Tiến sĩ Thạch Tông Ngọc người huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) làm Tri huyện Tân Trịnh (tỉnh Hà Nam). Lúc ấy có người khách họ Trương buôn bán xa nhà, bị bệnh muốn về nhưng không cưỡi ngựa đi bộ gì được nên thuê một chiếc xe tay, ôm năm ngàn đồng vàng, nhờ hai người phu đẩy đi. Tới Tân Trịnh, hai người phu xe vào chợ ăn uống, Trương ôm bọc tiền nằm một mình trong xe. Có tên Giáp đi ngang liếc thấy, nhìn chung quanh thấy không có ai bèn giật tiền chạy. Trương không cản được, gượng bệnh vùng dậy đuổi theo. Thấy Giáp chạy vào một thôn, Trương cũng vào theo, thấy Giáp chạy vào một cổng nhà, Trương không dám vào, chỉ đứng ngoài bức tường thấp nhìn vào. Giáp buông bọc tiền xuống quay nhìn thấy có người nhìn trộm, tức giận bắt Trương bảo là giặc cướp, trói giao giải tới ông Thạch, kể lại sự tình. Ông hỏi Trương, Trương kể lể nỗi oan ức, ông cho rằng không có gì làm bằng chứng, đuổi cả ra ngoài. Hai người bước xuống đều nói ông không biết phân rõ trắng đen, ông thản nhiên như không nghe thấy. Sực nhớ Giáp trước đây từng trốn thuế, ông bèn sai nha lại theo đòi ráo riết. Qua một hôm thì Giáp lập tức đem nộp ba lượng bạc. Ông lập tức gọi lên hỏi tiền này ở đâu mà có, Giáp bẩm là bán áo cầm đồ, đều nói rõ cầm bán những gì cho ai để làm bằng chứng. 

Ông Thạch sai nha lại xem lại trong những người tới đóng thuế có ai là người cùng làng với Giáp không. Vừa gặp lúc có người láng giềng của Giáp đang ở đó, đám nha lại gọi vào, ông Thạch hỏi "Ngươi đã là hàng xóm với tên Giáp thì ắt biết tiền này của y từ đâu mà có". Người láng giềng đáp không biết, ông nói "Người láng giềng sát bên nhà cũng không biết thì tiền này có chỗ mờ ám rồi". Giáp sợ, đưa mắt nhìn người láng giềng nói "Ta bán vật này cầm vật nọ, chắc anh cũng nghe mà?". Người láng giềng vội nói “phải, phải, có nghe”, ông Thạch tức giận nói “Thế này thì ắt ngươi và tên Giáp cùng trộm cướp, không trị tới nơi tới chốn không xong", rồi sai đóng gông tra khảo. Người láng giềng cả sợ bẩm “ta là láng giềng nên không dám chuốc oán với y, bây giờ sắp phải chịu hình phạt, đâu dám sợ sệt gì nữa? Quả đúng là y cướp tiền của họ Trương kia đấy ạ”, ông bèn tha cho về. Lúc ấy Trương mất tiền chưa về còn ở đó, ông bèn phạt bắt Giáp trả tiền lại. Những việc xử án của ông Thạch như thế rất nhiều, cũng đủ thấy là người thật tâm lo việc chính sự vậy. 

Dị Sử thị nói: Lúc ông Thạch còn là Chư sinh, cứ làm được bài văn nào đưa ra thì người được xem đều chép giấu kín như của báu, mà nhìn tới người thì thấy đường hoàng trang nhã, có phong độ Hàn Phạm* tựa hồ không phải là kẻ chỉ có tài văn thư sổ sách**. Chỉ đứng trong một hàng quan huyện mà nổi tiếng là quan giỏi, cả vùng Hà Nam biết danh, ai nói văn chương chỉ là đẹp đẽ không thiết thực? Vì vậy chép lại để nêu gương cho những kẻ có địa vị vậy. 

*Hàn Phạm: tức Hàn Dũ thời Đường và Phạm Trọng Yêm thời Tống, đều là bậc đại thần nổi tiếng văn học. 

** Tài văn thư số sách: chỉ tài làm thư lại và các chức quan thấp, chỉ phụ trách những việc nhỏ mọn vụn vặt. 
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện