Đến lúc khúc dứt người tan thì đã gần canh tư, Thất lang và Thôi Bạch lần lượt cáo từ, ta đưa Âu Dương Tu đến phòng khách rửa ráy sơ qua, đợi giờ lên triều. Trên đường ta hỏi y thân phận của Thất lang, y nói ta hay: “Thất lang chính là thất công tử nhà Án Nguyên Hiến công, tên Kỷ Đạo, tự Thúc Nguyên.”

Bấy giờ ta mới rõ, thì ra chàng chính là con út của Án Thù, cậu bảy của Nhược Trúc, Án thất công tử Án Kỷ Đạo tiếng tăm lẫy lừng. Chàng xuất thân tướng môn, thi từ tuyệt diệu, danh sánh ngang cha, khó trách ngang tàng bất kham, ngạo mạn quyền quý như vậy.

Ngày kế, ta kể lại chuyện này với công chúa, ngoài kinh ngạc nàng còn rất cảm khái, đi tới bao lơn lộ thiên, vuốt ve lan can đăm chiêu đến xuất thần, ta nghĩ nàng đang nhớ lại câu từ của Tiểu Án nghe được năm ngoái ở Bạch Phàn Lâu: “Đây gấm uyên ương ai cùng đắp, chung giấc lầu tây tiết xuân hàn.”

“Bảo Lý Vĩ nghe ngóng xem nhà hắn ở đâu rồi đưa Tiểu Bình sang nhà hắn đi.” Sau đó, công chúa phân phó vậy.

Chiều hôm ấy, Nhậm Thủ Trung bỗng từ trong cung tới, thần sắc nghiêm túc hỏi Lý Vĩ có phải hôm qua đã mời Âu Dương Tu đến nhà dự tiệc. Lý Vĩ thừa nhận, nơm nớp hỏi ông ta đã xảy ra chuyện gì. Nhậm Thủ Trung cười khặc khặc: “Ngoại thích quốc triều bị cấm mời tân khách, không được gặp mặt kẻ sĩ, huống chi là kết giao với trọng thần triều đình. Những điều này chẳng lẽ đô úy không biết?”

Lý Vĩ sửng sốt, nhất thời bặt thinh, ta bèn thay mặt giải thích: “Đô úy không qua lại với quan viên trong triều đâu ạ, chẳng qua gần đây vườn phò mã vừa xây xong nên bận này mới mời Âu Dương học sĩ tới đề mấy bức hoành, chỉ là dịp ngẫu nhiên, lần sau sẽ không như thế nữa.”

Nhậm Thủ Trung hỏi vặn lại: “Muốn mời y đề chữ thì chỉ cần xin quan gia trực tiếp hạ chỉ, bảo y viết trong Hàn uyển rồi trình lên là được, nhất định phải mời vào nhà à? Huống hồ đô úy còn uống rượu nói cười với y thâu đêm suốt sáng, chủ đề nói chuyện trong cỗ rượu chưa hẳn đã chỉ là đề chữ thôi đâu phải không?”

Ta nói: “Chỉ hành vài tửu lệnh thôi ạ, hoàn toàn không nói đến cái khác.”

Nhậm Thủ Trung cười khẩy: “Có nói cái khác hay không, đài gián vị tất đã nghĩ như ngươi. Hơn nữa, phò mã đô úy mời triều thần đến nhà làm khách vốn đã phá hỏng quy định, bất kể anh bàn luận với y chuyện nước hay chuyện nhà cũng đều là phạm kỵ. Lần này Âu Dương Tu có thể sẽ lại gặp trắc trở lớn, quan gia cũng bảo lão nô tới cảnh tỉnh đô úy, về sau tự giải quyết cho ổn thỏa.”

Nghe đến câu cuối, ta và Lý Vĩ đều cả kinh. Lý Vĩ hỏi Nhậm Thủ Trung: “Âu Dương nội hàn sẽ bị liên lụy vì việc này ạ?”

Nhậm Thủ Trung nói: “Y cũng là kẻ biết rõ còn làm trái, tự chuốc vạ vào thân. Hôm nay y vào triều rất sớm, là người đầu tiên vào cung trong số quan viên Hàn uyển, khác hẳn thường ngày. Người trong cung thấy vậy đều lấy làm lạ, bàn tán mấy câu, đài quan nghe nói lập tức đi tra, rất nhanh sau đó đã tra ra hôm qua y đi ăn cỗ nhà đô úy, chơi cả một đêm, sáng nay ngủ dậy trực tiếp vào triều từ vườn phò mã. Quan gia biết chuyện, không đợi đài gián chính thức hặc tấu đã hạ ý chỉ, điều y ra ngoài tri Hòa Châu, chiếu lệnh chính thức ngày mai sẽ tuyên bố.”

Nhậm Thủ Trung đi rồi, ta cáo lỗi với Lý Vĩ, bởi mời Âu Dương Tu là chủ ý của ta, song chẳng ngờ lại mang đến cho họ tai vạ nhường ấy. Lý Vĩ lắc đầu: “Chuyện không liên quan đến anh. Có thể uống rượu nói cười với Âu Dương nội hàn, với ta là một may mắn rất lớn, huống hồ công chúa cũng rất hoan nghênh ông ấy… Dáng vẻ hoan hỉ của nàng hôm qua quả thật đã rất lâu không gặp… Có điều, làm liên lụy Âu Dương nội hàn đến nước này, nên làm thế nào cho phải?”

Sau khi biết tin, công chúa lập tức vào cung gặp cha, thỉnh cầu ngài rút lại mệnh lệnh đã ban, nhưng kim thượng cự tuyệt, nói nếu lần này không truy cứu, về sau ngoại thích ắt sẽ đua nhau bắt chước, qua lại kết giao với kẻ sĩ, phá hoại gia pháp tổ tông. Công chúa không nghĩ được cách nào, rầu rĩ trở về, mặt ủ mày chau cả một đêm.

Cũng may, cánh tể chấp do đương kim tể tướng Hàn Kỳ dẫn đầu đều rất yêu mến Âu Dương Tu, có ý bảo vệ, ngày kế khi ý chỉ được đưa tới Trung thư môn hạ, đã bị chấp chính đè xuống không phát, sau đó, mấy vị tể chấp tiến ngôn giữ Âu Dương Tu, nói y hiện giờ đang sửa “Đường thư”, cần giữ lại trong kinh tùy thời tra cứu tài liệu, trao đổi với người biên sách của Tam quán Bí các, rất không thích hợp điều ra quận ngoài nhậm chức vào lúc này. Sau cùng, kim thượng miễn cưỡng chấp thuận, thu hồi ý chỉ điều y ra ngoài.

Tin tức truyền tới, bấy giờ công chúa mới thở phào nhẹ nhõm, chắp hai tay thành hình chữ thập cảm tạ trời đất, lát sau lại bất đắc dĩ cười: “Đáng tiếc quá, kiểu dạ yến tụ tập với kẻ sĩ như vậy sau này không thể thấy nữa rồi.”

Lý Vĩ nghe vậy, cố ý nghĩ cách bù đắp tiếc nuối cho nàng. Đầu tháng Mười, hắn dâng sớ lên kim thượng, nói con rể Thái Tông hoàng đế quốc triều Sài Tông Khánh từng được cho phép qua lại với kẻ sĩ, thế nên bây giờ thỉnh cầu giải trừ lệnh cấm tân khách này. Kim thượng hạ chiếu trả lời rằng ngày sau trước khi mời khách cần báo danh sách tân khách lên trước, được phê chuẩn rồi mới có thể bày tiệc chiêu đãi ở nhà.

Đó thực chất là một lời từ chối uyển chuyển. Nếu trong danh sách phò mã báo lên có tên của những danh sĩ như Âu Dương Tu, đương nhiên sẽ không được phê chuẩn, chung quy, những người kim thượng cho phép Lý Vĩ tiếp kiến bất quá chỉ là vài kẻ rảnh rang không đau không ngứa. Dạ yến với danh sĩ trong vườn phò mã như hôm ấy quả thực sẽ chẳng có nữa.

Lúc công chúa nói với Tiểu Bình sẽ đưa cô sang nhà Án Kỷ Đạo, Tiểu Bình mừng rỡ khôn xiết, liên tục bái tạ, vừa khóc vừa cười, làm công chúa cũng rơi lệ theo. Tiểu Bình kinh hãi, vội hỏi công chúa vì sao không vui, công chúa lau nước mắt mỉm cười: “Không phải ta không vui, là đang mừng thay cô đó.”

Sau, nàng lại thương lượng với ta, nói nhìn ra được Thôi Bạch và Gia Khánh Tử có hảo cảm với nhau, chẳng bằng làm mối cho họ, gả Gia Khánh Tử cho Thôi Bạch làm vợ. Ta cũng cho là ý kiến hay, bèn đến thăm Thôi Bạch trước, tiết lộ ý của công chúa cho gã.

Thôi Bạch thừa nhận Gia Khánh Tử quả thực đã để lại cho gã ấn tượng rất tốt: “Mới đầu để ý đến em ấy là vì em ấy uống rượu thay công chúa, dáng vẻ khi ửng đỏ đôi má rất giống Đổng cô nương năm xưa, vả lại hoa đào nổi trên mặt em cũng y chang Đổng cô nương vậy, nguyên chỉ là từ động cơ tốt bụng đơn thuần vậy thôi. Sau, nghe em ấy bàn luận tranh tôi làm tôi càng bất ngờ hơn, em ấy chưa từng cố ý học về hội họa, lại có thể xem hiểu tác phẩm tôi vẽ, cái gọi là tri âm trên thế gian cũng chỉ đến thế là cùng.”

Gã chính thức mời bà mai đến phủ công chúa cầu hôn Gia Khánh Tử, công chúa lập tức bằng lòng, lại tìm người ghép bát tự cho họ để quyết định ngày cưới của họ.

Kết quả ghép bát tự là một ngày đại cát đại lợi trong tháng Mười một, nếu bỏ qua ngày này thì phải chờ đến tháng Tư năm sau mới có ngày hoàng đạo.

Tháng Tư. Nghe đến tháng này, ta và Thôi Bạch đều hơi không thoải mái. Năm đó nếu chẳng quyết định đợi đến tiết thánh thiên tử vào tháng Tư thì phải chăng Thôi Bạch đã sớm cưới Thu Hòa? Để tránh cho đêm dài lắm mộng, ta đề nghị công chúa định hôn kỳ của Gia Khánh Tử vào tháng Mười một. Dĩ nhiên ta không thuật nguyên nhân cụ thể với nàng, chỉ nói tuổi tác Thôi Bạch và Gia Khánh Tử đều đã không còn nhỏ, ở quốc triều, nam tử ba mươi, nữ tử hai mươi mà chưa cưới gả sẽ bị quy là lỡ thì hôn nhân, cả hai người họ đều đã quá mấy tuổi, sang năm lại thêm một tuổi mới, kể ra không hay lắm.

Công chúa cũng ưng thuận, chỉ có điều hơi nhuốm muộn phiền: “Nhanh vậy à… Thế thì em ấy chỉ có thể ở bên ta một tháng nữa thôi, người bên ta lại thiếu đi một…”

Ta không tiếp lời. Nàng gượng nhoẻn cười, cầm một bàn tay ta: “May quá, huynh vẫn còn bên ta, sẽ không rời khỏi ta.”

Lòng ta nhói đau như băng nứt, song vẫn duy trì nụ cười mỉm, nói sang chuyện khác với nàng, sau đó không dấu vết để tay trượt ra khỏi tay nàng trong lúc nàng phân tâm.

Gia Khánh Tử vẫn thuộc nội nhân trong cung nên chuyện cưới gả phải báo vào cung xin phép rồi mới thực hiện được. Tất nhiên sẽ không ai làm phật ý công chúa, hôn sự của Gia Khánh Tử nhanh chóng được phê chuẩn, song hôn sự này quyết định quá vội vàng, cách ngày cưới lại chỉ có một tháng nên Miêu hiền phi vô cùng bất ngờ, cho gọi ta vào cung, hỏi kĩ ta bối cảnh gia sản của Thôi Bạch. Ta nhất nhất thuyết minh kĩ càng rồi, bà mới yên tâm, nói: “Gia Khánh Tử cũng là ta nhìn lớn lên, như nửa đứa con gái của ta vậy, lần này xuất giá ta tất sẽ không bạc đãi, cũng chuẩn bị cho nó một phần hồi môn, không thể kém hơn Vận Quả Nhi được.” Đoạn gọi Vương Vụ Tư, mệnh y lấy sổ sách và danh sách tài vật trong gác tới, muốn đích thân chọn vài món thêm vào của hồi môn của Gia Khánh Tử.

Bà vừa chọn vừa hỏi ta tính tình sở thích của Thôi Bạch để quyết định xem chuẩn bị lễ vật gì. Đúng lúc chúng ta đương tán gẫu, lại nghe hoạn giả ngoài cửa truyền báo, nói Đổng quý nhân tới gác.

Chúng ta cùng ra cửa nghênh. Khí sắc Thu Hòa vẫn chưa được tốt lắm, mỏng manh như người bằng giấy dán, bước chân đi đường cũng phập phềnh. Miêu hiền phi vừa thấy Thu Hòa đã lập tức đưa hai tay đỡ lấy, trách: “Sắc mặt muội muội vẫn còn tái nhợt thế này, sao không ở lại gác nghỉ ngơi cho tử tế? Muốn nói chuyện với ta thì phái người tới gọi ta là được, cần gì phải động tay động chân đích thân đại giá đến đây!”

Thu Hòa mỉm cười đáp: “Hiện giờ em đã khá hơn rồi, muốn tự mình đi loanh quanh đôi chút, ngày nào cũng nằm trên giường khéo có ngày bức bối đến chết ngạt mất thôi.”

Miêu hiền phi làm bộ bưng miệng cô, liên thanh nói: “Phủi phui cái mồm! Đang yên đang lành đừng nói cái chữ xúi quẩy ấy!”

Thu Hòa cũng chỉ cười, trông thấy ta, lại phấn khởi hàn huyên với ta, cũng hỏi tình trạng của công chúa gần đây.

Vào sảnh ngồi xuống rồi, cô nhìn thấy đống sổ sách mới nãy Miêu hiền phi chưa kịp cất đi, bèn cười hỏi sao Miêu hiền phi lại tự mình xem sổ, Miêu hiền phi bèn nhắc đến chuyện sắp gả Gia Khánh Tử. Ta thầm kêu khổ, rất lo sẽ gợi lên tên của Thôi Bạch, mà sự thật cũng đích xác thuận thế phát triển như vậy.

Thu Hòa hỏi phu quân tương lai của Gia Khánh Tử là ai, Miêu hiền phi lập tức đáp: “Là một họa sư nổi tiếng trong kinh, người Hào Lương, tuy lớn hơn Gia Khánh Tử những mười mấy tuổi, nhưng nghe nói làm người không tệ, ngoại hình tính cách đều rất tốt, tay nghề vẽ tranh hoa điểu cực điêu luyện, hiện giờ cũng có chút của ăn của để…”

Nụ cười của Thu Hòa bắt đầu cứng lại. Yên lặng nghe một hồi lâu, cuối cùng cô hỏi Miêu hiền phi: “Vị họa sư ấy tên là gì ạ?”

“Thôi Bạch.” Miêu hiền phi đáp, hỏi ngược lại cô, “Em từng nghe đến bao giờ chưa?”

Thu Hòa chớp mắt, khóe miệng cứng ngắc vừa rồi lại nhếch lên một độ cong êm dịu: “Hơi quen tai, nhưng không nhớ nổi đã nghe ở đâu rồi.”

Miêu hiền phi hoàn toàn không nhận ra những thay đổi bé xíu ấy trong biểu cảm của cô, cười nói: “Nhất định là nghe quan gia hay hoàng hậu đề cập tới rồi. Thôi Bạch nổi danh thế kia mà, họ chắc chắn từng nhắc đến với em.”

Lúc Thu Hòa rời đi, ta chủ động tiễn cô ra ngoài, lặng lẽ bầu bạn cùng cô một đoạn đường, muốn giải thích đôi điều về hôn sự của Thôi Bạch. Khó khăn lắm mới mở miệng được, vừa bật ra chữ “Thôi”, cô lập tức ngăn ta nói tiếp.

“Hoài Cát, không sao hết, tôi hiểu cả mà.” Cô mỉm cười dịu dàng như thể ta mới là người cần an ủi, “Huynh về cùng tôi đi, mang lễ vật cho Gia Khánh Tử… Đặt lễ vật trong của hồi môn Miêu nương tử cho em ấy là được, không cần phải nói là tôi tặng.”

Đến gác cô, cô bình lui cung nhân rồi vào buồng trong, tìm trong đó hồi lâu, lấy một hộp gấm ra đưa cho ta. Ta mở ra xem, phát hiện ra là một tấm bào đỏ tươi thắm, gấm hoa tơ lụa, đường kim mũi chỉ rất chỉn chu, như sinh ra đã là như vậy. Hoa văn như ý thêu trên khăn choàng là bảo tương hoa, kĩ thuật thêu tinh tuyệt, rực rỡ chói lòa.

Đó đều là kiểu dáng áo cưới tân nương mặc ngày xuất giá, tinh xảo bậc này, hiển nhiên là tự tay Thu Hòa may lấy.

“Tháng sau Gia Khánh Tử phải xuất giá rồi, chắc không kịp thêu áo cưới cẩn thận, không bằng tặng em ấy cái này đi thôi.” Thu Hòa nói, vẫn cười nhạt nhòa, song cụp mắt cúi đầu, không để ta nhìn được ánh mắt cô khi đó, “Có điều xiêm áo này làm hơi lâu rồi, cũng không biết so với phường may ngoài phố, hoa văn có lỗi thời hay chăng.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện