơn ai, nhưng chí ít, tôi là người không may mắn.



- Xin lỗi bà, Phấn! - Văn Hiếu Cổ lạnh lùng nói.



- Đủ rồi, không nói những chuyện ấy nữa! Ông nói dạo này xảy ra những chuyện buồn phiền, có phải là chuyện Giang Hà chết không? - Mẹ Bạch Bích bỗng hỏi.




- Ồ, hoá ra Bạch Bích đã nói cho bà biết chuyện này rồi! Lẽ ra những ngày này bà đã được nhìn thấy con gái kết hôn, nhất định là bà sẽ rất vui, còn bây giờ, bà và con gái lại phải chịu đau khổ rồi! - Văn Hiếu Cổ than một câu.



- Con gái còn được nghe câu chuyện 20 năm trước tôi và bố nó đi khảo cổ ở hồ La Bố.



Văn Hiếu Cổ biến sắc, ông vội vàng hỏi:



- Phấn, bà nói cho nó biết rồi à?



Mẹ Bạch Bích lắc đầu, nhẹ nhàng nói:



- Tôi chỉ nói đến đoạn chúng tôi từ cổ thành Thành cổ Lâu Lan trở về thôi, sau đó tôi bỗng nhiên nghĩ đến một chuyện rất sợ, tinh thần tôi sụp hẳn. Ông biết không, đừng tưởng tôi tất cả đều bình thường như thế này, chỉ cần bị kích động là tôi lập tức phát bệnh ngay, không biết gì nữa.”



- Thế là không công bằng! - Văn Hiếu Cổ trông rất khó chịu, ông tự nói với mình.



- Thôi, đã nhiều năm trôi qua, tôi đã quen rồi, ở Viện của ông dạo này vẫn tốt chứ?



Văn Hiếu Cổ ngẩng đầu lên, nhìn vào mắt bà, do dự hồi lâu rồi mới lạnh lùng nói:



- Không có gì, vẫn bình thường như trước kia!



Trong lòng ông thấy bất an, ông cảm thấy không nên nói dối bà, nhưng ông không muốn nói ra những chuyện đáng sợ xảy ra gần đây sợ sẽ kích động đến thần kinh yếu đuối của bà.



- Ông nói dối tôi rồi!



- Phấn, bà nói gì vậy? - Văn Hiếu Cổ thấy tim mình rung lên, ông biết không thể giấu bà được.



- Trông mặt ông, tôi đã đoán nhất định có chuyện xảy ra, mà chuyện này còn làm ông mất ăn mất ngủ, nhưng nếu như ông không muốn nói với tôi thì tuỳ ông thôi! - Bà mỉm cười.



Văn Hiếu Cổ gật gật đầu, đột nhiên ông nói với giọng của người sắp lâm chung:



- Phấn, có lẽ đây là lần cuối cùng tôi đến thăm bà!



- Vì sao vậy?



- Không, không sao cả, tôi không thể nói với bà! Ý tôi là tôi luôn muốn đến thăm bà, nhưng nếu như tôi mãi mãi rời xa trần gian, sẽ không thể đến thăm bà được nữa! - Giọng ông thật nặng nề, như đang từ từ chìm xuống cát.



- Không, không thể thế được!



- Phấn, tôi đi đây, nếu như tôi không quay lại thăm bà nữa thì hãy vĩnh viễn quên tôi đi! - Văn Hiếu Cổ đứng dậy, vội vàng bỏ đi, phía sau bỗng vang lên tiếng mẹ Bạch Bích:



- Ông sẽ quay lại!



Văn Hiếu Cổ không trả lời, ông rẽ sang bên, tránh ánh mắt của bà, nhưng bước chân càng đi càng thấy nặng nề, cuối cùng ông vẫn phải cúi đầu đi ra khỏi cổng bệnh viện Tâm thần.



- Viện trưởng Văn! - Một giọng cô gái trẻ gọi ông.



Lúc này ông mới nhận thấy, hoá ra là Bạch Bích. Cô đang đi về phía cổng bệnh viện.



- Bạch Bích, thật là trùng hợp, cháu cũng đến thăm mẹ đấy à? - Văn Hiếu Cổ cố lấy lại tinh thần để nói chuyện.



Bạch Bích tỏ ra khá bất ngờ và hơi ngại, cô không biết nói gì, chỉ nhẹ nhàng nói:



- Viện trưởng Văn, cảm ơn chú đã chăm sóc gia đình cháu và mẹ cháu nhiều năm nay!



- Ồ, không có gì, cháu mau vào đi, mẹ cháu lúc này thần kinh rất tốt, nhìn thấy cháu chắc bà ấy mừng lắm! Chú về trước đây, tạm biệt cháu!



Văn Hiếu Cổ chia tay Bạch Bích rồi đi ra đường lớn, khi ông quay lại nhìn đã không thấy Bạch Bích ở cổng bệnh viện Tâm thần nữa. Bỗng ông thấy đầu óc rất căng thẳng, ông hiểu vì sao mình căng thẳng thế.



Bạch Bích thong thả đi qua vườn hoa nhỏ, đến trước chiếc ghế dài của mẹ. Cô ngồi xuống trước mặt bà, nhìn thẳng vào mắt bà như muốn tìm một vật báu trong đôi mắt ấy.




- Ngồi xuống đi con gái!



Bạch Bích ngoan ngoãn ngồi xuống bên cạnh mẹ. Cô đưa tay ra nắm lấy tay mẹ, nói nhẹ nhàng:



- Mẹ, tay mẹ mềm mại quá!



- Bây giờ đã là cuối thu rồi, thời tiết đã bắt đầu lạnh, con gái, con phải chăm sóc lấy mình nhé, đừng để bị lạnh!



Bạch Bích gật đầu.



Mẹ cô tiếp tục nói:



- Vừa nãy đi vào đây con có gặp chú Văn không?



- Con gặp rồi ạ!



Mẹ Bạch Bích thở dài:



- Ông ấy cũng chẳng dễ dàng gì, cứ chăm sóc cho mẹ con mình suốt, con không được quên ông ấy đấy!



- Mẹ, con nhớ rồi!



Mẹ Bạch Bích bỗng nhớ ra điều gì liền hỏi cô:



- Bây giờ mấy giờ rồi?



Bạch Bích nhìn đồng hồ trả lời:



- Đúng 3 giờ rồi ạ!



- Ồ, bà ấy sắp đến rồi!



- Ai sắp đến cơ ạ? - Bạch Bích không hiểu.



- Là tôi đây!



Một giọng nữ vang lên từ phía sau họ. Bạch Bích quay đầu lại, hoá ra là bà bạn bệnh nhân của mẹ, nữ thi sĩ.



Mẹ Bạch Bích nói:



- Dạo này cứ 3 giờ hàng ngày bà ấy đều đến đây đọc cho mẹ nghe một bài thơ dài, đã thành thói quen của bà ấy rồi!



Nữ thi sĩ mặc một bộ quần áo hoa. Bà ta ngồi xuống bên cạnh mẹ Bạch Bích, cười nói:



- Chào cháu, Bạch Bích, cháu lại đến rồi, mẹ cháu có đứa con gái thế này thật là phúc đức quá! Hôm nay cô sẽ đọc cho mẹ cháu một bài thơ dài có tên là “Đất hoang”, tác giả là Eliot.



- “Đất hoang” của Eliot sao? - Bạch Bích bỗng nhớ đến cuốn sổ tay nhỏ có chép bài thơ “Đất hoang” mà cô tìm thấy trong ngăn kéo của Giang Hà.



- Đã được nghe bao giờ chưa? Đây là bài thơ cô thích nhất đấy, cô có thể đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối. Được rồi, cô bắt đầu đọc nhé...



Nữ thi sĩ bắt đầu đọc từ đoạn thứ nhất “Tang lễ của người chết” cho đến đoạn cuối cùng “Lời sấm sét”. Điều khiến Bạch Bích ngạc nhiên là nữ thi sĩ có thể đọc toàn văn bài thơ, không phải nhìn một chữ, cứ như thế câu chữ cứ thế toát ra khỏi miệng. Tuy Bạch Bích không biết “Đất hoang” mà bà đọc có đúng từng câu từng chữ không, nhưng chí ít cô cũng có thể hiểu được ý nghĩa của nó. Giọng của nữ thi sĩ có chút nam tính, trầm và nồng hậu. Những khi cần phải kéo dài giọng ra bà có thể vận dụng một cách thoải mái hơn, đặc biệt là mấy câu: “Đốt à, đốt à, đốt à, ông chủ ơi hãy cứu tôi, ông chủ ơi cứu tôi!” Những từ liên tiếp như thế, giống như ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt, từ trong miệng tuôn ra. Bạch Bích nghe thấy trong đó bao hàm cả tình cảm của người đọc, đó là một thứ tình cảm tuyệt vọng, cô lập tức liên tưởng đến việc nữ thi sĩ đã nhiều lần tự hào kể lại sự kiện tự tử vì tình kinh thiên động địa năm ấy của mình. Có lẽ lúc đó bà cũng tuyệt vọng như thế. Còn bây giờ sự tuyệt vọng đó hình như cũng bắt đầu trùm lên trái tim của Bạch Bích. Cho đến những câu thơ cuối cùng, Bạch Bích đã như được tận mắt nhìn thấy thế giới hoang lạnh của cõi tâm linh từ trong giọng đọc của nữ thi sĩ.



Bài thơ đã đọc xong từ lâu, nhưng Bạch Bích vẫn chìm đắm trong giọng đọc của nữ thi sĩ, phải một lúc sau mới từ từ hồi phục trở lại, cô khâm phục nói:



- Cô đọc hay quá, giọng cô có thể đọc thơ trên đài được đấy!



- Đã không còn được như xưa nữa, mười mấy năm trước, cô đã từng đọc thơ của mình trên đài. - Nữ thi sĩ thờ ơ nói.




Bạch Bích nhìn sang mẹ, bỗng cô phát hiện thấy mắt bà đang nhìn bất động về phía xa, cô nghĩ bà cũng đang chìm đắm trong những câu thơ trong “Đất hoang”.



- Mẹ, mẹ! - Bạch Bích gọi.



Mẹ Bạch Bích bỗng có biểu hiện bị kích động bà như bị cảm nhiễm bởi những câu thơ vừa rồi. Bạch Bích nhìn dáng mẹ, cô bỗng cảm thấy bất an, lẽ nào “Đất hoang” khi nãy lại nhắc bà nhớ lại điều gì. Trong khi cô đang do dự, bỗng mẹ cô đứng dậy, mắt trừng trừng nhìn về phía trước, mồm nói nhỏ:



- Tôi nhìn thấy rồi, tôi nhìn thấy đất hoang rồi, ở kia kìa, ở kia kìa...



- Ở đâu? - Nữ thi sĩ cũng đứng dậy hỏi.



Mẹ cô đưa tay ra, chỉ về phía bụi hoa trước mặt, những bông hoa nhỏ bé màu đỏ không rõ tên đang lay động trong gió thu, có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ héo tàn.



- Mẹ ơi, đó chỉ là những bụi hoa thôi mà! - Bạch Bích ôm chặt lấy người mẹ, cô rất lo lắng.



- Không, đúng là đất hoang, tôi nhìn thấy rồi! - Bà khăng khăng nói, giọng nói kỳ lạ đó giống như đang nói với người ở xa qua điện thoại về những cảnh vật đang nhìn thấy trước mắt. - Đúng, ở kia kìa, trên đất hoang có một cô gái, mặc váy dài, màu đỏ, mặt trắng, mắt vừa to, vừa đen, cô ta đang cười với chúng tôi, mọi người nhìn đi, cô ấy đang mỉm cười, nụ cười đẹp quá!



- Mẹ, phía trước chẳng có gì cả!



Mẹ cô bỗng khóc, bà cúi đầu, ngồi lên ghế, khóc như một đứa trẻ. Bạch Bích thật sự cảm thấy sợ, cô ôm chặt lấy mẹ, hai mẹ con cùng run lên, khóc nức nở như cái đêm cách đây hơn mười năm sau khi bố cô chết.



Bạch Bích và nữ thi sĩ phải mất hơn nửa tiếng mới đưa được mẹ cô vào trong phòng bệnh và dỗ cho bà ngủ, sau khi bà ngủ rồi, nữ thi sĩ nói với Bạch Bích:



- Cô xin lỗi, cô không nghĩ bài thơ “Đất hoang” lại kích động mẹ cháu lớn đến thế!



- Không sao đâu ạ, có lẽ mẹ cháu nhớ đến những năm tháng ở hồ La Bố trên hoang mạc.



- Thực ra mẹ cháu rất thích cô đọc thơ cho bà ấy nghe, hôm qua cô đọc cho bà ấy nghe “Vườn mộ ven biển”, bà ấy nghe xong rất phấn khởi, tinh thần cũng tốt lên rất nhiều. Bác sĩ cũng nói nếu thường xuyên đọc những bài thơ hay cho bà ấy nghe, có thể trợ giúp điều tiết tâm lý và hồi phục sức khoẻ. Có lẽ “Đất hoang”, những vần thơ thương cảm như vậy không phù hợp với những bệnh nhân như các cô ở đây.



- Cảm ơn ý tốt của cô!



- Mẹ cháu vừa nãy ở ngoài kia nói nhìn thấy đất hoang, kỳ thực đó chỉ là những bụi hoa, lại còn nói có một cô gái, câu cuối làm người ta sợ hãi, nói sinh nhật lần thứ 40 bị lời nguyền giáng xuống, chẳng lẽ đều là những hồi ức trước kia của bà ấy à?



- Cháu không biết, những điều mẹ cháu nói cháu cũng không hiểu. Có lẽ nguyên nhân do bố cháu bị tai nạn giao thông chết vào ngày sinh nhật lần thứ 40. Cái chết của bố cháu cả cháu và mẹ cháu đều tận mắt chứng kiến, nên tác động rất mạnh đến mẹ cháu.



Nhưng trong lòng Bạch Bích lại luôn luôn nhớ lại câu nói của mẹ cô, đặc biệt là hai chữ: Lời nguyền.



- Cháu đúng là một đứa con có hiếu! - Nữ thi sĩ nói, nhưng tự nhiên bà ta nhớ đến cái gì đó:



- Có điều này không biết có nên nói với cháu không, hôm nay có một người đàn ông khoảng trên dưới 50 tuổi đến đây, ông ta cũng là người thường xuyên đến thăm mẹ cháu, có đúng là mẹ cháu có quan hệ với ông ta không?



- Chú ấy là người bạn tốt và là đồng nghiệp của bố mẹ cháu, chú ấy rất hay chăm sóc mẹ con cháu.



- Hình như không chỉ là chăm sóc, xem ra quan hệ còn rất thân mật, thôi được, không nói nữa, không nói nữa! - Nữ thi sĩ bỗng nhiên dừng lại.



Bạch Bích có thể nhìn thấy trong mắt bà ta ẩn chứa một sự ấm áp khó tả, cô không muốn nói thêm nữa. Cô nhìn mẹ, cảm ơn nữ thi sĩ rồi ra về. Nhưng cô không đi thẳng ra cổng chính, mà đi qua vườn hoa, nơi lúc nãy mẹ cô ngồi. Cô chú ý nhìn những bụi hoa với những bông hoa nhỏ không rõ tên ấy. Bụi hoa đang run rẩy trong gió thu, xung quanh là những cây con và cỏ xanh, phía sau là tường rào, không có gì là đặc biệt cả. Cô nhìn những bông hoa, bỗng nhiên hiểu ra một điều, màu sắc của những bông hoa giống như màu của chiếc váy đỏ cô gái kia mặc.



Đi qua cổng chính của bệnh viện Tâm thần, Bạch Bích nghĩ đến câu nói cuối cùng của mẹ, lẽ nào cái chết của bố cô vào ngày sinh nhật do bị tai nạn giao thông không phải là ngẫu nhiên, mà là một chủ định từ trước? Lẽ nào lời nguyền lại sớm giáng xuống đầu ông? Chính vì thế cho nên Giang Hà mới không phải là người đầu tiên, càng không phải là người cuối cùng. Bố cô mới là người đầu tiên, hoặc là còn ai đó trước bố cô? Bạch Bích nhớ lại cái đêm cách đây mười năm và hiểu ra tất cả, giấc mơ đó và người con gái trong giấc mơ, những dòng chữ kỳ quái, lại còn cái chết của bố cô. Có lẽ, tất cả đều bắt nguồn từ lời nguyền.



Gió tây thổi qua tóc cô, cô nghĩ, nếu như có thể ngửi thấy hương vị của đất hoang xa xôi trong gió thì hay biết bao!


Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện