“Chị ấy đang ở Hong Kong ạ.”

Tư Vọng rót một tách trà nóng trong nhà bếp, xé bỏ vỏ hộp bánh trung thu.

“Thế mà nó chẳng cho ta biết gì cả.”

“Đó là vì chị ấy muốn tặng cô một niềm vui bất ngờ.”

“Đấy không phải là...” bà quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, đủ loại cây cối đang đâm chồi nảy lộc, khi đêm xuống, mùi thơm từ bốn phía xộc tới mũi, lời từ miệng nói ra cũng đượm hương, “...niềm vui bất ngờ đâu”.

“Cô đừng lo, hôm nay chị ấy còn gọi điện thoại cho cháu, nhờ cháu thay chị ấy tới thăm cô cơ mà.”

Bầu không khí đột nhiên trầm hẳn xuống, bà bưng tách trà lên nhấp một ngụm lớn: “Được rồi mà, cảm ơn cậu nhé, Tư Vọng.”

“Cô không ăn bánh trung thu à?”

Bà mở to khuôn miệng đã rụng sạch răng.

“Cháu xin lỗi!”

Cậu thiếu niên tự tát vào mặt mình một cái, rồi cắt từng miếng bánh trung thu ra, bưng nhân đến trước mặt bà cụ. Bà lão gần 90 tuổi cầm miếng bánh đưa vào miệng, nhắm mắt, mất một lúc lâu mới nuốt hết: “Cảm ơn cháu! Lần trước ăn bánh trung thu là tết Trung thu năm 1948.”

“Bao nhiêu năm nay Doãn Ngọc không ăn bánh trung thu cùng cô ư?”

“Bánh trung thu phải ăn cùng với người thân, mà chúng ta thì đều là cô nhi quả phụ, cháu không hiểu được đâu, cháu ạ.”

“Không đâu, cháu hiểu mà.”

Vẻ mặt cậu vô cùng nghiêm túc.

“Ngày mai là tết Trung thu rồi - sắp quên mất hương vị bánh trung thu ra sao mất rồi, có lẽ là rất khác so với thời của ta”. Ánh mắt cô Tào đượm vẻ mỏi mệt, không thể nào tưởng tượng ra nổi rằng sáu mươi năm trước đây chính là nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành khiến cho một người đàn ông phải bảo vệ đến tận cuối đời, “Nó đang ở Hong Kong thật sao?”

“Đúng thế ạ!”

Doãn Ngọc vẫn còn sống.

Ba tháng trước, khi Tư Vọng đến trước cổng trường cấp 3 Nam Minh, Doãn Ngọc vừa thi đại học xong đến chào tạm biệt cậu. Vừa hát xong bài “Tống biệt” của Lý Thúc Đồng, cô đã gặp tai nạn trên đường Nam Minh - nguyên nhân tai nạn là do chiếc xe đó đã cũ, phanh không ăn nên đâm vào Doãn Ngọc.

Cô bị thương nặng, phần đầu chảy máu không ngừng, được cấp cứu trong bệnh viện ba ngày ba đêm, cuối cùng cũng thoát khỏi nanh vuốt tử thần. Nhưng cô không tỉnh lại, các bác sĩ nói có thể cô sẽ trở thành người thực vật. Là thủ khoa ngành xã hội toàn thành phố, cô đã được trường Đại học Hong Kong gửi thư mời nhập học. Bố cô là nhà kinh doanh quốc tế, có một bệnh viện chuyên điều trị tổn thương não, hy vọng một ngày nào đó cô tỉnh lại để có thể vào trường đại học Hong Kong nhập học luôn.

“Nhưng mà, chuông điện thoại chưa bao giờ reo cháu ạ.”

Cô Tào chỉ vào điện thoại, Tư Vọng trả lời rất tự nhiên: “Cô không biết đấy thôi, trường đại học Hong Kong rất nghiêm, chị ấy học hành giỏi giang nên suốt ngày đóng cửa học bài trong phòng thôi.”

Tất nhiên là cậu đang nói dối.

Có những lúc lừa người già cũng giống như lừa con nít vậy.

“Thế à, chỉ cần nó thuận lợi yên ổn là tốt rồi.”

Cuối cùng cô Tào mới mỉm cười với cậu, cầm thêm một mẩu bánh trung thu, xem ra hôm nay bà rất có tâm trạng ăn uống.

“Cô yên tâm nhé, chị ấy không quên cô đâu ạ.”

“Haha, ta thì lại mong nó quên ta đi thì hơn! Như thế nó có thể làm một cô gái bình thường, không cần phải lo lắng cho bà già mãi chưa chịu chết này.”

