Ý chỉ cuối cùng hoàng hậu hạ trong ngày hôm ấy là lệnh Hoàng thành ty phụ trách bảo vệ quanh cung thành tiếp tục truy tìm Vương Thắng trốn chạy, lần này bà nhấn mạnh: “Nhất định phải bắt sống, cần giữ lại tội phạm lấy lời khai.”

Trở lại Nghi Phượng Các phục mệnh, không tránh được bị mọi người trong gác vây lấy vặn hỏi, muốn ta kể lại chi tiết chuyện ban đêm. Đợi đến lúc rốt cuộc cũng không còn ai hỏi nữa thì đã là gần trưa, nhớ đến thương thế của Trương tiên sinh, ta không chờ đến giờ dâng bữa đã đi trước thăm thầy.

Vai thầy đã được băng bó cẩn thận, không nằm nghỉ mà đứng trước cửa sổ dõi mắt ra ngoài, chân mày như nhuốm nỗi ưu sầu. Thấy ta đi vào, thầy mới ngồi xuống trò chuyện cùng ta. Ta hỏi thăm thương thế thầy, thầy chỉ thản nhiên tóm lược bằng một câu “Không có gì đáng ngại”, cũng không nhắc đến vụ việc ban đêm, nhàn tản hỏi ta tình hình gần đây, giữa chừng chốc chốc lại nhìn ra ngoài như chờ đợi điều gì.

Tán gẫu được một khắc, một nội thị hoàng môn vội vã tiến tới, ta ngờ ngợ nhận ra hắn là hoạn giả trực hầu trên triều đình. Hắn liếc ta, lại nhìn Trương tiên sinh tỏ ý dò hỏi, dáng vẻ hết sức trù trừ. Ta biết hắn có chuyện quan trọng cần nói với Trương tiên sinh, bèn tránh sang một góc xa xa, bấy giờ hắn mới khẽ giọng thì thầm với Trương tiên sinh.

Trương tiên sinh im lặng lắng nghe, không tỏ mừng giận, đợi nội thị dứt lời mới mở miệng hỏi: “Học sĩ bạo trực ở Hàn uyển mấy ngày nay là ai?”

Hàn uyển chính là Hàn lâm học sĩ viện. Quốc triều có chế độ hàn lâm học sĩ túc trực, cho phép học sĩ trực đêm ở Hàn uyển, phòng khi đột ngột nhận nhiệm vụ thảo chiếu, trực liền mấy hôm thì gọi là “bạo trực”.

Nội thị báo tên người bạo trực mấy ngày nay: “Trương Phương Bình.”

Trương tiên sinh gật đầu: “Đã biết.”

Nội thị bái biệt lui đi. Trương tiên sinh trầm tư một chốc rồi ngước mắt nhìn ta, nói cho ta hay: “Quan gia kể với phụ thần (*) chuyện đêm qua, rơi lệ lã chã.”

(*) Hạ thần phụ tá, chỉ tể tướng và các trọng thần.

Ta cả kinh, thoáng dậy lên dự cảm không lành: “Chuyện hoàng hậu làm trái thánh ý ạ?”

“Quan gia chưa nói gì đến việc này,” Trương tiên sinh nói, “Ngài cảm thán chuyện đã căn dặn các nương tử đóng gác chớ ra mà Trương mỹ nhân lại xông thẳng lên hộ giá, khen ngợi Trương mỹ nhân hết lời.”

“Phụ thần phản ứng thế nào?” Ta lập tức hỏi.

“Phần lớn phụ thần đều rơi lệ theo, chỉ có đồng bình chương sự Trần Chấp Trung là tuyệt không đổi sắc. Xu mật sứ Hạ Tủng thuận thế đề xướng tôn vinh Trương mỹ nhân, thăng phân vị, mà xu mật phó sứ Lương Thích thì lại nói việc cấp bách hiện giờ là mau chóng tra việc cấm vệ trực đêm mưu đồ làm phản, chuyện khen thưởng để sau hẵng bàn.” Trương tiên sinh bình tĩnh thuật lại nội dung vừa mới nghe được cho ta, “Còn chuyện trong cung đêm qua, Hạ Tủng thỉnh cầu quan gia lệnh cho ngự sử và hoạn quan tra thẩm trong cung, tham tri chính sự Đinh Độ thì nói cấm vệ trực đêm có biến là chuyện liên quan đến xã tắc, khăng khăng xin giao cho Ngự sử đài thẩm lý, tra rõ toàn bộ vây cánh chủ mưu tòng phạm trong ngoài hoàng cung. Hai người tranh luận từ sáng đến trưa, cuối cùng quan gia tiếp nhận ý kiến của Hạ Tủng.”

Ngự sử và hoạn quan tra thẩm trong cung đa phần được thực hiện khi có cung nhân phạm tội, còn Ngự sử đài thẩm lý thì thường là những án kiện nan giải trọng đại mà Đại lý tự khó có thể phán quyết và thừa lệnh thi hành những buổi hành hình quan trọng. Trương tiên sinh nói xong, không tỏ thái độ về sự tình ngay, ta nghĩ thầy đang chờ ta nói ra quan điểm của mình, bèn dò xét lên tiếng: “Có vẻ như ý Hạ Tủng chỉ chủ mưu là người trong cung, Đinh Độ lại cho rằng chuyện liên quan đến ngoại thần, bởi vậy nên…”

Trương tiên sinh không nói gì, lẳng lặng nhìn ta một lúc lâu rồi nói: “Hoài Cát, cậu có thể làm chút chuyện cho ta được không?”

“Đương nhiên ạ.” Ta đáp, không chút nghĩ ngợi.

“Trong gác các cậu sắp tới có tiểu hoàng môn nào thi hắc nghĩa không?” Thầy hỏi ta.

Hắc nghĩa vốn là một hạng mục của kỳ khoa cử, đòi hỏi sĩ tử thi viết luận về kinh thư. Quốc triều quy định, tiểu hoàng môn tròn mười hai tuổi nếu muốn thăng lên chức vị từ nội thị hoàng môn trở lên thì trước tiên phải thi hắc nghĩa.

Ta đáp có, Trương tiên sinh bèn đứng dậy, đi tới trước kệ sách, lấy một quyển “Hán thư” ra, lật tới một trang đưa cho ta: “Cậu tìm một tiểu hoàng môn hiểu chuyện, bảo nó mang mấy quyển kinh thư cùng cuốn “Hán thư” đi Hàn uyển tìm học sĩ Trương Phương Bình, thỉnh giáo y vài vấn đề trong kinh thư trước rồi lật tới trang này, tìm đại một từ hỏi tiếp.”

Ta nhận lấy xem, thấy trang đó là một chương trong “Hán thư – Ngoại thích truyện”, kể chuyện Phùng tiệp dư lấy thân cản gấu cho Hán Nguyên Đế: Nguyên Đế dẫn chúng tần giá đáo rào hổ xem đấu thú, giữa chừng có con gấu nhảy khỏi rào, leo qua chuồng muốn trèo lên điện, nhào về phía ngự tọa. Nhóm quý nhân Phó chiêu nghi đều kinh hãi la hét bỏ chạy, chỉ duy Phùng tiệp dư xông về phía trước, chặn đứng gấu. Sau khi võ sĩ tới giết gấu, Nguyên Đế hỏi tiệp dư: “Mãnh thú lại đây, người người đều hoảng sợ trốn tránh, vì sao nàng lại đi lên lấy thân cản gấu?” Phùng tiệp dư đáp: “Mãnh thú vồ người thì phải dùng người để ngăn cản. Thiếp sợ gấu xông tới ngự tọa, xâm phạm bệ hạ nên tình nguyện lấy thân cản gấu.” Nguyên Đế cảm thán, từ đó về sau vô cùng kính trọng tiệp dư.

Thoạt đầu, ta không rõ vì sao Trương tiên sinh lại muốn lật trang này cho Trương học sĩ xem, chăm chú nhìn chương truyện suy ngẫm một hồi, để ý đến câu cuối cùng: “Mùa hạ sang năm, phong con trai Phùng tiệp dư làm Thành Tín vương, tôn tiệp dư làm chiêu nghi.” Mới chợt vỡ lẽ, tuy Phùng tiệp dư liều mình hộ vua nhưng sau đó, hoàng đế lại chẳng khen thưởng gì bà, về sau bà được tôn làm chiêu nghi là bởi con trai được phong vương.

Vì vậy, ta cả gan hỏi Trương tiên sinh: “Tiên sinh lo lắng quan gia thăng vị đột ngột cho Trương mỹ nhân?”

Trương tiên sinh cười nhạt: “Nếu chỉ vậy thôi thì chẳng phải quá tệ, chỉ sợ có người mượn chuyện ướm lời… Nhưng tình hình còn lại còn chưa có tiến triển rõ ràng, hiện giờ chúng ta tạm thời làm việc này trước đã, kế đó quan sát rồi lại tính sau.”

Ta gật đầu đồng ý. Trong lòng hơi hoảng hốt, rồi lại lờ mờ cảm thấy vui vẻ, vì Trương tiên sinh giao phó chuyện này cho ta chứng tỏ là tương đối tín nhiệm ta. Cuối cùng, ta không kìm được hỏi thầy: “Sao tiên sinh lại bằng lòng nói với tôi việc này?”

Thầy đáp: “Ngày đó, thấy cậu vội vội vàng vàng chạy tới nói cho ta biết chuyện Phạm cô nương, ta liền biết cậu rất quan tâm tới hoàng hậu.”

Ta cúi đầu, hơi thẹn thùng, cất sách đi rồi cáo từ thầy. Trước khi đi vô tình phát hiện ra chiếc áo bào nhuốm máu đã được giặt sạch sẽ, lúc này đang phơi trong sân, nhận ra đó chính là tấm áo cũ thầy mặc rất nhiều lần, đêm qua bị giặc đâm rách, dính máu mà thầy vẫn không vứt, bèn tò mò hỏi thầy: “Tiên sinh, lúc mới vào cung tôi từng trông thấy thầy mặc áo này, thầy giữ đến tận giờ đã được bao năm rồi?”

“Mười ba năm năm tháng lẻ hai ngày.” Thầy trả lời chuẩn xác lạ thường.

Ta kinh ngạc nhớ lấy con số chính xác này. Về rồi, giở niên phổ trong cung ra tra, tính ra thời điểm thầy nhận được tấm áo là ngày mười bảy tháng Chín năm Cảnh Hữu thứ nhất, đó là ngày kim thượng hạ chiếu lập hoàng hậu Tào thị, nói vậy, chiếc áo này là hoàng hậu đưa cho thầy lúc ban thưởng cung nhân nội thị theo lệ.

Hai ngày sau, binh vệ Hoàng thành ty bắt được Vương Thắng ở chòi gác tây bắc trong thành, mà quan chủ quản Hoàng thành ty, nhập nội phó đô tri Dương Hoài Mẫn lại bất chấp ý chỉ bắt giặc chớ giết của hoàng hậu, lệnh cho chúng binh vệ phanh thây Vương Thắng tại chỗ.

Bởi bốn tên giặc đều đã bỏ mình, không có chứng cứ, mấy tay ngự sử và hoạn quan nhận lệnh tra xét án này không tra ra được chủ mưu, bèn kết luận là tội của các hoạn quan chủ quản Hoàng thành ty phụ trách cấm vệ trực đêm trong cung. Chủ quản Hoàng thành ty vốn có hai vị, một là Dương Hoài Mẫn, hai là Dương Cảnh Tông. Đêm giặc xông vào, Dương Hoài Mẫn là người túc trực, tội vốn tăng một bậc, nhưng quái lạ ở chỗ, đám Dương Cảnh Tông và hoàng thành sứ, nhập nội phó đô tri Đặng Bảo Cát đều bị cách chức đuổi khỏi kinh còn Dương Hoài Mẫn thì tuy bị giáng chức nhưng vẫn được giữ lại trong cung, tiếp tục đảm nhiệm chức nội sứ (*).

(*) Cung đình thời cổ còn được gọi là “đại nội”, “nội phủ”, “nội đình” nên hoạn quan, thái giám hầu hạ trong cung cũng được gọi là “nội sự” hay “nội giám”.

Các nương tử lén bàn tán việc này, quy kết nguyên nhân là do họ thờ chủ khác nhau, Dương Hoài Mẫn ngày thường hay theo đuôi phục tùng, cống hiến sức lực cho Trương mỹ nhân, còn Dương Cảnh Tông và Đặng Bảo Cát thì lại thân với trung cung. Có lần ta còn nghe thấy Vương Vụ Tư bẩm báo tin dò la được cho Miêu nương tử, nói Dương Hoài Mẫn vốn qua lại thân thiết với Hạ Tủng, Hạ Tủng đã sớm sắp xếp thỏa đáng cho y, dạy y ứng đối ra sao, lúc Cố ngự sử thẩm vấn hoàn toàn không bắt được một bằng chứng khác thường nào. Hạ Tủng lại nói đêm đó là Dương Hoài Mẫn phát hiện ra biến cố trước tiên, cần xử lý khoan hồng. Thành thử, tội của Dương Hoài Mẫn nhẹ hơn những người khác.

Đương nhiên, kết quả này cũng không thể thuyết phục được tất thảy đại thần. Ngự sử trung thừa Ngư Chu Tuần, thị ngự sử tri tạp sự (*) Trương Biện và ngự sử Hà Đàm đồng thời dâng tấu tố cáo Dương Hoài Mẫn, yêu cầu kim thượng xử phạt biếm chức, thẳng thắn khiển trách Dương Hoài Mẫn dung túng thuộc hạ giết giặc, mưu đồ diệt khẩu, tội nhẹ ấy là không làm tròn chức trách. Lại hặc Dương Hoài Mẫn khi chuyện xảy ra lại đang ngủ đằng trong, tội nặng ấy là bỏ bê cương vị, mà nay bọn Đặng Bảo Cát đã theo lệ ra ngoài nhậm chức, Dương Hoài Mẫn lại một mình được giữ trong kinh, “Hình phạt nặng nhẹ bị đảo ngược, trong ngoài nghe thấy đều lấy làm bất bình”.

(*) Chức quan tổng quản công việc vụn vặt ở Ngự sử đài, do ngự sử có thâm niên đảm nhiệm.

Hà Đàm còn bóng gió với kim thượng chuyện Hạ Tủng bao che cho Dương Hoài Mẫn: “Lại e người từng kết giao ngầm nghĩ cách cứu viện, nói xằng Hoài Mẫn có công, không thể bãi miễn như nhau. Kính mong trừ bỏ ngoại lệ không chính đáng, đồng loạt biếm ra ngoài nhậm chức, thực thi công lý.”

Cuối cùng, kim thượng tiếp nhận lời can gián, hàng Dương Hoài Mẫn xuống văn tư sứ (*), Hạ Châu thứ sử, cách chức điều khỏi kinh.

(*) Một chức võ quan thời Tống, đa phần không nhận trách nhiệm gì cụ thể, thường là chức suông trong lúc đợi điều chuyển của võ quan.

Hoàng hậu làm đúng như những gì đã hứa hẹn ban đầu, luận công ban thưởng cho các hoạn giả tham gia bắt giặc, hoặc thưởng tài vật hoặc thăng chức, đến ta cũng được thăng thành nội thị cao phẩm, điều này đối với một nội thị mười bảy tuổi mà nói là một ân ngộ khó đắc. Song, Trương tiên sinh vào nhà bắt giặc đầu tiên thì lại chậm chạp mãi chưa truyền ra kết luận ban thưởng. Ta lưu tâm hỏi thăm, đáp án nhận được chẳng ngờ lại là hoàng hậu không dám tự mình làm chủ mà hỏi ý kim thượng, kim thượng hờ hững nói: “Thăng hoạn giả lên chức vị trên cung phụng quan, cần phải bàn bạc với tể chấp.”

Chắc hẳn kim thượng chẳng hứng thú gì với việc thảo luận chuyện này với tể chấp nên vẫn trì hoãn suốt từ đó đến giờ. Có điều, mối quan tâm của Trương tiên sinh hiện nay lại không phải chuyện này.

Kể từ khi thầy bị thương, mỗi ngày ta đều đi thăm thầy, thấy nơi thầy ở thường xuyên có nội thị ngự tiền ra vào, hẳn đều là để thông báo tin tức liên quan tới hoàng hậu cho thầy.

Chuyện “Hán thư” thầy giao phó ta đã sớm hoàn thành thỏa đáng. Tiểu hoàng môn ta sai đi làm nói, Trương Phương Bình quả nhiên nhìn chằm chằm trang kể về Phùng tiệp dư hồi lâu. Ta báo kết quả này cho Trương tiên sinh, thầy chỉ gật đầu, mấy ngày nay cũng không bảo ta làm thêm gì nữa.

Một buổi chiều nọ, ta lại đi thăm Trương tiên sinh, thấy thầy đi từ chỗ trú ra, không biết định đi đâu, dáng vẻ vội vã, thần sắc âu lo, rất khác trước đây.

Ta kinh ngạc gọi thầy, thầy gật đầu, song không có ý dừng lại. Chính lúc này có hoạn giả từ trong cung chạy tới, gọi thầy lại truyền khẩu dụ, quan gia triệu thầy vào thuật lại chi tiết chuyện bắt giặc cho ngự sử tra xét vụ án để luận công ban thưởng.

Trương tiên sinh ngừng chân, nói với hoạn giả truyền dụ: “Ý chỉ của quan gia Mậu Tắc không dám trái. Nhưng hiện giờ mặc thường phục thế này mà đi gặp ngự sử thì là cử chỉ thất lễ, mời tiên sinh về trước, cho phép ta vào trong thay y phục, chốc nữa sẽ tự tới.”

Hoạn giả ngậm cười nhìn thầy, như đã có chuẩn bị từ trước: “Ngự sử đợi đã lâu, nếu không thấy tôi dẫn Trương tiên sinh về, chỉ e sẽ oán tôi thất trách. Tiên sinh cứ đi thay y phục đi, tôi sẽ chờ ở đây. Mong tiên sinh thông cảm, chớ để ngự sử chờ lâu.”

Trương tiên sinh bất đắc dĩ bằng lòng, chuyển sang nháy mắt với ta, ra hiệu ta theo thầy, ta bèn theo lại. Vào đến phòng, thầy lập tức hạ giọng nói với ta: “Đại sự không ổn. Đồng tri gián viện (*) Vương Chí dâng sợ nói giặc có quan hệ với cung nhân gác hoàng hậu, cội nguồn cung loạn có lẽ là từ đó mà ra. Y xin kim thượng truy cứu việc này, e rằng muốn giật dây kim thượng hạ chiếu lệnh nhà ngục trui rèn, làm lung lay trung cung.”

(*) Chức quan thứ phẩm trong Gián viện.

Ta cả kinh, không biết nói gì cho phải, cuối cùng chỉ bật ra được một câu hỏi: “Vương Chí là ai ạ?”

“Tay sai của Hạ Tủng, cũng có qua lại với Giả bà bà.” Trương tiên sinh trả lời, hỏi ngược lại ta: “Cậu có nhận ra được thủ tướng (*) Trần Chấp Trung và ngự sử Hà Đàm không?”

(*) Ở đây dùng để chỉ tể tướng, ý là người chấp chưởng đầu não trung ương.

Ta gật đầu: “Từng trông thấy từ xa ở các buổi lễ trong cung ạ.”

Trương tiên sinh nhanh chóng tìm một cuộn giấy đưa cho ta, dặn dò: “Kim thượng bí mật cho triệu Hạ Tủng, Vương Chí, hiện đang nghị sự ở Di Anh Các, nếu có gì bất trắc, hạ lệnh tỏa viện thảo chiếu cũng có khả năng. Đây là chiếu thư phế hậu ta sao lại sau khi kim thượng phế Quách hậu, cậu cầm lấy, đi tới Trung thư môn hạ đợi, hôm nay Hà ngự sử và Trần tướng công bàn bạc chuyện cấm vệ trực đêm hoàng thành ở đó, tầm gần xế chiều họ tất sẽ ra, đến lúc đó cậu chạy tới, giả bộ vấp ngã, làm rơi chiếu thư để mở trên mặt đất cho họ thấy. Họ có hỏi thì cậu trả lời là Hạ xu tướng (*) bảo cậu tìm đưa cho y.”

(*) Vào thời Đường – Tống, đây là cách gọi người giữ chức xu mật sứ kiêm tể tướng.

Lần đầu tiên đối mặt với việc chế tạo lời nói dối liên quan đến chính trị, ta trợn mắt há hốc. Trương tiên sinh thấy thế lại như sinh lòng áy náy, vỗ vai ta nói, “Xin lỗi, nhờ làm chuyện như vậy… Nhưng nếu cậu nói thẳng chuyện hoàng hậu với họ thì đối với cậu hay hoàng hậu đều không tốt như nhau.”

“Vậy, vậy vì sao phải nói, Hạ xu tướng…” Ta lắp bắp hỏi.

“Trần tướng công và Hà ngự sử đều không ưa thái độ làm người của Hạ Tủng.” Trước khi thay y phục ra cửa, Trương tiên sinh chỉ đáp đúng câu này.

Ta theo lời hành sự, canh trước Trung thư môn hạ đợi được Trần Chấp Trung và Hà Đàm, lại không ngờ đi ra cùng họ còn có xu mật phó sứ Lương Thích, thành thử có hơi do dự, nhưng ngay sau đó lại nhớ ra Trương tiên sinh từng kể Lương Thích kiến nghị tạm hoãn chuyện tôn vinh Trương mỹ nhân, vả lại theo truyền thống của quốc triều, xu mật sứ và xu mật phó sứ thông thường đều bất hòa, bèn theo đúng kế hoạch chạy tới, cố tình làm bộ vấp ngã, chiếu thư trong tay tuột mất mở ra, quả nhiên gây được sự chú ý của họ.

Họ chậm rãi bước đến vây bên chiếu thư, cụp mắt xuống nhìn, đều tỏ ra kinh ngạc. Trần Chấp Trung lập tức hỏi ta: “Ngươi mang tờ công văn cũ này đi làm gì? Định đi đâu?”

Ta cúi đầu đáp: “Là Hạ xu tướng muốn kiểm tra, lệnh tôi tìm từ Sử quán (*) ra, chốc nữa đưa cho ông ấy.”

(*) Cơ quan soạn sử thời xưa.

Ba người nhìn nhau, tạm thời cùng im lặng, mà khoảnh khắc khi họ trao đổi ánh mắt đã khiến ta cảm nhận được rằng ta không làm nhục sứ mệnh.

“Hiện giờ Hạ xu tướng đang ở đâu?” Sau nữa, Trần Chấp Trung hỏi.

Ta báo với ông: “Diện thánh ở Di Anh Các ạ.”

Ta nghĩ câu này đã đầy đủ thông tin, bèn nhanh chóng đứng lên, nhặt lại công văn, vội vã chạy ra khỏi tầm mắt họ.

Sau đó, ta núp gần Di Anh Các, thấy Hạ Tủng, Vương Chí đi ra, lại như mong muốn thấy Trần Chấp Trung, Hà Đàm và Lương Thích đến cầu kiến kim thượng, lần lượt tiến vào.

Ta trở lại Nghi Phượng Các, song đến cùng vẫn ăn ngủ không yên, bèn một lần nữa tìm cớ ra ngoài. Lúc đi ngang qua Nhu Nghi Điện, chợt nghe Thu Hòa gọi ta từ phía sau: “Hoài Cát, muộn thế này rồi mà huynh định đi đâu?”

Ta dừng lại, ngoảnh đầu nhìn cô, cô vốn đang cười yêu kiều lại bị dọa cho hết hồn: “Làm sao thế? Sao sắc mặt huynh xấu vậy?”

Ta lưỡng lự, cuối cùng vẫn sơ lược kể lại cho cô nghe chuyện hôm nay, nhắc nhở cô nếu xảy ra chuyện gì lớn thì phải theo sát hầu hạ hoàng hậu.

Thu Hòa ngơ ngác, hồi lâu sau mới phản ứng lại, lệ rơi như châu rớt: “Sao lại có thể như thế…”

Ta muốn an ủi cô, lại cảm thấy không thốt lên nổi, một lúc sau mới nói: “Đừng khóc, để hoàng hậu nhìn thấy lại không hay. Cô trở về đi, tôi đi hỏi thăm tiếp xem. Có tướng công tiến gián, chuyện hẳn không đến mức hết đường vãn hồi.”

Lại tới gần Di Anh Các, thấy bên trong vẫn đèn đuốc sáng trưng, chứng tỏ quân thần còn đang thảo luận chuyện hoàng hậu. Bèn đi đến chỗ Trương tiên sinh, đợi một hồi lâu mới thấy thầy trở về.

Nhác thấy ta, thầy hỏi ngay: “Cho họ nhìn thấy chưa?”

Ta gật đầu, thuật lại một lượt chuyện diễn ra. Nghe đến ba người vào Di Anh Các, thầy mới tựa như thở phào, dẫn ta vào ngồi chờ tin tức.

Thoạt tiên, chúng ta ngồi trơ ở đấy, im lặng không nói chuyện, lát sau, ta thử hỏi dò Trương tiên sinh: “Vì sao Hạ Tủng lại muốn làm lung lay trung cung?”

“Trước đây cậu từng nghe chuyện Hạ Tủng bao giờ chưa?” Thầy hỏi.

Ta đáp đúng sự thật: “Chỉ từng nghe nói đầu ông ta trị giá hai xu.”

Nghe vậy, Trương tiên sinh không khỏi bật cười, ta cũng cười theo, bầu không khí nhờ thế mới thoải mái hơn phần nào.

Thì ra Hạ Tủng từng thống lĩnh quân đội chinh phạt phương tây, lúc mới tới biên thùy tràn ngập chí khí lắm, muốn nhanh chóng giết Nguyên Hạo diệt Hạ quốc, bèn dán cáo thị treo thưởng trên cửa ải: “Ai lấy được đầu Nguyên Hạo, thưởng năm trăm vạn xâu, phong tước Tây Bình vương.” Nguyên Hạo nghe nói việc này, bèn sai người vào biên thành bán mành cói, giả bộ làm rơi, trên một mặt mành cói lại đính cáo thị của Nguyên Hạo. Người Tống trong thành mở ra xem, chỉ thấy trong đó viết: “Ai lấy được đầu Hạ Tủng, thưởng hai xu.” Hạ Tủng biết được, vội vàng giấu cáo thị của Nguyên Hạo đi, tiếc rằng chuyện này đã sớm truyền khắp, biến thành trò cười cho người trong nước, trong cung cũng thường có người kể lại.

“Hạ Tủng viết bài từ Không đàm Lương Châu khúc, cũng chẳng tài hoa trác việt gì, lại còn hay đố kị người tài.” Trương tiên sinh kể lại chi tiết nguyên do chuyện này, “Mấy năm trước, Phạm Trọng Yêm Phạm tướng công dẫn một nhóm hiền thần danh sĩ tiến hành cải cách tân chính, Hạ Tủng khi đó vốn đã được kim thượng bổ nhiệm làm xu mật sứ, nhưng gặp phải đài gián vạch tội, tố ông ta nham hiểm gian giảo, trong chiến sự với Hạ thì hèn nhát cẩu thả, kim thượng bèn đổi ông ta đi trông coi Bác Châu. Những gián quan này đa số thuộc phái tân chính, Hạ Tủng ghi hận trong lòng, xui khiến nội thần Lam Nguyên Chấn dâng sớ gièm pha lên kim thượng, chỉ Phạm Trọng Yêm, Âu Dương Tu, Dư Tĩnh, Doãn Thù kết bè kết đảng, dìu dắt lẫn nhau. Song kim thượng chẳng mấy để ý tới, ông ta bèn bày keo mới, hãm hại đại thần tân chính. Khi đó Quốc Tử Giám trực giảng (**) Thạch Giới viết thiên ‘Khánh Lịch thánh đức tụng’, gọi việc kim thượng đề bạt các đại thần tân chính kim thượng là ‘vời chúng hiền’, lại cho việc Hạ Tủng không có duyên với chức xu mật sứ là ‘đuổi đại gian’. Do đó Hạ Tủng tất nhiên căm thù Thạch Giới, ông ta hãm hại đại thần tân chính chính là xuống tay từ Thạch Giới đầu tiên.”

(**) Chức quan phụ trợ bác sĩ truyền thụ kinh học (bác sĩ ở đây chỉ người đạt học vị cấp bậc cao nhất, giống như tiến sĩ thời nay vậy).

“Thạch Giới?” Ta từng nghe đến cái tên này, có hiểu biết sơ sơ, “Nghe nói ông ấy qua lại thư từ với Phú Bật, viết nháp chiếu phế lập?”

Trương tiên sinh thở dài: “Tất nhiên là giả rồi. Khánh Lịch năm thứ tư, Hạ Tủng xúi một tỳ nữ tinh thông viết lách trong nhà bắt chước nét chữ của Thạch Giới, bóp méo thư Thạch Giới gửi Phú Bật, đổi ‘noi gương Y, Chu’ thành “noi gương Y, Hoắc”. Y chỉ Y Doãn, Chu chỉ Chu Công, vốn đều là hiền thần phò tá thiên tử, nhưng bị ông ta thay đổi, Chu Công biến thành Hoắc Quang, đây chính là quyền thần từng phế lập quốc vương. Sau đó, ông ta còn làm giả một bản nháp chiếu thư phế đế, nói là Thạch Giới viết cho Phú Bật, cố ý truyền ra ngoài, cũng sai người tấu với kim thượng.”

Điều này hiển nhiên là chuyện người làm vua kiêng kỵ nhất. Ta bắt đầu hiểu vì sao về sau kim thượng không còn ủng hộ đại thần tân chính như lúc mới đầu nữa.

“Thực ra kim thượng cũng không tin Phú Bật làm việc này, nhưng khó tránh khỏi để lại chút lấn cấn trong lòng.” Trương tiên sinh nói tiếp, “Kể từ đó, không chỉ Phú Bật mà đến Phạm Trọng Yêm thấy thế cũng chẳng dám yên lòng trên triều, đều tự xin rời kinh ra ngoài nhậm chức. Thạch Giới bị giáng chức thành Bộc Châu thông phán (*), chưa đi nhậm chức đã qua đời. Không bao lâu sau, bọn Vương Củng Thần lại mượn việc Tiến tấu viện của Tô Thuấn Khâm để bỏ tù trui rèn, biếm một loạt hiền tuấn quán các (**) ủng hộ tân chính, cũng mượn việc này ảnh hưởng đến nhạc phụ Tô Thuấn Khâm, tể tướng Đỗ Diễn, khiến ông ấy bị bãi tướng. Hàn Kỳ dâng sớ lên tiếng cho Phú Bật cũng bị bãi chức xu mật phó sứ. Sau nữa, đến các gián quan Âu Dương Tu, Thái Tương, Tôn Phủ cũng bị người ta vin cớ, lần lượt điều ra ngoài, tân chính đến đó không thực hiện tiếp được nữa. Năm ngoái, Hạ Tủng rốt cuộc cũng được toại nguyện, trở về làm xu mật sứ.”

(*) Một chức quan ở châu phủ, chưởng quản các việc vận chuyển lương thực, đất đai, thủy lợi và tố tụng, có trách nhiệm giám sát quan lại châu phủ.

(**) Cách gọi chung các cơ quan Chiêu văn quán, Sử quán, Tập hiền viện và Bí các, Long đồ các.

Nghe Trương tiên sinh kể lại chuyện xưa, ta mới hiểu được tường tận về Khánh Lịch tân chính. Trước chỉ cảm thấy các đại thần tân chính tài hoa xuất chúng, giỏi giang hơn người, dẫu con đường làm quan ba chìm bảy nổi khiến người ta phải thở dài tiếc nuối, song cũng chỉ là chút sầu não đơn thuần khi đọc văn thơ của họ, lại chẳng ngờ đằng sau bài từ tuyệt diệu ngâm gió vịnh trăng của những tài tử này cất giấu câu chuyện bè phái giao tranh tàn sát khốc liệt đến thế.

Nhưng ta vẫn chưa nhận ra được mấu chốt trong đó ngay: “Nhưng mà, Hạ Tủng chĩa mũi giáo vào trung cung thì liên quan gì đến chuyện này?”

“Cậu không nhìn ra à?” Trương tiên sinh chỉ điểm, “Trung cung rất tán đồng với các đại thần tân chính.”

Ta lập tức nghĩ đến chuyện Âu Dương Tu, trong lòng tỉnh ngộ, có điều hãy còn nghi vấn: “Nhưng hoàng hậu thường ngày cũng đâu vọng ngôn nghị luận chính sự, Hạ Tủng ở bên ngoài sao biết được?”

“Cứ phải nghị luận mới có thể nhìn ra thái độ của người?” Trương tiên sinh nói, “Nhất cử nhất động của người đều bị kẻ khác chú ý, bình thường xem nhiều thiếp xuân của ai bao nhiêu lần đều sẽ nhanh chóng bị truyền ra ngoài cung.”

Suy nghĩ một thoáng, Trương tiên sinh lại nói cho ta biết: “Người đọc thơ Tô Thuấn Khâm, bình từ Âu Dương Tu, thưởng chữ Thái Tương, nghe nói Phạm Trọng Yêm viết ‘Nhạc Dương lâu ký’ lập tức sai người tìm về cho mình xem… Huống hồ, tiểu thư nhà Đỗ tướng công Đỗ Diễn về sau trở thành phu nhân Tô Thuấn Khâm còn là bạn thân chốn khuê phòng của người khi chưa xuất giá.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện