Tiếng hát miên man, vấn vít cùng khói xanh tuôn ra từ đôi nghê vàng chầu hai bên điện. Công chúa chẳng coi ai vào mắt, điều khiển con rối nhảy múa, ống tay áo phiêu diêu, bóng dáng mỏng manh như liễu rủ gió vờn. Người chung quanh như bị hai bộ xương hồng nhan khô này thi chú định thân, đều giữ nguyên trạng thái một mực bất động như trúng bùa, lắng nghe ca từ uyển chuyển buốt cóng của nàng, nhìn nàng kiều diễm thanh thoát, non xuân xa thẳm, xoay người liếc mắt, để mặc một sợi khói hương thụy não chạm phớt khuôn mặt nàng trắng muốt như hoa lê.

Hoàng đế trên ngai ngự mấy lần giơ tay áo che mặt, còn từng run giọng gọi công chúa: “Huy Nhu…” Nhưng công chúa như nghe không thấy, vẫn tiếp tục ca múa. Sau nữa, cắt ngang nàng là tiếng hô hoảng sợ của cận thị hầu bên kim thượng: “Quan gia!”

Công chúa dừng khựng điệu múa, buông hai tay áo xuống, ngơ ngác nhìn về phía phụ thân. Kim thượng nghiêng lệch người sang một bên, đầu rũ thấp, chừng như đã ngất xỉu.

Công chúa thả tay, con rối đầu lâu sụp xuống đất, nàng vội chạy đến trước mặt kim thượng, nắm tay ngài không ngớt gọi “Cha”.

Nhưng không thấy kim thượng trả lời. Ta rảo bước về phía trước, đỡ ngài dậy cùng những nội thị còn lại. Chỉ thấy ngài nhắm nghiền hai mắt, chân mày nhíu chặt, khóe mắt có dấu vết rớm lệ.

Trở lại trong cung, thái y chẩn bệnh rồi nói kim thượng đây là do buồn lo liên tiếp lâu ngày, suy nghĩ quá nhiều gây ra. Mấy năm nay long thể ngài vốn chẳng quá an khang, hôn nhân bất hạnh của công chúa và chuyện lập trữ là hai tâm bệnh mang lại gánh nặng cho ngài, mà gần đây công chúa còn liên tục xảy ra chuyện, đá tảng đè ép tâm trí ngài từng chút tích lũy, cuối cùng đẩy ngài kề sát bờ vực sụp đổ.

Công chúa khăng khăng đòi trông giữ bên cha, dù cho chính nàng cũng yếu ớt khó cầm. Sau, kim thượng tỉnh lại, trông thấy nàng, câu đầu tiên cất tiếng là: “Sao con lại ở đây? Mau về nghỉ ngơi đi.”

Ngài vẫn đối mặt với nàng bằng biểu cảm ôn hòa, không nhắc một chữ nào tới tình hình trên đại điện, chỉ luôn miệng giục nàng về nghỉ ngơi. Cuối cùng công chúa ngậm lệ rời đi, ta theo nàng ra ngoài, lúc đi tới cửa, không nhịn được quay đầu, thấy kim thượng một mực đưa mắt nhìn theo con gái, nụ cười dành cho nàng trước đó vẫn chưa tắt, mà trong mắt lại nhuốm nỗi ưu thương chẳng thể diễn tả bằng lời.

Hai ngày sau là ngày giỗ của tiên đế Chân Tông, kim thượng tuy thánh thể bất an nhưng vẫn gắng gượng chủ trì nghi thức lễ tế, tiếp nhận quần thần thăm viếng. Buổi chiều, sau khi tất thảy nghi thức đều đã kết thúc, ngài một mình vào Thiên chương các nơi cất giữ ngự thư của Chân Tông, mệnh nội thị trong gác ra ngoài, khóa mình trong điện thờ ngự dung (*) của Tổ Tông tại Thiên Chương các.

(*) Trong điện thờ này có tranh chân dung của hoàng đế các đời (gọi là ngự dung), như là thời nay người ta thờ di ảnh người quá cố vậy.

Lát sau, trong điện thờ vọng ra tiếng tiếng khóc rống đau thương não ruột, người nghe đều không khỏi xúc động, vài nội thị chạy vào hậu cung báo, Miêu hiền phi và công chúa hay tin, lập tức song song chạy tới Thiên Chương các.

Trong hơn hai mươi năm trước kia, ta đã nhiều lần chứng kiến kim thượng rơi lệ, nhưng lớn giọng gào khóc như vậy thì chưa từng nghe thấy. Nếu chẳng phải đau khổ khôn kể đã đạt đến cực độ, thân là chí tôn một nước như ngài tuyệt không thể nào thất thố như vậy.

Công chúa nghe tiếng khóc của phụ thân, trong lo lắng lại càng thêm sốt ruột, tự mình đi lên hai tay vỗ cửa điện thờ, cất giọng gọi cha, nhưng bên trong không có hồi đáp, vọng ra vẫn là tiếng khóc bi ai của kim thượng.

“Cha, chuyện của con gái đã khiến cha đau khổ sao? Cha đang giận con gái đó sao?” Công chúa sợ hãi hỏi.

Vẫn không ai trả lời.

Công chúa luống cuống quỳ rạp xuống trước cửa điện thờ, lệ tuôn như suối, hai cha con họ một trong một ngoài, ôm nỗi niềm riêng, nhưng đều bi thảm như nhau. Miêu hiền phi khuyên nhủ chẳng những không đen lại tác dụng gì mà ngược lại, còn làm công chúa càng thêm bức bối, vừa nức nở vừa dập đầu với trong điện, nàng cầu khẩn gọi đi gọi lại: “Cha, cha…”

“Để cha con ở một mình đi.” Hoàng hậu chậm rãi đi tới bên cạnh công chúa, nói với nàng, “Cha con phiền muộn đã lâu, giờ khóc ra được là tốt.”

Công chúa ngước cặp mắt đẫm lệ lên nhìn hoàng hậu, xoay người định hành lễ, hoàng hậu ngăn nàng lại, cúi người cầm khăn lụa lau nước mắt trên mặt nàng rồi ôn hòa hỏi: “Huy Nhu, ta có thể nói chuyện với con một lúc không?”

Công chúa gật đầu, nghẹn ngào nói: “Nương nương có gì dạy bảo ạ?”

Hoàng hậu nắm tay kéo nàng đứng dậy, nói với Miêu hiền phi mình muốn dẫn công chúa lên lầu nói chuyện, người hầu không cần đi theo, hiền phi đồng ý, bảo tất cả người hầu của công chúa ở lại, ta cũng dừng bước theo, nhưng hoàng hậu lại ngoảnh đầu nhìn ta, nói: “Hoài Cát. Ngươi cũng lại đây.”

Công chúa theo hoàng hậu lên lầu, hãy còn bận lòng về tình huống của cha, lại đi tới bên lan can, lo lắng nhìn xuống dưới. Hoàng hậu thấy vậy cũng qua cùng, bảo nàng: “Đừng lo, cha con không sao đâu. Ngài là vị hoàng đế xứng chức, hiểu rõ trách nhiệm bản thân gánh vác, sẽ tự biết bảo trọng.”

Công chúa rầu rĩ cúi đầu. Hoàng hậu lại dắt tay nàng, dẫn nàng đến giữa gác ngồi xuống, ngắm nàng một chốc rồi nhẹ nhàng hỏi nàng: “Huy Nhu, con biết tên con nghĩa là gì không?”

Công chúa gật đầu, đáp: “Cha có nói với con, nguyên đức sung mỹ rằng Huy, chí thuận pháp khôn rằng Nhu, ‘Thượng thư – Vô dật’ cũng viết: ‘Huy nhu ý cung, hoài bảo tiểu dân’.”

Lúc kim thượng giải thích ý nghĩa của Huy Nhu với công chúa, ta cũng có mặt, về nghĩa của chữ “Nhu”, kim thượng còn từng nhắc đến một ý quan trọng khác – thuận đức lệ trinh. Xem ra công chúa đã tránh phạm húy chữ Trinh nên không đề cập tới phần này.

“Đúng vậy.” Hoàng hậu lại hỏi: “Vậy con có biết vì sao năm ấy cha con lại đặt tên con như vậy không?”

Công chúa đáp: “Hai chữ đó đều mang ý tốt lành, cha lấy để bày tỏ chúc phúc cho con gái ạ.”

Hoàng hậu nở nụ cười dịu dàng với nàng: “Không chỉ có thế. Đó đúng là lời chúc phúc dành cho con, nhưng cũng bao gồm cả kỳ vọng đối với con.”

“Kỳ vọng?” Công chúa cau mày, có phần hoang mang.

Hoàng hậu gật đầu: “Nguyên đức sung mỹ, chí thuận pháp khôn, ngài hi vọng con vừa có phong tư mỹ nhân, vừa có nét đẹp đoan trang không thể thiếu của thuyền quyên vương bang, quan trọng nhất là phải có một trái tim hiền từ nhân hậu, lấy tư thái ôn hòa khiêm nhường đối đãi với con dân thiên hạ, ban ơn thiện lành, phúc rọi tứ phương.” Nói tới đây, bà dụng tâm nhìn công chúa đang giữ im lặng, lại nói, “Đây cũng là yêu cầu của thần dân Đại Tống đối với vợ con thiên tử.”

Công chúa lắc đầu: “Cả đời này con cũng chẳng học nổi nét đẹp đoan trang như của nương nương đâu. Con cũng không muốn làm thuyền quyên vương bang, sống như nữ nhi bình phàm nhà quan lại phổ thông là tốt lắm rồi, hoặc giả, làm con gái của một nhà nông cũng không tệ, chẳng ai dán mắt xoi mói mình, quan sát nhất cử nhất động của mình có phù hợp với nét đẹp đoan trang không, cuộc sống ấy lại chẳng nhẹ nhõm hơn bao nhiêu ư?”

“Cuộc sống của họ chưa chắc đã đơn giản như con nghĩ.” Hoàng hậu thở dài, “Mỗi người sống trên cõi đời này đều phải gánh vác một trách nhiệm nhất định. Con gái nhà nông tử nhỏ đã phải theo mẹ trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia súc, nghèo hơn nữa, thậm chí còn phải theo cha anh xuống ruộng cày cấy; cô nương nhà phổ thông có thể sẽ phải học canh cửi dệt may, không thể thiếu năng lực lo liệu việc nhà; nữ nhi nhà quan lại ngoài nữ công kim chỉ ra còn phải học thi thư lễ nghi, hiếu kinh nữ tắc, để về sau có thể làm nữ chủ nhân nhà học sĩ đại phu, ngoài giúp chồng dạy con còn phải quản lý sự vụ cả một gia tộc… Bất kể là ai, từ thời khắc giáng sinh trở đi, đều sẽ gặp phải những trách nhiệm khác nhau mà thân phận đem đến cho họ, trên đời không có ai là không cần phải gánh vác bất kỳ trách nhiệm gì mà vẫn có thể sống tự do tự tại hết.”

Công chúa dần hiểu ra: “Ý nương nương là, bày ra tư thái nguyên đức sung mỹ, chí thuận pháp khôn, làm thuyền quyên vương bang, là trách nhiệm của con.”

Hoàng hậu mỉm cười: “Sĩ tử hàn môn khổ học thi thư, trong lúc mơ ước nhà lầu hoàng kim thường sẽ động viên mình: Không uổng những trắc trở và gian khổ từng trải qua; còn với những người như chúng ta, những người đã ở sẵn trong nhà lầu hoàng kim, thì cần thường xuyên nhắc nhở bản thân: Không uổng những vinh hoa và vui sướng từng đón nhận.”

“Vậy cái giá con phải trả chính là tách biệt với Hoài Cát, tiếp tục sống cùng Lý Vĩ như lời các đại thần nói ư?” Hô hấp của công chúa dần trở nên dồn dập, ánh lệ giấu đi ban nãy lại hiện lên, “Nhưng những vinh hoa phú quý ấy đâu phải điều con mong muốn? Con vừa sinh ra đã là công chúa, con không có lựa chọn! Nếu được lựa chọn, con đã chẳng mong muốn sinh ra trong hoàng gia.”

“Tất cả mọi người đều không được lựa chọn.” Hoàng hậu đáp lời ngay sau đó, giọng vẫn ôn hòa, nhưng ánh mắt nhìn công chúa lại hiển lộ sự lý trí và bình tĩnh bà thường có. “Chúng ta không thể quyết định hay thay đổi xuất thân của mình, điều chúng ta có thể làm chỉ là chấp nhận hiện trạng, thích ứng với thân phận của mình, hoàn thành trách nhiệm của chúng ta. Chi tiêu cơm áo cả đời của nữ tử thiên gia đều không thoát khỏi thiên hạ nuôi dưỡng, được vạn dân cung phụng. Mà yêu cầu của thần dân đối với chúng ta chính là, mọi nữ tử của chúng ta đều phải có hết thảy mỹ đức, khi chưa lấy chồng thì làm một đứa con gái hiếu thuận, sau khi xuất giá thì làm một người vợ hiền huệ, sinh con rồi lại hóa thân thành người mẹ từ ái… Đối với họ, chúng ta không phải nữ tử bình thường mà là mỹ nhân trong tranh, hiền quyên trong sách, bồ tát trong miếu, là tượng thần cung cấp cho vợ con họ tấm gương để noi theo. Giữ hình tượng hoàn mỹ, làm mẫu mực của nữ tử quốc triều chính là phương thức chúng ta ban ơn cho thiên hạ. Thế nên, con không thể để lộ chân tướng thân thể máu thịt ngã vào phàm trần, nếu không họ sẽ kinh ngạc, lo sợ, thậm chí tức giận, o ép từng bước, nhất định phải thỉnh được con quay trở lại miếu thờ.”

Công chúa lã chã, một mực xua tay: “Con không muốn làm pho tượng bồ tát của họ, con cũng không cần họ cung phụng, con không cần gì hết, con có thể sống nơi ngõ hẻm sơ sài ăn cơm ống uống nước gáo, miễn là họ không can thiệp vào cuộc sống của con…”

Ánh mắt hoàng hậu nghiêm lại, giọng thoáng cất cao: “Nhưng con đã được họ phụng dưỡng hơn hai mươi năm rồi!”

Công chúa ngẩn người, cụp mắt rơi lệ, không lời ứng đối.

Sắc mặt hoàng hậu dịu xuống, lại hòa nhã nói: “Người ở ngôi cao chỉ hưởng thụ phú quý tôn vinh mà không quan tâm tới trách nhiệm mà địa vị giao cho mình là đáng thẹn, ắt sẽ bị người đời phỉ nhổ. Thân phận con cao quý, được hưởng phúc lộc trời ban, phải biết tự quý trọng lấy. Cha con chính là một người tự biết tiếc phúc, trân trọng thân phận của mình, cũng hiểu rõ trách nhiệm mình phải gánh. Ngài biết kiềm chế dục vọng của bản thân, nhân nhượng yêu cầu của thần dân, khoan hậu cung kiệm, kính trọng tài sĩ, tại vị đến nay mấy chục năm mà trăm họ chưa từng nghe đến tiếng can qua… Huy nhu ý cung, hoài bảo tiểu dân, ngài đã làm được. Vậy Huy Nhu, con thì sao? Con có thể thông cảm cho nỗi lòng người cha của ngài không, hi sinh chút gì để không phụ kỳ vọng của ngài và vạn dân thiên hạ không?”

Lúc nói câu cuối cùng, ánh mắt hoàng hậu cố ý vô tình liếc qua ta, công chúa tức thì bất an: “Nương nương cũng bắt con tách biệt với Hoài Cát.”

“Nếu con khăng khăng, cha con sẽ bảo vệ hai đứa.” Hoàng hậu nói. Thực ra, bà chẳng qua chỉ đang trần thuật sự thật, nhưng nghe vào lại có sức mạnh lay động lòng người hơn lời can gián của bất kỳ một ngôn quan nào trên triều, “Ngài sẽ bảo vệ con, ngăn chặn lý luận sắc bén và thế công dấy lên từ đạo đức đại nghĩa, gia pháp tổ tông của ngôn quan cho con. Nhưng nghĩ là biết thôi, chỉ cần con và Hoài Cát còn bên nhau, ngôn quan sẽ không ngừng công kích, phàm hai đứa có một chút gió thổi cỏ lay gì, thế trận triều can như hôm nay sẽ lại tái hiện, khiến cha con phải đối mặt với những công kích một đợt tiếp một đợt của họ. Điều này sẽ khiến ngài vô cùng đau khổ, như hôm nay vậy. Nhưng ngài vẫn sẽ bảo vệ con, bởi con là đứa con gái ngài yêu thương nhất, ngài yêu thương con thậm chí còn hơn cả yêu sinh mạng ngài.”

Công chúa đầm đìa nước mắt, để tránh cái nhìn chăm chú của hoàng hậu, nàng bưng miệng, nghiêng người đi, nhưng hai vai vẫn không ngừng run rẩy, khiến động tác che giấu bi thương của nàng thu được hiệu quả rất nhỏ.

Hoàng hậu thở dài rồi nói với công chúa: “Ban đầu khi tấn phong con làm Duyện quốc công chúa, cha con từng tự mình cầm bút, thêm một câu cho con vào chế thư học sĩ đã viết xong: ‘Phong tư thông ngộ, chẳng phải ngoa ngữ mỹ từ; tính chất huy nhu, là tự nhiên mà thành’…”

Lời như hãy còn, nhưng bà chẳng nói tiếp nữa, chỉ quay sang ta, phân phó: “Hoài Cát, chăm sóc công chúa cho tốt.” rồi tự mình đứng dậy rời khỏi trước, đi tới điện thờ dưới lầu nơi kim thượng đang ngự.

Ta dịch bước lại gần công chúa, khẽ giọng gọi nàng. Nàng bỗng xoay người, hai tay ôm eo ta, vùi khuôn mặt giăng đẫm ngấn lệ vào ngực ta.

“Hoài Cát, ta phải làm gì bây giờ?” Tiếng khóc nàng nặng trĩu nghe sao tuyệt vọng, “Chúng ta đều bị vây hãm ở đây rồi!”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện