Kể từ khi công chúa đính hôn, mỗi dịp lễ tết, ngoài lệ thưởng trong cung ra, Miêu thục nghi và nhà Lý quốc cữu còn muốn tặng quà qua lại lẫn nhau. Cuối năm Khánh Lịch thứ bảy, Miêu thục nghi thấy ta đã lớn, lại là người cung phụng bên công chúa, bèn giao nhiệm vụ đưa quà đến nhà phò mã vào mồng một Tết cho ta.

Tuy đã có duyên gặp mặt một lần, song phò mã Lý Vĩ thấy ta cũng không nói năng gì nhiều, vẫn rất im lặng. Quốc cữu không khỏe, nghỉ ngơi trong nhà, nhưng quốc cữu phu nhân Dương thị thì lại khá nhiệt tình, sai người rót trà cho ta, bản thân thì ngồi xuống đối diện ta hỏi ngắn han dài, sau khi quan sát ta hồi lâu, lại cười nói: “Lương cao ban thật đúng là nhân tài, không nói ai mà nhìn ra được là một tiểu hoàng môn chứ?”

Ta dở khóc dở cười, chỉ có thể coi như bà đang khen mình, nán lại đôi chốc rồi đứng dậy cáo từ, vội vã rời khỏi phủ họ Lý.

Thấy sắc trời còn sớm, ta bèn dò theo địa chỉ hỏi được lần trước của Thôi Bạch, đi tìm. Vốn không trông mong có thể tìm được gã, định bụng ghi nhớ vị trí nơi ở của gã rồi sau này có cơ hội thì quay lại sau, chẳng ngờ vừa mới tới trước cổng, cổng đã đột ngột mở ra từ bên trong, một người sải bước đi ra, áo bào rộng tay áo dài, đầu chít khăn, chính là Thôi Bạch.

Chúng ta bất ngờ gặp lại, đều mừng vui khôn xiết. Gã vội mời ta vào, hai bên hàn huyên mấy câu, rồi gã lại lấy tác phẩm vẽ gần đây ra, trải từng bức cho ta xem, nói: “Mấy năm nay gửi gắm tình cảm vào non nước, cũng có điều tâm đắc, nếu không phải tiêu hết lộ phí thì chỉ e lúc này còn chưa về nhà.”

Ta nghĩ đến chuyện Thu Hòa, lo rằng Thôi Bạch đã có gia đình, bèn cố ý hỏi thăm: “Tử Tây du ngoạn thiên hạ, chị dâu một mình ở lại trông nhà hay đi cùng huynh?”

Thôi Bạch cười to: “Nhà tôi làm gì có chị dâu nào, chỉ có một trúc phu nhân thôi!”

Ta nghe vậy cúi đầu cười. Trúc phu nhân là dụng cụ giường chiếu mùa hè, lấy trúc xanh tước nhỏ hoặc cả đoạn trúc làm thành, thường có hình trụ tròn, dùng để ôm ngủ lấy mát. Thôi Bạch nói vậy chứng tỏ chưa thành gia.

“Tôi đã sớm có ý định đi khắp thiên hạ, thời gian mấy năm nay đều tiêu tốn hết trên đường, mãi gần đây mới quay về nên đến nay vẫn chưa lấy vợ.” Ngay sau đó, Thôi Bạch giải thích.

Ta lại hỏi gã đã có hôn ước chưa, gã nói chưa, ta lập tức yên lòng, đề cập tới Thu Hòa, hỏi gã trước đây tặng Thu phố dung tân đồ cho Thu Hòa có phải là có ý với cô.

Thôi Bạch cũng thản nhiên thừa nhận: “Trước kia tặng em bức họa ấy thật sự là để tỏ ý mến thương. Nhưng về sau nghĩ lại, lại cảm thấy hành động này thật lỗ mãng. Tôi chỉ là hạng áo vải quần đay, chẳng có gia thế dòng dõi quyền cao lộc hậu gì tương xứng, em lại thân tại thâm cung, vốn không dám mong mỏi kết duyên kiếp này, chỉ mong em không vì ý “trao nhạn” mà cảm thấy tôi mạo phạm, để bức tranh kia được làm bạn bên em, đối với tôi đã đủ mãn nguyện rồi.”

Ta thuật lại chi tiết cho gã nghe chuyện Thu Hòa được đế hậu sủng ái, lấy được một lời chấp thuận của kim thượng rồi hỏi Thôi Bạch có muốn lấy cô làm vợ không, Thôi Bạch mừng rỡ không thôi, “Nếu Đổng cô nương không chê tôi khuyết thiếu công danh, nhà tranh thanh bần thì sau khi em xuất cung, tôi nhất định sẽ tam môi lục sính đón em vào cửa.”

Ta mỉm cười nói Thu Hòa không hề xét nét vật ngoại thân, Thôi Bạch càng thêm hoan hỉ, lấy bút mực ra, lập tức thảo thiếp ướm lời chuẩn bị trước khi ăn hỏi cưới vợ, viết tên húy ba đời và ngày sinh tháng đẻ của mình vào, ủy thác ta chuyển cho Thu Hòa.

Trở lại cung, ta nhanh chóng đi tìm Thu Hòa, chuyển cáo câu trả lời của Thôi Bạch, đưa thiếp ướm lời cho cô. Thu Hòa cười rạng rỡ, liên thanh cảm ơn, lại chợt lo lắng: “Nhưng mà, cứ đột ngột nói với quan gia tôi muốn xuất cung như vậy, ngài sẽ bằng lòng sao?”

Ta nghĩ ngợi, kiến nghị cô nói với hoàng hậu trước: “Cô hầu hạ bên hoàng hậu đã lâu, bà cũng rất thích cô, nhất định sẽ suy nghĩ cho cô. Cô hãy thương lượng với bà, xin bà nói với quan gia.”

Thu Hòa làm theo. Hai hôm sau, cô tới tìm ta, bước chân khoan khoái, thần thái sáng láng, hiển nhiên sự tình tiến triển rất thuận lợi.

“Tôi thử thăm dò nói với hoàng hậu rằng tôi muốn xuất cung,” Cô đỏ mặt nói với ta, “Bà vô cùng kinh ngạc, nói tôi còn quá nhỏ tuổi, có phải trong nhà xảy ra chuyện gì nên mới vội vã trở về không. Tôi đáp không phải, sau đó bà lập tức đoán ra, bình lui mọi người, hỏi tôi có phải là…có ý trung nhân…”

“Cô thừa nhận?” Ta hỏi cô, nếu chẳng phải thấy tâm trạng cô hiện giờ rất tốt thì hẳn đã lo lắng hậu quả thay cô rồi. Không cần nghe cô trả lời đã suy ra được, cô chưa từng biết nói dối, sớm muộn gì cũng thừa nhận.

Thu Hòa thỏ thẻ: “Tôi chỉ cúi đầu thôi, xấu hổ đến độ hận không thể chui xuống đất. Hoàng hậu an ủi tôi, nói không sao, có chuyện gì thì nói cho bà biết, bà sẽ gắng hết sức giúp tôi. Tôi bèn đứt quãng nói chút ít, thì ra bà cũng biết Thôi Bạch, vừa nghe đến đã cả cười, nói: ‘Ấy quả thật người tài hoa, kể cũng xứng đôi với ngươi’.”

Đáy lòng ta vẫn có phần thấp thỏm: “Biết cô có qua lại với Tử Tây, hoàng hậu có nói gì thêm không?”

Thu Hòa lắc đầu, kể tiếp: “Sau nữa, bà im lặng một lúc lâu, chẳng biết là nghĩ gì. Tiếp đó, lúc nhìn tới tôi lần nữa thì mỉm cười, nói: ‘Thế gian hiếm có nhất là vừa trong lòng có nhau vừa tâm không khúc mắc. Ngươi là đứa bé ngoan, ta sẽ thành toàn cho ngươi.’”

Nghe xong, ta thở phào nhẹ nhõm thay cô: “Đã nói thế thì có nghĩa bà đồng ý cho cô xuất cung rồi?”

“Đồng ý, chỉ là không phải bây giờ.” Thu Hòa nói, “Hoàng hậu bảo vì tôi còn chưa đến tuổi cung nữ xuất cung, trong nhà lại không có đại sự gì, nếu bây giờ chỉ cho mỗi mình tôi xuất cung sẽ là phá quy định, trong cung tất có lời đồn đãi. Không bằng đợi đến tiết Càn Nguyên (*) sang năm, quan gia vốn định cho một nhóm cung nhân nữa xuất cung nhân dịp ấy, bà sẽ giải thích rõ với quan gia trước đó, nhắc lại với ngài lời chấp thuận khi xưa, xin ngài xếp tên tôi vào danh sách những người rời cung.”

(*) Tiết Càn Nguyên chỉ sinh nhật của hoàng đế đương triều, không cố định.

Tiết Càn Nguyên tức ngày mười bốn tháng Tư, sinh nhật của kim thượng, cách thời điểm hiện tại không đến năm tháng. Năm nay đã sắp qua hết, hơn nữa ngày này hẳn là không có gì đáng lo ngại. Ta chúc mừng Thu Hòa, cảm thấy hôn sự của cô đã đâu vào đấy, ta cũng nhẹ nhõm sung sướng như vơi bớt nỗi lòng, điều cần làm bây giờ chỉ là thừa dịp đưa quà tết Nguyên Tiêu đến nhà phò mã truyền tin cho Thôi Bạch thôi.

“Hoài Cát, ngoài cung trông như thế nào?” Thu Hòa bỗng ngậm cười hỏi ta, lại nói: “Năm bốn tuổi tôi đã vào cung, ngoài những lúc rời cung đi tới mấy lâm viên, xem được vài cảnh tường đỏ cây xanh sau mành che xe liễn ra, tôi hoàn toàn không biết thành thị hiệu buôn Đông Kinh rốt cuộc trông như thế nào.”

Ta nhất thời không biết nên bắt đầu kể từ đâu, cũng không muốn nói cô biết chuyến ra ngoài cung của ta trước đó kỳ thực chẳng khác nào mộng du. Những cảnh phố phường dân tục, nhân gian phồn hoa ấy tựa một cuộn tranh trường thiên, ta nhìn trong mắt mà cảm giác linh hồn mình du đãng bên ngoài như không cách nào dung nhập được vào đó nữa.

“Xuất cung rồi cô tự đi xem là được mà.” Cuối cùng, ta trả lời như vậy, “Sau này có Tử Tây ở bên cô, cô muốn đi đâu cũng chẳng khó khăn.”

Tết Nguyên Tiêu mười lăm tháng Giêng hằng năm, buổi tối ở Đông Kinh luôn đặc biệt náo nhiệt, vua Thái Tông từng hạ chiếu đốt đèn năm đêm trước sau lễ tết, đến giờ, thời gian đốt đèn đã vượt xa năm đêm, từ đầu tháng Giêng, chợ đèn hoa ngoài Đông Hoa Môn đã bắt đầu chuẩn bị, đèn hoa lớn nhỏ đạt đến mấy trăm loại.

Cảnh tượng tráng lệ nhất chợ đèn hoa là ở trước Tuyên Đức Lâu, nơi đó sẽ xếp núi đèn màu cỡ lớn, thân núi trang hoàng bằng tranh chuyện thần tiên, tạo rối gỗ hình thần tiên, thần thú, ngón tay có thể bắn ra năm tia nước, cánh tay cũng có thể cử động, lúc thắp sáng đèn màu, sắc vàng xanh hai mé trái phải sẽ chiếu rọi lẫn nhau, sáng rực lộng lẫy, quang cảnh lung linh. Hai bên tả hữu cửa thành mỗi bên sẽ buộc cỏ thành hình rồng, lấy bạt xanh lồng vào, bên trong xếp dày mấy vạn ngọn đèn, uốn lượn theo thân rồng, lúc ánh đèn giao nhau trông như cặp rồng cùng bay. Đèn rồng khổng lồ và các loại đèn hoa khác nhiều không đêm xuể, du khách ngựa xe như nước, chẳng thể ngơi chân.

Hôm Nguyên Tiêu, kim thượng dẫn cung quyến ngự giá Tuyên Đức Lâu xem đèn, trong cung bày nến phượng đèn rồng, sáng lòa như tranh, kỳ vĩ muôn vẻ, tưởng chừng như ánh đèn ngoài cung lan đến tận đây.

Khánh Lịch năm thứ tám là năm nhuận, nhuận tháng Giêng. Lúc xem đèn tháng Giêng, kim thượng rất hứng khởi, muốn chăng đèn trong cung vào mười lăm tháng Giêng nhuận, tái hiện thịnh cảnh Nguyên Tiêu, bèn nhắc đến với chúng cung quyến trong một buổi tiệc rượu đầu tháng.

Trương mỹ nhân là người khen hay trước tiên, các nương tử cũng biểu hiện tán thành, đến công chúa cũng vỗ tay cười nói: “Được ạ được ạ, đèn hoa tháng trước con còn xem chưa đủ!”

Hoàng hậu lại nghiêm nghị đứng dậy, xá kim thượng rồi nói: “Nguyên Tiêu vốn là ngày lễ mỗi năm một lần, vốn không cần ăn mừng đến hai lần trong một năm, hơn nữa mỗi lần chăng đèn, chi phí đều rất lớn, làm một lần nữa quả thật là quá phô trương. Bệ hạ thường dạy bọn thần thiếp chi tiêu chớ nên hoang phí, nếu chuyện chăng đèn truyền ra ngoài cung, trên làm dưới theo, hao tài tốn của, há chẳng phải đi ngược lại thánh ý của bệ hạ? Vậy nên thần thiếp cả gan kính xin bệ hạ thu hồi mệnh lệnh đã ban ra.”

Nụ cười của kim thượng tức thì như bị mấy lời ít ỏi của hoàng hậu đông lạnh, thần sắc có phần cứng đờ, trầm mặc hồi lâu mới mỉm cười lần nữa, hai tay đỡ hoàng hậu lên, nói: “Đa tạ hoàng hậu thẳng thắn can gián. Ý nghĩ này của trẫm quả thực thiếu cân nhắc, việc chăng đèn đừng nhắc lại nữa.”

Đến ngày mười lăm tháng Giêng nhuận, trong cung quả nhiên không đặc biệt ăn mừng vui chơi gì, kim thượng chỉ cho vời hoàng hậu, công chúa và vài vị tần ngự thân cận vào Phúc Ninh Điện, bình phẩm tập phi bạch do đãi chiếu Thư viện Lý Đường Khanh soạn.

Phi bạch là một trong tám thể thư pháp, do nhà thư pháp Thái Ung sáng tạo nên, là sở trường của cha con Vương Hi Chi và Tiêu Tử Vân, rất thịnh hành trong triều đại này, đường nét bút họa dẹt, ở giữa xen lẫn những tia trắng bạc, như mái tóc hoa tiêu, thế bút bay bổng. Muốn viết thể phi bạch phải dùng bút khô mực, trong quá trình viết cần khống chế nghiêm ngặt lực độ, mực phân bố quá thưa hoặc quá dày đều là hỏng, mà trong bút họa, nét chấm là khó thực hiện nhất.

Kim thượng không có nhiều hứng thú với cưỡi ngựa bắn cung đánh cầu, thường ngày chỉ thân thiết với bút nghiên, thiện nhất là phi bạch, thấy tập phi bạch của Lý Đường Khanh chọn toàn những chữ có nét chấm, tổng cộng ba trăm nét chấm, cách viết mỗi chữ đều có sự khác biệt, ba trăm nét chấm mỗi nét một vẻ, ánh mắt không khỏi lộ vẻ tán thưởng, chỉ vào phi bạch của họ Lý hỏi công chúa: “Huy Nhu, thấy chữ này viết thế nào?”

Nét thể phi bạch.

Công chúa trố mắt: “Thì ra chữ phi bạch có thể có nhiều cách viết như vậy! Nét chấm trong phi bạch mô phỏng hình dáng vật, ba trăm nét chấm y viết ở đây có thể nói là bao hàm hết đủ kiểu hình vật rồi.”

Kim thượng mỉm cười không nói, lệnh lấy bút mực, lập tức nhấc bút tự tay viết một chữ “Thanh (清)”, vẫn là thể phi bạch, rắn rỏi hồn hậu, ba nét chấm trong đó lại nằm ngoài ba trăm nét của Lý Đường Khanh, người đứng xem không khỏi trầm trồ

Viết xong chữ này, kim thượng chưa đặt bút xuống ngay mà hai ngón kẹp bút, đưa cho hoàng hậu, trong mắt ẩn chứa ý mời.

Hoàng hậu vui lòng nhận lấy, nhúng mực đề bút, viết một chữ “Tịnh (净)” phía sau chữ “Thanh”, nét mảnh thế hùng, hai nét chấm lại có sự khác biệt.

Mọi người thán phục, nhất tề khen hay, kim thượng lại không lên tiếng, mỉm cười đi ra sau hoàng hậu, hơi cúi người, tay phải nắm lấy tay cầm bút của hoàng hậu, dẫn bà đưa cổ tay, gò má hai người giữa chừng khe khẽ chạm nhau, đợi đến lúc người đứng xem lấy lại tinh thần, giữa hai nét chấm của chữ “Tịnh” trên giấy đã thêm một chấm nữa.

Nét chấm này tư thế chao liệng, vượt lên hẳn năm nét chấm trước đó.

Chấm xong nét bút này, kim thượng chưa buông tay ra ngay, nắm chặt lấy tay hoàng hậu, nghiêng đầu dịu dàng nhìn bà. Hoàng hậu cũng quay về phía ngài, vợ chồng nhìn nhau cười.

Ta chưa bao giờ thấy kim thượng có thần sắc như khi chăm chú nhìn hoàng hậu giờ khắc này. Trong ấn tượng của ta, ngài cũng chưa từng dùng ánh mắt đó nhìn những tần ngự như Miêu thục nghi. Hai chữ “dịu dàng” thực ra hoàn toàn không đủ để hình dung trạng thái ấy, ngài và hoàng hậu nhìn nhau, ánh mắt trong vắt, đáy mắt sáng rực, dường như đôi bên đều có thể dò đường vào tận đáy lòng nhau, nụ cười kia lại ăn ý đến thế, tựa hồ bao nhiêu thâm ý đều chẳng nằm trong lời.

Chợt nhớ tới lời công chúa nói về hoàng hậu buổi chuyện đêm năm ngoái, ta không khỏi nghĩ, kỳ thực hoàng hậu chưa chắc đã “nghèo” như vậy.

Song ngay sau đó nghĩ đến việc kim thượng nạp Phạm cô nương cách đây không lâu, cùng lời ngài phản vấn Miêu nương tử “Nàng nhất định muốn ngoại thích trong thiên hạ đều phải mang họ Tào à”, ta lại có phần hồ đồ, không thể hiểu nổi thái độ của ngài đối với hoàng hậu rốt cuộc là sao.

Hình như hoàng hậu trước nay đều chưa từng giành được thịnh sủng, thậm chí người kim thượng muốn lập làm hoàng hậu ban đầu cũng không phải bà, trong cung, điều này cũng chẳng phải bí mật.

Hoàng hậu Quách thị, nguyên phối của kim thượng là do Chương Hiến thái hậu chọn lập, kim thượng chẳng mấy yêu mến. Khi đó kim thượng chuyên sủng một vị mỹ nhân họ Trương khác, sau khi Trương thị chết thì sủng ái hai mỹ nhân Thượng, Dương, Quách hậu phẫn uất, nhiều lần tranh chấp với hai mỹ nhân. Một lần nọ, Thượng mỹ nhân có lời chống đối hoàng hậu ngay trước mặt kim thượng, hoàng hậu giận dữ, xông lên bạt tai mỹ nhân, kim thượng che cho mỹ nhân, Quách hoàng hậu không kịp thu tay, vô ý đánh lầm lên cổ kim thượng. Lúc ấy Chương Hiến thái hậu đã băng hà, kim thượng chẳng kiêng dè gì nữa, tức thì nổi giận phế hậu, hạ chỉ giáng Quách thị làm Tịnh phi, bắt làm đạo sĩ, pháp hiệu Ngọc Kinh Xung Diệu tiên sư, ban tên Thanh Ngộ, ra sống ngoài cung.

Quần thần phản đối kim thượng chọn người trong số tần ngự hiện hữu lập hậu, nói lấy thiếp làm thê là đảo ngược trưởng thứ, tuyệt đối không được. Không lâu sau khi phế hậu, kim thượng ra chiếu tuyển cháu gái Tào Bân vào cung, song chưa phong hậu ngay. Khi ấy kim thượng để ý tới một mỹ nhân tuyệt sắc, là con gái họ Trần buôn trà ở Thọ Châu, nhưng chư thần liên tiếp dâng sớ, không cho kim thượng “lấy kẻ thấp kém lập trung cung”.

Phụ thân cô gái họ Trần có hiệu “tử thành”, “tử thành sứ” vốn là tên chức quan thị vệ ở nha môn. Diêm Sĩ Lương, quan chủ quản Ngự dược viện khi đó cầu kiến kim thượng, hỏi ngài có biết tử thành sứ là chức quan gì không, kim thượng đáp không biết, Diêm Sĩ Lương bèn nói: “Tử thành sứ là tên quan nô bộc nhà đại thần. Nếu bệ hạ cưới con gái nô bộc làm hậu, chẳng phải thẹn với công khanh đại phu ư?” Kim thượng tỉnh ngộ, lệnh con gái họ Trần xuất cung, sau cùng lập con gái thế gia Tào thị làm hậu.

“Phi bạch của hoàng hậu là vào cung rồi mới luyện,” Sau buổi hôm ấy, Miêu thục nghi nói cho ta biết thế, “Ngẫu nhiên có cơ hội hầu hạ quan gia viết chữ, chị ấy sẽ mở to hai mắt yên lặng xem, trở lại gác mình rồi thì tập đi tập lại cả ngày lẫn đêm. Có hôm quan gia đi qua chỗ chị ấy, thấy chị ấy đang múa bút luyện phi bạch trong phòng, chữ viết cũng hào sảng dễ thương, quan gia nhất thời nổi hứng, tay nắm tay dạy chị ấy. Mấy ngày sau thì hạ chỉ lập chị ấy làm hoàng hậu.”

Tình ý của đế hậu nảy sinh từ phi bạch, bởi vậy nên trong mắt kim thượng, điểm rung động lòng người nhất ở hoàng hậu được thể hiện trong lúc viết chữ.

Ba ngày sau đó, kim thượng đều qua đêm ở Phúc Ninh Điện.

Nghe tin này, ta vậy mà lại có phần vui vẻ.

Kim thượng bằng lòng tiếp nhận lời can gián của hoàng hậu, lại ngày càng gần gũi với hoàng hậu hơn, như vậy tương lai khi hoàng hậu đề cập tới việc Thu Hòa xuất cung, hẳn ngài sẽ không cự tuyệt.

Trước tết Nguyên Tiêu, ta chuyển cáo cho Thôi Bạch câu trả lời của hoàng hậu, xem tình hình trước mắt, hết thảy đều nước chảy thành sông, tựa hồ tất cả mọi chuyện đều đang tiến triển theo phương hướng hoàn mỹ nhất đã dự tính.

Nhưng chẳng biết tại sao, lúc còn đang nghĩ thế, trái tim bỗng nảy lên “thình thịch” vài cái mà chẳng mảy may có một lý do.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện