Lữ Ngọc Hồ quả là một con người minh bạch.

Thấy chuyện là nói, nói là làm, hành động không một chút gì có gợn hơi miễn cưỡng.

Đó là loại “hào khí hừng hừng”.

Nhưng vì năm vạn lượng bạc mà đi làm cái chuyện “bảo tiêu” cho sòng bạc thì hình như có phần nào nhẹ bởi cái nghĩa của hai tiếng “đại hiệp”.

Thư Hương im lặng ngồi xem, nhưng trong lòng nàng bỗng có hơi chút không thỏa mãn...

Thế nhưng, “làm” đại hiệp thì phải làm những gì? “Hành hiệp giang hồ, giúp kẻ thế cô, trừ bọn hung tàn, bảo vệ thanh danh cho kẻ anh hùng mã thượng”?

Những chuyện như thế, nhất định không hề thu được một đồng nào, mà trên danh nghĩa giúp người cô thế, lâm nguy, có nhiều khi còn phải xuất thêm tiền túi.

Trong khi “đại hiệp” vẫn là người bằng xương bằng thịt, “đại hiệp” vẫn phải ăn, vẫn phải chi tiền, nhiều khi còn chi nhiều hơn những kẻ không phải là “đại hiệp”, cứ theo đà đó thì “đại hiệp” chắc phải là... tuyệt cốc.

Vì “đại hiệp” đâu phải có gà đẻ trứng vàng, trên trời cũng không có rơi vàng xuống cho “đại hiệp”, mà đã là “đại hiệp” thì không thể đi ăn cướp, cũng không thể đi kéo xe.

Nghĩ tới nghĩ lui, tính qua tính lại, Thư Hương bỗng thấy Lữ Ngọc Hồ làm chuyện đó cũng không có gì không phải.

“Chỉ cần Đào tiểu thơ cho chuyện đó là chuyện phải thì tự nhiên nàng sẽ có lý lẽ để giải thích phải về chuyện đó”.

“Chỉ cần con người mà Đào tiểu thơ thích, thì con người đó nhất định là tốt”.

* * * * *

Đạo sĩ vẫn nhập định, Hòa thượng vẫn niệm kinh và Tú tài vẫn đang đọc sách, bên cạnh Tú tài có thêm bầu rượu, một tay cầm sách, tay nâng chén.

Chắc rượu này cũng là rượu... miễn phí.

Lữ Ngọc Hồ chầm chậm bước tới.

Hắn cố ý bước thật chậm, thật ung dung.

Đó không phải là hắn sợ hay hắn vì thận trọng, cũng không phải chỉ mới có hơn năm sáu cân rượu mà chân hắn đi không ổn, nhưng vì bất luận lúc hắn làm một việc gì, hắn đều làm cho mọi người chú ý.

Hắn rất thích khi thấy thiên hạ nhìn mình bằng con mắt đầy thán phục và có pha ít nhiều nễ sợ.

Riêng về một điểm đó, hắn rất thành công.

Tất cả những cặp mắt đang đổ dồn vào hắn.

Cả sòng bạc trong một gian nhà mênh mông có rất đông người bỗng lặng im phăng phắc, tất cả đều ngưng tay sát phạt, họ không nói chuyện, mà gần như cũng không thở mạnh.

Một con muỗi bay ngang, tất cả cũng nghe rõ.

Môi Lữ Ngọc Hồ luôn giữ nụ cười phong nhã, chứa ẩn tự tin, hắn chầm chậm bước tới trước mặt gã Tú tài :

- Tú tài đọc sách gì thế?

Vẫn gật gù, vẫn chăm chăm vào trang sách, gã Tú tài như không hay có người đi tới và tự nhiên như không nghe câu hỏi.

Trong con mắt của thiên hạ, “Tú tài” có nghĩa là một thư sinh nghèo, cứ thấy một nho sĩ mà nghèo thì họ gọi là “Tú tài”, mặc dầu họ không biết người đó học đến cấp nào.

Không hiểu do nguyên nhân nào như thế.

Có người giải thích rằng đậu Tú tài là chưa được bổ làm quan, mà chưa làm quan được thì chỉ còn cách lập trường “làng dạy học”.

Vì không làm được quan, nhưng đối với làng nước vẫn là “Ông Tú”, mà đã làm ông tú thì đâu lẽ đi đánh xe bò? Huống chi, “lưng dài tốn vải ăn no lại nằm” nó đã luống vào xương rồi, cho nên chỉ đậu tới Tú tài thì kể như nghèo rớt mồng tơi.

Trường hợp vị Tú tài trong sòng bạc này cũng thế.

Bằng vào dáng cách “thơ sinh” đó, bằng vào cách ăn vận đó, nhất định phải là “Tú tài” nghĩa là nhất định phải sống nhờ người khác.

Hắn mặc chiếc áo màu xanh.

Nói màu xanh là nhờ vào “kinh nghiệm” mà người ta biết như thế, chớ chiếc áo hắn đang mặc trong mình, chắc chắn không có một tự điển hội họa nào ghi đúng được sắc màu của nó.

Vì nó quá lâu ngày, màu xanh của nó đã chạy theo nước giặt đi xa, bây giờ nó mang một sắc diện xam xám, luôn suốt trong bảy màu chính và bốn mươi chín màu pha, nó không giống một màu nào cả.

Tạm thời cứ gọi nó là xanh.

Da mặt hắn méo mét, khô khô, thứ da mặt mất máu vì thiếu ăn và không hay vận động, nhất là ít khi ra nắng, bằng vào màu da đó, người ta mới quyết định rằng hắn vừa đói vừa lười biếng.

Bây giờ thì hắn đang nhương nhướng cặp mắt, nhịp nhịp bàn chân và hắn vùng vỗ mặt bàn :

- Giỏi, hay, giỏi cho Trương Tử Phòng, hay cho Châu Hợi, một chùy tuy không giết được Tần Thủy Hoàng, nhưng cũng đã làm cho thần kinh quỷ khiếp. Hay, giỏi, “văn kỳ lạc hồ”!

Hắn nâng chén rượu nốc cạn một hơi như để tán thưởng những nhân vật và sự làm việc mà hắn ta vừa nói...

Như bị kinh động tinh thần thượng võ, Lữ Ngọc Hồ hỏi ngay :

- Trương Tử Phòng là ai? Châu Hợi là ai? Có phải hai cao thủ sử dụng thiết chùy trong chốn võ lâm không?

Bây giờ thì gã Tú tài mới ngẩng mặt lên.

Hắn nhìn Lữ Ngọc Hồ bằng tia mắt như nhìn thấy một con Lạc Đà đi tu. Lạc Đà nổi tiếng hiền mà “Lạc Đa đi tu” thì càng như cục bột, cho nên mắt hắn không lộ một vẻ gì nễ sợ...

Hắn nhìn Lữ Ngọc Hồ từ đầu đến chân và chân mày hắn hơi nhíu lại :

- Trương Tử Phòng tức là Trương Lương, cái tên đó mà túc hạ cũng không biết thì quả là “tiền bất kiến cổ nhơ, hậu bất kiến lai giả”...

Lữ Ngọc Hồ cười :

- Không nghe nói, ta chỉ nghe chỉ biết đương kim võ lâm đệ nhất cao thủ sử dụng chùy là Lam Đại Tiên Sinh, hắn cũng là người bạn tốt của ta.

Hắn vẫn cười thật tươi và nói thật tự nhiên :

- Cái vị Trương Tử Phòng mà Tú tài nói đó, chắc cũng là một trang hảo hán, sau này nếu có gặp, có lẽ ta cũng sẽ thỉnh giáo đôi chiêu.

Câu nói của Lữ Ngọc Hồ đối với gã Tú tài thấy quả như một tát tai, hắn méo cái miệng vì kinh ngạc, hắn nốc nguyên một chén rượu rồi lắc đầu chắc lưỡi lầm thầm :

- “Nhụ tử bất khả giáo giã, đổ mộc bất khả điêu giả”... Để tránh dùm cho ta khỏi bị nhiễm tục khí, có lẽ túc hạ nên đi... chơi chỗ khác.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

- Tú tài bảo ta đi?

Tú tài gật đầu :

- Đúng vậy.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

- Tú tài biết ta đến đây để làm gì không?

Tú tài đáp :

- “Tri nhân tri diện bất tri tâm”, trong lòng túc hạ nghĩ gì, ta làm sao biết được?

Lữ Ngọc Hồ nói :

- Được, vậy ta bảo cho Tú tài biết, ta đến đây là để bảo Tú tài đi đó.

Tú tài nhướng mắt :

- Bảo ta đi? Ủa, tại làm sao lại bảo ta đi?

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

- Tú tài biết đây là đâu không?

Tú tài đáp :

- Đây là sòng bạc.

Lữ Ngọc Hồ nói :

- Đã biết như thế thì đáng lý không nên đến.

Tú tài nói :

- Chỗ này, luôn cả kỷ nữ cũng còn đến được, thì Tú tài tại sao lại không đến được?

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

- Tú tài đến đây để làm gì?

Tú tài nói :

- Tự nhiên là đọc sách, Tú tài một ngày mà thiếu sách thì bị nhiểm tụ khí làm sao?

Và hắn vụt trừng mắt như bất mãn và dữ dằn :

- Tú tài có thể đọc sách chớ?

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

- Có thể.

Tú tài dằn mạnh cái chén lên bàn :

- Tú tài có thể tới đây, có thể đọc sách thì làm sao lại bảo đi, túc hạ có lý hay ta có lý chớ?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

- Tú tài có lý.

Tú tài nói :

- Ta đã có lý thì túc hạ nên tránh xa một chút.

Lữ Ngọc Hồ nói :

- Ta không đi, Tú tài đi.

Tú tài hỏi :

- Tại sao vậy?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

- Tại vì ta không bao giờ đi cãi lý với Tú tài.

Tú tài nhổm lên như bị chông dưới đít :

- Thật không cãi lý với Tú tài à?

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

- Không khi nào.

Tú tài nhướng mắt :

- Muốn đánh nhau à?

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

- Bây giờ thì nói một câu đúng đấy.

Tú tài trừng trừng :

- Túc hạ đã không chịu cãi lý với Tú tài, thì tại làm sao Tú tài lại đi đánh lộn với túc hạ chớ?

Hắn chầm chậm rủ tay áo xuống và gặn lại :

- Ta xem túc hạ nên đi đi, nếu túc hạ không đi thì ta...

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

- Thì sao?

Tú tài đáp :

- Ta đi. Túc hạ không đi thì ta đi... Mà thật túc hạ không đi, phải không?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

- Thật.

Tú tài hừ hừ luôn hai ba tiếng :

- Được, túc hạ thật không đi thì ta đi.

Nói đi là đi. Hắn kể cũng... đường hoàng.

Lữ Ngọc Hồ cười, hắn cầm lấy bầu rượu của gã Tú tài nốc cạn rồi bước sang bàn Đạo sĩ, hắn hỏi :

- Vị Tú tài là bằng hữu của Đạo sĩ?

Hắn không gọi “Đạo trưởng” mà lại gọi “Đạo sĩ”, câu nói đã có vẻ không êm thắm, thế nhưng Đạo sĩ lại êm thắm chấp tay :

- “Hồng hoa lục diệp thanh liên ngẫu, tam giáo bản lai thị nhứt gia”, chúng sanh vầy vầy, ai lại chẳng là bằng hữu của bần đạo.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

- Tú tài đã đến đây đọc sách thì Đạo sĩ cũng đến đây nhập định?

Đạo sĩ đáp :

- Đúng vậy. Thí chủ quả là người hiểu biết.

Lữ Ngọc Hồ nói :

- Thế nhưng ta vẫn còn một điểm chưa thông.

Đạo sĩ nói :

- Xin thỉnh giáo.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

- Tú tài có thể đi thì đáng lẽ Đạo sĩ cũng nên đi mới phải.

Đạo sĩ ngẫm nghĩ một hơi rồi nói :

- Đạo sĩ nếu đi thì Hòa thượng cũng phải đi, đáng lý là như thế.

Lữ Ngọc Hồ nói :

- Đạo sĩ quả là người hiểu biết.

Đạo sĩ hỏi :

- Nhưng không hiểu Hòa thượng có hiểu biết như thế không?

Hòa thượng ngồi bên kia vọt miệng :

- Không.

Đạo sĩ nói :

- Ta không nhập địa ngục thì ai nhập địa ngục? Hòa thượng không hồ đồ thì ai hồ đồ? Nếu Hòa thượng muốn nhập địa ngục để siêu độ thật thì rất dễ, vì ở đây cách địa ngục không xa lắm.

Hòa thượng mỉm cười :

- Đã thế thì xin thỉnh Đạo huynh dẫn lộ.

Đạo sĩ cũng cười :

- Trước mặt Đại sư, bần đạo làm sao lại dám đi trước.

Hòa thượng nói :

- Vậy thì mời Đạo huynh.

Đạo sĩ nói :

- Xin mời Đại sư.

Hòa thượng ngó Lữ Ngọc Hồ :

- Còn vị thí chủ đây thì sao? Có cùng đi với bần tăng nhập bọn không?

Đạo sĩ chấp tay cười :

- Đại sư và bần đạo đi trước, vị thí chủ này chắc chắn sẽ theo sau.

Hòa thượng nói :

- Đã thế, bần tăng chỉ đành phải chờ đợi nơi địa ngục... A di đà Phật!

Đạo sĩ chấp tay :

- Vô lượng thọ Phật!

Hòa thượng cũng chấp tay :

- Lành thay, lành thay!

Hai người cùng chấp tay, cùng niệm phật hiệu, cùng cúi mình mỉm cười trước mặt Lữ Ngọc Hồ rồi quay bước đi ra.

Khi ra đến cửa, hòa thượng vụt quay lại ngó Lữ Ngọc Hồ cười hỏi :

- Mong thí chủ đừng quên ước hẹn ngày nay.

Đạo sĩ nói :

- Nhất định không quên.

Hòa thượng hỏi :

- Đạo huynh làm sao lại biết rõ lòng người quá vậy?

Đạo sĩ cười :

- Bởi vì con đường vào địa ngục rất dễ đi.

Hòa thượng gật đầu :

- Đúng vậy, xuống bao giờ cũng dễ hơn lên.

Đạo sĩ tiếp liền theo :

- Và bao giờ cũng nhanh hơn.

Hai người ngửa mặt lên cười rồi đi thẳng.

Lần này họ đi luôn chớ không nhìn lại nữa.

Lữ Ngọc Hồ muốn cười, thế không hiểu tại sao, hắn bỗng cười không ra tiếng.

Một người khác cũng cười, thế nhưng nụ cười coi mất tự nhiên.

Trước khi chuyện xảy ra, ai nấy đều đinh ninh rằng ba người khách kỳ cục ấy không khi nào lại đi dễ dàng như thế, thế mà không ngờ họ lại quá ngoan ngoản, bỏ đi, đã không gây chuyện mà dáng điệu làm còn gần như... khật khùng.

Nhiều người nổi lên bàn tán thì thầm :

- Như vậy thì ba người ấy đến đây làm gì?

- Nhất định họ không phải thật tình đến đây để làm chuyện nhập định, niệm kinh hay đọc sách.

- Tự nhiên là họ đã thấy vuông khăn đỏ trên cổ Lữ Ngọc Hồ.

- Nếu không có cái thinh danh vang dội của Lữ đại hiệp thì chắc đâu họ đã hiền lành ngoan ngoản như thế?

- Lữ Ngọc Hồ quả là một nhân vật vĩ đại.

- Tìm Tú tài để cãi lý là ngu, mà tìm “đại hiệp” để đánh lộn thì lại là khật khùng...

- Chính vì thế cho nên chuyện không có xảy ra.

Cuộc diện xảy ra, không hiểu tại sao Thư Hương bỗng thấy hơi khó chịu.

Nhưng khi nghe những lời bàn tán đó, nàng lại thấy vui ngay.

Bất cứ ai mở lời tán thưởng Lữ Ngọc Hồ, thì nàng cảm thấy vui hơn chính bản thân hắn nữa.

Nhưng nàng hơi lấy làm lạ, không hiểu tại sao dáng sắc của Lữ Ngọc Hồ lại không vui... hình như...

Lữ Ngọc Hồ vụt bật cười ha hả.

Nàng hết băn khoăn.

Hết băn khoăn về sự làm thinh của hắn, bây giờ nàng lại thắc mắc về cách cười.

Không lẽ cho đến bây giờ hắn mới thấy giống... hài hước?

Không lẽ bây giờ rượu mới dậy men?

Hắn cười sặc sụa, cười nghiêng ngửa, hắn cười riết một hồi bỗng như mất cả cái dáng “đại hiệp” và Thư Hương sốt ruột, nàng bước lại kéo tay hắn và nói nhỏ :

- Kìa, người ta đang ngó kìa.

Lữ Ngọc Hồ gật đầu cười lớn, vừa gật đầu lia lịa hắn vừa nói :

- Thấy rồi, biết rồi.

Thư Hương hỏi :

- Vậy sao không cười nho nhỏ lại một chút?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

- Không được.

Thư Hương hỏi :

- Sao vậy?

Lữ Ngọc Hồ nói :

- Bởi vì ta cảm thấy tức cười quá, không cười không được.

Thư Hương hỏi :

- Tức cười chuyện chi?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

- Hòa thượng...

Thư Hương cau mặt :

- Hòa thượng sao?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

- Lão nói sẽ đợi ta ở địa ngục.

Thư Hương hỏi :

- Câu nói đó tức cười ở chỗ nào?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

- Có chớ, có một điểm tức cười.

Thư Hương hỏi :

- Điểm nào?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

- Cười ở chỗ là lão không biết chính ta đã từ trong địa ngục trốn ra...

Hắn cố ý hạ thấp giọng để làm như câu chuyện rất bí mật :

- Cô có biết tại sao ta phải trốn từ địa ngục không?

Tự nhiên là Thư Hương phải lắc đầu.

Hắn nói tiếp :

- Tại vì nơi đó có... hòa thượng.

Nói chưa dứt câu là hắn lại cười.

Lần này thì hình như hắn còn cười lớn hơn nữa.

Thư Hương chợt thấy câu chuyện có phần... lã chã...

Từ khi bắt đầu, Lữ Ngọc Hồ nhận lời để đi đuổi ba người khách kỳ dị cho Kim Râu và mãi cho đến bây giờ, không hiểu sao nàng bỗng cảm thấy không khí hơi... lợn cợn.

Và nàng bỗng thoạt nghĩ :

- Có phải thật là... Lữ Ngọc Hồ đây chăng?

Nàng đã lầm lẩn quá nhiều, lần nào cũng có nhiều tai hại, bây giờ thì không thể lầm lẩn nữa được.

Chỉ tiếc là nàng lại chưa từng biết mặt thật của Lữ Ngọc Hồ, nàng đâu có cách nào chứng minh.

Nhưng Thư Hương cũng không thể suy nghĩ gì thêm được, vì ngay lúc đó Kim Râu đã đi lại, tay hắn ôm xấp ngân phiếu, một xấp khá dầy.

Hắn bước tới trước mặt Lữ Ngọc Hồ cười nói :

- Đây chỉ là chút ý kính thành, mong Lữ đại hiệp nhận cho.

Lữ Ngọc Hồ nói :

- Tốt.

Quả thật, con người hắn thẳng thắn vô cùng, không chuyện nào hắn cần khách sáo cả.

Kim Râu nói :

- Ngoài việc này ra, tại hạ còn có thêm một chút lòng thành.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

- Chút chi?

Kim Râu cười :

- Muốn chính tại hạ tạo cho Lữ đại hiệp cơ hội gở vốn.

Như vậy là chuyến này hắn quyết “thân chinh”.

Tiền của hắn trao ra và chính hắn vô sòng.

Lữ Ngọc Hồ cười :

- Vậy thì hay lắm, vậy thì càng ngọt.

Kim Râu lại cười, cái cười hăng hắc mà nghe phảng phất như tiếng... chồn kêu, thứ chồn... quá già, thứ mà người ta gọi là... cáo già.

Hắn hỏi :

- Nhưng không biết Lữ đại hiệp thích chơi thứ nào?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

- Tùy tiện, thứ nào cũng vậy thôi.

Kim Râu vỗ tay :

- Đúng rồi, thứ nào cũng thế, ăn thì thứ nào cũng ăn.

Như cảm thấy chưa đủ nghĩa, hắn lại cười cười :

- Phải thua thì đánh thứ nào cũng thua.

Câu nói của hắn thật có ý nghĩa quá.

Bởi vì mới đó Lữ Ngọc Hồ thua. Bởi vì hắn phải thua.

Phải thua thì đánh thứ nào cũng thua.

Bởi vì Kim Râu “thành kính” nhiều quá, trước khi nhập sòng, hắn đã “thành kính”

thêm cho Lữ Ngọc Hồ luôn hai cân rượu nữa.

Bởi vì “hai người bạn thân” thật sự đã chỏi nhau, sâu bạc ngoắc sâu rượu vô, ngoắc vô nhưng lại không ưa, tự nhiên là xung đột.

Vì thế cho nên con người một khi đã... ngất ngưỡng rồi thì đáng ăn cũng biến thành đáng thua, thua sạch thua nhanh.

Vừa hốt lên xấp ngân phiếu, Kim Râu vừa nói :

- Lữ đại hiệp hôm nay thật nhiều may mắn...

Trời đất, thua không còn một xu, thua phải “ra tay hành hiệp” để lấy năm vạn lượng bạc, lấy năm vạn bạc để thua nữa, vậy mà hắn bảo “nhiều may mắn”.

Không lẽ hắn chờ cởi cả quần ra cầm mới là không may sao?

Nhưng ai nói gì thì nói, Kim Râu vẫn cứ “thành thật” với ý nghĩ của hắn, hắn nói :

- Con người, cái hên trong sòng bạc không phải là cái vận chính, những cái may mắn khác mới là vận chính, vì thế, luôn luôn ngược lại, người không có cái hên trong sòng bạc, chính là người sẽ có nhiều may mắn trong cái vận chính của mình.

Hay, câu nói đó in hình là chân lý.

Ít nhất là Lữ Ngọc Hồ bây giờ mới thấy đó là chân lý.

Bởi vì bây giờ trong bụng của hắn đã có gần mười cân rượu.

Đã có gần mười cân rượu, thêm hai cân “kính ý” sau cùng của Kim Râu nữa thì bất cứ cái gì đối với hắn bây giờ cũng đều là... chân lý cả.

Đồng nghĩa như thế, khi đã có đầy bao tử rượu rồi thì ngồi vào sòng bạc sẽ nhẹ nhàng vì cái túi sẽ nhất định trống không.

Đây là chén chót, không phải chén chót vì đã tới giờ tan sòng.

Ở đây không có chuyện tan sòng, mà chén chót tính theo đống tiền của Lữ đại hiệp.

Thiên hạ vẫn bu quanh nhìn vào ba hột xúc xắc nằm trong cái chén.

Kim Râu cầm ba hột xúc xắc lên tay một cách dễ dàng, hắn ném xuống chén cũng rất dễ dàng và cũng rất dễ dàng, ba hột xúc xắc đều nhả ra mặt lục.

Bỗng nhiên, Lữ Ngọc Hồ nhận ra rằng Kim Râu còn “đại hiệp” hơn là hắn nữa.

Trong võ lâm giao đấu thắng là “đại hiệp”, trong sòng bạc cũng thế, thắng là...

đại hiệp chớ còn gì nữa?

Trong sòng bạc, có nhiều tiền, ăn được nhiều tiền là anh hùng.

Vì thế cho nên Lữ Ngọc Hồ lủi vào đám đông để... đi ra.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện