Lúc vào tìm công chúa, nàng đã đi tới lan can ngoài tháp, đứng trong gió mạnh thét gào, cụp mắt nhìn xuống hồng trần vạn trượng, tay áo phấp phới, lảo đảo chực ngã.

Ta lập tức chạy qua, một tay tóm chặt cánh tay nàng, kéo nàng xoay người.

Con ngươi đờ đẫn của nàng như đang nhìn ta, nhưng trong mắt trống rỗng, rõ ràng là nhìn như không thấy.

“Công chúa, phải về rồi.” Ta nhẹ nhàng nói với nàng.

Nàng gật đầu, rất yên lặng để ta đỡ mình xuống tầng.

Trên đường hồi cung, nàng vẫn yên lặng như cũ, không nói nửa lời, cũng không nhỏ lệ, về tới gác đi thẳng vào phòng ngủ, như thể chỉ là mệt mỏi, cần nghỉ ngơi nhiều thêm chút thôi.

Miêu thục nghi thấy nàng ngủ rồi mới lặng lẽ hỏi ta chuyện trong tháp Phồn, hiển nhiên bà biết rõ nội tình. Ta thuật lại sơ lược đối thoại của hai người, bà thở dài: “Vậy cũng tốt. Tào Bình phải tự mình nói với nó mới có thể khiến nó hết hi vọng, bằng không chưa biết chừng lúc nào đó nó lại muốn ầm ĩ với cha nó.”

“Tào công tử đi chuyến này là do hoàng hậu sắp xếp ạ?” Ta hỏi Miêu thục nghi.

Bà đáp: “Là quyết định sau khi hoàng hậu và quan gia bàn bạc. Trước đó Tào Bình thỉnh tội với họ, quan gia thấy nó đã tỉnh táo lại rồi nên bằng lòng cho nó gặp lại công chúa một lần, nói rõ với nó.”

Nói đến đây, Miêu thục nghi lại vỗ vỗ ngực: “Cảm tạ trời đất! Tốt xấu gì công chúa cũng hiểu chuyện, nghe xong lời Tào Bình cũng không khóc không quấy. Ban đầu trong lòng ta cứ lo ngay ngáy, chỉ sợ nó nhất thời không chịu nổi sẽ gây ra chuyện gì… Chuyện này trôi qua được vậy đúng là Phật tổ hiển linh, a di đà phật!”

Nhưng ta không cho là vậy. Ta biết tình cảm công chúa dành cho Tào Bình, cũng biết lời Tào Bình đã làm tổn thương nàng sâu sắc. Mà nàng lại bình tĩnh đến lệ cũng chẳng rơi lấy một giọt như thế, thực sự là quá bất thường, cũng khiến ta vô cùng lo lắng.

Vì vậy, ta đặc biệt dặn dò Gia Khánh Tử và Tiếu Diệp Nhi hầu hạ trong phòng công chúa đêm nay, nhất định phải để ý kĩ cử chỉ của công chúa, chớ lơ là.

Hai đứa nó đồng ý hết lời, nhưng sau đó, chuyện ta lo lắng vẫn xảy ra.

Nửa đêm, hai thị nữ tới gõ cửa phòng ta, mếu máo: “Bọn em không cẩn thận ngủ mất, sau đó, sau đó…”

Một khắc ấy, con tim như ngừng đập trong chớp mắt, ta hỏi chúng: “Công chúa làm sao?”

Chúng đáp: “Không biết… Không có trong phòng, cũng không có trong gác… Không thấy đâu…”

Ta lập tức mở cửa gác, xông vào bóng đêm vô tận tìm nàng.

Ban đêm, những cửa ngõ thông ra ngoài cung và mấy khu đại điện đã đóng, thế nên phạm vi tìm kiếm thu hẹp lại rất nhiều, không bao lâu sau, ta tìm thấy nàng bên Dao Tân Trì.

Nàng toàn thân ướt đẫm, ôm đầu gối ngồi bên bờ hồ, vùi đầu vào khuỷu tay, mái tóc dài uốn lượn chấm đất, run rẩy trong gió đêm lạnh lẽo.

Có người giản lược kể lại cho ta tình huống: Nàng nhảy xuống nước, cũng may nội thị tuần đêm trông thấy, lập tức cứu lên. Sau đó không ngừng có nội thị và cung nhân nghe thấy động tĩnh qua đây, hết dìu lại choàng áo cho nàng, nhưng nàng vùng vẫy dữ dội, từ chối bất kỳ kẻ nào tới gần, cứ ngồi mãi đấy, đến áo bào nội thị đưa cũng bị nàng quăng ra xa.

Ta đi tới, đưa tay đỡ nàng, nàng cảm giác được, nhìn cũng không nhìn, lập tức vung tay tát lên mặt ta.

Ta không tránh né, cứ thế hứng trọn cái bạt tai. Bấy giờ nàng mới ngước lên nhìn ta, chợt ngẩn người.

“Hoài Cát…” Nàng nghẹn ngào gọi, ánh lệ dưới rèm mi lấp lóe, hệt như một đứa trẻ bị tủi thân bên ngoài cuối cùng cũng gặp được người nhà.

Ta mỉm cười với nàng, cúi người, ôn hòa nói: “Công chúa, chúng ta trở về thôi.”

Nàng bi thương cúi thấp đầu, không nói gì, nhưng cũng không biểu lộ phản đối.

Ta vươn hai cánh tay bế nàng lên, đi về Nghi Phượng Các. Nàng rúc trong lòng ta, vùi đầu vào ngực ta, hơi ẩm rét mướt trên người xuyên qua lớp áo khô ráo của ta, thấm sang da thịt ta. Ta không biến sắc, ôm chặt nàng, tâm trạng lúc này cũng chẳng khác nào mái tóc dài hãy còn đang nhỏ nước của nàng, nặng nề mà ẩm ướt.

Bỗng nhiên, hai giọt dịch thể có độ ấm ngấm vào vạt áo trước ngực ta, đúng vị trí trái tim, ta không khỏi run lên như bị phỏng.

Kỳ thực, hai giọt nước ấy chỉ mang nhiệt độ bình thường mà thôi.

Kim thượng biết được việc này, trời chưa sáng đã chạy tới.

Khi đó công chúa đã thay xiêm y, nằm trên giường, bất kể Miêu thục nghi hỏi han khuyên lơn rưng rưng an ủi thế nào cũng không nói một lời, nghe phụ thân đến cũng chẳng đứng dậy mà đổi hướng quay vào trong, nhắm mắt làm bộ ngủ say.

“Huy Nhu…” Kim thượng khe khẽ gọi công chúa, không chờ được tiếng đáp lại của nàng, ngài cũng không gọi lại nữa, ngồi xuống bên mép giường, ngài nói với cô con gái trầm mặc: “Nhất định là con đang oán cha, tại sao phải chia rẻ con và Tào Bình, bắt con lấy Lý Vĩ… Nhớ rất nhiều năm trước, cha từng nói với con, chúng ta càng thích ai thì càng không thể để người khác nhìn ra mình thích người đó. Thể hiện rõ ràng sự yêu thích của mình với người đó chẳng khác nào đặt người ấy lên đầu sóng ngọn gió, cuối cùng sẽ hại họ. Bây giờ với Tào Bình chẳng phải là thế ư? Nó thông minh, đa tài, thiện xạ, còn biết tiếng Khiết Đan, tương lai có thể làm sứ thần Đại Tống ưu tú, đi sứ Khiết Đan lúc cần thiết. Thế nhưng, nếu con để lộ tình cảm của mình với nó, đòi hủy bỏ hôn ước lấy nó, nó lập tức sẽ trở thành đối tượng công kích dưới ngòi bút chư thần đài gián, các đại thần sẽ nói nó là kẻ điên rồ làm tổn hại đến đạo nghĩa quốc pháp và khinh nhờn tôn nghiêm quân quốc, yêu cầu cha nghiêm phạt nó, tiền đồ của nó và danh dự của con đều sẽ bị hủy sạch vì đó… Coi như cha bất chấp, che chở nó chu toàn, lại gả con cho nó, liệu đó có phải kết cục tốt chăng? Nó vốn là người trong hậu tộc, không gian phát huy tài năng có hạn, chẳng thể nhậm chức quan văn tham gia chính sự, cũng chẳng thể lĩnh quân thống soái chưởng quản binh quyền. Đảm nhiệm chuyên sứ là chuyện tối quan trọng duy nhất nam tử Tào thị có thể làm, nhưng nếu Tào Bình trở thành phò mã đô úy, thận phận con rể hoàng đế đặc thù, đến chuyện đi sứ cũng chẳng tiện làm. Hơn nữa, thần tử cả triều đều sẽ nhìn chằm chằm vào nó, nó mà bàn nhiều một câu về triều chính, trong nhà gặp nhiều thêm hai tay quan thần, đều sẽ bị đài gián hặc tội. Đấng nam nhi khó tránh khỏi lòng hoài chí lớn, sẽ không sa vào thú khuê phòng dài lâu, nếu Tào Bình cưới con, về lâu về dài, chỉ e cũng sẽ cảm thấy phiền muộn tiếc nuối vì không cách nào thi triển hoài bão ngập lòng, có phải không? So với tương lai sẽ vì vậy mà sinh lòng oán hận, hà cớ không buông tay ngay bây giờ, giữ lại cho cha một người tài dùng được?”

Nói đến đây, ngài không khỏi thở dài: “Phò mã đô úy quốc triều vốn không phải để cho tài sĩ làm. Người làm chồng công chúa không cần có tài năng ngút trời dậy nước, càng không cần có hùng tâm trị quốc bình thiên hạ, nếu con khăng khăng đòi lấy một nhân tài trụ cột, ngược lại sẽ hủy hoại tiền đồ của người ta. Phò mã đô úy chỉ cần có thể toàn tâm toàn ý với con, làm bạn với con vô tư lự, bình an hạnh phúc cùng qua kiếp này, đã là rất tốt rồi. Thế nên, một phò mã thiện lương, thận trọng, thành khẩn với mọi người sẽ thích hợp với con hơn một nhân tài lòng ôm chí lớn… Về phần tại sao lại chọn Lý Vĩ… Cha từng nói với con, cha là đứa con bất hiếu, khi Chương Ý thái hậu còn tại thế, cha từng gặp bà nhiều lần mà chưa từng đối xử với bà như với mẫu thân, trái lại, lần nào cũng ngồi yên nhận bà hành đại lễ… Khi ấy, cha cho rằng bà chẳng qua chỉ là một trong rất nhiều tần ngự của phụ thân… Bà mới hiền lành làm sao, chưa từng nhắc nhở hay ám chỉ cha điều gì, mỗi lần gặp cha đều cúi đầu, ngoài lúc hành lễ nói lời khách sáo ra thì cũng không nói thêm gì khác. Chỉ duy hôm bà rời cung thủ lăng cho tiên đế, sau khi bái biệt, bà mới ngẩng đầu nhìn cha một cái thật sâu, thần thái dịu dàng, trong mắt cũng không có nước mắt, vậy nhưng một khắc ấy, nỗi bi thương khóa kín sâu thẳm mấy chục năm của bà như hóa thành một cơn gió nhẹ, theo ánh mắt bà ùa vào lòng cha… Cha có cảm giác kỳ lạ thế mà vẫn để bà rời đi, sau mới biết khi đó mình đã phạm phải một sai lầm lớn… Mà nay, Lý Vĩ có cùng một tính tình với Chương Ý thái hậu, tuy tướng mạo không tương tự nhưng cặp mắt nó lại giống thái hậu như đúc, sẽ yên lặng biểu lộ thiện ý của nó với người ta… Nó là đứa hiền lành, nhất định sẽ đối tốt với con, Huy Nhu, nó sẽ một lòng với con, tận hết mọi khả năng nó có thể để chăm sóc cho con, cho con một cuộc sống yên ổn bình an.”

Ngài dừng lại, dụng tâm nhìn công chúa, nhưng công chúa vẫn bất động, không mảy may có ý đáp lại. Kim thượng cụp mắt, buồn bã nói tiếp: “Con không thích nó là chê nó ngu dốt phải không? Nhưng ngu dốt thỏa đáng mà làm con rể hoàng đế chưa chắc đã là chuyện xấu… Năm đó cha còn từng nói với con, nếu thực sự thích ai thì thậm chí, cũng đừng để bản thân người ấy cảm nhận được mình thích họ nhường nào. Con hỏi vì sao, khi đó ta không trả lời, giờ nói cả đi vậy… Con cái thiên gia cách quyền bính quá gần, thế nên, nếu có người tiếp cận con, lấy lòng con, điều đầu tiên con cần làm là nghĩ xem vì sao họ lại làm như vậy, rốt cuộc là bởi thích bản thân con hay là thích quyền bính sau lưng con… Người làm bạn lâu dài bên con ngu dốt một chút cũng được, không có năng lực táy máy quyền mưu sẽ không ảnh hưởng đến quốc gia, dẫu thỉnh thoảng nó có nảy chút ý gì, con cũng có thể liếc mắt dòm ra, mặc nó quấy nhiễu vặt vãnh, con cũng chỉ coi như xem kịch. Nhưng nếu gần gũi với con là một kẻ thông minh đầu óc nhanh nhạy thì bất cứ lúc nào con cũng phải xốc dậy mười phần tinh thần, thoáng chút lơ là, trời biết nó sẽ lợi dụng tình yêu của con gây ra chuyện gì… Thế nên, con càng thích nó lại càng không thể để nó phát hiện… Con cũng chẳng giỏi khống chế tình cảm của mình cho lắm, chi bằng tìm một đứa ngu dốt ngay từ đầu cho rồi…”

Mấy câu cuối, ngài nói mà thương cảm, càng nói giọng càng thấp, cơ hồ không nghe thấy, tinh thần cũng dần ngơ ngẩn, chẳng đợi phản ứng của công chúa nữa, ngài từ từ đứng dậy, loạng choạng đi ra ngoài.

Ta bước lên đỡ ngài, dìu ngài suốt một đường tiễn ra Nghi Phượng Các.

“Ngày mai, ngươi điều một xe đi Dao Hoa Cung đón Vận Quả Nhi và Hương Duyên Tử về đi.” Ra khỏi cửa gác rồi, ngài phân phó ta thế.

Ta vội tạ ơn. Ngài ngó ta, khẽ cười.

Thái độ ngài hiền hòa bỗng cho ta dũng khí xin ngài giải thích điều chưa rõ: “Thần cũng là người hầu gần bên công chúa, công chúa có lỗi, thần khó lòng từ chối trách nhiệm. Lúc trước vì sao quan gia không xử phạt thần như phạt Vận Quả Nhi và Hương Duyên Tử, điều thần rời khỏi công chúa ạ?”

“Nếu ngươi cũng rời khỏi nó, nó sẽ chỉ càng khổ sở hơn thôi.” Kim thượng nói vậy. Sau đó, dưới ánh mắt ngơ ngác của ta, ngài từ chối nội thị tùy tùng dìu đỡ, cũng không lên bộ liễn, khăng khăng nặng nề lê bước, chậm rãi đi về phía Phúc Ninh Điện.

Kim thượng đi rồi, Miêu thục nghi lại vào phòng trông nom công chúa. Giày vò quá nửa đêm, hai mắt bà cũng sưng đỏ, mệt mỏi tiều tụy khôn thấu, lúc này thấy công chúa trước sau vẫn nằm yên bất động, cũng cho là nàng đã ngủ, dặn đi dặn lại thị nữ canh giữ công chúa cẩn thận, bấy giờ mới về phòng nghỉ ngơi dưới sự dìu đỡ của Hàn thị.

Ta không dám rời đi, bèn thủ ở gian ngoài buồng ngủ công chúa cùng Gia Khánh Tử và Tiếu Diệp Nhi. Hai cô bé bận rộn cả nửa ngày, lại hãi hùng hồi lâu, mãi giờ mới yên tĩnh được, sau một lát ngồi im, mí mắt Gia Khánh Tử buông xuống, gật gù như gà mổ thóc, Tiếp Diệp Nhi cũng không nhịn được ngáp dài, nhưng vừa há miệng đã sợ hãi tự phát hiện ra, vội vàng tạ lỗi với ta.

Ta bảo chúng về ngủ trước, nói một mình trông chừng là được. Chúng lưỡng lự, nhưng thấy ta kiên trì, cuối cùng vẫn sang gian kế ngủ.

Lúc này, ngoài trời bắt đầu mưa, ta vào buồng trong kiểm tra xem cửa sổ rèm sa đã đóng kỹ hay chưa. Chấn song mở hé, gió sương ướt áo, hơi lạnh thấm xương, ta nghĩ chẳng biết chăn nhiễu của công chúa có đủ chống lạnh hay không, bèn tiến lại hỏi, chỉ thấy hai vai nàng run lên nhè nhẹ, tuy quay vào trong, không để người khác thấy được vẻ mặt mình, song vẫn có tiếng khóc kìm nén vọng ra, hẳn là đang tự núp trong bóng tối rơi lệ.

Ta hơi khom lưng, vươn cánh tay phải ra, chìa ống tay áo tới trước mặt nàng.

Sau khi trở về, ta đã thay y phục, ống tay áo này rất sạch sẽ, còn thoang thoảng mùi hương xông áo.

Nàng cảm nhận được, mở mắt ra nhìn, rồi lại nhắm lại.

“Công chúa không cần ạ?” Ta ngậm cười, “Không thể lấy gối chăn ra lau nước mũi được nữa đâu – ướt hết cả rồi.”

Trong một chớp mắt ngắn ngủi, đại khái là nàng đang suy tư xem nên tiếp tục khóc lóc đau thương hay cáu kỉnh hờn ta, cuối cùng vẫn không nhịn được, cho ta một tiếng “hứ” đẫm rượt hơi lệ.

Ta một lần nữa giơ tay áo qua, nàng cũng thôi cự tuyệt, kéo lấy hỉ mũi. Xong, nàng quay đầu nhìn ta: “Sao huynh còn ở đây?”

Ta trả lời: “Trông công chúa.”

“Ai cần huynh trông!” Nàng cau mày, “Có cái gì mà trông?”

Ta nghĩ nghĩ, quyết định nói thật với nàng: “Thần sợ công chúa lại tự sát.”

“Ta chết hay không thì liên quan gì đến huynh?” Nàng giận dỗi, “Ta chết rồi có gì không tốt với huynh đâu. Huynh có thể tiếp tục ở lại đây hầu hạ tỷ tỷ, cũng có thể điều sang gác khác hầu hạ nương tử khác, hoặc là xin đi Bí các quản lý thư họa huynh yêu thích… Nhiều chỗ tốt như vậy, sẽ không gây trở ngại đến con đường thăng chức của huynh.”

‘Công chúa nói không sai,” Ta đáp, “Nhưng nếu công chúa không còn, thần biết đi đâu tìm một chủ tử viết thi từ sai hổng lỗ chỗ, lấy việc sửa tác phẩm của người ấy làm thú vui đây?”

Công chúa không biết mình nên cười hay mếu, cuối cùng lựa chọn đập ta một phát biểu đạt sự tức giận của mình: “To gan, huynh dám cười nhạo công chúa!”

Câu nói quen thuộc này lập tức đưa chúng ta trở về cảnh tượng nô đùa thuở thiếu thời trong ký ức, hai ta nhìn nhau, ta thấy ánh mắt nàng dần hóa êm dịu, đoán chừng bản thân mình cũng vậy.

“Thần nói thật đấy.” Ta ngồi xuống đầu giường nàng, nhìn nàng nằm nghiêng bên ta, tìm kiếm bóng ta rọi trong con ngươi nàng, chậm rãi nói: “Sửa thi từ cho công chúa là chuyện rất vui sướng… Không chỉ sửa thi từ, dạy người học, trả lời câu hỏi của người, thậm chí, làm văn thay viết chữ hộ cũng đều vui vẻ… Đương nhiên, trước đây phải làm nhiều quá, đôi lúc cũng sẽ thấy hơi phiền, nhưng bây giờ nghĩ lại, đến cảm giác phiền hà bất kham ấy cũng sảng khoái biết bao… Thần muốn mãi thủ giữ bên người, làm tất thảy những điều người muốn thần làm. Trời mưa che ô cho người, gió nổi thêm áo cho người; bầu bạn khi đọc sách, thần châm trà cho người, lúc người gảy không hầu, thần thổi sáo cho người; người cười, thần đứng phía sau cùng cười với người, người khóc, bất cứ lúc nào thần cũng có thể dâng cho người một đoạn tay áo sạch sẽ… Mỗi một việc trong số này đối với thần đều là vui sướng, thế nên thần rất sợ sẽ có một ngày không nhìn thấy người nữa, bởi khi ấy thứ người mang đi sẽ là tất thảy vui sướng cả đời thần.”

Nàng ngơ ngẩn nghe ta nói hết, trong khoảnh khắc lệ đã như mưa.

Nước mắt của nàng lúc này làm ta luống cuống, muốn tự mình lau lệ cho nàng lại sợ mình đường đột, hoảng hốt đứng dậy, hỏi: “Công chúa, thần nói sai rồi ạ?”

“Ôi, không phải.” Nàng nghẹn ngạo, “Ta chỉ hơi lạnh…”

“Để thần đi lấy chăn.” Ta vội nói, xoay người định chạy đi.

“Hoài Cát!” Công chúa chợt gọi ta, lúc ta ngoảnh lại nhìn nàng, thấy nàng chống người ngồi dậy, đôi mắt ngậm lệ chăm chú nhìn ta sâu thẳm, vươn tay về phía ta, “Ca ca, ôm ta…”

Sau một thoáng do dự ngắn ngủi, ta quay trở lại ngồi xuống bên cạnh nàng. Nàng nghiêng người qua, vòng tay ôm ta, vùi mặt vào ngực ta, lắng nghe tim ta đập, yên bình nhắm hai mắt lại.

Ta cũng từ từ ôm siết lấy nàng, trong lòng dậy lên một cảm giác an hòa vững chãi trước nay chưa từng có, tựa như nàng rốt cuộc cũng lấp đầy sinh mệnh khiếm khuyết, nửa đời hư ảo của ta, rốt cuộc cũng tìm ra ý nghĩa trong sự ấm cúng gắn bó giữa hai người này. Ngoài song mưa gió mịt mù, nhưng trong ánh sáng mờ tỏ nơi đây, cặp mắt mông muội suốt bao năm dưới đáy lòng ta lại bắt đầu trở nên trong suốt thông thấu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện