Thằng hề múa may nhảy nhót kia!

Cựu trung tá giờ đây là nhân vật quan trọng của ủy ban quân quản, lên mặt ra lệnh gọi anh kiểu đó, xem anh như kẻ tiểu nhân chạy ngược chạy xuôi làm điều xấu xa đê tiện. Ông ta đảm nhiệm chức tổ phó cái tổ thanh lí đội ngũ giai cấp, còn chức trưởng tất nhiên là người bên quân đội. Kể ra thì anh chẳng khác gì thằng hề, nhảy nhót lung tung, như một hạt đậu nằm trong cái thúng cao vút, vô bờ của chuyên chính toàn diện, có búng lên mấy cũng không thể vọt ra khỏi miệng thúng, nhưng lại không cam tâm bị nghiền nát. Anh không thể không hoan nghênh chế độ quân quản, cũng như không thể không tham gia những cuộc diễu hành để hò reo, đón nhận mỗi một chỉ thị mới nhất của ông Mao. Những chỉ thị ấy thường công bố vào bản tin thời sự buổi tối của đài phát thanh, đợi viết xong biểu ngữ, tập hợp đủ người rồi xếp thành hàng ngũ đi diễu quanh phố, ít nhất phải đến nửa đêm mới xong. Đánh trống gõ chiêng, hô khẩu hiệu, một toán từ phía tây đường Tràng An đi xuống, một toán lại ngược lên từ dưới đàng đông, hai bên cùng diễu cho nhau xem, phải thể hiện tinh thần phấn chấn, không được để người ta nhìn thấy vẻ mặt lo lắng của mình.

Không còn nghi ngờ gì nữa, anh đúng là một thằng hề, nếu không, “đến như bãi cứt chó cũng chẳng đáng”, đấy là câu cảnh tỉnh của ông Mao nhằm phân vạch ranh giới giữa nhân dân và kẻ địch. Trong hai thứ, “thằng hề” và “cứt chó”, anh phải chọn một, và đã chọn làm thằng hề, cất cao lời ca “Ba điều kỉ luật, tám điều chú ý” như một binh sĩ Bát lộ quân. Rồi mỗi sáng, mỗi chiều, lúc vào ca, khi tan tầm tay cầm sách đỏ Ngữ lục, miệng hô ba lần “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” trước tấm hình thống soái tối cao treo chính giữa tiền sảnh cơ quan, người ta gọi đó là nghi thức “thỉnh thị buổi sáng” và “báo cáo buổi chiều”. Những lúc đó anh phải rất chú ý, không được cười đùa, nếu không, hậu quả sẽ khó mà tưởng tượng nổi, hoặc sẽ bị quy là bè lũ chống Đảng ngay tức khắc, hoặc sẽ trở thành liệt sĩ trong tương lai. Ông cựu trung tá nói rất đúng, anh là thằng hề, nhưng khi ấy không được cười, có muốn cười thì bây giờ nhớ lại mà cười, ôi thôi, đã cười không nổi rồi.

Anh làm người đại diện cho một phái quần chúng thuộc tổ thanh tra dưới sự quản chế của các quân nhân. Anh được quần chúng và cán bộ đề cử lên, liền nhận rõ ngày tàn của mình đã đến. Quần chúng và cán bộ phái bên anh đặt niềm hi vọng rằng anh sẽ nắm chắc, nhưng nào ai có biết chỉ cần căn cứ vào một khoản “cất giấu súng riêng” trong hồ sơ lí lịch của cha anh thì người ta hoàn toàn có thể quét sạch, đuổi anh ra khỏi cái đại gia đình cách mạng này.

Tại hội nghị tổ thanh tra, đại diện Trương đọc bản “nội khống”, đó là danh sách nhân viên bị khống chế nội bộ. Lần đầu tiên nghe từ ngữ này, anh kinh hãi giật mình, bản “nội khống” không chỉ bao gồm công nhân viên chức bình thường, mà còn có cả một số cán bộ của Đảng, thanh tra phát hiện thấy “bọn xấu” trà trộn vào quần chúng là lập tức khai đao trước tiên. Tình hình bây giờ đã khác với bạo lực của hồng vệ binh hai năm về trước, cũng không giống như võ đấu giữa các phe phái quần chúng vừa qua mà rất “ung dung tự tại”. Dưới sự chỉ huy của các quân nhân, phương án thanh tra được tiến hành theo cách tác chiến, nghĩa là có kế hoạch, bước đi, phân ra từng đợt để công kích, ủy ban quân quản đã cho xé niêm phong các tủ lưu trữ hồ sơ nhân sự, lí lịch của những người có vấn đề chất đống trước mặt đại diện Trương.

- Tất cả ngồi đây đều là đại diện do các tổ chức quần chúng đề cử lên, tôi mong các đồng chí hãy quét sạch bọn phái sinh của giai cấp tư sản, vạch mặt chỉ tên lũ người xấu đó hiện đang trà trộn trong tổ chức quần chúng các đồng chí, lôi cổ chúng nó ra, thanh tra, làm trong sạch đội ngũ của chúng ta. Chúng ta chỉ có một quan điểm của giai cấp vô sản, không cho phép bất cứ quan điểm của phe phái nào tồn tại cả. Bây giờ bắt đầu thảo luận, các đồng chí ngồi đây đều phải lần lượt phát biểu, gõ đầu gọi tên những người sẽ liệt vào đợt một, đợt hai, tất nhiên là sẽ còn có đợt ba, vấn đề là để xem tình hình nhận tội, khai báo và vạch mặt nhau diễn tiến ra sao mà sẽ quyết định xử lí một cách khoan dung hay nghiêm khắc.

Đại diện Trương vừa phát biểu mở đầu, ông mặt rộng má vuông, đảo mắt nhìn một lượt những người dự họp, bàn tay thô tháp đẩy đống hồ sơ nhân sự, lí lịch những người có vấn đề ra phía trước, đoạn mở cốc trà hớp một ngụm. Anh cẩn thận nêu lên mấy điểm, cũng là do đại diện quân đội đã cho phép phát biểu nên mới dám mở miệng. Anh hỏi, trưởng phòng Lưu ngoài lí do xuất thân từ gia đình địa chủ ra, còn có vấn đề gì nữa hay không, tiếp đến, một nữ tổ trưởng là đảng viên hoạt động bí mật năm xưa, người tổ chức đứng sau các phong trào học sinh sinh viên, theo kết quả điều tra của phe phái các anh thì bà này chưa hề bị địch bắt, cũng không bị liệt vào chuyên án thẩm tra. Đại diện Trương quay đầu về phía anh, nâng hai ngón tay kẹp điếu thuốc lên, nhìn anh chằm chằm mà không nói năng gì cả. Ngay lúc ấy, ông cựu trung tá khiển trách, ra lệnh:

- Thằng hề múa may nhảy nhót kia!

Mấy chục năm sau anh đọc các hồi kí viết về cuộc đấu tranh nội bộ trong Đảng, mới biết rằng tại hội nghị bộ chính trị, ông Mao cũng nhìn một kiểu như thế đối với các tướng soái có ý kiến không thông nhất với ông, rồi cũng hút thuốc, uống trà và một người khác đứng ra chỉ trích, đe nẹt, chứ chưa tới mức ông Mao phải khó nhọc quát tháo.

Tất nhiên anh làm sao sánh bằng các tướng soái, cho nên ông cựu trung tá mới xông tới anh và quát nạt thêm “một con giun, bò sát đất!”. Đúng vậy, ta là con giun, con dế, mạng sống mong manh thì tính làm gì. Khi tan sở ra nhà gửi xe anh gặp lại bạn đồng nghiệp Lương Khâm. Thời gian anh tham gia tạo phản, Lương Khâm đã phải đảm nhận thêm phần nghiệp vụ của anh, nhìn trước ngó sau không có ai, anh bảo Lương “cậu đi trước, đến ngã tư, đạp chậm, chờ mình, có việc cần nói!”.

- Về nhà mình uống cái gì đã - Lương đề nghị.

- Nhà cậu có những ai? - Vợ và con.

- Không được, thôi cứ thế này vừa đạp xe, vừa nói.

- Việc gì vậy?

- Lí lịch của cậu có vấn đề gì không?

- Không!

- Đã từng liên hệ với nước ngoài?

- Mình chẳng có bà con thân thuộc nào ở hải ngoại.

- Có viết thư cho nước ngoài bao giờ chưa?

- Hẵng gượm, để mình nghĩ lại xem... à có, tổ chức đã hỏi một lần, nhưng cách nay đã nhiều năm lắm rồi - Lương Khâm sợ hãi, vừa nói vừa khóc.

- Đừng khóc, người trên đường nhìn thấy thì càng gay go.

- Cậu cứ nói thẳng cho mình nghe, mình sẽ không làm cậu phải chịu liên lụy đâu.

- Chỉ nhắc cậu cẩn thận, người ta nghi ngờ và bắt đầu để ý rồi đấy.

- Nghi ngờ gì?

- Mình cũng chẳng rõ.

- Mình có viết một lá thư gửi đi Hương Cảng cho anh bạn láng giềng, quen nhau từ nhỏ, cùng lớn lên trong con hẻm ấy, về sau bà cô anh ta đón sang Hương Cảng định cự. Mình nhờ anh ấy mua giúp cuốn từ điển tiếng Anh thông dụng. Chỉ vậy thôi, chứ có chuyện gì ba đời bảy kiếp nào đâu, vả lại phải nói thêm rằng hồi chiến tranh Triều Tiên, mình vừa tốt nghiệp đại học ngoại ngữ liền tòng quân làm phiên dịch cho trại tù binh...

- Sau đấy cậu có nhận được cuốn từ điển đó hay không?

- Không nhận được... nghĩa là lá thư ấy đã bị giữ lại?

- Ai mà biết!

- Nghi ngờ mình... gián điệp cho nước ngoài?

- Đó là do cậu tự suy diễn.

- Thế thì cậu có nghi gì mình hay không?

- Mình chỉ nhắc cậu cẩn thận.

Một chiếc xe điện không ray hai toa chạy lướt qua, ghi đông xe đạp của Lương Khâm loạng quạng, suýt nữa thì tông vào, thật hú vía. Lương chẳng chú ý gì cả, mải nhớ lại chuyện xưa và nhận ra rằng:

- Hèn chi họ đã bắt mình phải giải ngũ!

- Đó là chuyện nhỏ.

- Còn chuyện gì nữa, nói đi, mình không bán đứng hay đánh chết cậu đâu mà sợ!

- Đừng bao giờ cán mạng sống của mình vào trong đó!

- Cậu yên tâm, mình sẽ không bao giờ tự sát, không làm cái điều ngu xuẩn ấy đâu, mình còn có vợ và con.

- Thôi, hãy tự bảo trọng, giữ gìn!

Anh chia tay Lương và giấu, không nói ra rằng Lương đã nằm trong danh sách những người sẽ bị thanh tra đợt hai.

Bao nhiêu năm sau, mười năm... không, đúng hai mươi tám năm, tại khách sạn ở Hương Cảng anh nhận được điện thoại, đầu dây bên kia bảo rằng, tôi là Lương Khâm, đọc báo thấy người ta đang công diễn vở kịch của anh. Anh nhớ không nổi Lương Khâm là ai và đã gặp nhau trong trường hợp nào, chắc muốn xem kịch, nhưng kẹt vé, vì vậy anh vội vàng xin lỗi, kịch diễn xong rồi. Lương Khâm đáp lại, là bạn đồng nghiệp của anh, muốn mời anh cùng đi ăn cơm. Anh nói sáng sớm mai phải bay về Paris, không còn thời gian nữa, hẹn dịp khác vậy. Lương Khâm nói, thế thì tôi sẽ đến ngay khách sạn, chờ một lát nhé. Anh không thể chối từ, đặt ống nghe xuống và lúc này mới nhớ ra họ Lương và lần cuối cùng nói chuyện với nhau trong khi đang cưỡi xe trên phố.

Lương Khâm âu phục chỉnh tề, tóc nhuộm đen, vàng đeo sáng chóe, kể chuyện anh bạn láng giềng sau khi hay tin vụ lá thư, cuốn từ điển và bao nỗi khổ lụy đã tìm cách đưa cả nhà Lương sang Hương Cảng định cư. Mấy năm nay làm ăn cũng có tiền, đủ vốn mở công ty riêng, không giàu như ai, nhưng tạm ổn trong những năm cuối đời, con trai nhận văn bằng tiến sĩ ở Canada, hiện nay đang cùng mẹ di cư sang bên đó, thành ra Lương phải một chốn đôi quê, bay qua bay lại. Lương kết luận, anh ta rất cảm kích, cảm ơn câu nói cảnh tỉnh năm xưa mà anh đã nhắc nhở.

- Câu gì nhỉ? - Anh hỏi Lương vì đã quên từ lâu.

- “Đừng bao giờ cán mạng sống của mình vào trong đó”. Nếu cậu không nói câu đó, thì cái đầu này e không còn nữa.

- Ba mình là một ví dụ.

- Ông cụ đã tự sát?

- May nhờ láng giềng phát hiện, gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện, sống trở lại, rồi đi nông thôn lao động cải tạo mấy năm, vừa được phục hồi danh dự chưa đầy ba tháng thì lâm bệnh qua đời.

- Tại sao hồi đó cậu không nhắc nhở ông cụ?

- Hồi đó sao dám viết thư, nếu lộ ra thì chắc gì mình còn sống đến ngày hôm nay.

- Ừ nhỉ, nhưng ông cụ có vấn đề gì kia chứ?

- Thôi chẳng cần nói nữa! - Anh cảm thán.

- Bây giờ sống ra sao? - Lương hỏi.

- Ra sao nghĩa là ra sao?

- Mình không hỏi gì khác, hiện giờ cậu là nhà văn, mình biết, mình muốn hỏi là kinh tế thế nào?

- Rõ, cũng qua được.

- Sống bên Tây bằng cây bút, mình hiểu, chẳng dễ dàng gì, đó là chưa nói tới người Trung Quốc chúng ta, không giống như buôn bán kinh doanh.

- Tự do - anh nói anh muốn tự do - tự do viết những gì mà mình cần viết.

- Nếu có gì, cứ nói thẳng với mình, lúc nào đó khó khăn, chu chuyển không suôn sẻ thì đừng im lặng, hãy mở mồm nói một tiếng, mình chẳng là ông chủ to lớn gì cho cam, nhưng...

- Ông chủ lớn cũng không ai nói như cậu - anh cười - bọn họ quyên tiền cho công trình hi vọng gì đó, mình nghĩ chắc lại muốn buôn bán lớn với tổ quốc mà thôi.

Lương Khâm rút tấm danh thiếp ghi thêm địa chỉ và số điện thoại ở Canada. Anh cám ơn và nói, hiện nay không có khó khăn, nhưng nếu viết chỉ để kiếm tiền thì đã gác bút từ lâu rồi!

- Cậu đang viết vì người Trung Quốc chúng ta?

Anh nói, anh chỉ viết vì bản thân mình.

- Mình hiểu, mình hiểu, hãy viết đi, hãy viết về những ngày tháng không đáng dành cho con người.

Lương đi rồi, anh tự hỏi: những khổ nạn? Và cảm thấy mệt mỏi, rồi bỗng nhớ tới người cha.

Vừa từ nông thôn lao động cải tạo trở về thì được phục hồi danh dự, chức vụ và tiền lương, nhưng ông cụ cứ một mực đòi nghỉ hưu, đi Bắc Kinh thăm anh và dự định rồi sẽ du sơn du thủy để thư giãn tâm, thân, an dật tuổi già. Nào ngờ mới đưa cụ dạo chơi Di Hòa Viên một ngày, đêm về thổ huyết, sáng hôm sau đưa vào bệnh viện kiểm tra, người ta nói phổi ông cụ có bóng đen, chẩn đoán xác minh mắc bệnh ung thư vào giai đoạn hậu kì. Chỉ một ngày một đêm mà căn bệnh của cha bỗng trở thành ác tính, sáng ngày mai, vừa mới tinh mơ đã trút hơi thở cuối cùng. Lúc ông cụ còn sống, anh có hỏi, vì sao ba lại đi tự sát; ông trả lời, chẳng muốn sống làm gì nữa, thế mà bây giờ khi vừa được sống, cần sống, thiết tha sống thì ba đã đột tử. Tại lễ truy điệu, người ta đề nghị đại diện tang quyến có đôi lời vĩnh quyết. Anh không nói là cha mình chưa hề làm cách mạng, cũng chưa hề chống cách mạng, nên không thể xưng hô đồng chí; anh chỉ nói mỗi câu “Ba tôi là con người mềm yếu, nguyện cầu linh hồn ông an nghỉ chốn trời cao”, nếu trên ấy thực sự có thiên đường!
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện