Công chúa đi thẳng tới trước mặt Dương phu nhân, cụp hờ mắt, lạnh lùng nhìn Dương thị hãy còn duy trì tư thế ngồi: “Nơi bà đang ở là phủ công chúa của ta; người bà chỉ trích là nô bộc của ta. Bà tuy là mẫu thân phò mã, nhưng không phải mẹ chồng của ta, đối với tất thảy người ở trong cái phủ này từ trên xuống dưới, cùng lắm chỉ là khách qua đường, mà lấy đâu ra lá gan dám ức hiếp người của ta?”

Dương phu nhân lườm nàng rồi thản nhiên dời mắt đi, hơi ngửa đầu, nói: “Có phải mẹ chồng hay không thiên hạ tự có công luận, bây giờ tôi không tranh cãi với cô, chỉ bàn việc bê bối trong cái phủ này. Người bình thường bắt gặp hành vi gây án còn tố cáo vạch trần một câu, chuyện xảy ra ngay dưới mí mắt tôi, lý nào tôi có thể mặc kệ? Nói ra cũng chẳng phải muốn ức hiếp ai, mà là muốn giúp công chúa chỉnh đốn nếp sống trong phủ. Bằng không, nếu chuyện thành trào lưu thì bọn hạ nhân trong phủ, bất kể là nam hay nữ hay bất nam bất nữ, cũng đều chui chung một phòng, truyền ra chỉ e người ta sẽ nói công chúa quản giáo không nghiêm, thậm chí còn có lời khó nghe hơn cũng chưa biết chừng.”

Lúc này, Trương Thừa Chiếu chợt bước lên, mắt hơi trợn tròn, ra vẻ khó hiểu, nói với Dương phu nhân: “Quốc cữu phu nhân, bà muốn tố giác vạch trần thì đi bắt người thực sự phạm tội lớn đi chứ. Ban nãy tôi chỉ làm biếng trong phòng, ngủ trưa một giấc, có đáng để bà phải hưng sư động chúng sai người xông vào phòng bắt tôi lại đây vậy không?”

“Ngủ trưa?” Dương phu nhân cười giễu cợt, chỉ vào Tiếu Diệp Nhi: “Cậu biết hưởng diễm phúc ghê nhỉ, ngủ trưa cũng phải kéo một tiểu nương tử như hoa như ngọc vào cùng, chẳng lẽ ta nói còn không đúng?”

“Nguồn cơn đâu mà nói lời ấy?” Trương Thừa Chiếu lắc đầu quầy quậy, lại quay sang nói với người xem trong sảnh: “Tôi vốn đang một mình ngủ ngon lành trong phòng, quốc cữu phu nhân bỗng nhiên dẫn người xông tới, lôi Tiếu Diệp Nhi xềnh xệch vào phòng tôi, cả đám người ra sức giật kéo áo xống em ấy, còn nói muốn nhốt hai đứa bọn tôi vào một phòng, lại ầm ầm ném một đống thứ lên giường tôi. Tôi bị dọa cho chết khiếp, cũng không biết bọn tôi đắc tội phu nhân chỗ nào mà bị phu nhân trừng trị vậy. Mắt thấy cửa sắp bị khóa mới lấy lại được tinh thần, bụng nghĩ, bị bà ấy mưu hại thế, bản thân thì thôi chẳng sao, cùng lắm lỗ cái mạng là cùng, nhưng nếu để bị người khác nhân chuyện này khua môi múa mép, làm ảnh hưởng đến danh dự của công chúa thì không hay. Tôi mới bèn hăng hái phản kháng, lấy một địch mười, rốt cuộc cũng phá được vòng vây, xông ra khỏi phòng. Bây giờ theo công chúa tới đây là muốn báo cho mọi người biết chân tướng, cũng miễn cho Tiếu Diệp Nhi phải gánh nỗi oan tai bay vạ gió…” Nói đến đây, hắn quay về phía Tiếu Diệp Nhi, hỏi con bé, “Tiếu Diệp Nhi muội muội, muội nói có đúng vậy không?”

Tiếu Diệp Nhi đại khái cũng lĩnh hội được ý của hắn, nín khóc, cuống quýt lia lịa gật đầu.

Dương phu nhân thấy thế nổi nóng, nhổ toẹt một bãi nước bọt vào Tiếu Diệp Nhi, mắng: “Con đĩ con nhà mày, giả bộ vô tội cái gì? Nếu không có tội thì sao mới nãy mày không kêu oan?”

Trương Thừa Chiếu lập tức giải thích thay Tiếu Diệp Nhi: “Lúc đó Tiếu Diệp Nhi đã bị phu nhân đánh cho choáng váng rồi, sau khi tôi đi, lỡ bà lại nạt nộ gì em ấy, khiến em ấy không dám kêu oan thì sao?”

Tiếu Diệp Nhi hiểu ý, vừa gật đầu vừa dè dặt tố: “Quốc cữu phu nhân nói, tôi dám kêu oan, sau này sẽ cắt lưỡi tôi…”

“Ngữ lăng loàn đáng chém nghìn đao, dám ở đây theo thằng trai hoang của mày bôi nhọ xằng bậy bà mày đây!” Dương phu nhân cả giận, đập bàn quát, “Chúng mày làm việc xấu xa không biết xấu hổ trong phòng, trong phủ có đến mấy chục con mắt chứng kiến, trước mặt bao người, lẽ nào chúng mày còn muốn chống chế?”

Công chúa nghe vậy cười khẩy, hỏi Dương phu nhân: “Trước mặt bao người? Chẳng biết những người chứng kiến họ phạm tội ấy là ai?”

Dương phu nhân vung tay áo chỉ vào đám người mình mang tới: “Chính chúng nó, chúng nó đều nhìn thấy cả?”

Công chúa không đáp ngay, dời bước tới cạnh giá sách, lấy từ trên giá xuống một chiếc đĩa ba chân để rửa bút lông bằng sứ lò Nhữ men màu thiên thanh, rồi bất đồ quăng mạnh xuống đất, chiếc đĩa vỡ tan tành. Công chúa chỉ vào mảnh vỡ tung tóe khắp đất, hỏi Trương Thừa Chiếu: “Thừa Chiếu, cái đĩa ba chân này là bị ai đánh vỡ ấy nhỉ?”

Trương Thừa Chiếu cung kính khom lưng với nàng, cao giọng đáp: “Bẩm công chúa, là quốc cữu phu nhân đánh vỡ ạ.”

Công chúa cười nhạt, lại hỏi: “Bà ta đánh vỡ thế nào?”

Trương Thừa Chiếu đáp: “Quốc cữu phu nhân vu vạ cho thần và Tiếu Diệp Nhi, còn định bôi nhọ công chúa, công chúa phản bác bà ta, có lý có cớ, làm bà ta cứng họng á khẩu. Sau cùng, bà ta không tìm được lời gì để nói, trong lòng phẫn uất, bèn thuận tay vớ cái đĩa ba chân này ném vào công chúa, may mà công chúa né tránh kịp thời nên mới không bị bà ta ném trúng, đĩa ba chân rơi xuống đất, vỡ nát!”

Nói xong, hắn đánh mắt nhìn chúng tiểu hoàng môn công chúa dẫn tới sảnh: “Mấy đứa nói xem có đúng vậy không?”

Đám tiểu hoàng môn này thường ngày phần lớn đều bị Dương phu nhân chọc tức, giờ đây nghe Trương Thừa Chiếu hỏi thế, đều gắng nhịn cười nhìn nhau, sau đó, một đứa đáp “Phải ạ” trước, mấy đứa còn lại lập tức hưởng ứng, cũng nhao nhao nói phải.

Công chúa quay sang Dương phu nhân, hất cằm: “Nhìn xem, bà làm việc này cũng có mấy mươi con mắt chứng kiến, cũng là trước mặt bao người đấy thôi.”

Dương phu nhân lửa giận ngút trời, phất tay áo đứng dậy, mắng thẳng mặt công chúa: “Công nhiên mê muội lương tâm, mưu hại mẹ chồng để bao che cho kẻ phạm tội, thiên hạ nào có ai làm dâu như cô!”

Cơn giận của công chúa vốn đã như rơm củi tẩm dầu, bị bà ta khiêu khích, ngọn lửa lập tức bùng lên. “Lương tâm? Bà còn dám nói chuyện lương tâm với ta?” Nàng quắc mắt lạnh lẽo trừng Dương thị, trong mắt dâng lên ánh lệ: “Nếu bà có chút xíu lương tâm thì liệu có hạ dược ta không? Dùng thủ đoạn bẩn thỉu đó với con dâu, thiên hạ nào ai làm mẹ chồng như bà!”

Câu này vừa nói ra, trong sảnh nhất thời im bặt, đến Dương thị cũng ngậm miệng không dám nhiều lời. Dưới cái nhìn bức bách đầy thịnh nộ của công chúa, bà ta hơi co quắp, cụp mi mắt xuống.

Vụ việc hạ dược hẳn là do Trương Thừa Chiếu mới rồi kể với công chúa để kích thích lòng phẫn nộ của nàng, thúc đẩy nàng đối kháng với Dương thị, xuất toàn lực bảo vệ hắn. Nghĩ vậy, ta liếc sang Trương Thừa Chiếu, hắn vừa chạm mắt với ta đã lập tức chột dạ cúi đầu lảnh tránh, xem ra ta đoán không sai.

Lại nhìn Hàn thị, bà cũng hơi mất tự nhiên, nghiêng đầu tránh né ánh mắt dò hỏi của ta. Lời Trương Thừa Chiếu hặc Dương thị vừa rồi hẳn cũng được bà tán thành. Đương nhiên, ta có thể lý giải tâm lý bất mãn của Hàn thị đối với Dương phu nhân, song cứ thế này thì đến khách khí ngoài mặt với Dương thị công chúa cũng chẳng làm nổi mất, về sau biết phải chung sống dưới cùng một mái nhà với bà ta thế nào đây? Huống hồ, đối với bản thân công chúa, biết được chuyện hạ dược là một trận đả kích nghiêm trọng. Ta thầm ủ rũ thở dài. Công chúa hít thở từng hơi nặng nề mà chậm chạp, tận lực kiềm chế cảm xúc khác thường vào thời khắc này, một lúc lâu sau mới nén được cơn nghẹn ngào xuống, nói với Dương thị quyết định chốt hạ của nàng: “Ta tạm thời không so đo với bà chuyện hôm nay, nhưng nếu bà cứ tóm riệt nội thần thị nữ của ta không thả, dám nói nửa câu thị phi về họ với người ngoài, ta sẽ lập tức vào cung, tố việc bà hạ dược ta với cha và nương nương, họ không xử phạt bà, ta thề không để yên!”

Nghe công chúa nói vậy, Dương phu nhân cau có trầm mặc, nhưng sau đó cũng chỉ nặng nề vung tay áo về phía công chúa trước khi ra cửa, biểu thị sự hậm hực cuối cùng. Nhìn bề ngoài có vẻ như công chúa đã thắng lợi, song sắc mặt nàng tuyệt chẳng vui mừng. Đợi Dương thị dẫn toàn bộ người mang theo đi rồi, nàng bảo những người không phận sự lui đi, sau đó trỏ Trương Thừa Chiếu và Tiếu Diệp Nhi, nói với Lương đô giám: “Hai người này phạm tội, mời đô giám răn đe bọn họ, nghĩ biện pháp trừng phạt, nhưng đừng để người ngoài biết rồi đặt điều lung tung.”

Lương đô giám cúi người nhận lời, công chúa cũng chẳng buồn nghe Trương Thừa Chiếu kêu oan, lặng lẽ nhìn sang ta, tầng lệ mỏng manh trong mắt rốt cuộc cũng tràn mi.

Đến bữa tối, công chúa sai người mang rượu tới, một mình rầu rầu uống không ít, sau, bị Hàn thị giằng mất bình rượu, nàng mới chịu thôi, đứng dậy trở về gác ngủ, nói mình mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi sớm. Thế nhưng, ban đêm khi ta đã trở về nơi ở của mình, đang phê duyệt giấy tờ trong phủ thì chợt nghe có người gõ cửa, bảo Tiểu Bạch ra xem, nó nhanh chóng chạy về, bẩm: “Là công chúa dẫn Gia Khánh Tử đứng ngoài cửa ạ.”

Ta nhìn đồng hồ nữa, lúc này đã qua canh hai. Ta bèn khép giấy tờ lại, đứng lên đi tới cửa sân, nói với công chúa đang ở bên ngoài: “Công chúa, không còn sớm sủa nữa, nên về an giấc đi thôi.”

Đằng sau cánh cửa chưa mở vọng vào tiếng nói mềm nhẹ của nàng: “Ta không ngủ được, muốn nói chuyện với huynh.”

Ta vẫn từ chối như trước: “Có chuyện gì để mai nói cũng không muộn.”

Ngoài cửa yên ắng. Đợi một lúc, ta thử gọi nàng, cũng không thấy có tiếng trả lời, ta nghĩ chắc là nàng đi rồi, bèn trở lại phòng tiếp tục lật xem công văn. Nhưng sau đó, tiếng gõ cửa lại vang lên, kèm theo giọng nói của Gia Khánh Tử: “Lương tiên sinh, công chúa ngồi ngoài cửa không chịu về.”

Ta lập tức chạy ra mở cửa, thấy công chúa đúng thật là ngồi trên mặt đất một bên ngoài cửa, vùi đầu vào hai đầu gối, co mình thu lu. Nghe thấy tiếng ta mở cửa, nàng khẽ nghiêng đầu nhìn ta, khóe miệng nhoẻn một nụ cười uể oải: “Hoài Cát, ta lạnh quá.”

Nay đã là đêm thu, sương gió thấm xương, nàng mặc lại ít, đến áo choàng cũng chẳng khoác lấy một tấm. Ta trông mà đau lòng, lập tức bảo Gia Khánh Tử dìu nàng vào phòng mình.

Nàng ngồi xuống trong phòng, nhất thời lại không nói gì, một lúc sau mới hỏi ta: “Chỗ huynh có rượu không?”

Có, nhưng ta không muốn đưa cho nàng. “Hôm nay người đã uống rất nhiều rồi.”, ta nói với nàng.

Nàng rầu rĩ lắc đầu: “Ca ca, ta lạnh.”

Ta nín thinh, cuối cùng vẫn đành thỏa hiệp, lệnh Tiểu Bạch đi lấy một bình rượu tới.

Nó nhanh chóng mang đến, còn cầm theo hai cái chén, đặt trước mặt ta và công chúa. Đổ nước nóng vào bát đựng hâm ấm rượu trong bình rồi, nó rót đầy hai chén cho chúng ta, bấy giờ mới lùi sang một bên. Công chúa nâng chén, uống một nửa trước. Ta gọi Gia Khánh Tử lại, nhỏ giọng dặn con bé đi phòng bếp nấu một bát canh giải rượu cho công chúa. Gia Khánh Tử nhận lời, lập tức ra ngoài, Tiểu Bạch cũng theo nó đi ra, từ bên ngoài đóng kỹ cửa lại.

“Sao lại phải nấu canh giải rượu?” Nghe được lời ta dặn Gia Khánh Tử, công chúa lấy đầu ngón tay di quanh chén rượu, cười nhạt nhòa, “Ai cũng bảo rượu có thể giải sầu, nếu giải rượu rồi, chẳng phải sầu sẽ quay trở lại sao?”

Ta mỉm cười với nàng, nói: “Thế gian nào có rượu giải sầu? Lấy rượu giải sầu chẳng qua chỉ là mượn lấy túy lúy tạm quên đi phiền não của mình mà thôi.”

“Quên được phiền não cũng không tồi.” Công chúa than thở, “Ta có rất nhiều thứ muốn quên.” Nàng ngửa đầu uống cạn nửa chén rượu dư còn lại, sau đó nói: “Hi vọng chén này có thể khiến ta quên đi tất cả mọi chuyện liên quan đến Lý Vĩ và mẹ hắn.”

Thấy ta không nói gì, mắt nàng lia tới, nhìn ta cười hỏi: “Huynh thì sao? Huynh nhất định cũng có chuyện muốn quên, phải không?”

“Thần, cũng có…” Ta trầm ngâm, nâng chén rượu trước mặt lên, một hơi cạn sạch, “Chén này, để thần quên đi những ký ức không vui khi còn bé vậy.”

“Ký ức gì?” Nàng hỏi.

Nhiều lắm, chẳng hạn như phụ thân mất sớm, mẫu thân tái giá, và ta vào cung… Những nỗi đau mãi mãi chẳng thể phai nhạt đã khắc vào ký ức ta sâu hoắm…

Đây đều là những chuyện khó có thể mở miệng, ta buồn bã không đáp, nàng cũng chẳng truy vấn, tự mình tìm một đáp án: “Phải rồi, huynh từng nói, nhà huynh rất nghèo…”

Ta gượng cười với nàng, để nàng coi đó là ngầm thừa nhận.

“Ai cũng có cái nghèo của riêng mình, khi còn nhỏ ta tưởng rằng không thể ra ngoài chơi là cái nghèo của ta, sau mới phát hiện ra mình còn có cái nghèo hơn… So với những nữ tử như Nhược Trúc, ta mới là nghèo xơ nghèo xác.” Nàng ảm đạm nói, lại tự rót một chén, một hớp nốc cạn, “Mong chén này có thể xóa đi ký ức mà Phùng Kinh và Tào Bình để lại cho ta… Nếu chưa từng gặp họ, ta đã chẳng biết thì ra mình nghèo đến thế.”

Đoạn, nàng lại rót đầy chén cho ta, giục ta nói tiếp: “Huynh còn muốn quên chuyện gì nữa?”

Ta suy nghĩ hồi lâu, yên lặng uống cạn chén rượu kia, cuối cùng vẫn nói cho nàng hay: “Thần còn muốn quên chuyện mình là nội thần và những tiếc nuối thân phận này đem lại cho thần.”

“Ừ.” Nàng gật đầu, tỏ vẻ thấu hiểu: “Nếu huynh không phải nội thần, huynh đã có thể tham gia cống cử, đỗ trạng nguyên, làm quan lớn rồi.”

Không chỉ có vậy. Nếu không phải nội thần, có lẽ, ta cũng có thể thử giành nàng về, nhỉ? Ta cay đắng nghĩ, bất kể là từ tay Tào Bình hay từ bên cạnh Lý Vĩ.

Đương nhiên, ý niệm ấy chẳng thể nói thành lời, mà nàng cũng nhanh chóng suy nghĩ sang vấn đề kế tiếp: “Ta còn muốn quên gì nữa nhỉ? … À, cho ta quên việc mình là công chúa này đi, vậy là khỏe rồi, bởi tất thảy phiền não của ta đều là do thân phận công chúa đem lại.”

Vì thế, nàng lại uống trọn một ly, sau đó đắm chìm trong tưởng tượng ấy, “Nếu không làm công chúa, ta sẽ làm gì đây…” Ánh mắt nàng lướt tới hoa văn hình sen trên bát đựng, bỗng nảy ra một ý, “Để ta làm cây sen đi, hằng năm sinh trưởng trên sông thu, bạn với bóng thuyền đơn xa xăm, ngắm mây cuộn thong dong trôi nổi, tự do tự tại, tốt đẹp biết bao.”

Ta thả suy nghĩ bay theo lời nàng nói, trong đầu hiện lên một bức tranh mỹ lệ, không khỏi nhếch miệng nhoẻn cười. Nàng trông thấy, lại giục: “Đừng cười vội, huynh nói về mình xem, huynh muốn làm cái gì?”

Ánh mắt dịu dàng mơn trớn khóe mắt đuôi mày nàng, ta ngậm cười đáp: “Nếu người là bông sen, thần sẽ là gợn sóng vờn dưới hoa lá người, như vậy chúng ta có thể năm năm tháng tháng, theo gió đuổi mưa hướng bạn lòng.” (*)

Nàng vỗ tay khen hay, lại chợt thấy thẹn thùng, vùi mặt xuống bàn cười trộm, lát sau, ngước lên nhìn ta, con ngươi sáng rỡ liếc tới bình rượu, nói: “Mau rót đi, tiếp tục uống, tiếp tục nói, nói chuyện huynh muốn quên.”

Ta nghe theo rót rượu uống vào, lần này lại im lặng thật lâu. Nàng một lần nữa truy vấn, ta bèn nói với nàng: “Ngoài hai chuyện trên, tạm thời thần cũng không có chuyện lớn gì đặc biệt muốn quên nữa, nếu nhất định phải nói thì đổi thành một nguyện vọng đi.”

Nàng không có ý kiến, lại hỏi ta thời khắc này có nguyện vọng gì. Ta không đáp mà uống thêm một ly, bấy giờ mới đón lấy hai phần men say đang dần dần bốc lên mà nói cho nàng hay: “Thần hi vọng, bất kể chúng ta có cắt bỏ ký ức mình thế nào cũng vẫn có thể xuất hiện trong sinh mệnh của nhau.”

Lời này làm nụ cười của nàng cứng lại. Thẫn thờ nhìn ta một hồi, nàng nhẹ nhàng kề lại bên ta, vuốt ve vết thương chưa mờ đi của ta, bỗng thẳng người ngửa đầu, ôm lấy cổ ta, in dấu môi mềm mại lên vết thương ta.

“Ta vẫn nhớ,” Nàng khẽ khàng từng chút hôn lên vết thương kia, nói với giọng cơ hồ thì thầm, “Ta nhớ mỗi một chuyện từng trải qua cùng huynh… Ta sẽ nhớ nụ cười của huynh, nhớ nỗi buồn của huynh, nhớ mỗi một câu huynh nói với ta, và, mỗi một vết thương ta để lại cho huynh…”

Tiếng nàng càng lúc càng nhỏ, sau cùng biến mất, nàng hơi cúi đầu, nhưng trán vẫn kề cùng gò má ta, để ta có thể cảm nhận được làn da của nàng, hơi ấm của nàng, và giọt lệ nàng đánh rơi lúc này.

Một giọt lệ của nàng lăn trên má phải ta, chậm rãi chảy tới khóe miệng ta. Ta mím môi, để nó tan ra trong miệng mình.

“Nước mắt ta có vị thế nào?” Nàng hỏi ta.

Ta chưa kịp trả lời, nàng đã lần thứ hai ôm ta, cặp môi thơm đã hôn lên vết thương ta trước đó lần này chạm đến môi ta. Ta sửng sốt, nhất thời luống cuống, vẫn chỉ ngồi đờ đẫn, mà nàng thì tựa như muốn đích thân tìm kiếm đáp án cho câu hỏi mới rồi, đầu lưỡi xinh xắn đã dò vào miệng ta, khe khẽ cậy khớp hàm ta, như chuẩn bị tìm kiếm lại giọt lệ đã biến mất giữa răng môi ta kia.

(*) Bài “Ngư gia ngạo” của Âu Dương Tu viết: “Thiếp mong hóa thân bông sen hồng, mỗi năm thu về nở trên sông; lại mong dưới hoa chàng làm sóng, dòng thuận trong, theo gió đuổi mưa hướng bạn lòng.”(chú thích của tác giả)
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện