Khi Tề Thiết Chủy tỉnh lại, không biết là lúc nào, hắn nhận ra mình đang ngủ trong phòng cho khách của Bộ tư lệnh, đầu giường có đặt một chén nước. Ngoài ra không có vật gì khác, trong phòng ngoài một số đồ dùng cần thiết thì không có thứ gì để bày bố trang trí cả.

Còn nhớ hồi trước từng đọc qua bản sao một cuốn sách của Đàm Thái đi Tây học, trong đó có nói, phòng ngủ của vua Phổ chỉ có một chiếc giường sắt và một chậu sắt để rửa mặt chải đầu, để giữ vững truyền thống cầm quân với ý chí sắt đá, không biết phòng ngủ của Phật gia có giống thế không nữa. Nếu thực như vậy, vậy thì sự chuyên tâm thường ngày của Phật gia dễ giải thích rồi.

Chén nước này là do một ông khách thương buôn đưa tặng hồi trước khi còn ở trấn Cảnh Đức, tổng cộng có bảy mươi ba chén sứ vẽ màu, khi ở hội đường Cửu Môn liền đem nó tặng Phật gia. Thế mà giờ lại đặt bừa trong phòng cho khách, phỏng chừng Phật gia nhận được liền đưa luôn cho Bộ tư lệnh dùng làm bộ đồ ăn rồi. Xem ra, nếu muốn tặng gì cho Phật gia, phải xem xem món đó có ích gì cho tiền tuyến không đã.

Uống hết chén nước, nước lạnh lẽo trôi xuống dạ dày, Tề Thiết Chủy mới cảm thấy ngực mình thoải mái hơn một chút, hắn cũng biết, cảm giác áp lực này không phải vì ốm đau bệnh tật gì, mà là vì cảnh tượng thảm liệt mà hắn tận mắt nhìn thấy. Mà tất cả những điều đó, đều bởi vì một lời nói của mình mà thành. Người nhà họ Tề hài lòng với số mệnh mình, tuy hắn biết mình không sai, nhà Phật gia cũng không cần hắn phải đau buồn tự trách làm gì, nhưng lại nhớ đến ánh mắt của cậu bé kia, lòng hắn lại tắc nghẹn, một cánh tay, đối với một cậu trai trẻ tuổi như vậy, mất đi một cánh tay thực sự là…

Hắn khoác áo, bước ra khỏi phòng, liền thấy có lính cảnh vệ đã đứng đó sẵn chờ mình: “Bát gia, ngài đã nghỉ ngơi đủ rồi?” Biết Phật gia chắc chắn không nghỉ ngơi chút gì mà vẫn còn đang làm việc, vậy mình nhất định phải đi giúp đỡ một tay.

Tề Thiết Chủy khom lưng cúi đầu, nói với lính cảnh vệ: “Binh gia dẫn đường.”

Đi thẳng đến phòng làm việc của Trương Khải Sơn, một anh lính khác đi sượt qua vai hắn mà rời khỏi phòng, thoáng nhìn thấy mặt của anh lính này, có phần giống với thằng nhỏ thò tay thám động lúc này, có lẽ là anh ruột, tuổi lớn hơn một chút, Tề Thiết Chủy lại buồn bã trong lòng. Bây giờ Trung Quốc còn có biết bao nhiêu là trẻ con giống như thế, ngay cả mạng mình cũng không giữ được, chiến sự cận kề rồi, có lẽ lần sau gặp lại cậu bé kia chính là ở trên chiến trường.

Phòng làm việc của Trương Khải Sơn xưa kia vốn là phủ đệ của quý tộc địa phương, đất rất rộng, Trương Khải Sơn bật đèn bàn, trên bàn có đặt một cái khay, trên khay là vật ông ta lấy ra từ trong quan tài, đã được rửa sạch. Đó là một miếng mai động vật màu đen, bên trên có những hoa văn kỳ quái, hình như là một mảnh vỡ của long cốt.

Năm Quang Tự thứ hai mươi lăm, Vương Ý Vinh mắc bệnh, uống thuốc, một lần ngẫu nhiên phát hiện ra văn tự cổ đại khắc trên một miếng long cốt trong vị thuốc bắc. Vương Ý Vinh là một học giả nghiên cứu đồ đồng và bia đá cổ, đồng thời cũng là một thương nhân đồ cổ, và là quan Tế tửu ở Quốc Tử Giám, nói đến cũng khéo, quy tắc thu mua long cốt làm phương thuốc của thương nhân buôn thuốc thời xưa, đó là trên long cốt không được có khắc chữ. Bởi vậy nên khi dược nông thu thập long cốt đều phải cạo hết chữ bên trên đi rồi mới rao bán. Thuốc Vương Ý Vinh uống chắc là toàn dược liệu kém chất lượng, lý ra với thân phận của ông ta thì không thể gặp phải chuyện này mới đúng, nhưng cũng chính vì vậy mà mới đúng là trùng hợp. Từ đó ngành học về chữ Giáp Cốt mới xuất hiện. Nếu không thì, với một vị thuốc bắc “long cốt” này, chỉ e toàn bộ lịch sử thời nhà Thương Trung Quốc sẽ bị người ta nuốt hết sạch vào bụng.

Nhưng vì sao trong quan tài này lại có mảnh Giáp Cốt, là dùng thuốc bắc để chống thối rữa ư? Vị thuốc long cốt có thể dùng để hút mủ, khép miệng vết thương, nhưng phải tán nhỏ ra rồi mới dùng, cách đun thẳng miếng mai thành bã thuốc thường dùng để trị nội bệnh, trông rất không văn nhã. Nếu không phải, vậy vật bồi táng trong quan tài này lẽ nào lại là miếng Giáp Cốt? Vậy cũng có lý, dùng miếng Giáp Cốt bồi táng, lẽ nào trên miếng Giáp Cốt này có ghi chép thông tin gì không thể để người khác biết được ư? Tề Thiết Chủy đi đến phía sau Trương Khải Sơn, cúi đầu nhìn Giáp Cốt, bởi nó chỉ là một miếng nhỏ, cho nên cũng không nhìn ra được cụ thể vấn đề gì.

Thụy Tiền từ ngoài sân bước vào phòng, rồi hỏi Phật gia cậu bé kia rốt cuộc đã mò được thứ gì mà khiếp sợ đến vậy. Hắn vẫn nhớ rõ câu trả lời của Trương Khải Sơn, cũng khiến hắn phải canh cánh trong lòng, lúc đó Trương Khải Sơn đã ngờ vực đáp: “Ta cũng không nghĩ ra, vừa mò xuống ngón tay đầu tiên, ta sờ được thi thể là nằm úp sấp.”

Tuyệt chiêu song chỉ thám động của Trương gia thần bí vô cùng, những gì Tề Thiết Chủy biết chỉ là những thứ vụn vặt, không cần phải thừa lời làm gì. Cái lỗ trên Tiêu tử quan là ở vị trí khuôn mặt của thi thể, bởi vì xác cổ thường ngậm ngọc thạch và trân châu trong miệng, thường là món trân quý nhất, trộm mộ Bắc phái vốn được truyền thừa từ Phát khâu trung lang tướng, sẽ không khoắng sạch đồ trong quan tài, cho nên song chỉ thám động là ngón nghề kinh tế nhất dùng để đối phó với những hung quan, nhón lấy châu báu từ xác cổ sau đó lập tức rút tay ra. Đây là phương thức từ thời sơ khai nhất, về sau người Trương gia phát triển thêm cho mình công phu luyện ngón tay, lực ngón tay cực khỏe, sau khi thò tay vào trong quan tài việc đầu tiên phải làm chính là dùng ngón tay nghiến nát quai hàm của xác cổ, để cái xác không thể khép miệng lại.

Nhưng nếu như thò một tay vào trong mà thi thể lại nằm sấp, như thế thực không hợp lẽ thường, lúc đó Tề Thiết Chủy liền nhớ ra, khi ở trên xe lửa, những cái xác của đặc vụ Nhật Bản cũng toàn là nằm sấp, bèn bắt đầu đào sâu suy nghĩ, đây rốt cuộc là có ý gì?
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện