(Yên Chi)

Họ Biện ở Đông Xương chuyên nghề chữa bệnh cho trâu. Ông ta có con gái, tiểu tự là Liên Chi, tài sắc đủ về. Người cha yêu quý lắm muốn gả cho con nhà thanh quý, song những bậc giàu sang lại khinh là xuất thân hèn kém không xứng đáng để làm thông gia. Bởi vậy cô ta đến tuổi cập kê mà chưa có nơi có chốn.

Ở nhà đối diện có Vương thị- vợ họ Củng- tính khí lả lơi cợt nhả, là bạn trò chuyện tỉ tê trong chốn buồng the của Yên Chi. Một hôm tiễn chân Vương thị ra đến cổng, chợt thấy một chàng trai đi qua, quần áo trắng tinh, phong thái đĩnh đạc, Yên Chi đã chiều như phải ý, nét thu ba lúng liếng đôi hồi.

Chàng trai cúi đầu rảo bước đi qua. Đi đã rồi mà cô nàng còn cứ nhìn theo đăm đắm. Vương thị đóan biết ý tình mới nói chơi rằng:

- Tài sắc cô thế này mà sánh với người ấy thì không có gì đáng hận.

Cô gái ửng hồng gò má, nín thinh không nói một lời. Vương thị lại hỏi:

- Cô có biết chàng ta không? - Không biết.

- Đó là tú tài Thu Chuẩn, con cố chử nhân họ Ngạc ở ngõ Nam. Tôi là người cùng làng nên có biết. Đàn ông trên đời này dễ không ai hòa nhã được như cậu ta. Cậu ta mặc đồ trắng vì tang vợ chưa hết. Cô vừa ý tôi sẽ nhắn lời mai mối cho.

Cô gái nín thinh. Vương thị cười quay về.

Mấy ngày sau vẫn không có âm hao gì, cô gái cho hoặc là Vương thị bận chưa đi ngay cho được, hoặc họ dòng dõi nhà sang không chịu hạ mình. Rồi cứ bổi hổi bồi hồi, nghĩ quanh nghĩ quẩn đến bỏ cả ăn uống nằm liệt giường. Vương thị đến thăm, gặng hỏi bệnh tình làm sao. Yên Chi rên rỉ:

- Em cũng chẳng biết vì sao? Từ hôm ấy chị về rồi em cảm thấy khó chịu, hơi thở bây giờ chỉ còn như mượn, sớm muộn gì thì em cũng sẽ đi thôi!

Vương thị thầm thì:

- Anh ấy nhà tôi buôn bán chưa về, cho nên chưa có người đánh tiếng đến nhà họ Ngạc, mình ngọc không an, phải vì thế chăng?

Đôi má Yên Chi ửng hồng hồi lâu. Vương thị lại đùa:

- Nếu quả vậy mà bệnh đến thế này thì còn e gì nữa? Trước tiên hãy gặp nhau một tối, chàng ta đến mấy mà lại không ưng?

Cô than thở:

- Đúng! Sự tình đến thế này thì không thể đừng được nữa. Tuy nhiên nếu họ không hiềm nhà em thấp hèn nhờ người mai mối ngay đi thì bệnh em ắt khỏi. Còn như hò hẹn tự tình thì quyết không thể được.

Vương thị cúi đầu đi về.

Thuở còn đào non, Vương thị đã từng tư thông cùng người học trò trong xóm là Túc Giới. Sau khi Vương thị thành gia thất, Túc cứ rình người chồng vắng nhà là ngựa quen đường cũ, lại tìm đến hú hí với người tình cũ. Tối ấy Túc đến, thị thuật lại chuyện cô gái, cốt làm trò cười rút rít với tình nhân, lại còn dặn đùa Túc đánh tiếng với Ngạc. Túc biết tiếng cô gái đẹp từ lâu, nghe chuyện ấy mà khấp khởi trong dạ, chuyến này có thể mượn gió bẻ măng. Nhưng muốn cùng mưa tình với tình nhân song lại sợ ả ta ghen, bèn ra vẻ vô tâm, khuyấy khỏa hỏi dò đường ngang lối tắt nhà cô gái.

Đêm hôm sau hắn trèo tường vào, đến ngay buồng Yên Chi gõ nhẹ vào cửa. Bên trong có tiếng hỏi:

- Ai đấy?

Đáp: Ngạc đây!

Tiếng cô gái hổn hển nói vọng ra:

- Em sở dĩ nghĩ đến chàng là vì chuyện trăm năm, đâu phải vì một tối. Nếu chàng quả thực yêu thương em thì hãy nhờ mai mối tới ngay. Nếu có ý đòi tư thông thì em quyết không dám vâng lời.

Túc giả vờ ưng thuận, chỉ khẩn cầu được nắm bàn tay thon thả làm tin. Cô gái không nỡ cự tuyệt thẳng thừng, đành gượng dậy mở cửa. Túc nhảy xổ vào ôm chầm lấy đòi điều kia khác. Cô gái không còn sức nào chống cự, ngã quay ra đất, thở không ra hơi. Túc vội dìu lên, cô gái nói đứt đoạn:

- Sao tàn ác đến thế! Tất không phải là Ngạc lang... Nếu quả Ngạc lang là người thuần nhã thấy tôi đau ốm hẳn phải xót thương, có đâu lại cuồng bạo thế này!... Nếu còn vậy tôi buộc phải kêu lên thì sẽ tổn thương đến phẩm hạnh cả hai. Hỏi có ích gì?

Túc sợ bại lộ tung tích không dám tiếp tục cưỡng bức chỉ xin được hẹn hò gặp gỡ sau này. Cô gái xin chờ ngày nghinh hôn. Túc cho rằng hẹn ấy xa quá, cứ nài nẵng. Để chóng thoát khỏi cảnh bày bây, cô đành hẹn khi khỏi bệnh. Túc xin vật làm tin, cô gái không cho. Túc sấn sổ tuột lấy chiếc giày thêu của cô gái rồi quay đi. Cô gái gọi, đòi trả lại:

- Đã có lời giao ước, tôi đâu dám tiếc? Chỉ sợ vẽ hổ thành chó, để rồi chịu tiếng chê cười. Nay của tin đã lọt vào tay anh, liệu không thể nào quay trở lại được nữa. Anh như có lòng nào phụ bạc, tôi chỉ còn một chết mà thôi.

Túc quay trở lại ngủ với Vương thị. Đã đi nằm rồi hắn vẫn không quên đôi giày, lén thò tay vào túi áo thì giày đã biến đâu mất. Hắn vội vàng dậy che đèn lục lọi áo, lần tìm trong bóng tối. Vương thị thấy thế gặng hỏi, hắn cứ im thin thít. Hắn nghi Vương thị dấu đi. Ả ta lại cứ cười cợt ỡm ờ làm cho hắn càng nghi. Rồi sốt ruột không kìm giữ được nữa, hắn nói toẹt ra. Nói xong hắn đốt đuốc ra tìm ngoài nhà nhưng vẫn không thấy, đành nuôi hận trở về buồng Vương thị. Hắn vẫn còn hy vọng, đêm hôm khya khoắt không ai qua lại, nếu có giày rơi thì vẫn còn ở ngoài đường. Tờ mờ sáng hắn đã trở dậy, lục lọi tìm tòi, song vẫn không thấy gì cả.

Nguyên là trong ngõ có Mao Đại là tên du thủ du thực, không có nơi ăn chốn ở nhất định. Hắn ve vãn Vương thị nhưng không ăn câu. Lại biết Túc thường lui tới nhà thị nên rình bắt để cho bêu rêu một phen. Đêm ấy hắn qua cổng nhà thị, đẩy cổng vào thì thấy chưa gài, hắn lẻn luôn vào. Vừa đến cửa sổ thì giẫm phải một vật gì mềm mại như nắm lụa. Nhặt lên xem thì ra cái giày con gái bọc trong khăn. Hắn rấp rình nghe được hết mọi điều Túc thuật lại với ả tình nhân, thì mừng rỡ vô cùng, liền quay ra ngay.

Vài đêm sau, hắn vượt tường đột nhập vào nhà Yên Chi. Vì không thuộc đường lối đi lại, cho nên hắn tới nhầm buồng ông bố. Ông Biện dòm qua cửa sổ thấy có bóng đàn ông, nhác thấy cung cách ấy biết ngay là kẻ gian đi mò gái. Ông ta nổi giận, rút dao xông ngay ra, Mao Đại sợ quá tháo chạy, đang định vọt tường thì ông Biện đã đuổi sáp tận nơi. Gấp quá, liệu khó bề tẩu thoát, hắn ngoắt lại cướp lấy dao. Bà Biện trở dậy, thấy thế hô lên. Mao thấy nguy cơ bị tóm, liền sẳn dao chém chết luôn ông Biện.

Yến Chi đã hơi đỡ, nghe tiếng huyên náo, hớt hơ hớt hải vùng dậy. Đốt đèn lên soi thì ông bố đã bị bể sọ không nói được tiếng nào, lát sau chết luôn. Thấy ở chân tường có cái giày thêu của con, bà mẹ tra hỏi, cô gái khóc lóc kể hết tình đầu. Song không nỡ để lụy đến Vương thị, cô gái chỉ nói là Ngạc tự tìm đến nhà mà thôi.

Sáng ra, gia đình họ Biện phát đơn kiện lên huyện. Quan huyện cho bắt luôn Ngạc. Ngạc vốn là người ngây thơ, chưa từng trải, mười chín tuổi rồi mà gặp khách lạ vẫn thẹn thẹn thò thò như con trẻ. Cho nên khi bị bắt, anh ta sợ hãi quá chừng, trước công đường chẳng biết mở miệng nói năng ra sao, chỉ những run như cầy sấy. Quan huyện thấy cung cách ấy, tin đúng anh ta phạm tội, sai tra tấn rất dữ. Tạng thư sinh yếu ớt, không chịu được đau đớn, Ngạc nhận hết những lời vu khác.

Giải lên quận, tình thế lại diễn ra như ở huyện. Ngạc xin được đối chất với Yên Chi, nhưng vừa giáp mặt, cô gái đinh ninh đó là kẻ thù giết bố mình, chửi mắng sỉ nhục Ngạc thậm tệ. Ngạc cứng lưỡi không sao giải tỏ được nỗi oan khiên. Do đó Ngạc bị luận án tử hình. Qua mấy quan toà lớn vẫn y án.

Sau này được ủy cho phủ Tế Nam phúc lại. Bấy giờ ông Ngô Nam Đại đang làm tri phủ, vừa thấy Ngạc sinh, trong thâm tâm đã ngờ: diện mạo ấy khó có thể là kẻ giết người. Ông ngầm sai người đến nói chuyện, hỏi riêng một cách thoải mái thì càng rõ Ngạc bị oan.Suy ngẫm mấy ngày rồi ông mới hỏi cung lại. Đầu tiên hỏi Yên Chi:

- Sau khi đính ước có ai biết chuyện hay không?

- Thưa không.

- Lúc gặp Ngạc có ai nữa không?

Thưa không.

Gọi Ngạc lên, ông ôn tồn, an ủi. Ngạc thưa:

- Khi tôi qua cổng ông Biện có thấy người hàng xóm cũ là Vương thị cùng một thiếu nữ đi ra, tôi vội rảo bước tịnh không nói nửa lời gọi có.

Ông Ngô quay ra quát cô gái:

- Ngươi vừa nói khi gặp Ngạc không có ai ở bên. Sao đây Ngạc lại nói có người đàn bà hàng xóm?

Nói rồi làm vẻ như định tra tấn. Cô gái sợ vội thưa:

- Tuy đúng lúc ấy có Vương thị, song thị không có quan hệ tới việc này.

Ông ấy kết thúc cuộc đối chất, sai lính đi bắt Vương thị.

Mấy ngày sau Vương thị đến, ông không cho ả ta liên lạc với cô gái và lập tức thẩm vấn. Hỏi Vương thị:

- Ai là kẻ sát nhân?

Thưa: không biết.

Ông vờ thắt buộc như thật:

Yên Chi đã cung, việc giết ông Biện nhà ngươi biết hết, sao còn dám giấu?

Vương thị vội kêu:

- Oan con quá! Con dâm nữ ấy phải lòng trai, con tuy có ngỏ ý mối manh chỉ để mua vui thôi. Nó tự dẫn gian phu vào nhà, con đâu có biết!

Ông Ngô truy vấn cặn kẽ, ả ta thuật lại tỉ mỉ những lời đùa bỡn trước sau. Ông gọi cô gái lên, làm mặt giận dữ:

- Ngươi khai ả ta không liên qua gì, thế sao bây giờ y lại cung cả hai phía?

Cô gái sụt sùi:

- Tự con không ra gì làm cho cha phải chết thê thảm. Kiện tụng chưa biết đến bao giờ mới xong, nếu làm lụy đến người khác thật là bất nhân.

Quan lại hỏi Vương thị:

- Đã cợt nhả quá đáng như thế, sau có nói lại với ai không?

- Thưa không.

Quan vặn lại:

- Vợ chồng tỉ tê đầu ấp tay gối, sao lại có thể không nói được? Lại còn chối?

- Chồng con vắng nhà đã lâu.

- Mặc dù vậy, phàm đã trêu cợt người khác đều là để cười người ta ngu, để tỏ ta đây là giỏi. Thế mà lại không nói với ai? Ngươi còn định dối trá ư?

Rồi quan sai kẹp mười đầu ngón tay, ả ta không chịu được phải khai thực: “Đã trót hở với Túc.’ Quan liền thả Ngạc đến bắt Túc.

Túc đến, cung là không biết gì cả. Quan phán:

- Đã ngủ ở nhà gái tất không phải là kẻ tử tế.

Sai tra khảo, Túc phải khai thật:

- Đúng là có lừa cô gái, nhưng từ khi đánh mất cái giày thì không dám đến nữa. Còn việc giết người thì quả thực không biết sự thể ra sao.

Quan nổi giận:

- Hừ! Kẻ trèo tường chim gái thì có đâu mà không đến?

Rồi lại sai tra khảo. Đau quá Túc không chịu nổi, phải nhận cả.

Án thành, cáo lên trên, không ai không khen tài thần minh của ông Ngô. Án sắt như núi, Túc chỉ còn vươn cổ đợi mùa thu chịu hành quyết.

Túc là kẻ phóng đãng song cũng là một kẻ sĩ ở đất Sơn Đông. Nghe thấy ông học sĩ Thi Ngu Sơn (Tên chính là Nhuận Cương, đỗ tiến sĩ, làm quan học chính đất Sơn Đông, là thầy học tác giả Bồ Tùng Linh) là bậc hiền năng, yêu người tài, thương kẻ sĩ, Túc làm một bài từ khiếu oan, lời lẽ rất thống thiết. Thi công nghiên cứu bản cung, lật đi lật lại suy ngẫm, ông vỗ bàn kêu lên: “Tay học trò này oan rồi”.

Ông xin với dình Tuần, dinh án được tra lại án ấy. Hỏi Túc:

- Để rơi giày ở đâu?

- Bẩm không rõ. Chỉ nhớ là khi gõ cửa nhà Vương thị thì giày vẫn còn trong ống tay áo.

Ông quay sang hỏi Vương thị:

- Ngoài Túc ra, còn ai thông gian với ai nữa?

- Bẩm, không có ai nữa.

- Đã là kẻ đĩ bợm, đâu chỉ có chuyện một người?

- Con đã trót dan díu với Túc Giới từ thuở nhỏ chưa thể đoạn tuyệt được. Về sau không phải là không có kẻ ve vãn, chim chuột, song thực chưa dám đi lại thêm với một ai khác.

Ông bắt nói rõ tên những kẻ ve vãn để chứng thực.Vương thị cung tiếp:

- Kẻ cùng làng là Mao Đại đã mấy lần rồi, lần nào cũng bị cụt hứng.

Thi công châm biếm:

- Gớm nhỉ? Sao tự nhiên lại trinh bạch thế?

Liền sai đánh trượng. Ả ta gục đầu chịu đòn, máu me đầm đìa, song vẫn hết sức biện bạch là quả không còn đi lại với ai khác. Lúc ấy Thi công mới tha đánh, vặn hỏi:

- Chồng ngươi đi xa, há lại không có kẻ nào thác cớ đến gạ gẫm hay sao?

- Thưa, thế thì cũng có. Tên Giáp, tên Ất... đến một vài lần, hoặc vay mượn, hoặc quà cáp.

Những tên Giáp tên Ất này đều là những tên du đãng trong ngõ, cũng có ý định với a nhưng chưa dám lộ.

Thi công ghi họ tên bọn ấy, sai bắt đến hết, giam chúng ra miếu Thành Hoàng, bắt quỳ phục trước hương án rồi phán bảo:

- Đêm qua ta được thần nhân báo mộng: kẻ sát nhân không ngoài bốn, năm tên lũ bay. Nay trước uy linh thần linh, bay không được dối trá. Đứa nào tự thú được hưởng lượng khoan hồng. Bằng không thì quyết chẳng khoan thứ.

Bọn chúng đều đồng thanh kêu là không có dính dáng đến vụ giết người. Thi công sai đem hết gông cùm, kìm kẹp bày ra trên mặt đất, như thể chuẩn bị gia hình. Chúng bị buộc trói lại, lột trần truồng ra, nhưng vẫn một mực kêu oan. Thi công sai ngừng gia hình, phán bảo:

- Bay đã không tự nhận thì buộc ta phải nhờ quỷ thần chỉ bảo.

Rồi sai người lấy chăn che kín các cửa đền, không để cho ánh sáng lọt vào; trật trần lưng bọn chúng ra dẫn vào trong buồng tối, đưa một chậu nước vào bắt đứa nào cũng phải rửa tay rồi sắp hàng đứng dưới bức vách. Xong xuôi ông mới ra lệnh:

- Bọn bay phải quay mặt vào vách, cấm không được động đậy để thần nhân viết chữ vào lưng kẻ có tội.

Lát sau, gọi chúng lên kiểm tra, ông chỉ vào mặt Mao Đại, thét lớn:

- Đây đúng là tên sát nhân.

Thì ra Thi công đã sai người xoa than lên vách. Nước rửa tay chính là nước muội đèn. Tên giết người sợ thần viết vào lưng, cho nên trong bóng tối đã quay lưng lại tựa vào vách, đến khi sắp ra lại lấy tay che lưng nên trên lưng có vệt đen. Khi thẩm phán, Thi công đã có ý nghi Mao, đến bây giờ càng rõ rành. Rồi dùng cực hình tra khảo, Mao phải khai ra hết sự thực.

Sau đó, Mao bị kết án chém đầu, Túc Giới là sĩ buông tuồng bị giáng một bậc học vị.

Giới thiệu được công bố, xa gần đều truyền tụng.

Ngày từ khi được Ngô công phúc án. Yên Chi mới biết Ngạc Thu Chuẩn là oan. Mỗi khi ra vào chốn công môn, gặp nhau nàng thường nhìn chàng mà nuốt lệ, tựa như có điều gì đau đớn tiếc nuối mà chưa nói được thành lời. Ngạccũng cảm động vì tình quyến luyến không che giấu của cô gái, trong lòng cũng rất mực mến yêu. Song lại nghĩ đến điều cô ta xuất thân hèn kém, mỗi khi bị dẫn giải đến nha môn trăm nghìn người nhòm ngó, chỉ trỏ, nếu lấy e sợ người ta chê cười. Bởi vậy cứ ngày đêm nghĩ quanh nghĩ quẩn mà không dám tự quyết được. Giới thiệu cuối cùng được ban bố, trong đó có mấy câu kết về Yên Chi thấu lý đạt tình: “ Khen cho biết chống cự khi kẻ xấu lọt vào nhà, đó là người tình nhân trong trắng. Còn như biểu lộ thái độ ái mộ chàng trai đẹp, đó cũng là việc thanh nhã, phong lưu. Bởi vậy mong quan huyện đứng ra tác thành cho đôi lứa”. Lúc ấy Ngạc mới ngả một bề.

Và quan huyện đã làm đúng theo lời quyết án.

LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ

Rất rõ ràng: xử kiện không thể không hết sức cẩn trọng vậy! Cũng có thể biết người này bị kết oan, song ai biết kẻ kia còn có nhiều điều khuất tất. Tuy sự việc có điều ám muội song ắt thế nào cũng có kẻ hở. Cho nên nếu không suy ngẫm nghiên cứu kỹ thì không thể được vậy! Than ôi! Người ta đều phục cái bậc hiền minh có tài xử đoán ngục tụng, mà không biết dụng tâm của trời giá kia cũng thực là công phu vậy. Những bậc cai trị dân trên đời này chỉ biết cờ rượu qua ngày, chăn gấm xỏ tay, dân tình bên dưới khốn đốn, nào có động một chút lòng? Đến khi trống gióng mở cửa công đường thì ngất ngưởng trên cao tót, dưới sân nháo nhác tố khổ thì lại gông cùm trấn áp. Thế thì có lạ gì trong chốn tối tăm còn biết bao nhiêu oan khiên trầm uất.

NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện