Lan hương dĩ thị giáng vân xa 

Hà tất tiên nguyên cánh phiếm tra 

Tỉnh đắc thu phong đoàn phiến lãnh 

Bất ưng lưu tử chỉ lưu hoa 

Huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, có hai anh em nho sinh họ Thường, chung sống trong ngôi nhà của cha mẹ để lại. Người anh tên Ðại Dụng, 21 tuổi, còn độc thân. Người em tên Ðại Khí, 19 tuổi, đã đính hôn song sắp tới ngày cưới thì vị hôn thê bị bạo bệnh mà mất. 

Ðại Dụng rất mê hoa mẫu đơn. Nghe đồn huyện Tào Châu tỉnh Sơn Ðông giáp vùng Tề, Lỗ, có nhiều giống mẫu đơn đẹp nổi tiếng, Ðại Dụng vẫn ước ao có dịp được tới thăm Tào Châu một chuyến. 

Năm ấy, vào khoảng đầu tháng hai, một hôm có việc phải đi Tào Châu, Ðại Dụng mừng lắm, vội sắm sửa hành trang, dặn dò em mọi gia vụ, rồi lên đường. 

Tới Tào Châu, dạo quanh huyện thành, chợt thấy một vườn mẫu đơn rộng lớn, trong có căn nhà bỏ trống với hòn núi giả, Ðại Dụng bèn vào hỏi thuê. Chủ nhà bằng lòng cho thuê. Ðại Dụng liền đem hành trang vào cư ngụ. Lúc đó, mẫu đơn mới trổ nụ chứ chưa nở hoa. 

Thu xếp xong công việc, Ðại Dụng chưa chịu về, nán lưu lại Tào Châu để xem hoa nở. Ngày nào Ðại Dụng cũng quanh quẩn ở trong vườn, mong hoa sớm nở cho mình thưởng ngoạn. Chẳng bao lâu, hoa nở rộ đầy vườn. Ðại Dụng thích quá, lấy giấy bút ra vườn ngắm hoa mà làm thơ, ca tụng vẻ đẹp của mẫu đơn. Ðại Dụng làm được đến trên một trăm bài thơ. Tháng sau, khi tiền lưng đã cạn, Ðại Dụng đem cầm chiếc áo lạnh, lấy tiền lưu lại Tào Châu thêm ít bữa để thưởng ngoạn mẫu đơn. 

Một sáng, Ðại Dụng ra vườn ngắm hoa thì chợt thấy ở cuối vườn có một nữ lang, phục sức cung trang màu tím, với một bà lão, cùng đứng ngắm hoa. Thầm nghĩ nữ lang là một tiểu thư con nhà thế gia trong vùng, Ðại Dụng vội rúc vào núp trong bụi cây cạnh hòn núi giả, chẳng dám giáp mặt vì sợ gặp chuyện rắc rối với thế gia. 

Lát sau, nữ lang thôi ngắm hoa, leo lên hòn núi giả ngồi nghỉ, còn bà lão thì đứng cạnh canh chừng. Từ trong bụi cây, Ðại Dụng chú mục dòm lén thì thấy nữ lang có một vẻ đẹp phi phàm không thấy có ở các giai nhân trần thế. Vì thế, Ðại Dụng nảy ý chắc nữ lang là tiên nữ thượng giới chứ chẳng phải là tiểu thư phàm trần! Cứ thắc mắc mãi về lai lịch của nữ lang, Ðại Dụng cảm thấy bứt rứt khó chịu nên quyết định chui ra khỏi bụi cây, rảo bước tới hòn núi giả để hỏi cho ra lẽ. Thấy một nho sinh bước tới chỗ nương tử mình ngồi, bà lão vội nhảy ra cản đường, quát:"Cuồng sinh này làm chi vậy?" Ðại Dụng kinh hãi quá, vội quỳ xuống đất, chắp tay đáp:"Tiểu sinh có dám làm chi đâu! Chỉ muốn tới hỏi thăm xem nương tử đây có phải là tiên nữ thượng giới hay không mà thôi!" Bà lão quát:"Ðừng có nói xàm! Cút đi ngay, kẻo ta bắt giải lên huyện, xin quan trị tội bây giờ!" Ðại Dụng chẳng dám nói chi thêm mà cũng chẳng dám đứng dậy, cứ quỳ yên ở dưới đất. Thấy thế, nữ lang mỉm cười, nói:"Mụ mụ ơi! Mặc người ta! Mình về đi thôi!" Bà lão vội quay người lại, đỡ nữ lang xuống đất rồi dắt đi. Chờ cho hai người đi khuất vào lùm cây ở cuối vườn, Ðại Dụng mới dám đứng dậy, thất thểu về phòng. 

Vào phòng, Ðại Dụng nằm vật xuống giường, thấp thỏm lo rằng thế nào bà lão cũng sẽ về mách với huynh trưởng thế gia về chuyện mình tò mò hỏi lai lịch của nữ lang, và rồi thế nào huynh trưởng thế gia cũng sẽ sai người nhà tới đây hỏi tội mình. Ðại Dụng đâm ra hối hận, tự trách mình tò mò làm chi cho sinh chuyện. Vì lo sợ, hối hận, nên suốt đêm ấy, Ðại Dụng chẳng hề chợp mắt. 

Sáng sau, Ðại Dụng hồi hộp chờ đợi người nhà thế gia tới hỏi tội, song chờ từ sáng tới chiều cũng chẳng thấy chi! Vì thế, Ðại Dụng lại nảy ý chắc nữ lang là tiên nữ thượng giới! Rồi đâm ra tương tư, tưởng nhớ nhan sắc và tiếng nói của nữ lang đến mất ăn mất ngủ. Ba ngày sau, Ðại Dụng soi gương thì thấy mặt mũi hốc hác hẳn đi. 

Tối ấy, Ðại Dụng thắp đèn, ngồi tựa lưng vào ghế mà tương tư nữ lang. Ðột nhiên, thấy lồng ngực khó thở, đầu óc đần độn, rồi chợt thấy bà lão, tay cầm bình rượu, đẩy cửa bước vào phòng, nói:"Nương tử nhà lão thân tự tay pha chế bình rượu độc này, sai lão thân đưa tới, bảo cuồng sinh phải uống ngay đi!" Nghe thấy thế, Ðại Dụng lấy làm lạ, nói:"Tiểu sinh với nương tử nhà lão bà là hai người xa lạ, có thù oán gì với nhau đâu? Vì thế, tiểu sinh chẳng tin là nương tử nhà lão bà lại bắt tiểu sinh phải uống rượu độc! Tuy nhiên, nếu rượu này quả là rượu độc do chính tay nương tử nhà lão bà pha chế thì tiểu sinh xin uống hết ngay! Chết đi cho rồi, chứ sống mà tương tư trong tuyệt vọng như thế này thì cũng khổ lắm!" Nói xong, Ðại Dụng đứng dậy đỡ lấy bình rượu trong tay bà lão mà uống một hơi cạn sạch, rồi trả lại chiếc bình. Bà lão mỉm cười, đỡ lấy chiếc bình, đem về. 

Ðại Dụng lại ngồi xuống ghế. Thấy rượu thơm mát Ðại Dụng thầm nghĩ chắc chẳng phải là rượu độc. Lát sau, Ðại Dụng ngà ngà say rồi ngủ thiếp đi. 

Sáng sau, khi thức giấc, thấy lồng ngực dễ thở, đầu óc minh mẫn, căn bệnh hôm qua đã biến mất, Ðại Dụng càng tin rằng nữ lang là tiên nữ, đã cho mình uống rượu tiên để chữa bệnh. Cũng vì tin như thế mà Ðại Dụng nghĩ rằng mình chẳng thể nào kết duyên được với nữ lang. Tuy nhiên, vì đang tương tư nữ lang nên trong đầu Ðại Dụng lúc nào cũng có hình bóng của nữ lang phảng phất. Ðại Dụng bèn quỳ xuống đất, lầm rầm khấn khứa, cầu xin nữ lang cho mình được gặp mặt. 

Mấy hôm sau, khi mẫu đơn bắt đầu tàn, Ðại Dụng tản bộ vào khu rừng gần nhà trọ để ngắm hoa rừng. Khi tới gần một tảng đá, chợt thấy nữ lang cũng đang đứng ngắm hoa, Ðại Dụng mừng quá, vội quỳ xuống đất lạy nữ lang. Nữ lang liền bước tới, cầm tay Ðại Dụng nâng dậy. Thấy hơi ấm từ da thịt nõn nà của nữ lang truyền sang tay mình, Ðại Dụng bỗng cảm thấy sung sướng đê mê, níu chặt lấy cánh tay nữ lang mà đứng dậy. Nữ lang nhìn Ðại Dụng, mỉm cười. Ðại Dụng toan lên tiếng hỏi thì chợt thấy bà lão từ xa bước tới, nên kinh hãi quá, mặt mày xanh xám, chẳng biết phải làm thế nào. Chợt nghe thấy tiếng nữ lang nói khẽ:"Hãy vòng ra phía sau tảng đá này mà núp. Tối nay, cố tìm một chiếc thang, vác về phía nam khu rừng này. Khi thấy tòa nhà có tường kín vây quanh thì dựa thang vào tường mà leo lên. Vào trong, tìm phòng có cửa sổ màu hồng!" Nói xong, nữ lang vội chạy ùa tới chỗ bà lão, nắm tay bà lão kéo đi. 

Ðại Dụng mừng quá, lật đật chạy về, đi tìm chủ nhà, mượn được chiếc thang, đem vào phòng mình, mong trời chóng tối. Khi trời vừa tối, Ðại Dụng vội vác thang trở lại khu rừng, theo hướng nam mà đi. Lát sau, quả nhiên thấy một tòa nhà có bức tường kín vây quanh, Ðại Dụng vội dựa thang vào tường mà leo lên. Thấy ở bên trong, có một chiếc thang, dựa sẵn vào tường, Ðại Dụng mừng quá, vội vàng leo xuống. Ðảo mắt nhìn quanh, thấy một căn phòng có cửa sổ màu hồng, Ðại Dụng chạy tới, áp tai vào tường mà nghe. Thấy có tiếng quân cờ lách cách, Ðại Dụng chẳng dám đột nhập, chỉ đứng ở ngoài, mong cuộc cờ chóng dứt. Chờ mãi mà tiếng quân cờ vẫn còn, Ðại Dụng chán nản nên leo ra. Ra ngoài, suy nghĩ hồi lâu, lại leo vào. Thấy tiếng quân cờ vẫn chưa dứt, Ðại Dụng bèn ghé mắt vào lỗ hổng trên tường dòm lén thì thấy nữ lang đang ngồi đấu cờ với một nữ khách áo trắng, bên phải có bà lão ngồi coi, bên trái có tì nữ chắp tay đứng hầu. Ðại Dụng chán nản, lại leo ra. Ra ngoài, tiếc rẻ, lại leo vào. Thấy đã quá nửa đêm mà tiếng quân cờ vẫn còn, Ðại Dụng lại leo ra. Ra ngoài, tiếc rẻ, toan leo vào thì chợt nghe thấy tiếng bà lão hỏi tì nữ: "Ai đem thang ra dựa vào tường thế kia? Hãy ra lấy cất vào nhà!" Ðại Dụng kinh hãi quá, vội lăn mình xuống sát chân tường, nằm im, nín thở. Khi thấy lặng tiếng người, Ðại Dụng mới dám leo lên. Thấy chiếc thang bên trong đã biến mất, Ðại Dụng đành leo xuống, vác thang về. 

Tối sau, Ðại Dụng lại vác thang tới tòa nhà, leo lên. Thấy bên trong đã có chiếc thang bắc sẵn như tối trước, Ðại Dụng vội leo xuống, chạy tới phòng nữ lang, áp tai vào tường mà nghe. Thấy im lặng, Ðại Dụng mừng quá, vội mở cửa lẻn vào thì thấy nữ lang đang ngồi chống tay nâng cằm, mắt nhắm như người đang suy nghĩ. Thấy động, nữ lang giật mình, mở mắt nhìn. Nhận ra là Ðại Dụng, nữ lang chợt đỏ mặt thẹn thùng. Ðại Dụng lên tiếng:"Tiểu sinh vẫn nghĩ mình bạc phước, chẳng thể nào gặp được nương tử, thế mà chẳng ngờ tối nay lại được gặp!" Nữ lang chưa kịp đáp thì chợt nghe có tiếng nữ khách ở ngoài cửa, nên vội lấy tay chỉ gầm giường, nói: "Chui vào đây mà trốn!" rồi lại ngồi xuống ghế. Ðại Dụng kinh hãi quá, vội chui vào gầm giường. Chợt có tiếng cửa phòng kẹt mở, rồi có tiếng nữ khách hỏi:"Thế nào? Tối nay bại tướng đã chuẩn bị chiến thuật cầm quân để phục thù tiểu muội về mấy trận thua tối qua chưa? Tiểu muội vừa pha xong bình trà ngon nên sang đây rước đại tỉ qua nhà tiểu muội uống trà, đấu cờ!" Nữ lang từ chối, nói: "Tối nay, ngu tỉ thấy trong người mệt lắm, chỉ muốn ở nhà thôi!" Nữ khách cứ nằn nì mời mọc, song nữ lang vẫn một mực chối từ. Thấy thế, nữ khách cười, nói:"Tự nhiên tối nay đại tỉ lại dở chứng, chẳng muốn sang nhà tiểu muội chơi. Hay là đã giấu nam nhân ở trong phòng?" Nữ lang lặng im, chẳng đáp. Ðại Dụng nằm trong gầm giường, nghe thấy thế thì chột dạ, lo sợ lắm. Chợt nữ khách cười, nói:"Ðại tỉ chẳng muốn đi thì tiểu muội cũng cứ lôi đi!" rồi tới kéo nữ lang đứng dậy, lôi ra khỏi phòng. Thấy thế, Ðại Dụng oán hận nữ khách là đã làm cho mình mất một dịp may để được tâm sự với nữ lang. 

Lát sau, thấy lặng tiếng người, Ðại Dụng mới bò ra khỏi gầm giường. Thấy trên chiếc đôn kê ở đầu giường có một trái cầu thủy tinh, phủ một chiếc khăn màu tím, Ðại Dụng chợt nảy ý lấy đem về để nữ lang thấy mất, ắt sẽ tới nhà mình đòi. Ðại Dụng bèn gấp chiếc khăn đút túi, rồi ôm trái cầu ra khỏi phòng, leo qua tường, vác thang về. 

Tới nhà, Ðại Dụng cất kỹ trái cầu rồi lên giường nằm, rút chiếc khăn trong túi ra, phủ lên mặt. Thấy một hương thơm kỳ lạ từ chiếc khăn tỏa ra, Ðại Dụng cứ tưởng tượng như hương thơm từ thân thể nữ lang còn vương lại. Thế rồi Ðại Dụng đê mê, ngủ thiếp đi. Khi thức giấc thì thấy trời đã quá trưa. 

Tối ấy, Ðại Dụng đang ngồi trong phòng, chợt nghe có tiếng gõ cửa, vội chạy ra mở thì thấy khách chính là nữ lang. Ðại Dụng mừng quá, xoắn xuýt mời vào, kéo ghế mời ngồi. Nữ lang cười, nói:"Trước kia cứ tưởng là người quân tử. Nay mới biết cũng chỉ là kẻ đạo tặc!" Ðại Dụng nói:"Nương tử nghĩ thế thực sao? Sở dĩ tiểu sinh có hành động phi quân tử ấy cũng chỉ vì muốn được gặp nương tử đó thôi! Bấy lâu, tiểu sinh vẫn nửa tin nửa ngờ rằng nương tử là tiên nữ, nhưng nay mới thực rõ nương tử quả là tiên! May mắn được nương tử để mắt tới, tiểu sinh rất lấy làm hân hạnh. Thế nhưng, tiểu sinh cũng tự hiểu rằng chẳng thể nào được kết duyên với nương tử vì tiên nữ mà xuống phàm trần thì trước sau gì cũng sẽ bỏ hạ giới mà bay về trời!" Nữ lang cười, nói:"Sao mà tưởng tượng viển vông quá thế? Ai là tiên nữ đâu? Thiếp cũng chỉ là một nữ tử bình thường thôi! Tình cờ gặp chàng thì bị xúc tình mà sinh luyến ái! Tối nay tới để hiến thân đây!" Nghe thấy thế, Ðại Dụng mừng quá, vội chạy a tới, toan bồng nữ lang lên giường. Chợt thấy nữ lang đưa tay ra cản, Ðại Dụng khựng người, chẳng hiểu tại sao. Nữ lang cười, nói:"Khoan đã! Nếu chàng nghĩ chẳng thể giữ kín được chuyện chúng mình thì nên chia tay nhau ngay từ bây giờ còn hơn là để sau này miệng tiếng thiên hạ buộc phải lìa tan! Phải kín miệng mới được, chứ tới tai thiên hạ thì chẳng thể mọc cánh mà bay được đâu!" Ðại Dụng mừng quá, vội đáp:"Tưởng là chuyện chi, chứ nếu chỉ có thế thì tiểu sinh xin thề là sẽ giữ kín chuyện chúng mình!" Nói xong, liền chạy tới ôm chầm lấy nữ lang, bồng lên giường mà ân ái. 

Ân ái xong, hai người nằm thủ thỉ chuyện trò. Ðại Dụng hỏi:"Nàng tên chi?" Nữ lang đáp:"Vẫn cho thiếp là tiên thì tiên đâu cần phải có tên?" Rồi cười, nói:"Nhưng vì thiếp chỉ là một nữ tử bình thường nên cũng có tên như mọi người. Thiếp tên Cát Cân!" Ðại Dụng hỏi:"Nàng họ chi?" Ðáp:"Không có họ!" Hỏi:"Sao lại không có họ?" Nữ lang chỉ mỉm cười, chẳng đáp. Lại hỏi:"Thế bà lão thường đi theo nàng là ai?" Ðáp:"Là mụ mụ! Mụ mụ nuôi thiếp từ hồi còn nhỏ. Vì thế, bây giờ thiếp coi mụ mụ như nhũ mẫu chứ chẳng coi như tì bộc!" Hỏi:"Mụ mụ có họ không?" Ðáp:"Có!" Hỏi:"Họ chi?" Ðáp:"Họ Tang!" Hỏi: "Mụ mụ tên chi?" Ðáp:"Không có tên!" Hỏi:"Sao lại không có tên?" Nữ lang cũng chỉ mỉm cười, chẳng đáp, rồi hỏi lại:"Quê chàng ở đâu?" Ðáp:"Ở huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam!" Hỏi:"Ở với ai?" Ðáp:"Với chú em ruột!" Hỏi:"Tiểu thúc tên chi?" Ðáp:"Tên Ðại Khí!" Hỏi:"Tiểu thúc có vợ chưa?" Ðáp:"Mới đính hôn song chưa tới ngày cưới thì vị hôn thê đã mất!" Ðang thủ thỉ với Ðại Dụng, bỗng Cát Cân ngồi nhỏm dậy, nói:"Thiếp phải về thôi, chẳng thể ở lại đây thêm được nữa vì nhà thiếp nhiều tai mắt lắm! Chừng nào có dịp, thiếp sẽ trở lại thăm. À mà trái cầu ở đầu giường chẳng phải là của thiếp đâu!" Ðại Dụng hỏi: "Thế thì của ai?" Ðáp:"Của Ngọc Bản!" Hỏi:"Ngọc Bản là ai?" Ðáp:"Là con ông chú ruột, nữ khách tối qua tới lôi thiếp đi đấu cờ ấy mà!" Hỏi:"Sao lại để ở phòng nàng?" Ðáp:"Vì mấy hôm trước, Ngọc Bản tới chơi rồi bỏ quên, thiếp lấy khăn phủ lên cho khỏi bụi. Có thể cất giữ chiếc khăn còn trái cầu thì phải đem ra mà trả lại!" Ðại Dụng bèn đi lấy trái cầu đem ra. Cát Cân đỡ lấy rồi cáo biệt. 

Cát Cân về rồi mà Ðại Dụng thấy chăn gối vẫn còn đượm hương thơm kỳ lạ như ở chiếc khăn màu tím. Từ đó, cứ cách một tối Cát Cân lại tới phòng trọ, ân ái với Ðại Dụng một lần. Ðại Dụng đâm ra mê mẩn tâm thần, quên cả chuyện về quê. 

Một tối, ân ái xong, Cát Cân hỏi:"Ở trọ lâu ngày thế này mà chẳng làm ăn chi thì lấy tiền đâu ra mà sinh sống?" Ðại Dụng đáp:"Thú thực với nàng, vì hết tiền nên đã phải đem cầm chiếc áo lạnh. Nay chắc lại sắp phải đem bán nốt con ngựa!" Nói:"Chỉ vì gái mà bị nhẵn túi rồi lại phải đem cầm chiếc áo lạnh! Bây giờ chỉ còn có một con ngựa để về quê mà cũng toan đem bán thì lấy gì mà về? Thôi đừng có bán! Ðể thiếp tặng cho ít vàng mà tiêu vì thiếp có để dành được chút của riêng!" Ðại Dụng lắc đầu, nói:"Ân huệ nàng ban chưa chút báo đáp, nay lại nhận vàng của nàng mà sống, thì đâu còn phải là người đàn ông?" Cát Cân cứ nài ép, nói:"Nếu chẳng chịu nhận thì vay vậy! Lúc nào có thì trả cả vốn lẫn lời!" Nói xong, nắm lấy tay Ðại Dụng, lôi ra vườn. Tới một gốc mẫu đơn, Cát Cân nói:"Vần giùm tảng đá này sang bên!" Ðại Dụng làm theo lời. Cát Cân rút trâm cài đầu, thọc xuống đất thăm dò rồi dừng lại, nói:"Bới giùm chỗ đất này lên đi!" Ðại Dụng lại làm theo lời. Bới sâu được chừng một thước, Ðại Dụng thấy một nắp hũ lộ ra. Cát Cân bèn thò tay xuống mở nắp hũ, lôi lên năm mươi đĩnh vàng. Ðại Dụng nắm tay Cát Cân cản lại, song Cát Cân chẳng nghe, cứ lôi lên thêm mười đĩnh nữa, đưa cả cho Ðại Dụng. Ðại Dụng lắc đầu, nói:"Nhiều quá! Có cất trở lại một nửa thì mới dám vay!" Cát Cân đành làm theo lời. Ðại Dụng bèn đậy nắp hũ, lấp đất lại, rồi vần tảng đá đè lên như cũ. 

Tháng sau, một tối, ân ái xong, Cát Cân nói:"Mấy hôm nay, thiên hạ xì xầm bàn tán về chuyện chúng mình! Chẳng thể tiếp tục sống như thế này được nữa!" Ðại Dụng kinh hãi quá, hỏi:"Ðã hết sức cẩn thận, chẳng hề hở chuyện ra, sao thiên hạ vẫn biết? Nếu quả là đã vỡ lở thì cũng chẳng biết tính sao! Nàng có cách gì, xin hãy chỉ cho, dù có thế nào, cũng xin gánh chịu!" Cát Cân nói:"Chỉ còn một cách là chàng lên đường về quê trước, còn thiếp thì ở lại đây thu xếp công việc! Khi nào thu xếp xong, thiếp sẽ tới Lạc Dương chung sống!" Nói xong, từ biệt. 

Ðại Dụng bèn tức tốc sửa soạn hành trang, trả lại nhà cho chủ rồi lên ngựa về quê. Dọc đường, Ðại Dụng định bụng sẽ dùng tiền bạc vừa vay được để sửa sang lại nhà cửa mà đón rước giai nhân. 

Vừa về tới nhà, Ðại Dụng thấy một cỗ xe sang trọng đậu ngay ở trước cổng nên lấy làm lạ, bèn tới gần để coi. Thấy Cát Cân với Tang mụ mụ mở cửa xe bước xuống, Ðại Dụng kinh ngạc, hỏi:"Sao lại có thể về đây sớm thế?" Cát Cân mỉm cười, đáp:"Ðừng có hỏi nữa! Hãy khuân hết mười hũ vàng trong xe vào nhà mà cất đi!" Ðại Dụng liền làm theo lời. Cát Cân bèn dắt Tang mụ mụ và xa phu vào nhà, rồi nói:"Hãy mời tiểu thúc ra đây mà giới thiệu. Cứ giới thiệu thiếp là vợ chàng, mới cưới ở Tào Châu!" Ðại Dụng gật đầu rồi lên tiếng gọi Ðại Khí. Biết là anh đã về, Ðại Khí vội chạy ra. Ðại Dụng bèn giới thiệu mọi người với nhau. Cát Cân rất thân thiện với Ðại Khí, hỏi thăm đủ mọi chuyện ở Lạc Dương. Sau đó, Cát Cân đi tắm gội, trang điểm, rồi ra bảo Ðại Dụng dắt mình sang chào bà con lối xóm. 

Hôm sau, bà con lối xóm đều đem quà sang mừng. Ai cũng công nhận tân nương là một giai nhân tuyệt sắc, song ai cũng thắc mắc về lai lịch của tân nương. Ðại Dụng cứ nơm nớp lo sợ về việc thiên hạ sẽ biết được lai lịch của vợ mình song Cát Cân thì lại rất thản nhiên. Ðại Dụng nói:"Chỉ sợ thiên hạ biết được lai lịch của nàng thôi!" Cát Cân nói:"Việc chi mà phải sợ? Thiên hạ có biết thì cũng chẳng sao! Thiếp là con nhà thế gia chứ có phải là gái giang hồ đâu mà phải sợ?" 

Tháng sau. Một hôm Cát Cân nói với chồng: "Tướng tiểu thúc khá hơn tướng lang quân nhiều. Nay vị hôn thê của tiểu thúc đã mất, thiếp muốn làm mai Ngọc Bản cho! Nhan sắc Ngọc Bản cũng chẳng đến nỗi nào!" Ðại Dụng cười, nói:"Sao nàng khiêm tốn thế? Nhan sắc Ngọc Bản cũng ngang ngửa với nhan sắc nàng! Chỉ sợ Ngọc Bản chẳng ưng Ðại Khí thôi! Nếu nàng nghĩ là Ngọc Bản có thể ưng Ðại Khí thì nàng hãy làm mai giùm đi!" Cát Cân nói:"Lang quân hãy thử ướm ý tiểu thúc xem sao đã!" Ðột nhiên, Ðại Dụng tỏ vẻ ngần ngại, nói:"Chỉ sợ hai anh em cùng lấy hai chị em ở Tào Châu, thiên hạ sẽ nghi ngờ, rồi dò la được lai lịch của hai nàng thì phiền lắm!" Cát Cân nói:"Hai chị em thiếp cùng là con nhà thế gia thì có điều chi mà lang quân phải sợ? Chỉ cần lang quân ướm ý tiểu thúc giùm thôi! Mọi việc khác, cứ để thiếp chu toàn!" Ðại Dụng bèn đi tìm em, hỏi ý. Thấy anh nói nhan sắc Ngọc Bản chẳng thua chi nhan sắc chị dâu, Ðại Khí ưng ngay. Ðại Dụng bèn vào phòng thuật lại cho vợ nghe, rồi hỏi:"Bây giờ phải làm thế nào?" Cát Cân đáp:"Dễ lắm! Chỉ cần sai Tang mụ mụ tới Tào Châu đón Ngọc Bản về đây là xong!" Hỏi:"Ngọc Bản đã biết diện mạo, tính nết Ðại Khí ra sao đâu mà quyết định?" Ðáp:"Ngọc Bản thân với thiếp và tin thiếp lắm! Thiếp sẽ dặn Tang mụ mụ thuật lại cho Ngọc Bản nghe tất cả mọi điều thiếp nghĩ về tiểu thúc!" Nói xong, Cát Cân gọi Tang mụ mụ lên dặn dò mọi chuyện rồi sai xa phu rong xe chở Tang mụ mụ đi Tào Châu ngay hôm ấy. 

Bốn hôm sau. Vào buổi chiều, xe tới Tào Châu. Tang mụ mụ bảo xa phu dừng xe ở ngoài cổng huyện, rồi nằm nghỉ trong xe. Chờ tới tối, Tang mụ mụ mới xuống xe, vào huyện một mình. Lát sau, Tang mụ mụ trở ra, dắt theo Ngọc Bản. Xe lăn bánh, ngày đi, đêm nghỉ. 

Ở nhà, Cát Cân đã tính sẵn ngày giờ. Ðúng ngày, Cát Cân bảo Ðại Khí cưỡi ngựa ra ngoài năm mươi dặm mà đón tân nương. Ðại Khí vâng lời, phục sức sang trọng, cưỡi ngựa đi đón giai nhân. Ði được ngoài năm mươi dặm, Ðại Khí bèn ghìm ngựa đứng ở bên đường mà đón. Lát sau, xe chở Ngọc Bản về tới. Tang mụ mụ bèn bảo xa phu dừng xe để giới thiệu Ngọc Bản và Ðại Khí với nhau. Sau đó, Tang mụ mụ bảo Ðại Khí lên xe ngồi chung với Ngọc Bản, bảo xa phu buộc chung hai ngựa mà chạy. 

Tới nhà, Ðại Khí thấy chị dâu đã sửa soạn đầy đủ hôn lễ cho mình, có cả âm nhạc. Cát Cân và Ngọc Bản gặp nhau thì vô cùng mừng rỡ, cứ ôm lấy nhau mà hàn huyên. Tới giờ, Cát Cân bảo Ngọc Bản cùng Ðại Khí làm lễ giao bái. Tối ấy, hai người làm lễ hợp cẩn, động phòng hoa chúc. Thế rồi Ðại Khí và vợ cùng ở chung với anh và chị dâu, rất mực thuận hòa vui vẻ. 

Ba năm sau, Cát Cân và Ngọc Bản, mỗi người sanh được một bé trai kháu khỉnh. Nhờ mười hũ vàng cũng như nhờ tài quán xuyến của Cát Cân, Ðại Dụng trở thành cự phú ở trong vùng. Ðại Dụng bèn lấy tiền ra xây cất một dinh cơ hai từng lầu, rất mực sang trọng. 

Một hôm, có một bọn cướp, chừng sáu chục tên, kéo tới vây dinh cơ. Thấy biến, Ðại Dụng vội sai gia nhân khóa chặt mọi cửa, đưa cả nhà lên lầu. Bọn cướp đột nhập dinh cơ, lấy củi chất quanh chân lầu, đòi chủ nhân ra mặt cho chúng nói chuyện. Ðại Dụng bèn ra đứng ở lan can, nhìn xuống, hỏi:"Có thù oán chi nhau mà tới vây nhà?" Tên đầu sỏ đáp:"Cần chi phải có thù oán mới tới vây nhà? Tới đây vì muốn hai điều. Thứ nhất là nghe đồn nhị vị phu nhân đẹp lắm, có một không hai trên trần thế nên muốn được xem mặt. Thứ nhì là nghe đồn gia đình giàu lắm nên muốn mỗi người trong bọn được tặng năm trăm đồng vàng!" Nói xong, dọa đốt lầu. Ðại Dụng đành nói:"Vui lòng cho mỗi kẻ năm trăm đồng, song chẳng thể cho thấy mặt các phu nhân được!" Bọn cướp không nghe, cứ dọa đốt lầu. Gia nhân đều tái xanh mày mặt. Cát Cân bèn nói với chồng:"Lang quân cứ để thiếp và Ngọc Bản xuống lầu cho bọn chúng thấy mặt!" Ðại Dụng nói:"Ðâu có được!" Cát Cân nói:"Thì lang quân cứ để mặc thiếp đối phó với bọn chúng xem sao!" Ðại Dụng đành im lặng. 

Cát Cân bèn bảo Ngọc Bản cùng mình đi trang điểm thực lộng lẫy. Sau đó, Cát Cân dắt tay Ngọc Bản từ từ bước xuống lầu, mở cửa chính, ra nhìn bọn cướp khắp lượt, rồi nói:"Chị em ta đều là tiên nữ trên thượng giới, tạm thời phải xuống trần thế một thời gian. Chủ nhân gia đình này đã đồng ý cho bọn bay ba vạn đồng vàng mà bọn bay còn đòi được thấy mặt chị em ta thì quả thực là bọn bay chẳng biết điều chút nào! Bọn bay chỉ có đủ phước để được hưởng một trong hai điều mà bọn bay yêu sách thôi! Bây giờ bọn bay đã được thấy mặt chị em ta rồi thì đâu còn phước để được hưởng tiền bạc nữa?" Nghe thấy thế, bọn cướp vội đồng loạt quỳ xuống đất, rập đầu lạy Cát Cân và Ngọc Bản, chỉ trừ tên đầu sỏ chẳng chịu quỳ, cứ đứng yên mà nhìn chòng chọc vào hai người. 

Cát Cân nói xong, dắt tay Ngọc Bản, cùng quay vào nhà. Tên đầu sỏ bèn nói:"Nó vọng ngôn đó chứ tiên với cú gì!" Nghe thấy thế, Cát Cân quay phắt người lại, nhìn tên đầu sỏ, hỏi:"Vậy bọn bay muốn gì? Nếu biết điều mà rút lui ngay thì cũng chưa muộn. Nếu không thì chớ trách là ta tàn nhẫn!" Bọn cướp đưa mắt nhìn nhau, phân vân chẳng biết nên làm thế nào. Cát Cân bèn bỏ mặc bọn cướp, dắt Ngọc Bản vào nhà, bước lên lầu. Bọn cướp cùng đứng dậy, ngây người nhìn theo. Thấy Cát Cân và Ngọc Bản bước lên đến lưng chừng cầu thang thì đột nhiên cùng biến mất, bọn cướp kinh hãi quá, hò nhau bỏ chạy, chẳng dám quay đầu nhìn lại. 

Từ đó, hai anh em lại sống yên vui với hai người vợ đẹp trong cảnh giàu sang. Ðại Khí thì chẳng thắc mắc chi về lai lịch của Cát Cân và Ngọc Bản, song Ðại Dụng thì nghĩ rằng vợ mình và em dâu chẳng phải là hai tiểu thư thế gia vì chẳng thấy thế gia nào tới huyện Lạc Dương này lùng kiếm con gái trốn nhà cả! Ðại Dụng chẳng dám nói ý ấy cho vợ biết mà chỉ nuôi ý đi Tào Châu một chuyến để dò la lai lịch của vợ và em dâu. 

Một hôm, Cát Cân nói với chồng:"Trước kia, thiếp vẫn giấu lang quân, nói rằng thiếp không có họ! Nay mình đã có con với nhau nên thiếp thú thực là thiếp họ Ngụy, con gái của Tào Quốc Phu Nhân ở Tào Châu!" Ðại Dụng chẳng tin vì nghĩ rằng khi mình còn ở Tào Châu có bao giờ thấy ai nói về một thế gia họ Ngụy nào đâu? 

Một hôm, Ðại Dụng nói với vợ:"Ta có việc cần phải đi ít bữa, nhờ nàng ở nhà quán xuyến mọi việc!" Cát Cân nói:"Lang quân cứ an tâm mà đi! Mọi việc ở nhà để mặc thiếp lo!" Ðại Dụng bèn lên đường đi Tào Châu. 

Tới nơi, Ðại Dụng dò hỏi thì được biết là ở Tào Châu chẳng có thế gia họ Ngụy nào. Thế nhưng, khi tới thăm căn nhà trọ năm xưa thì thấy trên vách quả có một bài thơ đề Tặng Tào Quốc Phu Nhân. Ðại Dụng thắc mắc lắm, bèn nhẩm thuộc bài thơ rồi đi tìm chủ nhà, hỏi: "Trong căn nhà tiểu sinh thuê trọ năm xưa, trên vách có bài thơ đề Tặng Tào Quốc Phu Nhân. Tiên sinh cư ngụ ở đây đã từ lâu, chắc biết Tào Quốc Phu Nhân là ai chứ?" Chủ nhà gật đầu, mỉm cười, đáp:"Biết chứ! Quý khách có muốn gặp Tào Quốc Phu Nhân không?" Ðại Dụng kinh ngạc, hỏi:"Có thể gặp được sao?" Chủ nhà gật đầu, đáp: "Sao lại không?" rồi dẫn Ðại Dụng ra vườn. Tới một gốc mẫu đơn cao, chủ nhà chỉ cây, nói:"Tào Quốc Phu Nhân đó!" Ðại Dụng kinh ngạc, hỏi:"Sao cây mẫu đơn này lại được gọi là Tào Quốc Phu Nhân?" Chủ nhà cười, đáp:"Vì nó cao nhất và đẹp nhất Tào Châu nên thiên hạ đùa bỡn, phong cho nó lộng danh là Tào Quốc Phu Nhân!" Lại hỏi: "Cây này thuộc giống mẫu đơn nào?" Ðáp:"Thuộc giống Cát Cân, trổ hoa màu tím!" Nghe thấy thế, Ðại Dụng càng kinh hãi, thầm nghĩ chắc vợ mình là thần của cây mẫu đơn này. Ðại Dụng bèn cám ơn chủ nhà rồi lên đường về quê. 

Tới nhà, Ðại Dụng chẳng dám hỏi han chi vợ. Sáng sau, muốn dò xét tình ý vợ, Ðại Dụng bèn ngâm nga bài thơ Tặng Tào Quốc Phu Nhân đề trên vách nhà trọ ở Tào Châu. Nghe thấy chồng ngâm nga bài thơ ấy, đột nhiên Cát Cân tái mặt, nói:"Ba năm trước đây, vì cảm mối tình tương tư của lang quân nên thiếp mới lấy thân mà báo đáp. Nay thấy lang quân đã nghi ngờ thiếp thì chúng mình chẳng thể sống chung với nhau được nữa!" Nói xong, liền lớn tiếng gọi:"Ngọc Bản!" Ðại Dụng chợt thấy Ngọc Bản ẵm hai đứa bé tới. Ðột nhiên, hai chị em ẵm hai đứa bé, quẳng ra sân, Ðại Dụng kinh hãi quá, đưa mắt nhìn theo thì thấy hai đứa bé rớt xuống sân rồi biến mất. Quay đầu nhìn lại thì thấy cả Cát Cân và Ngọc Bản cũng đã biến mất. Lúc đó Ðại Dụng mới tự trách mình là tò mò thắc mắc làm chi cho mất cả vợ con cùng em dâu và cháu! Hai hôm sau, ở chỗ hai đứa bé rớt xuống, bỗng nảy ra hai mầm mẫu đơn. Chỉ qua một đêm, hai mầm ấy đã trở thành hai cây mẫu đơn thực cao, đường kính thân cây dài hơn một thước. 

Năm sau. Hai cây cùng trổ hoa. Một cây trổ hoa màu tím, một cây trổ hoa màu trắng, đóa nào cũng lớn bằng hai nắm tay, cánh nhiều và dày. Ðại Dụng đi hỏi những người sành chơi hoa thì được biết cây hoa màu tím thuộc giống mẫu đơn Cát Cân còn cây hoa màu trắng thuộc giống mẫu đơn Ngọc Bản. Hai giống mẫu đơn này rất quý, khác hẳn các giống mẫu đơn thông thường khác. 

Hai năm sau. Hai cây này sinh sôi nảy nở ra nhiều cây con, hoa trổ rợp sân. Ðại Dụng bèn đánh hết các cây ở sân đem ra trồng ở vườn thì thấy mỗi cây lại biến thành một giống mẫu đơn khác, chẳng biết tên chi. 

Từ đó, vườn mẫu đơn của hai anh em họ Thường nổi tiếng là vườn hoa đẹp nhất huyện Lạc Dương.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện