Quay về phố Đại Triều, người gác cổng ra đón họ vào nhà, thông báo: "Chung gia lại vừa mang mấy thứ sang đây tặng, có đồ ăn đồ dùng, còn có hai con lừa, hai con la."
Trong viện, trên đường đi còn mấy cái sọt tre chưa mang vào hết, trong sọt đầy ắp rau quả tươi, mấy bình rượu trái cây, còn cả hai tảng thịt lợn.
Quản sự đang đứng trước hành lang chỉ đạo người hầu kẻ hạ trong nhà khiêng quà vào trong, cười như được mùa. Phó gia lần này mất một con lừa, bị uất ức một phen nhưng tính ra thì vẫn có lợi, không thiệt thòi gì. Hơn nữa đại công tử Chung gia quý mến nhị thiếu gia như thế, sau này Phó tứ lão gia làm ăn ở phủ Võ Xương này thì còn sợ ai chèn ép nữa? "Nhị thiếu gia, mới có người từ huyện Hoàng Châu tới, là một vị tướng công họ Khổng, nói là tìm thiếu gia. Khổng tướng công hình như có việc gì gấp, sang phố Cống Viện, người bên đó nói thiếu gia ở bên này, Khổng tướng công lại tìm tới đây. Quan nhân đang uống trà với Khổng tướng công."
Quản sự chạy xuống bậc thềm, vừa giúp đỡ bê cái này nhấc cái kia vừa nói.
Phó Vân Chương ừ một tiếng rồi đi ra chính đường tìm Phó tứ lão gia và Khổng tú tài.
Trời nóng, Phó Vân anh mướt mải mồ hôi, tuy vẫn dùng sa mỏng che mặt nhưng gương mặt vẫn bị nắng chiếu đến đỏ bừng nên trở về trong viện rửa mặt chải đầu.
Phó Nguyệt và Phó Quế kéo nhau tới tìm nàng nói chuyện quần áo váy vóc.
Nàng gỡ tóc rồi chải lại một lần nữa, vấn thành một búi tóc đơn ốc, thay một chiếc áo cổ chéo bằng lụa mỏng Hàng Châu thêu hoa văn hoa rơi nước chảy [1] và váy điệp màu vàng rồi mới đi ra từ sau tấm bình phong, uống mấy ngụm nước ô mai mà Phương Tuế mới lấy từ nhà bếp lên, ngồi nói chuyện phiếm với hai chị họ.
[1] Hoa văn gồm một cây hoa (hoa mai, hoa mẫu đơn, v.v…) bên dòng nước.
Trước hành lang, màn trúc buông hờ, ánh nắng xuyên qua những khe hở trên cửa sổ tạo thành một mảng sáng mông lung. Trong phòng, ánh sáng có phần ảm đạm.
Phương Tuế và Chu Viên mở cửa sổ ra, gió mát ùa vào xua tan cơn nóng trong phòng.
Mấy cô bé đang nói chuyện say sưa thì ngoài hành lang bỗng vang lên tiếng bước chân, một nha hoàn vội vàng chạy vào phòng, thở hổn hển, "Ngũ tiểu thư, quan nhân gọi tiểu thư tới chính đường ngay."
Nha hoàn nhấn mạnh chữ "ngay".
Phó Quế và Phó Nguyệt nhìn nhau, đứng dậy nói: "anh tỷ nhi, tứ thúc tìm muội có việc, muội đi đi. Tỷ với Nguyệt tỷ nhi về phòng đây."
Phó Vân anh bảo Phương Tuế đưa hai chị họ ra ngoài, thầm nghĩ có Khổng tú tài ở đây, không thể mặc quần áo mỏng thế này ra gặp khách nên đành phải thay một bộ đồ đơn giản thường dùng rồi đi ra chính đường.
Chính đường im phăng phắc, trong ngoài phòng đều không có người đứng hầu, Phó tứ lão gia đã bảo bọn họ ra ngoài, trong phòng chỉ còn có Khổng tú tài và Phó Vân Chương.
Thấy Phó Vân anh tới, Phó tứ lão gia bảo Phương Tuế và Chu Viêm đang theo sau nàng đi ra ngoài. Đợi hai nha hoàn đã đi xa, ông mới khẽ nói: "anh tỷ nhi, trong nhà có chút chuyện."
Phó Vân anh không nói gì, nhìn Khổng tú tài đang ngồi bên cạnh, làm một cái lễ vạn phúc với hắn.
Khổng tú tài đứng dậy đáp lễ, mặt có vẻ lúng túng, "Vân Chương, anh tỷ nhi, chuyện này nói cho cùng là do ta sơ sẩy."
hắn chậm rãi kể rõ ngọn nguồn: Khi Phó Vân Chương rời huyện Hoàng Châu đã nhờ Khổng tú tài giúp y chép lại mấy quyển sách trong thư phòng. Khổng tú tài hay tới ăn nhờ ở đậu, mượn sách đọc, nên đồng ý ngay. Ban ngày hắn chép sách, ban đêm đọc sách tới mức mệt phờ nên thường ngủ lại trong phòng dành cho khách cạnh thư phòng của Phó Vân Chương. Đêm đó hắn đi ngủ muộn, đặt lưng xuống là ngủ một mạch tới tận trưa ngày hôm sau. Lúc vào thư phòng lại gặp Phó Dung từ bên trong đi ra, trong tay áo hình như còn giấu thứ gì, hắn có cảm giác không hay liền ngăn Phó Dung lại hỏi thử.
Phó Dung lấy một cây bút ra, nói nàng ta chỉ tới thư phòng mượn bút, không động vào sách vở của Phó Vân Chương.
Khổng tú tài dù sao cũng chỉ là khách, Phó Dung mới là tiểu thư Phó gia, hơn nữa nam nữ khác biệt, hắn cũng không dám hỏi nhiều, chỉ có thể trơ mắt nhìn Phó Dung đi ra ngoài.
Phó Vân anh nghe tới đó cũng đã đoán ra phần nào, hỏi thẳng: "Tỷ ấy lấy cái gì?"
Khổng tú tài ngập ngừng, theo bản năng quay sang nhìn Phó Vân Chương.
Phó Vân Chương mặt mày lãnh đạm, không nói gì, chỉ khẽ gật đầu.
"Ta đã kiểm tra cẩn thận mấy lần, đúng là nàng ta không động vào đồ của Vân Chương..." Khổng tú tài nhăn nhó, không biết giải thích thế nào.
"không động vào sách vở của nhị ca... Vậy là, tỷ ấy lấy mấy thứ muội viết đi rồi?" Phó Vân anh mặt không đổi sắc, hỏi một câu, cũng không chờ Khổng tú tài trả lời, lại hỏi tiếp, "Tất cả luôn à?"
Khổng tú tài gật đầu, "Đến cả bức Đoan Ngọ tức cảnh đồ muội vẽ nàng ta cũng lấy đi."
Phó tứ lão gia cau mày, mở miệng định nói gì, khóe mắt liếc nhìn Phó Vân Chương, thấy y không có ý định lên tiếng, nghĩ một lúc liền cắn răng nuốt mấy lời mắng chửi kia lại.
Phó Vân anh trầm tư một lát, khóe miệng khẽ cong lên, "Có ai tới Phó gia sao?"
Phó Dung không đi học, sẽ không tự nhiên lấy trộm văn thơ của nàng. Trừ phi có người khác khuyến khích, hoặc là có vị khách quan trọng nào đến Phó gia, Phó Dung vô tình tiết lộ cho người ta chuyện nàng theo học Phó Văn Chương, khiến họ tò mò nên mới khuyến khích Phó Dung lấy trộm tranh chữ (tranh và chữ) của nàng ra để họ xem cho vui.
Khổng tú tài giật mình, lại nhìn về phía Phó Vân Chương.
Phó Vân Chương không nói một lời, sắc mặt đã ôn hòa hơn khi nãy một chút, trên môi thoáng nở nụ cười, có vẻ như quyết tâm để Phó Vân anh tự xử lý việc này.
Xem ra Vân Chương muốn bồi dưỡng anh tỷ nhi như học sinh của mình thật... Khổng tú tài không nhìn y nữa, lấy lại bình tĩnh, biết rằng về sau bản thân hắn sẽ không thể nào trêu chọc anh tỷ nhi như trêu trẻ con nữa, thành thật trả lời: "Tri huyện nương tử (vợ của tri huyện) tới thăm lão thái thái, dẫn theo một vị tiểu thư họ Triệu, nghe nói là cháu gái của Triệu sư gia, thân phận cao quý, tri huyện nương tử là người lớn nhưng lại rất tôn trọng nàng ta."
Phó Vân anh chợt hiểu ra.
Vậy thì chuyện cũng không khó đoán, Triệu sư gia thích kể lể, sau khi về Triệu gia thuận miệng nhắc tới nàng, rất có thể còn khen mấy câu, làm cho vị Triệu tiểu thư kia không phục, lúc tới Phó gia lại cố ý nhắc tới tên nàng. Phó Dung muốn lấy lòng Triệu tiểu thư nên nhất định có gì cũng tuôn ra hết, thậm chí còn lấy trộm tranh chữ của nàng ra ngoài cho Triệu tiểu thư xem.
Phó tứ lão gia bực mình hừ lạnh một tiếng, "Ta tuy không đọc sách nhưng cũng biết văn chương trong chốn khuê phòng là không thể tùy tiện đưa ra ngoài, Dung tỷ nhi tính toán cái gì mà lại có thể lấy trộm văn thơ anh tỷ nhi viết mang ra cho người ngoài xem!"
Triệu gia là gia đình nề nếp, các tiểu thư không thể ra khỏi nhà một mình, tiểu thư Triệu gia chắc chắn là đến huyện Hoàng Châu cùng người lớn trong nhà. Nếu Triệu tiểu thư đem tranh chữ của anh tỷ nhi cho anh em nhà nàng ta xem... Tuy chưa tới mức làm ảnh hưởng tới thanh danh của anh tỷ nhi nhưng cũng chẳng hay ho gì, càng nghĩ Phó tứ lão gia càng bực mình.
"Tứ thúc, không sao đâu."
Phó Vân anh điểm lại những thứ mình đã viết trong đầu một lần, trừ bài văn biền ngẫu phỏng theo bài văn của Triệu sư gia kia, cũng chỉ còn những ghi chép về những điều nàng tâm đắc khi đọc sách hằng ngày, không có gì bí mật nên bình thản nói: "trên tranh chữ của con đều ký tên cả rồi."
Phó tứ lão gia nhăn nhó, "Thế càng khó lường hơn! Lại còn để cho bọn họ biết cả tên con rồi còn gì?”
Phó Vân anh mỉm cười, trao đổi một ánh mắt với Phó Vân Chương, cả hai người đều tự hiểu trong lòng mà không ai nói gì.
oOo
Huyện Hoàng Châu.
Triệu gia thái thái, người từ trước đến nay vẫn khinh thường huyện Hoàng Châu, gọi đây là "nơi thâm sơn cùng cốc, thô tục nhà quê", bỗng nhiên chủ động tới thăm, khiến tri huyện nương tử vừa mừng vừa sợ, vội vàng chuẩn bị đủ loại món ngon tiếp đãi.
Sau một hồi nói chuyện với Triệu gia thái thái, tri huyện nương tử nhận ra người đối diện chẳng phải đến để gặp mình, suy nghĩ một hồi liền đề nghị tới Phó gia ngắm hoa.
Phó gia không có hoa viên nhưng Phó gia lại có một vị cử nhân trẻ tuổi tài năng và nhân phẩm đều xuất chúng.
Triệu gia thái thái tươi cười, thuận đà đưa đẩy, đồng ý với đề nghị này.
Trần lão thái thái nghe tri huyện nương tử nói Triệu gia thái thái tới từ Triệu gia ở phủ Giang Lăng, một gia tộc sản sinh ra rất nhiều cử nhân, nên cũng không dám để khách chờ lâu, mặt trời vừa mọc tỉnh giấc, tự mình ra đón ngoài cửa viện.
Triệu gia thái thái rất thân thiện vừa vào đến trong viện đã cầm tay Trần lão thái thái, luôn miệng khách sáo: "không dám, không dám."
Đáy mắt tri huyện nương tử sáng lên, thầm nghĩ: Triệu gia người ta như thế, chưa bao giờ bày tỏ ý muốn kết giao với người huyện Hoàng Châu, Triệu gia thái thái còn vô cùng kiêu ngạo, luôn luôn coi thường bọn họ. Hôm nay là mặt trời mọc đằng tây chăng?
Mà dù nghĩ thế nào thì nghĩ, nụ cười trên mặt bà vẫn tươi như hoa nở.
Hai bên chào hỏi qua loa một hồi, Trần lão thái thái và Triệu gia thái thái đều cảm thấy người đối diện cũng tạm được, ít ra là có thể nói chuyện được.
Trà cũng đã uống, chuyện cũng nói đôi câu, chiếc bàn trong phòng khách giờ đã đầy ắp sơn hào hải vị.
trên bàn ăn, người lớn người này gắp cho người kia, người kia mời người này nếm thử món nọ món kia. Tan tiệc, mọi người lại ra đình hóng gió tiếp tục trò chuyện.
Mấy tiểu nương tử đương nhiên làm gì có hứng thú với mấy câu chuyện của người lớn, cũng không thể ngồi yên một chỗ nên kéo nhau đi ra bên cạnh hồ câu cá, chọi cỏ gà [2].
[2] Trẻ em tìm những cọng cỏ có nốt sần do những bẹ lá tạo thành dưới tác động của sâu ký sinh để làm "gà". Những cọng cỏ được "chọi" nốt sần vào nhau, nốt sần nào bị đứt rời ra thì coi như "gà" thua. Trò chơi có thể chỉ gồm hai đứa trẻ "chọi" tay đôi hoặc nếu có nhiều người chơi hơn thì thi đấu luân phiên, bên thắng được quyền chơi tiếp. Sau khi chơi, những nốt sần được bóc ra và nếu cọng cỏ đủ già thì có thể thấy con sâu do ấu trùng đã kịp phát triển thành. (Nguồn: Wikipedia)
Phó Dung là con gái duy nhất của đại phòng nên ra mặt tiếp đón mấy vị tiểu thư Triệu gia.
Lúc đứng chờ khách với Trần lão thái thái ở cửa, nàng ta trông thật e dè lễ độ, cứ nghĩ là cùng lắm cũng chỉ là một lần gặp mặt xã giao bình thường.
Nào ngờ, sau khi gặp các vị tiểu thư Triệu gia, nàng ta lại càng lúc càng cảm thấy khó chịu.
Có người anh trai là Phó Vân Cương, nàng ta đã quen với việc các tiểu nương tử trong huyện thường xuyên tâng bốc nàng ta, tâng bốc đến độ nàng ta dần tự nghĩ mình ở một tầm cao khác, cho rằng bản thân mình là tiểu nương tử nổi bật nhất trong huyện, không ngờ núi cao còn có núi cao hơn, đứng cạnh các tiểu thư Triệu gia, nàng ta thấy mình chẳng khác gì cỏ dại, chỉ thiếu nước trở thành bùn đất luôn rồi.
Trang phục, trang sức của các vị tiểu thư Triệu gia về cơ bản cũng chỉ giống nàng ta thôi, thậm chí vải vóc có khi còn chẳng bằng, nhưng mà từng động tác cử chỉ của bọn họ lại nhã nhặn lịch sự một cách tự nhiên, không hề gượng ép, cái này nàng ta học thế nào cũng không học được.
Nàng ta vừa chán nản vừa thất vọng, nào còn cái vẻ dương dương tự đắc trước đây mỗi khi diễu võ dương oai trước mặt các chị em trong tộc nữa. Tiểu thư Triệu gia nói cái gì nàng ta cũng tin, bảo nàng ta làm gì thì nàng ta cũng làm. Nàng ta cũng muốn trở thành thiên kim tiểu thư như mấy tiểu thư Triệu gia!
Vì thế, khi tiểu thư nhỏ tuổi nhất của Triệu gia, cửu tiểu thư Triệu Thúc Uyển ám chỉ rằng nàng ấy muốn xem tranh chữ của Phó Vân anh, Phó Dung không cần nghĩ ngợi gì đã đồng ý luôn.
Người trong Phó gia ai chẳng phải nghe lời nhị ca ca, nhị ca ca nghe lời mẹ, mà mẹ thì nghe lời nàng ta. Phó Vân anh chỉ là một đứa trẻ không cha, chỉ biết dựa vào chú ruột sống qua ngày. Đây cùng lắm chỉ là Triệu Thúc Uyển bảo nàng ta lấy tranh chữ của Phó Vân anh. Kể cả nàng ta có lấy đi tất cả đồ đạc của Phó Vân anh đưa cho Triệu Thúc Uyển, Phó Vân anh cũng chỉ có thể ngoan ngoãn đồng ý.
Nàng ta không biết chữ, nhưng nàng ta biết nét chữ của Phó Vân Chương và Phó Vân anh khác nhau. Đuổi nha hoàn trong phòng ra ngoài, nàng ta nhanh chóng tìm được tranh chữ của Phó Vân anh, bọc thành một bọc, giấu vào trong tay áo rồi mang ra khỏi thư phòng, đưa ra bên hồ.
Bấy giờ, mấy đứa nha hoàn đang ngồi thành một vòng dưới bóng cây chọi cỏ gà, thi thoảng lại rộ lên tiếng cười vui vẻ.
Đại tỷ nhi, nhị tỷ nhi, tam tỷ nhi và cửu tiểu thư Triệu gia đang tựa vào lan can bằng đá cười nói, cần câu trước mặt vẫn bất động. Bọn nha hoàn túm tụm xung quanh, bung dù, quạt mát, dâng trà lạnh cho các tiểu thư.
Bỗng một thiếu nữ khuôn mặt thanh tú, dáng người mảnh khảnh, mặc áo cân vạt đỏ hồng thêu đỗ quyên phối với váy mã diện trắng thêu hoa, eo đeo hoàn bội bảy dây chỉ vào cần câu của mình, reo lên: "Giật! Giật đi kìa!"
Những người khác cũng xúm lại xem, nha hoàn khẽ nâng cần câu lên rồi bật cười, "Uyển tỷ nhi đừng nóng vội."
Mấy tiểu thư xung quanh đều bật cười, trêu chọc Triệu Thúc Uyển, "Hôm nay muội hét lên mấy lần rồi đấy, mà có lần nào có cá thật đâu?"
Triệu Thúc Uyển bĩu môi, mắng nha hoàn: "rõ ràng là ta nhìn thấy cần câu động đậy mà, ngươi phải cẩn thận chứ, đừng để cá chạy mất!"
Nha hoàn cũng không dám cãi lại, gật đầu thưa vâng.
Phó Dung thấy thời cơ đã đến, bước lên vài bước, giơ một xấp giấy thật dày lên quơ quơ, "Mấy vị tỷ tỷ lại đây xem này."
Triệu Thúc Uyển khẽ cau mày, giật lấy tập giấy trong tay nàng ta, lật ra từng tờ ra xem. Từ nhỏ nàng đã theo người lớn trong nhà đọc sách, tự xưng là tài năng hơn người, chị em trong tộc không ai bằng nàng. Người lớn trong tộc vẫn thường khen rằng trong các tiểu nương tử trong tộc, chỉ có nàng là giống các lão phu nhân Triệu thị ở kinh sư nhất.
Nàng biết thừa người lớn trong nhà đều thiên vị mình nhưng vẫn không khỏi dương dương tự đắc. Ai ngờ khi nàng bái sư, thái gia khác chi - thầy dạy của cô cô Triệu thị - Triệu sư gia lại từ chối nhận nàng làm học sinh!
Triệu sư gia là người cẩu thả, tùy tiện, rất ít khi quan tâm chuyện trong tộc, người trong tộc cũng không làm gì được ông ấy. Vẫn nói trâu không uống nước thì phải ấn đầu nó xuống, nhưng đầu của Triệu sư gia thì làm gì có ai dám ấn.
Triệu Thúc Uyển ấm ức đã lâu nhưng Triệu sư gia là người lớn, nàng không làm gì được. Thế mà Triệu sư gia tới huyện Hoàng Châu một chuyến trở về lại tấm tắc khen một tiểu nương tử khác họ không biết chui ở đâu ra, hơn nữa đòi làm thầy người ta lại còn bị người ta kiên quyết từ chối.
Cảm giác mất mát khi bị Triệu sư gia từ chối khi còn bé lại cuộn lên trong lòng, dần dần biến thành cảm giác ghen tỵ phẫn hận mãnh liệt, lần này nghe nói thẩm thẩm định tới huyện Hoàng Châu, Triệu Thúc Uyển làm nũng mãi cuối cùng cũng được đưa đi cùng.
Nàng muốn xem tiểu nương tử Phó gia kia rốt cuộc là thần thánh phương nào!
Mấy tiểu thư Triệu gia xúm lại quanh Triệu Thúc Uyển, đọc từng trang giấy tràn ngập chữ còn chưa kịp đóng thành quyển kia với nàng.
Đại tỷ nhi Triệu gia cười nói: "Đều là do ngũ muội muội nhà các ngươi viết đây sao? Hiếm có đấy, có khi nào nàng ấy cũng giống như Uyển tỷ nhi lúc nhỏ?"
Nhị tỷ nhi Triệu gia liếc qua Triệu Thúc Uyển, thấy mặt Triệu Thúc Uyển đã xanh mét, vội vàng đánh mắt ra hiệu cho chị mình.
Triệu Thúc Uyển kiêu ngạo, tự ái, không chịu được người khác hơn nàng cái gì. Các tiểu thư Triệu gia đều hiểu rõ tính nết nàng.
Thấy bàn tay đang cầm tập giấy viết của cô em họ này run lên nhè nhe, gân xanh trên mu bàn tay cũng nổi lên, ngón tay trắng bệch ra, đại tỷ nhi Triệu gia cũng đoán được em họ đang tức giận, hơn nữa là cực kỳ tức giận. Nàng hừ nhẹ một tiếng, không muốn dung túng cho em họ nữa. Chẳng lẽ chỉ bởi Triệu Thúc Uyển còn nhỏ mà bọn họ lúc nào cũng phải nhường nhịn hay sao?
Nàng đổ thêm dầu vào lửa: "Uyển tỷ nhi, muội suốt ngày chê bai cái này cái khác, hôm nay cũng coi như gặp được đối thủ rồi!"
Triệu Thúc Uyển cắn môi, giãy nảy, "Ai thua ai thắng còn chưa biết đâu, muội sẽ mang về cho đại ca xem, cho huynh ấy làm trọng tài."
Đại tỷ nhi Triệu gia nhíu mày, khựng lại một chút, không nói gì thêm nữa.
Nhị tỷ nhi Triệu gia thở dài, lui về phía sau hai bước, nhìn về phía mặt hồ lăn tăn sóng nước, nàng vẫn cứ tập trung câu cá thì hơn.
Chú thích của editor:
Tóc đơn ốc
Áo cổ chéo (nguyên văn là áo có cổ nhưng thực ra thời này có áo nào là áo không cổ đâu nên mình để như thế)
Danh sách chương