Hồi 1: Bờ thu dung nở đôi nhạn bay |
(*) Nguyên văn cụm này là “Thu phố dung tân (Phù dung nở bên bờ sông thu)”, cũng là tên một bức tranh lụa cổ hiện đang được cất giữ ở Viện Bảo tàng Cố cung Đài Bắc, theo các chuyên gia khảo cứu thì là tác phẩm của họa sĩ Thôi Bạch thời Bắc Tống.
Hậu quả mở cửa cung giữa đêm vô cùng nghiêm trọng, ta đã sớm biết điều đó từ lúc mới vào cung.
Năm ấy ta tám tuổi, bị người trong họ nghĩ cách đưa vào cung làm tiểu hoàng môn (*). Trước đó, cha ta qua đời, mẹ tái giá với người khác, trong họ cũng không ai muốn nhận nuôi ta, bởi vậy nên đối với ta, đây là chuyện chẳng còn cách nào.
(*) Cấp bậc nhỏ nhất của hoạn quan.
Ta học lễ nghi quy chế cung đình cùng ba, bốn mươi đứa trẻ đồng thời vào cung khác, đến những đoạn quan trọng, nội thị điện đầu (*) phụ trách dạy bọn ta, tên Lương Toàn Nhất, sẽ mời quan chủ quản các ty trong hai tỉnh nội thị (**) tới giảng giải cụ thể cho bọn ta.
(*) Một chức quan cửu phẩm của hoạn quan.
(**) Thời Tống, nội thị/hoạn quan được chia thành hai cơ quan Nhập nội nội thị tỉnh và Nội thị tỉnh, phần sau sẽ có giải thích cặn kẽ.
“Đến khi trời tối, mọi lối ra vào hoàng thành đều phải đóng cửa, trước khi mặt trời mọc, tuyệt đối không thể tự tiện mở ra.” Nói câu này là quan chủ quản Nội Đông Môn, tên Trương Mậu Tắc. Ra vào cung đa số đều phải đi qua Nội Đông Môn, làm chủ quản ở Nội Đông Môn tức là quản lý người và vật xuất nhập cung cấm, là một chức vụ khá quan trọng đối với hoạn quan. Khi đó, thầy chỉ mới hơn hai mươi, không mấy ai có thể nhậm chức này ở cái tuổi ấy, thần sắc thầy thanh bạch, không tự cao tự đại, giọng điệu cũng rất ôn hòa. Ta còn để ý thấy, trong số các nội thần (*) tới giảng bài hôm ấy, màu áo thầy mặc là tối cũ nhất, như thể đã bận rất nhiều năm, song vẫn được giặt giũ sạch sẽ.
(*) Chỉ quan viên, thái giám, hộ vệ phục vụ hoàng đếtrong cung.
“Nếu ai quả thực có việc quan trọng, phải mở cửa cung ban đêm thì phải có mặc sắc ngư phù (*).” Trương Mậu Tắc tiếp tục giải thích các thủ tục kế: “Người nhận sắc chỉ phải ghi lại thời gian, căn nguyên cặn kẽ của sự việc, tên cửa cần mở và nhân số, thân phận của những người cùng ra vào theo mình trước rồi đưa tới Trung thư môn hạ (**). Từ đại tướng quân giữ cửa trở xuống, các thủ thần liên quan sau khi xem xong phải tới nội các bẩm tấu, quan gia ngự phê cho rồi mới có thể mời nội thần giữ chìa khóa cửa cung đến mở cửa.”
(*) Mặc sắc là sắc chỉ do hoàng đế tự tay viết, không đóng ấn triều đình mà trực tiếp hạ lệnh.
(**) Tên cơ quan hành chính tối cao do các quan đứng đầu Môn hạ tỉnh, Trung thư tỉnh và Thượng thư tỉnh đồng quản lý.
Đô tri (*) Nhập nội nội thị tỉnh đều biết, ở trong cung, Nhậm Thủ Trung quyền cao chức trọng, vốn không cần tới giảng bài, nhưng đúng lúc ấy lại tiện đường qua đây, bèn vào xem, nghe Trương Mậu Tắc nói xong đoạn này thì gật đầu, quét mắt nhìn bọn ta một lượt rồi nói: “Các ngươi nghe cho thật kỹ, lúc mở cửa cung cũng có điều phải chú trọng đấy.”
(*) Tên một chức quan hoạn quan, ở Nội thị tỉnh, tả ban đô tri và hữu ban đô tri là chức quan cao nhất, Nhập nội nội thị tỉnh thì lên trên còn có đô đô tri.
Ta nín thở dỏng tai lên nghe Trương Mậu Tắc giảng tiếp: “Trước khi mở cửa, thủ thần các cửa phải đối chiếu nghiệm xét ngư phù bằng đồng với các nội thần giữ chìa khóa.” Trương Mậu Tắc giơ một cặp ngư phù lên cho đám bọn ta đang chia nhóm ngồi trước mặt thầy xem: “Phù tiết đồng có khắc hình cá và tên cổng thành, mỗi ngư phù đồng đều được chia ra làm hai nửa trái phải, thủ thần các cửa và nội thần giữ chìa khóa mỗi bên giữ một. Trong lúc đợi mở cửa, quan, ty giữ cửa phải chuẩn bị xong xuôi cấm vệ thủ cửa, trong ngoài cửa mỗi bên hai đội, đốt đuốc lấy sáng, thủ thần, nội thần cẩn thận nghiệm xét ngư phù, bảo đảm không có gì sai nhỡ rồi mới được mở cửa. Dẫu ngư phù có khớp mà thủ thần nội thần chưa nghiệm đã mở cửa, hoặc nghiệm không khớp nhưng vẫn mở, hoặc người không nhận mặc sắc lại tự tiện mở cửa, đều phải chịu luật hình trừng phạt nghiêm khắc.”
“Đã nhớ rõ cả chưa?” Nhậm Thủ Trung chen lời hỏi. Bọn ta đều cúi người thưa dạ, ông ta chỉ vào tiểu hoàng môn ngồi hàng đầu cách ông ta gần nhất, ra lệnh: “Ngươi, thuật lại xem.”
Đứa bé đó lại hơi đần ra, đứng nghĩ hồi lâu mới lắp bắp nói được hai ba câu, giữa chừng còn có sai sót.
Nhậm Thủ Trung cốc đầu nó, tức giận mắng: “Có mấy câu thế thôi mà cũng không nhớ được thì vào cung làm ăn thế nào? Tương lai trong các ngươi khó tránh khỏi sẽ có vài đứa nhận nhiệm vụ giữ chìa khóa cửa cung, xảy ra sai sót là rơi đầu chết chắc!”
Trương Mậu Tắc đứng bên bổ sung: “Nếu để người ra vào không đúng cách thức luật lệ, nhẹ thì tù đày, nặng thì treo cổ.”
Đám tiểu hoàng môn nghe mà kinh hãi, trái phải nhìn nhau, thầm líu lưỡi.
“Ngươi ra ngoài sân, quỳ xuống mà ngẫm, miễn ăn bữa tối.” Nhậm Thủ Trung xử phạt đứa bé kia, lại nhìn những đứa khác, cuối cùng chọn trúng ta: “Ngươi đã nhớ hết chưa?”
Ta đứng lên khom người, mạch lạc trả lời ông ta, thuật lại nguyên văn lời Trương Mậu Tắc: “Đến khi trời tối, mọi lối ra vào hoàng thành đều phải đóng cửa, trước khi mặt trời mọc, tuyệt đối không thể tự tiện mở ra. Người nếu quả thực có việc quan trọng, phải mở cửa cung ban đêm, đều phải có mặc sắc ngư phù… Nếu để người ra vào không đúng cách thức luật lệ, nhẹ thì tù đày, nặng thì treo cổ.”
Không sai một chữ, nội thần các ty từ Trương Mậu Tắc trở xuống đều gật đầu mỉm cười.
Nhậm Thủ Trung cũng rất hài lòng, hiền hòa hỏi ta: “Nhà ngươi tên gì?”
“Lương Nguyên Hanh.” Ta đáp, lại bổ sung: “Nguyên Hanh trong Nguyên Hanh Lợi Trinh (*) ạ.”
(*) Đây là lời quẻ của quẻ Càn trong Kinh dịch, được coi là bốn tính chất cơ bản của quẻ Càn, thường được hiểu theo nghĩa rộng là bốn mùa: Nguyên (元) – mùa xuân, Hanh (亨) – mùa hạ, Lợi (利) – mùa thu, Trinh (贞) – mùa đông; về mặt sự đời, Nguyên Hanh Lợi Trinh lần lượt đại diện cho nhân, lễ, nghĩa, chính.
Hiển nhiên, lời ta nói chẳng khác nào vẽ rắn thêm chân, vừa ra khỏi cửa miệng đã khiến người người biến sắc. Nhậm Thủ Trung bước hai bước tới trước mặt ta, quạt cho ta hai cái tát đầu: “Nhãi ranh xằng bậy to gan, ngươi không biết tị húy à?”
Bấy giờ ta mới láng máng nhớ ra, trước đây lúc giải thích cho ta về cái tên của ta, cha ta cũng từng dặn dò rằng không được nhắc tới chữ “Trinh” trong đó với người khác, bởi kim thượng tên húy là “Trinh (祯)”, thế nên “Trinh (贞)” cũng phải tị húy (*).
(*) Chữ Trinh (祯) này có nghĩa là cát tường, chữ Trinh (贞) này có nghĩa là trung trinh, hai chữ đồng âm Hán [zhēn].
Ta nhất thời ngớ ra, không biết phải ứng đối ra sao, chỉ lặng lẽ cụp mắt đứng đó.
Nhậm Thủ Trung bảo kẻ dưới: “Dẫn nó xuống nhốt lại, đợi ta xin chỉ thị của quan gia rồi xử phạt sau.”
Ta ở trong một gian phòng nhỏ tối hai, ba ngày, nằm ngẩn ngơ, cơ hồ không ăn cơm, nhiều lần trong cơn mê ngủ, ta tưởng là mình sắp chết rồi.
Cuối cùng cũng có người mở cửa, ánh sáng đã lâu không thấy tràn vào như thủy triều, đâm mắt ta đau nhói.
Một lần nữa mở mắt, ta trông thấy gương mặt hiền hòa của thầy Lương Toàn Nhất. Đại khái là vì ta cùng họ với thầy nên thầy vẫn luôn rất tốt với ta.
“Đi thôi.” Thầy nói. Thấy ta không còn sức nhấc chân, ấy vậy mà thầy lại ngồi xổm xuống, tự mình cõng ta ra ngoài.
Ta không sao nén được nước mắt nhỏ xuống cổ thầy, thầy tiếp tục bước đi điềm nhiên như không, cũng không an ủi gì ta, chỉ nói: “Sau này phải cẩn thận. Nếu là phạm húy ở bên ngoài thì còn có thể che giấu được, nhưng trong cung thì khác, hơi chút sai lầm thôi cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Là Trương tiên sinh khẩn cầu hoàng hậu nói giúp cho ngươi trước mặt quan gia, con nên nhớ lấy việc này…”
Đương nhiên là ta sẽ nhớ kĩ rồi. Sau buổi giảng bài kế tiếp của Trương Mậu Tắc, ta bám theo thầy ra ngoài, chạy tới trước mặt thầy quỳ xuống, khấu đầu tạ ơn cứu mạng.
Thầy chỉ cười khẽ, nói: “Tên thằng nhóc nhà cậu quá dễ gợi đến chữ phạm húy, vẫn nên đổi một cái tên khác cho thỏa đáng thì hơn.”
Ta đồng ý, kính nhờ thầy đổi tên cho mình.
Thầy thoáng trầm ngâm rồi bảo: “Hoài Cát, sau này cậu cứ lấy tên là Lương Hoài Cát đi.”
Ta nghiêm túc cảm ơn thầy. Thầy lại nói: “Có phải cậu từng đi học không?”
Ta đáp: “Trước đây từng học vài chữ với cha ở nhà ạ.”
Ông gật đầu, lại dụng tâm quan sát ta thêm một lượt rồi mới xoay người rời đi.
Danh sách chương