Đôi bàn tay xù xì nhưng mềm mại của bà khẽ vuốt ve lòng bàn tay Tư Vọng: “Trời tối rồi, mẹ cháu đang đợi cháu về nhà đấy.”

“Cô Tào nhớ giữ gìn sức khỏe! Cháu sẽ thường xuyên đến thăm cô! Cần gì cô cứ gọi điện thoại cho cháu nhé!”

Rời khỏi căn nhà xinh xắn phủ đầy dây leo trong đêm đen, cậu nhấn pê đan xe đạp chầm chậm quay lại đường An Tức. Năm học 2011 vừa bắt đầu được một tuần thì đã đến kỳ nghỉ tết Trung thu, việc đầu tiên Tư Vọng làm khi rời trường chính là giấu mẹ lén chạy đi mua bánh trung thu.

Con đường An Tức vắng lặng yên ắng đến đáng sợ, ánh trăng tròn vành vạnh phiêu đãng giữa đám mây trắng hình đóa sen. Đèn đường u ám như thể cố ý kéo dài chiếc bóng của cả Tư Vọng lẫn chiếc xe đạp về phía đầu đường còn lại. Nơi Doãn Ngọc từng sống là một khu nhà kiểu cũ, trong các hòm thư vẫn nhét đầy báo mới và tờ bướm quảng cáo, chứng tỏ vẫn còn khá nhiều người đang cư ngụ ở nơi này. Lỗ thông gió ở chân tường lộ một nửa ra mặt đất, có cảm giác như đang bám chặt vào lề đường.

Tư Vọng trườn trên mặt đất, nhổ nước bọt ra lòng bàn tay rồi ra sức lau vào kính cửa lỗ thông gió phủ đầy bụi. Cậu rút trong túi ra một chiếc đèn pin, ánh sáng yếu ớt xuyên qua lớp bụi chiếu xuống đủ thứ đồ tạp nham trên mặt đất. Tư Vọng xoay người nhìn về bên kia đường - nơi những ngôi nhà cũ đang ngủ say trong đêm đen, ngôi nhà hung bị bỏ hoang từ năm 1983, chỉ cần cửa sổ dưới tầng 1 sáng đèn là chắc chắn có thể nhìn rõ quang cảnh bên trong, dù trong đó là người hay ma quỷ.

Dưới ánh trăng, Tư Vọng đứng dậy, hít một hơi thật sâu. Trên đường không một bóng xe qua lại, cũng tuyệt nhiên không một bóng người.

Một chiếc lá khe khẽ rơi xuống trước cánh cổng sắt của ngôi nhà số 19. Cậu khẽ chạm vào tấm sắt han gỉ sần sùi, rồi áp sát lỗ tai vào bản lề. Cậu nghe thấy, không chỉ tiếng bụi đất rơi xuống, mà còn cả âm thanh thấp thoáng, tựa như tiếng gió xuyên qua mái nhà, lại tựa như tiếng rắn trườn trên mặt đất.

Cậu nâng khớp ngón tay, gõ nhẹ vào cánh cửa ngôi nhà bỏ hoang hơn ba mươi năm đang say ngủ, từ bên trong chỉ vọng lại tiếng động nặng nề...

Không thể vào từ cửa chính, Tư Vọng lùi lại mấy bước, phát hiện ra bên phải là một khoảng sân nhỏ, tường bao khá thấp, từ bên trong vươn ra những tán dương liễu xum xuê. Tư Vọng vất vả lắm mới trèo qua được tường, buông hai chân chạm xuống giếng trời nhỏ hẹp đầy lá rụng, rác rưởi và phân mèo hoang. Mặt bên căn nhà có hai ô cửa sổ, mới nhìn có vẻ đóng rất chặt, nhưng thực ra kính đã vỡ nát. Cậu nhẹ nhàng mở một trong những cánh cửa đó ra, rọi chiếc đèn pin trên tay vào. Trong phòng toàn bụi bặm và rác rưởi, mặt đất bốc mùi thối rữa, người bình thường tưởng tượng thôi cũng đủ rợn tóc gáy - Tư Vọng đánh liều trèo vào trong.

Đèn pin rọi qua căn phòng trống rỗng, hầu hết vật dụng trong nhà đều đã biến mất, cái thì bị cảnh sát niêm phong làm vật chứng, cái thì bị kẻ cắp lẻn vào khuân đi. Trong phòng khách giờ chỉ còn sót lại mấy chiếc ghế trống trơn phủ mạng nhện dày đặc. Tư Vọng nín thở để tránh hít phải khí độc và bụi bẩn. Không thấy trên sàn nhà có vạch phấn trắng vẽ hình dáng người chết, điều đó chỉ xuất hiện trong phim điện ảnh Mỹ thôi. Nhưng trên tường có những ký hiệu và đường nét, đây mới chính là nơi người ta phát hiện ra thi thể.

Tư Vọng đứng trước cửa sổ phòng khách, nhặt một mẩu vải lên lau cửa kính. Từ đây có thể nhìn thấy con đường An Tức tắm mình trong ánh trăng, thậm chí thấy được cả cửa thông gió của căn nhà đối diện. Cậu đi một vòng quanh tầng 1 căn nhà rồi khẽ khàng bước lên cầu thang. Tiếng cót két dưới chân tựa như cảnh báo rằng chiếc cầu thang có thể sập tan tành bất cứ lúc nào.

Tầng trên được chia thành ba phòng, đầu tiên là nhà vệ sinh, bồn cầu bẩn thỉu đến mức buồn nôn, trên tường lát những viên gạch men to màu trắng, qua thời gian đã dần chuyển sang màu cà phê. Bồn tắm cũng y hệt, bẩn chẳng khác gì chuồng lợn.

Trong một căn phòng rộng rãi khác là chiếc giường lớn của người đã chết, nay chỉ còn sót lại bộ khung kim loại gỉ sét, vài con chuột chạy tán loạn dưới gầm giường, Tư Vọng bịt mũi quay ra, mở nốt cánh cửa phòng cuối cùng.

Trong phòng là một chiếc giường nhỏ, giát giường hầu như đã mục nát, gián tụ thành bầy xông qua hàng loạt. Trên tường treo một tấm gương, kính gương tráng bạc nằm trong khung gỗ hình bầu dục màu đen. Tư Vọng chậm rãi tiến đến trước tấm gương, chiếc đèn pin trong tay loang loáng chiếu ra một bóng dáng mơ hồ. Phản chiếu trong tấm gương phủ bụi mờ mịt là chàng thiếu niên Tư Vọng 16 tuổi đang không dám lau sạch tấm gương, bởi trong đó có lẽ có u hồn. Tư Vọng quay đầu lại, phía sau là một chiếc tủ cũ kỹ, ấy vậy mà bên vẫn trong còn vài món đồ chơi. Cậu nhặt lấy một món, phủi bớt bụi, hóa ra là mấy con búp bê bằng gỗ mà ngày xưa rất nhiều cô bé hay chơi. Con búp bê không mặc quần áo, chỏng chơ giữa thời gian và bụi bặm, giương đôi mắt to tròn sống động như thật. Tư Vọng đặt búp bê về vị trí cũ, chuẩn bị rời khỏi ngôi nhà hung. Bỗng nhiên đèn pin trong tay quét qua góc tường, lộ ra một lỗ thủng đen ngòm. Thì ra có người dùng tấm gỗ để ngụy trang cho lỗ thủng này, để mới nhìn ai cũng tưởng đây là tấm lát vách tường, rồi nhiều năm trôi qua, tấm gỗ mới bị ăn mòn, mục nát.

Cậu do dự trong chốc lát rồi thò tay vào trong. Tay cậu chạm vào một vật có dạng hộp vuông, lôi ra mới thấy đó là một hộp bánh bằng sắt đã han gỉ, nắp hộp hình tròn. Sau khi phủi sạch lớp bụi, chiếc hộp hiện ra đẹp đẽ lạ thường, bốn mặt là những hình vẽ thủ công đầy màu sắc cổ điển. Đó là tranh vẽ những người phụ nữ mặc quần áo thời xưa cùng với chữ viết tỉ mỉ cẩn thận. Hóa ra đây là bức “Kim Lăng thập nhị thoa” trong Hồng Lâu Mộng, các nhân vật trong tranh lần lượt là Tiết Bảo Thoa, Vương Hi Phượng, Lý Hoàn...

Ngày trước, rất nhiều gia đình lưu giữ trong nhà những chiếc hộp sắt như thế này để đựng bánh kẹo và đủ thứ đồ ăn vặt. Mỗi khi Tết đến xuân về lại có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc hộp ấy, thường ngày vẫn cất ở một góc nào đó trong nhà.

Cậu lách móng tay vào khe hở giữa nắp và hộp rồi dùng hết sức mở nó ra, mùi nấm mốc xộc vào mũi tựa như mùi tro cốt của chủ nhân quá cố vậy. Cậu đánh liều thò tay vào trong, sờ thấy vài tấm ảnh, thì ra là Quan Vân Trường thời Tam Quốc, bên dưới nữa là hình Tam Anh đấu với Lã Bố, thì ra là thẻ bài thuốc lá - thứ mà chắc chắn lũ trẻ con bây giờ chưa từng nghe tới. Ngày trước mua mỗi hộp thuốc lá đều được tặng kèm một tấm thẻ cứng, mặt chính in hình phong cảnh hoặc nhân vật nào đó, mặt sau sẽ là chữ thuyết minh. Thực ra không nhất thiết phải mua thuốc lá mới kiếm được những tấm thẻ này, vì những sạp hàng bên đường cũng bán rất nhiều. Bọn con trai rất thích sưu tập những tấm thẻ này thành bộ, chẳng hạn như bộ 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy hử hay danh sách anh hùng trong Tùy Đường diễn nghĩa hoặc Dương gia tướng. Cách chơi phổ biến nhất là thổi bài, đặt hai tấm thẻ bài xuống mặt đất, dùng tay đập hoặc thổi hoặc đợi gió thổi tới, tốt nhất là làm thế nào để tấm thẻ lật ngược lại... Rõ ràng đây là căn phòng của một cô bé gái, năm xưa khi vụ án xảy ra, nhân chứng duy nhất cũng chính là cô con gái của người chết, ấy thế nhưng thẻ bài thuốc lá này lại là trò chơi của bé trai. Tư Vọng dốc ngược chiếc hộp để đồ bên trong rơi ra, vẫn còn một chiếc khánh hồ điệp, tuy đã đen sì nhưng vẫn có thể nhìn ra hình dạng trước kia, có lẽ là đồ dùng của một cô bé khoảng 12, 13 tuổi. Cuối cùng, trong hộp còn có một cuốn băng cassette. Năm 1983 cũng là lúc băng cassette bắt đầu lưu hành phổ biến.

Trên nhãn dán của cuộn băng vẫn còn dòng chữ thanh mảnh, Tư Vọng chà đi chà lại cho sạch bụi rồi soi đèn pin lên đọc:

01. Một mình lên lầu Tây; 02. Nguyện cùng người sống mãi; 03. Biết bao sầu; 04. Cỏ thơm vô tình; 05. Đêm thanh vắng; 06. Ai hiểu được tình tôi - băng nhạc “Tình u hoài” của Đặng Lệ Quân.

Thì ra là một băng nhạc của Đặng Lệ Quân, bản in chữ giản thể này rõ ràng là in lậu. Hồi đó cũng chẳng thể nào mua được bản gốc. Toàn bộ album “Tình u hoài” này đều được phổ nhạc dựa trên những bài từ cổ xưa, trong đó “Biết bao sầu” chính là bài “Giá như nước sông xuân chảy mãi về đông” của Nam Đường hậu chủ Lý Dực. Album tổng cộng có 12 bài, phía sau còn có 6 bài nữa, gồm cả “Lệ son hồng, khiến người say, bao giờ gặp lại, bởi đời này mối hận như nước chảy về đông” của Lý Hậu Chủ và “Năm ngoái đêm nguyên tiêu, chợ hoa đèn sáng rực, ngọn liễu mảnh trăng treo, hoàng hôn người hẹn ước” của Âu Dương Tu. Lật mặt B của băng thì thấy ngay 6 bài đó:

07. Lệ son hồng; 08. Tiếng lá xôn xao; 09. Hoàng hôn người hẹn ước; 10. Lệ ướt nhìn nhau; 11. Muốn nói lại thôi; 12. Nhớ chàng.

Trong lỗ hổng dưới chân tường, ngoài phân chuột ra thì chẳng còn thứ gì khác. Cậu đang thẫn thờ đứng mãi trong căn phòng ba mươi năm về trước từng thuộc về một cô bé, hai cánh mũi bị mùi ẩm mốc thối rữa bịt kín thì di động bỗng reo lên những hồi chuông chói tai. Là điện thoại Hà Thanh Ảnh gọi tới: “Vọng Nhi, sao con vẫn chưa về?”

“Dạ, mẹ ạ... Con về ngay đây ạ!”

Cậu nhét chiếc hộp sắt về vị trí cũ, cho dù nó có liên quan đến vụ án năm xưa hay không, thì cũng có thể khẳng định rằng, ngày đó cảnh sát chưa hề phát hiện ra bí mật trong hốc tường này. Tư Vọng nhanh như bay rời khỏi ngôi nhà hung, cậu không dám động đến cánh cửa lớn vẫn đang khóa im ỉm mà trèo qua bức tường bên hông nhà quay trở ra. Tư Vọng đạp xe về nhà, ánh trăng rọi xuống kéo dài chiếc bóng xám sau lưng cậu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện